I. Nhơn quyền trong tiến trình văn minh nhơn loại:
Ngày nay ai cũng biết Nhơn quyền là điểm hẹn của văn minh nhơn loại vào đầu thế kỷ XXI. Nhưng Nhơn quyền là gì? Thường thường không được định nghĩa rõ rệt để có thể tránh những ngộ nhận hoặc những lạm dụng có hậu ý chánh trị bất chánh. Nhà cầm quyền Cộng sản Hà nội luôn luôn đưa ra luận điệu theo đó Nhơn quyền là một khái niệm của tây phương, đặc biệt là của giai cấp tư sản, chớ không phải của Việt Nam. Sự thực, ngày nay, Nhơn quyền là một ý niệm chung của người tiến bộ. Theo ý niệm nầy, Nhơn quyền là những đặc quyền của con người được pháp luật qui định và do pháp luật chi phối, nhằm bảo vệ con người trong đời sống xã hội, giữa con người với con người và trong mối quan hệ giữa người dân với nhà cầm quyền. Nhơn quyền là nguồn gốc thực tế của sự tự do của con người. Sự tự do này đã được thể hiện thành nhiều quyền tự do cụ thể, có tiêu chuẩn rõ rệt được pháp luật bảo vệ. Trong số những quyền tự do ấy, có những thứ phải coi đó là cơ bản, không thể bị tiêu diệt, không thể chuyển nhượng, không ai, kể cả nhà câm quyền có thể xâm phạm tước đoạt. Tưởng cũng nên nói rõ, những đặc quyền ấy là những quyền tối thiểu của con người, không thể thiếu, bởi nếu không còn những quyền nầy thì con người sẽ mất hết phẩm giá, bị hạ xuống hàng súc vật.
Ở Tây phương, cố hương của Nhơn quyền phải nói là Hy-lạp và La-mã. Tuổi thọ của Nhơn quyền có lẽ đã đến 2000 năm hơn. Nhờ bởi nền dân chủ La-Hy mà Nhơn quyền, qua thời gian, đã có được những bước tiến mạnh mẽ, bắt đầu bằng sự khẳng định “quyền làm con người” (le droit d’être un homme) bao gồm những quyền tự nhiên không thể chuyển nhượng, không thể tiêu diệt. Sau đó đế quốc la mã sụp đỗ, mãi đến thế kỷ thứ XIII, Nhơn quyền ở Tây phương chợt như bừng tỉnh, sau một giấc ngủ dài trong bóng đêm trung cỗ, nhờ sự ra đời của bản Đại Hiến Chương (Magna Carta) nhằm giới hạn bớt quyền hành của nhà vua Anh. Từ đấy, Nhơn quyền bước được những bước dài vững chắc, qua bản Thỉnh nguyện Thư Dân quyền 1628, Luật Bảo thân (Habéas Corpus) 1679, Điều lệ Dân quyền 1689 của nước Anh, Tuyên ngôn Độc lập Huê kỳ 1776, rồi Tuyên ngôn Nhơn quyền và Công dân quyền 1789 của Pháp.
Hai cuộc cách mạng Mỹ và Pháp bùng nổ vào thế kỷ XVlll đã phục hồi địa vị con người cho chính con người và đối với những kẻ cầm quyền của các chế độ chuyên chế. Từ đây, nhơn quyền đã định hình với những chìu kích rõ nét. Qua hậu bán thế kỷ qua thì Nhơn quyền đạt được những bước nhảy vọt chưa từng thấy ở thời gian trước kia.
Về bản chất , vào thuở ban sơ, Nhơn quyền tuy được hiểu là quyền tự nhiên của con người nhưng vẫn còn bị quy chiếu vào thần quyền, theo sự suy diển chủ quan của triết gia tây phương. Nhưng đến cuối thế kỷ XX thì những giá trị này đã được định chế hoá nên đã trở thành những giá trị khách quan, để không còn ai có thể ngang nhiên xâm phạm được nữa. Nhơn quyền đã trở thành những giá trị phổ quát, không giành riêng để phục vụ một lớp người nào ở một địa phương nào nữa!
Về mặt thực tế, Nhơn quyền, từ nửa thế kỷ qua, đã được áp dụng chặc chẻ hơn để con nguời trên khắp thế giới không còn phân biệt đối xữ, bị ngược đãi làm tổn thương đến mạng sống và nhân phẩm nữa. Các định chế quốc gia và quốc tế đã hiệp lực bảo vệ Nhơn quyền, đồng thời còn thăng tiến đến mức hoàn chỉnh hơn. Thật vậy, Hiến chương Liên Hiệp Quốc 1945, Tuyên ngôn Quốc tế Nhơn quyền 1948, hai Công ước Quốc tế về quyền dân sự, chánh trị, kinh tế xã hội, văn hóa 1966 đã thật sự đưa từ ngữ Nhơn quyền từ thế giới ngôn ngữ, tư tưởng qua thực tế áp dụng cụ thể vào đời sống hằng ngày của con người trên hoàn cầu. Song song với áp dụng những biện pháp chế tài để trừng trị những vi phạm thô bạo Nhơn quyền đã được tổ chức và thực thi mà những cơ quan tư pháp hình sự quốc tế có thẩm quyền rộng lớn ra đời trong thập niên 90 của thế kỷ XX vừa qua.
Trong những năm cuối thế kỷ XX, Nhơn quyền khoác lên mình thêm một đặc tánh mới để thích ứng với sự chuyển biến của thế giới. Nhơn quyền trở thành những cưởng chế được thực thi để nhơn đạo hóa đời sống xã hội ở khắp nơi, kể cả việc can thiệp trực tiếp vào chiến tranh, can thiệp trực tiếp vào đời sống các quốc gia có đầy đủ chủ quyền nếu phải nhằm mục tiêu bảo vệ quyền làm người ở đó. Ngày nay Nhơn quyền đã làm thay đổi hoàn toàn về quan niệm chủ quyền quốc gia và mối bang giao quốc tế. Giá trị con người được thừa nhận là tối hậu và cao hơn mọi giá trị khác.
Phải chăng những bước tiến Nhơn quyền đã thật sự khép lại vĩnh viển một giai đoạn lịch sử dài mà suốt qua thời gian đó, những chánh sách bạo tàn của các vua chúa, của các chế độ phi nhơn quyền, phi nhơn đạo như Phát-xít, Na-zi, Cộng sản đã giết hại hằng trăm triệu nhơn mạng? Và một thời đại văn hoá nhơn quyền sẽ thật sự bắt đầu từ nay?
Thật tình, chúng ta có thể giữ cái nhìn lạc quan ấy nếu Tàu, Bắc Hàn, Việt Nam và một số nước Hồi giáo cực đoan sẽ lần lượt sớm chuyển hoá theo thể chế chánh trị dân chủ tự do.
II. Nhơn quyền ở Việt Nam dưới thời Quân chủ:
Việt Nam chắc chắn cũng phải có một lịch sử Nhơn quyền lâu đời. Nhưng không giống phương Tây. Trong ngôn ngữ chánh trị Việt Nam trước đây không có những từ ngữ như Nhơn quyền, Dân chủ. Mãi đến thế kỷ thứ XIV những từ ngữ này từ Tây phương du nhập qua Nhựt Bổn rồi vào Việt Nam. Nói như thế không có nghĩa là vào thời ấy ở Việt Nam người dân không được sống xứng đáng với địa vị con người và những quyền lợi của mình đã không được chánh quyền tôn trọng. Xã hội Việt Nam dưới thời quân chủ đã được tổ chức theo cơ cấu nhà vua ngự trị trên cao, còn thứ dân chiếm địa vị thấp nhứt. Mỗi người có riêng bổn phận phải chu toàn. Vậy khi nhà vua làm tròn bổn phận của nhà vua thì tự nhiên toàn dân hưởng được những phúc lợi, đại để phù hợp với những điều mà ngày nay chúng ta gọi là Nhơn quyền.
Bổn phận của nhà Vua còn được gọi là Thiên mệnh. Còn dân chúng là nền tảng xã hội, hay dân bản. Khi nền tảng vững chắc thì quốc gia yên ổn, vững bền. Trong việc thi hành trách nhiệm của Thiên mệnh nhà Vua bị Trời kiểm soát qua đời sống của dân chúng. Bởi ý Dân là ý Trời. Nếu nhà Vua không làm tròn bổn phận của mình đối với dân, mà còn tàn bạo đối với dân chúng thì lập tức, Trời sẽ theo ý dân mà thu hồi Thiên mênh. Trong suốt dòng lịch sử Việt Nam, phần lớn các vua đều cố gắng làm tròn bổn phận đối với thần dân. Dưới những triều đại ấy, dân chúng hưởng được những phúc lợi mà ngày nay ta gọi là Nhơn quyền.
Nhơn quyền dưới thời quân chủ cực thạnh ở Việt Nam còn được nới rộng đến quyền chánh trị. Người dân nhờ tài đức, văn hóa, đều có thể tham gia chánh quyền qua các cuộc thi tuyển thường được tổ chức rất công bình. Chỉ có ngôi vua mới truyền lại trong phạm vi hoàng tộc mà thôi.
Từ thời nhà Lý, vào thế kỷ thứ XI, Việt Nam đã mở ra những khoa thi để chọn người tài ra giúp nước. Ngoài ra các chế độ Quân chủ ở Việt Nam thời xưa, chẳng những cho phép, mà còn khuyến khích mọi người hãy bày tỏ quan điểm chánh trị của mình. Quan chức và dân chúng có quyền dâng sớ phê phán triều đình hoặc bày tỏ nguyện vọng của mình. Vua Minh Mạng đã từng nhiều lần nói với các quan rằng việc nước quá nhiều mà sự hiểu biết của một người thì quá giới hạn. Bởi vậy, chúng ta cần biết ý kiến của nhiều người để có cái nhìn đúng và có giải pháp thích nghi.
Về mặt luật pháp, các chế độ quân chủ ở Việt Nam thời xưa đều quan tâm đến việc bảo đảm cho dân chúng có một xã hội công bằng, lấy đạo đức làm nền tảng. Hai bộ Luật còn được sử dụng cho đến thập niên 1970 – thời Việt Nam Cộng hòa chúng ta, dĩ nhiên với những cải tiến, đó là “Quốc Triều Hình Luật” và “Hoàng Việt Luật lệ” Hai bộ Luật này phạt rất nặng, có khi tử hình, những tội phạm quan chức sách nhiễu, tham nhũng, hối mại quyền thế qua trung gian vợ con, người thân trong họ hoặc gia nhơn. Án tử hình thường phải do nhà vua quyết định cuối cùng. Hai bộ Luật nầy đều rất tôn trọng nữ quyền. Hình phạt dành cho phụ nữ luôn luôn nhẹ hơn. Trong gia đình, về quyền lợi, người phụ nữ có đầy đủ quyền lợi như người đàn ông. Quốc Triều Hình Luật qui định rõ thời hạn các vụ án phải được kết thúc nhanh để tránh mất thì giờ của đôi bên. Điều này được xem là rất tiến bộ so với một số quốc gia phương Tây ngày nay.
Về kinh tế xã hội, chế độ Quân chủ Việt Nam quan tâm bảo đảm cho mỗi người dân có được một đời sống tối thiểu bằng cách cấp phát cho mỗi người một phần đất để tự mưu sanh. Từ thời nhà Lê, vua Lê Thái Tổ đã thực hiện chánh sách cải cách ruộng đất, trưng thu ruộng đất của các triều đại trước, của những quan chức làm giàu bất chánh, của những người không có thừa kế để cấp phát đồng đều cho dân chúng canh tác. Việc cấp phát này được xét lại mỗi bốn năm. Về sau, việc xét lại theo mười năm một lần.
Qua thời nhà Nguyễn, nhờ mở mang trong Nam, nên việc cấp phát ruộng đất được rộng rải hơn, và giao cho địa phương đảm trách. Nhà Nguyễn còn nghiên cứu trưng tập các tư điền của nhà giàu lớn, lấy 3/10 diện tích để xung vào công điền cấp phát cho cô nhi quả phụ thương phế binh. Dưới thời quân chủ cực thạnh ở Việt nam, người dân tương đối đều được hưởng khá đầy đủ các quyền lợi mà ngày nay chúng ta gọi là Nhơn Quyền.
III. Nhơn quyền ở thời dưới thời Quốc gia và Cộng Hòa:
Suốt từ 1949 đến 1975, trãi suốt ba thời kỳ: Quốc gia Việt Nam, Đệ Nhứt hay Đệ Nhị Cộng hòa, từ ban sơ, vừa lấy lại chủ quyền từ tay thuộc địa Pháp, qua đến những thời gian phôi thai tập tững, vừa xây dựng một quốc gia tân thời, tự do, tiên tiến, vừa phải luôn luôn chiến đấu giữ nước, đương đầu với giặc Cộng Sản ngoại lai, trong một môi trường chánh trị chưa trưởng thành, nhưng, luôn luôn vẫn giữ cung cách và đạo đức nhơn bản, tôn trọng những quyền căn bản và nhơn phẩm của mọi công dân Việt Nam.
Thât vậy, suốt dưới chế độ của ba thể chế Việt Nam Tự do ấy – Quốc gia hay Cộng hòa – và cả ngay từ ngày vừa lấy lại Độc lập và Chủ quyền từ tay Pháp ấy, ngay từ tháng 7 năm 1949, trong cái giai đoạn khó khăn ban đầu ấy cho đến năm 1954, suốt ròng rã 5 năm, đã, cùng với toàn dân cả nước, từ Ải Nam Quan đến Mủi Cà Mau, vừa xây dựng, vừa chiến đấu. Quốc Gia Việt Nam với Cựu Hoàng Bảo Đại là Quốc Trưởng ngay lúc, vừa lấy Độc lập, Tự do lại từ tay thực dân Pháp ấy, đã phải vừa Việt Nam hóa hoàn toàn hệ thống hành chánh, các chương trình giáo dục, các cơ sở kinh tế thương mại và cơ chế chánh trị ; lại vừa phải tổ chức cơ sở và đơn vị quân sự để chiến đấu cạnh quân đội Pháp chống giặc của trục Đỏ Cộng Sản quốc tế Sô-Tàu-Việt Hànội-Bắc-Kinh-MặcTưKhoa ! Nhưng vẫn tôn trọng các quyền tối thiểu của người dân, báo chí, thông tin, đi lại …
Từ năm 1954 đến năm 1963, trong 9 năm liền của Đệ nhứt Cộng Hòa, khi vừa yên được tiếng súng, đất nước lại bị chia đôi, Việt Nam Quốc gia Tư do của chúng ta, nay chỉ còn nửa nước phía Nam, lại phải nhận thêm 1 triệu đồng bào ruột thịt di cư, lại phải một lần nữa, trong cái khó khăn, của buổi ban đầu, của thờI thơ ấu, bơ vơ, không đồng minh tiếp liệu, đở đầu dẫn đắt,, Pháp vừa bỏ đi, Mỹ chưa đến, phải tiếp tục vừa xây dựng nước, tái lập trật tự, cũng cố chế độ Cộng Hòa, với bản Hiến Pháp, đồng thời cũng phải đấu tranh giữ vững nền Dân chủ Tự do Nhơn bản, nên phải tiếp tục vừa tổ chức nền hành chánh quản trị nước, vừa xây dựng xã hội, giáo dục huấn nghề đào tạo thanh thiếu niên, vừa cũng cố quân đội để chiến đấu tự vệ bảo vệ nước khỏi giặc đỏ ngoại bang.
Nhưng trong 9 năm nầy của nền Đệ Nhứt Cộng Hòa chỉ được 6 năm là Nhơn quyền ở Việt Nam nở rộ, cả chục tờ báo, tự do ngôn luận, đa ngôn, đa văn, tự do đi lại, thương mãi, thông thương xuyên Việt, và mọi tôn giáo được tôn trọng. Cũng vì quyền tự do ngôn luận được quá tôn trọng, cũng vì quyền con người được quá tôn trọng, nên hết phản khán nầy, đến xuống đường nọ. Hết nhóm trí thức Caravelle họp ra thư ngõ, đến phe Phật Giáo xuống đường…tuyên ngôn, nên dễ dàng bị Cộng Sản trà trộn nội tuyến xáo trộn đất nước, nên 3 năm sau từ 1960 trở đi đến 1963 là tình hình chánh trị của đất nước bị khủng hoảng đưa đến nền những ngày đầu Đệ nhị Cộng hòa đầy hỗn loạn…
Từ 1963 đến 1975, Nhơn quyền vẫn luôn luôn được tôn trọng. tuy ở trong thể chế một Việt Nam hoàn toàn trong tình trạng chiến tranh. Việt Nam Cộng Hòa không lúc nào đưa tình trạng thiết quân luật lên hàng đầu…Sài gòn vẫn tiếp tục bị bọn phản chiến thân Cộng nằm vùng xáo trộn cuộc sống, nào biểu tình, nào xuống đường, … hết ký giả ăn mày, đến linh mục, thầy chùa chống tham nhũng. … Nhưng chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ tuyên bố kỹ luật sắt, tình hình quân sự – état de guerre hay tổ quốc lâm nguy – la patrie en danger – cho phép bắn bỏ tại chổ những ai là phản quốc – như bọn Việt Minh đã làm thời khánh chiến. Nhơn quyền vẫn được tôn trọng, tiếng nói phản khán vẫn được tôn trọng.
Để Kết Luận:
Một chế độ dân chủ tự do nhơn bản, biết tôn trọng nhơn quyền, đó là một hãnh diện nhưng đó cũng nhược điểm của con người Việt Nam quốc gia, nhơn bản tử tế, đầy tình người !
Đó nhơn cách của người Đại Việt hào hùng, của người Đại Việt với một nền văn hóa nhơn bản.
Chúng ta, những người con Việt, nguyện luôn luôn tranh đấu để mãi mãi giữ vững một quốc gia Đại Việt, một văn minh Đại Việt, một văn hóa Đại Việt đầy nhơn bản, đầy tình người, trọng nhơn quyền, trọng tất cả mọi quyền căn bản tối thiểu của con người !
Hồi Nhơn Sơn, Ngày Nhơn quyền 11 tháng 5
TS.PhanVăn Song
Tuần tới : Nhơn quyền với cái nhìn Cộng Sản
Nhơn quyền cũng là quyền của người dân nổi dây lật đổ bạo quyền.