Cuộc Hòa đàm Paris được khai mạc vào ngày 10-5-1968 và kết thúc bằng Hiệp định Hiệp Định Chấm dứt Chiến Tranh và Phục Hồi Hòa Bình tại Việt Nam (Agreement on Ending the War and Restoring peace in Vietnam) ký kết ngày 27-1-1973 giữa Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (Mặt trận giải phóng). Phía Cộng Sản Bắc Việt phát biểu “đó là kết quả của cuộc thương thuyết dài nhất thế kỷ, nó kéo dài 4 năm và chín tháng, gồm 202 phiên họp công khai và 24 phiên họp kín (1)
Có lẽ đây là một Hội nghị dài nhất trong lịch sử ngoại giao quốc tế, kéo dài tám tháng dưới nhiệm kỳ Tổng thống Johnson (tháng 5-1968 tới tháng 12-1969) sang hết nhiệm kỳ đầu của Tổng Thống Nixon (1969 -1972) và một tuần trong nhiệm kỳ hai của ông (từ 21 tới 27-1-1973). Nixon và Kissinger mới đầu tưởng trong một năm sẽ giải quyết được nhưng không ngờ bị sa lầy trong chính sách “trường kỳ đàm phán” của Hà Nội, nó rập khuôn chiến lược “trường kỳ kháng chiên” của Trường Chinh. Đây là một đường lối thương thuyết dai như đỉa đói cắn cầy, mục đích làm cho đối phương phải kinh tởm và bỏ cuộc.
Việc thương thuyết thực ra do mật đàm, đi đêm giữa Tiến sĩ Henry Kissinger, Phụ tá TT Nixon và Lê Đức Thọ, Cố vấn đặc biệt của CSBV bắt đầu từ 4-8-1969. những năm 1969, 1970, 1971 cuộc hòa đàm không tiến triển vì CSBV khăng khăng đòi Mỹ đơn phương rút quân, loại bỏ Nguyễn Văn Thiệu, cắt viện trợ VNCH, trung lập hóa miền Nam… nghĩa là ra đòi Mỹ đầu hàng không điều kiện. Sở dĩ họ ngoan cố như vậy vì dựa vào sự chống đối của người dân và Quốc hội Mỹ.
Hòa đàm Paris chỉ thực sự biến chuyển bắt đầu từ tháng 10-1972 cho tới tháng 1-1973. Cộng quân thảm bại trong trận tổng tấn công 1972 (Mùa hè đỏ lửa), khoảng 100,000 cán binh bị giết 700 xe tăng bị bắn cháy (2). Ngoài ra phần vì BV muốn ký sớm trước cuộc bầu cử Tổng thống ngày 7-11-1972, họ biết chắc Nixon sẽ tái đắc cử, khi ấy ông ta sẽ cứng rắn hơn.
Tôi xin chia làm hai giai đoạn
Từ tháng 10 tới tháng 12-1972
Tháng 10 -1972 Hà Nội nhượng bộ gần hết những khoản chính như không đòi lật đổ Thiệu, không đòi Liên hiệp, cắt viện trợ miền nam… đổi lại Cộng quân được ở lại miền nam VN. Ngày 9-10-1972 hai bên Mỹ và BV ký bản Dự thảo, ngày 11-10 Kissinger về Mỹ báo tin cho Nixon, ngày 19 ông sang Sài Gòn để bàn với TT Thiệu, sau đó sẽ đi Hà Nội, dự trù sẽ ký chính thức vào ngày 25, 26 hai tuần trước bầu cử Tổng thống Mỹ 7-11-1972. Ngày 19 Tiến sĩ Kissinger sang Sài Gòn đưa bản Dự thảo cho ông Thiệu coi và hy vọng sau đó ký kết.
Kissinger vô cùng phấn khởi y như mở cờ trong bụng, Hiệp định ký trước ngày bầu cử sẽ đưa ông lên tột đỉnh danh vọng, tha hồ mà khoe khoang công trạng đã giúp cho Nixon đắc cử vẻ vang.
Quá sốt sắng với bản Hiệp định, Kissinger đã đánh giá thấp Thiệu, tưởng Mỹ nói gì Thiệu cũng phải nghe (3) vả lại lần này chính phủ Thiệu không bị loại bỏ vì BV đã nhượng bộ không đòi ông từ chức. Trái với mong đợi của Kissinger, VNCH chống đối bản Dự Thảo dữ dội, Thiệu nhất quyết đòi sửa nhiều điều khoản nhất là Cộng quân phải rút hết về Bắc (4)
Trước ngày về Mỹ, Kissinger đánh điện cho Nixon nói VNCH gây trở ngại và đề nghị Mỹ ký riêng với Hà Nội không cần miền nam VN nhưng trước sự ngạc nhiên của ông ta, Tổng thống Mỹ không đồng ý. Nixon vốn không ưa gì người phụ tá này, thừa biết tham vọng của Kissinger muốn ký cho nhanh trước bầu cử để khoe công trạng um lên (5). Qua thăm dò Nixon đả vượt quá xa đối thủ McGovern nên chẳng cần ký trước bầu cử để phải chịu ơn Kissinger và ông ủng hộ TT Thiệu bác bỏ bản Dự thảo tháng 10.
Theo George Moss (6) Nixon đồng ý với Thiệu chống bản Dự thảo này, ông cũng biết cựu Tư lệnh MACV Westmoreland và giới Lãnh đạo quân sự Mỹ chống Hiệp định nên ông cũng không cho ký.
Đầu tháng 11 tại Hòa đàm Paris Kissinger đưa ra 69 điểm đòi sửa chữa theo yêu cầu của VNCH, đòi BV phải rút hết quân, Kissinger cũng đe dọa BV nói Nixon sẽ đắc cử nay mai, ông ta sẽ cứng rắn hơn. Hà Nội không tin như vậy, họ vẫn thường nghĩ Thiệu chỉ là bù nhìn tay sai, Mỹ bảo sao nghe vậy, chuyện này chắc do Mỹ lươn lẹo bầy ra. Thọ bác bỏ yêu cầu này và lại đòi loại bỏ Thiệu như trước.
Nixon đại thắng trong cuộc bầu cử 7-11, tái đắc cử với 520 phiếu cử tri đoàn (trên 49 tiểu bang, chiếm tỷ lệ 96.65% tổng số). Đối thủ McGovern đảng Dân chủ được 17 phiếu cử tri đoàn của bang Massachusetts và District of Columbia (tỷ lệ 3.16%)
Nixon được 47,168,710 phiếu phổ thông, tỷ lệ 60.7%, McGovern 29,173,222 phiếu, tỷ lệ 37.5%, đây là lần thắng lớn thứ tư (landslide) trong lịch sử Mỹ.
Cuối tháng 11 ông vội viện trợ cho VNCH khoảng một tỷ quân viện vì sau khi ký Hiệp định sẽ chỉ được viện trợ trên căn bản một đổi một (7). Hai đợt viện trợ Enhance và Enhance Plus gồm nhiều nhất là máy bay, hơn 600 phi cơ trong đó có hơn 200 phản lực chiến đấu và trên 300 trực thăng. Nhờ đó Không quân VNCH đứng thứ tư trên thế giới về số lượng tổng cộng 2,075 máy bay đủ các loại (8). Năm 1974, 1975 sau những đợt cắt giảm viện trợ của Quốc hội, số máy bay này phần nhiều nằm ụ vì thiếu cơ phận thay thế và không đủ săng để cất cánh. (9)
Tháng 11 và 12 năm 1972 ông Thiệu mở chiến dịch lên án Kissinger và Hành pháp Mỹ ép buộc miền nam ký Hiệp ước bất bình đẳng và nêu rõ chủ trương không đầu hàng CS, không cắt đất cho CS, không trung lập liên hiệp….TT Nixon tức giận BV ngoan cố và cũng khó chịu về sự chống đối Dự Thảo kéo dài của VNCH
Giữa tháng 11-1972 Nixon đã gửi nhiều thư hứa hẹn vói Thiệu sẽ trừng trị mọi vi phạm của địch:
“Tôi xin cam kết với ông nếu Hà Nội vi phạm Hiệp định , tôi sẽ giáng trả họ nhanh chóng và ác liệt.”(10)
Tháng 11 cuộc thương thuyết bế tắc, sang tháng 12 tình hình còn bi đát hơn, Hà Nội để lộ âm mưu phá hoại đàm phán chờ phiên họp mới của Quốc hội Mỹ đầu năm 1973, họ tin là Lập pháp sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh buộc chính phủ phải rút quân và cắt viện trợ quân sự, miền nam sẽ không thể tồn tại (11). Hòa đàm tan vỡ ngày 14-12, Lê đức Thọ bỏ Hội nghị về Hà Nội không hẹn ngày trở lại
Nixon phẫn nộ chồng chất từ bốn năm qua do sự ngoan cố của Hà Nội (12) và phải gấp rút đưa CSVN trở lại bàn Hội nghị để cứu miền nam VN, ông đã cho oanh tạc Hà Nội, Hải Phòng bằng B-52 kéo dài từ 18 cho tới 29-12. Chiến dịch xử dụng 207 pháo đài bay và hàng nghìn máy bay chiến thuật (luân phiên) ném 20,000 tấn bom xuống các mục tiêu quân sự, kinh tế như kho hàng, nhà máy điện, ga xe lửa, kho nhiên liệu, phi trường …Mỹ bị thiệt hại 27 máy bay trong đó có 15 chiếc B-52
Chiến dịch mặc dù bị dư luận trong nước và quốc tế chống đối nhưng đã có kết quả tốt, đưa Hà Nội trở lại bàn hội nghi vào đầu tháng 1-1973, cứu được miền nam.
Tháng 1-1973
Phía VNCH, TT Thiệu vẫn tiếp tục chống đối ký kết Hiệp định mà ông cho là bất bình đẳng, đòi “Cộng sản BV phải rút hết về Bắc”
Đảng Dân chủ chiếm đa số tại Quốc hội hăm dọa ra luật chấm dứt chiến tranh nếu Hiệp định bị trở ngại. Ngày 2-1-1973 Hạ viện Dân chủ bầu nội bộ với lệ 154 thuận và 75 chống để cắt hết viện trợ mọi hoạt động quân sự ở Đông dương vừa khi đã rút quân về nước và lấy lại tù binh. Hai ngày sau, Dân chủ Thượng viện bầu nội bộ cũng thông qua Dự luật tương tự với số phiếu 36 thuận và 12 chống. (13)
Trận oanh tạc long trời lở đất đã khiến cho BV hết hồn nhất là thấy hai đàn anh vĩ đại Nga, Trung Cộng chỉ phản đối xuông không cứu được đàn em. Bộ Chính trị CSVN hốt hoảng, hồn vía lên mây xanh nghĩ tới trận kế tiếp nên vội chấp nhận trở lại bàn Hội nghị.
Ngày 6-1 Lê Đức Thọ trở lại Paris, hôm sau Kissinger cũng đến. Hai bên đều có thiện chí giải quyết để cùng đạt Hiệp định ngưng bắn. Phía Mỹ cũng muốn ký cho nhanh vì sợ Quốc hội ra luật chấm dứt chiến tranh nều Hiệp định trở ngại. Ngày 8 và 9 -1 hai bên thảo luận tốt đẹp ngày 11 bên bàn thủ tục ký kết
Ngày 7-1 tại Sài gòn ông Thiệu chưa trả lời, ngày 14-1 Nixon cử Tướng Haig sang Sài Gòn để thuyết phục Thiệu, ông ta mang thư của Nixon cho biết
“ Tôi đã quyết định ký chính thức ngày 27-1-1973 tại Paris, nếu cần Mỹ sẽ ký một mình, trong trường hợp này tôi sẽ nói VNCH gây trở ngại hòa bình, kết quả là sẽ bị cắt viện trợ kinh tế quân sự và sẽ có thay đổi trong chính phủ của ông”. Nixon vừa cây gậy vừa cà rốt, ông ta cũng tháu cáy Thiệu, dọa cho đảo chính (14). Ngày 17-1 Thiệu đòi sửa một số điều khoản nhưng Nixon từ chối.
TT Nixon đã gửi nhiều thư cam kết hứa hẹn với ông Thiệu từ mấy tháng nay, những lời hứa này không có giá trị pháp lý đối với nước Mỹ vì nó không được đưa ra Quốc hội. Đó chỉ là lời húa riêng giữa cá nhân hai ông Tổng thống (tôi đã viết riêng một bài về vấn đề này).
Ngày 20-1 ông Thiệu cử Tổng trưởng ngoại giao Trân Văn Lắm đi Paris, TS Kissinger nói là một cách để đỡ mất mặt, ông này xỏ xiên vì rất cay cú TT Thiệu, tác giả Mark Clodfelter (15) cho là sự trì hoãn của TT Thiệu để giữ thể diện hơn là chống đối. Thật ra ông Thiệu quyết tâm chống đối chứ không phải để giữ thể diện mà vì quá sợ hãi bản Hiệp định.
Clodfelter nói mặc dù nếu không có trận oanh tạc Giáng Sinh ta không biết Quốc hội có cắt viện trợ VNCH hay không, nhưng sau trận oanh tạc Lập pháp phẫn nộ và việc cắt viện trợ miền Nam chắc chắn sẽ xẩy ra nếu TT Thiệu từ chối ký kết Hiệp định. Nhà lãnh đạo miền nam không dám liều lĩnh như vậy, không có viện trợ, không thể sống còn. Ông ta đồng ý ký nhưng sau hạn chót của Nixon (16)
Theo Davidson, TT Nixon cử Tướng Haig sang Saigon giữa tháng 1-1973 nói với TT Thiệu mặc dù Hiệp định không hoản hảo nhưng trong tình thế này phải chấp nhận. Ông hứa sẽ bảo đảm bằng vũ lực nếu địch vi phạm và hứa thúc đẩy Quốc hội tiếp tục viện trợ VNCH đồng thời cũng hăm dọa sẽ ký riêng với Hà Nội nếu cần và sẽ cắt viện trợ miền Nam. Đứng trước cái gậy to, củ cà rốt bé, Thiệu đồng ý ký (17).
George Herring nói Nixon hứa hẹn Thiệu sẽ bảo đảm thi hành Hiệp định, tiếp tục viện trợ miền nam VN và hăm dọa sẽ cắt viện trợ cũng như ký riêng, cũng tháu cáy Thiệu dọa đảo chinh. Nhà lãnh đạo Sài Gòn đành chịu thua, ông không nói rõ là chịu ký mà chỉ cho biết không chống đối nữa (18)
Nhận xét và kết luận
Cuối cùng TT Nixon ký Hiệp định Paris với Hà Nội ngày 27-1-1973, nó cũng giống như bản Dự thảo từ tháng 10-1972 (trước đó ba tháng), một điểm quan trọng là BV vẫn đóng quân tại miền nam VN. Bản Dự thảo tháng 10 và Hiệp định tháng 1-1973 có khác nhau chút xíu mà các nhà sử gia Mỹ gọi là đồ trang sức (cosmetic) cho vui. Trận oanh tạc long trời lở đất với 20,000 tấn bom và cuộc thảo luận kéo dài hơn bốn năm cuối cùng vẫn không đuổi được Cộng quân rút về Bắc
Bản Dự thảo tháng 10-1972 mà Kissinger muốn ký cho nhanh để Nixon đắc cử rồi sẽ khoe khoang công trạng ầm ĩ. Nixon không muốn để Kissinger lên quá, qua mặt ông vì thế ông đã ủng hộ TT Thiệu chống bản Dự thảo này. Nixon ủng hộ Thiệu phần vì muốn khống chế tham vọng Kissinger và vì giới Lãnh đạo quân sự chống Dự thảo. Mặc dù thắng lớn về ngoại giao nhưng hai nhà lãnh đạo Kissinger và Nixon nói xấu nhau, dành khoe khoang công trạng (19).
Rồi tình hình ngày một khó khăn, Quốc hội thúc ép, đầu tháng 1-1973 Lưỡng viện Dân chủ bầu nội bộ để cảnh cáo Hành pháp cũng như VNCH nếu ngăn trở Hiệp định họ sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh, cắt viện trợ miền nam VN. Lúc này Nixon không thể ủng hộ Thiệu được nữa mà đòi Thiệu ký. Cuối cùng ông Thiệu chấp thuận ký Hiệp định Paris không phải do Nixon ép buộc, đe dọa mà vì ông biết chắc sẽ bị Quốc hội Dân chủ thẳng tay bức tử như Clodfelter đã nói trên. TT Thiệu nhận định như vậy chứ không phải ông không hay biết gì như nhiều người lầm tưởng.
Suốt thời kỳ chiến tranh VN, đảng Dân chủ luôn chiếm đa số tại Quốc hội, năm 1972 họ nắm giữ 56% Hạ viện và 57% Thượng viện, DC chống chiến tranh dữ dội. TS Kissinger than phiền trong hồi ký về đảng Dân chủ (20), ông ta cho biết DC đã gây ra cuộc chiến sa lầy tại VN với nửa triệu quân do TT Johnson đưa vào. Nay họ trở mặt chống chiến tranh gây nhiều khó khăn cho Hành pháp.
Thật vậy, ỷ vào quyền lực của mình tại Lưỡng viện Quốc hội, họ luôn hăm dọa cắt hết mọi ngân khoản chiến tranh để đổi lấy hòa bình dù phải đầu hàng CS. Những năm 1964, 1965 Hành pháp DC tích cực tham chiến đưa quân vào VN vì theo thăm dò tỷ lệ ủng hộ người dân rất cao (60%, 70%) nay người dân quá chán chiến tranh, họ vội trở cờ hùa theo phong trào phản chiến. Với tinh thần cơ hội chủ nghĩa, DC sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để lấy lòng dân thủ lợi.
Nhiều người than phiền ký kết Hiệp định Paris như vậy coi như đã chịu thua, nhưng thà ký còn hy vọng sống thêm vài năm hơn là bị người ta bức tử vào thời điểm này. Giữa hai cái cùng tồi tệ chỉ có thể lựa cái bớt xấu hơn và ông Thiệu đã sáng suốt vào giờ thứ 25.
Từ hạ tuần tháng 10-1972 cho tới hạ tuần tháng 1-1973, ông Thiệu nhất quyết đòi CSBV phải rút hết về Bắc, TT Nixon đã ủng hộ ông một thời gian nhưng sau đó cũng bất lực. Nixon nói nếu đạt thỏa hiệp đòi BV trả lại đất cho VNCH thì họ sẽ không ký Hiệp định. Có nghĩa là không thể nào đòi họ rút về Bắc (21). TT Nixon đã khuyên ông Thiệu không nên quan tâm việc quân địch còn đóng tại một số vùng dân cư thưa thớt, mà vấn đề quan trọng ở chỗ Quốc hội Mỹ có tiếp tục viện trợ và ủng hộ chúng ta hay không (22) Đúng như Nixon đã tiên đoán, năm 1975 Sài Gòn sụp đổ không phải vì BV còn đóng quân ở lại mà vì Quốc hội đã cắt viện trợ bức tử miền nam.
Chiến dịch vận động của ông Thiệu để có một Hiệp định bình đẳng hơn và giữ thể diện quốc gia mới đầu có ý nghĩa nhưng sau dần dần đã đi quá đà nhất là từ đầu tháng 1-1973. Nó gây chia rẽ trầm trọng giữa Sài Gòn và Hoa Thịnh Đốn mà Hà Nội đã khai thác triệt để tại bàn Hội nghị, họ bác bỏ tất cả những đề nghị sửa lại nhiều điểm của VNCH do Kissinger đưa ra.
Ông Thiệu đã không quan tâm đến tình thế bấp bênh khi mà ngoài CSBV ra, miên nam VN còn phải đối diện với một kẻ thù vô cùng nguy hiểm: Quốc hội Dân chủ thù nghịch (hostile Congress) chỉ chờ cơ hội để sát hại VNCH. Gió đã đổi chiều, đối với Quốc hội DC Mỹ, Đông Dương nay không còn là tiền đồn chống Cộng như ông Thiệu tưởng, người ta đã bắt tay được Trung Cộng và hòa với Nga từ hơn nửa năm về trước. Thuyết Domino không còn ý nghĩa, nay họ chỉ muốn hòa bình, lấy lại tù binh. Nói khác đi sinh mạng của 580 người tù binh Mỹ mới thực sự quan trọng vào lúc này, sinh mạng của cả Đông dương không nghĩa lý gì.
Ở cương vị nhà lãnh đạo, ông Thiệu hiểu rõ thực trạng vấn đề hơn ai hết, nhưng hai năm sau vào giữa tháng 3-1975, ông ban lệnh rút bỏ Pleiku giả vờ thua chạy để tháu cáy Mỹ. Ngay như Đại tá tham mưu trưởng Quân đoàn II cũng nghi ngờ ông Thiệu vờ thua chạy đưa tới hậu quả thảm khốc khiến bao nhiêu người mạng vong trong cơn khói lửa.
Chiến dịch chống bản Hiệp định bất bình đẳng mà ông Thiệu nhằm vào Hành pháp tháng 1-1973 là một sai lầm lớn vì ngoài Nixon ra, tại Mỹ hầu như không còn ai ủng hộ cuộc chiến tranh này, người ta đều khao khát hòa bình. Nixon đã nói với Nguyễn Phú Đức (đại diện VNCH) cuối tháng 11 vừa qua: không ai hết lòng với sự sống còn của miền nam VN bằng ông (23). Nixon-Kissinger cũng đã có lần nói với Thiệu rồi ông sẽ thấy ai là bạn, ai là thù. Chống lại Hành pháp lúc này là thất sách trong khi chúng ta chỉ còn dựa vào họ, vả lại Nixon phải chạy đua với thời gian (we were racing the clock) vì đã hứa sẽ mang lại hòa bình trong nhiệm kỳ, mà nay đã sang nhiệm kỳ mới.
Cho tới khi sự nghiệp chính trị của TT Nixon phá sản, nhiều người Việt kể cả ông Thiệu vẫn chưa tỉnh cơn mê, vẫn còn oán trách người Mỹ không giữ lời cam kết. Thực ra những lời “cam kết chui” mà Nixon-Kissinger dấu không đưa ra Quốc hội đã khiến cho họ phẫn nộ khi được biết vào tháng 4-1975 và đã thẳng tay với VNCH.
Nửa năm sau Hiệp định Paris, Quốc hội Dân chủ ra luật cắt hết mọi ngân khoản dành cho chiến tranh Đông Dương của Hành pháp. Nixon không còn quyền hành để bảo vệ đồng minh tại nơi đây.
Viễn tượng sụp không còn xa nhưng dù sao việc ký kết Hiệp định Paris tháng 1-1973 đã giúp Đông dương sống còn thêm được vài năm nữa.
Trọng Đạt
Chú thích
(1) Lewis Sorley: A Better War, The Unexamined Victories and Final Tragedy of America’s Last Years In Vietnam trang 361
(2) Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975 trang 587
(3) George C. Herring: America’s Longest War, The United States and Vietnam, 1950-1975 trang 277
(4) Larry Berman: No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam- chapter 9 -Thieu kills the deal trang 160)
(5) George C. Herring: America’s Longest War trang 277
(6) George Donelson Moss: Vietnam, An American Ordeal trang 365
(7) Nixon: No More Vietnams trang 170, 171
(8) Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 877
(9) Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà trang 82-88
(10) No More Vietnams trang 156
(11) sách kể trên trang 170 “to legislate an end to our involment”
(12) America’s Longest War trang 280
(13) Nixon: No More VN trang 169, 170; Larry Berman: No Peace No Honor trang 221
(14) Mark Clodfelter: The Limits of Air Power trang 200
(15) sách kể trên trang 200
(16) sách kể trên trang 200
(17) Phillip B. Davidson: Vietnam at War The History 1946-1975
trang 730
(18) America’s Longest War trang 281, 282
(19) Sách kể trên trang 283
(20) Henry Kissinger: White House Years trang 227
(21) Nixon: No More Vietnams trang 152 “But one major issue we could not budge the North Vietnamese from their positions: They refused to withdraw their forces from South Vietnam”
(22) Sách kể trên trang 155
(23) Larry Berman: No Peace No Honor trang 200