Vấn đề “Thể chế chính trị của Việt Nam hậu cộng sản” là một vấn đề quan trọng cần tiếp cận nghiêm chỉnh. Bài tham luận này cố gắng đưa ra một quan điểm dựa vào những chiều hướng phát triển lớn của nhân loại đã xảy ra trong dĩ vãng và đang tiếp tục diễn biến vào tương lai theo những lộ trình đang hiện lên rõ nét.
Xin mời qúy độc giả theo dõi những đoạn viết sau đây.
Bộ mặt thật của chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Chủ nghĩa tư bản , ra đời khoảng 250 năm qua, đã không “dẫy chết” như Marx tiên đoán một cách hồ đồ, nhưng dù sao thì cũng đã phải trải qua ba cuộc khủng hoảng lớn: 1/ khủng hoảng 1866-1873; 2/ khủng hoảng 1929-1933 ; 3/ khủng hoảng 2008-2014.
Qua ba cuộc khủng hoảng này, chủ nghĩa tư bản đã biến dạng hoàn toàn không còn ai nhận ra được nữa, và sau mỗi lần như vậy, nó đã ảnh hưởng không ít vào cấu trúc chính trị của thế giới. Chúng ta thử nhìn qua xem kết quả của những ảnh hưởng đó ra sao và bộ mặt thật của chủ nhĩa tư bản hiện nay có hình dáng thế nào.
Khủng hoảng 1866-1873
Khủng hoảng 1866-1873 là khủng hoảng lớn nhất và quan trọng nhất. Để đối phó với cuộc khủng hoảng này chủ nghĩa tư bản đã tự điều chỉnh và sau khi khủng hoảng chấm dứt đã cỏ ba bước phát triển mới: thứ nhất là sự ra đời của công ty cổ phần; thứ hai là sự tách rời quyền sở hữu tư bản ra khỏi sự quản lý kinh doanh (nhiệm vụ kinh doanh được sang tay cho các nhà quản lý chuyên nghiệp); thứ ba là các công ty tài chính và các ngân hàng được trao cho khả năng huy động vốn to lớn hơn (họ có khả năng huy động vốn tiết kiệm của toàn bộ xã hội để rót vào số tiền đầu tư và phát triển của các xí nghiệp tư bản).
Trước những phát triển mới đó của chủ nghĩa tư bản, tư chất thông minh và nhạy bén của Marx đã nhận ra khả năng đấu tranh bằng đường lối hòa bình, không còn cần phải đập tan toàn bộ di sản của chủ nghĩa tư bản nữa. Và đây là ý tưởng cơ bản nhất của Marx và của Engels vào những năm cuối đời. Trong cuốn Tư Bản Luận III, Marx đã sửa lại kết luận của cuốn Tư Bàn Luận I, trước khi ông từ gĩa cõi đời vào năm 1883.
Ngày 6/3/1895, trước khi mất 5 tháng (5/8/1895) Engels, trong lời nói đầu của cuốn “Đấu tranh giai cấp ở Pháp” viết : “ Lịch sử chứng tỏ chúng ta đang mắc sai lầm. Quan điểm cũa chúng ta hồi đó chỉ là ảo tưởng. Lịch sử còn làm được nhiều hơn thế nữa, không những xóa bỏ những mê muội của chúng ta mà còn thay đổi điều kiện đấu tranh của giai cấp vô sản. Phương pháp đấu tranh năm 1848 nay đã lỗi thời về mọi mặt”.
Với nhận định này, Engels đã thành lập Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức, đông thời chỉ đạo những Đảng Dân Chủ Xã Hội khác theo hướng đi của Đệ Nhị Quốc Tế. Các tên tuổi như Kautsky, Bernstein, Plekhavov, Rosa Luxembourg..chỉ là những người kế tục ý tưởng đó. Suốt hơn một thế kỷ các Đảng Dân Chủ Xả Hội đã triển khai hướng đi này và đã đạt thành tựu cực kỳ to lớn. Thành tựu đó là đã cải tạo chủ nghĩa tư bản theo hướng nhân đạo hơn, năng động hơn, làm cho chủ nghĩa tư bản thích nghi nhiều hơn với thời đại.
Khủng hoảng 1919-1933
Sau cuộc khủng hoảng lần thứ ha1929-1933, chủ nghĩa tư bản lại có sự thay đổi lớn khác. Năm 1936 xuất hiện lý thuyết của John Maynard Keynes, một học thuyết nổi tiếng mà ai cũng biết : kích cầu nuôi dưỡng sức cung. Thực chất của học thuyết này là : từ nay chủ nghĩa tư bản không cò tự do cạnh tranh nữa vì đã xuất hiện những vai trò điều tiết của nhà nước với những cơ chế mới. Keynes là một trong bốn kinh tế gia nổi tiếng nhất trong mọi thời đại. Ba người kia là Adam Smith, Ricardo và Marx.
Những đặc điểm của cơ chế mới có thể gom vào ba nét chính như sau :
1/ Nhà nước nắm công cụ mạnh về tài chính và tiền tệ để ổn định nền kinh tế. Sự tham gia tích cực của các ngân hàng IMF, WB, ADB bằng sự điều tiết kinh tế trên quy mô toàn thế giới đã giúp chủ nghĩa tư bản ổn định cục diện kinh tế trong một thời gian dài khoảng 80 năm. Sự xuất hiện của các xí nghiệp nhà nước rất năng động và linh hoạt là một bảo đảm vững chắc cho sự ổn định kinh tế và xã hội.
2/ Với sự phát triển kỳ diệu của trí tuệ, kinh tế tri thức ra đời và làm thay đổi cơ cấu xã hội. Tỷ lệ công nhân cổ xanh (lực lượng lao động chủ yếu của chủ nghĩa tư bản sơ khai) giảm sút chỉ còn từ 5% đến 10% tổng lượng lao động xã hội, và chỉ còn đóng vai trò ngoại vi sản xuất. Yếu tố chủ yếu thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy tiến hóa là lao động bác học. Cơ cấu giai cấp đa dạng hơn : các nhóm lợi ích mới xuất hiện bên cạnh hai giai cấp công nông.
3/ Về mặt chính trị và xã hội cũng xuất hiện những yếu tố mới. Có hai yếu tố cơ bản : một là, hình thức dân chủ trực tiếp (người dân được tạo điều kiện có tiếng nói trực tiếp quyết định thực sự tới những vấn đề lớn nhất cuả quốc gia) ; hai là, vai trò ngày càng quan trọng của xã hội dân sự, của các tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức này là hình thức tự quản của xã hội tương lai. Nó có thể thay thế phần nào chức năng của nhà nước, cũng như sẽ làm cho các tổ chức quyền lực của nhà nước gần với nhân dân hơn, và ngăn chặn tiến trình tha hoá của bộ máy quyền lực.
Sự tôn trọng những ý kiến độc lập làm cho tính chất “mở cửa” của xã hội rõ nét hơn. Chất lượng tư duy của loài người chuyển dịch tới một trình độ cao hơn. Chủ nghĩa tư bản mới đã có công giải phóng tư duy con người và đang mang lại những yếu tố của một nền văn minh mới : văn minh trí tuệ. Nền văn minh mới này đang phát triển để trở thành xu thế nền tảng của sự tiến hóa của nhân loại.
Chủ nghĩa tư bản mới cũng đạt nhiều thành tựu trong việc chuyển dịch xã hội cũ sang một xã hội với ý thức trách nhiệm xâu hơn và cao hơn. Nó cũng đã giải quyết thành công ở mức độ nhất định mâu thuẫn giai cấp và làm dịu bớt cái không khí căng thẳng giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản, làm cho thành thị và nông thôn gần gũi nhau hơn, thu hẹp khoảng cách giữa lao động chân tay và lao động trí óc và gia tăng tính chất nhân đạo của xã hội.
Khủng hoảng 2008-2014
Cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây (2008-2014) đã gây tai hại trên mọi bình diện cho nhân loại, nhưng ai cũng tin rằng nhân lọai rồi ra cũng sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng này và cũng sẽ sáng tạo được một lý thuyết ở tầm cao hơn. Bóng tối đang rút lui và ánh sáng càng ngày càng lan rộng.
Chủ nghĩa tư bản hiện đại đã suy yếu hơn và các bố cục lực lượng trên bình diện toàn cầu đang thay đổi. Cục diện “đa trung tâm” đang xuất hiện và vị trí các nước đang phát triển sẽ ngày càng được khẳng định, đặc biệt là vị trí của Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, ASEAN.
Tuy nhiên có một điều cần khắc cốt ghi tâm : chủ nghĩa tư bản sẽ biết cách thích ứng, nó chưa tan vỡ, nó vẫn là một chủ thể chi phối quá trình phát triển của nhân loại. Phải ghi nhận và nhìn thấy là qúa trình tan vở cuối cùng chưa thể xảy ra. Cho nên, hợp tác, đấu tranh kiềm chế, kế thừa và phát triển..bắt buộc phải là những khẩu hiệu cho cuộc sống hôm nay.
Những tư tưởng xã hội đầu tiên
Ý tưởng về một xã hội tổ chức trên căn bản sở hữu công cộng đã có từ thời cổ đại. Trong tác phẩm “Republic” ra mắt thế kỷ 4 trước Tây Lịch, triết gia Hy Lạp Plato cho rằng nếu giữ được sự bình đẳng xã hôi ở mức độ tối thiểu thì có thể thăng tiến hòa bình trong xã hội và nâng cao phẩm chất của chính quyền.
Sang thời Trung Cổ đã xuất hiện những cộng đồng Công Giáo với những thành viên cùng làm cùng hưởng trên những thửa đất không thuộc về ai. Thế kỷ 16 , văn sĩ người Anh Thomas Moore trong tác phẩm “Utopia” đã vẽ ra một xã hội xây dựng trên căn bản sỡ hữu công cộng và cai trị bằng lý trí. Sang thế kỷ 17 , nhiều nhóm Thanh Giáo ở Anh , chẳng hạn như nhóm Diggers, cũng hô hào bãi bỏ quyền tư hữu về ruộng đất.
Làn sóng chỉ trích quyền tư hữu tiếp tục lan rộng tới thời kỳ Khai Sáng trong thế kỷ 18 qua tư tưởng của Immanuel Kant (Đức) và Jean Jacques Rousseau (Pháp). Các triết gia thời Khai Sáng chủ trương bản chất tư nhiên của con người đòi hỏi được chia sẻ quân bình về quyền chính trị và thù lao trong lao động.
Đầu thế kỷ thứ 19, một số nhà xã hội mặc dù có tư tưởng cộng sản, đã bác bỏ phương thức cách mạng lật đổ như Charles Fourier và bá tước Saint Simon cuả Pháp . Ở Anh , kỹ nghệ gia Robert Owen , bất mãn trước nghịch cảnh của cuộc cách mạng kỹ nghệ đã cố gắng cải thiện phúc lợi của công nhân.
Marx, Engels và chủ nghĩa tư bản Manchester
Chủ nghĩa tư bản xuất hiện từ đầu thế kỷ 17 tại Âu Châu. Hồi đó, sư phát minh ra máy dệt rèm hoa ở Đức đã gây ra một là sóng bạo động của công nhân lan rộng khắp Tây Âu Hội đồng thành phố nơi máy dệt rèm hoa xuất hiện đã giết chết nhà phát minh vì công nhân bị máy cạnh tranh mất việc phải đi ăn mày quá nhiều. Thái độ thù địch của công nhân Âu Châu đối với máy móc kéo dài tới hậu bán thế kỷ 19 vẫn chưa chấm dứt.
Sau khi khảo sát khu công nghiệp dệt Manchester ở Anh năm 1844 Engels viết cuốn sách “Tình trạng của giai cấp lao động tại Anh” (1845). Lúc đó, ông mới 24 tuổi. Cùng thời gian này Marx sống lưu vong tại Luân Đôn và đang viết Tư Bàn Luận. Marx chịu ảnh hưởng sâu xa tác phẩm của Engels. Ngoài ảnh hưởng này ra, tất cả pho sách Tư Bản Luận của Marx đều dựa trên nhận định mà ông có được khi sống gần bên khu vực công nghiệp Manchester đang chập chững đi vào con đướng phát triển theo mô hình tư bản.
Trong các tác phẩm viết vào lúc tuổi trẻ, cả Marx và Engels đều đứng về phía người lao động để ngăn chặn hiện tượng máy móc chèn ép công nhân, coi đó là một việc làm hợp đạo lý con người. Nhưng theo đà phát triển của lực lượng sản xuất dưới ảnh hưởng cách mạng công nghiệp, tới lúc tuổi già, hai ông đều tuyên bố là không tính chuyện áp đặt cho loài người một quy luật cuối cùng nào.
Chủ nghĩa xã hội bạo lực
Năm 1848 Marx và Engels công bố “Tuyên Ngôn Của Đảng Cộng Sản”. Tuyên ngôn này làm chấn động tầng lớp thống trị các nước Âu Châu nhưng không được quần chúng chấp nhận. Sau thất bại của Cách Mạng Châu Âu năm 1852 hai ông giải tán Liên Đoàn Cộng Sản, và đó là giai đoạn đầu của phong trào công nhân Đức.
Giải tán xong Liên Đoàn Cộng Sản, Marx và Engels chuyển sang ủng hộ phong trào xả hội chủ nghĩa ôn hòa của Lassall và Đảng Xà Hội Dân Chủ (Đức) ra đời. Đây là giai đoạn 2 của phong trào công nhân Đức. Trong giai đoạn này, các chính đảng công nhân “mới” đều được thành lập dưới danh hiệu đảng “Dân Chủ Xã Hội”chứ không còn gọi là đảng cộng sản nữa.
Như vậy trong tác phẩm của Marx và Engels có hai con đường xã hội chủ nghĩa : chủ nghĩa xà hội bạo lực và chủ nghĩa dân chủ xã hội. Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản và Tư Bản Luận cuốn I là căn cứ lý luận của Chủ Nghĩa Xã Hội Bạo Lực. Tư Bản Luận cuốn III và lời nói đầu của cuốn “Đấu Tranh Giai Cấp ở Pháp” là cơ sở lý luận của Chủ Nghĩa Dân Chủ Xã Hội.
Thế Chiến I đã đưa phong trào “Xã Hôi Chủ Nghĩa” đến chia rẽ. Thắng lợi của Cách Mạng Tháng Mười trong điều kiện đặc thù của nước Nga đã tăng cường mạnh mẽ vị trí của cách mạng bạo lực.
Ngày 18/1/1918 Lenin đổi phe đa số trong Đảng Dân Chủ Xã Hội Nga thành Đảng Cộng Sản và đồng thời thành lập QuốcTế Cộng Sản để làm phương tiện bành trướng. Lenin công kích quan điểm “quá độ hòa bình” là con đường xét lại và cho rằng con đường “cách mạng bạo lực” mới là một phát triển sáng tạo.
Người kế tục Lenin là Stalin cũng tuân theo cùng một đường hướng. Thể chế cực quyền này đã bóp nghẹt sức sống xã hội, bóp nghẹt sức sống của đảng cầm quyền và dẫn đến sự suy thoái toàn diện về mặt kinh tế, chính trị và khoa học kỹ thuật. Nguyên nhân cơ bản khiến Liên Sô sụp đổ là sự lũng đoạn tài sản, quyền lực và chân lý.
Chủ nghĩa dân chủ xã hội
Sau khi phong trào Chủ Nghĩa Xã Hội Bạo Lực tiêu tan, phong trào Chủ Nghĩa Dân Chủ Xã Hội bước ra vũ đài lịch sử với bộ mặt mới, thành tựu mới, thực tiễn mới và lý luận mới. Con đường này không phải là tương lai viển vông hão huyền mà là xã hội thị dân hiện thực sống động.
Ngày 30/6/1951 đại hội lần thứ nhất của các đảng xã hội họp tại Frankfurt ̣(Đức) đã chính thức tuyên bố thành lập Quốc Tế Xã Hội. Bản cương lĩnh gọi là Tuyên Ngôn Frankfurt, lần đầu tiên dùng hình thức “chủ nghĩa xã hội” để giải thích hệ thống tư tướng. Quốc Tế Xã Hội là giai đoạn mới trong lịch sử của tổ chức quốc tế thành lập tại Luân Đôn năm 1864.
Ngày 16/4/2003, nguyên thủ các nước Âu Châu gặp nhau ở Athen (Hy Lạp) đã thành lập liên minh mới. Trong liên minh mới, ngoài các nước EU cũ, còn có thêm 10 thành viên mới là : Czech, Estonia, Latvia, Lithuania, Hungary, Manta, Poland, Slovakia, Slovenia và Cyprus. Sức hấp dẫn của EU bắt nguồn từ việc nhân dân của các nước thành viên cũ thừa nhận Chũ Nghĩa Dân Chủ Xã Hội.
Chủ Nghĩa Dân Chủ Xã Hội còn được gọi là “Con Đường Thứ Ba” (The Third Way”). Đại diện cho con đường này là tổng thống Mỹ Clinton và thủ tướng Anh Tony Blair. Hiện tại ở Mỹ có nhóm DSA (Democratic Socialists Of America), gồm 61 nghị sĩ.
Những người dân chủ xã hội Mỹ chủ trương chính phủ hướng dẫn kinh tế thị trường, quốc hữu hóa ở mức độ thích hợp, bảo hiểm y tế cho toàn dân, xây dựng trường học, giảm hoặc miễn thuế cho người nghèo, nâng cao phúc lợi, lương tối thiểu, và quan tâm nhiều hơn đến những người khuyết tật.
Chủ Nghĩa Dân Chủ Xã Hội phát sinh trong lòng chủ nghĩa tư bản . Quan hệ giữa chủ nghĩa dân chủ xã hội và chủ nghĩa tư bản là quan hệ kế thừa và phát triển chứ không phải lật đổ và tiêu diệt. Lịch sử đang phát triển như vậy. Chủ Nghĩa Dân Chủ Xà Hội đang trở thành con đường loài người cùng chấp nhận và đang đưa loài người vào một thời kỳ hoà bình và phát triển.
***
Thập niên cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai cần được ghi nhận như một dấu mốc lịch sử quan trọng. Dấu mốc này nhắc nhở thời điểm chủ nghĩa xã hội không tưởng của Marx đã hoàn toàn thất bại trong lịch sử văn minh nhân loại Hy vọng rằng những đau thương trong dĩ vãng mà ông cha đã cam chịu sẽ trang bị cho các thế hệ tiếp theo đủ kinh nghiệm để không còn bị thương tổn vì sai lầm khi lựa chọn hướng đi.
Xu thế tiến hóa của loài người không phải là chủ nghĩa tư bản, cũng không phải là chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa tư bản hiện đại, do tiếp thu một số ưu điểm của chủ nghĩa dân chù xã hội đã tự điều chỉnh để đi tới nền kinh tế hỗn hợp vể chế độ sở hữu. Chủ nghĩa dân chủ xã hội rút tỉa những bài học của chủ nghĩa tư bản cũng đã chuyển chế độ công hữu sang kinh tế hỗn hợp.
Việc cần phải làm lúc này là khôi phục bộ mặt vốn có của lịch sử. Phải nói rõ với mọi người, nhất là với các thế hệ trẻ, nguồn gốc sai lầm của “chủ nghĩa xã hội không tưởng” mà nhân loại đã là nạn nhân trong thế kỷ vừa qua.
Nguyễn Cao Quyền
Tháng 9 năm 2015
One Comment
Anh Do
Tác giả chứng tỏ có một trình độ hiểu biết cao rộng nhưng hoàn toàn lý thuyết. Đoạn kết tác giả chỉ cảnh báo “khôi phục bộ mặt vốn có của lịch sử”. Không hiẽu tác giả muốn nhắc tới khôi phục lịch sử ở giai đoạn nào? Trong phần phân tích, tác giả chia sự phát triển làm ba giai đoạn, nên ngùời đọc sẽ ngố ngảng vì câu kẽt có vẻ trung dung.
Người đọc cũng như giới trẻ được đặc biệt nhắc tới sẽ có một ý niệm thực tiễn hơn, nếu tác gỉa vớikhả năng phân tích và nghiên cứu sẵn có giúp khai triền những phương thức áp dụng thực tiễn cho lý thuyết tác giả chủ trương.