Tuần nầy, để giải bớt không khí căng thẳng của một đầu năm đầy kinh hoàng do khủng bố Hồi Giáo Quá Khích đang mở màn gây chiến tại Âu Châu và đặc biệt tại xứ Pháp, chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả người Việt một tục lệ hiền hòa rất truyền thống dân gian Pháp : tục lệ truyền thống dân gian Lễ Ba Vua ! Thoạt đầu là một lễ tôn giáo Epiphanie nhưng nay lại được truyền thống và dân gian hóa Lễ Ba Vua và ăn Bánh Vua để khai mạc một năm mới của dân Pháp.
Hằng năm, sau những ngày nghỉ lễ đầu năm, các gia đình và bạn bè người dân Pháp bắt đầu đi vào mùa Lễ Ba Vua. Theo Dương lịch là lịch của Thiên Chúa Giáo, ngày Chúa Nhựt thứ nhứt đầu năm hay là ngày 6 tháng Giêng là lễ Ba Vua Giáo sĩ – Les Trois Rois Mages – Épiphanie.
Và Épiphanie cũng bắt đầu Mùa Carnaval, đúng ngày 6 tháng Giêng kéo dài đến ngàyThứ Ba ăn Béo – Mardi Gras, ngày thứ ba của tuần cuối cùng để bước vào Chúa Nhựt Mùa Chay- Carême. (Năm Nay Mùa Chay – ăn chay của người phương Tây Cơ Đốc Giáo là cử ăn thịt và chất béo của thịt, khác với người phương Đông Phật Giáo là ăn hoa cỏ trái cây végétal, không sát sanh – năm nay bắt đầu ngày Chúa Nhựt 22 tháng Hai ; như vậy Mardi Gras là ngày 17 tháng Hai, trước Tết 2 ngày). Tháng Giêng cũng được các tôn giáo nhơn Lễ Ba Vua tổ chức tuần cuối tháng làm tuần lễ Hiệp Thông – culte oécuménique các tôn giáo. Hiện nay chỉ các hệ phái Cơ Đốc Giáo : Thiên Chúa Giáo La mã, các Nhà thờ Tin Lành kể cả các Nhà thờ Anh Giáo, và các hệ phái Chánh Thống kể cả Chánh Thống Nga (tại Pháp) để cùng nhau cầu nguyện cho tất cả bá tánh nhơn loại được Ơn sủng Bề trên ban bình an sức khỏe Và đặc biệt, cầu nguyện cho Hòa bình thế giới Chừng nào Hiệp thông với tất cả các Tôn giáo khác, Phật Giáo, Ấn Giáo, Hồi Giáo… ? Mọi Dị biệt bất đồng bỏ qua hiệp thông hòa đồng Thống Nhứt Cầu nguyện trong Một Ngày ! Chỉ Mong một Ngày ! Mong lắm !
Xin trờ về các Giáo sĩ-Trois Mages biến thành Ba Vua Giáo sĩ-Trois Rois Mages.
1. Các Giáo sĩ đến từ phương Đông – les Mages venus d’Orient – the Magi from the East – chiếu theo Tin Lành-Évangile của Mathiơ
Theo Tân Ước của Kinh Thánh, Tin Lành (hán việt là Phúc Âm) của Ma-thiơ (Chương 2, từ câu 1 đến câu 12) kể rõ : « Jêsus ra đời tại BêLêHem, xứ GiuĐê, dưới trào Vua HêRốt. Có mấy vị Giáo sĩ bác học- les Mages – the Magi (Kinh thánh việt ngữ* dịch là Bác sĩ) từ vùng Đông phương đến thành Jêrusalem, để tìm hỏi xem Vua dân GiuDa mới sanh ra ở đâu ? Vì họ đã được ngôi sao báo Ngài đã ra đời dẫn dắt bảo đến thờ lạy Ngài. Vua HêRốt bèn mời các Bác sĩ đến và ra lệnh phải đi tìm cho được để về tâu lại với Vua. Các vị Bác sĩ ấy được ngôi sao dẫn lộ đến BêLêHem, thấy trong hang đá, một hài nhi mới sanh cùng với mẹ, bèn quỳ lạy và dâng hương thơm cùng ngọc ngà châu báu. Xong đêm hôm ấy khi ngủ các vị nằm mộng được Đức Chúa Trời ứng bảo đừng quay về kể với Vua HêRốt ».
Câu chuyện kể chỉ có thế, do Mathiơ viết gồm 12 câu đầu của chương 2 Các bản Tin lành của ba tông đồ Mác, LuCa và Giăng không nói đến.
Với thời gian và Đức Tin, các bác sĩ– les Mages – the Magi biến thành Ba Vua Bác sĩ – les Trois Rois Mages – Three King Magi trong mắt dân gian.
2. Từ các Bác sĩ biến thành Ba Vua-Bác sĩ với thời gian
Các Giáo sĩ đến từ phương Đông, sách Tin lành của Mathiơ đã rõ ràng kể như vậy. Sách cũng không dùng đến chữ « Vua », cũng chẳng nói đến con số là bao nhiêu vị, cũng không nói đến tên họ, tuổi tác, hay các phục sức, diện mạo, mà ngày nay chúng ta thường biết đến. Thử đi ngược lại giòng lịch sử và tìm hiểu tại sao một câu chuyện nhỏ trong sách Thánh được biến thành một huyền thoại lớn của dân gian Pháp ngày nay, và thử hiểu rõ vai trò thực sự của ba Vua và đặc biệt tục Bánh Vua.
Từ ngữ dịch Mage (pháp) Magi (Anh) thành Bác sĩ chiếu theo từ ngữ dịch của Kinh Thánh việt ngữ chúng tôi có trong tay :
*The Holy Bible In Vietnamese Old Version copyright United Bible Societies. Printed in Vietnam – Vietnamese Bible Production Program. United Bible Societies, Liên Hiệp Thánh Kinh Hội- Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2005.
Chúng tôi sẽ mời quý độc giả trở về thời lập Đạo của Cơ Đốc Giáo.
Les Mages – các Bác sĩ, là tên của bộ tộc mède, một bộ tộc ngụ tại phía Bắc xứ Perse – Ba Tư cổ, tên mới ngày nay là Iran, là nơi phát xuất các đạo sĩ, tu sĩ, giáo sĩ của Đạo Mazda, một tôn giáo xưa của đế quốc Ba Tư cổ. Đó là « các Bác sĩ đến từ phương Đông » được Mathiơ kể trong lời Tin Lành của Ngài. Vì thế rất nhiều tranh vẽ trên tường đều được trình bày với y phục rất phương Đông, các vị Bác sĩ đến từ phương Đông được vẽ với những áo ngắn –tunique courte, áo choàng manteau dài, mang bao bó ống chưn thay ủng-guêtres và đội mũ kiểu « phrygien » có giải dài. Chúng ta thường gặp những hình vẽ ấy trên những bức tường ở các hầm mộ tập thể – catacombes – hay các hòm lớn sarcophages – của thế kỷ thứ IV ; bức vẽ đẹp nhứt là loại hình gắn bằng gạch vụn – mosaïque – gặp ở nhà thờ Saint-Apollinaire-le-Neuf tại thành phố Ravenne, Ý đại Lợi. Một bức tranh khác mới hơn, thế kỷ thứ XII dưới vòm của Nhà tu – l’Abbaye – de Saint Genou, thuộc tỉnh Indre, Pháp, cạnh tỉnh Vienne của làng chúng tôi.
Les Mages–các bác sĩ tượng trưng cho thế giới đại đồng–symbole d’universalité
Theo huyền thoại văn hóa Ba Tư, các Bác sĩ có tất cả là 12 vị. (Con số 12 thuộc khoa học toán ba tư, hệ thống toán 12 tìm thấy ngày nay ở hệ 12, được sử dụng trong toán học : 12 giờ, 24 giờ…60 phút,… hình học 60 độ, 90° của tam giác…). 12 vị ấy cùng ngồi ngắm sao trên đỉnh núi Thắng Lợi- Mont de la Victoire – Khải Hoàn Sơn – chở đấng Cứu Thế tên là Saoshian ra đời. Thoạt đầu, khi các Bác sĩ văn hóa Ba tư ấy được thiên chúa la tinh hóa lấy của người làm của ta, sử dụng, khi cần trình bày, họ chỉ được xài hoặc hai hoặc bốn vị để cân bằng một cách mỹ thuật trong các tranh. Đến thế kỷ thứ V, người ta bắt đầu nhìn thấy ba vị. Vì con số ba cũng là con số thần thoại : con số ấy chỉ các quà tặng trong các bài Phúc âm Tin lành – Ba Ơn sủng – les Trois Grâces. Từ đấy các Bác sĩ biến thành Trois Mages – ba vị Bác sĩ giống nhau ấy, cùng da trắng, cùng sánh bước đến dâng lễ vật cho Chúa Hài Đồng. Trình bày đầu tiên là trên Bức hình tạc « Quà tặng của các Bác sĩ – L’Offrande des Mages ».
Con số 3 cũng chuyển thành vào đầu thế kỷ thứ 16 tượng trưng thành 3 thời kỳ của cuộc đời con người : trẻ, tráng, già. Xong đến tượng trưng cho 3 Châu, 3 lục địa, được biết thời bấy giờ là Âu, Á, Phi. Đây cũng là một cách gián tiếp để 3 Bác sĩ biến thành biểu tượng một thế giới đại đồng, trái với trong các hình vẽ hai châu Á và Phi cũng không tách khỏi Âu Châu một cách rõ ràng. (Ngày nay vẫn có trường phái cho rằng lục địa Ấ-Âu chỉ là một Châu thôi Châu Á-Âu Eurasie. Thế giới chỉ có 4 châu thôi !)
Vào thời Trung Cổ, y phục các Bác sĩ chuyển theo thời trang các y phục các quan chức thời bấy giờ, có khi theo đông phương hồi giáo, có khi theo tây phương hiệp sĩ. Các Bác sĩ không còn đi cạnh lạc đà hay cởi lạc đà như xưa nữạ (vì đến từ phương Đông) mà cởi ngựa hoặc ngồi ngựa với một anh hầu ngựa dắt hầu như một hiệp sĩ thời trung cổ âu châu.
Và Các Bác sĩ biến thành Vua
Cuối cùng, vào thế kỷ thứ XII, vì quyền lực nhà thờ, Thần Quyền đụng chạm mạnh và cạnh tranh với Thế quyền của các Vua Chúa. Vai trò các Vua bắt đầu có nhiều quyền thế lấn áp Thần quyền, ở Pháp, ở Anh, ở Đức vì vậy Nhà thờ phải tạo ba Vị Bác sĩ-Giáo sĩ biến thành Ba Vua, với mảo, với vương miện, để chứng minh dù là Vua đi nữa, Ba Vua vẫn tuân phục Nhà Thờ, tượng trưng bằng Chúa Hài Đồng. Vị Vua lớn tuổi râu rậm, quỳ gối, rạp mình đặt vương miện dưới chân Chúa Hài Đồng. Đó là hình ảnh một thần dân bái phục Vua. Hình ảnh từ nay là hình ảnh của Sự Bái Phục các Bác sĩ – L’adoration des Mages. Từ đấy, những cảnh như vậy được trình bày muôn hình vạn trạng, sơn son cũng có, thếp vàng cũng có, chạm trổ trên tường cũng có, thếp kính mầu –vitraux cũng có, suốt cả các thế kỷ 18, 19.
Nếu những hình như vậy được trình bày rất nhiều, một loạt các hình khác cũng được khai thác theo tất cả các giai đoạn của câu chuyện được kể trong Kinh Thánh. Nào là lời báo Chúa ra đời bằng Ngôi sao dẫn đường, hay bằng lời báo của Thiên thẩn, nào là Ba Vua đến hang đá nhờ tinh cầu dẫn lộ, nào là Ba vua đang phi ngựa đến Bê LêHem với hình ngôi sao sáng chói dẫn đường, nào là Ba Vua gặp Vua HêRốt, hay hình ảnh Ba Vua trước hang đá với một đoàn tùy tùng khổng lồ với quà cáp biếu xén đồ sộ ( thế kỷ thứ XV), hoặc hình ảnh Ba Vua nằm mộng, hoặc Ba Vua bỏ đi không về gặp Vua HêRốt nhưng lại dùng thuyền đề đi về.
Và Vua thứ Ba Da đen tượng trưng Phi Châu
Đầu thế kỷ thứ XVI, Phi Châu được khám phá trở lại, với các nhà thám hiểm mở mang thêm bờ cỏi, đi tìm những chân trời mới. Một trong Ba Vua từ nay có một ông Da Đen. Các trường phái họa sĩ miền Bắc Âu Châu, trường phái Hòa Lan-Flamands, trường phái miền Bắc nước Đức, tranh nào cũng có mặt ông Vua Đen trong những bức họa của các họa sĩ nổi danh như Memling, Dürer, Bosch… Từ đây một ông Vua trẻ tuổi nhứt, Da Đen, đại diện Phi Châu mới mẻ, có mặt trong mọi tranh vẽ Ba Vua. Nhưng khi các họa sĩ Bồ Đào Nha thử vẽ một ông Vua người bản xứ Nam Mỹ- Indio để làm ông vua thứ ba đại diện Nam Mỹ thì lại thất bại hoàn toàn. Từ thế kỷ thứ XVII trờ về sau, Ba Vua không thay đổi nữa trừ y phục theo thời trang.
Lại có thêm một Vua thứ Tư xuất hiện ở Huê Kỳ
Thế kỷ XX đến với một canh tân trong văn chương về các Giáo sĩ – Bác sĩ. Cũng nhưng tất cả nghệ thuật, văn chương đã sử dụng rất nhiều về các vị ấy ngay từ hồi đầu thời kỳ Thiên Chúa giáo qua tất cả những bài viết : nào là bài giảng bằng tiếng la tinh, nào là các bi kịch viết cho làm bài giảng đạo lý, nào là những bài ca tụng vào dịp lễ Giáng Sanh, lời ca bình dân cũng có, lời ca đạo cũng có, dưới dạng thơ, dưới dạng truyện kể,…Và trong bối cảnh ấy, ở Huê kỳ vào cuối thế kỷ thứ XIX, một chuyện cổ kể vai trò của một ông Vua-Bác sĩ thứ tư : Ông hoạt động như một Bon Samaritain, người làm việc thiện-Thiện Nhơn. Trên đường đồng hành với Ba Vua kia để đến gặp và dâng lễ Chúa Hài Đồng, ông giúp đở tất cả mọi người gặp gở trên con đường hành trình. Sau 33 năm hành trình, ông có mặt dưới chưn cây Thánh Giá (ngày Chúa bị nạn).
Câu chuyện nầy được nhà văn Michel Tournier viết lại bằng Pháp ngữ, trong tác phẩm Gaspard, Melchior và Balthazar. Từ đấy ba Vua có tên.
Cũng từ tác phẩm ấy ông viết thêm một tiểu truyện cho Nhi đồng Les Rois Mages – Các Vua-Bác sĩ.
Cuốn sách bán rất chạy, những từ ngữ như Vua-Bác sĩ, các tên các Vua được nhập vào truyền khẩu dân gian. Truyện biến thành Sử, các nhơn vật hư cấu biến thành nhơn vật lịch sử.
Giống như đại văn hào Pháp Alexandre Dumas đã biến các nhơn vật tiểu thuyết của Ba người Ngự Lâm Pháo Thủ, Les Trois Mousquetaires thành ba Nhơn vật lịch sử. Ngày nay rất nhiều dân Pháp tưởng những chuyện kể trong Ba Người Ngự Lâm là ba nhơn vật thật, và những chuyện xảy ra trong truyện là lịch sử.
Sách của Michel Tournier cũng vậy. Câu chuyện đầy huyền bí, nhưng nhiều biểu tượng lập đi lập lại qua nhiều thế kỷ : hình ảnh đại đồng của Lời Chúa, hình ảnh thần thánh của Chúa Hài Đồng được nhìn nhận bởi các vị giáo sĩ của phương Đông là thế giới bên ngoài – là đại đồng, sự bình đẳng của mọi người trước mặt Chúa, Ba Vua hay mục đồng đều nằm rạp chào Chúa Hài Đồng, sự gặp gở của Con người với Chúa trên con đường đi tìm một lý tưởng… « Yêu mến Con Người là yêu mến Thiên Chúa »
3. Và Bánh Vua
Épiphanie hay Lễ Ba Vua là một lễ như chúng ta biết của Thiên Chúa Giáo, và cũng như chúng ta đã biết Lễ ấy để vinh danh Thiên Chúa đã được các Vua -Giáo sĩ Bác sĩ đến dâng lễ.
Ngày lễ Épiphanie được ghi là ngày 6 tháng Giêng. Trong một quốc gia mà Épiphanie không được là Ngày lễ thì Ngày Chúa Nhựt đầu năm sẽ là lễ Épiphanie.
Épiphanie cũng được gọi là Théophanie, nghĩa rằng «Chúa–Théo hiện thực-phanie –manifestation».
Lễ ấy có tục lệ dân gian là ăn bánh Vua – galette des Rois. Trong bánh có một hột đậu – fève. Ai bắt được hột ấy trong phần bánh của mình thì được làm Vua trong ngày ấy. Được đội vương miện và lựa chọn bà hoàng hậu.
Tục lệ ấy bắt chước các lễ cúng Sao Saturnes – Thổ Tinh, les Saturniales của thời đế quốc La mã cổ xưa. Trong thời kỳ lễ lạc ấy, trong những ngày đầu năm, các vai trò chủ tớ (nô lệ) thường được xáo trộn và các tôi tớ được lên làm vua (làm chủ) một ngày.
(Việt Nam ta ngày nay ngon lành hơn, chủ tớ đề huề mọi ngày ! Nhơn dân làm chủ mọi ngày; Nhơn dân cũng làm tớ mọi ngày ! Nhờ Đảng chỉ đạo. Cộng sản ngon hơn Thiên Chúa ! Tuy cũng thời Ba là Một, Một là Ba, cùng giáo thuyết la Trinité – Le Père La Fils et les Saints Esprit, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng Cộng sản rõ ràng hơn, tam quyền phân lập rõ ràng hơn, Nhơn dân làm chủ, Nhà Nước Quản lý, Đàng Chỉ đạo, nên Đảng hốt trọn vừa vô trách nhiệm vì không quản lý, vừa vô thiệt vô hại vì không làm chủ, chỉ có huề và ăn thôi !). Bái phục ! Bái phục ! Thật là Trò hơn Thầy, Đồ nhái hơn Đồ thật).
Chỉ vào năm 1875, các hột đậu – fève trong nhân bánh được thay thế bằng những hình bằng sành, bằng sứ, ngày nay bằng nhựa. Dưới thời Lamã, cũng như ngày nay vẫn còn có một tục lệ là một em trẻ nhứt trong nhà chui xuống gầm bàn để chỉ phần bánh chia cho ai – le doigt innocent, ngón tay vô tội.
Tục lệ ở Pháp
Ngay từ thế kỷ thứ XIV, người ta đã có tục ăn bánh Vua trong Mùa Lễ nầy. Tục lệ chia bánh chia cho bao nhiêu người, phân ra bao nhiêu phần cộng thêm một phần. Phần thừa ấy gọi là « Phần của Chúa » hay « Phần của Đức Mẹ » hay cũng có nơi gọi « Phần của Kẻ Khó ». Vì tục lệ là phần nầy để đấy tặng cho người nghèo khó nào đầu tiên đi qua nhà mình.
Tục lệ ngày nay cũng vậy, kẻ nhận được hình biểu tượng hột đậu được làm Vua, đội vương Miện, lựa Hoàng Hậu, hay nếu người nhận hột đậu là phụ nữ sẽ làm bà Hoàng một ngày, đội vương miện và lựa Ông Vua ( tượng trưng thôi các Cụ ơi, nghèo mà ham !). Và…đải thức uống thường với bánh Vua là uống Nước Rượu Táo – Cidre hay Rượu Trắng Ngọt loại Muscat, hay có Bọt –Mousseux, sang hơn là Champagne, tùy túi tiền.
Gabriel Metsu, La Fête des Rois ou Le Roi boit, khoảng 1650-1655, (Alte Pinakothek, Munich) – La Fête des Rois aux Pays-Bas septentrionaux au XVIIe siècle. Lễ Vua ở Nam Hòa Lan
Tục lệ ngày nay một đứa trẻ chui xuống bàn để chỉ phần chia cho ai vẫn còn.
Vài tập tục khác
Vài gia đình ráng « ăn gian » để hột đâu hay hình sành đến tay người trẻ nhứt trong nhà : một đứa trẻ hay một thiếu niên, hay thiếu nữ. Kể được nhận, đội vương miện, lựa ông Hoàng hay bà Hoàng là ông cha hoạc bà mẹ.
Ăn nhiều bánh trong một buổi có thể có nhiều Vua nhiều Hậu.
Ở Miền Nam Pháp, không ăn bánh galette, làm bằng bột frangipane, từng lớp. Bột là pâte feuilletée, nhân đậu amandes.
Ở Đông Nam, người ta làm bánh tròn, hình bánh xe, gọi là couronne, vương miện, mảo vua, bằng bột nỗi Brioche – kiểu bông lan việt nam ta. Tiếng địa phương Occitan, gọi bánh ấy là « còca » và được rưới « đường hột to – sucre granulé ».
Ở Tây Nam, cũng bánh Vương miện ấy, couronne, chẳng những rưới đường hột to, mà còn nhận mứt tái cây xanh đỏ tím vàng rất đẹp mắt- fruits confits.
Một santon-puce, santon nhỏ, hình người làm bằng sành, bằng sứ, rất đẹp được nhét vào để thế hột đậu.
Ngày nay trên thị trường cà hai loại bánh Nam Bắc galette hay couronne đều có mặt. Vì vậy lễ Vua được ăn suốt Mùa Carnaval. Sau lễ đầu năm là ăn tuốt đến tàn tháng giêng. Đi đâu cũng ăn, nhà nầy mời nhà kia. Đây là dịp để hàng xóm láng giềng gặp nhau. Lễ Noël là lễ gia đình xum họp. Lễ đầu năm là bạn bè, thân thích đắt nhau đi ăn nhậu nhà hàng, nhảy đầm thâu đêm, hưởng giao thừa. Lễ Ba vua là dịp để gặp hàng xóm láng giềng. Đúng là tháng Giêng ăn Tết ở Nhà kiểu Tây. Thú hai còn trong Carnaval, nên ứng đúng và thơ dân gian ta, thắng hai cờ bạc, thứ ba rược chè…Tháng ba Tây vào Mùa Chay, hết ăn nhậu).
Ở Paris, có truyền thống các nghệ sĩ các lò bánh mì, bánh tây – boulangers-patissiers của thành phố dâng một chiếc bánh galette cho Tổng Thống ở Điện Élysée. Chiếc bánh ấy không được có hột đậu, vỉ Tống Thống là Tổng Thống Cộng Hòa nên không được làm Vua. Truyền thống ấy bắt đầu năm 1975, bánh được dâng cho Tổng Thống Valéry Giscard d’Estaing là một galette khổng lồ với vòng kính là 1 mét.
Vòng quanh thế giới
Ở Tây Ba Nha, Bồ Đào Nha và các quốc gia Nam Mỹ: Dia de los Reyes Magos là một ngày Quốc Lễ, và các con trẻ được nhận quà nhiều hơn Noël (không phải là ngày nhận cadeaux).
Ở Bỉ và Hòa Lan, cũng một tục lệ, cũng bánh galette, nhân đậu amandes. Một người trẻ cũng chui xuống gần bàn, cũng lựaVua lựa Hậu. Suốt ngày ấy, các trẻ con đi cùng đường phố hát bài ca về Ngôi Sao, gỏ cửa từng nhà để nhà quà, trái cây, kẹo mứt, như kiểu Halloween vậy ! Ngày nay bị Halloween cạnh trạnh, ở Bỉ không còn, ở Nam Hòa Lan thỉnh thoảng vẫn còn. Còn ở Wallonie, xứ Bỉ Pháp thoại lúc nầy là lúc sửa soạn Carnaval.
Ở miền Nam Huê kỳ, tục lệ nầy có dưới tên King Cake – Bánh Vua. Mùa King Cake được ăn đến gặp ngày lễ Carnaval thôi, tùy nơi, tủy thành phố.
Ở Hy Lạp và Chypre, không có galette des Rois. Bánh Vassilopita là bánh để dâng cho Thánh Basile de Césarée. Bánh nầy được làm trước lễ đầu năm, ngay ngày giao thừa.Và đúng ngày 1 tháng giêng, được cắt ra, vì ngày ấy là ngày thánh Saint Basile tử đạo….
Ít hàng chia sẻ những tục lệ thú vị nơi những quê hương thứ hai của chúng ta từ gần 40 năm nay.
Hồi Nhơn Sơn, Mùa Lễ Ba Vua
Quê người nay là quê ta.
TS Phan Văn Song
One Comment
Tạ Quang Trung
Cuộc hội nhập của Thiên Chúa Giáo vào VN thời các Giáo Sĩ Người Pháp và Thực Dân Pháp đã ghi những trang sử bi thảm vì hành vi của các giáo sĩ và giáo dân liên quan đến nền an ninh Quốc Gia và an toàn xã hội.Cái tinh thần Tự Tôn và miệt thị tôn giáo khác của giáo dân VN vẫn còn tồn tại tới ngày nay.Trong bìa cuốn lịch Công Giáo do Tòa Tổng Giám Mục Địa Phận Thành Phố Hồ Chí Minh xuất bản năm đầu thâp niên 80 có vẽ hình Ba Vua chầu Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ là ba giáo chủ của ba tông giáo ở Đông Á :Thích Ca Mâu Ni,Khổng Tử và Lão Tử.
Dĩ nhiên đây không phải là sự thực mà chỉ là Cuồng Vọng của Họa Sĩ và những người Đồng Đạo,nhưng nó nói lên sự hiẻu biết và nhân cách của họ.Đó cũng là lý do tại sao Cố Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ phải xưng thú Bẩy Núi Tội của Vatican trong xuốt hai ngàn năm hành đạo trước Nhân Loại.