Điểm đáng ghi nhớ nhất của cuộc Họp Mặt Quốc Gia Hành Chánh 2016 tại Orlando Florida là bảy ngày gặp gỡ trên du thuyền Allure of the Seas và ba đêm tâm tình và ca hát với sự tham gia của ca nhạc sĩ thành danh Từ Công Phụng (TCP). Trong ba lần sinh hoạt đó, tôi có dịp hát chung với TCP và đệm đàn cho TCP hát. Tôi ghi xuống đây mấy cảm nghĩ của tôi về nét nhạc, lời ca và tiếng hát của đồng môn tài hoa này.
Từ Công Phụng bắt đầu sáng tác khi anh 18 tuổi. Cũng như nhiều nhạc sĩ Việt Nam khác, anh phải tự mò mẫm học lý thuyết nhạc; tài liệu gối đầu giường của anh là quyển Hòa Âm và Phối Khí, Harmonie et Orchestration, của Robert de Kers (Paris, 1944) [1]. Mấy dòng sơ lược trên cho thấy vốn liếng nhạc lý của TCP chẳng là bao so với Phạm Duy, Cung Tiến, Phạm Trọng hay các bậc thầy Vũ Thành, Văn Phụng, Võ Đức Thu… Nhưng điều đó lại nói lên rất nhiều về nét tài hoa của TCP [2]. Sáng tác nhạc dù đòi hỏi kỹ thuật nhưng tựu trung là một nghệ thuật, một khả năng thiên phú, biểu hiện qua nét nhạc, lời ca và tài phổ thơ của tác giả.
Tiếng gió rít qua khe núi, tiếng suối reo, tiếng sóng biển rạt rào, tiếng gió vi vu trong hàng cây… là âm nhạc. Âm nhạc tuy rất gần gũi và hòa lẫn vào cuộc sống chúng ta nhưng lại rất khó nắm bắt. Lý do chính là âm nhạc được tạo thành bởi sự chồng chất âm thanh theo chiều thẳng đứng hay sự trải dài các âm thanh theo chiều ngang; nói khác đi, âm nhạc là sự phân phối âm thanh trong không gian và thời gian theo các khoảng cách giữa các âm thanh và một trật tự nào đó. Nhờ sự phân phối đó, tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền hay tiếng chim gọi đàn nghe rất êm tai, vỗ về, mời gọi… Một điều lạ là sự phân phối thiên nhiên đó lại gần gũi với toán học; thành ra lý thuyết nhạc, cũng như nhiều lý thuyết khác, dựa nhiều vào con số. Vì lý do đó, nét nhạc trong ca khúc không thể diễn tả đầy đủ bằng ngôn ngữ; hậu quả là các bài viết về ca khúc đều chỉ nhằm vào lời ca và bỏ qua phần nét nhạc; và các bài viết về TCP từ trước đến nay cũng nằm trong tình trạng đó. Đó là một khiếm khuyết lớn.
Nét nhạc trong tình ca TCP rất đặc biệt, khó bị lầm lẫn với nét nhạc của các tác giả khác. Lý do chính là TCP tự học nhạc, không thuộc một nhóm nào (như nhóm Đồng Vọng của Lê Thương, Hoàng Quý ở Hải Phòng hay nhóm Myosotis của Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước tại Hà Nội) nên tự phát triển một đường lối riêng biệt. Nhiều nhạc sĩ danh tiếng như John Lennon của nhóm The Beatles cũng tự học và tạo cho mình một chỗ đứng riêng biệt, nhưng trường hợp của TCP trong hoàn cảnh nhạc học còn kém phát triển của Việt Nam có lẽ cần một lời giải thích ngắn gọn.
Có thể TCP chịu ảnh hưởng của ai đó và có thể nhiều lắm — nhạc tiền chiến, nhạc đương thời, nhạc cổ điển Tây phương…- nhưng bao lớp đất, cát, phù sa bồi đắp vào mảnh đất TCP đã hòa lẫn vào nhau để thành một khu vườn riêng biệt màu mỡ. Và từ khu vườn đó, theo thời gian và thăng trầm thế sự, tiếng gió gọi chiều, tiếng mưa rơi trên mái, tiếng thở dài ai xa vắng, tiếng hát ai bay cao, tiếng đàn ai nhỏ giọt trong đêm thâu… đã hòa tan vào hơi thở, máu huyết và nhịp tim của TCP để thành bài ca tâm tình riêng của TCP. TCP không bắt chước mà thu nhập rồi tiêu hóa để tạo một nét tài hoa riêng biệt; vì vậy, trước đây và chắc sau này, chắc chẳng ai bắt chước được nét tài hoa độc đáo đó của TCP.
Cũng như trong hội họa, vẻ đẹp trong nhạc bao gồm cả hai yếu tố đối nghịch đơn giản và phức tạp. Bức tranh phác họa tài tình chỉ với vài nét đơn sơ và bức tranh vẽ trên tường danh tiếng với từng khối màu sắc to lớn chồng chất lên nhau đều đẹp. Vẻ đẹp của nhạc TCP bao gồm cả hai yếu tố đối nghịch đó. Nhìn chung, nhạc Trịnh Công Sơn khá đơn giản, chỉ tiếng đàn đệm vững vàng của một cây guitar cũng có thể đủ đưa nét đáng yêu của bài hát đến người nghe, hòa âm phối khí rắc rối không cần thiết. Nhạc của TCP phức tạp hơn, hòa âm phối khí rất kỹ thuật có thể tô đậm nét đẹp của bài nhạc. Nói như vậy không có nghĩa là nhạc TCP sẽ trở thành nhạc giao hưởng trong nay mai. Cung Tiến và Phạm Trọng (cả hai đều học nhạc, theo thứ tự, tại Úc-Anh và Pháp) và viết nhạc thính phòng nhưng họ không có quần chúng; Phạm Duy nỗ lực biến các trường ca Mẹ Việt Nam và Con Đường Cái Quan thành nhạc không lời, nhưng không thành công vì trong bản chất, các trường ca đó chỉ là tập hợp các ca khúc; rõ hơn, nhạc trong ca khúc được chuyên chở phần lớn bởi lời ca, thiếu vắng nhiều yếu tố của nhạc thính phòng. Dù sao, một số bản nhạc của TCP với melody nhiều màu sắc và nhiều biến chuyển thích thú, có thể dung nạp vài phần phối khí phức tạp và sẽ đem đến sự hài lòng cho một số người nghe sành điệu.
Thông thường đa số nhạc sĩ sáng tác bằng cách nghĩ đến một khuôn mẫu gồm chủ âm (như C chẳng hạn) và một tiến trình của các hợp âm xoay quanh chủ âm đó như (C Dm G7 C), hoặc (CAm Dm G7 C) rồi tìm ý nhạc và nốt nhạc thích hợp với khuôn mẫu đó. Qua lời tâm tình, TCP ít viết nhạc theo các khuôn mẫu đó. TCP thường bắt đầu bằng một nét nhạc (melody), từ nét nhạc đó tìm đến các biến thể của nó để thành hình bài nhạc, và sau cùng đặt các hợp âm để tô điểm và hoàn chỉnh bản nhạc bằng vài thay đổi nào đó.
Các khuôn mẫu tuy có thể thay đổi bằng cách thêm bớt theo nhiều kiểu, như thay Am và bằng A7 và Dm bằng D7 để có một khuôn mẫu mới (CA7 D7 G7 C). Tuy vậy, sự thay đổi đó cũng rất giới hạn. Đó là lý do chính tại sao đa số nhạc bản sáng tác theo các khuôn mẫu (như nhạc thời trang tình lính chiến trong thập niên 1960 tại Miền Nam) khá tương tự nhau. Ngược lại, viết nhạc dựa vào nét nhạc nào đó chợt đến với nhạc sĩ đem đến sự cá biệt cho mỗi sáng tác vì nét nhạc đến với nhiều dáng vẻ khác nhau, trong nhiều tâm trạng và hoàn cảnh khác nhau. Lý do đó giải thích tại sao nhạc TCP rất biến đổi, đa dạng, mỗi bản mang một màu sắc riêng biệt; và từ đó, nhạc TCP rất riêng biệt, không lẫn lộn với sáng tác của các tác giả khác.
Chen vài âm chói tai (như âm trắc trong thơ) vào câu nhạc và biến đổi dòng nhạc (modulation) để bài nhạc không đơn điệu, nhàm chán, lôi cuốn người nghe, gây hứng thú cho người hát hay người đàn… là một tài năng của nhạc sĩ sáng tác. Về điểm này, TCP là một tay sành điệu. Trong nhạc có thơ, thơ là melody của bản nhạc; TCP làm thơ với các melody buồn man mác, nhẹ nhàng, trầm bổng, xa xôi và với nhiều biến đổi thích thú…
Nếu thơ là lời diễn đạt ngắn gọn với nhiều hình ảnh nhưng nói lên rất nhiều thì lời ca của TCP là những bài thơ, những bài thơ với ngôn ngữ mới, xa lìa lối diễn tả ước lệ, khuôn sáo của nhạc thời tiền chiến.
Chiều nay ngồi viết riêng cho em
Cho em bài hát êm đềm
Trôi theo từng tiếng tơ mềm
Nhờ mây gửi đến riêng cho em
Cho em ngàn lời yêu thương,
Trôi trên nụ cười phong kín
(Bài Cho Em)
Và:
Đời anh sớm muộn gì, đời em sớm muộn gì
Tình ta sớm muộn gì cũng hấp hối
Rót cho đầy hồn nhau, đắp cho đầy đời nhau
Những men nồng tình sâu rã rời
Thôi cũng đành như chiếc que diêm, một lần lóe lên
Thắp đời em sáng lung linh, buồn một cõi riêng
Những đêm sâu, những canh thâu
Nghe nước mắt nặng giọt sầu
(Như Chiếc Que Diêm)
Thi tính trong lời ca của TCP bắt nguồn từ sự ham thích thơ và tiểu thuyết lãng mạn từ thuở nhỏ. Sự ham thích đó mở cửa cho thơ du nhập vào lời ca của TCP. Đó cũng là trường hợp của nhạc sĩ Phạm Duy, người viết lời ca tuyệt vời, khuôn mẫu, cho nhạc sĩ sáng tác nhiều thế hệ trong quá khứ và tương lai. Từ ngày thơ ấu Phạm Duy đã thuộc lòng các câu hát trong hai tập Tục Ngữ Phong Dao do nhà văn Nguyễn Văn Ngọc, cậu của Phạm Duy, biên soạn. Kho tàng văn chương bình dân vô giá đó nuôi dưỡng tình quê hương nơi Phạm Duy và là suối nguồn của ý tưởng và từ ngữ cho mấy trường ca và hơn 500 ca khúc của Phạm Duy. Trịnh Công Sơn làm thơ trước khi viết nhạc, và rồi khi thành nhạc sĩ, tứ thơ đã tô màu cho lời ca của ông. Lời ca của nhạc sĩ Mỹ Bob Dylan tràn đầy thi tính. Với tiếng hát phù thủy của tác giả, lời ca đó là những vần thơ đi sâu vào tâm hồn người nghe, thuộc nhiều quốc gia, nền văn hóa và tầng lớp xã hội khác nhau. Bob Dylan vừa được trao giải thưởng Nobel Văn Chương năm 2016. Ai đó có thể phàn nàn rằng giải Nobel văn chương cho Dylan từ nay sẽ xóa đi biên giới giữa nhạc và văn chương nhưng không ai có thể phủ nhận rằng tâm hồn thi phú của nhạc sĩ đó đã đưa lời ca của ông lên đến đỉnh cao của danh vọng.
Như một nhà văn hay nhà thơ điêu luyện, viết lời ca cho tình khúc, TCP không kể lể bằng những lời khuôn sáo ước lệ, mà thường diễn đạt bằng nhiều hình ảnh và hành động mới lạ trong câu chuyện tình. Luận lý nội tại của câu chuyện tình là sự tiếp nối khéo léo của các bức tranh và hành động; nội dung của câu chuyện tình là màu sắc của các bức tranh và ý nghĩa thầm kín chôn dấu trong các hành động của người đang yêu, nhung nhớ, mong chờ, thương tiếc… Bức tranh và hành động đó mời gọi người nghe, xâm chiếm ngay tâm hồn họ, đi sâu vào ký ức họ, và giúp nhạc TCP sống mãi với người thưởng ngoạn qua nhiều năm tháng:
Chiều vàng vương gót mỏi
Ta dừng chân phiêu du
Lặng nghe sóng gọi ngọt ngào
Hàng dừa nghiêng bóng
Ru nhau thì thầm lời âu yếm
…..
Một mình ta đứng nhìn
Mối tình duyên tan theo
Ngàn con sóng gào bạc đầu
Nhẹ xô lên dấu chân
Ghi cuộc tình trên cát
(Kiếp Dã Tràng)
Và:
Chiều về im vắng
Mây trắng bay,
Bay trên làn tóc diễm huyền
Còn chiều nay nữa
Nắng vẫn vương
Nắng vẫn loang trên hè phố
Em có nghe giọt buồn rơi vào mắt
Nghe lối xưa lạc vào thương nhớ
Trong khoảng chiều buồn ngơ ngác
(Còn Một Buổi Chiều)
Sau cùng, nguồn lời ca của TCP quá phong phú, đáp ứng đầy đủ cho mọi bản nhạc viết trong nhiều thể loại khác nhau, trong nhiều hoàn cảnh xã hội khác nhau và biến động tâm tình khác nhau. Đây là một điểm son của TCP và là một mơ ước lớn của nhiều nhạc sĩ sáng tác. Nhạc sĩ Hoàng Trọng, một nhạc sĩ danh tiếng của nền tân nhạc Việt Nam, phải nhờ Quang Khải và Hoàng Dương viết lời, theo thứ tự, cho hai bài hát nổi tiếng nhất của ông, bài Dừng Bước Giang Hồ và Nhạc Sầu Tương Tư. Tương tự, hai bài hát để đời của Vũ Thành An, bài Tình Khúc Thứ Nhất và Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi, đều do nhà thơ Nguyễn Đình Toàn viết lời. Nếu nhạc sĩ nào cũng tự viết lời rất thơ và thấm thía như TCP, chắc chắn chúng ta không biết đến cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh Hồ Đình Phương, thi sĩ Hồ Đình Phương, người đã viết cả trăm lời ca cho các nhạc sĩ danh tiếng Hoàng Trọng, Châu Kỳ, Hoàng Nguyên, Lam Phương, Minh Kỳ, Phạm Thế Mỹ… [3]
Thơ tràn đầy trong lời ca của TCP, việc TCP phổ thơ là điều ắt phải xảy ra vì sự liên hệ tự nhiên, mật thiết giữa ca hát và thơ. Sự liên hệ tự nhiên này đã được ghi chép trong các sách giáo khoa. Ngày nay, sinh hoạt của một số bộ lạc bán khai vẫn không phân biệt ca hát và thơ, chỉ có ca hát. Cũng như hầu hết các xã hội văn minh, thơ phú tại Việt Nam bắt nguồn từ ca hát, ca hát bên vành nôi, dưới mái đình làng, ngoài cánh đồng, trong bãi dâu, trên dòng sông, ngang lưng đồi… Bài ca cha ngân nga khi con còn trong bụng mẹ hay câu ca dao mẹ hát bên vành nôi nay đã ươm thành thơ của con là điều mà nhiều thi sĩ (nhất là thi sĩ Quảng Nam với câu hò xứ Quảng) thường nhắc đến.
Phổ thơ là đưa nhạc về cội nguồn của nó, là một sáng tạo nhiều người hâm mộ nhưng chẳng mấy người thành công. Phổ thơ rất đạt sẽ tô thêm màu sắc cho nét nhạc ẩn tàng trong bài thơ hay đưa một nét nhạc mới vào thơ, chắp cánh cho thơ bay cao, đưa bài thơ sâu vào ký ức của quần chúng và có thể vào văn học sử. TCP đã đạt được nhiều phần của các việc đó.
Nhạc phổ thơ của TCP tuy không nhiều lắm, chừng mười bài, nhưng giá trị nghệ thuật của các bài đó đáng được khen ngợi, nhất là hai bài Giữ Đời Cho Nhau và Trên Ngọn Tình Sầu. Bài Giữ Đời Cho Nhau phổ từ bài thơ Ơn Em của Du Tử Lê:
Ơn em thơ dại từ trời
Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi.
Ơn em dáng mỏng mưa vời
Theo ta lên núi về đồi yêu thương.
Tạ ơn em. Tạ ơn em.
Ơn em ngực ngải môi trầm
Cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan.
Ơn em hơi thoảng chỗ nằm
Dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi.
Tạ ơn em. Tạ ơn em.
Ơn em tình những mù lòa
Như con sâu nhỏ bò qua giấc vùi.
Ơn em hồn sớm ngậm ngùi
Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau.
Tạ ơn em. Tạ ơn em
Ơn Em là lời cảm ơn chân tình của chàng gởi tới nàng. Đời chàng trôi nổi, nàng — người “em thơ dại từ trời”, nàng tiên giáng trần — ra tay cứu vớt. Chàng cảm ơn nàng, và cảm nhiều thứ: nàng dáng mỏng nhưng dịu dàng như sợi mưa nhè nhẹ, da thịt nàng thơm thoang thoảng chỗ nằm, ngực nàng mê hoặc như bùa ngãi, và môi nàng thơm ngọt ngào như trầm hương. Du Tử Lê — người du tử, họ Lê, một du tử rất cự phách, du tử kiểu l’ Enfant Prodigue của André Gide — tạ ơn nàng vì mấy thứ quyến rũ thân xác đó, quả là táo bạo nhưng quá tài tình. Với nét nhạc nhẹ nhàng và biến đổi không ngừng, bài thơ Ơn Em đã bay cao, rất cao. Thính giả say mê bài Ngậm Ngùi, nhạc Phạm Duy, thơ Huy Cận, với âm điệu hồn quê lục bát và nét nhạc trầm bổng của Phạm Duy, sẽ thiếu thốn rất nhiều nếu không tìm đến với bài ca Giữ Đời Cho Nhau.
Trên Ngọn Tình Sầu là một nhạc phẩm khác cũng được phổ từ thơ Du Tử Lê, bài Khúc Thêm Cho Huyền Châu:
Hạnh phúc tôi hạnh phúc tôi
Từ những ngày con nước về
Ngoài trời mưa mau ngoài trời mưa mau
Tay vuốt mặt không cùng
Bầy sẻ cũ hom hem
Chiều mái xám rêu xanh
Trời êm cao chân nhỏ
Cũng không về trên dòng sông tội lỗi
Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
Môi thâm khô từ thuở định hôn người
Ngày tháng hạ khi không mà trở rét
Giọt nắng vàng lung linh màu lạnh ngắt
Sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa
Chiều qua đó chân ai còn ríu rít âm thưa
Lời ai ru như mơ cho trời xuống thật gần
Người trông ngóng hương đưa mùi mái tóc đêm mưa
Nhẹ theo lá oan khiên lả tả mái hiên người
Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
Còn dế buồn tự tử giữa đêm sương
Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
Em ở đó bờ sông còn ẩm cát
Con sóng tình vỗ mãi một âm quen
Bài thơ thi vị với hình ảnh linh hoạt và ý thơ mới lạ. Con nước về, cơn mưa mau, giọt nắng vàng, mái xám, rêu xanh, bầy sẻ, con dế… cuốn quít với nhau tạo thành bức tranh hậu cảnh linh động cho một dòng ý thơ tuôn trào lai láng: chỉ định mới hôn nàng nhưng môi chàng đã thâm khô, giọt nắng vàng lung linh bổng trở màu lạnh ngắt để nàng ngoảnh mặt kiêu sa quay đi, và từ đó nỗi buồn hắt hiu trong mắt nàng phủ xuống để con dế buồn rầu rồi tự tử giữa đêm sương… Bài thơ thu hút người đọc ngay từ câu đầu nhưng thiếu hẳn nhạc tính và sự cân phương của các câu thơ, một đặc tính mà các nhạc sĩ phổ thơ lưu ý và ưa chuộng. Tuy vậy, với nét nhạc của TCP, bài thơ thành một khúc nhạc giao hưởng đồng quê tuyệt vời, diễn tả tài tình tiếng bước chân ai trong chiều, lời ai ru như mơ, tiếng tiếng sóng vỗ một âm quen… TCP dùng một âm vực rất lớn để phổ bài thơ, đưa ý thơ lên thật cao và xuống thật thấp để diễn tả sự tương phản buồn vui trong tình yêu và ngoại cảnh; ý thơ chính rơi vào nhịp mạnh, với nốt nhạc có cao độ lớn và trường độ khá dài, rồi hạ dần để đi vào lời kể lể gồm nhiều câu nhạc ngắn được lặp lại với chút biến đổi, thuận tai, trôi chảy…
Trên Ngọn Tình Sầu là một tình ca hoài niệm cho một tình yêu đã mất, mất đi vì một lý do không lý do. Ai đó vì âm hưởng của bản nhạc này mà cho rằng nhạc phải được đặt để cao hơn thơ một bậc, xin độc giả đừng vội lên án, vì đó là một sự thật. Và đây là lời biện minh: khi ngôn ngữ Du Tử Lê yên lặng vì chơi vơi và bất lực, nét nhạc TCP lại tiếp nối.
Trên Ngọn Tình Sầu là một trong những bài nhạc phổ từ thơ hay nhất trong làng nhạc Việt Nam. Với bài này, TCP sẽ được các nhà phê bình ca nhạc nghiêm chỉnh đặt để vào chiếc chiếu hoa dành cho những nhạc sĩ phổ thơ tài ba như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Anh Bằng…
Một nét tài hoa khác của TCP là giọng hát trầm ấm được mến mộ qua nhiều năm tháng. Tại Miền Nam, số ca nhạc sĩ vẹn toàn cả hai lãnh vực viết nhạc và ca hát không là bao. Hai tên tuổi đáng nhắc nhở nhất là Mạnh Phát và Tuấn Khanh nhưng cả hai đều là ca sĩ thành đạt trước khi trở thành nhạc sĩ sáng tác nổi danh. Cùng thời với TCP có thể kể đến Đức Huy, nhưng tiếng hát của nhạc sĩ này chỉ là tiếng hát học trò bình thường so với dòng nhạc mới lạ, nhiều sáng tạo, nhiều nét đáng yêu của ông ta.
Hát là vận chuyển hơi thở để các dây âm thanh trong cổ họng rung lên thành âm thanh và đưa âm thanh dội vào lồng ngực và đầu, trước khi đến tai người nghe. “Tiếng hát không hơi rung” là tiếng hát “nghèo nàn”, đó là một nhận xét xác đáng của cố nhạc sĩ Lê Uyên Phương. Người hát phải hát hữu hiệu (effectively) nghĩa là hát đúng kỹ thuật và hát đúng từng nốt nhạc và câu nhạc để diễn tả bản nhạc chứ không hát với những điệu bộ ngụy tạo (affectedly) như uốn éo, nức nở, nghẹn ngào… Nhà soạn nhạc kịch danh tiếng người Anh George Bernard Shaw cho rằng địa ngục đầy dẫy những nhạc sĩ không tập thành thạo bài nhạc phải đàn và ca sĩ hát với những điệu bộ giả dối ngụy tạo cốt để được chú ý. Ca sĩ Ý Lan, ái nữ của danh ca Thái Thanh, một nhan sắc diễm kiều với một giọng ca thiên phú mượt mà, nhưng tiếc thay, trong một số bài hát, cô hát không khác mấy ca sĩ mà George Bernard Shaw chê trách.
TCP hát rất kỹ thuật và diễn tả trung thực những gì các nốt nhạc và câu nhạc chuyên chở. Nhờ có được một âm vực rất lớn, TCP hát êm ái nhịp nhàng tất cả bài anh viết, hát tự nhiên như lời tâm sự chân thành, hát với nốt nhạc cao trong sáng, nốt nhạc thấp mượt mà, diễn tả những chuyển đổi (modulation) rất tài tình và lối phân câu hợp lý. Vài bài nhạc của TCP vang vọng xa hơn với tiếng hát thượng thặng của nam ca sĩ Tuấn Ngọc; nhưng tựu trung, với tiếng hát dễ gây cảm xúc và với lối diễn tả chân tình, tự nhiên, dáng vóc nghệ sĩ TCP đi sâu vào tâm trí quần chúng hơn so với trường hợp của các nhạc sĩ nổi tiếng đồng thời như Ngô Thụy Miên hay Vũ Thành An.
Khả năng ca hát của TCP ảnh hưởng phần nào đến việc sáng tác. Theo lời TCP tâm tình, thường khi một ý nhạc chợt đến và lượn tròn trên đầu, TCP vội ghi xuống bằng nốt nhạc. Nhiều khi ý nhạc không phải là một melody mà là một câu hát nhẹ nhàng, mơ hồ, đến từ một thời nào xa xăm, một phương trời nào cách biệt hay một chỗ sâu kín nhất trong tâm hồn. Có lẽ đó là tiếng hát TCP đã một lần hát lên, nay vang dội trở về cùng với tiếng sóng, tiếng mưa rơi, lời gió thì thầm, tiếng chim ca ríu rít… hay là lời tâm tình của một tâm hồn cô đơn, khát khao hạnh phúc nào đó, đang rót vào tai TCP. TCP lắng nghe, ghi nhớ, để cuộc sống yên lặng chìm xuống sâu, và rồi tìm nốt nhạc để hoàn thành bài ca. Về điểm này TCP đến gần với Elton John, một ca nhạc sĩ nổi tiếng người Anh, thường sáng tác nhạc bằng lời ca. Sáng tác nhạc bằng lời ca là sự việc được nhiều người biết đến, nhất là các ca sĩ không rành ký âm pháp. Các ca sĩ này chợt hát lên vài câu hát hay cả bài hát rồi cố ghi nhớ chúng hay ghi âm chúng bằng một phương tiện nào đó. Nếu thích thú, các ca sĩ này có thể gởi tiếng hát vừa ghi âm đến cho nhạc sĩ hay hát cho nhạc sĩ nghe và nhờ họ ký âm thành bản nhạc.
Ngày vui qua mau, chúng tôi tập họp tại phòng sinh hoạt của du thuyền để lên bờ và chia tay nhau. Trong khi chờ đợi, tôi ngồi xuống cây đàn piano tôi mới dùng đêm trước để đệm đàn cho các bạn và TCP hát. Tôi mở nắp đàn, đàn vu vơ vài câu, TCP tiến đến bên tôi, dựa vào đàn và hát khe khẻ:
Về xứ thâm trầm xa cuộc đời này
Sẽ không còn ngàn kiếp truân chuyên
Và hết nhân duyên
Tôi trở về kết đọng linh hồn
Làm mặt đá xây hồ lãng quên.
………
(Xứ Thâm Trầm, TCP)
TCP hát hay, hay hơn mấy đêm trước. Hình như TCP chỉ hát cho riêng anh nghe dù cả hơn trăm người quây quần quanh anh; vài ý tưởng xoay vòng trong đầu tôi.
Tôi nghĩ đến tiếng hát nhuốm màu Nam Hoa Kinh của Trang Tử, tiếng hát của người muốn tìm đến một xứ nào đó, dù không có con cá Côn to lớn, biến thành con chim Bằng vỗ cánh bay lên cao, đôi cánh che khuất cả bầu trời, nhưng xứ đó bình yên, thâm trầm, không xáo trộn bởi hệ lụy của tình yêu hay truân chuyên của cuộc sống…
Tôi nghĩ đến tiếng hát của sự đau khổ, tiếng hót của một loài chim, loài chim hót tuyệt vời nhất khi cơn đau chất ngất mà nhà văn Úc, Colleen McCullough, đã chọn làm đầu đề cho cuốn tiểu thuyết bi đát của bà, The Thorn Birds…
Tôi nghĩ đến tiếng hát của người thi sĩ trong một bài thơ của Lamartine:
Je chantais, mes amis, comme l’homme respire,
Comme l’oiseau gémit, comme le vent soupire,
Comme l’eau murmure en coulant.
Aimer, prier, chanter, voilà toute ma vie.
……..
À l’heure des adieux je ne regrette rien.
(Các bạn ơi, tôi hát như loài người hít thở
như loài chim rên rỉ, như tiếng gió thở dài
như dòng nước chảy thì thầm.
Yêu thương, cầu nguyện, ca hát, đó là cả đời tôi
…….
Và giờ phút vĩnh biệt, tôi không có gì để hối tiếc.)
TCP hát lại điệp khúc, hát nhẹ nhàng hơn, êm ái hơn. Tôi nghĩ đến Beethoven: âm nhạc cho chúng ta cảm nhận những gì cao xa hơn sự khôn ngoan và triết học. Tôi biết TCP vừa trải qua mấy năm dài phấn đấu không ngừng với nỗi chết không rời, và tôi cũng biết TCP đang sống đời sống tâm linh với sự chiêm ngưỡng tuyệt đối, đọc kinh nguyện cầu và tạ ơn hàng đêm về những ơn phước anh đang nhận lãnh. Và giờ đây, với nét nhạc và lời ca, tôi tin anh đã linh cảm được điều gì đó rất thiêng liêng về ý nghĩa rốt ráo của sự sống và chết, vượt lên trên những gì anh trải nghiệm trong suốt những năm qua. Tôi mừng cho anh, chắc anh đã nắm bắt được phần nào lời nhắn nhủ Beethoven dành cho hậu thế. Chúng tôi chia tay.
Nguyễn Phụng (©)
Raleigh, NC 10/2016
(©) tác giả NP là bạn học thời PCT của LHoán, bài viết là những nhận định của anh.
Ghi Chú:
1. Từ Công Phụng sinh năm 1942 tại Ninh Thuận và bắt đầu sáng tác khi 18 tuổi. Vì giáo dục âm nhạc chưa được phát triển tại Việt Nam, đa số nhạc sĩ Việt Nam phải mò mẫm tự học lý thuyết nhạc hay học hàm thụ các khóa nhạc lý tại trường École Universelle, Paris Pháp. Cũng như nhiều nhạc sĩ khác, TCP tự học nhạc lý và tài liệu gối đầu giường của anh là cuốn Hòa Âm và Phối Khí, Harmonie et Orchestration, của Robert de Kers (Paris, 1944). Am hiểu cuốn sách đó, người đọc nắm bắt được vài điểm cốt yếu về sáng tác nhạc và phân phối các nhạc cụ trong ban nhạc để trình tấu một bản nhạc. Đó là cuốn sách quen thuộc với nhiều nhạc sĩ Việt Nam và ảnh hưởng rất nhiều đến cuốn Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông của Hoàng Thi Thơ xuất bản vào năm 1953. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ dựa vào cuốn này, nhiều tài liệu của École Universelle và cuốn Danh Từ Âm Nhạc Pháp Việt của đạo diễn kiêm nhạc sĩ Tống Ngọc Hạp (người tình của nữ tài tử Thu Trang, tài tử chính trong phim Chúng Tôi Muốn Sống) để hoàn thành tác phẩm của mình. Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông là một tài liệu vỡ lòng, dễ đọc và rất hữu ích cho các nhạc sĩ không thông thạo ngoại ngữ, không có phương tiện du học hay theo học hàm thụ bên Pháp.
2. Đầu năm 1967-1968, Từ Công Phụng (TCP) vào nội trú tại Ký Túc Xá Quốc Gia Hành Chánh. Sự hiện diện của TCP trong Ký Túc Xá là một tin vui, mới lạ, vì người sinh viên nội trú này là một nhạc sĩ trẻ, đương lên, tác giả bài tình ca rất nổi tiếng, bài Bây Giờ Tháng Mấy. Bài ca được mọi người ưa chuộng, nhất là giới học sinh và sinh viên, và được nhiều ca sĩ nổi tiếng thời bấy giờ trình bày:
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em
Lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm
Chiều nay nếu em đừng hờn dỗi
Trách nhau một lần thôi
Tâm hồn mình đâu lẻ loi.
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em
Anh đi tìm màu hoa em cài
Chiều nay nhớ em rồi và nhớ
Áo em đẹp màu thơ
Môi tràn đầy ước mơ.
………
Tại Ký Túc Xá, mỗi khi nghe bài hát đó trên đài Phát Thanh Sài Gòn hay Đài Quân Đội, người nghe đầu tiên gọi bạn bè để cùng thưởng thức. Hầu như mỗi ngày bài này được trình bày ít nhất một lần trên các chương trình phát thanh, tại các phòng trà, quán nhạc hay các buổi sinh hoạt văn nghệ. Quá quen thuộc với bài hát, quần chúng sở hữu giai điệu của bài hát, ngâm nga giai điệu tùy hứng, theo nhiều cách khác nhau, và tùy tiện đặt lời ca mới cho giai điệu này, phản ảnh giá trị nội tại của bài ca và óc khôi hài cố hữu, ý vị và thông minh của quân chúng Việt Nam. Và đây là lời ca mới, hay lời ca cải cách, của bài Bây Giờ Tháng Mấy của TCP:
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
Anh đi tìm nhà thương em nằm
Lời ca mới đó, nhất là khi phụ họa với bài hát Biệt Kinh Kỳ của Minh Kỳ và Hoài Linh, đưa TCP sâu vào câu chuyện vui đùa của lớp học sinh, sinh viên và trẻ tuổi. TCP chắc không vui mấy khi đứa con đầu lòng của mình đã bị sửa tên đổi họ một cách khôi hài, nhưng hiện tượng sở hữu hóa đó đưa bài hát Bây Giờ Tháng Mấy sâu vào quần chúng. Và đây là một bằng chứng đặc biệt: Một người hâm mộ TCP, có lẽ là một cô gái trẻ tuổi, tặng TCP một bài thơ ghi lại âm vang của bài hát trong tâm tư nàng. Bài thơ hay đã thành lời ca của bài Bây Giờ Tháng Mấy Ca Khúc 2 của TCP:
Bây giờ là tháng mấy
Mình xa nhau đây em
Chiều nay trời mây đầy
Cho lạnh buốt vai gầy
Ngày cũ mình còn đôi
Mà nay em hờn dỗi
Thất hẹn một lần thôi
Để mộng vỡ tan rồi
Bây giờ là tháng mấy
Chiều nay sao mưa bay
Nhớ em mấy cho vừa
Đàn lạc phím ru hờ
Chiều rơi nhẹ vào mắt
Trời chớm đông lạnh ngắt
Gió lay nhẹ hàng cây
Dáng em mờ trên mây
Mai đây em đi về
Có ai đưa chân mềm
Hôn làn tóc lưng thềm
Mà từng đêm anh đã trót
Ngày đó có anh chờ
Và nay biết ai đợi
Để đưa em đi về
Khi cuộc vui đã tan
Bây giờ là tháng mấy
Mùa hoa đã phai chưa
Tìm quên mùa thương này
Trong nhạc lắng cung đàn
Màu mắt em còn đó
Nhìn áng mây chiều gió
Lướt bay về trời cũ
Đâu nữa ngày mộng mơ
Bây giờ là tháng mấy
Chiều anh đi quên đường
Tìm màu hoa hương cũ
Em cài áo làm duyên
Bao năm qua rồi, tác giả bài thơ đó vẫn còn là một bí ẩn với TCP.
3. Hồ Đình Phương là bậc đàn anh của chúng ta, tốt nghiệp thủ khoa Đốc Sự Khóa 2, khi Học Viện Quốc Gia Hành Chánh còn ở Đà Lạt, chưa dời về số 10 đường Trần Quốc Toản Sài Gòn. Hồ Đình Phương làm việc tại Ty Thuế Vụ Long An và từng giữ chức Phó Tỉnh Trưởng Ninh Thuận, quê hương của TCP. Sau quốc nạn 1975 và sau nhiều năm đày đọa trong lao tù cộng sản, Hồ Đình Phương cùng gia đình vượt biên tìm tự do, nhưng chiếc thuyền nhỏ mong manh mang bao ước vọng của Hồ Đình Phương đã chìm sâu vào lòng biển cả. Thi sĩ Hồ Đình Phương người đã viết cả trăm lời ca cho các nhạc sĩ danh tiếng Hoàng Trọng, Châu Kỳ, Hoàng Nguyên, Lam Phương, Minh Kỳ, Phạm Thế Mỹ, Hoài An, Tú Nhi, Lê Dinh, Song Ngọc, Trịnh Hưng, Văn Giảng, Lê Quang Nhạc, Võ Đức Thu, Trần Văn lý, Ưng Lang. Xin các anh chị đọc thong thả mấy dòng này như một nén hương lòng để cùng tưởng niệm một bậc đàn anh khả kính, một nghệ sĩ tài hoa, đã đóng góp nhiều hương sắc cho vườn Tình Ca của Miền Nam mến yêu.