Như vậy, tự do học thuật có hai quan hệ chính: Một, đó là nền tảng của giáo dục, đặc biệt giáo dục đại học; và hai, đó cũng là một trong những nền tảng để xây dựng một xã hội dân chủ, đặc biệt ở khía cạnh khoa học và văn hóa, vốn là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế hiện đại.
Ở đây, tôi chỉ giới hạn tự do học thuật trong quan hệ với giáo dục đại học.
Đầu tiên, hầu như ai cũng biết mức độ phát triển của khoa học, kỹ thuật và từ đó, của kinh tế cũng như của xã hội được xây dựng trên nền tảng của giáo dục, đặc biệt giáo dục đại học. Giáo dục ở Mỹ, chẳng hạn, gặp khá nhiều khó khăn ở cấp tiểu học và trung học, nhưng cho đến nay, vẫn rất thành công ở cấp đại học: Theo bất cứ một cuộc điều tra hay xếp hạng nào, những đại học giỏi nhất bao giờ cũng thuộc về Mỹ, và sau đó, thuộc các quốc gia nói tiếng Anh. Khi dẫn đầu ngành giáo dục đại học, Mỹ cũng đồng thời dẫn đầu trên các phương diện nghiên cứu, và từ đó, trong các lãnh vực khoa học kỹ thuật nói chung.
Sự thành công của giáo dục đại học Mỹ cũng như của các quốc gia Tây phương tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trong đó, quan trọng nhất là tự do học thuật.
Trong cái gọi là tự do học thuật ấy có nhiều cấp độ, trước hết và quan trọng hơn hết, là tính chất tự trị và độc lập của các đại học. Chính phủ trợ cấp tài chính cho các đại học nhưng lại hoàn toàn không can thiệp đến, một, nhân sự (bao gồm chức vụ các cấp), hai, chính sách, ba, việc quản lý ngân sách, và bốn, chương trình và nội dung giảng dạy ở các đại học. Không có bất cứ ông/bà Bộ trưởng hay Thủ tướng hay Tổng thống nào có quyền can thiệp vào các sinh hoạt ở đại học. Họ cũng không được quyền lợi dụng ngân sách để gây sức ép lên các đại học hầu biến đại học thành con rối của chính phủ. Tuyệt đối không.
Mức độ thứ hai của cái gọi là tự do học thuật ấy là, trong phạm vi từng trường, bộ máy hành chính (bao gồm từ Viện trưởng, Viện phó xuống đến Khoa trưởng, Khoa phó) hầu như hoàn toàn không can thiệp vào chương trình và nội dung giảng dạy của bộ phận chuyên môn (các giáo sư và giảng viên). Tôi xin lấy trường hợp của tôi làm ví dụ cho dễ hiểu. Là chủ nhiệm Ban Việt ngữ và Việt học, tôi có toàn quyền trong việc thiết kế chương trình, mở lớp này thay lớp nọ; trong từng lớp, việc dạy gì là tùy thuộc ở tôi. Khi cần mở lớp mới, tôi chỉ cần chứng minh với trường về tính chất khoa học cũng như nhu cầu về kiến thức và, phần nào, nhu cầu “thị trường” của lớp ấy. Vậy thôi. Tuyệt đối không có ai can thiệp phải thêm phần này hay bớt phần nọ. Bộ phận hành chính, nếu muốn đánh giá lớp học nào đó, chỉ căn cứ vào, một, số lượng sinh viên ghi danh, và hai, gần đây, các bản nhận xét của sinh viên vào mỗi cuối học kỳ. http://www.vu.edu.au/unitsets/
Thấp hơn nữa, trong quan hệ giữa thầy và trò, các thầy cô giáo cũng phải tôn trọng quyền tự do học thuật của các nghiên cứu sinh và sinh viên. Khi hướng dẫn sinh viên làm luận án, tôi chỉ để ý đến vấn đề kiến thức, lý luận và phương pháp luận chứ không can thiệp vào các kết luận: Đó là công việc của các nghiên cứu sinh. Đối với bậc Cử nhân cũng vậy, ví dụ trong môn Nhiều nước Việt Nam: Văn hóa Chiến tranh Và Ký ức (Many Vietnams: War Culture and Memory), http://www.vu.edu.au/units/
Tất cả những điều kể trên không phải là do cá tính hay thói quen làm việc. Mà là một nguyên tắc. Phần lớn các đại học ở Tây phương đều có bản chính sách về tự do học thuật (academic freedom policy) được viết thành văn bản hẳn hoi, trong đó, người ta nhấn mạnh đến quyền tự do của các giáo sư và giảng viên cũng như của sinh viên, đồng thời cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của mỗi người trong việc hành xử các quyền tự do học thuật của mình.
Ở Việt Nam, ngược lại, ngay từ lúc mới giành được chính quyền, đảng Cộng sản đã chi phối toàn bộ chương trình và nội dung giáo dục ở đại học. Không kể các trường đại học thời kháng chiến chống Pháp vốn mới manh nha; kể từ lúc cầm quyền ở miền Bắc về sau, bàn tay của đảng hầu như lúc nào cũng thọc sâu vào các sinh hoạt học thuật ở đại học. Tất cả những người tham gia vụ Nhân văn Giai phẩm, dù trí thức cao ngất, như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, nếu đi lệch ra ngoài quan điểm chính trị của giới cầm quyền đều bị loại trừ. Ngay cả một số người, mới chỉ là sinh viên, còn rất non trẻ, chỉ vì dính líu một chút vào Nhân văn Giai phẩm, vẫn bị đày đọa cả hàng mấy chục năm, như trường hợp của Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc và Văn Tâm, v.v…
Gần đây nhất, nổi bật nhất là vụ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tước bằng Thạc sĩ của nhà văn Nhã Thuyên Đỗ thị Thoan chỉ vì, trong luận văn ấy, Nhã Thuyên viết về nhóm Mở Miệng, một nhóm văn học ngoài luồng của một số nhà thơ ở Sài Gòn. Thật ra, đó chỉ là vụ gây ồn ào nhất. Nhưng không phải là duy nhất. Tôi biết, trước đây, có một số người, trong đó, có người từng viết lách và khá có tiếng tăm, xin làm luận văn Thạc sĩ về Thanh Tâm Tuyền hay nhóm Sáng Tạo ở Sài Gòn, cũng bị bác bỏ, chỉ với một lý do duy nhất: “nhạy cảm”.
Từ sau vụ Nhã Thuyên, tôi nhận được email của một số sinh viên và nghiên cứu sinh cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc làm luận văn về các nhà văn và nhà thơ ở miền Nam trước năm 1975. Trong đó, có hai trường hợp: Một, có người mới nộp đề tài đã bị giáo sư hướng dẫn từ chối chỉ vì lý do “nhạy cảm”; hai, một số người đã bắt đầu từ 1,2 năm trước, viết luận văn sắp xong, nhưng dưới áp lực của nhà trường, cả thầy lẫn trò đều phải thay đổi đề tài để tránh bị chính quyền trừng phạt, như trường hợp của Nhã Thuyên.
Tất cả những sự can thiệp và trả thù thô bạo của chính quyền trong lãnh vực học thuật như vậy là một biểu hiện của việc chà đạp lên các quyền căn bản của con người, từ quyền tự do tư tưởng đến quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận. Tác hại của những sự chà đạp ấy nhiều và rất nghiêm trọng. Khi học thuật không có tự do, khoa học, cả khoa học xã hội và nhân văn, không thể nào phát triển; khi khoa học không phải triển, người ta không thể có một sự thông thái đích thực, hơn nữa, thậm chí, không thể nâng cao được trình độ dân trí, không phát huy được sức mạnh văn hóa trong việc phát triển kinh tế. Khi cả trình độ dân trí lẫn kinh tế thấp, cả dân tộc, may lắm, chỉ có thể làm những công việc lặt vặt như gia công và lắp ráp cho thế giới.
Nguyễn Hưng Quốc