Sau khi đặt nền đô hộ ở Việt Nam, nhìn thấy quá khứ của ta nặng về Hán học, người Pháp muốn cắt đứt liên lạc văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa. Để hướng tinh thần người Việt về với Pháp, chữ Hán cũng như chữ Nôm cần phải triệt bỏ. Do đó, Pháp cấp bách hủy diệt nền Nho học và thay thế bằng một hệ thống giáo dục mới phục vụ cho guồng máy cai trị.
Năm 1864 là kỳ thi Hương cuối cùng ở trong Nam (tổ chức ở ba tỉnh miền Tây trước khi bị Pháp chiếm). Kể từ khi Nam Kỳ hoàn toàn trở thành thuộc địa của Pháp, từ 1878 chữ Hán trong giấy tờ công văn các cơ quan hành chánh được thay thế bằng chữ Pháp và chữ Quốc Ngữ. Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, dưới quy chế bảo hộ, sự thay đổi về giáo dục chậm chạp hơn. Kỳ thi Hương chót ở ngoài Bắc vào năm Ất Mão 1915, ở Huế năm Mậu Ngọ 1918. Chế độ giáo dục và khoa cử Nho học thực sự cáo chung với kỳ thi Hội cuối cùng năm Kỷ Mùi 1919 ở Huế. Tuy vậy mãi đến năm 1932 bộ máy quan lại của triều đình Huế mới bãi bỏ việc dùng chữ Hán và thay thế bằng chữ Pháp hay Quốc Ngữ [01]. Qua việc sử dụng tiếng Pháp trong việc giảng dạy, Tây học ngày một phát triển dần dà tạo ra lớp trí thức mới trong xã hội.
Từ 1930 các trường cao đẳng, đại học Pháp Việt với những niên khóa liên tiếp sản xuất khá đông đảo giới trí thức mới. Họ không còn là những nhà Nho lỡ thời của giai đoạn trước như Phan Khôi, Tản Đà, Lê Dư, Phan Kế Bính, Dương Bá Trạc, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Đôn Phúc, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật, Ngô Tất Tố, Ngô Văn Triện… Họ là những thanh niên trẻ trung không thấm nhuần hoặc biết rất ít Hán học, nhưng lại thâm nhiễm tư tưởng Tây phương qua giáo dục học đường, sách báo, văn học Pháp, hoặc trực tiếp sống, sinh hoạt, thở hút không khí xã hội một nước văn minh khi du học ngoại quốc. Các nhà trí thức mới ý thức được sự tự do bình đẳng, trên con đường canh tân đất nước họ là những thành phần tiến bộ.
Tự Lực Văn Đoàn ra đời vào thời điểm này đáp ứng đúng lúc nhu cầu của xã hội, đứng lên tấn công vào thành trì luân lý, phong tục, văn hóa cũ để giải quyết băn khoăn về tư tưởng, thỏa mãn khát vọng tình cảm…Về phương diện văn học, cách viết còn nặng phần biền ngẫu của thời Nam Phong Tạp Chí được Tự Lực Văn Đoàn thay thế bằng lối văn mới đơn giản, trong sáng, mạch lạc.
TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
Năm 1930 Nguyễn Tường Tam tốt nghiệp Cử Nhân Khoa Học (Vật Lý) du học ở Pháp về nước với một quan niệm mới về xã hội, văn chương, nghề báo, xuất bản. Năm 1932 chủ trương tờ Phong Hóa (tục bản/đổi mới), và năm sau, thành lập Tự Lực Văn Đoàn. Tự lực mang ý nghĩa tự lập, tự sức mình gây dựng nên cơ sở báo chí, không dựa vào chính phủ hay một thế lực tài chánh nào để giữ tư cách độc lập [02]. Tự Lực Văn Đoàn có 7 người (thất tinh) [03], thời gian đầu văn đoàn có 6 người là Nhất Linh [04], Khái Hưng [05], Hoàng Đạo [06], Thạch Lam [07], Thế Lữ [08], Tú Mỡ [09], năm 1938 kết nạp thêm Xuân Diệu [10]. Cơ quan ngôn luận của Tự Lực Văn Đoàn là tuần báo Phong Hóa và Ngày Nay. Tôn chỉ [11] của văn đoàn gồm 10 điều mà chủ đích được thu gọn vào những điểm quan trọng sau:
1. Loại văn: để chống lại giai đoạn trước chuyên về học thuật, dịch thuật, văn đoàn chú trọng đến sáng tác, tự lực mình sáng tạo không đi phiên dịch hay mô phỏng của ngoại quốc.
2. Hình thức: chủ trương viết giản dị, trong sáng, dễ hiểu, dùng ít chữ Nho để thay đổi lối hành văn còn nặng về biền ngẫu dài lê thê của lớp nhà văn, nhà báo đi trước.
3. Nội dung: một số tư tưởng nòng cốt mà nhà văn, nếu không chuyên chở được trong tác phẩm của mình, cũng không được đi ngược lại gồm có:
– Chống lại Nho giáo vì đã lỗi thời
– Diễn đạt tư tưởng xã hội và chủ nghĩa bình dân để chống lại khuynh hướng quan liêu, phong kiến.
– Đề cao tự do cá nhân, chống lại luân lý gia đình độc đoán.
– Khuyến khích thanh niên yêu đời, vui sống, trẻ trung, mới mẻ, có ý chí phấn đấu để xóa tan già nua, thảm sầu, chán nản, than mây khóc gió của giai đoạn Giọt Mưa Thu, Tuyết Hồng Lệ Sử.
– Diễn tả những vẻ đẹp của đất nước để gợi lòng yêu nước, không vọng ngoại.
– Ứng dụng phương pháp khoa học vào văn chương để đạt được sự rõ ràng, mạch lạc.
TUẦN BÁO PHONG HÓA
Phong Hóa từ số 1 đến 13 do một số giáo sư trường Thăng Long chủ trương, Nguyễn Xuân Mai đứng tên giấy phép, Phạm Hữu Ninh [12] làm quản lý, Trần Khánh Giư (Khái Hưng), giáo sư Thăng Long là chủ bút. Với tôn chỉ dung hòa “xét trong hai nền văn hóa cái gì tốt đẹp thì thâu góp làm văn hóa của nước nhà” chỉ được dư luận chú ý lúc đầu, sau vì không đem lại điều gì mới mẻ nên đi xuống. Nguyễn Tường Tam thấy cơ hội tốt nên điều đình mua với giá rẻ (mua tên và giấp phép ra báo Phong Hóa), đứng ra làm lại tờ báo. Ngày 22 tháng 09, 1932, Phong Hóa số 14 đổi mới ra mắt độc giả với Nhất Linh, Khái Hưng, Tứ Ly, Tú Mỡ, Thế Lữ, Nhị Linh, Đông Sơn.
Chỉ trong vài tháng số in tăng từ 3,000 lên 10,000. Sau số Xuân 1933, thấy được độc giả hoan nghênh nồng nhiệt, Nhất Linh cùng các cộng tác viên thành lập nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Phong Hóa số tháng 3, 1933 văn đoàn ra mắt với bản tuyên ngôn ngắn và giới thiệu dấu hiệu của đoàn (logo) là hình con ó bằng mấy nét vẽ kỷ hà.
Tờ Phong Hóa ngay từ khi đổi mới đã như một trái bom nổ ra trong làng báo, mang lại sự trẻ trung, yêu đời [13] bằng tiếng cười cho độc giả xã hội Việt Nam qua lối văn trào phúng, hí họa các nhân vật, tranh hài hước Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh…Phong Hóa đã khéo học hỏi từ các báo Pháp cùng thời như tờ Rire, Canard Enchainé, Gringoire, Marianne trở thành tờ báo trào phúng đầu tiên trong lịch sử báo chí nước ta. Cái cười chinh phục được độc giả và nhờ đó thực hiện được, dù dưới khía cạnh tiêu cực, việc đả phá những tục lệ cổ hủ, các nhân vật thời danh bằng cách khoác cho họ một biệt danh châm biếm, bằng nét vẽ hài hước. Phong Hóa sau khi đã chế diễu hầu hết các người có tiếng tăm, năm 1935, trong loạt bài hoạt kê Đi Xem Mũ Cánh Chuồn đả kích gay gắt bọn phong kiến quan liêu, nhất là đám quan lại Nam Triều chạy theo Pháp, đụng chạm tới Tổng Đốc Hoàng Trọng Phu nên bị đóng cửa 3 tháng kể từ ngày 24 tháng 05, 1935 (tháng 6,7,8). Sau khi ra lại được hơn một năm thì bị đóng cửa vĩnh viễn sau số 190 ngày 05 tháng 06, 1936.
TUẦN BÁO NGÀY NAY
Trước khi Phong Hóa bị đóng cửa, tờ Ngày Nay đã có mặt. Vào thời điểm Phong Hóahoạt động được hơn 2 năm, thấy đã gây được ảnh hưởng trong quần chúng, nhóm Tự Lực Văn Đoàn quyết định ra thêm một tờ báo nữa do Nguyễn Tường Cẩm, anh của Nhất Linh đứng tên giấy phép. Ngày Nay ra đời ngày 31 tháng 01, 1935 vẫn theo đuổi tôn chỉ nhìn đời bằng con mắt vui tươi và phấn đấu nhưng thay đổi phương pháp [14]. Ngày Nay loại bỏ mục trào phúng và chuyên về phóng sự điều tra [15] với nhiều hình ảnh có tính cách mỹ thuật giống như các tạp chí ngoại quốc Paris Match, Life… Đây là lối làm báo mới lạ với độc giả thời đó nên được đón nhận nồng nhiệt không kém gì tờPhong Hóa. Tuy nhiên, vì nhân lực giới hạn bị chia sẻ, thêm nữa ấn loát tốn kém nên sau khi ra được 13 số phải tự tạm đình bản để dồn nỗ lực vào tờ Phong Hóa.
Phong Hóa bị đình bản giữa năm 1936, tờ Ngày Nay ra lại với phần trào phúng bị loại bỏ để tránh bị rút giấy phép, chỉ còn 2 phần tiểu thuyết và trông tìm. Nhưng đến cuối năm 1936 vì thời cuộc chính trị sôi nổi [16], báo cho sống lại phần trào phúng, nhưng giảm bớt mức độ so với Phong Hóa lúc trước, gọi là “Cười Nửa Miệng”. Tờ báo trong những năm từ 1937 đến 1939 là diễn đàn thời sự của cây viết sắc bén Hoàng Đạo đòi hỏi chính quyền bảo hộ Pháp giải quyết các vấn đề tự do nghiệp đoàn, báo chí, đời sống dân quê, công lý…[17]. Trong thời gian này Tự Lực Văn Đoàn cổ động cho sáng kiến Nhà Ánh Sáng của họ (với sự tham gia của kiến trúc sư Võ Đức Diên). Đó là một tổ chức xã hội nhằm giải quyết vấn đề nhà ổ chuột của người nghèo ở thành thị.
Tờ Ngày Nay bị chính quyền Pháp cảnh cáo vì bức tranh hí họa của Nguyễn Gia Trí trên bìa số 144 ra ngày 07 tháng 01, 1939. Đến số 206 ra ngày 06 tháng 04, 1940, báo bị đình bản 1 tháng vì bức biếm họa cũng của Nguyễn Gia Trí. Ba tháng sau, Pháp rút giấp phép, Ngày Nay đình bản vĩnh viễn sau số 224 ra ngày 07 tháng 09, 1940 (trong hồ sơ mật vụ Pháp ở Aix en Provence không thấy nêu rõ lý do).
NHÀ XUẤT BẢN ĐỜI NAY
Lúc đầu một số tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn như Hồn Bướm Mơ Tiên (1933), Nửa Chừng Xuân (1934) của Khái Hưng, Vàng và Máu (1934) của Thế Lữ được xuất bản dưới tên An Nam Xuất Bản Cục (Société Anamite d’Edition). Từ 1934 Nhất Linh đổi tên nhà xuất bản của Tự Lực Văn Đoàn là Đời Nay. Sách bán rất chạy (trung bình mỗi cuốn ấn hành 5,000 bản), ngoài tập thơ của Thế Lữ và Tú Mỡ, phần lớn là tiểu thuyết. Lúc đầu chỉ có các tác phẩm trong nhóm, sau xuất bản cả những sách được giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn và sách giá trị của các nhà văn bên ngoài như tiểu thuyết của Nguyên Hồng, Nguyễn Khắc Mẫn, Vũ Trọng Phụng, thơ của Tế Hanh, Anh Thơ, Vũ Hoàng Chương… Để văn phẩm được phổ cập rộng rãi, lúc sau nhà xuất bản Đời Nay cho ra loại Lá Mạ và Nắng Mới phẩm chất kém hơn nhưng phí tổn thấp, bán với giá rẻ nên mỗi lần sách ra đều bán hết ngay.
Ấn phẩm của nhà xuất bản Đời Nay trình bày sáng sủa, mỹ thuật từ trong ruột ra ngoài bìa, khác hẳn với những sách của các nhà xuất bản thương mại trong thời kỳ trước vừa luộm thuộm, vừa cổ lỗ xấu xí. Đời Nay là nhà xuất bản duy nhất chia tiền lời bán sách cho tác giả, đã mở một kỷ nguyên mới và là nhà xuất bản thuần túy văn học đầu tiên ở nước ta. Đến năm 1940, tờ Ngày Nay đóng cửa nhưng nhà xuất bản Đời Nay vẫn tiếp tục hoạt động do Thạch Lam phụ trách, phổ biến các sách của văn đoàn. Đến tháng 07, 1942 Thạch Lam từ trần, Nguyễn Tường Bách, em út trong gia đình Nguyễn Tường, tiếp tục duy trì nhà xuất bản. Từ 1940 nhà Đời Nay xuất bản thơ, tiểu thuyết nhiều hơn trước và thêm loại Sách Hồng cho thiếu nhi. Nhờ vậy có tiền lời chia cho thành viên, tuy thất thường nhưng cũng giúp gia đình họ phần nào trong lúc khó khăn báo bị đóng cửa. Tháng 04, 1945 tập thơ Hoa Niên (tức Nghẹn Ngào) của Tế Hanh là ấn phẩm cuối cùng của nhà xuất bản Đời Nay.
NHÀ IN NGÀY NAY
Hai tờ Phong Hóa, Ngày Nay và các sách của nhà xuất bản Đời Nay đều thuê in ở ngoài, do đó Nhất Linh nghĩ đến chuyện mở nhà in riêng tiết kiệm phí tổn. Để có tiền Tự Lực Văn Đoàn gọi cổ phần, mỗi cổ phần $500 [18]. Nhà in Ngày Nay bắt đầu hoạt động từ tháng 5, 1940, có máy in lớn, chữ mới, thợ làm suốt ngày đêm. Báo Ngày Nay bắt đầu in ở nhà in nhà từ số 209 ra ngày 25 tháng 05, 1940 [19]. Hoàng Đạo phụ trách nhà in, ngoài báo nhà còn in sách của nhà xuất bản Đời Nay và in thuê lấy lời. Tính đến số báo cuối cùng trước khi bị đóng cửa, tờ Ngày Nay in được ở nhà in nhà tổng cộng 16 số báo. Sau khi bán nhà in năm 1946 mỗi thành viên có cổ phần được chia $6,000.
CÁC TÁC PHẨM CỦA TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
Các tác phẩm của thành viên Tự Lực Văn Đoàn được liệt kê dưới đây là trong khoảng thời gian từ 1933 đến 1940 (tuy có vài nhan sách xuất bản sau 1940 nhưng các tác phẩm này đã đến với độc giả trên Phong Hóa, Ngày Nay). Những sách xuất bản về sau không góp phần vào ảnh hưởng của Tự Lực Văn Đoàn.
Nhất Linh:
Truyện dài: Nắng Thu (1934), Gánh Hàng Hoa (viết chung với Khái Hưng-1934), Đoạn Tuyệt (1936), Lạnh Lùng (1937), Đôi Bạn (1938), Bướm Trắng (1939).
Truyện ngắn: Đời Mưa Gió (viết chung với Khái Hưng – 1934), Tối Tăm (1936), Anh Phải Sống (viết chung với Khái Hưng-1937), Hai Buổi Chiều Vàng (1937).
Khái Hưng:
Truyện dài: Hồn Bướm Mơ Tiên (1933), Nửa Chừng Xuân (1934), Gánh Hàng Hoa (viết chung với Nhất Linh-1934), Trống Mái (1936), Gia Đình (1938), Thừa Tự (1940), Tiêu Sơn Tráng Sĩ (1940), Thoát Ly (1940), Hạnh (1940), Những Ngày Vui (1941), Đẹp(1941) Thanh Đức (hay Tội Lỗi, Băn Khoăn -1942), Cái Ve (1944).
Truyện ngắn: Đời Mưa Gió (viết chung với Nhất Linh – 1934), Giọc Đường Gió Bụi(1936), Anh Phải Sống (viết chung với Nhất Linh-1937), Tiếng Suối Reo (1937), Đợi Chờ (1939), Cái Ấm Đất (1940), Đội Mũ Lệch (1941).
Kịch: Tục Lụy (1937), Cóc Tía (1940), Đồng Bệnh (1942).
Loại Sách Hồng: Ông Đồ Bể, Quyển Sách Ước, Cây Tre Trăm Đốt, Bông Cúc Huyền.
Thế Lữ:
Trinh thám: Vàng và Máu (1934), Bên Đường Thiên Lôi (1936), Ba Hồi Kinh Dị (1936),Mai Hương và Lê Phong (1937), Lê Phong Phóng Viên (1937), Đòn Hẹn (1939), Gói Thuốc Lá (1940), Gió Trăng Ngàn (1941), Trại Bồ Tùng Linh (1941),
Tiểu Thuyết: Thoa (1942).
Thơ: Mấy Vần Thơ (1935), Mấy Vần Thơ, tập mới (1941).
Thạch Lam:
Truyện dài: Ngày Mới (1939).
Truyện ngắn: Gió Đầu Mùa (1937), Nắng Trong Vườn (1938), Sợi Tóc (1942).
Tùy Bút: Hà Nội 36 Phố Phường (1942).
Tiểu luận văn học: Theo Giòng (1941).
Loại Sách Hồng (ký Thiện Sĩ): Quyển Sách, Hạt Ngọc, Hai Chị Em, Lên Chùa.
Hoàng Đạo:
Tiểu Luận: Bùn Lầy Nước Đọng (1936), Mười Điều Tâm Niệm (1939).
Phóng Sự: Trước Vành Móng Ngựa (1938).
Truyện Dài: Con Đường Sáng (1940)
Truyện Ngắn: Tiếng Đàn (1941).
Loại Sách Hồng: Con Cá Thần, Lan và Huệ, Con Chim Di Sừng, Sơn Tinh, Lên Cung Trăng.
Tú Mỡ:
Thơ: Giòng Nước Ngược I (1934), II (1941), III (1946).
Xuân Diệu:
Thơ Thơ (1938), Phấn Thông Vàng (1939), Trường Ca (1944), Gửi Hương Cho Gió(1944).
TRẦN BÍCH SAN