I.- Lược sử Tư Tưởng Chính Trị Thế Giới
1.- Tổng quan
Như đã nêu lên trong Lời Mở Đầu, con người đã phải thường xuyên vận dụng khả năng suy nghĩ, để quan sát thiên nhiên và xã hội, tự hỏi mình về số phận của chính mình cũng như của tập thể. Để thỏa mãn các nhu yếu của cuộc sống. Tư tưởng chính trị bắt nguồn từ các nhu yếu đó. Ý kiến này cần được khai triển thêm, để nhận diện cho rõ hơn nữa, gốc đích thực của hiện tượng tư tưởng chính trị.
Tức là con người, ngoài đời sống cá thể, còn có thêm đời sống tập thể. Hai đời sống này đã gắn liền với nhau để tạo thành Đời Sống – còn gọi là Sinh Mệnh – Con Người. Dưới ánh sáng của nhân-loại-học(anthropology), của nguyên-thủy-sử (archeology), người ta có cơ sở để tạm kết luận rằng hình thức sống, cách sống song đôi này là sự thể hiện của quá trình hàng triệu năm Sinh Vật Người đã tự biến đổi thànhCon Người, khác hẳn và, riêng biệt hẳn, với các sinh vật khác. Cách biến đổi đặc thù nói trên có tên gọi làVăn Hóa – chỉ riêng Con Người mới có – mà bước đầu là sự thành lập ra Nhân Đạo. Dưới sự thúc bách của hai nhu yếu tự nhiên chính của con người, là bản năng hợp quần (instinct grégaire) và nhu cầu cố định (besoin de régularité), Nhân Đạo, theo thời gian, đã tăng tiến để luôn hướng tới ổn định. Nhờ quây quần với nhau, giúp đỡ nhau, hợp tác chia nhau lo công việc chung trong cuộc sống hàng ngày, theo như đã cùng nhau giao ước, tránh không để bị thay đổi bất ngờ, tránh không để mạng sống bị đe dọa, đối ngoại cũng như đối nội. Đời sống của mỗi người, của tất cả mọi người đòi hỏi phải chắc chắn được bảo vệ, bảo toàn. Tức là đời sống của con người, chung và riêng, phải được ngày một cải thiện. Rõ ràng là con người đã vận dụng mọi khả năng, vốn có sẵn trong nó, để tự võ trang cho mình hai qui mô tâm linhvà vật thể, triển khai thành đời sống song đôi cá nhân và xã hội, trong đó chính trị – kỹ thuật và nghệ thuật điều hợp đời sống chung – giữ vai trò chủ đạo. Mà nói chính trị là phải nói cả tư tưởng lẫn hành động. Đó là lý do cho phép khẳng định rằng gốc của tư tưởng chính trị bắt nguồn từ đời sống vừa cá thể lẫn tập thể của con người.
2.Tinh thần và lộ trình khảo sát tư tưởng chính trị trên thế giới
Trong “Lời Nói Đầu” cũng đã có sự xác định rằng mục Tư Tưởng Chính Trị trên Việt Thức đã được soạn thảo trong tinh thần thực tiễn để chụp bắt tư tưởng chính trị Việt Nam, thay vì theo đuổi dụng đích hàn lâm. Cho nên nó sẽ không mang dáng dấp của những công trình nghiên cứu cao thâm có trình độ đại học hay thuần lý thuyết. Vậy tại sao còn có phần lịch sử tư tưởng chính trị trên thế giới? Như đã giải thích trong tiểu mục Tổng quan ở trên, tư tưởng chính trị gắn liền với đời sống con người và xã hội loài người, nên khảo sát về tư tưởng chính trị Việt Nam tất không thể không lồng tư tưởng này vào trong dòng tư tưởng chung của loài người. Huống chi nhu cầu trước mắt của người Việt Nam hiện nay là phải thay thế các loại tư tưởng chính trị của những thời làm nô lệ cho ngoại bang và, nhất là, phải loại bỏ ngay lập tức loại tư tưởng chính trị phi văn hóa, phi nhân quyền, phi nhân phảm mà tập đoàn bạo chúa bản địa đang ra sức áp đặt. Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa, tư tưởng chính trị Việt Nam tất nhiên bị tác động bởi tư tưởng và biến động chính trị thế giới, do đó, cần đãi lọc tinh hoa nhân loại để tìm ra một tư tưởng chính trị Việt Nam mới, dọn đường cho sự ra đời của một nước Việt Nam tân tạo, tự do, dân chủ, văn minh. Muốn vậy, phải biết quay về dĩ vãng, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm của người xưa, so sánh với các mô hình cũ xem đau là thiếu, đủ, đâu là hay, dở, tốt, xấu. Tuy nhiên, cuộc khảo sát trong phần Lược sử tư tưởng chính trị trên thế giới, trên Việt Thức, sẽ không chú trọng phân tích tỉ mỉ tác phẩm của các triết gia, các nhà tư tưởng chính trị nổi danh trên thế giới. Mà chỉ là một công việc rất khiêm nhường là thiết lập một cuộc đối thoại giũa nhiều luồng tư tưởng chính trị qua các thời đại, từ thượng cổ tới tân đại.
Hai thí dụ nhỏ để minh chứng lợi ích của cuộc đối thoại cho thấy người Việt Nam bây giờ cần nhập vào dòng chính của tư tưởng chính trị trên thế giới của nhân loại.
Ngày nay không ai phủ nhận rằng Hy Lạp và La Mã đã cung cấp ho nhân loại nhũng mô hình đầu tiên của cuộc sống của con người biết tổ chức thành xã hội có quy củ. Mặc dù, nhân loại ngày nay đã tiến rất xa ngyên mẫu Hy-La, nhưng nguyên mẫu này vẫn còn có nhũng ảnh hưởng nhất định đối với tư tưởng chính trị toàn cầu. Có là điều hữu lý khi cho rầng dòng tư tưởng ấy không liên hệ gì tới tư tưởng chính trị ở Việt Nam hay không?
Hiện nay, ở trong nước cũng như ở ngoài nước, ai cũng hô hào phải “đoàn kết”, nhưng không ai dẫn ra được những lý lẽ có đủ tính thuyết phục rằng đương nhiên và tự nhiên là phải đoàn kết. Chưa kể rằng lại còn có người hô hào đoàn kết để chia rè. Nhưng nếu ai cũng tự động ý thức được rằng, “đoàn kết” hay sống quy tụ là tạo điều kiện cho hai nhu yếu cơ bản của con người, của loài người – “sống hợp quần và sống trong cố định” – được mãn thích. Vậy vì sao mà đoàn kết lại là chuyện bất khả thi?
Ngoài ra, vì khuôn khổ rất hạn chế của diễn đàn đối thoại ấy nên việc khảo sát dự kiến sẽ khởi đi từ Di sản tư tưởng chính trị Hy Lạp, La Mã (thế kỷ thứ V trước Công Nguyên), qua Tư tưởng chính trị thời Trung Đại (từ thế kỷ thứ V sau CN đến thế kỷ thứ XIV sau CN), Tư tưởng chính trị thời Phục Hưng, Tư tưởng chính trị thời Khai Sáng từ (từ thế kỷ thứ XV đến thế kỷ thứ XVIII sau CN) để bước vào kỷ nguyên của Tự do, Dân chủ với hai cuộc cách mạng tư sản dân quyền Mỹ vầ Pháp. Một cái nhìn với ánh sáng tổng kết sẽ được chiếu rọi vào Xã Hội Kỹ Nghệ và Tương lai của Dân Chủ trước ngưỡng cửa cưa thế kỷ thứ XXI.
Việc khảo sát về tư tưởng chính trị trên thế giới sẽ kết thúc bằng một thử nghiệm so sánh tư tưởng chính trị Nho giáo với Chính-tri-học (Political science) của phương Tây. Sự so sánh này sẽ là một công việc xét lại, rất cần thiết, về giá trị của một ý thức hệ đã có cuộc sống chung hàng mấy ngàn năm với người Việt Nam. Và xa hay gần, vết tich của nó vẫn được ghi khắc ít nhiều trong ý thức và tiềm thức của cả một cộng đồng gần trăm triệu người, dân tộc Việt Nam.
LS Trần Thanh Hiệp
Ghi chú: Đây là bài viết thứ nhất của phần Lược sử Tư Tưởng Chính Trị Thế Giới. Tiếp theo, cứ hai tuần một lần, Mục Tư Tưởng Chính Trị sẽ đăng bài viết của phần này.
Mục “Tư Tưởng Chính Trị”
Phối Hợp Viên LS Trần Thanh Hiệp: tranthanhhiep@gmail.com