I. Lược Sử Tư Tưởng Chính Trị TrênThế Giới
Chính trị là một hình thức sinh hoạt của con người khi phải cùng sống chung một cách bình thường với nhiều người khác. Vì vậy, hễ ở đâu có cuộc sống chung của con người là ở đó có chính tri. Tất nhiên cuộc sống chung này có nhiều cách, tùy theo số người, nơi người, thời điểm sống chung.
Việc khảo sát cuộc sống chung này, như đang được thực hiện trong Mục Tư Tưởng Chính Trị trên Việt Thức, đã diễn ra theo nhiều hướng.
Một trong những hướng ấy là khảo sát tư tưởng chính trị trên nước Việt Nam. Một hướng khác nhằm tìm hiểu tư tưởng chính trị trên thế giới. Kết quả khảo sát thâu lượm được của hai hướng này sẽ bổ túc cho nhau và làm hiện rõ đối tượng nghiên cứu của Mục Tư Tưởng Chính Tri trên Việt Thức.
Cuộc khảo sát này sẽ bất đầu bằng việc khám phá kho tàng tư tưởng chính trị Hy Lạp-La Mã.
1. Di sản tư tưởng chính trị Hy Lạp-La Mã
Không phải lịch sử chính trị của loài người thời cổ đại chỉ mới bắt đầu vào thế kỷ thứ VI trước Công Nguyên ở Hy Lạp. Và Hy Lạp không phải chỉ là Nhã Điển (Athènes). Nhưng có hai lý do đã khiến cho cuộc khảo sát tư tưởng chính trị trên thế giới chọn khởi đi từ Thành quốc Nhã Điển, thế kỷ VI trước CN. Thứ nhất, vì Thành Quốc (Cité), một khung nhân xã mới, đã ra đời để con người, vào thời điểm đó, tổ chức lại cuộc sống chung trong không gian mới này. Thứ hai, một cách suy nghĩ trừu tượng mới – có tên gọi là triết lý – cũng đột xuất để con người thoát đi khỏi tôn giáo, vận dụng lý trí và, bằng suy luận, thử nghiệm, tự mình định đoạt lấy số phận của mình.
Bước phát triển đặc biệt này đã mở ra một chân trời mới, chiếu rọi những ánh sáng báo hiệu buổi rạng đông của văn minh loài người. Do đó, cho đến nay, hơn 30 thế kỷ sau, Hy Lạp thời Nhã Điển, thế kỷ thứ VI trước CN, vẫn còn được kể như là nguyên mẫu của cuộc sống chung của toàn nhân loại.
Tiếp thu tư tưởng chính trị của Hy Lạp, La Mã, với kỹ thuật và nghệ thuật tổ chức xã hội, cũng góp phần vào việc thiết lập cho loài người một di sản chính trị giúp cho hậu thế các nguyên tắc, kỹ thuật, nghệ thuật thực hiện cuộc sống chung theo dòng thời gian.
Cuộc khảo sát trong khuôn khổ của Mục Tư Tưởng Chính Trị trên Việt Thức sẽ chỉ triển khai trên bình diện tư tưởng, và, tập trung vào một số mốc lịch sử chính, trải qua các thời đại, kể từ thế kỷ thứ VI trước CN đến nay.
1.1. Tư tưởng chính trị Hy Lạp
Cuộc sống chung ở Hy Lạp vào thời điểm thế kỷ thứ VI trước CN là kết quả của nhũng biến đổi trong xã hội cũng như trong tư tưởng con người. Về mặt xã hội, hệ thóng chính trị cũ dựa trên thần quyền và đặt dưới quyền lực cai trị của gia tầng qúy tộc đã sụp đổ, trong khoảng thời gian 10 thế kỷ, từ thế kỷ thứ XVI đến tế kỷ thứ VI trước CN. Trên những hoang tàn của dĩ vãng đó, Thành Quốc đã ra đời, dưới sự thúc đảy của hai nhà tư tưởng lớn của Hy Lạp là Platon và Aristote đồng thời trước sự đòi hỏi gắt gao của những biến đổi trong xã hội.
Một cuộc đoạn tuyệt đã diễn ra khi mà “lý trí” thay vì “lòng tin” đã thâm nhập tư tưởng cũng như các cơ cấu của xã hội. Lý trí khi chiếm chỗ của lòng tin tôn giáo, đã đặt lại những quan hệ giữa người với người, dân với dân, lớp bị trị với những kẻ cầm quyền, biểu hiện một xu hướng thế tục hóa trong toàn bộ đời sống xã hội. Quyền lực chỉ huy một chiều từ trên xuống dưới bắt đầu nhường chỗ cho hình thức bàn luận chung. Hậu quả là những quy tắc chi phối mọi sinh hoạt trong xã hội sẽ được định đoạt theo đường lối tập thể. Và, không phải giáo điều mà triết lý, sẽ là động cơ cho việc hoạch định đường lối, chính sách quản trị đời sống chung. Dân chủ bắt nguồn từ đó.
Tư duy về chính trị đổi mới sáng chế ra Thành Quốc với những hình thức lãnh đạo mới, không lệ thuộc vào nguồn gốc xuất sinh cũng như của cải như thời trước. Quan niệm về chủ quyền trong xã hội vì vậy cũng phải thay đổi. Chủ quyền không còn là độc quyền của một cá nhân, hay của một nhóm nhỏ dựa vào gốc xuất sinh hay vào của cải. Mà là của tât cả những người có tư cách là “công dân” bình đẳng, ai cũng như ai để cùng bàn luận định ra pháp luật cũng như áp dụng pháp luật. Vì phải bàn luận chung như vậy nên ngôn ngữ đã trở thành công cụ thiết yếu của chính tri. Nhưng cần nhấn mạnh ý trên một điểm: ngôn ngữ này không còn là những lời truyền phán có tính cách thần quyền hay huyền bí. Mà nó là sự biểu hiện của phán đoán, của lý luận, hay nói cách khác, nó là dòng tư tưởng duy lý đi tìm chân lý để dựa vào chân lý mà phục vụ lợi ích chung hướng tới Chí Thiện.
Chuyển biến mở rộng và đổi hướng này trong tư tưởng đã kéo theo những thay đổi sâu rộng về chính trị. Từ nay dân sẽ có vai trò đáng kể trong đời sống chung trong xã hội. Chính trị hết là sự thể hiện của những chuyện thần thoại. Nó có thể còn là sự thể hiện của thần quyền, theo thần thoại. Nó phải được tranh cãi và phê phán. Con người trong không gian chính trị mới này lại có thêm một chiều kích mới, chiều kích pháp lý, thân phận của nó là do nó quy định, trên cơ sở luật pháp do nó đặt ra. Trật tự chính trị mới vì vậy sẽ bảo vệ nó để bảo toàn nhân phẩm cho nó.
Nói tóm lại, với sự ra đời của Thành Quốc, Hy Lạp vào thời điểm thế kỷ thứ VI trước CN đã sáng chế ra cho nhân loại một tư tưởng mới, những kiến thức mới, những kỹ thuật tổ chức và quản trị xã hội mới (cuộc khảo sát này chỉ giới hạn trong Thành Quốc Nhã Điển) theo chiều hướng nhân bản, dân chủ. Vì chỉ mới là một nguyên mẫu chính trị mới nên dù sao cũng vẫn còn đang ở trong giai đoạn thử nghiệm. Đương nhiên, trải qua 30 thế kỷ, nguyên mẫu Hy Lạp đã có nhiều tu sửa và biến đổi, cả về phẩm lẫn lượng. Nhưng không ai có thể phủ nhận được rằng trong cuộc sống chung rất tiến bộ của nhân loại ở vào thế kỷ XXI, người ta vẫn còn thấy không ít ảnh hưởng của nguyên mẫu Hy Lạp.
Đó là chưa kể tới một sự thật, đáng kinh hãi, là hiện nay còn có những xã hội, trong đó có Việt Nam cộng sản, vẫn chưa thực hiện được – vì chưa muốn thực hiện – những thay đổi mà Hy Lạp đã thực hiện cách đây 30 thế kỷ.
Trần Thanh Hiệp, LS