Tổng thống Ben Ali đã bị lật đổ ngày 14/1 dưới sức ép của đường phố, nhưng tiến trình chuyển tiếp dân chủ ở Tunisia vẫn gặp nhiều đe dọa, nhất là vì những thành phần chế độ cũ không từ bỏ mưu toan lật ngược thế cờ.
Chính là nhằm ngăn chận nguy cơ đó mà hôm qua, các dân biểu Quốc hội Tunisia đã thông qua một đạo luật cho phép Tổng thống lâm thời có thể lãnh đạo đất nước mà không cần thông qua Quốc hội, mà hiện đa số vẫn là thành viên của đảng cầm quyền cũ. Với luật mới này, Tổng thống lâm thời Foued Mebazaa sẽ có quyền tự ban hành các sắc luật, chẳng hạn như về lệnh tổng ân xá, về các văn bản quốc tế liên quan đến nhân quyền, về việc tổ chức các đảng phái, cũng như về cải tổ luật bầu cử.
Thủ tướng Tunisia Mohamed Ghannouchi phát biểu trước Quốc hội ngày 7/2/11. Reuters
Khi khai mạc cuộc thảo luận về đạo luật nói trên hôm qua, Thủ tướng Mohamed Ghannuchi đã cảnh báo rằng, « Tunisia vẫn còn đối đầu với nhiều hiểm nguy. Có những kẻ vẫn muốn đưa Tunisia trở lại như trước, nhưng chúng ta phải làm tròn trách nhiệm đối với những người đã bỏ mình vì tự do. ». Theo ông, Tunisia rất cần những sắc luật này để loại bỏ mọi nguy cơ đang đe doạ thành quả « cách mạng hoa lài ».
Nhưng bên ngoài trụ sở Quốc hội hôm qua, hàng trăm người đã tiếp tục biểu tình đòi giải tán Quốc hội, mà như đã nói ở trên, đa số vẫn là đảng viên đảng Tập hợp Hiến định dân chủ, RCD của cựu Tổng thống Ben Ali. Đảng này vẫn khẳng định có đến 2 triệu đảng viên, trong một quốc gia chỉ có 10 triệu dân.
Cuộc chiến chống đảng RCD đã tiến thêm một bước hôm chủ nhật vừa qua, với việc Bộ trưởng Quốc phòng loan báo đình chỉ hoạt động đảng này, trước khi giải thể hoàn toàn, theo như đòi hỏi ngày càng mạnh mẽ của dư luận Tunisia. Trong bản thông cáo, Bộ Nội vụ Tunisia giải thích rằng quyết định này là nhằm « bảo toàn quyền lợi tối cao của quốc gia và tránh mọi vi phạm pháp luật ».
Như vậy là kể từ nay, đảng RCD sẽ không còn được quyền tổ chức các cuộc họp, cũng như các cuộc tập hợp, và mọi trụ sở của đảng bị đóng cửa.
Nhưng nhiều cán bộ của đảng này vẫn còn trong các cơ quan Nhà nước và cảnh sát. Phe đối lập Tunisia sợ rằng đảng RCD, đảng duy nhất có cơ sở trên toàn quốc, sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử dự trù trong sáu tháng tới. Nhiều chính đảng từng bị cấm dưới thời Ben Ali cho rằng thời hạn sáu tháng này là quá ngắn, không đủ cho họ chuẩn bị.
Sự tồn tại của đảng cầm quyền cũ là nguyên nhân chủ yếu khiến tình hình tiếp tục căng thẳng ở nhiều vùng của Tunisia, trong khi chính phủ vừa giảm nhẹ lệnh giới nghiêm, được ban hành ngày 12/1. Gần đây, chính phủ đã bổ nhiệm 24 tân tỉnh trưởng, Nhưng ở nhiều vùng, tỉnh trưởng mới nhận nhiệm sở có vài ngày đã bị dân chúng biểu tình đòi từ chức, vì họ bị coi là có dính líu đến đảng RCD.
Một dấu hiệu cho thấy tình hình Tunisia vẩn rất bất ổn, đó là Bộ Quốc phòng tối qua đã quyết định động viên những lính dự bị đã về hưu từ 5 năm nay, cũng như lính nghĩa vụ quân sự.
Thanh Phương [Nguồn RFI]