Tượng Đài Nào Cho Lò Văn Muôn?
“Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
Truyện Kiều, Nguyễn Du
Tấm ảnh trên, tôi nhận được lần đầu từ e-mail của một người bạn. Ảnh chụp một tượng đài, trông là lạ mà quen quen. Nhìn kỹ, tôi nhớ ra đã “gặp” bức tượng này trong một tấm ảnh tuần rồi, chụp một người đàn ông ở trong nước chạy chiếc xe honda cũ trên đường phố, chở theo sau một… xác người.
Hôm sau, một người bạn khác cũng gửi tôi tấm ảnh trên, có thêm lời bình phẩm “Tấm ảnh ấn tượng nhất trong năm”.
Muốn biết “ấn tượng” (chữ trong nước hay dùng) như thế nào, tôi chuyển tấm ảnh ấy đến vài người bạn cùng với câu hỏi, “Hãy nhìn kỹ tấm ảnh này và cho tôi biết bạn nghĩ gì?” và có ngay các câu trả lời gần giống nhau: thật đáng buồn, đáng giận, đáng ghét, đáng hận, đáng… chửi thề.
Tấm ảnh phơi bày rõ nét một thực trạng phũ phàng, không chối cãi vào đâu được.
Câu chuyện “người thật, việc thật”
Có điều, tấm ảnh làm cho nhiều người nổi giận ấy chỉ là ảnh ghép, lấy cảm hứng từ tấm ảnh thật bên dưới. Đằng sau tấm ảnh thật ấy là câu chuyện thật về người đàn ông chở một xác người trên chiếc xe gắn máy chạy khơi khơi ngoài đường phố giữa ban ngày ban mặt. Chuyện khó tin mà có thiệt chứ không phải là chuyện phim kinh dị.
Câu chuyện “người thật, việc thật” (lối nói của báo chí trong nước) ấy nhiều người đã biết, chỉ xin kể lại vắn tắt:
Người đàn ông trong ảnh tên là Lò Văn Muôn, 46 tuổi. Xác nguời nằm vắt ngang trên yên xe gắn máy của anh là thi hài của người em gái tên Lò Thị Phanh. Chị Phanh 40 tuổi, mắc bệnh hiểm nghèo, điều trị tại Bệnh viện Lao & Bệnh Phổi tỉnh Sơn La. Bệnh tình trở nặng, ngày 12/9 gia đình đến bệnh viện xin đưa chị về nhà để có bề gì thì cũng được nhắm mắt xuôi tay ở quê nhà. Không được bệnh viện giúp phương tiện chuyên chở, không đủ tiền thuê xe ô-tô, gia đình đành thuê chiếc xe ôm chở người bệnh về quê xa (xã Mường Dại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La). Anh Muôn ngồi sau ôm giữ người em. Xe chạy chừng nửa tiếng thì chị Phanh… tắt thở. Tài xế xe ôm không chịu chở tiếp, anh Muôn bèn đặt thi hài người em xuống ven đường, nhờ người qua đường mua giúp cái chiếu để bó xác em trong lúc chờ người anh và ông bố chạy xe đến tiếp ứng. Ba người khuân xác chị Phanh đặt lên yên sau xe, buộc vào hai thanh tre, ràng sợi dây cao su, và anh Muôn chạy chiếc xe gắn máy ấy vượt lộ trình gần một trăm cây số đưa thi hài em mình về đến quê nhà.
Lò Văn Muôn, người đàn ông trong câu chuyện ấy và chiếc xe gắn máy cũ kỹ chở xác người ấy được ai đó trịnh trọng khuân đặt lên tấm bệ cao lớn, biến thành một tượng đài sừng sững để người dân chiêm ngưỡng, bên cạnh một bể phun nước trong không gian thoáng đãng, xanh tươi có vẻ là một công viên giữa lòng thành phố. Tấm ảnh chụp công trình lạ mắt này có tên là “Tượng Đài Bó Chiếu”, với lời ghi chú “Dự án tiền khả thi, dự toán ban đầu 1.400 tỷ”.
1.400 tỷ đồng (tương đương 70 triệu USD) cho dự án Tượng Đài Bó Chiếu này? Chuyện khó tin! Con số nghe quen lắm. Ngẫm nghĩ giây lát thì vỡ lẽ ra đấy là tổng mức đầu tư cho dự án xây dựng một quần thể tượng đài lãnh tụ thật hoành tráng tại quảng trường Tây Bắc giữa trung tâm thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, là một trong bốn tỉnh nghèo nhất nước. Trong lúc người dân Sơn La đói nhăn răng thì chính quyền vẫn hạ quyết tâm thực hiện cho bằng được dự án rình rang này bất chấp sự phản đối của dư luận trong nước, với lý lẽ rất vô tư: “Nói lãng phí là không đúng, tình cảm của nhân dân Tây Bắc với lãnh tụ thì không thể cân đong đo đếm bằng tiền được.” Một trong nhiều người dân “bức xúc” về dự án này, nhà toán học Ngô Bảo Châu, viết trên trang facebook của mình: “Số tiền này đủ để xây toàn bộ các điểm trường, các ký túc xá cho Sơn La và các tỉnh miền núi. Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1.400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh.”
Theo như mẫu phác thảo của tượng đài “khủng” này (chữ trong nước hay dùng) thì trên bệ đài uy nghi ấy phải là tượng lãnh tụ người dân vẫn quen mắt, đại khái nét mặt hiền hoà, tươi tỉnh, được “tạo dáng” với tấm áo khoác hững hờ trên vai, cánh tay giơ cao vẫy chào, mô phỏng động tác quen thuộc của lãnh tụ các nước cộng sản đàn anh. Vậy mà tay nào bạo phổi dám cho lãnh tụ đi chỗ khác chơi để nhường chỗ cho tượng người đàn ông tầm thường, ăn mặc nhếch nhác, chạy chiếc xe gắn máy cà rịch cà tàng chở theo sau một xác người cuốn chiếu thòi ra hai cái ống chân lủng lẳng, trông phản cảm và không có chút gì mỹ thuật.
Câu chuyện anh Lò Văn Muôn “thồ” xác người em trên xe gắn máy khó mà xảy ra ở nước ngoài vì cảnh sát công lộ sẽ chận bắt ngay và phạt nặng do vi phạm an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Trong khi đó chiếc xe gắn máy của anh Muôn, với xác người nằm vắt ngang yên xe, chạy phom phom qua bao đường phố, bao ngã ba ngã tư, bao đồi dốc gập ghềnh, bao ánh mắt vô tư của người qua kẻ lại, vẫn đi đến nơi về đến chốn bình an vô sự. Nhiều lắm chỉ có những xe chạy sau xe anh bóp còi inh ỏi tỏ dấu bực bội vì anh chạy chậm rì làm cản trở lưu thông (phải chạy cẩn thận để xác không bị nhồi xóc chứ). Nói anh được “bình an vô sự” vì nhỡ có xe nào lạng lách qua mặt hoặc phóng nhanh vượt ẩu mà húc phải xe anh thì đến khổ vì… “người chết hai lần, thịt da nát tan”.
Anh Muôn cũng may mắn không gặp phải “sự cố” gì dọc đường như bị cảnh sát giao thông xét hỏi vì chở hàng lậu không xuất trình được giấy phép, hoặc làm cho khách du lịch nước ngoài phải té ngửa vì hoảng hồn khiếp vía khi trông thấy xác người chạy ngờ ngờ trên đường phố. Khách nước ngoài đến thăm đất nước ta phần lớn chưa được chuẩn bị tâm lý tốt để làm quen với cảnh thồ xác người sau đuôi xe như chở gà vịt, dê lợn.
Hai vật thể có tính tiêu biểu cao nhất trong ảnh là tấm lưng của anh Muôn và hai cẳng chân của người em gái thòi ra ngoài tấm chiếu. Tấm lưng cúi khom trên chiếc xe gắn máy ấy là tấm lưng của nhẫn nhục, cam chịu. Hai cẳng chân gầy guộc, tím tái ấy là hai cẳng chân của rã rời tuyệt vọng. Tấm hình hài bị bó chặt trong manh chiếu, chỉ hai cẳng chân đong đưa ấy là còn hít thở được tí không khí tự-do-hạnh-phúc.
Hai chữ “hạnh phúc” cũng được anh Lò Văn Muôn viết ra trong lá đơn xin đưa em gái mình về nhà, theo yêu cầu của bệnh viện. Ngó tuồng chữ của anh tựa chữ của học sinh lớp Một, lớp Hai, nắn nót một cách nguệch ngoạc. Hẳn ai đó đã đọc cho anh viết nội dung lá đơn ấy. Câu đầu tiên phải là “Độc lập Tự do Hạnh phúc”. Anh Muôn không chắc hiểu được những tiếng Hán-Việt loảng xoảng ấy có nghĩa là gì. Anh không hiểu “Độc lập” là sao (anh viết “Độc hơp”). Anh không rõ “Tự do – Hạnh phúc” là gì (giá nói “Muốn làm gì thì làm – Sướng” chắc anh dễ hiểu hơn). Anh cũng chả thắc mắc vì sao anh được yêu cầu viết xuống rằng mình đang “hạnh phúc” trong lúc em gái anh đang nằm rên hừ hừ. Anh phải viết cho xong để kịp đưa em mình về đến nhà trước khi quá muộn.
Gia đình anh Muôn nghèo xác nghèo xơ nhưng người ta đọc cho anh viết là “điều kiện gia đình khó khăn” chứ không viết chữ “nghèo” cho gọn và dễ hiểu. Gia đình anh nghèo; bệnh viện cũng nghèo… tình người. Hai bên đều nghèo, đều đáng thương. Về phía bệnh viện, giúp anh Muôn viết xong tờ đơn với lời cam kết không kiện cáo lôi thôi gì là xem như hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ, chả ai nói ra nói vào gì được, và người nhà của bệnh nhân được tự do muốn làm gì thì làm.
Chuyện gia đình anh Muôn dùng xe gắn máy để chở xác người thân từ bệnh viện về nhà chắc chắn không phải là trường hợp duy nhất ở Sơn La và ở nước ta. Chỉ ít hôm sau cái chết của em gái anh Muôn, những tấm ảnh được phát tán trên các mạng xã hội cho thấy cảnh người nhà của một gia đình đang lúi húi bó xác ông bố trong tấm chăn và cột vào sau yên xe gắn máy. Vụ việc cũng diễn ra trong sân Bệnh Viện Lao & Bệnh Phổi ấy, và xác ông bố cũng được đưa về quê ở làng Mường Nhai, tỉnh Sơn La ấy. Trong hình chả thấy mặt mũi một nhân viên y tế nào cả, ngoài một người đàn ông đứng trên bậc thềm xa xa chắp tay sau lưng nhìn ngắm bâng quơ như thể đã quen mắt với cảnh này.
Đã có bao nhiêu trường hợp bó chăn, bó chiếu như thế? Khi được hỏi đến, giám đốc bệnh viện trả lời “Không rõ, chỉ biết khi nào báo đưa tin”, làm như… chuyện của người khác vậy. Hỏi thêm nữa thì được bệnh viện cho biết chuyện bó chăn, bó chiếu cột xác người thân vào sau xe và tự đưa về nhà là… phong tục và là nguyện vọng của gia đình người chết.
Phong tục truyền thống, nguyện vọng thiết tha, ai tin được thì tin.
Những phận người hèn mọn
Ý nghĩa của tượng đài là vinh danh những con người kiệt xuất, những anh hùng dân tộc, những chiến tích vẻ vang, những biến cố lịch sử trọng đại. Một tượng đài đẹp là tượng đài mà người qua lại ai cũng muốn dừng chân chiêm ngắm. Có những tượng đài người ta phải nghiêng mình. Có những tượng đài người ta phải đứng rất lâu, phải lặng người vì cảm xúc dạt dào, vì ngưỡng phục, vì tự hào, vì tiếc thương hay đau xót ngậm ngùi.
Tượng đài lãnh tụ ở nước ta thì đã có khá nhiều, đã vượt mức yêu cầu, nay đến lúc cũng nên nhường đất cho những tượng đài nhân dân, là tượng đài tôn vinh người dân bình thường làm nên những chuyện phi thường như anh Lò Văn Muôn chẳng hạn.
Lò Văn Muôn, qua câu chuyện lạ lùng trên, anh tạo được kỳ tích khó ai qua mặt.
Bên trong con người dân tộc Thái thật thà chất phác ấy là trái tim nhân hậu, là tấm lòng vị tha, độ lượng. Anh không hề than thân trách phận, không hờn oán cuộc đời. Không giống như nhiều cán bộ lãnh đạo đất nước mình, anh không đổ lỗi cho ai, không đòi ai chịu trách nhiệm về cái chết thương tâm của em mình. Từ chính quyền, lãnh đạo các cấp, các ban ngành cho đến giám đốc bệnh viện, nhân viên y tế, người chạy xe ôm… ai cũng một mực khảng khái nói rằng mình không có lỗi chi cả. Anh vui vẻ nhận hết lỗi về mình cho xong chuyện. Ôi, nghĩa cử ấy cao đẹp biết bao!
Lò Văn Muôn, anh xứng đáng thay mặt cho lớp người cùng khổ, cùng chung số phận, những người anh bó chiếu em, những người chồng bó chiếu vợ, những người vợ bó chiếu chồng, những người con bó chiếu bố, bó chiếu mẹ, những người bố, người mẹ bó chiếu con…, nói chung là những ai từng bó chiếu, bó chăn người thân mình cột vào yên xe để đưa người bạc mệnh về quê trên những miền đất nước nghèo khó. Ôi, kể sao cho hết những phận người hèn mọn!
Lò Văn Muôn, anh là tấm gương của tinh thần phấn đấu cao độ, không chịu đầu hàng số phận. Anh tận tâm tận lực, khó khăn khắc phục, có chăn dùng chăn, có chiếu dùng chiếu, không có chăn chiếu thì bao tải bao bố gì cũng xong. Có xe gì dùng xe nấy, xe gắn máy, xe đạp, xe ngựa, xe bò gì cũng xong. Không có xe cộ chi cả thì vác xác người thân lên vai mà cuốc bộ như câu chuyện người chồng Ấn Độ vác xác vợ mình đi bộ từ bệnh viện về nhà đến hơn 10 cây số mới đây. (So với người chồng kia thì anh Muôn tỏ ra bản lãnh hơn, vì anh chồng còn được người qua đường can thiệp, gọi xe cứu thương đến chở giúp xác vợ, còn anh Muôn nhà mình thì chỉ mình ta với ta, hiên ngang đi suốt trăm cây số đường dài mà chả có ma nào thèm hỏi han lấy một lời).
Lò Văn Muôn, anh chỉ là cái tên tầm thường trong “muôn muôn” triệu triệu người dân nghèo hèn, lam lũ, nhưng với bao nhiêu đức tính, phẩm chất ấy, anh quả xứng đáng được tôn vinh và xứng đáng được tạc tượng nữa.
Anh Muôn đứng bên chiếc xe máy chở thi hài người em gái
Một tượng đài cho anh Lò Văn Muôn, tại sao không?
“Anh Muôn vẫn còn sống sờ sờ mà tượng đài gì?” sẽ có người hỏi vậy. Có sao đâu. Vẫn có những người thuê nhà điêu khắc đúc tượng mình trưng bày trong nhà, ngoài vườn để ngắm nghía và… vinh danh mình theo trào lưu “tự sướng” bây giờ.
Tượng đài như phác thảo trong tấm ảnh ghép kia thì cũng chẳng tốn kém bao nhiêu, làm gì đến nghìn tỷ. Tiết kiệm được khá bộn chứ ít sao, tệ lắm cũng sắm được ít xe ô-tô cứu thương để bệnh viện chở bệnh nhân qua đời về nhà cho đàng hoàng tử tế.
Tượng đài ấy thể hiện nỗi đau, nỗi khổ của người dân thấp cổ bé miệng. Tượng đài ấy cũng nhắc nhở mọi người quay về với những giá trị tinh thần, với đạo lý làm người, với truyền thống văn hoá tốt đẹp của người mình là biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, biết giúp người trong cơn hoạn nạn chứ không ngoảnh mặt quay lưng, không lạnh lùng dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại.
Rồi mai đây, những gia đình có người thân bạc phước sẽ ghé thăm tượng đài, sẽ đặt những vòng hoa tưởng niệm, sẽ được an ủi phần nào vì thấy mình không bị lãng quên. Các em nhỏ sẽ được người lớn cho đi “tham quan” tượng đài, sẽ được bố mẹ, thầy cô kể cho nghe những câu chuyện “người thật, việc thật” đau lòng để thấy mình may mắn, hạnh phúc hơn nhiều người khác. Các bạn trẻ sẽ ngồi quây quần dưới chân tượng đài đàn hát, ngâm nga những bài hát, bài thơ về những câu chuyện bó chăn, bó chiếu thật cảm động. Như những câu thơ bi thiết, ngậm ngùi trên trang mạng nào:
Khóc cho người nằm sau yên xe
Sơn La xanh lớp lớp đồi chè
Manh chiếu bọc thây chân còn lạnh
Hiu quạnh hồn bay lạc lối về (1)
Và những câu lục bát rưng rưng:
Mảnh chiếu manh quấn xác người
quấn sao cho hết một đời đau thương
Xe ôm buộc xác lên đường
tám mươi cây số bụi đường nắng thiêu
Ngày về manh chiếu buồn hiu
“Mẹ ơi!”, nghe tiếng con kêu xé lòng (2)
“Tiếng con kêu xé lòng” ấy là tiếng khóc tức tưởi của đứa con gái duy nhất của chị Lò Thị Phanh. Cháu được 6 tuổi, cháu có đôi mắt thật sáng nhưng cũng thật buồn. Tên cháu là Bạc Thị Bó. Vì sao lại là Bó? Ôi, cái tên định mệnh!
Thuật ngữ tiếng Việt nay lại có thêm hai chữ “bó chiếu”, được xếp vào “đẳng cấp cao” hơn so với “bó tay”, vì bó tay tuy không ngọ nguậy gì được nữa nhưng vẫn còn nhún vai, lắc đầu được, chứ đã bó chiếu rồi thì chỉ có mà… đem chôn.
Thực tình thì anh Lò Văn Muôn cũng chả hứng thú, thiết tha gì với vụ tượng đài tượng đất. Anh càng không bận tâm gì vụ tượng đài nghìn tỷ. Đấy là chuyện của người khác, chẳng có chút liên quan gì tới anh, tựa như chuyện những siêu xe bóng loáng gắn biển xanh, biển đỏ của quan chức nhà nước chạy nghênh ngang ngoài đường phố trong lúc cả nhà anh chẳng đào đâu ra nổi 5 triệu bạc để thuê chiếc ô-tô rẻ tiền nhất chở xác người thân về với gia đình.
Cả nhà anh Lò Văn Muôn, ông bà anh, bố mẹ anh, anh em anh, vợ con anh và cả bà con dòng họ đến mấy đời của anh đều sinh ra, lớn lên trên mảnh đất xác xơ đó, sống suốt đời trên mảnh đất đó và chết trên mảnh đất đó. Người chết, như em gái anh, thì đã chết, người sống vẫn tiếp tục sống ngày qua ngày trên mảnh đất xác xơ đó, cho đến ngày… bó chiếu.
Tượng Đài Bó Chiếu, cho dù chỉ là tượng đài giả tưởng, tượng đài trong tim người dân hèn mọn, nhưng có ý nghĩa gấp nhiều lần những tượng đài vô cảm.
Sau bao nhiêu tượng đài hoành tráng, tượng đài nghìn tỷ giơ tay giơ chân kia, liệu nhà nước có dành được một tượng đài nào cho Lò Văn Muôn?
Lê Hữu
(1) “Thương tiếc”, thơ Bùi Nguyên Phong
(2) “Ngày về”, thơ Bùi Nguyên Phong
One Comment
Anh Đỗ
Một ý tưởng tốt đẹp nếu thành hình. Tuy nhiên kểt cục vẫn là ảo ảnh vì cả một xã hội đả bỏ quên nhân tính từ khi lãnh tụ của họ để lại di sãn “10 năm trồng cây trăm năm trồng người”. Tuy khoa học chưa chứng minh thực vật có linh hồn hay không, nhưng không phải không có tác động tương tác (những người trồng cà phê hiểu rõ điều này).
Đòi hỏi các đầu não lớn nhỏ csvn có được chút tình vô vụ lợi cũng như “bắc thang lên hỏi ông trời…….”