Đất nước Ông bà Việt Nam chúng ta có câu “Vàng thiệt không sợ lửa.” Những nhà sử học chân chính quả quyết sự kiện lich sử, chân lý lịch sử là sự thật, Ông Trời cũng không thay đổi được. Thực vậy dầu CSVN cố dấu nhẹm sự kiện quân nhân VN Cộng Hoà tử chiến với Trung Cộng hồi năm 1974 và trớ trêu thay bộ đội VNCS tử chiến với TC để giữ đảo Hoàng sa bị TC tấn chiếm mà CSVN cũng cố dấu nhẹm. Nhưng những quân nhân hy sinh để bảo vệ biển đảo này đã đi vào lịch sử Việt, vào lòng dân Việt. Người dân Việt trong cũng như ngoài nước mỗi lần đến ngày 19/1 là thắp nén hương lòng, tự làm lễ tưởng niệm anh hùng tử sĩ Hoàng sa đã vị quốc vong thân một cách anh dũng. Vì TC chiếm Hoàng sa trước vào ngày 19/1/1974, nên người dân VNCH tưởng niệm trước, nhơn dịp này tưởng niệm luôn những chiến sĩ của VNCS đã tử chiến chống TC đánh chiếm Hoàng sa vào ngày 14/03/1988 nhưng CSVN nể sợ TC không dám nhắc tới sự hy sinh cao quí này, sự kiện lich sử này.
Nam nay có một biến chuyển rất đáng mừng do thiện ý, quyết tâm của người dân Việt đã làm nhà cầm quyền CS trong nước mặc thị nhìn nhận sự thật. Tin VOA, năm nay một số tổ chức dân sự công khai thông báo. “Nhóm No-U Hà Nội sẽ tổ chức lễ thắp hương vào lúc 8:30 sáng 19/1 tại Tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội, để tưởng niệm 42 năm trận hải chiến Hoàng Sa và tôn vinh 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh vì dân tộc.” Tại Sagon Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đứng ra tổ chức Lễ tưởng niệm Tử sĩ Hoàng Sa vào lúc 9:00 sáng cùng ngày, tại Tượng đài Trần Hưng Đạo, Bến Bạch Đằng, Q. 1, TPHCM. Và ngày 17/1, một nhóm thanh niên từ Sài Gòn đi Vũng Tàu để làm lễ tưởng niệm các tử sĩ Hoàng Sa đã bị công an và chính quyền địa phương sách nhiễu, tịch thu vòng hoa.
Riêng tại thành phố Đà Nẵng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cánh tay của CSVN khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đài RFA, cho biết lễ đặt viên đá đầu tiên đã cử hành hôm ngày 17 tháng 1 năm 2016. Bản vẽ của kiến trúc sư Trần Văn Dũng được chọn trong hàng trăm bản vẽ về mô hình. Kinh phí khoảng 70 tỷ tiền Đồng VN. Nguồn tài trợ theo báo trong nước gọi là nguồn xã hội hóa, tức là tiền đóng góp của các đoàn thể và dân chúng. Mô hình làm nổi bật hình ảnh người mẹ đứng bên bờ biển trông ngóng.
Có thể nói đã rất trễ, nhưng trễ còn hơn không. Quần đảo Hoàng sa hiện nay do TC hoàn toàn chiếm cứ, thôn tính, lập thành Huyện Tam sáp nhập vào lãnh thổ TC, tỉnh Hải Nam. TC đã cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hoà qua trận hải chiến vào ngày 19/1/1974. 74 hải quân Việt Nam Cộng Hòa tử chiến với TC, chết theo đảo làm linh gác giặc, giữ đảo, kể cả Hạm Trưởng Nguỵ văn Thà chết theo tàu theo truyền thống của Hải Quân.
Từ lâu ở trong nước đồng bào và báo chí dù bị nhà cầm quyền CSVN làm khó dễ, nhơn ngày 19/1 cũng có làm lễ tưởng niệm, nhắc nhở, kêu gọi đóng góp giúp đỡ cho những quả phụ các tử sĩ trong trận hải chiến Hoàng Sa như là các anh hùng, tử sĩ hy sinh bảo vệ biển đảo của Tổ Quốc.
Tiêu biểu như Câu lạc bộ Phao Lô Nguyễn Văn Bình ở Saigon tổ chức “thánh lễ tưởng niệm, tri ân và cầu nguyện cho tất cả đồng bào và chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa (năm 1974) và Trường Sa (năm 1988)”, tại số 43 đường Nguyễn Thông, Quận 3, Sài Gòn.
Tại Đà năng nhà cầm quyền CS có lần tổ chức triển lãm Hoàng Sa bị dân chúng phản đối vì thiếu hình ảnh trận hải chiến 1974 của Hải Quân VNCH tử chiến chống TC xâm chiếm Hoàng sa. Cựu trung tướng quân đội Cộng Sản Việt Nam là ông Nguyễn Quốc Thước nói: “Tôn vinh tinh thần yêu nước của người lính Việt Nam Cộng Hòa chống ngoại xâm là cần thiết.”
Công tâm mà nói, không phải chỉ có Hải Quân VNCH tử chiến với TC để bảo vệ Hoàng sa. Ngày 14/03/1988, Hải quân của VNCS cũng đánh với Hải quân Trung Cộng khi TC chiếm Trường Sa. Theo tin của báo Nhân dân ngày 28/03/1988 của CS Hà nội, được RFI trích dẫn, có 74 quân nhân của VNCS chết, không nói con số bị thương.
Nhưng vì Đảng CSVN nể sợ TC nên cấm báo chí trong nước khai thác trận chiến này, thậm chí sinh viên, trí thức hay người Việt yêu nước nào nói đụng đến Hoàng sa, Trường sa là CS Hà nội trấn áp không nương tay, như Điếu Cày bị bắt và bỏ tù gần cả chục năm, thừa chết thiếu sống.
Bây giờ CS Hà nội mặc thị để cho Tổng Liên Đoàn Lao Động và dân chúng góp công, góp của làm Tượng Đài Nghĩa sĩ Hoàng sa là áp lực của nhân dân khá mạnh rồi.
Chớ ở hải ngoại, 19 tháng 1, lâu rồi đã trở thành thông lệ hàng năm tưởng niệm Trận Hải Chiến Hoàng Sa. Tiêu biểu như năm nay 2016, Cộng đồng người Việt quốc gia Bắc California thông báo “biểu tình ngày Hoàng Sa, để nêu cao tinh thần Hoàng Sa, lên án những tội ác và hành động hống hách của Trung Cộng ở Biển Đông, đồng thời hỗ trợ cho tinh thần đấu tranh quốc nội tại 2 địa điểm Tổng Lãnh Sự Trung Cộng từ 11 giờ sáng đến 12 giờ 30 chiều và tại Tổng Lãnh Sự Việt Cộng từ 12 giờ 30 đến 3 giờ chiều.
Bên Âu châu nhiều trí thức chuyển ký kiến nghị gởi Liên Hiệp Quốc chứng minh Hoàng sa, Trường sa là của VN và phản đối TC lấn chiếm. Chỉ mới 1 ngày đã trên 3500 người ký, trong đó có Giáo sư Bảo Châu là trong những người ký đầu tiên.
Nhớ xưa, VN Cộng Hoà thể hiện quyết tâm giữ gìn bờ cõi một cách kiên cường. Theo hồi ký «Can trường trong chiến bại» của Phó Đô Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tư lệnh vùng I duyên hải thì đích thân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bay ra bộ chỉ huy hành quân, ra lịnh bằng giấy trắng mực đen, «bằng mọi cách» không để một tấc đất của tổ tiên mất vào tay giặc.”
Thực vậy, phải gọi trận hải chiến Hoàng sa của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà là một tử chiến của một số quân nhân để Hoàng sa sống mãi trong lòng dân Việt và lịch sử VN. Máu xương, nước mắt của quân nhân VN ở của hai miền hai chế độ khác nhau đã đổ xuống cho Hoàng sa của VN trong sứ mạng chung có tính thiêng liêng của quân đội là phục vụ quốc gia dân tộc, bảo quốc an dân vào năm 1974 và 1988. Hải Quân VNCH ở Miền Nam với 74 người tử trận, rồi Hải Quân VNCS cũng với 74 người tử trận.
Máu, nước mắt và thêm mồ hôi Hoàng sa, Trường sa còn đổ nơi người dân Việt sống bằng nghề biển ngay trên biển đảo, ngư trường của đất nước ông bà VN để lại. TC đã liên tục bắn giết, bắt bớ, đánh đập, cướp lấy tàu, đòi tiền chuộc đới với ngư dân VN.
Đau lòng xót dạ lắm khi hồn thiêng sông núi và anh linh tử sĩ của quân dân tử trận bên kia thế giới nhìn lại Hoàng sa, Trường sa nay đã bị TC lấy lập thành huyện Tam sa trực thuộc tỉnh Hải Nam của TC.
Văng vẳng, phảng phất đâu đây hồn Việt, tâm Việt, tinh thần bất khuất của người Việt. Niềm tin của dân tộc Việt nhắc nhở người dân Việt, đất nước có lúc thịnh suy nhưng anh hùng hào kiệt đời nào cũng có. Niềm tin đó đã tạo nên lòng kiên nhẫn nằm gai nếm mật vô bờ bến, biến đau thương thành hành động cứu quốc để từng đánh thắng đoàn quân xâm lược khét tiếng Nguyên Mông, đánh đuổi quân Tàu sau ba lần Bắc Thuộc.