Các đại sứ quán của Hoa Kỳ không còn lạ gì với vấn đề khủng bố.
Năm 2011 ở Afghanistan. Các phần tử nổi dậy Taliban đã phục kích sứ quán và lực lượng NATO, 7 người thiệt mạng.
Năm 2008, ở Yemen. Những kẻ tấn công có vũ trang và bom gài trong xe bên ngoài sứ quán đã làm 19 người thiệt mạng.
Năm 1998. Các vụ đánh bom cùng lúc tại Kenya và Tanzania. Hơn 200 người chết.
Và giờ đây, đại sứ Hoa Kỳ ở Libya, ông Christopher Stevens cùng 3 nhà ngoại giao khác đã thiệt mạng khi các phần tử quá khích xông vào lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Benghazi.
Ông Christopher Hill đã làm đại sứ Hoa Kỳ tại Iraq, Nam Triều Tiên, Ba Lan và Macedonia. Ông cho biết ông đã theo dõi biến chuyển về an ninh suốt nhiều năm trường.
Ông Hill nói: “Khi tôi mới gia nhập ngành ngoại giao, một người khách có thể đi vào một sứ quán, hoặc có thể bị một nhân viên canh gác chặn lại. Nhưng chắc chắn là không có bức tường kiên cố như ngày nay.”
Ðại sứ quán của ông Hill ở Macedonia năm 1999 đã bị xâm nhập khi một số cảnh sát viên địa phương bị người biểu tình khống chế. Ông nói ngay cả bây giờ, việc để cho các nhân viên địa phương canh gác ngoại vi là điều thông thường, nhưng điều khác biệt ở Libya là đám đông được vũ trang quá hùng hậu. Sau cuộc biểu tình năm 1999 ở Macedonia, các giới chức đã thảo luận việc đóng cửa sứ quán, nhưng ý kiến đó đã bị bác bỏ.
Ông Hill nói: “Nếu chúng tôi đóng cửa tòa đại sứ, thì chúng tôi lo ngại rằng các đại sứ quán khác cũng làm theo, và rút cuộc chúng ta sẽ vấp phải một vấn đề chính trị còn tệ hại hơn. Vì thế mà chúng tôi tăng cường bằng cách đưa thêm các binh sĩ Thủy quân lục chiến.”
Và đó chính là biện pháp kế tiếp cho Libya. 50 binh sĩ thủy quân lục chiến — một đội An ninh Chống Khủng bố – đã được bố trí để bảo vệ các cơ sở của Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố:
Bà Clinton nói: “Một nước Libya tự do và ổn định vẫn là lợi ích và an ninh của nước Mỹ, và chúng ta sẽ không chối bỏ điều đó.”
Các đại sứ quán Hoa Kỳ ở ít nhất 7 nước đang cảnh báo về việc có thể xảy ra các hành động bài Mỹ và đang khuyến cáo người Mỹ đề cao cảnh giác.
Ông Hill nói: “Ðiều mọi người phải làm là đề cao cảnh giác đề phòng và biết trước những gì có thể xảy ra. Nhưng nhiều khi trong những lúc căng thẳng như thế này, những gì ta nghĩ có thể xảy ra lại xảy ra quá nhanh và quá mãnh liệt so với dự kiến của mình. Ta thường được yêu cầu hãy mường tượng ra những gì không thể tưởng tượng nổi. Mường tượng có một nhóm nhỏ nào đó dự định tấn công tòa đại sứ thì lại biến ra thành một nhóm lớn hơn nhiều so với bất kỳ thông tin tình báo nào có thể cảnh giác chúng ta.”
Các cơ sở của Hoa Kỳ trên khắp thế giới nay đang duyệt lại tình hình an ninh và cứu xét các điểm yếu có thể có…tất cả đều nằm trong một nỗ lực tích cực đề phòng, thay vì phản ứng bằng cách tăng cường an ninh tiếp theo một thảm kịch như đã xảy ra hôm thứ ba.
Carolyn Presutti. VOA
Ðại sứ Mỹ, 3 Nhân viên Sứ quán Thiệt mạng trong Vụ Tấn công ở Libya
Ðại sứ Hoa Kỳ tại Libya và 3 nhân viên sứ quán đã thiệt mạng sau khi một đám đông hỗn loạn, nổi giận vì một cuốn phim nghiệp dư chế nhạo Tiên tri Muhammad của đạo Hồi, xông vào lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi miền đông hồi khuya thứ ba.
Ðại sứ J.Christopher Stevens, một người đã làm công tác ngoại giao chuyên nghiệp trong 21 năm và là một trong các đặc sứ dầy kinh nghiệm nhất của Hoa Kỳ trong khu vực, đã nhậm chức tại thủ đô Tripoli hồi tháng 5.
Ðây là cái chết đầu tiên của một đặc sứ Mỹ ở nước ngoài kể từ hơn 20 năm nay. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ loan tin Giám đốc Cơ quan Thông tin của Sở Ngoại vụ Hoa Kỳ, ông Sean Smith cũng thiệt mạng. Bộ không xác nhận lý lịch của hai nạn nhân kia.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ tư đã lên án vụ sát hại 4 người Mỹ.
“Họ tượng trưng cho sự cam kết của nước Mỹ đối với tự do, công lý và hợp tác với các quốc gia và nhân dân trên khắp hoàn cầu, và ngược hẳn với những kẻ đã cam tâm cướp đi mạng sống của họ.” Ông Obama nói như thế trong một thông cáo. Ông mô tả ông Stevens là một “người đại diện can trường và gương mẫu của Hoa Kỳ” đã thi hành nhiệm vụ với lòng vị tha trong suốt cuộc cách mạng ở Libya.
-Giữ chức Ðại sứ Hoa Kỳ tại Libya từ tháng 5 năm 2012.-Ðã giữ hai chức vụ trước đây ở Libya.-Từng đảm nhận các chức vụ ở Israel, Syria, Ai Cập và Ả Rập Xê-út.-Làm luật sư về thương mại quốc tế trước khi gia nhập ngành Ngoại giao năm 1991.-Dạy tiếng Anh tại Maroc trong thời gian công tác thiện nguyện cho Peace Corps từ 1983 đến 1985.
Ông Stevens được nhiều người ngưỡng mộ trong giới nổi dậy ở Libya nhờ sự hỗ trợ ông dành cho cuộc nổi dậy lật đổ nhà độc tài lâu năm Moammar Gadhafi.
Chủ tịch Quốc hội Libya, Mohammed Magarief, hôm thứ tư đã xin lỗi Hoa Kỳ, dân chúng và toàn thế giới về những gì đã xảy ra.
Thứ trưởng Nội vụ Libya Wanis al-Sharif nói với các phóng viên rằng một nhóm người có vũ trang đã tấn công khu lãnh sự quán trong một sứ mạng “gần như tự sát.” Ông nói phái bộ Hoa Kỳ có lỗi vì đã không đề phòng đầy đủ. Nhưng chi tiết về sự việc còn chưa rõ ràng.
Các tin tức trước đó nói rằng mấy chục tay súng thuộc nhóm Hồi giáo Ansar al Sharia đã tấn công lãnh sự quán Hoa Kỳ bằng súng tự động và súng phóng lựu, rồi nổi lửa đốt. Hãng thông tấn Associated Press loan tin ông Stevens và những người đồng sự đã thiệt mạng khi ông vào lãnh sự quán để sơ tán nhân viên.
Tại Ai Cập, người biểu tình đã leo tường đại sứ quán Hoa Kỳ ở Cairo, xé một lá cờ Mỹ và thay thế bằng một biểu ngữ của đạo Hồi. Người biểu tình ở đó – chủ yếu là những người theo đạo Hồi cực bảo thủ, tiếp tục hành động phản đối cho đến sáng sớm thứ tư.
Các cuộc biểu tình trùng hợp với ngày tròn 11 năm các cuộc tấn công khủng bố 11 tháng 9 ở Hoa Kỳ.
Bất bình về cuốn phim
Các đám đông đã bị khích động vì bất bình đối với cuốn phim mà giới truyền thông Hoa Kỳ nói là sản phẩm của một người Mỹ gốc Do Thái tên là Sam Bacile và được sự tài trợ của các thành viên của nhóm thiểu số người theo Thiên chúa giáo Cổ Ai Cập sống ở nước ngoài.
Các trích đoạn cuốn phim bằng tiếng Anh và tiếng Ả Rập vừa được đăng trên YouTube cho thấy Tiên tri Muhammad là con của những người không biết là ai, và mô tả ông là một tay hề cổ xúy cho việc lạm dụng trẻ em và ngoại tình, ngoài nhiều lời công khai lăng nhục khác.
Hãng tin Associated Press tường thuật rằng ông Bacile, một nhà địa ốc ở California, đã đi trốn hôm thứ ba. Ông này mô tả đạo Hồi là một thứ “ung thư” và nói ông có ý muốn lấy cuốn phim là một tuyên cáo chính trị lên án tôn giáo này.
Cuốn video đã được cả thế giới chú ý qua quảng cáo của mục sư Cơ đốc giáo ở Florida là Terry Jones, người hôm thứ ba đã tuyên bố cuốn phim không nhắm mục đích tấn công người Hồi giáo mà nhắm mục đích chứng tỏ “chủ thuyết băng hoại của đạo Hồi.”
Ông Jones đã châm ngòi cho các vụ bạo động gây chết người ở Afghanistan vào năm 2010 và 2011 qua việc dọa đốt các bản kinh Quran và đã đốt một bản tại nhà thờ của ông.
Hai vụ tấn công song song hôm thứ ba là những vụ đầu tiên nhắm vào các cơ sở ngoại giao của Hoa Kỳ ở cả hai nước, vào một thời điểm mà cả Libya lẫn Ai Cập đều đang chật vật cố khắc phục tình hình rối loạn sau vụ lật đổ các nhà lãnh đạo lâu năm của các nước này là ông Moammar Gadhafi và ông Hosni Mubarak trong các cuộc nổi dậy năm ngoái.
Chưa rõ sự phối hợp
Chưa rõ hai vụ việc vừa kể được phối hợp ra sao.
Báo Al Ahram của Ai Cập tường thuật rằng một người phát ngôn của tổ chức Huynh Ðệ hồi giáo, nhóm Hồi giáo chính ở Ai Cập, đã hối thúc chính phủ Hoa Kỳ truy tố những kẻ “điên rồ” đứng sau cuốn phim.
Cũng trong ngày thứ ba, đền thờ Hồi giáo Al Azhar nhiều uy tín ở Ai Cập đã lên án một “phiên tòa” tượng trưng xét xử Tiên tri Muhammad được một tổ chức của Hoa Kỳ, trong đó có mục sư Jones, tổ chức.
Có ít nhất 2.000 người biểu tình không có vũ trang đã tụ tập hôm thứ ba bên ngoài đại sứ quán ở thủ đô Ai Cập, kể cả những người Hồi giáo Sala và những người hâm mộ bóng đá có tham gia các cuộc biểu tình chính trị đã lật đổ chính phủ trước.
Ðến chiều tối thứ ba, một nhóm người biểu tình đã leo tường, hủy cờ Mỹ và thay thế bằng một biểu ngữ Hồi giáo. Một giới chức đại sứ quán nói với đài VOA rằng không có việc rút súng và không có phát súng nào nổ trong vụ việc này. Giới chức này cho hay tất cả nhân viên trong tòa nhà đều an toàn.
-Francis E. Meloy Jr., Lebanon, bị Mặt trận Giải phóng Palestine bắt cóc và giết năm 1976.
-Rodger P. Davies, đảo Chypre, bị bắn trong một cuộc biểu tình tại Ðại sứ quán Hoa Kỳ năm 1974.
-Cleo A. Noel Jr., Sudan, bị các phần tử chủ chiến thuộc tổ chức Tháng 9 Ðen sát hại năm 1973.
-John Gordon Mein, Guatemala, bị phiến quân bắn chết năm 1968.