Lịch sử có lúc lập lại không ngờ nhưng lần này lại rơi đúng vào chu kỳ 45 năm của ngày 19 tháng 6.
Ngày này ở miền Nam Việt Nam năm 1965, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã đứng lên nhận trách nhiệm điều hành việc nước, chấm dứt cuộc khủng hỏang chính trị do phe dân sự không ngồi chung được với nhau trong lúc lượng Cộng sản gia tăng áp lực ngoài chiến trường.
45 năm sau, cũng vào ngày 19 tháng 6, Quốc hội Cộng sản Việt Nam, đã bất chấp áp lực của đảng bác dự án xây đường sắt cao tốc nối liền Sài Gòn – Hà Nội với kinh phí dự trù 56 tỷ Mỹ Kim.
Kết qủa bỏ phiếu cho thấy chỉ có 185 Đại biểu Quốc hội (chiếm 37.53%) trên tổng số 427 người hiện diện đồng ý với đề nghị của Chính phủ; trong khi số phiếu chống là 208 (chiếm 42.19%) và 34 người không bỏ phiếu (chiếm 6.9%). Như vậy số phiếu của phe nhà nước muốn làm đường sắt không đủ qúa bán tổng số Đại biểu nên bị bác bỏ.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của cơ quan lập pháp vẫn bị coi là “bù nhìn” của nhà nước đã quay lưng lại với đảng.
Biến cố lịch sử có một không hai này đã kéo người dân Việt ở hai bờ Đại dương xích lại gần nhau hơn. Khỏang cách mờ ảo nhưng cố định giữa người dân trong nước với Báo chí, Trí thức và Quốc hội bỗng chốc tan biến vì lần này thắng lợi đã thuộc về tòan dân.
Kẻ thua trận ở đây là đảng, các viên chức Chính phủ chủ trương xây đường cao tốc, đứng đầu là Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng thường trực và 185 Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thuận.
Phản ứng của người dân thuộc đủ mọi lứa tuổi và thành phần trong xã hội bùng lên như hội mùa xuân, mở cờ trong bụng chưa bao giờ có.
Hãy đọc Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trong số 3 người chủ biên Báo điện tử Bauxite Việt Nam chống khai thác Bauxite trên Tây Nguyên: “Trong cái nóng như nung của nhiệt độ ngoài trời Hà Nội lên đến 40 độ, phòng họp Quốc hội cũng trở nên nóng bỏng vì lá phiếu chọn lựa của các đại biểu. Và tại các quán trà, quán cà phê, nơi hóng mát… không ai là không chờ đợi với tâm trạng nghẹt thở lo lắng. Nhưng cuối cùng thì tất cả đều vỡ òa lên sung sướng, nỗi lo đất nước gánh thêm những món nợ khổng lồ và biết đâu sẽ rơi vào vòng nô lệ nước ngoài vì cuồng vọng của những kẻ một tấc đến trời đè lên ngực trong một tháng nay thế là được cất hẳn.”
Giáo sư Hà Văn Thịnh của Đại học Huế lên tiếng : “Tôi theo dõi thường xuyên mọi diễn biến của các kỳ họp của Quốc hội. Trong kỳ họp vừa rồi, sau khi có kết quả “bấm nút” của các Đại Biểu Quốc Hội (ĐBQH) ở phiên họp cuối cùng, tôi đã sung sướng đến mức gần như trào nước mắt. Chưa bao giờ tôi có cảm giác đó trong hàng chục lần theo dõi các kỳ họp Quốc hội trước đây. Bởi, lần đầu tiên trong đời, tôi được chứng kiến ĐBQH đã nghe dân, đã vượt qua chính mình khi nghĩ suy về vận mệnh của giang sơn, Tổ quốc; đã bất chấp ai đó, bất chấp lợi ích nhóm của những người cho rằng “không thể không làm đường sắt cao tốc” để trung thực, minh bạch trong cách nghĩ mới mẻ là thực sự vì dân, do dân và của dân…” (Bauxite Việt Nam, 22-6-2010)
Tiến sỹ Nguyễn Quang A phát biểu trên Báo Tuần Việt Nam ngày 21-06-2010 : “Quốc hội đã có một quyết định sáng suốt khi không thông qua nghị quyết về đường sắt cao tốc. Nhiều người, trong đó có tôi, đã e ngại Quốc hội sẽ thông qua dự án với số phiếu cao như với mở rộng thủ đô. Ngỡ ngàng và vui mừng khôn xiết khi biết tin về quyết định lịch sử trên.
Quyết định này là quyết định chưa từng có trong lịch sử của Quốc hội Việt Nam. Khi thăm dò ý kiến 57% đại biểu tán thành thông qua nghị quyết, sau bốn ngày khi quyết định chính thức qua ba lần bấm nút số ý kiến tán thành chỉ trên dưới 40% một chút và không đạt quá bán.
Với quyết định này Quốc hội đã thực sự vượt lên chính mình, đã làm tròn trách nhiệm của mình liên quan đến vấn đề cụ thể này.”
Đến phiên người dân thì họ đã bầy tỏ nỗi vui mừng và biết ơn quyết định của Quốc hội : “Chưa năm nào mà thấy Quốc hội dân chủ và sáng suốt đến vậy. Không thông qua dự án ĐSCT trong giai đoạn này là hoàn toàn hợp lý. (Trần Thị Hoa).
Nguyễn Hữu Ninh nói: “ Vô cùng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã kiên quyết không thông qua siêu dự án.” (Thời báo Kinh tế Việt Nam, 22-06-2010)
Trên báo mạng VIT (Vietnam Information Treasure) ngày 19-6 (2010) cũng có hàng trăm độc giả phản ứng vui mừng, tiêu biểu như : “Quốc hội sáng suốt. cảm ơn các đại biểu của dân. nếu dự án boxit tây nguyên cũng đưa ra quốc hội thì không bao giờ được thông qua.” (Lý Thường Kiệt)
“Các đại biểu Quốc hội đã rất sáng suốt khi nhận thấy gánh nợ cho con cháu mai sau. Các vị đại biểu bỏ phiếu tán thành đề án cần xem lại đã làm hết trách nhiệm của nhân dân giao phó chưa ?” (Hòang Dũng)
“Hiện nay người dân còn rất khổ , lương hàng tháng không đủ sống , làm ăn ế ẩm do lạm phát tăng cao, dân trí thấp, văn hóa sống kém , mất vệ sinh ô nhiễm môi trường trầm trọng, tham nhũng dầy đặc, nạn quan liêu sách nhiễu nhân dân còn phát triển mạnh mẽ , chúng ta nên suy nghĩ kỷ cái gì cần làm trước , cái gì cần làm sau cho rõ ràng . Tôi rất mừng là Quốc Hội đã biểu quyết không làm , đó là sự may mắn của tổ quốc VIỆT NAM.” (Lê Tuấn)
Nhưng câu chuyện bỏ phiếu hôm 19-6 tại Quốc hội không đơn gỉan chỉ 1 lần mà có tới 3 lần tất cả, dựa theo ý muốn của Chính phủ vì cả 3 đề nghị đếu có lợi cho nhà nước và phe Đại biểu Quốc hội muốn làm đường sắt cao tốc.
Rất tiếc, trời không phụ lòng những kẻ “ăn ngay ở lành” nên cả 3 đề nghị đều không hội đủ số phiếu quá bán số Đại biểu hiện diện nên nhà nước và đảng đã thua trắng tay !
CHI TIẾT BỎ PHIẾU LỊCH SỬ
Để xem cho biết mánh khóe “cố đấm ăn xôi” hay quyết chí “thua keo này ta bày keo khác” của đảng và phe muốn làm đường cao tốc đã lèo lái Quốc hội ra sao trong phiên họp ngày 19-6 (2010), mời mọi người hãy cùng đọc bài tường thuật của Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng: “Do đại biểu Quốc hội còn có nhiều ý kiến khác nhau về dự án đường sắt cao tốc, vì thế, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội hai phương án trong Điều 1 của dự thảo Nghị quyết.
Phương án một không đề cập cụ thể đến đường sắt cao tốc mà chỉ nêu: “Trong những năm qua, tuy nguồn lực tài chính Nhà nước nói chung và ngân sách nhà nước nói riêng còn rất hạn hẹp, nhưng Đảng và Nhà nước đã dành một lượng vốn khá lớn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì cơ sở hạ tầng giao thông còn rất hạn chế về số lượng, thiếu đồng bộ và lạc hậu về công nghệ… Trong thời gian tới cần huy động đa dạng mọi nguồn lực của Nhà nước và xã hội, trong nước và ngoài nước, bằng nhiều phương thức đầu tư để tăng đầu tư, cải thiện rõ rệt cơ sở hạ tầng giao thông trong phạm vi cả nước cũng như trong từng vùng, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển đất nước nhanh và bền vững”.
Tuy nhiên, phương án này không được đa số đại biểu Quốc hội đồng ý, mà chỉ có 209 đại biểu (chiếm 42,39%) tán thành, trong khi có đến 191 đại biểu (chiếm 38,74%) không tán thành, 39 đại biểu không biểu quyết.
Vì Phương án một không được thông qua, nên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã đề nghị Quốc hội chuyển sang biểu quyết Phương án hai: tán thành chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh với những bước đi cụ thể nêu tại Điều 2.
Nhưng với phương án này, cũng chỉ có 185 đại biểu (chiếm 37,53%) trong tổng số 427 đại biểu có mặt tán thành chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh. Có 208 đại biểu (chiếm 42,19%) không tán thành, 34 đại biểu (chiếm 6,9%) không biểu quyết.”
Sau khi thua 2 keo, phe Nhà nước lại tìm cách vớt vát đem gài kế họach đường sắt cao tốc chia thành 2 giai đọan thực hiện vào quyết nghị nghiên cứu tổng quát kế họach giao thông trên cả nước.
Báo Nhân dân viết tiếp : “Quốc hội cũng đã tiến hành biểu quyết về Điều 2 của dự thảo Nghị quyết với nội dung: giao cho Chính phủ thực hiện các công việc: rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch giao thông tổng thể trong cả nước. Lập quy hoạch chi tiết; tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn các điều kiện bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó nghiên cứu lập dự án đầu tư một trong hai đoạn tuyến Hà Nội – Vinh hoặc Thành phố HCM – Nha Trang, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một đoạn tuyến được chọn và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020 bằng nhiều nguồn vốn, đa dạng phương thức đầu tư. Từ kết quả đầu tư xây dựng đoạn tuyến được chọn, tiến hành đánh giá việc đầu tư, khai thác đoạn tuyến trên và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc triển khai đầu tư xây dựng các bước tiếp theo.
Tuy nhiên, với 409 đại biểu có mặt, chỉ có 157 đại biểu (chiếm 31,85%) tán thành, 170 đại biểu không tán thành và 82 đại biểu không biểu quyết cho điều 2.”
Sau 3 lần bỏ phiếu thất bại, Báo Nhân viết: “Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận, biểu quyết hai điều này mà đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không quá bán, coi như Quốc hội không thông qua Nghị quyết này.”
CÚ SỐC BẤT NGỜ
Trước các Cuộc bỏ phiếu của Quốc hội, Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng còn tự tin khi trả lời chất vấn của các Đại biều Quốc hội.
Hùng nói như đinh đóng cột: “Tôi yên tâm. Yên tâm rằng phải làm. Yên tâm cùng Chính phủ xin Quốc hội chủ trương để làm. Yên tâm là Quốc hội và Chính phủ tính được bài để làm.”
Nhưng căn cứ vào đâu mà Hùng nói làm đường sắt dễ như ăn kẹo như vậy ?
Báo Điện tử Việtnam Express viết: “Theo số liệu Phó thủ tướng công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm nay ước đạt 106 tỷ USD. Với đà tăng trưởng hiện nay, đến 2020, GDP sẽ đạt gần 300 tỷ USD; 2030 là 700 tỷ USD; 2040 đạt 1.200-1.400 tỷ USD và đến 2050 sẽ gấp đôi số đó. GDP bình quân đầu người đến 2050 dự kiến lên 20.000 USD, thay vì mức hơn 1.000 USD hiện nay. Nếu cứ lấy ngưỡng an toàn vay nợ là 50% GDP, đến 2020, Việt Nam có thể vay 150 tỷ mà vẫn an toàn.
“Với mức vay nợ như vậy, chúng ta có thể làm được. Mà thưa các đồng chí, có phải chúng ta làm ngay ngày mai đâu. Còn tính toán, cân lên đặt xuống và xin ý kiến Quốc hội nhiều lần nữa trước khi triển khai”, ông nói chắc nịch, sau khi rành mạch công bố một loạt số liệu mà chỉ nhầm một chút về ước tính GDP 2040 của Việt Nam (thay vì 1.200-1.400, nói nhầm thành 1,2-1,4 triệu tỷ USD).”
Nhưng có ai ở Việt Nam dám tin vào những lời suy đóan gỉa tưởng của Nguyễn Sinh Hùng không ? Cho đến bây giờ, 35 năm sau ngày thống nhất đất nước và 24 năm theo đuổi chủ trương Đổi mới,
Việt Nam vẫn chưa có được một viện nghiên cứu rủi ro và dự đóan để phóng tầm nhìn bào tương lai giúp dân ổn định cuộc sống.
Do đó, những lời “đường mật” của Nguyễn Sinh Hùng về triển vọng kinh tế, lợi tức đầu người và khả năng tài chính cho kế họach đường sắt phiêu lưu không thuyết phục được ai. Bởi vì Hùng không bảo đảm được rằng ai sẽ là những người phải đai lưng ra lao động để trả nợ cho canh bạc đường sắt, dự trù có ít nhất 1/3 trong tổng số 56 Tỷ Mỹ Kim là vốn phải đi vay của nước ngòai trong chương trình ODA (Official development assistance) !
Đại biểu Dương Trung Quốc của Tỉnh Đồng Nai đã cảnh giác Nguyễn Sinh Hùng trong cuộc chất vấn ngày 12-6-2010 : “ ODAlà khoản vay có điều kiện của nước giàu đối với nước nghèo, thực chất là phương thức đầu tư tài chính, công nghệ và chính trị mang lại lợi ích cho chủ nợ. Việc vay vốn ODA là cần thiết, nhưng chỉ nên coi là nhất thời, giống như đứa trẻ cần bú sữa mẹ, vú nuôi hoặc xin sữa hàng xóm. Các nước đều nỗ lực giảm vay ODA, giống như đứa trẻ cứng cáp cần cai sữa mẹ. Chính phủ đã có kế hoạch cai ODA hay chưa?”, ông Quốc vẫn giữ cách hỏi ví von, đầy ẩn ý khi biết ODA là phần vốn quan trọng để triển khai dự án đường sắt cao tốc.” (Báo VietNam Express)
Trả lời Đại biểu Quốc, Nguyễn Sinh Hùng khẳng định : “ Việt Nam không chấp nhận các dự án mà nhà tài trợ có động cơ, mục đích chính trị đằng sau. Tuy nhiên, ông thừa nhận Việt Nam chịu một số ràng buộc về kinh tế và công nghệ khi vay ODA.
“Bú sữa hàng xóm đúng là khó đấy. Vay ODA mà họ cho mình tự quyết thì tốt hơn. Chúng ta vay thực tế có chịu ràng buộc và có thiệt về kinh tế. Song tính chung lại, đánh giá các mặt cho thấy sử dụng vốn ODA là có hiệu quả. Năm vừa rồi mặc dù thế giới khó khăn mà họ vẫn cam kết cho mình vay với mức kỷ lục”, ông nói. Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, trong điều kiện hiện nay, Việt Nam vẫn phải tranh thủ nguồn ODA càng dài càng tốt.” (VietNam Express)
Nhưng nợ là nợ, đời này không trả được thì các đời sau phải trả. Vì vậy mà 288 Đại biểu Quốc hội đã nghe thấu tiếng kêu của người dân trong Cuộc bỏ phiếu lịch sử chống làm đường sắt cao tốc ngày 19 tháng 6 (2010) vừa qua.
Phải chăng vận nước đã đổi thay để cho đảng mở mắt ?
Phạm Trần