Báo The New York Times vừa đăng một bài tường thuật gây chấn động dư luận thế giới và khiến chính phủ Trung Quốc vừa giận dữ vừa hoảng sợ cho dựng tường lửa tờ báo ấy gần như ngay tức khắc. Nội dung của bài tường thuật là về khối tài sản khổng lồ của gia đình ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc: Tổng cộng lên đến khoảng 2.7 tỉ Mỹ kim.
David Barboza, mở đầu bài tường thuật, kết quả của một quá trình nghiên cứu công phu và tường tận, kể về bà mẹ của Ôn Gia Bảo: Bà vốn là một giáo viên, thời Cách mạng văn hóa, sống cực kỳ nghèo. Sau đó, với lương giáo viên, bà vẫn nghèo. Vậy mà, bây giờ, 90 tuổi, bà lại trở thành một người vô cùng giàu có. Một trong các khoản đầu tư của bà trong một công ty tài chính ở Trung Quốc, cách đây năm năm, lên đến 120 triệu đô la.
Điều đáng chú ý là sự giàu có ấy chỉ bắt đầu từ khi con bà, ông Ôn Gia Bảo, trở Phó thủ tướng vào năm 1998, và đặc biệt, năm năm sau đó, khi ông chính thức trở thành Thủ tướng.
Ngoài mẹ, hầu hết thân nhân của Ôn Gia Bảo đều là những triệu triệu phú: vợ ông, con trai ông, con gái ông, em rể ông, và họ hàng xa gần của ông. Tất cả đều nắm giữ những vai trò quan trọng trong các ngân hàng, các công ty nữ trang, các khu du lịch sang trọng, các công ty truyền thông, các công ty tài chính, bao gồm cả hãng bảo hiểm Ping An, một trong những công ty tài chính lớn nhất thế giới với vốn tài sản trị giá gần 60 tỉ Mỹ kim, và nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm cả một dự án phát triển villa ở Bắc Kinh.
Vợ của Ôn Gia Bảo, bà Trương Bồi Lợi, được mệnh danh là “Nữ hoàng kim cương” (Diamond Queen) của Trung Quốc. Lúc nào cũng ăn mặc bình dị và nói năng khiêm tốn nhưng bà Lợi là người rất mê kim cương và các loại nữ trang đắt tiền. Năm 2007, báo chí Đài Loan phanh phui ra vụ bà Lợi từng mua hai cái hoa tai bằng ngọc thạch trị giá đến 275.000 đô la. Không phải chỉ mua để sử dụng, bà Lợi còn điều hành nhiều công ty kiểm tra chất lượng và buôn bán nữ trang lớn, là một trong vài người có thế lực và ảnh hưởng nhất trong kỹ nghệ vàng, ngọc và kim cương ở Trung Quốc. Các công ty liên quan đến nữ trang của ngoại quốc muốn vào làm ăn ở Trung Quốc cần phải đến “yết kiến” bà trước. Được bà chấp thuận, công việc làm ăn mới xuôi chảy. Bà lắc đầu, bao nhiêu dự án, dù lớn lao đến mấy, cũng đều bó tay.Người con trai duy nhất của Ôn Gia Bảo, Ôn Winston, năm nay khoảng 40 tuổi, từ năm 2000, thành lập ba công ty kỹ thuật trong vòng năm năm. Công ty nào cũng bắt đầu với vốn cả hàng triệu đô, sau đó, tăng vọt lên hàng chục triệu đô. Riêng công ty New Hozizon Capital được lập vào năm 2005 đến nay đã có vốn lên đến trên 2.5 tỉ Mỹ kim.
Bài viết của David Barboza chắc chắn sẽ được dịch sang tiếng Việt hoặc được tóm tắt trên nhiều cơ quan ngôn luận. Tôi không cần phải kể lại nhiều chi tiết hơn. Ở đây chỉ nhấn mạnh vào một số điểm:
Thứ nhất, hầu hết những người lãnh đạo đều có bàn tay…sạch. Tài sản chính thức của họ hầu như không có gì cả. Lý do là chúng được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó, cách phổ biến nhất là cho thân nhân đứng tên. Nhiều người đặt vấn đề: chưa chắc bà mẹ của Ôn Gia Bảo, năm nay 90 tuổi, đã biết là mình có một số cổ phần lên đến mấy trăm triệu đô la trong các công ty tài chính lớn. Bà chỉ được mượn tên, vậy thôi.
Thứ hai, nguyên nhân dẫn đến sự giàu có tột bậc của gia đình ông Ôn Gia Bảo chắc chắn không phải do tài năng của họ. Mà chủ yếu là nhờ thế lực của ông. Nhờ ông, họ được nắm giữ những chức vụ quan trọng, từ đó, tiền bạc cứ ào ào đổ vào túi. Nhờ ông, họ có vô số ưu thế để làm ăn và làm giàu. Hơn nữa, có thể nói, nhờ ông, họ không cần làm gì cả mà vẫn có thể giàu: giới kinh doanh khắp nơi, từ trong đến ngoài nước, cứ mang tiền, thật nhiều tiền đến dâng cho họ.
Thứ ba, qua trường hợp của Ôn Gia Bảo, chúng ta mới thấy cách hiểu thông thường về vấn đề tham nhũng rất phiến diện và hời hợt. Nói đến tham nhũng, người ta thường nghĩ ngay đến hối lộ. Nhưng ở vị thế lãnh đạo cao cấp trong đảng và trong chính phủ, người ta không cần nhận hối lộ. Người ta chỉ cần sử dụng – đúng hơn: lạm dụng – quyền lực của mình để cho thân nhân kiếm tiền. Nhìn bề ngoài, việc kiếm tiền ấy hoàn toàn chính đáng: họ lập công ty, công ty ấy vận hành tốt và có nhiều lợi tức; họ giàu là nhờ số lợi tức ấy. Nhưng, nó vẫn không chính đáng ở hai điểm: một, vị trí của họ trong công ty không xuất phát từ tài năng mà là từ thế lực (xin nhớ trường hợp con cái của Nguyễn Tấn Dũng và Tô Huy Rứa ở Việt Nam); và hai, lợi tức của công ty chủ yếu đến từ các quan hệ quen biết hơn là do thực lực.
Thứ tư, sự giả dối của giới lãnh đạo cộng sản. Trước đây, Bạc Hy Lai, Bí thư Trùng Khánh, từng nổi tiếng là cứng rắn trong việc chống tham nhũng, nhưng, sau khi ông bị ngã ngựa, người ta mới biết chính ông từng dung dưỡng cho thân nhân kiếm đến cả hàng trăm triệu Mỹ kim từ tham nhũng. Ôn Gia Bảo cũng thế. Lúc nào ông cũng xuất hiện dưới vẻ bình dị, như là nghèo nàn. Mở miệng, ông toàn nói những chuyện đạo đức và nỗ lực làm trong sạch đảng. Chỉ mới đây thôi, vào tháng 3 năm 2011, trong một cuộc họp của hội đồng nhà nước Trung Quốc, Ôn Gia Bảo lớn tiếng yêu cầu chống tham nhũng, giám sát tệ lạm quyền và thúc giục cán bộ các cấp phải làm việc vì “một chính phủ trong sạch trong năm 2012”.
Bộ mặt giả dối của giới lãnh đạo Trung Quốc đã bị thế giới vạch trần. Bao giờ đến lượt Việt Nam nhỉ?
TS. Nguyễn Hưng Quốc