Tên thật Nguyễn Đăng Quý, Mai Thảo sinh ngày 8 tháng 6 năm 1927 tại Nam Định; di cư vào Nam từ năm 1954; chủ trương tạp chí Sáng Tạo từ năm 1956; sau, viết cho nhiều báo tại Sài Gòn, và từ năm 1974, trông coi bài vở cho tạp chí Văn. Cuối năm 1977, Mai Thảo vượt biển đến Mã Lai, và từ đầu năm 1979, được định cư tại Hoa Kỳ, nơi ông tục bản tạp chí Văn, một trong những tạp chí văn học nổi tiếng và sống lâu nhất ở hải ngoại (1982-2007; trong đó, hơn 10 năm sau cùng, từ 1996 đến lúc đình bản, chủ biên là Nguyễn Xuân Hoàng).
Mai Thảo xuất bản khoảng 50 tác phẩm, bao gồm nhiều thể loại khác nhau, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết và thơ. Nổi bật nhất là Đêm giã từ Hà-nội (1955), Tháng giêng cỏ non (1956), Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời (1963), Người thầy học cũ (1969), Chuyến tàu trên sông Hồng (1969), Mưa núi (1970), Tùy bút (1970), Chân dung mười lăm nhà văn, nhà thơ Việt Nam (1985), và tập thơ Ta thấy hình ta những miếu đền (1989), v.v…
Một số tác phẩm của Mai Thảo có thể đọc trên trang Tủ Sách của Talawas (http://talawas.org).
Có một bữa, tại California, Mai Thảo ngồi bên lề đường chờ xe bus. Mùa đông, trời lạnh. Chờ cả nửa tiếng đồng hồ. Ngồi không, mắt bâng quơ ngó quanh, tình cờ dừng lại ở những bảng tên đường trước mặt, tất cả đều mang những cái tên ngoại quốc lạ hoắc vừa khó đọc vừa khó nhớ, Mai Thảo bỗng nảy ra một ý nghĩ nghịch: tại sao những con đường ấy không mang tên mình nhỉ? Sẽ dễ đọc và dễ nhớ biết mấy. Cái tứ của bài thơ ‘Ta thấy hình ta những miếu đền’ bắt đầu bằng câu ‘Ta thấy tên ta những bảng đường’, hình thành từ lúc ấy. “Đùa thôi”, Mai Thảo nói, “Văn chương là chuyện đùa nghịch mà!” Cười, nhấp một ngụm rượu, Mai Thảo nói tiếp, giọng sôi nổi hẳn: “Đặc điểm nổi bật nhất của văn học Việt Nam từ xưa đến nay là sự đùa nghịch. Tất cả những kiệt tác đều là những sự đùa nghịch. Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Tản Đà là những người đùa nghịch. Nguyễn Du cũng đùa nghịch khi viết Truyện Kiều. Ngay cả Cung oán ngâm khúc cũng thấp thoáng rất nhiều sự đùa nghịch. Các nhà văn nhà thơ Việt Nam chỉ viết hay khi đùa nghịch.” Nghe Mai Thảo nói như thế tại tiệm ăn Tố Lan, quận 13 Paris, nhân chuyến ông qua Pháp chơi, tối ngày 9.10.1990, tôi chỉ ngồi cười. Ừ, thì đùa.
Nhưng tôi có cảm tưởng trong cuộc sống, Mai Thảo ít biết đùa. Trong mấy lần gặp ông, chuyện trò khá thân mật với ông, hiếm khi nào tôi nghe Mai Thảo nói một câu khôi hài. Hơn nữa, ông còn dễ nổi cáu khi nghe người khác bông phèng. Ông chỉ biết có mỗi một trò đùa: đùa nghịch với chữ nghĩa, với văn chương. Đùa riết thành mê. Ông là một trong những người Việt Nam hiếm hoi không làm bất cứ nghề nào khác ngoài cái nghề cầm bút. Cho đến tận sau này, khi đã trải qua bao nhiêu bẽ bàng và cay đắng của cuộc đổi đời, nỗi đam mê của ông vẫn không hề phôi pha chút nào cả. Chỉ cách đây không lâu, hàng tháng, trên tạp chí Văn tục bản tại California, ở mục ‘Sổ tay’, bao giờ cũng có mấy trang viết mượt mà của ông. Những trang văn, nhiều lúc, đọc cứ ngỡ như thơ.
Dù sao, cũng phải gặp Mai Thảo, nghe Mai Thảo nói chuyện về thơ, người ta mới hiểu được lòng yêu thơ của ông sâu sắc đến độ nào.
Lần đầu tiên tôi gặp Mai Thảo là vào tối Chủ nhật, ngày 19 tháng 3 năm 1989, tại nhà riêng của ông – đúng hơn là phòng riêng trong một chung cư dành cho người già – ở California. Anh Nguyễn Mộng Giác chở tới. Mai Thảo mở cửa, gật chào, rồi nói chuyện tiếp với ai đó qua điện thoại. Giọng Mai Thảo trầm, ấm và ngọt ngào lạ lùng. Dần dần, tôi cũng đoán được người bên kia đầu dây là Kiều Chinh. Lúc ấy, tôi hơi ngạc nhiên, nhưng sau này, gặp Mai Thảo vài lần, dần dần tôi hiểu ra là hình như với người phụ nữ nào Mai Thảo cũng nói chuyện bằng cái giọng trầm, ấm và ngọt ngào như vậy.
Trong lúc ông nói chuyện, tôi đảo mắt nhìn quanh. Một kệ sách. Một cái bàn. Một cái giường chiếc phủ nệm trắng. Một cái Tivi nhỏ và năm bảy chai rượu nằm trong góc. Là hết. Lúc ấy, tôi nghĩ ngay đến một câu thơ của Nguyễn Bính: ‘Quán trọ nhà thơ như chiêm bao’.
Khoảng năm, bảy phút sau, gác điện thoại xuống, Mai Thảo quay lại tôi, gật gật: “Quốc đấy hả? Trẻ ghê nhỉ?”
Rồi thôi. Đứng, tay cầm ly rượu, Mai Thảo nói: “Đọc thơ thích thật. Tôi vẫn ân hận mãi mình không phải là nhà thơ toàn phần như các bạn tôi. Như Vũ Hoàng Chương. Như Thanh Tâm Tuyền. Các anh ấy làm thơ hay quá. Thèm quá.”
Cứ thế. Tiếp tục đứng, tiếp tục cầm ly rượu trên tay, Mai Thảo nói về thơ. Say sưa. Tôi đến, lần đầu tiên, không một chút khách sáo, ông nói, như là tiếp tục một câu chuyện dở dang từ trước. Với một người đã quen và thân lắm. Tôi cũng có cảm giác tương tự như vậy khi lần đầu tiên gặp Nguyễn Mộng Giác, tại Chicago, trong một cuộc hội nghị mấy ngày trước đó. Gặp nhau, bắt tay nhau, cười rồi nhập ngay vào chuyện văn, chuyện thơ, lâu lâu tạt sang chuyện đời. Một lát. Rồi lại vẫn văn vẫn thơ. Rất thoải mái. Rất tri kỷ. Không phải cực lòng với những chuyện nắng chuyện mưa. Khỏi phải chịu đựng những phút bối rối nhìn trời, nhìn đất.
Khác với Nguyễn Mộng Giác, Mai Thảo ít nói chuyện đời và cũng hiếm khi nói chuyện văn. Ông chỉ nói về thơ. Dường như, trong chuyện trò, Mai Thảo chỉ tâm đắc với một đề tài: thơ. Không nói chuyện về thơ được, ông im lặng, lầm lì, hầu như chỉ chực gây sự. Tôi chưa thấy ai say thơ đến như vậy. Say đến đắm: tay cầm ly rượu, mắt lim dim, vừa đọc vừa bình, giọng lúc trầm lúc bổng, dường như cả tâm hồn ông cũng bập bềnh theo những sóng chữ dập dìu. Đắm đến mê: ông nói chuyện mà cứ như độc thoại. Tôi ngờ là ông không cần biết là người khác có nghe hay không. Ông nói thao thao. Những lúc ấy chỉ cần một tiếng cười, một câu nói đùa lỗi nhịp là ông nổi giận, đâm ra bẳn gắt, cáu kỉnh tức khắc. Tôi có cảm giác Mai Thảo coi đó là một sự xúc phạm đối với thơ, đối với cái Đẹp.
Đáng lẽ Mai Thảo phải là một thi sĩ, một “thi sĩ toàn phần”, như chữ ông thường dùng. Những tác phẩm đầu tay của ông là thơ. Ngay cái bút hiệu của ông hiện nay cũng nảy sinh từ một mối tình đối với thơ. Ông kể với tôi trong một bữa cơm tối tại nhà riêng của tôi ngày 10.10.1990 nhân chuyến ông sang Paris chơi:
“Sở dĩ tôi lấy bút hiệu Mai thảo là vì hồi nhỏ, khi đi học, ở trong trường, tôi có một thằng bạn làm thơ với bút hiệu Mai Luân. Thơ cũng vừa thôi, nhưng hồi đó, chẳng hiểu tại sao, tôi mê thơ hắn lạ lùng. Coi hắn như thần tượng. Nên mới đặt cho mình bút hiệu Mai Thảo. Cùng là Mai cả. Mai Luân. Mai Thảo. Năm đó, tôi khoảng mười lăm tuổi.”
Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Mai Thảo đã có hẳn một tập thơ, chép tay, nắn nót cẩn thận, trong một quyển vở, sau, bị rơi mất trên sông Mã, dòng sông nổi danh trong bài “Tây tiến” của Quang Dũng: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Tập thơ đầu tay ấy, tôi ngờ lắm, chưa chắc đã hay, song dù vậy, mỗi lần nhắc lại, giọng Mai Thảo cũng chùng xuống, bùi ngùi.
Vào Miền Nam, suốt mấy chục năm, Mai Thảo chủ yếu chỉ viết truyện và tuỳ bút. Thơ, nếu viết, chỉ viết thật hoạ hoằn. Lâu, lâu lắm mới được vài bài. Nhưng hình như không lúc nào Mai Thảo thực sự xa thơ. Những câu văn xuôi của ông, hơn bất cứ người nào khác, thấm đẫm chất thơ: chúng mất đi khá nhiều góc cạnh để cứ chơi vơi như là sương là khói. Những trang hay nhất của Mai Thảo là những trang tả cảnh và những cảnh Mai Thảo tả hay nhất là những cảnh tịch mịch, quạnh vắng, đìu hiu: một thành phố nhỏ, một căn nhà nhỏ, một con đường nhỏ, những chiều mưa và những buổi tối, những đêm khuya đã lặng tiếng người, chỉ còn ánh trăng lẻ loi trên cao và chỉ còn tiếng gió thầm thì trong lá; tức những cảnh rất gần với khí hậu của Thơ Mới.
Mai Thảo thành công trong truyện ngắn hơn là trong tiểu thuyết. Những truyện ngắn thành công của ông là những truyện ngắn pha nhiều, thật nhiều chất tuỳ bút: dường như, ở đó, Mai Thảo có điều kiện thuận lợi để ngoại tình với thơ hơn; ở đó, cái hay cái đẹp không còn lệ thuộc quá nhiều vào nhân vật, vào kết cấu câu chuyện nữa mà chủ yếu ở lời văn, ở giọng văn. Về phương diện này, Mai Thảo rất gần với Nguyễn Tuân. Khác một điều: trong lúc Nguyễn Tuân mài chữ cho thật sắc, như một cành gai; Mai Thảo trau chữ cho thật mềm, như một đài hoa. Chữ của Nguyễn Tuân quánh lại; chữ của Mai Thảo loãng ra. Đọc Nguyễn Tuân, có cảm giác như đi trên ghềnh trên thác, cứ hay giật mình, phấp phỏng; đọc Mai Thảo, có cảm giác như đi trên dòng sông, thấy phơi phới, thấy êm ả lạ lùng. Nguyễn Tuân bắt người ta nhớ; Mai Thảo làm người ta quên.
Đáng lẽ Mai Thảo là một thi sĩ, một “thi sĩ toàn phần”, như chữ ông thường dùng. Nói chuyện với ông, tôi để ý thấy một điều: những người Mai Thảo phục nhất, thích nhất, nhắc nhở đến nhiều nhất đều là các nhà thơ: đó là Xuân Diệu và Huy Cận thời 1930-45; Chế Lan Viên và Nguyễn Đình Thi thời 1945-54; Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thuỳ Yên ở miền Nam, sau năm 1954. Ông chê Chế Lan Viên ở tập Điêu tàn nhưng lại rất phục Chế ở giai đoạn Vàng sao và mấy năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Theo ông, trong phong trào Thơ Mới, nhiều người làm thơ hay, song nhìn chung, người có tầm vóc hơn cả là Xuân Diệu. Ông khoe với tôi, lúc trẻ, ông thuộc hầu hết các bài thơ trong tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió. Những bài thơ ông thích nhất là: “Nguyệt cầm”, “Nhị hồ”, “Lời kỹ nữ”, … Tính theo đơn vị câu, câu thơ Xuân Diệu ông thích nhất là:
Phất phơ hồn của bông hường
Nghe trong phiêu bạt còn vương máu hồng.
Cũng tại nhà tôi, trong bữa cơm tối nhắc ở trên, sau khi đọc hai câu thơ vừa dẫn của Xuân Diệu, ông gật gù: “Hay và lạ vô cùng. Đọc, mình chẳng hiểu tại sao cả. Nhưng cái mầu nhiệm của thơ là ở đó. Thơ hay phải có chút mơ hồ, hàm hồ. Rõ ràng quá, nó sẽ là văn xuôi.”
Liên quan đến luận điểm thơ phải có chút mơ hồ, chút tối tăm, một lần khác, Mai Thảo kể bài thơ “Đợi bạn” của ông in trong tập Ta thấy hình ta những miếu đền thoạt đầu như sau:
Nửa khuya đợi bạn từ xa tới
Cửa mở cầu thang để sáng đèn
Bạn tới lúc nào không biết nữa
Co quắp người trong giấc ngủ đen.
Sau, vẫn giữ nguyên ba câu đầu, ông sửa câu cuối lại thành:
Mưa thả đều trên giấc ngủ đen.
Ông tự nhận xét: “câu sửa lại mơ hồ hơn, nhưng hay hơn nhiều. Nó để lại nhiều dư vang hơn.”
Tấm lòng của Mai Thảo đối với bạn bè thật đẹp. Tôi đã vài lần nghe Mai Thảo nhắc đến Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Doãn Quốc Sỹ, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, v.v… lúc những người này còn kẹt ở Việt Nam, lần nào cũng thế, giọng ông ấm áp và đầy thân tình. Có mấy lần ông từ California sang Paris chơi, ở nhà Trần Thanh Hiệp, ông than phiền là Trần Thanh Hiệp, ngoài những giờ đi làm ở sở, cứ đi họp hành mãi, thường về nhà rất trễ, mà về nhà thì chỉ khoái bàn chuyện chính trị, “nghe chán chết đi được”, tôi – lúc ấy còn ở Paris – bèn rủ ông về nhà tôi ở, nhưng ông từ chối bằng giọng nhỏ nhẹ:
“Không được, chán thì chán nhưng dù gì tôi với anh Hiệp cũng là bạn với nhau từ lâu. Đã không đến Paris thì thôi, chứ đến Paris thì phải ở với anh ấy. Trừ phi anh ấy từ chối thì tôi mới đi ở nhà người khác, chứ còn tự nhiên mà xách khăn gói đến ở nhà người khác thì không phải với anh ấy.”
Ông rất coi trọng tình bạn. Ông nói với tôi: chất keo nối kết nhóm Sáng Tạo lại với nhau là tình bạn; điểm chung duy nhất giữa các thành viên trong nhóm Sáng Tạo cũng là tình bạn, là sự chân tình và thuỷ chung đối với bạn bè. Mai Thảo nhấn mạnh: điều ông coi trọng nhất trong tình bạn là sự thuỷ chung. Tôi đùa, hỏi ông: “Còn trong tình yêu?” Không trả lời thẳng câu hỏi của tôi, ông nói, giọng ngậm ngùi:
“Trong lãnh vực ái tình, tôi là người thất bại. Đến, ở với một số người nhưng không lâu bền với ai cả. Theo tôi, tình yêu đẹp nhất là thứ tình yêu lâu dài. Đi ngoài đường, gặp những ông bà già 70, 80 tuổi dìu nhau qua đường, tôi cảm động ghê lắm. Dù có hục hặc với nhau, đôi khi; dù có gấu ó nhau, đôi lúc, nhưng ở với nhau được một thời gian dài đến như thế phải nói là một sự thành công tuyệt đẹp.”
Mai Thảo nhớ rất nhiều thơ. Tôi vẫn có chút tự hào là nhớ nhiều thơ, vậy mà, những lần đầu tiên nói chuyện với Mai Thảo, có khi tôi cảm thấy bối rối, đâm ra nghi hoặc cái vốn thơ tưởng là giàu có lắm của mình: nhiều bài thơ chỉ đăng báo một thời gian ngắn trước hoặc sau năm 1945, sau không in lại ở đâu cả, ông vẫn thuộc lòng. Lần đầu tiên tôi nghe nhiều bài thơ của Chế Lan Viên trong những năm trước và sau Cách mạng tháng Tám là từ ông. Những bài thơ ấy không được in lại ở miền Nam trước năm 1975 và cả ở miền Bắc trước năm 1989, tức năm Chế Lan Viên qua đời: ở miền Nam, người ta coi chúng là “cộng sản”; ở miền Bắc, người ta coi chúng chưa thấm nhuần lập trường cách mạng đủ, còn chao đảo giữa những phương pháp sáng tác suy đồi của tư sản, chủ yếu là chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa tượng trưng. Do không ở đâu in lại nên tôi không hề biết. Lần đầu tiên nghe những bài thơ ấy từ Mai Thảo, tôi lặng người nửa vì sung sướng nửa vì thẹn thùng. Mãi đến đầu thập niên 90, tôi mới được đọc trọn vẹn những bài thơ ấy của Chế Lan Viên trong các tập Di cảo của ông, do vợ ông, bà Vũ Thị Thường sưu tập.
Dần dần, nói chuyện với Mai Thảo nhiều, tôi phát hiện ra hai nhược điểm chính của ông. Một là, cái vốn triệu phú về thơ của ông chỉ giới hạn trong phạm vi từ 1932 đến 1945, hoặc muộn hơn một chút, khoảng 1949-50. Thơ cổ điển, trước thế kỷ 20, ông biết rất ít. Thỉnh thoảng ông có nhắc đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, v.v… nhưng cái biết của ông cũng rất giới hạn và cái hiểu của ông thì lại càng đáng ngờ. Thơ Miền Nam, mặc dù ông nói là ông rất yêu, ông cũng không nhớ nhiều. Có lẽ lúc ấy một phần vì bận bịu, một phần vì lớn tuổi, khả năng tiếp nhận của trí nhớ ông bắt đầu giảm đi chăng? Dù sao cũng có điều không thể phủ nhận được: về phương diện ý thức, Mai Thảo nhiều lần hô hào vượt bỏ Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn, nhưng về phương diện cảm xúc, tâm hồn ông vẫn là tâm hồn của thuở 1932-45, được ướp bằng hương hoa của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa tượng trưng, từ Baudelaire cho đến Xuân Diệu, từ Rimbaud cho đến Hàn Mặc Tử. Thơ của ông hay nhưng về nhiều phương diện vẫn chưa thoát ra ngoài quỹ đạo của Thơ Mới. Nhiều bài lục bát của ông vẫn mang đậm hơi hướm của Huy Cận.
Khuyết điểm thứ hai của Mai Thảo là ông giỏi về cảm tính hơn lý tính; trực giác ông mạnh nhưng khả năng lý luận lại yếu. Nhược điểm này khiến cho Mai Thảo thường xuyên tự mâu thuẫn với ông. Có lúc ông cho trong văn chương, yếu tố quan trọng nhất là kỹ thuật. Trong nghệ thuật nói chung, vấn đề cũng là kỹ thuật. Cùng một bản nhạc, người này chơi hay, người khác chơi dở là do kỹ thuật. “Văn chương mà không có kỹ thuật là vất đi. Kỹ thuật trong chữ, trong câu, trong hình ảnh, trong nhạc điệu. Phải có kỹ thuật thì mới viết văn làm thơ được.” Nhưng chỉ năm, mười phút sau, ông lại nói, giọng hùng hồn: “Thơ bây giờ không thể đóng cửa ngồi trong phòng mà ê a cho du dương. Thơ phải cởi trần, phải ra đường, xuống phố, lội ra biển. Thơ phải nhập cuộc. Thơ phải là tiếng nói của quần chúng.”
Bởi vậy, một mặt, ông hết lời ca ngợi tài hoa dùng chữ, đặt câu của Xuân Diệu, Huy Cận thời tiền chiến, của Chế Lan Viên thời đầu kháng chiến; mặt khác, ông lại cũng hết sức trân trọng Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, những người, theo ông, đã dám dùng thơ để chống lại một cái gì. Nhớ, có lần, nghe ông nói xong, tôi hỏi: “Vậy, giữa kỹ thuật và thái độ của nhà thơ đối với cuộc đời, cái gì là quan trọng hơn?”
Ông ấm ớ: “Tuỳ.”
Tuỳ. Cái người từng được coi là thủ lãnh của nhóm Sáng Tạo dường như ít khi đi đến tận cùng một quan niệm, một lý thuyết. Mà hình như ông cũng chẳng biết một lý thuyết, một quan niệm văn học nào cho đến nơi đến chốn. Nói chuyện với ông, tôi thấy ông hay lẫn lộn các khái niệm, các trào lưu rất khác, rất xa nhau. Khác với Võ Phiến, ông không hề tò mò về các cuộc phiêu lưu của những người cầm bút khác. Ông nhiều lần nói thẳng: ông đọc, trước hết, là đọc những gì do bạn bè ông viết. Còn sách báo tiếng Pháp? Điều tôi ngạc nhiên nhất khi quen biết ông là ông, người nổi tiếng về chuyện chỉ chuyên chú vào cái đẹp hình thức trong câu văn, rất ít dấn thân, lại chỉ thích đọc các sách bàn về chính trị. Có hồi, thỉnh thoảng từ Mỹ, ông viết thư nhờ Trần Vũ ở Paris mua giùm ông một số sách tiếng Pháp. Tôi để ý: tất cả đều là sách bàn về chuyện chính trị; không có cuốn nào bàn về văn học cả.
Tôi nghĩ là Mai Thảo hiểu rất rõ những hạn chế của ông và của bạn bè ông. Tại nhà Trần Thanh Hiệp, ở Paris, ngày 20.5.1989, Mai Thảo nhắc đến nhóm Sáng Tạo một cách sôi nổi:
“Cái công lớn nhất của Sáng Tạo là kêu gọi mọi người phải đổi mới, phải lên đường, phải chặt neo tất cả mọi con thuyền. Đi đâu, về đâu, chúng tôi không biết. Nhưng cần nhất là phải đi, phải xa rời cái bến đậu tiền chiến. Mỗi người phải ra đi để tìm chân trời, để tìm biển khơi cho mình.”
Đang sôi nổi như thế, ông bỗng im lặng rồi chùng hẳn giọng xuống:
“Bây giờ, nhìn lại, thành thật mà nói, trong bọn chúng tôi, không ai tới đích cả. Nhưng quan trọng nhất là chúng tôi đã thúc giục mọi người ra đi.”
Cũng buổi tối ấy, ở nhà Trần Thanh Hiệp, Mai Thảo nói mấy điều riêng tôi rất khoái. Thứ nhất, về quyển Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân: “Quyển sách tuyệt hay. Hay nhất là Hoài Thanh, vào đầu tập sách, đã có mấy lời chiêu tuyết Tản Đà. Quyển sách ra đời làm cho mọi người yêu thơ hơn và làm cho các nhà thơ tự yêu mình hơn.” Thứ hai, nói về thơ nói chung: “Thơ là Đất là Trời, là Ciel et Terre. Thơ hay phải có Đất có Trời, có sự rộng rãi, có chuyển động bát ngát.”
Trong những lúc chuyện trò, ngà ngà say, Mai Thảo thỉnh thoảng có những câu nói xuất thần như vậy. Cho đến nay, tôi gặp ông tổng cộng chỉ có ba lần: lần đầu vào tháng 3.1989 khi tôi qua Mỹ, ghé California mấy ngày; hai lần sau vào tháng 5.1989 và tháng 10.1990 khi Mai Thảo sang Pháp chơi. Chỉ qua mấy lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy, tôi đã nhặt được ở ông một số câu nói hay.
Như, về nhà văn, nhà thơ: “Lạ lắm. Dù họ sống bao nhiêu tuổi mặc dù, mỗi lần đọc họ, chúng ta cứ có cảm tưởng là họ thọ ghê lắm, cái gì cũng biết, cái gì cũng trải. Họ sống đến tận cùng cuộc sống của họ nên dẫu họ có chết năm 20 tuổi hay 30 tuổi thì họ vẫn là những người thọ rất lâu.”
Như, về giá trị của văn học: “Cái hay của thơ mầu nhiệm vô cùng. Nó không ở sau lưng ta. Nó cũng không ở bên cạnh ta. Nó ở trước mặt ta, nó chờ ta. Cứ đến bất cứ một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, ta lại thấy nó đang đứng trước mặt và chờ đợi ta.”
Như, về kinh nghiệm viết lách của chính ông: “Điều tôi ân hận nhất là không biết chữ Hán. Không biết chữ Hán, viết văn đôi lúc không an tâm, cảm thấy như mình ngồi trên một chiếc ghế không có chỗ dựa.”
Cũng liên quan đến vấn đề ngôn ngữ, ông chủ trương: “Khi làm thơ, tôi cố dùng những chữ thật dễ hiểu, thật bình dị. Cố tránh từ Hán Việt. Cái tài của nhà thơ được đo lường ở những chữ có vai trò thứ yếu, ở ‘thì’, ‘mà’, ‘là’, ‘và’, v.v… chứ không phải ở những chữ lớn lao, nặng nề.”
Năm 1993, từ Úc, tôi điện thoại sang Mỹ trò chuyện với Mai Thảo, khoe với ông là tôi đang say mê nghiên cứu một số những quan điểm và phương pháp phê bình văn học mới của Tây phương. Nghe tôi ba hoa, ông chỉ trầm ngâm nói: “Kể cũng hơi muộn rồi đó. Thường, muốn tiếp nhận một cái gì mới phải bắt đầu từ sớm hơn nhiều, ngay từ lúc chưa viết lách gì cơ. Ngoài ba mươi tuổi, đọc thì đọc chơi vậy thôi.” Tôi nghe ông nói, lòng đầy nghi hoặc, nhưng càng ngày càng ngẫm nghĩ, thấy nhận định của ông không phải là không chính xác.
Dù sao, điều riêng tôi cảm động nhất ở Mai Thảo là thái độ của ông đối với cuộc đời và đối với văn chương. Tôi nhớ mãi cái buổi họp mặt tại nhà chị Vũ Thuỳ Hạnh ở California, tối 21.3.1989, lúc tôi sang Mỹ. Tối ấy, Mai Thảo có vẻ say. Ông nói thật nhiều, giọng gay gắt, có lẽ vì giận ai đó trong bữa tiệc. Trong lúc ông gây gổ, tôi bắt chộp được một câu nói hay:
“Văn chương là phải ngay thẳng. Luôn luôn ngay thẳng. Tuyệt đối ngay thẳng. Phải ngay thẳng cả những khi không thể ngay thẳng được.”
Lần khác, tại nhà Sĩ Trung ở Paris, chiều ngày 8.5.1989, ông cũng nói tương tự, với giọng dịu dàng, như muốn tâm sự riêng với tôi:
“Đời tôi có một nguyên tắc: không bao giờ dùng văn chương để làm bất cứ điều gì xấu xa. Đâu phải tôi không biết người nào tốt người nào xấu với mình, nhưng tốt hay xấu mặc họ. Người nào tốt, đến gần, uống rượu chơi. Người nào xấu, lánh ra thật xa, đừng thèm đụng tới. Nhưng đừng bao giờ mang những điều đó lên trang giấy để bôi bẩn nhau. Văn chương là cái đẹp, là thế giới của cái đẹp, ở thế giới ấy có thứ tiền tệ riêng của nó: anh phải dùng thứ tiền ấy, anh phải đàng hoàng, phải lương thiện. Thứ tiền tệ ấy chính là cái đẹp.”
Nhà văn Cao Xuân Huy, tác giả Tháng ba gãy súng, nhân chuyến sang Úc hồi cuối tháng 3.1997, kể cho tôi nghe một nét khác trong tính cách của Mai Thảo. Theo lời Cao Xuân Huy, trong những lần vào tiệm ăn, Mai Thảo chỉ uống rượu tì tì chứ chả ăn gì cả. Không ăn, nhưng lâu lâu ông lại gọi thêm món mới. Có lần Cao Xuân Huy cản: “Thức ăn còn nhiều mà. Gọi thêm làm gì thừa, anh.” Mai Thảo đáp lại: “Thừa thì bỏ. Nhưng tiệm ăn người ta sống là vì bán thức ăn. Mình chỉ uống rượu mình mang theo mà gọi thức ăn ít, người ta không bán được, người ta buồn, tội nghiệp!”
Khi tôi hỏi thăm về sức khoẻ của Mai Thảo, Cao Xuân Huy khẽ thở dài: “Bây giờ anh ấy không bước ra khỏi phòng được nữa rồi. Hai tuần nữa, khi tôi về lại California, chưa chắc tôi đã kịp gặp lại anh ấy.” Tôi cũng thở dài, nhớ lại một buổi tối tháng Mười năm 1990 tại Paris, khi Mai Thảo sang Pháp chơi và tôi thì đang chuẩn bị giấy tờ để rời Pháp sang Úc sinh sống. Tôi đến thăm ông tại nhà Trần Thanh Hiệp. Khi về, ông tiễn tôi ra thang máy, nói: “Chúc em đi vui khoẻ. Anh thì lớn tuổi rồi chắc không có dịp sang Úc đâu; còn em thì chắc phải mất vài năm để ổn định cuộc sống, chưa chắc mình đã có dịp gặp nhau lại.” Trước khi cánh cửa thang máy khép lại, tôi kịp thấy mắt ông long lanh chừng như là có nước mắt.
Sau khi Cao Xuân Huy ra về, tôi bần thần nhấc ống điện thoại lên định gọi cho Mai Thảo. Nhưng mới quay được vài số, tôi lại buông ống nghe xuống. Chả lẽ tôi lại hỏi ông “anh có khỏe không?” hay “anh có sáng tác được gì mới không?” như tôi vẫn thường hỏi ông trước đây? Nhưng nếu không hỏi thế thì nói chuyện với ông về cái gì bây giờ? Cứ thế, bao nhiêu lần cầm ống điện thoại lên lại gác xuống rồi cứ bâng khuâng, cứ bùi ngùi, cứ ngẩn ngơ cả mấy tiếng đồng hồ.
Sáng ngày 10/1/1998, tôi nhận được email của Khánh Trường báo tin Mai Thảo đang hấp hối ở bệnh viện. Tôi bỗng nôn nao muốn nói chuyện thật nhiều với ông. Tôi muốn hỏi ông về những chuyện mà vì tế nhị, trong những lần gặp ông hay nói chuyện với ông qua điện thoại trước đây, chưa bao giờ tôi hỏi, chẳng hạn, về những mối tình trong đời của ông, về lý do khiến ông quyết định sống độc thân mãi mãi, về nhận định của ông đối với sự nghiệp sáng tác của chính ông. Tôi cũng muốn hỏi là ở cái nơi xa xôi nào đó ông đang ở, người ta có bán rượu không, và nếu có, thì rượu có ngon không, có giống rượu của Pháp hay của Mỹ mà ông thường uống hay không. Tôi muốn hỏi, muốn nói chuyện với ông thật nhiều. Nhưng tôi biết gọi đến số điện thoại nào bây giờ?
TS. Nguyễn Hưng Quốc