– Đến 30 tháng tư năm 1975: Ông Nguyễn văn Phảy là cựu Sĩ quan Hải quân, Quân lực VNCH.
– Đến 30.4.1975 đã học xong chương trình Cử Nhân Luật Khoa, Ban Công Pháp thuộc Đại học Luật Khoa Sài gòn.
– Tháng 7 năm 1980: Cùng gia đình định cư tại Cọng Hoà Liên Bang Đức.
– Năm 1987: Tốt nghiệp Kỹ sư điện & truyền thông tại University Duisburg, Tây Đức.
– Từ năm 1993-1997: Uỷ viên Hội đồng Tư Vấn Ngoại Kiều Thành Phố (Ausländerbeirat) thành phố Recklinghausen, Germany.
– Từ năm 1992-2002: Uỷ Viên Hội Đồng Quản Trị Hội Chuyên Gia Việt Nam.
– Từ năm 1991- đến nay: Phân hội trưởng Hội Chuyên Gia Việt Nam tại Đức.
– Từ năm 2004-2010: Thành viên của Hội Đồng Xí Nghiệp (Betriebsrat) trong hãng AtosOrigin, chi nhánh tại Frankfurt am Main, Germany.
Vai Trò của Chính Quyền và Một số Luật Lệ
Cần Thiết trong Phát Triển Kinh Tế
(Bài thuyết trình trong Đại Hội Chuyên Gia Việt Nam tại Âu Châu năm 2011)
Dẫn nhập:
Vào cuối thế kỹ 20 và đầu thế kỹ 21, trên thế giới có nhiều thay đổi định chế chính trị cũng như mô hình kinh tế. Trong những năm 1989 hệ thống xã hội chủ nghĩa ở đông Âu sụp đổ. Năm 1991 Liên bang Sô Viết cũng phải bị giải tán. Cuối năm 2010 và đầu năm 2011 một số quốc gia ở Bắc Phi người dân đã vùng lên làm cách mạng và giải thể chế độ độc tài như ở Ai Cập, Tunesien. Các nước khác như Lybia, Yemen, Bahrain, đang trong tình trạng chính trị bất ổn. Ngay cả đối với các nước cọng sản như Trung cọng, Bắc Hàn, Việt Nam, Cu Ba, sẽ không tránh khỏi. Theo như phân tích của thế giới thì một trong những nguyên nhân sâu xa của những cuộc cách mạng là do nền kinh tế trong nước không được phát triển hoặc phát triển không đồng đều trong giai tầng xã hội. Trong khi đó cấp lãnh đạo thì quá giàu và đầy quyền thế. Đời sống giữa người dân và chính quyền quá chênh lệch. Luật pháp thì cũng do cấp lãnh đạo làm ra nhưng cũng chẳng được thi hành nghiêm chỉnh. Luật pháp cũng chỉ nhằm bảo vệ cho giai cấp thống trị. Xã hội băng hoại. Hối lộ tham nhũng xảy ra ở mọi nơi, đặc biệt trong các cơ quan công quyền.
Trong khi đó ở các quốc gia kỹ nghệ, mặc dù cuộc sống người dân chưa được hoàn thiện nhưng ít ra chính quyền cũng biết lo cho dân, xây dựng nền kinh tế phát triển, biết tôn trọng luật pháp, biết thực hiện những chính sách khả thi, hữu ích cho quốc gia và làm lợi cho dân chúng trong một thể chế tự do dân chủ pháp trị.
Trong thế giới ngày nay, các quốc gia tự chọn cho mình một định chế chính trị cũng như mô hình kinh tế mà quốc gia đó cho rằng khả thi để xây dựng và phát triển đất nước.
Chúng ta hảy thử tìm hiểu và phân tích những yếu tố về lãnh vực kinh tế, về khung cảnh luật pháp và vai trò của chính quyền trong một quốc gia quan trọng như thế nào để phát triển nền kinh tế bền vững, để xây dựng một đất nước phồn vinh và giàu mạnh.
1) Kinh tế là gì?
Theo định nghĩa cổ điển, kinh tế là tập hợp của cụm từ „kinh bang tế thế“. Kinh bang có nghĩa là trị vì, nhà vua là thiên tử thay trời cai trị dân, điều khiển mọi guồng máy do vua lập ra. Ngày nay có thể nói là chính quyền, là cơ quan hành pháp của thể chế dân chủ cùng với cơ quan lập pháp, tư pháp để điều hành quốc gia.
„Tế thế“ có nghĩa theo nhà Phật là tế độ, là cứu giúp chúng sanh và lo cho mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc . Đó là trách nhiệm của nhà vua, của chính quyền hiện nay đối với dân chúng.
Như vậy, kinh tế là phương tiện để nâng cao đời sống vật chất, phú quý, góp phần cải cách sự văn minh giữa con người với nhau.
Cũng có thể nói rằng, kinh tế là nguồn sống, là mạch sống của con người và nói rộng hơn nữa là biểu hiện sức mạnh hay yếu kém của quốc gia.
Phát triển kinh tế là quá trình thay đổi và tăng trưởng. Sản phẩm phải được gia tăng trong một thời gian dài. Mọi lãnh vực dịch vụ phải gia tăng. Đời sống của đại bộ phận trong dân chúng phải tốt đẹp hơn và tiến bộ hơn. Đồng thời phải có sự hoàn chỉnh về mặt cơ cấu, thể chế kinh tế…
Nhằm đóng góp vào sự cường thịnh của một quốc gia, sự sung túc của người dân, nhiều học thuyết, nhiều trường phái kinh tế đã đề cập đến sự phát triển kính tế như Adam Smith (1723-1790), David Ricardo (1772-1823), John Maynard Keynes (1883-1946), Milton Friedman (1912-2006) người Mỹ. Ricardo cho rằng các nước đang phát triển có giàu tài nguyên thì cho xuất cảng nguyên liệu thô. Còn các nước có khu vực chế tạo như Anh quốc thì sản xuất hàng hoá và xuất cảng ngược trở lại các nước đang phát triển. Như vậy vấn đề trao đổi nguyên vật liệu và hàng hoá đóng vai trò quan trọng.
Vào đầu thế kỷ 20, nước Mỹ có đầy đủ tài nguyên, lại vừa có khu vực chế tạo nên đã làm cho nền kinh tế Mỹ phát triển nhất thế giới.
Vì vậy, các nước đang phát triển muốn phát triển ngành công nghiệp trong nước thì phải dựa vào nhu cầu trong nước.
Động lực sản xuất cho sự phát triển kinh tế được xét đến trên 2 bình diện:
– Bình diện tư nhân: Trên bình diện này phải đặc biệt quan tâm đến lợi tức. Đó là sự chênh lệch giữa giá thành được tính bởi lương công nhân, phí tổn dịch vụ, phí tổn nguyên liệu…và giá bán.
– Bình diện quốc gia: Làm sao cho dân giàu nước mạnh. Giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Ngân quỹ quốc gia được dồi dào nhằm chi phí cho mọi lãnh vực an sinh xã hội, quốc phòng… Đó là sự sinh tồn của quốc gia.
Tuỳ theo định chế chính trị, những đường lối, những phương pháp để phát triển kinh tế được nhiều kinh tế gia đưa ra, đề nghị và chính quyền có thể chọn lựa và áp dụng cho quốc gia. Người ta tạm gọi là mô hình kinh tế.
Hiện nay có 2 mô hình chính:
– Kinh tế chỉ huy và tập trung, còn gọi là kinh tế hoạch định cứng rắn.
– Kinh tế thị trường tư bản, còn gọi là kinh tế thị trường tự do cạnh tranh hoàn toàn theo định luật cung cầu.
1.a) Kinh tế chỉ huy và tập trung:
Đó là mô hình kinh tế thường được áp dụng ở chế độ cọng sản còn gọi là kinh tế kế hoạch.
Chủ nghĩa cộng sản và phần lớn trường phái chủ nghĩa xã hội công nhận quyền sở hữu tập thể và nhà nước đối với phương tiện sản xuất.
Trước tháng 10 năm 1917, thời Nga Hoàng, dưới chế độ quân chủ chuyên chế nền kinh tế quốc gia hầu hết do dân tự sản xuất và sản phẩm sẽ được trao đổi ngoài thị trường. Một số lảnh vực quan trọng thì do Nga Hoàng chỉ đạo sản xuất để phù hợp với hoàn cảnh của đất nước.
Khi chế độ cọng sản đuợc thiết lập tại Liên Bang Sô Viết kể từ năm 1918 thì mô hình kinh tế chỉ huy và tập trung được áp dụng. Sau đệ nhị thế chiến các nước đông Âu cũng rập khuôn theo mô hình nầy. Các nước Trung cọng (1949), Bắc hàn (1953), Cu Ba (1959), Việt nam (1945) ở miền Bắc Việt nam và sau 30.4.1975 toàn nước Việt Nam …
Mô hình kinh tế chỉ huy tập trung chỉ có thể thực hiện dưới chế độ cọng sản. Chế độ cọng sản được hình thành từ một đảng duy nhất. Không có đối lập. Không có đa nguyên trong dân chúng. Đảng là trên hết. Đảng lập ra Nhà nước nhằm để cai trị dân và điều hành đất nước. Đảng lập ra Quốc hội. Đảng lập ra cơ quan Tư pháp. Như vậy 3 cơ quan như Lập Pháp (Quốc Hội), Hành Pháp (Nhà nước), và Tư Pháp (Toà Án) đều trực thuộc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị đảng cọng sản. Bộ chính trị đề ra mô hình kinh tế chỉ huy tập trung.
Trong nền kinh tế chỉ huy và tập trung:
– Tư liệu và phương tiện sản xuất phải được tập trung qua những tổ chức hợp tác xã, những xí nghiệp nhà nước, những công ty quốc doanh.
– Tất cả những công ty phải được quốc hữu hoá, trường hợp tại miền Nam sau 30.4.1975
– Người dân không có quyền sở hữu mọi tài sản. Mọi tài sản thuộc Nhà nước.
– Phương tiện, nguyên vật liệu trong sản xuất đều do Nhà nước quản lý và cấp phát hàng hoá và sản phẩm thu nhập được.
– Không có thị trường tự do cạnh tranh để tiêu thụ hàng hoá.
– Sản phẩm làm ra do nhà nước ấn định và phân phối.
– Mãi lực tiền tệ đóng vai trò không quan trọng cho bằng sổ hộ khẩu, bằng phiếu phân phối. Đất đai, nhà cửa bất động sản thì dùng “sổ đỏ“ .
– Trong nền kinh tế quy hoạch, các nhà làm kế hoạch quyết định loại hàng hoá nào sản xuất, những xí nghiệp nào sẽ sản xuất hàng hoá. Nó lệ thuộc vào kế hoạch và khả năng của người làm kế hoạch. Nó đi ngược lại nền kinh tế phi kế hoạch.
Tóm lại, nền kinh tế chỉ huy tập trung: Khuyết điểm nhiều hơn là ưu điểm.
Mô hình kinh tế nầy hiện nay đã được biến thể. Các chính quyền của các nước cọng sản đã ký kết với doanh nhân tư bản tây phương để có nhiều hợp đồng sản xuất nhằm tận dụng sức lao động công nhân bản xứ với mức lương rất rẻ do nhà nước cọng sản phân định.
1.b) Kinh tế thị trường tự do cạnh tranh hoàn toàn theo định luật cung cầu:
Thị trường là nơi trao đổi hàng hoá và tiền tệ giữa người bán sản phẩm và người mua có tiền. Số lượng hàng hoá bán ra là cung. Số lượng tiêu thụ của người mua gọi là cầu. Thị trường mua bán được tự do. Người bán có quyền ấn định giá cả. Người mua có quyền trả giá. Trong những siêu thị, để giảm thiểu chi phí nhân công dịch vụ thì giá cả thường được ấn định trước. Người mua thích món hàng thì mua, nếu không thích thì thôi. Trong nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh hoàn toàn người ta chú ý đến „định luật cung cầu“ nhằm mục đích ổn định nền kinh tế và thu lợi tức tối ưu.
Các doanh nhân luôn theo dõi thị hiếu của người tiêu thụ, nghiên cứu thị trường để có sản phẩm thích ứng từ phẩm chất cho tới số lượng nhằm mục đích thâu về cho xí nghiệp mình nhiều lợi nhuận.
Trong nền kinh tế thị trường, quyền sở hữu vật chất, sản phẩm, đóng vai trò quan trọng. Có quyền sở hữu món hàng thì mới có quyền ấn định giá cả. Quyền sở hữu còn gọi là quyền tư hữu xuất hiện ở dạng cá thể hoặc tập thể. Quyền nầy phải được luật pháp công nhận và mọi người phải tôn trọng. Với quyền sở hữu được bảo đảm, xí nghiệp có thể sản xuất nhiều hay ít sản phẩm theo ý muốn hoặc theo nhu cầu thị trường. Giá sản phẩm lệ thuộc vào vốn đầu tư, số lượng sản phẩm, chi phí công nhân, dịch vụ.
Theo định luật cung cầu trong thị trường kinh tế tự do cạnh tranh hoàn toàn, nếu số lượng hàng hoá nhiều có nghĩa là cung tăng mà người tiêu thụ ít thì giá sản phẩm phải giảm để mới có thể bán đi sản phẩm mà có tiền trả mọi chi phí sản xuất. Khi giá sản phẩm giảm thì không đủ tiền để sản xuất với số lượng sản phẩm nhiều, như vậy cung phải giảm theo để cân bằng thị trường tiêu thụ.
Ngược lại nếu nhu cầu của người tiêu thụ nhiều, cầu tăng, mà số lượng hàng hoá ít thì giá sản phẩm gia tăng. Nhà sản xuất thâu lợi nhuận nhiều hơn.
Như vậy, có 2 loại kinh tế thị trường mà người ta thường đề cập đến và áp dụng:
1.b.1) Nền kinh tế thị trường thả nổi (không có sự can thiệp của chính quyền):
– Nếu cung > cầu: Sẽ tạo ra sự ứ đọng hàng hoá dư thừa, giá cả rẻ. Công nhân sản xuất dịch vụ dư thừa, đưa đến nạn thất nghiệp, tạo ra khủng hoảng kinh tế.
– Nếu cung < cầu: Sẽ tạo ra giá cả đắt đỏ gây xáo trộn kinh tế và đưa đến nạn lạm phát, kéo theo khủng hoảng kinh tế. Chi phí cho nhân công đắt. Nhưng đối với nền kinh tế bền vững thì sẽ tạo ra công ăn việc làm để giảm thất nghiệp, tăng đầu tư.
– Nếu cung = cầu: Nền kinh tế ổn định nhưng chưa hẳn là kinh tế phát triển. Muốn phát triển là phải có cạnh tranh. Cạnh tranh trong sản xuất, phẩm chất sản phẩm và giá cả trên thị trường thích hợp, luôn được nghiên cứu và quan tâm của giới đầu tư và kinh doanh. Dịch vụ quảng cáo sản phẩm không kém phần quan trọng trong nền kinh tết thị trường. Có như thế mới có sự cạnh tranh của giới tiêu thụ.
1.b.2) Nền kinh tế thị trường phát triển (có sự can thiệp của chính quyền):
Trường hợp điển hình như ở CHLB Đức.
Chính quyền đóng vai trò tương đối quan trọng. Sự can thiệp nhẹ nhàng của chính quyền trong nền kinh tế qua luật lệ đặt căn bản trên nền tảng xã hội của một nước tự do dân chủ. Giai tầng trung lưu chiếm đa số.
Khi cầu > cung: Tiêu thụ nhiều mà hàng hoá ít sẽ đưa đến việc khuyến khích đầu tư và tạo công ăn việc làm.
Khi cầu < cung: Giá cả rẻ, giảm nhân công. Như vậy phải tìm thị trường tiêu thụ.
Khi cầu = cung: Có 3 trường hợp xảy ra:
a) Kinh tế phát triển: Đó là lý tưởng, dân giàu nước mạnh
b) Kinh tế suy bại: Đưa đến tình trạng nghèo đói
c) Kinh tế trung bình: Dân chúng đủ ăn, đủ mặt
1.c) Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa:
Đây là một mô hình do đảng CSVN đẻ ra. Nền kinh tế nầy thật sự cũng do đảng CSVN và nhà nước cọng sản điều hành và chỉ huy. Chỉ một số doanh nghiệp nhỏ do tư nhân thực hiện nhưng cũng phải qua hệ thống kiểm soát gắt gao của đảng CSVN và cũng bị Nhà nước quản lý một cách gián tiếp. Vì thế cho nên nền kinh tế tại VN hiện nay đang bị lạm phát phi mã, lãi suất gia tăng làm cho những tư doanh nhỏ phá sản. Các chuyên gia kinh tế và cán bộ quản lý thì thiếu khả năng để xây dựng nền kinh tế. Hơn nữa luật pháp dưới chế độ cọng sản không được áp dụng và xử lý nghiêm minh. Mọi việc đều do đảng cọng sản với cơ quan tối cao nhất của chế độ là Bộ Chính Trị đảng CSVN định liệu và quyết định.
Theo nghiên cứu của quốc tế ghi nhận rằng, VN là một trong những nước còn nghèo đói với Tổng sản lượng quốc gia tính trên đầu người trong năm khoảng 1200$. Trong khi đó tại Mỹ là 47.000$.
2) Các luật lệ cần thiết trong phát triển kinh tế:
Trong một quốc gia với thể chế chính trị tự do dân chủ, Luật pháp đóng vai trò rất quan trọng. Luật pháp là thoả ước giữa con người với con người, cá nhân với tập thể và cá nhân với pháp nhân và cơ quan quyền lực. Trong phát triển kinh tế, luật pháp chỉ đạo cho mọi hành động, nhằm bảo đảm những phẩm giá của con người, những sự tự do trong mọi đàm phán, quyền bình đẳng và những quyền tự do của con người. Khi luật pháp được tôn trọng đúng mức thì trật tự an sinh xã hội được duy trì, đời sống người dân được bảo đảm.
Nói chung, vai trò của luật pháp trong phát triển kinh tế:
– Nhằm bảo đảm sự sản xuất, phát triển kinh tế.
– Luật pháp bảo vệ quyền lợi, bình đẳng, cơ hội đồng đều đóng góp của mọi người
– Bảo vệ sản xuất: Cấm phá giá, ăn cắp bản quyền, ăn cắp bằng sáng chế
– Bảo vệ sản phẩm
– Bảo vệ người tiêu thụ
– Bảo vệ sản xuất. Đặc biệt là những mặt hàng quốc phòng, mặt hàng dành cho quốc gia, nhu yếu phẩm…
Trước hết chúng ta hảy đề cập đến quyền căn bản.
2.a) Quyền căn bản:
Quyền căn bản là hạt nhân của sự tự do dân chủ. Thật sự quyền căn bản xuất xứ từ tài liệu quyền căn bản lâu đời nhất trên thế giới: Đó là tài liệu Magna Charta Libertatum của Anh quốc vào năm 1215 để bảo đảm cho mọi người đang được tự do có sự bảo vệ trước những bắt bớ, trước sự tịch thu tài sản, sự khinh miệt, sự đày ải hoặc bảo đảm trước những sự thiệt hại khác một cách độc đoán.
Từ đó quyền căn bản của con người được phát triển liên tục qua cuộc Cách Mạng Pháp vào năm 1789, Cách Mạng tháng 3 vào năm 1848 tại Đức hay Hiến pháp Weimarer vào năm 1919.
Hiến Pháp Weimarer là Hiến pháp đầu tiên mang lại những quyền căn bản cho toàn nước Đức thời bấy giờ. Những quyền căn bản nhằm bảo đảm một phần quyền tự do cá nhân và một phần trên đường lối chỉ đạo tổng quát.
Như vậy quyền căn bản của con người cần phải được bảo đảm. Nó bao gồm nhân phẩm của con người. „ Nhân phẩm của con người thì bất khả xâm phạm. Tất cả cơ quan công quyền có nhiệm vụ tôn trọng và bảo vệ “ (điều 1 Hiến pháp CHLB Đức: Die Würde des Menschen ist unantastbar. Sie zu achten und zu schützen ist Verpflichtung aller staatlichen Gewalt).
2.b) Một số luật lệ cần thiết:
Ở trên chúng ta đã đề cập tới một số ý niệm về quyền căn bản của con người mà các luật lệ liên quan tới sự phát triển kinh tế cần phải được minh thị và mỗi người phải tôn trọng.
Đó là những đạo luật nói về lao động, nói về quyền tư hữu, luật thương mại, luật thừa kế liên quan tới luật hôn nhân cho tới luật đầu tư quốc nội và ngoại quốc.
Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến những nét chính của một số đạo luật liên quan tới việc phát triển kinh tế chứ không thể trình bày hết tất cả những điều khoản liên quan tới bộ luật, mà Quốc hội Lập pháp trong tương lai có trách nhiệm. Chúng ta cũng không đề cập đến tất cả bộ luật của một quốc gia.
2.b.1) Luật lao động:
Người ta hiểu luật Lao động là tổng hợp của tất cả những đạo luật, những sắc luật và những định nghĩa về quyền hạn liên quan tới lao động để điều hoà những sự hành nghề có tính cách kinh tế và cá nhân.
Trong lao động có những trường hợp mà chính mỗi người lao động không thể tự bảo vệ cho mình trước sự nguy hiểm, trước những sự tổn thuơng nhất là những sự tổn thương về sức khoẻ.
Thời gian làm việc, tiền lương bổng, thời gian nghỉ trong năm để dưởng sức, lúc bịnh hoạn, lúc sinh đẻ, ngay cả những người bị tàn tật mà còn có thể lao động, tất cả đều phải được quy định một cách rõ ràng để cho công việc đạt năng suất và đời sống con người phải được bảo đảm.
Những quyền hạn cá nhân, chủ nhân và công nhân lao động có thể điều hoà những mối tương quan quyền hạn với nhau.
Những lãnh vực trong lao động cần được bảo vệ như là bảo vệ thời gian lao động, bảo vệ sức khoẻ người công nhân. Ở các nước tiên tiến, các hãng xưởng nhà máy xí nghiệp đều có nghĩa vụ thiết kế phòng ốc máy móc dụng cụ nhằm bảo vệ công nhân trước sự nguy hiểm về sức khoẻ và đời sống. Cần phải có quy định về nơi làm việc nhiệt độ, ánh sáng, những con đường dành cho công nhân di chuyển trong xí nghiệp phải thích hợp.
Trong xí nghiệp lớn phải có bác sĩ hoặc chuyên viên thuộc xí nghiệp nhằm bảo đảm an toàn lao động khi hữu sự. Những quy định về an toàn lao động cần phải đặt ra.
Luật Lao động phải quy định rõ ràng trường hợp nào thì công nhân không đi làm việc vẫn có tiền để sống. Ví dụ như trường hợp nghỉ hè trong năm, nghỉ làm vì bịnh hoạn, nghỉ làm vì sinh đẻ.
Tại Đức quốc có sự bảo vệ khi thông báo nghỉ việc. Thời gian thông báo nghỉ việc đều có giá trị cho cả chủ nhân và công nhân. Xuyên qua sự thông báo nghỉ việc người công nhân có thể mất chổ làm. Vì thế cho nên phải có luật bảo vệ sự thông báo nghỉ việc nhằm hạn chế chủ nhân gây nhiều bất lợi cho công nhân trong lúc làm việc.
Luật Lao động cũng ghi rõ về nghĩa vụ của công nhân và chủ nhân.
Ngoài ra những công đoàn cũng được thành lập để bảo vệ quyền lợi công nhân.
2.b.2) Luật Tư hữu:
Ý niệm về quyền tư hữu tài sản, gọi tắt là quyền tư sản hay là quyền sở hữu tài sản được xem như là quyền chiếm cứ của cá nhân vô giới hạn. Tư sản phản nghĩa với cọng sản, hữu sản phản nghĩa với vô sản.
Quyền tư hữu tài sản của mọi người dân ngay cả tài sản của chính quyền trong một thế chế tự do dân chủ đóng vai trò rất quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế trong thị trường tự do cạnh tranh. Về phía người dân, quyền tư hữu tài sản pháp định là những chất kích thích tố người dân hăng hái trong lao động, thoải mái trong đời sống hàng ngày và góp phần đắc lực trong việc phục hưng và kiến tạo đất nước.
Quyền tư hữu không phải là một ban ơn của chính phủ, mà cũng không có nghĩa chỉ có chính phủ mới có quyền này như độc quyền quốc hữu hoá tài sản.
Khi luật pháp quy định quyền tư hữu thì mọi người phải chấp chế thi hành để tránh gây rối loạn trật tự xã hội. Trường hợp có sự tương tranh thì sẽ được giải quyết trên bình diện luật pháp.
Những từ ngữ về tài sản cá nhân, tài sản công cộng phải được minh định rõ ràng. Những bất động sản nào mang lại lợi ích công cộng thì sẽ do chính phủ xây dựng và sử dụng quyền sơ hữu.
Hiện nay trong sự phát triển ngành kỹ thuật và kinh tế ở các quốc gia kỹ nghệ, nhiều hệ thống giao thông công cộng như xa lộ, cầu cống, nhà thương bệnh viện đều được các công ty, xí nghiệp tư nhân đấu thầu của chính quyền và xây dựng nên. Như vậy quyền sở hữu thuộc về tư nhân. Tuy vậy, vẫn có sự ràng buộc luật pháp về sự xây dựng, về sự bảo trì những hệ thống công cộng nói trên.
Tuy nhiên cũng có những hợp tác giữa cá nhân với cá nhân và cá nhân với chính quyền. Như vậy quyền sở hữu chủ thuộc về tập thể.
Ngoài ra còn có những hợp đồng công tư hợp doanh nghĩa là chính quyền và những cơ sở tư nhân có thể cùng hợp tác thực hiện những công trình lớn như công trình xây cất đường sá cầu cống hoặc những công trình và sản phẩm liên quan tới quốc phòng. Như vậy quyền sở hữu thuộc cả hai.
Người ta thường đề cập đến 2 loại quyền tư hữu:
2.b.2.1) Quyền tư hữu bất động sản:
Trong phát triển kinh tế, nhiều công ty, xí nghiệp, nhà máy sẽ được xây dựng ở nhiều nơi trên đất nước. Sự xây dựng và quyền sở hữu cũng như những tác dụng lên những tài sản cũng phải có luật pháp quy định.
Sở hữu chủ của một tài sản có quyền xử dụng theo ý mình muốn nếu không đi ngược lại luật pháp. Tuy nhiên sở hữu chủ không có quyền ngăn cấm những tác dụng khác lên tài sản nếu tác dụng đó cần thiết cho sự ngăn chận sự nguy hiểm hiện tại.
Khi xây dựng dinh thự nhà cửa, xí nghiệp, kho chứa hàng, hàng rào v.v. sở hữu chủ đất đai có quyền mở lan rộng phía trên và dưới mặt đất thuộc phạm vi tài sản của mình. Tuy nhiên nếu sở hữu chủ không quan tâm đến những nguy hại có thể xảy ra từ những xây dựng của họ thì quyền sở hữu sẽ bị giới hạn.
2.b.2.2) Quyền tư hữu động sản:
Trong trường hợp bán hoặc di nhượng động sản cần phải có sự hiện diện của đôi bên và phải được giải thích rõ ràng. Sự chuyển nhượng chỉ có giá trị về sau nếu có văn tự. Sự chuyển giao động sản cần có sự đồng thuận đôi bên.
Nếu động sản được chuyển giao mà bị người thứ ba dùng quyền buộc tội thì quyền sở hữu chủ động sản đương thời sẽ không còn hiệu lực.
Nếu động sản gắn liền với bất động sản đất đai thì động sản này trở nên phần hiện hữu trên bất động sản đó.
Quyền sở hữu chiếm cứ động sản sẽ không còn nếu sự chiếm cứ động sản trên bị phạm luật hoặc nếu có người khác thưa kiện thì quyền nầy sẽ bị tổn thương.
2.b.2.3) Quyền tư hữu cổ phần:
Ngày nay trong kinh tế có một loại buôn bán mà có thể làm thay đổi thị trường và phát triển kinh tế, đó là thị trường chứng khoán.
Các hãng xưởng ngày nay muốn có nhiều tiền vốn để đầu tư, hãng xưởng đó có thể tung ra nhiều cổ phần để bán ra ngoài thị trường chứng khoán. Những cổ phần đó cũng có giá trị như động sản vậy và được buôn bán qua trung gian các ngân hàng. Người mua cổ phần hợp pháp thì có quyền sở hữu cổ phần đó.
2.b.3) Luật Thương mại:
2.b.3.1) Ý niệm về ngành thương mại
Theo quan niệm vào thời quân chủ trước đây thì nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ thương. Nhưng trong thời đại văn minh và phát triển kỹ thuật hiện nay cũng như trong mối bang giao của thế giới, thương mại đóng vai trò rất quan trọng. Nó có thể là mục tiêu của những vụ đàm phán, là mục tiêu của những sự hẹn hò thăm viếng từ một tư doanh cho tới doanh thương xí nghiệp hoặc những chính khách.
Nhưng cũng vì lý do thương mại mà xảy ra những cuộc xung đột giữa các công ty xí nghiệp và tư doanh với nhau. Cấp cao hơn là xung đột giữa quốc gia.
Ngạn ngữ có câu: “Vô phương bất phú“. Như vậy thương mại góp phần vào việc phát triển kinh tế, nhất là nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh hoàn toàn. Thị trường tiêu thụ luôn luôn được mở rộng, không những ở trong nước mà còn mở rộng ra ngoại quốc. Đó là ngày ngoại thương.
Ngành ngoại thương bắt nguồn từ sự bành trướng của Âu châu sang Phi châu, Viễn đông nhằm Âu Châu hoá thế giới mở màn cho sự thuộc địa hoá, bắt đầu vào thế kỹ 15 với sự chiếm cứ động sản và bất động sản của dân bản xứ và thực hiện những chuyến viễn dương khám phá ra những châu khác như Mỹ Châu vào năm 1492 của Kha Luân Bố. Vào thế kỹ 16 thì ngành ngoại thương càng bành trướng với những mặt hàng như đồ gia vị, đồ trang sức, tơ lụa dầu thơm, ngà voi, gỗ quý, vàng kim cương tại Phi châu và Á châu. Vào thế kỹ 17, khoảng 84% kim loại quý tây phương nhập cảng từ Mỹ châu.
Tại Việt Nam muốn phát triển kinh tế thì phải đẩy mạnh ngành ngoại thương và phải có Luật thương mại. Luật thương mại quy định tổng quát tất cả những quyền hạn của doanh nhân. Từ những quyền và khả năng để mở tiệm cho tới việc lập những công ty thương mại cho tới việc đào tạo nhân viên thương mại.
Luật thương mại cũng ghi rõ về những quyền hạn của các nghiệp đoàn thương mại ngay cả việc phá sản của các công ty hoặc cửa tiệm.
Luật thương mại cũng nói đến những kho chứa hàng hoá, sự di chuyển hàng hoá cũng như cách gởi hàng, thời gian gởi và nhận hàng ngay cả đến sự bảo quản hàng hoá.
Nói đến thương mại là nói đến thị trường. Thị trường ảnh hưởng tới vận hành của xí nghiệp. Những yếu tố tạo nên những sinh hoạt của thị trường là sản phẩm, hàng hoá, luật pháp và khả năng phục vụ. Những yếu tổ để tạo ra sản phẩm là: Bất động sản, máy móc, nguyên vật liệu, lực lao động, khả năng chuyên chở, vốn tư bản, thông tin kinh tế.
2.b.3.2) Những quy định tổng quát liên quan tới ngành thương mại
Với hợp đồng mua bán, người bán chịu trách nhiệm về món hàng để chuyển giao cho người mua như là sự chuyển nhượng quyền tư hữu. Người mua có nghĩa vụ phải thanh toán giá mua theo khế ước và lấy vật đã mua.
Như vậy người bán có 2 nghĩa vụ chính: Chuyển giao và chuyển nhượng quyền tư hữu.
Sự chuyển giao quyền tư hữu trên sự vật có nghĩa rằng đã thi hành xong nghĩa vụ theo luật định và sau đó người thứ ba có thể mua lại. Tuy vậy nếu người bán không có quyền chuyển nhượng quyền tư hữu thì khế ước có thể bị huỷ bỏ.
Tương tự, người mua có 2 nghĩa vụ: Trả tiền theo giá mua và nhận lấy món hàng hoặc sự vật.
2.b.3.3) Những bảo đảm vì món hàng bị hư hoặc thiếu
Người bán bảo đảm món hàng trong một thời gian ấn định sau khi món hàng được giao qua tay người mua, nhưng sẽ không chịu trách nhiệm với những lỗi lầm mà do người mua gây ra.
Người bán không chịu trách nhiệm về những hư hại hay khuyết điểm của món hàng được bán nếu người mua biết được hư hại này cho tới khi hợp đồng mua bán được thực hiện.
Người bán dối trá sẽ bị phạt.
2.b.3.4.) Những trường hợp đặc biệt về mua bán
Nếu món hàng được phân phối tới người mua mà không đúng như hàng mẫu thì người bán phải chịu trách nhiệm hoặc là thay đổi bộ phận hư, hoặc bán giảm giá mua hoặc thay thế món hàng theo hợp đồng hoặc thay thế sự thiệt hại.
Quyền tiên mãi cho phép người mua được ưu tiên cái quyền chiếm cứ món hàng hoặc tìm thấy trong sự mua bán bất động sản như là nhà cửa phố xá.
3) Luật Thừa kế
Một trong những bộ luật mà không kém phần quan trọng trong phát triển kinh tế là Luật Thừa kế.
Trong một quốc gia pháp trị thì Luật Thừa kế nhằm giải quyết những di sản mà người lập di chúc để lại sau khi chết. Luật thừa kế làm sáng tỏ và bảo đảm quyền tư hữu tài sản, nhằm khuyến khích mọi người trong lao động để nâng cao mức sống người dân, duy trì trật tự xã hội trên bình diện quyền bình đẳng con người theo luật pháp.
3.1) Một số quy định chính về Luật Thừa kế
Người lập di chúc có thể ghi rõ một hoặc nhiều người được hưởng theo di chúc.
Người thi hành di chúc có quyền quản trị di sản. Với cái chết của một người thì tài sản của họ sẽ được chuyển giao tất cả cho những người liên hệ. Cha mẹ, hoặc ông bà nội đều có quyền thừa kế theo luật định.
Người hôn phối được hưởng quyền thừa kế nếu hai người là vợ chồng sống chung với nhau có hôn thú cho tới khi cái chết của vị hôn phối xảy ra. Phần thừa kế nhiều hay ít tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố chẳng hạn như số con cái, tài sản của vợ chồng và thứ bậc của những người thừa kế khác như bà con họ hàng.
3.2) Luật thừa kế trên quyền tư hữu quốc tế
Trên bình diện quốc tế, Luật Thừa kế cũng phải được minh thị rõ ràng nhằm giải quyết những trường hợp thừa kế của một người ngoại quốc trên xứ họ đang cư ngụ.
Quy chế thừa kế xác định rõ khối di sản. Nghĩa là di sản hiện có trong sự quản lý của người lập di chúc hoặc là người đại diện bảo quản di sản của người lập di chúc hoặc là sự đòi hỏi cho người lập di chúc như những dịch vụ tiền bảo hiểm nhân mạng, bảo hiểm tai nạn hoặc là những món tiền bồi thường thiệt hại mà người lập di chúc sẽ có được.
Song vào đó, còn có những đạo luật liên quan tới Phát triển kinh tế, ví dụ như Luật Phá Sản, Qui chế Cạnh tranh, Luật Thuế khoá v.v. cũng cần được tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh nhằm khuyến khích doanh nhân, công nhân góp phần phát triển kinh tế.
Ngoài ra một số Luật về Bảo vệ môi trường cũng cần được soạn thảo và ban hành nhằm bảo vệ sức khoẻ của con người, bảo vệ môi trường và đời sống người dân. Theo Reuter thông tin vào tháng 6 năm 2011 thì năm 2010 đã có 1.300.000 người dân Trung cọng qua đời vì ô nhiểm môi sinh (CO2) vì chính quyền Trung cọng không quan tâm nhiều đến vấn đề môi sinh trong phát triển kinh tế. Vào cuộc họp của thế giới về môi sinh vào năm 2008 tại Đan Mạch, nhiều quốc gia đã phàn nàn và chỉ trích Trung cọng về môi trường bị ô nhiểm rất nguy hại đến tính mạng người dân.
Sau khi sụt giảm vào năm 2009, do khủng hoảng tài chính toàn cầu, lượng khí gây hiệu ứng nhà kính thải ra bầu khí quyển trên trái đất đã lên tới 30,6 tỷ tấn, cao hơn 5% so với mức kỷ lục trước đây của năm 2008 là 29,3 tỷ tấn.
Các chuyên gia cho biết một cách chi tiết : 44% lượng khí CO2 thải ra là do dùng than, 36% từ dầu lửa và 20% từ khí tự nhiên. (Nguồn RFI 17.6.2011).
Tại Việt Nam, môi trường cũng bị ô nhiễm rất nặng đã gây ra nhiều ngộ độc trong nước uống, rau xanh và thức ăn v.v.
4) Vai trò của chính quyền trong việc phát triển kinh tế:
Chính quyền đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Khả năng lãnh đạo của chính quyền cũng còn tuỳ thuộc vào chế độ được áp dụng ở quốc gia đó. Một chế độ tự do dân chủ thì đảng phái luôn có sự cạnh tranh để nắm chính quyền mà xây dựng đất nước.
Chính quyền là cơ quan hành pháp được Hiến pháp quy định trong cơ chế quốc gia. Dù là thể chế quốc gia theo Tổng Thống chế như ở Pháp và Hoa Kỳ, Nghị viện chế như ở Đức hay Đại nghị chế như ở Anh, họ đều xây dựng đất nước theo định chế tam quyền phân lập gồm có cơ quan Hành pháp, Tư pháp và Lập pháp. Ba cơ quan nầy có thể kiểm soát lẫn nhau. Mỗi cơ quan có nhiệm vụ riêng biệt được Hiến pháp quy định.
Riêng cơ quan hành pháp có những nhiệm vụ như:
4.1) Đưa ra đường hướng phát triển kinh tế:
Điều nầy phụ thuộc vào:
– Chọn lựa mô hình như đã đề cập ở trên nhằm phát triển kinh tế tối ưu nhất.
– Lực lượng chuyên viên, chuyên gia có khả năng chuyên môn các loại ngành nghề và đặc biệt chuyên môn kỹ thuật: Chính quyền phải có chính sách đào tạo và huấn luyện thành phần nầy.
– Phải được dân chúng ủng hộ
– Thích nghi với đường lối quốc gia và hành chánh
– Phải có nhân sự thi hành: Đó là tầng lớp cán bộ hành chánh
– Tương quan với quốc tế: Đẩy mạnh việc bang giao quốc tế.
– Tìm thị trường tiêu thụ trên bình diện quốc tế.
4.2) Thi hành đường hướng phát triển kinh tế:
– Phối hợp với cơ quan Lập pháp để ban hành những bộ luật, sắc luật cho ngành kinh tế.
– Cơ cấu hành chánh phải được xây dựng và ổn định
– Làm sao cho dân chúng phải hiểu và nắm vững đường lối phát triển kinh tế. Như vậy chính quyền phải tận dụng phương tiện truyền thông hướng dẩn dư luận và thực hiện những chính sách giáo dục đại chúng.
– Xây dựng niềm tin của người dân vào tương lai sáng lạng của đất nước và toàn dân. Đây là yếu tố rất quan trọng trong phát triển kinh tế.
– Đào tạo đội ngũ kỹ thuật chuyên môn để thích nghi với những lãnh vực chuyên ngành
4.3) Khuyến khích đầu tư:
– Thuế lợi tức nhẹ
– Cho vay nhẹ lãi
– Mở rộng hệ thống ngân hàng
– Vận động quốc tế đầu tư
– Bảo đảm an toàn sản xuất cũng như những sự liên quan tới sản phẩm như kho chứa, giao thông vận tải, truyền thông liên lạc…
– Hợp tác kinh tế với tư doanh
Trên bình diện quốc gia, chính quyền cũng có thể quản lý gián tiếp về sự phát triển kinh tế nhất là về sản phẩm, thị trường tiêu thụ, giá cả, cạnh tranh. Mối bang giao quốc tế nói chung và ngành ngoại thương nói riêng cần phải được chính quyền và các nhà làm luật quan tâm để có những quyền lợi đôi bên giữa các quốc gia.
5) Tóm lược:
Sau khi chúng ta đã phân tích về một vài mô hình kinh tế thì thấy rằng phát triển kính tế không thể phó thác cho một số người, dù có tài giỏi đến đâu. Cũng không thể chỉ phó thác cho doanh nhân hay cho cơ quan quyền lực nào mà phải vận động tất cả toàn dân trong cùng một quốc gia tham gia. Từ việc sản xuất cho tới sự tiêu thụ hàng hoá, từ việc mua bán hay hành nghề đều phải dựa trên luật pháp mà cơ quan công quyền có nhiệm vụ phải tôn trọng và thi hành nghiêm minh. Thật vậy, vai trò của chính quyền rất quan trọng trong phát triển kinh tế. Chính quyền có quyền lực trong tay dễ dẫn đến chế độ độc tài chuyên chinh nếu luật pháp không được thượng tôn. Điều nầy có thể làm cho xã hội phân hoá, bất công, dẫn đến sự đình trệ trong phát triển kinh tế. Nói chung, muốn phát triển kinh tế thì vai trò của chính quyền và khung cảnh luật lệ phải hổ tương lẫn nhau trong một định chế chính trị Tự Do Dân Chủ Pháp Trị với tam quyền phân lập: Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp.
Nguyễn Văn Phảy