Tôi xin nói ngay là bài viết này chỉ ghi lại những ý kiến, kinh nghiệm nhỏ bé của riêng tôi, những ý nghĩ chưa xếp thành hệ thống, xin được kể lại với bạn đọc. Tôi chưa dám nói đến viết văn nói chung. Viết tùy bút, ký sự, hồi ký, phóng sự cũng là làm văn chương. Viết tiểu luận, biên khảo, nghiên cứu, sưu tầm cũng là viết văn. Trong bài này, tôi chỉ giới hạn về kinh nghiệm viết truyện ngắn thôi.
Có nhiều người nói, và tôi nghiệm thấy khá đúng là con người ta thường hay khởi đầu làm văn nghệ bằng cách làm thơ, sau đó viết văn, rồi viết kịch và cuối cùng sẽ trở lại làm thơ hay làm công việc phê bình văn học. Nhà văn Mai Thảo, Võ Phiến …, học giả Nguyễn Duy Cần viết văn, viết biên khảo suốt cuộc đời, giờ đây các ông ấy lại trở về với thơ phú. Quá trình này như một chu kỳ tất nhiên, tuy cũng có trường hợp khác biệt. Tuổi thanh niên, tuổi học sinh thì hay mộng mơ, mới biết yêu, yêu cảnh, yêu người, buồn vu vơ thường hay làm thơ gửi người yêu hoặc không bao giờ gửi. Rồi trưởng thành, va chạm nhiều với thực tế, quan sát kỹ đời sống, người ta bắt đầu viết văn. Nếu có năng khiếu về sân khấu, người ta sẽ viết kịch, vì kịch là bộ môn tổng hợp, phức tạp, phải mô tả đời sống thật tinh tế mới viết kịch được. Khi về cuối cuộc đời, khi đã tri thiên mệnh, mơ ước đã đạt hoặc chẳng bao giơ ợđạt được, khi thấu đáo phần nào lẽ ở đời, luật của Trời, người ta trở lại làm thơ hoặc sẽ trở thành một nhà phê bình văn học vô tư, nghiêm khắc. Thơ đó thường nhuốm mùi đạo hạnh, cao siêu, giàu triết lý.
Riêng tôi, thì về thơ, thú thật tôi cũng võ vẽ đôi bài, không hay lắm và chắc sau này cũng không làm thơ lại được. Tôi đã chọn viết truyện và viết kịch, nhất là ở xứ người, viết truyện ngắn là tiện hơn cả. Đã có nhiều ý kiến khác nhau là truyện dài viết dễ hơn hay viết truyện ngắn dễ hơn. Tôi xin trả lời ngay, rất chủ quan là viết truyện ngắn dễ hơn. Chúng ta sẽ trở lại ý này, để đặt câu hỏi trước tiên đã: Viết truyện để làm gì? Viết cho ai?
Để tìm hiểu mục đích khi viết truyện và đối tượng truyền đạt đến, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng cầm bút viết truyện, điều trước tiên là viết cho chính mình. Cũng như con chim ngứa cổ thì hót, thích họa thì cứ vẽ, thích ca thì cứ hát lên cho vui, vậy thôi. Viết, vẽ, đánh đàn, ca hát là để tự tìm vui cho mình, tự bằng lòng mình trước đã. Sau đó vững lên, nếu thuận tiện, nếu muốn hãy tự khoác cho mình một trách nhiệm, một thiên chức, một sứ mạng nào đó, xin cứ tự nhiên, ngày xưa gọi là văn dĩ tải đạo. Tôi không dám nói đến những vị tin tưởng vào văn chương, để vạch ra một lối đi chính trị, những người đó đã vác thánh giá cho đời rất đáng cảm phục. Họ viết ra không những chỉ muốn tự hài lòng, giải trí cho mọi người mà còn muốn sửa đổi cái xấu của xã hội, xây dựng cái tốt, cái đẹp cho xã hội, để làm cách mạng. Dĩ nhiên những vị đó có những thông điệp giá trị, có sức thuyết phục dân chúng. Còn bình thường, nếu tiếng kèn thúc quân quá dở, bài văn viết chưa sạch nước cản thì xin chớ ôm mộng lĩnh thiên chức, nhận sứ mạng. Đừng để bị rơi vào tình trạng Lực bất tòng tâm’, hoài bão lớn nhưng khả năng chẳng có bao nhiêu.
Với các bạn trẻ, các bạn mới viết truyện, cứ từ từ, khoan hãy nhận sứ mạng gửi thông điệp gì vội. Cứ thành thực, tự lượng sức mình, đến đâu hay đến đó. Tôi đã tự hài lòng tôi chưa? Tôi đã giải trí cho độc giả chưa? Nên có một chút năng khiếu, hay gọi là có chút tài mọn thì văn thơ mới có bề dầy, có chiều sâu. Khi đã được người đọc chú ý đến ta mới tính chuyện cao xa hơn. Nói như vậy không có nghĩa là thiếu khuyến khích các ban trẻ. Người ta có câu nói Thiên tài là kết quả của sự cố gắng liên tiếp, nhưng thiên tài kiểu đó rất vất vả, trong khi đó nghề viết lách khó nuôi sống con người . Những lớp hướng dẫn vẽ, nhạc, làm báo, viết văn, viết truyện… chỉ là những hướng dẫn ban đầu, những căn bản cần phải có thôi. Còn sau đó là do cái tài, sự thông minh của chính mình.
Năm ấy nhà làm nhạc Phạm Đình Chương còn sống, tôi được gặp ông một lần, dịp ông ghé nhà chơi, tôi có hỏi: Chắc khi anh sáng tác nhạc, anh phải có cái không khí, cái chung quanh đầy nhạc tính, anh mới viết nhạc, phải không? Phạm Đình Chương nhìn Mai Thảo và Trần Cao Lĩnh, mỉm cười, trả lời : Không, chẳng có không khí nhạc gì cả, có khi còn ngược lại. Ở đâu và lúc nào tôi cũng viết được, nhạc ở trong óc tôi này. Khi có tứ nhạc, sợ quên mất, tôi lấy đại vỏ bao thuốc lá ghi vội xuống cũng xong.
Người học vẽ cũng vậy, nếu không có hoa tay, dù có chịu khó vật lộn với màu sắc, cọ vẽ cho lắm thì cũng trở thành họa sĩ hạng thường vậy thôi. Người có tài là bảy bước thành thơ, thành văn. Văn thơ có sẵn trong tim óc, khi viết là cứ tuôn ra thôi. Nếu nói hơi ngoa một chút, giống như một máy điện toán kỳ diệu, hễ cứ bấm nút là chữ chạy ra.
Ngoài ra phải kể đến yếu tố di truyền. Trong gia đình, họ hàng, có ngừơi người viết văn làm thơ, thì con cháu dễ trở thành văn sĩ thi sĩ . Điều này trên thực tế ta đã thấy rõ. Họ Phạm duy, họ Lữ làm nhạc, ca hát hay.
Yếu tố khác, là phải có một môi trường thuận lợi. Nếu làm nghề và có một chung quanh liên hệ đến văn chương chữ nghĩa, thì dễ viết hơn, dễ bị lây hơn. Nhất là sống ở đất nước người, nơi đang định cư, nếu hòa mình vào sinh hoạt chung, gần gũi anh em cầm bút thì sẽ có sẵn đà để viết. Tôi có một bạn văn, anh là luật sư trước đây, nay là một kỹ sư trong hãng điện tử. Trước năm 1975 anh là một nhà văn nhà thơ, sáng tác nhiều bài có giá trị trên Văn Học, Bách Khoa, Sáng Tạo, nhưng giờ đây anh đành gác bút, tuy trong lòng vẫn còn thích viết lắm. Công việc thường ngày của anh đủ làm anh bù đầu, không giành được thì giờ, nơi anh cư ngụ lại không có nhiều văn nghệ sĩ, anh không có dịp gặp gỡ các bạn, không ngồi nhâm nhi ly cà phê, uống một chén rượu, tán chuyện văn thơ như ngày xưa nữa. Tuy nhiên điều kiện này có trường hợp ngoại lệ, như ở vùng bắc California có nữ ca sĩ Thu Hà, tức bác sĩ Nguyệt Mehlert chuyên bắt mạch, thăm thai cho khách hàng, nhưng khi ra đứng trước micro hát vẫn hay như thường. Một số bác sĩ, nha sĩ, luật sư viết văn làm thơ cũng xuất sắc như ai.
Tôi còn nhớ trước năm 1954, ở Hà Nội cũng có trường hợp này. Nhà văn Nguyễn Minh Lang có nghề chính là thợ may âu phục, ông có tật là vừa viết văn vừa đo cắt quần áo ngay tại tiệm ở phố Tràng Tiền. Hồi đó anh em thường đùa với anh như sau: Bạn vừa tiếp một lính Pháp gốc Phi châu, đen như cột nhà cháy đến đo may bộ đồ lớn. Khi chú Tây đen đó vừa ra khỏi tiệm, bạn lại cầm bút viết tiếp: Than ôi! thế là em đã bỏ tôi ra đi trong chiều sương giá lạnh rồi Em trong truyện lãng mạn của Nguyễn Minh Lang nhất định phải là một cô gái đẹp, không thể là cái cột nhà cháy đó được!
Nói về đối tượng của người viết truyện ở hải ngoại thì đối tượng gần là độc giả xứ mình đang định cư, còn đối tượng xa là khối lượng người đọc to lớn ở bên nhà. Vì hoàn cảnh đặc biệt, chúng ta mong muốn độc giả trong nước đọc chúng ta. Nhưng họ có được đọc không, đọc nhiều hay đọc ít, có được tự do đọc hay không lại là chuyện khác. Cũng vì thế, nên có vài người cần nổi tiếng, cần độc giả bên nhà quá, đã tự cho phép xin in sách và xin được phổ biến tác phẩm của mình ở Việt Nam. Chúng ta cũng nghe nói đến công việc ‘chuyển lửa về quê hương, trong đó có tờ Làng Văn đã thực hiện. Nhà Nước Cộng sản xuyên tạc la ó lên rằng chúng ta đang muốn đem lửa về đốt cháy quê hương!
Bây giờ tôi chỉ xin nói đến độc giả ở ngoài nước thôi. Độc giả ở gần chúng ta khác với độc giả bên nhà trước 75 nhiều lắm. Có giới độc giả ít đọc truyện hồi còn ở VN , hiện nay lại đọc nhiều . Thanh thiếu niên sinh ra hay lớn lên ở xứ người, dĩ nhiên ít đọc sách truyện tiếng Việt. Rồi mải lo mưu sinh, chạy theo guồng máy làm việc, lối sống thực tế, phải nhận rằng, nói chung, đôỳc giả bớt đọc đi và ít chịu khó đọc. Người ta đọc, phần nhiều là để giải trí, để tìm quên trong chốc lát hơn là để thắc mắc, đào sâu suy nghĩ, giải quyết sự việc do tác giả nêu lên. Họ đọc truyện ngắn mất mươi mười lăm phút, hay đọc mẩu truyện -> chuyện dài đăng từng kỳ trên nhật báo, tuần báo. Không có nhiều người muốn bỏ ra 2, 3 tiếng đồng hồ hay hơn nữa để đọc truyện dài in thành sách. Mới đây lại có băng đọc truyện, giúp cho người nghe trở thành thính giả, chứ không cần phải mất công làm độc giả nữa.
Tuy nhiên, chúng ta cũng ghi nhận là vẫn có một số độc giả ưa thích đọc những đề tài chính trị xã hội, nhất là trong số đồng bào mới định cư ở nước ngoài và các vị lớn tuổi đã về hưu. Rất tiếc là số độc giả này không nhiều. Chưa kể các nhà xuất bản cũng khuyến khích người viết nên viết truyện ngắn rồi gom lại in thành tập dễ bán hơn. Bán một tập truyện ngắn 10,12 đô la thì còn có thể bán được , đắt hơn là khó bán. Người ta sẽ chọn lựa là mua một quyển truyện hay là ăn hai tô phở, uống một ly cà phê hơn? Đây là sự thật, tuy là sự thật hơi phũ phàng.
Do đó, như đã nói ở phần trên, truyện ngắn, còn gọi là đoản thiên tiểu thuyết, dễ viết và dễ ăn khách hơn, vừa hợp với đa số người đọc, vừa tiện cho người viết, người in. Dàn dựng một truyện dài cho ra hồn không phải là dễ. Quý vị cũng biết là Leon Tolstoi khổ công kỹ lưỡng ra sao, khi ông đã phải lập cả một danh sách tên nhân vật dày đặc trong tác phẩm để đời ‘Chiến Tranh và Hòa Bình. Ông phải làm kỹ như vậy vì e rằng sẽ bỏ sót, sẽ quên, nhầm lẫn đã cho một nhân vật xuất hiện, rồi quên không bao giờ nhắc tới nữa, hoặc cho nhân vật đó chết hai lần. Cũng như chúng ta phải phục các tác giả Tam Quốc Chí, Thủy Hử là họ đã không bao giờ nhầm lẫn việc cho nhân vật xuất hiện và biến mất. Đó là những tác phẩm nổi tiếng thế giới, còn bây giờ và ở Việt Nam cũng như ở ngoài nước, truyện dài có chiều sâu có bề dày thấy hiếm có. Chúng ta chỉ thấy có được vài tác giả chịu viết truyện dài, có công phu thôi. Có lẽ sau này sẽ có người viết xuất sắc, chưa chịu xuất hiện, hay chưa thuận tiện để viết đó thôi. Những cuốn sách có bề dày ở hải ngoại…. lại là những cuốn hồi ký. Hồi ký thường mang nhiều chuyện riêng của tác giả, có tính cách ghi chép diễn trình về các biến cố chính trị, lịch sử và rất chủ quan. Thậm chí có vài quyển nói đến một sự việc, biến cố, có các tác giả đã quá chủ quan đưa quan điểm cá nhân vào, nên họ đã mô tả một sự việc hoàn toàn khác nhau.
Truyện dài, còn gọi là trường thiên tiểu thuết truyện dài nghiêm chỉnh, dễ tạo được giá trị trường cửu, được nhắc nhở đến nhiều hơn là truyện ngắn. Nhiều người viết ở đây đã than với tôi là không có đủ thì giờ để tìm tài liệu, thu thập dữ kiện, mẩu chuyện để dàn dựng bố cục hợp lý, hợp tình các sự việc, kiểm chứng cho chính xác và có hệ thống. Tuy đang ở thời đại máy vi tính, nhưng máy vi tính chưa giúp gì nhiều, nhất là fond chữ Việt chưa cung cấp đủ điều chúng ta cần. Có lẽ các bạn đã biết giá trị một vài truyện dài, đăng kiểu từng kỳ (feuilleton ) trên các báo hàng ngày, đã có nhiều cẩu thả, bôi bác cho đầy trang báo, có khi do chính tác giả tự thú nhận khai ra. Truyện ngắn, theo tôi dễ viết hơn ở thời điểm này, không gian này. Tuy vậy lại đòi hỏi sự gọn gàng chắt lọc, dứt khoát. Như làm thơ lục bát, hay thì sẽ thật hay, nhưng nếu không đạt, sẽ trở thành vè.
Bây giò nói đến nội dung. Nội dung được ưa chuộng vẫn là trong sáng lành mạnh. Nếu kể những câu chuyện đen tối, liên hệ đến súng đạn, máu, nước mắt, bóng tối, đêm đen…cũng nên có hứa hẹn, chuẩn bị một tương lai trong sáng. Truyện trinh thám lại là loại truyện khác. Dostoievki có sở trường khai thác truyện buồn thảm, u tối, nhưng không dễ gì theo được chân ông. Nếu có châm biếm, đả phá nên khéo léo dịu dàng, xây dựng. Chua cay độc địa quá gây mất lòng, tạo thù oán, lập thành khẩu nghiệp, có hại cho chính người viết. Chúng ta đã thấy vài ba trường hợp cũng chỉ vì khẩu nghiệp, người viết đã bị thiệt mạng, hay bị hành hung nặng nề. Ngoài ra, trong truyện mà đem ra những nhân vật thời đại, những mẩu chuyện thời sự, chuyện riêng tư của người ta, thì đó là một bài phóng sự, ký sự ít có giá trị lâu dài.
Nội dung truyện tùy theo tác giả, tùy theo nguồn ảnh hưởng người viết nhận được. Mỗi người có một hướng đi khác nhau, nói chung vẫn là đi tìm cái đẹp, cái hay cái tốt. Nguyễn Du nêu lên thuyết tài mệnh tương đố, số mệnh con người. Victor Hugo , Nhất Linh, Hoàng Đạo viết theo chủ đích chính trị, xã hội vì họ muốn thay đổi chế độ, sửa đổi chế độ. Erich Remarque thì ghi lại bối cảnh chiến tranh, sự tàn phá của bom đạn, để đi tìm sự thật và nguồn an ủi. Scott Fitgerald mải mê đi tìm dĩ vãng, nuối tiếc ảo tưởng, những hi vọng không thể thực hiện. Lê Văn Trương tạo nên những nhân vật người hùng…
Sau đó là kỹ thuật viết. Trước đây Nhất Linh, Bình Nguyên Lộc đã có nhiều bài hướng dẫn người mới viết, nên viết thế nào, viết ra sao? Ở Los Angeles trước đây có lớp hướng dẫn viết báo viết truyện. Viết truyện thường có mấy bước: Một là nhận xét mô tả , hai là bày tỏ thái độ, ba là nói rõ quan điểm, bốn là đặt vấn đề và năm là giải quyết vấn đề. Trong truyện ngắn thường chỉ có ba bước đầu. Bước thứ tư và thứ năm chỉ loáng thoáng, hoặc không có nữa. Thật ra độc giả rất nhiều khi không muốn đặt vấn đề và lại càng ngại giải quyết vấn đề. Chỉ ở trong truyện dài và những truyện mang nội dung phê phán xã hội, phê phán sự việc mới có hai bước này. Đẩy độc giả đến mức phải ưu tư, đào sâu suy nghĩ thì mệt cho độc giả quá, chúng ta đã biết rằng độc giả tìm đọc để giải trí để tìm quên, không muốn gánh chuyện nhức đầu.
Có nhiều truyện ngắn chỉ có phần mô tả, hoặc chỉ có thêm phần bày tỏ thái độ. Tác giả dành sự bày tỏ thái độ cho người đọc, có khi tác giả kín đáo đã tỏ thái độ một cách gián tiếp qua nhân vật truyện. Không có bước thứ ba, là vì muốn độc giả tự do đưa ra một quan điểm, sau khi đã gián tiếp bị tác giả dẫn dụ.
Vậy người viết truyện ngắn cần biết quan sát, nhận xét để mô tả con người, sự vật, cả ngoại hình lẫn nội tâm. Mô tả càng sâu sắc càng hay, nhất là diễn tả đến tận cùng, ngóc ngách, rốt ráo về tâm lý con người được càng hay. trường hợp này phải kể đến Võ Phiến. Trong những tùy bút sau này của ông, có người đã nhận xét là ông có tài chẻ sợi tóc làm tư trong phân tách tâm lý, trình bày tâm sự!
Tác giả luôn luôn bày tỏ thái độ và vạch rõ quan điểm một cách gián tiếp khéo léo qua lời nói, cách xử sự, lối suy nghĩ của các nhân vật trong truyện. Do đó dù muốn dù không tác gia vẫn để lộ cái tôi qua nhân vật. Điều này người đọc nhiều và các nhà phê bình văn chương sắc bén nhận ra ngay.
Một vài điểm nên chú ý trong kỹ thuật viết phải biết bỏ bớt, biết hi sinh chi tiết. Đó là nghệ thuật. Nghệ thuật không phải là sao chép nguyên bản sự vật, đời sống. Cần phải lược bỏ những gì không cần thiết. Người đầu bếp giỏi không bao giờ cho tất cả gia vị khác nhau vào một món ăn. Họa sĩ sao chép nhiều chi tiết cảnh vật là họa sĩ tay mơ . Ngay cả một bức ảnh đẹp cũng phải biết chọn lựa cắt xén, biết dùng kỹ thuật để làm thành tác phẩm.
Đừng nên bắt chước, nhất là các bạn trẻ mới viết. Hữu xạ tự nhiên hương Phải tự tạo ra bản sắc của mình. Bắt chước người đi trước, người nổi danh mà bấtcập , dễ trở thành ngơ ngẩn, vô hồn. Nhận ảnh hưởng của người đi trước, tiêu hóa đi thì được, nhưng đừng bắt chước máy móc.
Đừng gò bó. Không được cẩu thả, vô trách nhiệm nhưng không nên cầu kỳ, gọt giũa quá. Làm thơ mới cần gọt giũa, tuy nhiên nếu thơ gò câu ép chữ quá cũng mất hết hồn thơ. Gặp lúc không có hứng, nên ngưng viết, bỏ luôn, xé ngay đi đừng cố viết nữa. Không có gì tệ hại hơn là bí nguồn văn, cố nặn cho ra ý, gãi giấy mãi. Có ai bắt mình phải viết đâu? Viết một truyện ngắn không phải là cố làm xong việc ở sở ở hãng để lĩnh lương. Viết văn, thưa các bạn dĩ nhiên không phải là đi cày, đánh vật. Vì thế đã có nhà văn bị thúc bài quá, đã than: Viết văn chứ có phải bổ củi đâu mà giục quá thế! Tuy từ trước đến nay cũng có nhiều người kiếm sống bằng nghề viết truyện, nhưng ở ngoài nước và hiện tại, chỉ trông vào ngòi bút quả có sự phiêu lưu vất vả lắm. Chỉ nên coi viết văn là nghề trái, một món ăn chơi thôi. Theo tôi, viết tài tử tự do hơn,không có ai làm chủ mình, bảo mình phải viết thế này, viết thế khác. Cũng không lâm vào cảnh chán mứa vẫn phải viết cho đầy trang giấy theo đơn đặt hàng, có thể vì viết nhanh viết vội sẽ làm hạ giá trị truyện.
Nên viết theo sự thực hoàn toàn hay viết bằng hư cấu nhiều hơn? Phải dựa vào sự thật để làm cái cốt, rồi gạn lọc sự thật để pha trộn với hư cấu. Hư cấu là giả tưởng, là tưởng tượng, nôm na ra là bịa. Viết truyện phải có bịa. Cũng như vẽ tranh, làm kịch vậy thôi.Các họa sĩ trước kia vẽ theo người thật, cảnh thật được gọi là tả chân tả thực, rồi tiến đến ấn tượng tân ấn tượng, siêu thực, lập thể, trừu tượng, v.v. … Siêu thực, lập thể, trừu tượng là hư cấu là bịa. Nhưng những hư cấu đó vượt lên trên tầm thường, bịa có sách, có khoa học, hợp kiểu. Nếu nói lập thể là hoàn toàn bịa, sẽ bị họa sĩ phái đó cự ghê lắm. Vì họ lý luận rằng họ vẽ đúng cái thật của sự vật. Miệng cốc đáy cốc là hình tròn, thì họ vẽ hai hình tròn. Mức nước trong cốc cũng hình tròn, họ vẽ thêm một vòng tròn nữa và như thế cái cốc có đựng nước gồm ba vòng tròn và hai gạch thẳng đứng! Họ bảo những người vẽ theo mắt thấy thông thường là vẽ sai, không khoa học!
Cái khó là viết hư cấu sao để người đọc cho đó là chuyện có thật, là tự nhiên. Nhưng nên có bao nhiêu phần trăm sự thực bao nhiêu phần trăm hư cấu? Điều đó tùy ở tác giả, tùy theo loại truyện. Thật ra gọi là hư cấu đấy, nhưng chính tự nó đã nằm sẵn trong sự thật rồi. Chẳng hạn như những kỷ niệm, kinh nghiệm đời sống chính tác giả, những chi tiết cuộc sống, lối sống, lời nói của bạn bè, người thân trong gia đình, ngay cả các giấc mơ của người viết… tất cả thấm sâu vào tiềm thức từ lâu lắm rồi. chìm lắng đâu đó trong tim trong óc. Lúc đẹp trời nào đó chợt nhớ lại, rồi thêm thắt, chắp nối vào để pha chế với sự thật 100%.
Còn chất liệu để viết, lấy ở đâu ra? Tất nhiên phải lấy ngay từ trong đời sống thực tại, đời sống, không khí mà tác giả đang thở. Nói văn hoa là nên có hơi thở thời đại nên đau buồn vui sướng cái vui buồn chung của thiên hạ. Ước mơ, xa rời cuộc sống ta cũng nên có, nhưng cứ ước mơ hoài, xa rời mãi cũng mệt cho tác giả và độc giả lắm. Lựa chọn đề tài phong phú từ đời sống thường nhật là dễ gần với người đọc nhất. Người viết văn nổi danh nào cũng phải bắt đầu từ kho chất liệu này.
Ernest Hemingway kể chuyện đi săn cá voi, săn sư tử ở Phi Châu vì ông đã trải qua chuyện đó. Mark Twain thì tả đời sống sông nước trên những con sông miền nam nước Mỹ với chiếc tàu chạy bằng guồng nước. John Steinbeck chuyên kể về dãy núi và đời sống nông nghiệp bên trong thung lũng phía tây bang California . Mai Thảo thì chải chuốt, lãng mạn, nuối tiếc một thủ đô phải rời bỏ năm 1954, nói đến những cuộc tình, những bữa tiệc, những đêm khiêu vũ vì ông sống nhiều trong cái chung quanh đó. Võ Phiến bắt đầu viết kể chuyện đời sống thường ngày, chuyện nuôi bò, chuyện cán bộ cộng sản ở quê nhà, tỉnh Bình Định của ông…
Ngoài ra tôi nghĩ viết truyện phải có kịch tính. Đời sống con người là cả một vở kịch dài đầy đủ buồn vui, đau khổ, sung sướng giận hờn. Cuộc đời là kịch, và có kịch là có mâu thuẫn. Có mâu thuẫn mới có truyện. Có ba mâu thuẫn chính, mâu thuẫn giữa con người và thiên nhiên, hai là giữƯa người và người, ba là mâu thuẫn giữa con người và nội tâm của con người ấy. Mâu thuẫn thứ nhất bây giờ ít được nhắc đến, bão lụt,động đất vẫn còn, nhưng mâu thuẫn này không hấp dẫn. Chỉ còn hai thứ kia, mà mâu thuẫn giữa con người và cái tâm của anh ta là thứ sâu sắc nhất, khó diễn tả nhất.
Như độc giả đã biết, tả cảnh, vẽ cảnh, tả người ở ngoại hình thì dễ, nhưng tả tình, tả tâm lý để nói lên được cái sâu thẳm lòng người mới khó. Truyện theo nghĩa cổ điển (conte ), nói chung không có mâu thuẫn, không có thắt mở là không có truyện. Đó chỉ là những ý nghĩ vụn, những tư tưởng rời rạc ghi trên giấy. Bình Nguyên Lộc gọi nouvelle (novel ) của Pháp là tân truyện, nhưng tôi nghĩ dịch như thế chưa sát, vì chữ ở Pháp và Anh này có hai nghĩa, một là danh từ, hai là theo nghĩa tính từ. Thật ra những truyện ngắn mới bây gìờ không có cốt truyện, không có chủ đề, mới đọc qua có vẻ như là kể lể con cà con kê, bí hiểm như xem tranh trừu tượng siêu hình. Nhưng có lẽ đọc kỹ sẽ thấy có nhiều tình tiết ở trong, rồi sẽ bắt gặp được ý nghĩ của tác giả, và thấy được đầu mối mâu thuẫn nội tâm trong đó. Chẳng hạn loại truyện ngụ ý hay ẩn dụ mới đọc qua chẳng có gì là hay, lạ nhưng suy nghĩ một chút sẽ hiểu ra và sẽ thấy hay.
Tôi cũng muốn nói đến chủ quan và và khách quan trong truyện. Thật ra khi viết văn, trên một khía cạnh nào đó, dù muốn dù không là đã bày tỏ một quan điểm về nhân sinh, một thái độ về xã hội chính trị, nếu hiểu chính trị theo nghĩa rộng rãi.. Thường thường người đọc thích sự việc được trình bày khách quan, không muốn bị người viết bảo mình phải nghĩ thế này thế khác, hoặc là bộc bạch hết quan niệm thái độ của mình ra. Tâm lý độc giả, thính giả, khán giả khá phức tạp, có khi kỳ lạ. Tuy có ít thì giờ suy luận, nhưng lại không ưa bị suy luận theo người khác. Người đọc muốn tự tìm hiểu, không thích người khác chỉ dẫn hay bày tỏ quan điểm hộ.Đem ý nghĩ chủ quan của mình nói thẳng ra, người ta sẽ chán, trừ trường hợp đó là bản hiệu triệu của lãnh tụ, bản thông cáo, hô hào của một hội đoàn… nhưng đó không phải là truyện. Truyện nên giữ thái độ khách quan, vì khách quan mới có nghệ thuật. Chủ quan là chính trị, không phải nghệ thuật. Nên cố viết khách quan hay cho có vẻ khách. Bởi như đã nói, viết ra là đã mang nét chủ quan rồi, chỉ che dấu đi bằng cách này hay cách khác thôi.
Do đó chúng ta thấy những truyện mang nhiều tính chính trị thì chủ quan đầy mình, các bà nội trợ, các em học sinh không thích đọc. Trên mặt văn học đơn thuần, văn chương mang màu sắc chính trị thường khô khan, có tính thời sự, thiếu giá trị lâu bền. Nếu nặng về chính trị thì văn chương phải lùi bước, còn nặng văn chương thì nhẹ chính trị. Tuy nhiên nếu có chính nghĩa, hợp lòng người của thời đại đó thì văn chương nặng về chính trị có tính lịch sử như bản Bình Ngô Đại Cáo, bài thơ Nam Quốc sơn hà Nam đế cư, văn chương thật hay lại có tác dụng rất mạnh. Điều khó cho tác giả là làm sao đem tính chủ quan vào mà độc giả ít nhận thấy.
Tôi muốn nói thêm là đừng lập dị, lập dị để gây sự chú ý. Hữu xạ tự nhiên hương, quảng cáo nhiều nhưng chất lượng kém thì sẽ bị bể. Trước khi nhảy sangtrường phái mới, ít nhất phải qua bước căn bản đã. Pablo Picasso trước khi lập ra trường phái lập thể, ông đã đã vẽ chân phương vững vàng như ai.Đừng tự làm khổ mình, đừng quá lo lắng, nôn nóng khi viết truyện. Ngoài chuyện thiên chức, sứ mạng, trách nhiệm, văn chương thi phú là một cuộc chơi. Văn dĩ tải đạo là đúng, nhưng trước khi muốn tải được cái đạo, ít ra cũng phải viết cho ra hồn cái đã. Đánh cờ chưa sạch nước cản, làm sao đòi đấu cờ với các tay cao thủ? Vui vẻ, có hứng thì viết, đừng khổ công vất vả quá. Mỹ họ gọi là cứ relax đi, thoải mái đi. Cứ tự nhiên như chim hót, như hoa nở và để trái cây chín tự nhiên, đừng giữ ép.
Để chấm dứt bài này, tôi xin đưa ra một vài điển hình viết truyện, vài tác giả ở hải ngoại, tại ba nước có đông người Việt, để độc giả thấy lối viết cách viết của họ. Tôi chỉ nêu lên để làm ví dụ, chứ không làm công việc phê bình, chỉ tìm hiểu tại sao họ có nhiều người đọc.
Ở Gia nã đại có Nguyễn Ngọc Ngạn. Ông là một con dao pha, viết truyện ngắn, truyện dài, tiểu luận, ký sự, hồi ký đều đạt cả. Ông có cái khéo là nắm bắt được thị hiếu độc giả, viết truyện đúng lúc. Nguyễn Ngọc Ngạn viết về đảo tị nạn, vượt biên, về đời sống mới định cư ở xứ người, về chuyện du lịch Việt Nam, về xã hội đảo điên ở bên nhà, kịp thời, gõ đúng vào sự chờ đợi của độc giả. Ngoài ra ông có lối viết rất trơn tru, dí dỏm. Độc giã từ giới bình dân cho đến độc giả có trình độ cao đều ưa thích đọc ông. Văn ông không cần cầu kỳ gọt giũa quá, không cần sâu sắc lắm, không làm nhức đầu hợp với cảm quan của người đọc bây giờ và ở nước ngoài. Ông viết nhiều viết khỏe, có thể nói Nguyễn Ngọc Ngạn là một Lê Văn Trương thời nay, chỉ khác là ông chưa sản xuất truyện dài theo lối xưởng viết như Lê Văn Trương.
Ở Pháp phải nói đến Hồ Trường An. Dạo trước ở bên nhà, ông đã xuất hiện nhưng chưa nổi tiếng. Bây giờ ông đang tung hoành bên ấy và viết cũng rất khỏe, nghe nói ông còn giúp một người soạn luận án về văn chương nữa. Đặc biệt là Hồ Trường An có nhận xét về màu sắc, về âm nhạc rất tinh tế. Tuy không phả là họa sĩ, nhạc sĩ nhưng ông mô tả tiếng hát và màu sắc hoa cỏ trái cây, bánh mứt rất khéo léo. Lãnh vực đắc ý của ông là kể chuyện miền quê miền Nam, được gọi là văn chương miệt vườn , chuyện gia đình, chuyện các cô gái dưới quê, trên tỉnh, ghen tuông, yêu đương, ăn diện.Ông là một trong các nhà văn miền Nam nổi tiếng ở ngoài nước như Kiệt Tấn, v.v. Đọc Hồ Trường An là phải nhớ đến Hồ Biểu Chánh, người đi trước mà ông hâm mộ, nên đã lấy họ Hồ làm bút hiệu, chỉ khác là văn ông không dài lê thê như cụ Chánh.
Ở nước Mỹ rộng lớn này, trăm hoa đua nở, có rất nhiều nhà văn viết truyện ngắn. Tôi chỉ xin chọn lấy một cây bút tôi ưa thích. Đó là bác sĩ kiêm nhà văn Nguyễn Xuân Quang. Đúng ra nghề bác sĩ ít liên hệ đến viết lách, nhưng tôi nghĩ, nhờ có tí vốn liếng khoa học, nhãn quan của ông khoa học, chính xác và hợp lý hơn. Lối viết của Nguyễn Xuân Quang bạo dạn, mạnh khỏe, sắc như lưỡi dao giải phẫu. Ông hay dùng xen lẫn tiếng Anh, nhưng không dư thừa và không có tính khoe giỏi Anh ngữ. Dường như sau mỗi chuyến du lịch đến một tiểu bang khác, một nước khác, ông đều viết được mot truyện ngắn thực hay, lạ. Nguyễn Xuân Quang lấy chuyện đi chơi ở nơi đó, lồng vào một chuyện tình có thật hay hư cấu, có dục tình, pha lẫn một chút tình hoài hương, xót thương đất nước thân phận lưu đầy vào đó. Những truyện ngắn như Hái thận, Pho và Uống rượu Trường thành của ông vùa hấp dẫn vừa khám phá.
Tôi xin nhắc lại những điểm chính. Các bạn mới viết, các bạn trẻ muốn viết truyện, hãy viết truyện ngắn trước. Những người có khả năng có tài sẽ được nhận diện ra ngay. Cần thành thật, đừng gò bó, dao to búa lớn quá, đừng lập dị, bắt chước. Để làm hành trang lên đường nên có những yếu tố: Năng khiếu, môi trường thuận lợi và tự hỏi xem có máu di truyền văn nghệ hay không. Nếu không có ba yếu tố đó, nhưng lòng say mê viết lách quá nặng thì theo đuổi nghề văn khá vất vả. Nói thế không phải để chặn mầm non, mầm già, nhưng là sự thật.
Khởi đầu nên viết cho chính mình, hãy giải trí cho độc giả đã rồi hãy ôm hoài bão to lớn hơn. Những đường quyền cước, những bài múa gươm căn bản cần phải thuộc đã, sau đó muốn sáng chế ra bài bản nào, muốn lập ra môn phái nào thì cứ lập. Nên tả tâm lý nhân vật, vì diễn tả được điều này rất dễ thành công. Hãy tự nhiên, thoải mái khi viết, nên biết chọn lọc, bỏ bớt chi tiết không cần thiết, phải có kịch tính, nhất là kịch tính nội tâm và nên lấy chất liệu ở ngay chung quanh, đời sống hàng ngày.
DIỆU TẦN