Nhân Văn – Giai Phẩm là tên của hai đặc san xuất bản vào đầu năm 1956 tại Hà Nội, đã đăng những bài báo bị chế độ cộng sản kết án là đối kháng và không chấp nhận sự “lãnh đạo văn nghệ” của đảng. Chẳng những hai đặc san nầy bị đóng cửa mà các tác giả bị đấu tố, kết án và có người không chịu khuất phục nên bị trù giập suốt đời. Để hiểu rõ câu chuyện, hãy thử bắt đầu từ tổng quan hoàn cảnh nẩy sinh ra vụ án văn chương đối kháng nầy.
I.- TỔNG QUAN
1.- CHÍNH SÁCH VĂN HÓA CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM
Chế độ cộng sản Việt Nam là chế độ độc tài toàn trị, theo mẫu mực của chế độ cộng sản Liên Xô và cộng sản Trung Hoa, tức độc tài về mọi mặt, mọi sinh hoạt, như chính trị, kinh tế, tài chánh, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tư tưởng, thông tin, báo chí…
Về giáo dục, chính sách giáo dục của Việt Minh (VM) do Nguyễn Khánh Toàn (1905-1993) đưa về từ Liên Xô. Nguyễn Khánh Toàn là thứ trưởng bộ Giáo dục trong chính phủ VM ngày 3-11-1946. Tuy chỉ là thứ trưởng, nhưng Nguyễn Khánh Toàn nắm thực quyền trong bộ Giáo dục, còn bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên chỉ làm bù nhìn mà thôi. Nguyễn Khánh Toàn, có tên Nga là Minin, đã tòng học tại Học viện Thợ thuyền Đông phương (Université des Travailleurs d’Orient) ở Moscow (Liên Xô) từ năm 1928 đến năm 1931.
Nguyễn Khánh Toàn ứng dụng triết lý giáo dục của Liên Xô, gọi là “giáo dục phục vụ nhân dân” hay “giáo dục phục vụ chính trị”. Đó là nền giáo dục nhằm mục đích trên lý thuyết là phục vụ nhân dân, phục vụ công nhân lao động, nhưng trên thực tế là phục vụ chính trị, tức phục vụ chế độ do đảng CSĐD lãnh đạo.(1)
Giáo dục học đường nhắm mục đích phục vụ chính trị, phục vụ chế độ, thì chính sách văn hóa cũng không ngoài mục đích nầy. Khi chiến tranh xảy ra vào cuối năm 1946, dựa vào lý do phục vụ công cuộc kháng chiến chống Pháp, VM kiểm soát chặt chẽ tất cả các sinh hoạt văn hóa. Sách báo, thơ nhạc, kịch nghệ ở vùng VM rất hạn chế, chỉ xoay quanh chủ đề kháng Pháp, chiến thắng giặc “Tây”, và chủ đề nông nghiệp. Những nội dung lãng mạn bị hạn chế, bị kiểm điểm và dần dần hầu như bị cấm đoán.
Sau hiệp định Genève (20-7-1954), đất nước bị chia hai ở sông Bến Hải, ngang qua vĩ tuyến 17. Đảng Lao Động (LĐ) và Hồ Chí Minh cai trị phía Bắc (Bắc Việt). Hồ Chí Minh tiếp tục chính sách kiểm soát văn hóa, giới hạn các sinh hoạt văn hóa trong đường lối đảng.
Cần chú ý là cộng sản chỉ xem hiệp định Genève (20-7-1954) là cơ hội tạm thời hưu chiến, nghỉ dưỡng sức, và cài người ở lại miền Nam, “trường kỳ mai phục”, chuẩn bị tiếp tục chiến tranh chống miền Nam. (2) Sau năm 1954, để chuẩn bị gởi quân xâm lăng miền Nam, Cộng Sản Bắc Việt tìm cách ổn định tuyệt đối hậu cứ ở miền Bắc.
Lúc cộng sản mới tiếp thu miền Bắc, về phương diện chính trị, Hồ Chí Minh và đảng LĐ quyết áp đặt trên toàn miền Bắc chế độ độc tài đảng trị theo chủ thuyết Mác-Lê, khác hẳn với truyền thống văn hóa và chính trị của người Việt từ trước đến nay. Đảng LĐ đã đưa ra kế hoạch chiến lược dài hạn: quản lý chặt chẽ dân số toàn quốc, áp đặt nền kinh tế chỉ huy, và quản lý văn hóa tư tưởng theo đường lối cộng sản.
Về trị an xã hội, tháng 9-1955, nhà nước cộng sản ra lệnh “quản lý hộ khẩu”, theo bài bản của Liên Xô và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH). Tất cả công dân đều phải có sổ hộ khẩu [sổ gia đình] do công an địa phương cấp. Sổ hộ khẩu buộc chặt người dân ở yên một chỗ, rất khó xin chuyển đổi nơi cư trú. Nhà cầm quyền cộng sản dùng sổ hộ khẩu kiểm soát dân chúng, bắt lính dễ dàng. Không một thanh niên nào dám trốn tránh “nghĩa vụ quân sự”, vì nếu không thi hành chính sách của nhà nước, sổ hộ khẩu sẽ bị tịch thu, thì gia đình sẽ không còn cách gì làm ăn sinh sống được nữa.
Về kinh tế, đảng LĐ theo con đường kinh tế chỉ huy của Liên Xô và CHNDTH. Trước hết, CSVN nhắm ngay đến thành phần đông đảo nhất trong xã hội Việt Nam là nông dân. Cộng Sản tiếp tục thi hành Cuộc cải cách ruộng đất (CCRĐ) đợt 5 từ tháng 6-1955 cho đến tháng 7-1956, một cách gay gắt sắt máu hơn các cuộc cải cách trước, tổ chức đấu tố rùng rợn, hủy hoại cấu trúc hạ tầng cơ sở, triệt hạ toàn bộ các hào mục lãnh đạo xã thôn cũ để thay bằng lớp cán bộ cộng sản mới. Cuộc CCRĐ lần nầy giết hại 172,008 người.(3)
Tại thành phố, đối với các ngành sản xuất và thương mại, nhà nước cộng sản cho thi hành kế hoạch công tư hợp doanh. Dưới chế độ cộng sản, công tư hợp doanh có nghĩa là tư nhân đưa tài sản riêng của mình, tức là cơ sở riêng mình đang đầu tư, vào hợp doanh với nhà nước. Tất cả mọi doanh gia đều phải vào công tư hợp doanh. Ngày 24-11-1955, ban bí thư Trung ương đảng LĐ ra lệnh thiết lập hợp tác xã mua bán ở nông thôn và hợp tác xã tiêu thụ ở các thành phố,(4) nắm toàn bộ việc lưu thông và phân phối hàng hóa trong cả nước.
Về phương diện thông tin và văn hóa, ngay khi vừa về Hà Nội ngày 15-10-1954, Hồ Chí Minh và nhà cầm quyền cộng sản đưa ra một số quy định nghiêm cấm báo chí trong tháng 10-1954, đại để là: “Không được chống chính phủ và chế độ; không được xúi giục nhân dân và bộ đội làm loạn; không được nói xấu các nước bạn; không được tiết lộ các bí mật quân sự; không được đăng bài vở có phương hại đến thuần phong mỹ tục”.(5) Đây là bước đầu quản lý văn hóa tư tưởng giới trí thức văn nghệ sĩ thành phố.
2.- TÂM TÌNH GIỚI TRÍ THỨC VÀ VĂN NGHỆ SĨ BẮC VIỆT SAU 1954
Giới trí thức và văn nghệ sĩ chân chính là những người nhạy bén trước những hiện tượng xã hội và chính trị, nhất là vấn đề tự do dân chủ. Trong thời gian chiến tranh, giới trí thức và văn nghệ sĩ miền Bắc sống phân tán khắp nơi. Vì tinh thần đoàn kết, vì lý tưởng dân tộc, trong thời gian chiến tranh, các trí thức, văn nghệ sĩ đều nhẫn nhục, chấp nhận đặt mình vào kỷ luật, để cùng nhau đoàn kết chống Pháp. Cần chú ý, trước khi theo Việt Minh (VM), họ là những người đã từng sinh sống ở các thành phố và hấp thụ tinh thần tự do dân chủ của nền văn hóa Pháp.
Sau khi hòa bình được tái lập, giới trí thức và văn nghệ sĩ tập trung về Hà Nội, nên có cơ hội gặp nhau để bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm, và so sánh những hứa hẹn của Hồ Chí Minh và đảng LĐ trước kháng chiến với thực tại xã hội mới sau năm 1954. Dưới chế độ mới của cộng sản Hà Nội, người nghệ sĩ chẳng những cảm thấy cay đắng vì bất công xã hội, mà còn bị mất tự do, nhất là tự do tư tưởng và sáng tác. Họ bị bắt buộc phải theo sát giáo điều Mác xít và đường lối chính sách của nhà nước, đến nỗi có người đã phát biểu: “Hai năm hòa bình, chúng ta thấy nhiều nhà văn (trước kia) có tài, (ngày nay) bị buộc chặt vào địa vị, bằng những sợi lụa có tẩm độc. Tác phẩm của họ (ngày nay) chỉ là chỉ thị, kế hoạch, công văn, thông cáo…” (6)
Chính lối viết văn như thông cáo, làm thơ theo chỉ thị, đã gây dị ứng nơi những văn nghệ sĩ chân chính, nhất là khi đọc những bài thơ đại loại như:
“…Sta-lin! Sta-lin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng, con gọi Sta-lin! …”
(Tố Hữu, “Đời đời nhớ ông”, viết năm 1953) (HVC, sđd.200)
Hoặc:
“…Mẹ xưa chăm cháo, chăm cơm,
Đảng nay nuôi nấng còn hơn mẹ hiền.
Bệnh từ đời cũ liên miên,
Đảng trong thức ngủ chăm liền sớm hôm…”
(Xuân Diệu, “Trước đây bốn tháng”, viết năm 1953) (7)
Trước tình hình như vậy, thi sĩ Hữu Loan nhận xét:
“…Một điều đau xót,
Trong chế độ chúng ta
Trong chế độ “Dân chủ Cộng hòa”
Những thằng nịnh hót còn thênh thang đất sống…”
(“Cùng những thằng nịnh hót”) (8)
Trong bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” đăng trên Giai Phẩm Mùa Thu, tập 1 (Hà Nội, 1956), Phan Khôi chia giới văn nghệ sĩ lúc đó ở Bắc Việt thành hai giai cấp rõ rệt: đó là “lãnh đạo văn nghệ” và “quần chúng văn nghệ”.(9) “Lãnh đạo văn nghệ” còn được gọi là những “ông quan văn nghệ” gồm những người viết văn theo lệnh đảng LĐ, được đảng tin cậy và giao phó nhiệm vụ chỉ huy nền văn nghệ cộng sản.
Đứng đầu những “ông quan văn nghệ” là Tố Hữu, uỷ viên Trung ương đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương. Thứ đến là những người đã giác ngộ sâu sắc sau phong trào chỉnh huấn, ngoan ngoản vâng lệnh đảng LĐ, và được lãnh đạo đảng tin dùng, như Hoàng Xuân Nhị, Hoài Thanh (Nguyễn Đức Nguyên), Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Chương, Hồng Chương, Hà Xuân Trường, Chính Hữu, Như Phong (NMC, sđd. 83). Ngoài ra, phải kể thêm Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Thế Lữ. Nguyễn Tuân đã có lần can đảm tuyên bố một cách chua chát: “Tao còn sống đến bây giờ là còn biết sợ!” (10)
“Quần chúng văn nghệ” là những thành phần còn lại, yêu nước và yêu tự do dân chủ, không muốn bị gò bó trong khuôn khổ giáo điều và sự quản lý chỉ đạo của “lãnh đạo văn nghệ”. Thành phần quần chúng văn nghệ đông đảo hơn và hăng say tranh đấu cho tự do sáng tác. Họ không thể viết thẳng ra, nên chỉ nói bóng gió như Văn Cao trong bài thơ dài “Những người trên cửa biển”, đăng trên Giai Phẩm Mùa Thu tập 2, Hà Nội, tháng 10-1956:
“… Những con bạch tuộc
Bao nhiêu tay chân gìm chết một con người
Đất nước đang lên da lên thịt
Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày
Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải
Đã thấy loài sâu nằm trong cuống
Chúng muốn các em nhỏ mới biết đi phải rụng
Mòn mỏi dần sức vỡ đất khai hoang
Làm rỗng những con người, lùi dần niềm hy vọng
Héo dần mầm sáng tạo, mất phẩm giá con người….” (HVC, sđd. 225.)
3.- NHỮNG NHÀ VẬN ĐỘNG
Trước khi những văn nghệ sĩ Hà Nội thực sự cùng nhau bắt tay vào việc tranh đấu đòi hỏi tự do văn nghệ năm 1956, đã có nhiều nhà hoạt động văn hóa vận động, yểm trợ và thúc đẩy các văn nghệ sĩ trong việc đưa ra tiếng nói trung thực của mình để phản kháng chế độ cộng sản can thiệp thô bạo vào nền tự do tư tưởng. Đó là Nguyễn Hữu Đang, Thụy An Lưu Thị Yến, Trần Thiếu Bảo, Hoàng Cầm và Trần Dần.
Nguyễn Hữu Đang quê ở Thái Bình, tham gia những phong trào ái quốc rất sớm. Trước năm 1942, ông hoạt động trong phong trào “Truyền bá Quốc ngữ”. Có thể trong thời gian nầy, ông đã tiếp xúc với VM nên được VM phân công tham gia “Hội Văn hóa Cứu quốc” năm 1942. Khi VM cướp chính quyền năm 1945, tại Hà Nội, ông rất có uy tín trong giới trí thức, văn nghệ sĩ Hà Nội. Ông là trưởng ban tổ chức ngày lễ 2-9-1945 của VM tại Hà Nội, (11) và sau đó đã giữ chức thứ trưởng một bộ trong chính phủ Hồ Chí Minh. (NMC, sđd. 77).
Nguyễn Hữu Đang gia nhập đảng Cộng Sản năm 1947, lúc đó đảng nầy hoạt động trong vòng bí mật, nhưng ông lại ra khỏi đảng năm 1951, và bắt đầu lên tiếng đả kích những sai trái của đảng.(12) Trong thời gian ở Thanh Hóa khoảng 1952-1953, Nguyễn Hữu Đang làm tổng thanh tra Bình dân học vụ. Sau năm 1954, Trung ương đảng LĐ cho xe vào Thanh Hóa mời Nguyễn Hữu Đang ra Hà Nội, muốn nhận chức bộ trưởng nào thì nhận, mời sinh hoạt đảng trở lại, nhưng ông Đang đều khước từ.(13)
Nguyễn Hữu Đang là người đứng ra tập họp anh em, vận động ra báo. Trong vụ Nhân Văn, Nguyễn Hữu Đang lo việc quyên góp tài chánh, chạy mua giấy in, sắp đặt chuyện ấn hành, lại còn viết nhiều bài ký tên khác. Cách gây quỹ của ông rất khéo léo nên được nhiều người ủng hộ. Trong đợt học tập của các trí thức và văn nghệ sĩ từ ngày 1-8 đến 18-8-1956 ở Hà Nội, Nguyễn Hữu Đang đọc một bài tham luận mạnh mẽ, đả kích đường lối lãnh đạo văn nghệ của đảng LĐ.
Trần Thiếu Bảo: Nguyễn Hữu Đang quen thân với Trần Thiếu Bảo từ trước 1945. Trần Thiếu Bảo thuộc một gia đình giàu có ở Thái Bình. Ông mở nhà sách Minh Đức, vì vậy người ta còn gọi là ông Minh Đức. Sau nhà sách biến thành nhà xuất bản. Nhà xuất bản nầy cùng chủ lên chiến khu cho đến năm 1954 mới trở về Hà Nội.
Trong năm 1956, nhà xuất bản Minh Đức của Trần Thiếu Bảo đã đứng ra ấn hành các giai phẩm gồm có Giai Phẩm 1956 (sau nầy gọi là Giai Phẩm Mùa Xuân) Giai Phẩm Mùa Thu 1, 2 và 3, Giai Phẩm Mùa Đông, báo Nhân Văn từ số 1 đến số 6 (bị đóng cửa khi còn đang in), và giai phẩm Đất Mới (của sinh viên đại học Hà Nội, ra một số thì bị đình bản).
Thụy An Lưu Thị Yến là một nữ văn sĩ kỳ cựu, đã từng cộng tác với báo Phụ Nữ Tân Văn, (14) và là tác giả của tiểu thuyết Một linh hồn, mà theo nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trong sách Nhà văn hiện đại: “Một linh hồn đáng kể là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của phụ nữ Việt Nam từ trước cho đến nay, tác giả đã giàu tưởng tượng, lại xây dựng một cách vững vàng chắc chắn.”(15)
Thụy An thường đến sinh hoạt ở Hội Nhà văn, gặp gỡ nhiều văn nghệ sĩ. Bà là một nữ văn sĩ lớn tuổi kỳ cựu, trải qua nhiều trào lưu chính trị, có nhiều kinh nghiệm sống thực tế, lại rất hào phóng giúp đỡ anh em trong lúc khó khăn, nên bà được nhiều người quý mến. Bà phản đối chế độ cộng sản đã bần cùng hóa nhân dân, và bà khuyến khích giới văn nghệ nói lên tiếng nói lương tâm. Sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, trong bản tự kiểm, Lê Đạt viết về Thụy An như sau: “Mỗi lần ở nhà Thụy An ra là mỗi lần tôi thấy mình tài giỏi thêm và chán nản thêm, lòng tin tưởng của tôi mất dần khi Thụy An nói đến những con người không đất đứng và tôi cũng tự hỏi đất đứng của mình ở đâu?”(Thụy Khê, bđd.).
Hoàng Cầm: Người đầu tiên vận động đòi hỏi tự do văn nghệ ngay từ lúc còn ở trong chiến khu có lẽ là Hoàng Cầm. Năm 1950, trong một hội nghị văn công tổ chức ở Việt Bắc, Hoàng Cầm, lúc đó phụ trách đoàn Văn công quân đội khu Việt Bắc, đã phát biểu: “Đảng không nên nhúng tay vào chuyên môn của nghệ thuật”. Về Hà Nội sau khi hòa bình tái lập năm 1954, tuy được cử làm đoàn trưởng Đoàn kịch Tổng cục chính trị trong quân đội, Hoàng Cầm vẫn tiếp tục đòi hỏi tự do cho giới văn nghệ. Ông cùng với Trần Dần quyết tranh đấu cho việc cởi trói văn nghệ, nhưng thất bại nên ông xin ra khỏi quân đội và từ nhiệm.(16)
Trần Dần (1926-1997): Trần Dần sinh năm 1924 tại Nam Định, theo kháng chiến chống Pháp, vào bộ đội rồi vào đảng LĐ. Ông phụ trách tuyên truyền, điều khiển đoàn văn công. Năm 1951, ông đổi qua viết báo Cứu Quốc và giảng dạy về văn nghệ nhân dân và chính sách lãnh đạo văn nghệ của đảng trong các lớp đào tạo văn công.
Ông bị cấp trên phê bình giảng sai đường lối. Ông lại ra tiền tuyến, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Cảm xúc trước sự hy sinh lớn lao của những đồng đội trong trận Điện Biên Phủ, Trần Dần sáng tác quyển ký sự Người người lớp lớp. Nhờ sách nầy, sau khi hòa bình được tái lập năm 1954, Trần Dần được cử sang CHNDTH để viết lời dẫn truyện bằng tiếng Việt cho phim “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, do cộng sản Việt Nam diễn lại, cán bộ CHNDTH thu hình, và mang về CHNDTH thu âm. (HVC, sđd. 98-99).
Trong chuyến công tác nầy, một viên cán bộ chính trị được đảng LĐ gởi theo kèm Trần Dần. Đáng lẽ chỉ làm công việc cố vấn cho đúng đường lối đảng, y chỉnh lại bài viết của Trần Dần từng lời, từng chữ, đôi khi còn đọc cho Trần Dần viết. Trần Dần đưa vấn đề lên cấp trên xin giải quyết, nhưng lãnh đạo trả lời rằng cán bộ chính trị có quyền quyết định mọi việc. Điều nầy khiến Trần Dần rất bất mãn, và xin ngưng viết thuyết minh cho phim.
Trước khi trở về Việt Nam, Trần Dần đọc được lá thư của nhà văn Trung Quốc là Hồ Phong gởi Uỷ ban Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) vào tháng 7-1954.(17) Hồ Phong phản đối “năm nhát dao” mà đảng găm vào não trạng những nhà văn cách mạng. Đó là: “Ý hệ cộng sản cưỡng bách, cảm hứng chỉ rút ra từ đời sống công nhân và nông dân, giáo dục lại và cải tạo ý hệ, hình thức do đảng áp đặt, và đề tài do đảng quy định.”(18) Từ đó, Trần Dần luôn luôn bị ám ảnh bởi vấn đề tương quan giữa nghệ thuật và chính trị, nên khi trở về Việt Nam, Trần Dần tích cực vận động đòi hỏi nền tự do văn nghệ ở đất Bắc thời bấy giờ.
Chính do những vận động và hỗ trợ của các nhân vật trên đây, từ Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, đến Thụy An Lưu Thị Yến, và nhất là Trần Dần trong giới văn nghệ sĩ, đã đưa đến sự bùng nổ của vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm.
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, Canada)
CHÚ THÍCH
1. Phỏng vấn các giáo sư lớn tuổi đã tham gia công việc giáo dục thời Việt Minh vào năm 1945. Bản thân người viết đã nói chuyện với các cán bộ giáo dục cộng sản sau năm 1975 tại Đà Nẵng, và được nghe kể rằng chủ thuyết giáo dục nầy do bộ trưởng Liên Xô là Kalenikov (?) đưa ra.
2. Trước khi hiệp định Gènève được ký kết ngày 20-7-1954, Châu Ân Lai đã mời (gọi) Hồ Chí Minh qua Liễu Châu họp từ ngày 3 đến ngày 5-7-1954, để truyền đạt quyết định của CHNDTH. Ngoài việc yêu cầu Việt Minh (VM) nên giải quyết riêng biệt chuyện Việt, Lào và Cambodia, chấp nhận chia hai nước Việt Nam, Châu Ân Lai còn bàn thêm rằng, sau khi chia hai Việt Nam, VM rút quân về phía bắc, nhưng không có nghĩa là VM rút hết võ khí mà võ khí nào cất giấu được thì phân tán mà cất, để tránh bị phát hiện. Về phía phái đoàn VM, Võ Nguyên Giáp, cho biết, nếu phải rút đi, thì chỉ rút những người làm công tác chính trị bị lộ diện, phần còn lại thì ở lại chờ thời cơ, có thể từ 5,000 đến 10,000 người. (Tiền Giang, Chu Ân Lai dữ Nhật-Nội-Ngõa hội nghị [Chu Ân Lai và hội nghị Genève] Bắc Kinh: Trung Cộng đảng sử xuất bản xã, 2005, bản dịch của Dương Danh Dy, tựa đề là Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954, chương 27 “Hội nghị Liễu Châu then chốt” , và chương 28 “Lãnh tụ đã quyết thì vũ trụ cũng chẳng là cái gì”. Nguồn: diendan@diendan.org. (trích 1-2-2009.)
3. Đặng Phong, Lịch sử kinh tế Việt nam 1945-2000, tập 2, Hà Nội: Nxb. Khoa Học Xã Hội, 2005, tr. 85.
4. Chính Đạo, Việt Nam niên biểu 1939-1975, tập I-C: 1955-1963, Houston: Nxb. Văn Hóa, 2000, tr. 79. (Viết tắt: CĐ, I-C, sđd. tr.)
5. Hoàng Văn Chí, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, Sài Gòn: Mặt trận Bảo vệ Tự do Văn hóa, 1959, tr. 31. (Viết tắt: HVC, sđd. tr.)
6. Phát biểu của thi sĩ Hoàng Huế gởi Đại hội Văn nghệ Toàn quốc, đăng trên Giai Phẩm Mùa Xuân, Hà Nội, 1956. (HVC, sđd. tt. 11, 12.)
7. Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam máu lửa, California: Xuân Thu, tái bản 1989, tr. 430. (Viết tắt: NKT, sđd. tr.)
8. Giai Phẩm Mùa Thu tập 2, Hà Nội 1956. (HVC, sđd. tr. 245.)
9. Phan Khôi, “Phê bình lãnh đạo văn nghệ”. (HVC đăng lại, sđd. tt. 59-72.)
10. Tuyển tập Trăm hoa vẫn nở trên quê hương, California: Nxb. Lê Trần, 1990, tr. 20, bài của Thân Trọng Mẫn: “Từ phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đến Cao trào văn nghệ phản kháng 1986-1989”.
11. Nguyễn Minh Cần, Công lý đòi hỏi, California: Nxb. Văn Nghệ, 1997, tr. 57. (Viết tắt: NMC, sđd. tr.)
12. Thụy Khuê, “Hồ sơ Nhân Văn Giai Phẩm”, http://members.aol.com/vnbook6/lib54.htm
13. Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc Hội, California Nxb. Văn Nghệ, 1995, tr. 278. (Viết tắt: NVT, sđd. tr.)
14. Phụ Nữ Tân Văn: Thành lập tại Sài Gòn năm 1929 do Phan Khôi làm chủ bút. Năm 1932, báo tạm đình bản vì lý do tài chánh. Năm 1935 báo tục bản cho đến 1939.
15. Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại [gồm 5 tập, đánh số trang từng tập], Nxb. Tân Dân, Hà Nội, 1942, quyển 4, tập hạ, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1987, in lại thành 2 tập, đánh số trang liên tục, tr. 1119.
16. Nguyễn Hưng Quốc, Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản, California: Nxb. Văn Nghệ, 1991, tr. 148. (Viết tắt: NHQ, sđd. tr.)
17. Hồ Phong (Hu Feng, 1903-1985), người Trung Hoa, là nhà phê bình văn học, nhà thơ, nhà luận văn, dường như không gia nhập đảng Cộng Sản. Ông là một người Mác xít độc lập và có nhiều ảnh hưởng, thường dự vào những cuộc tranh luận tư tưởng lớn với giới cộng sản chính thống trong suốt hai thập niên 30 và 40. Ông tin rằng giá trị văn học đứng trên ý hệ và chính trị, những nhân vật văn học có tính cách phổ quát, không khuôn sáo, và văn chương có thể mô tả mọi người chứ không nhất thiết một giai cấp nào đó. Năm 1949, khi cộng sản nắm quyền ở Trung Hoa, dầu ông giữ nhiều chức vụ trong ngành văn hóa, ông không bao giờ chịu uốn theo đường lối chính thống. Ông bị tố cáo phản cách mạnh và bị cầm tù từ 1955 đến 1981 mới được thả ra và được phục hồi danh dự.
18. Georges Boudarel, Cent fleurs écloses dans la nuit du Viet Nam, communisme et dissidence 1954-1956 [Trăm hoa đua nở trong đêm Việt Nam, cộng sản và ly khai 1954-1956], Éditions Jacques Bertoin, Paris, 1991, tr. 58. Nguyên văn: “Hu Feng y critique les “cinq poignards” plongés dans le cerveau des écrivains révolutionaires: “Idéologie communiste obligatoire, inspiration uniquement tirée de la vie des ouvriers et des paysans, rééducation et réforme idéologique, formes imposées par le parti, sujets fixés par le parti.” (Viết tắt: GB sđd. tr.)