Nhân Văn – Giai Phẩm là tên của hai đặc san xuất bản vào đầu năm 1956 tại Hà Nội, đã đăng những bài báo bị chế độ cộng sản kết án là đối kháng và không chấp nhận sự “lãnh đạo văn nghệ” của đảng. Chẳng những hai đặc san nầy bị đóng cửa mà các tác giả bị đấu tố, kết án và có người không chịu khuất phục nên bị trù giập suốt đời. Để hiểu rõ câu chuyện, hãy thử bắt đầu từ tổng quan hoàn cảnh nẩy sinh ra vụ án văn chương đối kháng nầy.
II.- CUỘC ĐỐI KHÁNG
1. NHỮNG BIẾN CỐ DẪN ĐƯỜNG
Trần Dần không bao giờ quên những gì ông đọc được trong lá thư của Hồ Phong. Lúc đầu, ông cùng một số văn hữu trong quân đội như Hoàng Cầm, Tử Phác, Đỗ Nhuận, Trúc Lâm, Hoàng Tích Linh, sau đó vào cuối năm 1954, nhiều nhà văn khác cùng tham gia, soạn thảo một “bản đề nghị chính sách văn hóa”. Bản đề nghị nầy được đưa lên các cấp lãnh đạo vào đầu nằm 1955.
Bản đề nghị xoay quanh ba điểm: Thứ nhất, trả văn học nghệ thuật cho văn nghệ sĩ. Thứ hai, thành lập một tổ chức văn học nghệ thuật trong quân đội; tổ chức nầy liên hệ trực tiếp với Hội Văn Nghệ trung ương, không cần phải thông qua bộ phận thông tin tuyên truyền của Tổng cục chính trị. Thứ ba, loại bỏ những quy định quân sự hiện hành trong tổ chức văn học nghệ thuật quân đội. (GB, sđd.32, 88).
Những ý kiến đề nghị của các văn nghệ sĩ trên đây cho thấy, lúc đó họ vẫn chấp nhận sự lãnh đạo của đảng LĐ, nhưng lại yêu cầu đảng LĐ thay đổi cách quản lý văn nghệ trong quân đội, đừng can thiệp vào công cuộc sáng tác của nhà văn. Những ý kiến nầy được nhiều viên chức cao cấp trong đảng và quân đội chia sẻ, đặc biệt có đại tá Lê Liêm, chính uỷ mặt trận Điện Biên Phủ, cùng các tướng Trần Độ, Lê Quang Đạo. Tuy nhiên, một nhân vật quan trọng trong quân đội lúc đó, tướng Nguyễn Chí Thanh, uỷ viên bộ chính trị đảng LĐ từ 1951, chủ nhiệm Tổng cục chính trị, phản đối kịch liệt và loại bỏ ngay bản đề nghị nầy (GB, sđd.254-255).
Bản đề nghị sửa đổi cách lãnh đạo văn nghệ còn đang được dư luận bàn tán, thì xảy ra việc thơ Tố Hữu bị đả kích. Tố Hữu (1920-2002), người Thừa Thiên, tên thật là Nguyễn Kim Thành, gia nhập đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1938. Ông là một trong những người cầm đầu cuộc cướp chính quyền tại Huế năm 1945, và được bầu làm uỷ viên Trung ương đảng năm 1951. Từ lúc đó, ông làm trưởng ban Tuyên giáo [tuyên truyền và giáo dục] trung ương, nắm trong tay vận mạng nền văn hóa, văn nghệ của Bắc Việt. Thơ ông nặng tính truyên truyền, hết mình ca ngợi các nước cộng sản và các lãnh tụ cộng sản như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh.
Ngày 4-3-1955, tại Hà Nội diễn ra cuộc họp các văn nghệ sĩ để phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, ấn hành vào cuối năm 1954 với số lượng lớn lao là 20,000 bản.(19) Trong khi các văn thi sĩ nhà nước đua nhau ca tụng Tố Hữu thì Trần Dần, Hoàng Cầm, Hoàng Yến, Lê Đạt (tên thật là Đào Công Đạt) lại đưa ra những điểm yếu kém của thơ Tố Hữu. Trần Dần nhận xét rằng thơ Tố Hữu “nhỏ bé nhạt nhẽo trước cuộc sống vĩ đại, và mắc một sai lầm nghiêm trọng là sùng bái cá nhân, thần thánh hóa lãnh tụ”.(20) Lời bình phẩm nầy chẳng những chê bai Tố Hữu mà còn đụng chạm đến những lãnh tụ cộng sản trên thế giới mà Tố Hữu đã tình nguyện thương yêu gấp mười lần so với tổng cộng các thành viên trong gia đình ông ta.(“Thương cha, thương mẹ, thương chồng,/Thương mình thương một, thương ông thương mười”, thơ Tố Hữu, “Đời đời nhớ ông”).
Theo Hoàng Cầm viết trên báo Văn Nghệ, Hà Nội, số 67, thơ Tố Hữu “giống như một vại nước to, đầy tràn, pha loãng một màu sữa. Loãng quá, tôi thèm một cốc dù nhỏ thôi nhưng chan chứa những chất nuôi sống một tâm hồn.”(NHQ, sđd.146). Còn Lê Đạt, trên báo Văn Nghệ số 68 thì cho rằng: “Thơ Tố Hữu đứng về một phương diện nào mà nói là thơ có ích. Tố Hữu có nhiều cố gắng phục vụ công tác chính trị…Thơ Tố Hữu là những bài học chính sách tốt. Nhưng những bài học chính sách tốt chưa phải là đã hiện thực, đã công nông. Vấn đề nội dung, tôi nhắc lại, căn bản là cái điệu tâm hồn của tác giả.”(NHQ, sđd.146)
Điều nầy chẳng những làm cho Tố Hữu , mà cả các cán bộ lãnh đạo văn nghệ giận dữ, đến nỗi có người đã thốt ra: “Địch nó không mong gì hơn chúng ta chê thơ Tố Hữu”.(21)
Trong lúc đó, Trần Dần lại đang lấn cấn vụ cưới vợ. Trần Dần yêu và muốn kết hôn với cô K., một người theo Ky-Tô giáo, con của một gia đình giàu có ở Hà Nội đã di cư vào Nam. Cô K. sống nhờ vào tiền cho thuê nhà do cha mẹ để lại, nên bị xếp vào thành phần bóc lột. Đảng LĐ không chấp thuận cuộc hôn nhân nầy. Trần Dần khuyên người yêu giao nhà cửa của cha mẹ cho “Ban quản lý tài sản của những người vắng mặt”, chịu sống cực khổ để có thể cùng nhau lập gia đình. Dầu vậy, đảng LĐ cũng không cho phép. Trần Dần cứ mặc nhiên đến phố Sinh Từ, nơi có nhà cô K., sống chung với người yêu. Cộng sản liền thuyên chuyển ông lên Việt Bắc. Viện cớ đau yếu, Trần Dần xin nghỉ việc, bỏ về Hà Nội và nạp đơn xin ra khỏi đảng LĐ cũng như ra khỏi quân đội vào giữa tháng 5-1955 (GB, sđd.126).
Đảng LĐ quyết định khai trừ Trần Dần, nhưng quân đội giữ ông lại, vì sợ rằng khi trở về đời sống dân sự, ông sẽ gây nhiều tai tiếng nguy hại hơn. Trần Dần bị bắt giam trong ba tháng (lần thứ nhất), từ tháng 7 đến tháng 9-1955 thì được thả ra với bản án kỳ lạ “cấm sáng tác” (NMC, sđd. tr. 18). Trong thời gian bị giam (lần thứ nhất), ông sáng tác bài thơ dài trên 300 câu nhan đề “Nhất định thắng”, và ông đã giao bài thơ nầy cho Lê Đạt khi ra khỏi tù. (Bài thơ nầy là đề tài để cộng sản tố khổ Trần Dần).
Để chỉnh đốn tư tưởng Trần Dần, người ta gởi ông về nông thôn quan sát cuộc CCRĐ. Trần Dần lợi dụng cơ hội nầy, về thăm người yêu và liên lạc với các văn thi hữu như Lê Đạt, Hoàng Cầm, sửa soạn và hối thúc ra mắt Giai Phẩm 1956 (GB, sđd.128, 132).
Một sự kiện gây xôn xao dư luận văn nghệ, có tính châm biếm cán bộ văn hóa nhà nước, liên quan đến nhà văn lão thành Phan Khôi (1887-1960). Đầu năm 1956, người ta giao cho Phan Khôi dịch một quyển sách từ tiếng Pháp qua tiếng Việt. Trong sách có chữ “pomme de terre”. Phan Khôi dịch chữ đó là “khoai nhạc ngựa”. Khi phê bình sách nầy, báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền của đảng LĐ, chê Phan Khôi già nua, lẩm cẩm và dịch sai. Tác giả bài phê bình viết rằng chữ “pomme de terre” phải dịch là “khoai tây”, sao lại dịch thành “khoai nhạc ngựa”?
Phan Khôi trả lời đại ý như sau: Ai cũng biết “pomme de terre” là “khoai tây”, nhưng lâu nay cán bộ phụ trách cấm ông dùng chữ “tây” và chữ “Tàu”. Ví dụ khi ông dùng chữ “đường tây” thì bị sửa lại là “đường kính”; khi ông viết “chè Tàu” thì bị sửa thành “chè Trung Quốc”, “thịt kho Tàu” thì đổi thành “thịt kho Trung Quốc”. Do đó, để chiều ý lãnh đạo, lần nầy, chữ “pomme de terre”, ông không dịch là “khoai tây”, mà dịch là “khoai nhạc ngựa”, vì tiếng Trung Quốc gọi là “mã linh thự”.(22) Lối viết thật là thâm thúy mà không thể bắt bẻ được.
Những sự kiện nầy là những triệu chứng đầu tiên về một cuộc phản kháng lớn hơn sẽ diễn ra ngay sau đó, với sự xuất hiện của Giai Phẩm 1956 hay Giai Phẩm mùa Xuân.
2.- GIAI PHẨM XUẤT HIỆN
GIAI PHẨM 1956: Nhân dịp Tết nguyên đán năm bính thân (1956), vào đầu tháng 2-1956, tại Hà Nội xuất hiện đặc san Giai Phẩm 1956 do nhà xuất bản Minh Đức của Trần Thiếu Bảo ấn hành.(23) (Giai phẩm nầy về sau được gọi là Giai Phẩm Mùa Xuân, vì cũng trong năm 1956 xuất hiện thêm các Giai Phẩm Mùa Thu tập 1, Giai Phẩm Mùa Thu tập 2, Giai Phẩm Mùa Thu tập 3, và Giai Phẩm Mùa Đông.)
Đây là một tập họp sáng tác của các văn nghệ sĩ không chấp nhận sự “lãnh đạo văn nghệ”, thuộc thành phần đối kháng với nhà cầm quyền cộng sản. Giai phẩm nầy được đánh dấu bằng ba bài quan trọng là “Cái chỗi quét rác rưởi” của Phùng Quán, “Ông bình vôi” (thơ) của Lê Đạt, và “Nhất định thắng” (thơ) của Trần Dần.
Phùng Quán (1932-1995), nguyên quán Thừa Thiên, cháu gọi Tố Hữu bằng cậu, gia nhập quân đội Việt Minh ở Thừa Thiên, sau năm 1954 tập kết ra Hà Nội. Trong bài “Cái chỗi quét rác rưởi”, Phùng Quán cho rằng dưới chế độ ông đang sống, có quá nhiều rác rưởi làm dơ bẩn xã hội, và ông tình nguyện dùng văn chương quét sạch những rác rưởi đó.(24)
Lê Đạt đã mượn hình tượng “Ông bình vôi” để chống tệ nạn tôn sùng cá nhân, là căn bệnh trầm kha của chế độ cộng sản:
“Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại. “(24)
Đặc biệt bài thơ dài trên 300 câu của Trần Dần, chịu ảnh hưởng của bút pháp Maiakovski,(25) mô tả cảm nghĩ và cuộc sống của hai người yêu nhau ở phố Sinh Từ, Hà Nội trong giai đoạn giao thời, dân chúng bỏ miền Bắc di cư vào Nam. Theo lời Hoàng Cầm trong bài “Con người Trần Dần” đăng trên Nhân Văn số 1, xuất bản tại Hà Nội ngày 20-9-1956, thì Trần Dần giao bài thơ nầy cho Lê Đạt trước khi đi quan sát đoàn CCRĐ. Hoàng Cầm đã đem đăng vào Giai Phẩm Mùa Xuân. Trong bài thơ nầy có những câu được lặp lại nhiều lần như một điệp khúc:
“Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.” (HVC, sđd.103)
Những câu sau đây của bài “Nhất định thắng” đã bị quy chụp là ám chỉ lãnh tụ:
“…Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Tôi bỗng nghe những tiếng thì thầm
Tiếng người nói xen tiếng đời ầm ã.
– Chúng phá hiệp thương!
– Liệu có hiệp thương?
– Liệu có tuyển cử?
– Liệu tổng hay chẳng tổng?
– Liệu đúng kỳ hay chậm vài năm?
Những câu hỏi đi giữa đời lỏng chỏng.
Ôi! Xưa nay Người vẫn thiếu tin Người
Người vẫn thường kinh hoảng trước tương lai…” (HVC, sđd.108)
Chữ “Người” viết hoa dưới chế độ cộng sản Hà Nội chỉ dùng để chỉ Hồ Chí Minh hay các lãnh tụ cộng sản như Lenin, Stalin hay Mao Trạch Đông. Trong bài thơ nầy, Trần Dần lại dùng chữ “Người” viết hoa. Đảng LĐ quy chụp rằng Trần Dần muốn ám chỉ lãnh tụ của họ. Dựa vào điều nầy, nhà cầm quyền Hà Nội ra lệnh tịch thâu Giai Phẩm 1956, và ngày mồng 2 Tết Bính Thân (13-2-1956), khi Trần Dần từ phố Sinh Từ trở về đơn vị quân đội, ông bị bắt giam lần thứ hai. Lần nầy ông cũng phải ngồi tù ba tháng. (GB, sđd.134).
3.- PHẢN ỨNG CỦA “LÃNH ĐẠO”
Trong khi Trần Dần ở trong tù, các nhà văn của chính quyền trong Hội Văn nghệ (sau nầy là Hội Nhà văn) đã phê bình đả kích đặc san Giai Phẩm 1956. Đặc biệt, tại trụ sở hội Văn nghệ Hà Nội, người ta tổ chức một buổi phê bình thơ Trần Dần, có khoảng 150 người tham dự, từ 7 giờ tối đến 1 giờ sáng, nhưng thực tế để kết tội Trần Dần. Hoài Thanh viết bài tham luận “Vạch trần tính cách phản động trong bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần”, đăng trên báo Văn Nghệ số 110, ra ngày 17-3-1956, ghép Trần Dần vào tội phản động.(26) Ở đây cần chú ý thủ đoạn của cộng sản: họ không đả kích tập thể các văn thi sĩ trong nhóm Giai Phẩm, mà tách ra đả kích riêng từng người, bắt đầu là Trần Dần để cô lập thi sĩ nầy.
Tiếp tay với Hoài Thanh để mạt sát Trần Dần và các văn sĩ trong Giai Phẩm, còn có những tên tuổi như Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi. Nhà thơ Hoàng Cầm kể lại: “… Người ta cho rằng bè phái độc quyền trong giới văn nghệ sĩ bị công kích (bắt đầu từ cuộc phê bình tập thơ Việt Bắc) đã tìm cách giả thù. Trần Dần, Tử Phác đều bị tống giam. Cái nút thứ hai khốc liệt hơn của tấn thảm kịch Trần Dần…Từ những ngày Tết mưa lã chã, cái bè phái độc quyền trong văn nghệ bắt đầu họp đứng họp ngồi để tìm cách đối phó với cái Giai Phẩm. Một không khí ngạt thở đè nặng lên những anh em có bài trong tập sách đó. Rồi đến một đêm, bài thơ “Nhất định thắng” bị đem ra luận tội…Thôi thế là đêm luận tội nầy đã đóng một cái án tử hình xuống một bài thơ, xuống một con người, đồng thời là sự đe dọa nặng nề chung cho anh em văn nghệ sĩ đang muốn tìm những lối sáng tác khác với cái bè phái kia…”(27)
Ở trong tù, Trần Dần rất uất ức, dùng dao cạo râu cứa cổ tự tử, nhưng bị các cán bộ cộng sản cản trở không cho chết, vì sợ tiếng vang. Sau nầy ông mang một vết sẹo dài ở cổ.
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, Canada)
CHÚ THÍCH
19. Georges Boudarel, sđd. tr. 119. Cũng theo Boudarel, trong khi đó, thơ của thi sĩ Hoàng Cầm chỉ được in 1,000 bản. Boudarel trích dẫn danh sách các tác phẩm văn chương xuất bản trong các năm 1954, 1955 của nhà cầm quyền Hà Nội.
20. Hoàng Cầm, “Con người Trần Dần”, Nhân Văn số 1, Hà Nội, ngày 20-9-1956. Tài liệu từ Internet: http://members.aol.com/canhen/nhvan1.htm
21. Trần Công trích ghi lại, “Chống bè phái trong văn nghệ”, Nhân Văn số 1, báo đd.
22. Hoàng Văn Chí, sđd. tr. 24. [Người Trung Hoa gọi là mã linh thự tức khoai nhạc ngựa vì khoai tròn, nhỏ, mọc từng chùm như cái lục lạc treo ở đầu ngựa. Người Việt gọi là khoai tây vì do người Tây dương (Âu châu) du nhập vào Việt Nam.]
23. Theo tác giả Hoàng Văn Chí sđd. tr. 24 thì Giai Phẩm 1956 ra mắt tháng 3-1956. Tuy nhiên có hai điều cần chú ý: thứ nhất, mồng 1 Tết Bính Thân nhằm ngày 12-2-1956, báo xuân thường ra trước Tết; thứ hai vì bài thơ “Nhất định thắng” đăng trên Giai Phẩm 1956 mà Trần Dần bị bắt ngày mồng 2 Tết Bính Thân (13-2-1956). Vậy báo Giai Phẩm 1956 ra trễ nhất là trước Tết, vào đầu tháng 2-1956.
24. Hoàng Văn Chí, sđd. tr. 24. Lê Đạt tên thật là Đào Công Đạt, đã từng là thư ký riêng của tổng bí thư Trường Chinh trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp. (Phần chú thích của Thông Điệp Xanh trong bài “Dạ ký”, truyện ngắn của Phùng Cung, http://members.aol.com/canhen/nhanvan17.htm
25. Georges Boudarel, sđd. tr. 128. [Maiakovski (Vladimir Vladimirovich, 1893-1930): sinh ở Georgia (Nga), nhà thơ, nhà soạn kịch Xô Viết thuộc trường phái “Tương lai”, mạnh mẽ tuyên dương cách mạng năm 1917. Ông cách tân về nhịp điệu và hành văn để diễn tả cảm thức con người mới trong thời đại cách mạng. Tác phẩm: Lenin (1924), Rất tốt (1927), Con rệp (kịch, 1928, châm biếm tệ nạn quan liêu Xô Viết). Ông tự sát năm 1930.]
26. Phan Khôi, “Phê bình lãnh đạo văn nghệ”, Giai Phẩm Mùa Thu tập 1, Hà Nội 1956, Hoàng Văn Chí, sđd. trích đăng, tr. 67. Georges Boudarel, sđd. tr. 135. Riêng bài viết của Hoài Thanh, chúng tôi không có bản tiếng Việt, nên đề bài của Hoài Thanh chúng tôi dịch lại bản dịch của Boudarel: “Dévoilons le caractère réactionnaire du poème “Nous vaincrons!” de Tran Zan” (Vạch trần tính cách phản động trong bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần).
27. Hoàng Cầm, “Con người Trần Dần”, báo Nhân Văn số 1, Hà Nội, ngày 20-9-1956. Tài liệu rút từ Internet: http://members.aol.com/canhen/nhanvan17.htm