Cho đến nay bộ môn biên khảo văn học còn là một mảnh đất không có nhiều người khai phá. Kể từ khi chữ Nho được thay thế bằng chữ Quốc Ngữ, những nhà biên khảo có cái vốn Tây học gặp trở ngại rất lớn khi nghiên cứu về nền văn học lịch triều vì không tinh thông Hán học.
Từ đầu thế kỷ 20, ý thức được nguy cơ những tài liệu bằng Hán Nôm sẽ bị mai một theo thời gian, một số các nhà trí thức đã cổ võ cho phong trào hồi cựu nhằm phát huy những tinh hoa của cổ học. Nhiều nhà cựu học đã đem công sức dịch thuật thơ văn cũng như các tác phẩm từ thế kỷ thứ 19 trở về trước, tuy nhiên những cố gắng của họ mới chỉ đạt được những thành quả khiêm nhượng.
THÀNH QUẢ CỦA PHONG TRÀO HỒI CỰU
Phạm Quỳnh (1) và nhóm Nam Phong Tạp Chí (2) rồi tới nhóm Thanh Nghị (3), Tri Tân (4) đã nỗ lực nghiên cứu kho tàng văn học Hán Nôm nhưng kết quả chưa được bao nhiêu, phần nhiều chỉ gồm các thơ văn lẻ loi, các tài liệu rải rác được phiên dịch từ Hán Nôm ra chữ Quốc Ngữ, nói chung, đây mới chỉ là những mảnh vụn của văn học Việt Nam.
Trên tạp chí Tri Tân học giả Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố (5) đã có công viết nhiều bài khảo luận đính chính những bài văn cổ giúp cho việc chú giải thơ văn sau này được dễ dàng và chính xác hơn. Trên tờ Thanh Nghị số 31 (16/02/1943) và số 32 (01/03/1943) học giả Hoàng Xuân Hãn (6) đưa ra ánh sáng tập Mai Đình Mộng Ký của Nguyễn Huy Hổ (7). Năm 1944 Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm (8) ra đời. Đây là bộ Văn Học Sử đầu tiên và là một công trình khảo cứu rất công phu và giá trị nhưng tiếc rằng còn quá tóm lược, các tác giả và tác phẩm viết bằng Hán Nôm chỉ được đề cập đến một cách khái quát, sơ sài. Những cố gắng của Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính (9), Nguyễn Hữu Tiến (10), Trần Trọng Kim (11), Dương Quảng Hàm, Đào Duy Anh (12), Trần Văn Giáp (13), Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân Hãn… tuy giúp chúng ta có một cái nhìn tổng quát về nền văn học lịch triều nhưng còn rất nhiều vấn đề cần được tìm hiểu xâu xa và cặn kẽ hơn. Điều này không thể thực hiện được do sự thiếu sót tài liệu. Đây là trở ngại chính yếu và lớn nhất trong lãnh vực biên khảo văn học Hán Nôm.
NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ THIẾU SÓT TÀI LIỆU VĂN HỌC
Học giả Trần Văn Giáp đã thiết lập được một bảng Thư Mục và cho biết những sách nào còn được lưu trữ tại Trường Viễn Đông Bác Cổ (14) ở Hà Nội. Sau này ông sửa chữa, bổ sung thành tác phẩm Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam (15) gồm các tác gia từ thế kỷ thứ 11 đến năm 1945. Tác phẩm này có thể coi như kim chỉ nam hữu ích cho các nhà biên khảo trong việc đi tìm tài liệu tham khảo. Về thời kỳ văn học Hán Nôm, tác giả đã dùng một số sách Sử Chí, Đăng Khoa Lục, Thi Văn Tuyển Tập làm tài liệu cơ sở mà phần chính căn cứ vào mục Văn Nghệ Chí trong bộ Đại Việt Thông Sử của Lê Quí Đôn (16) ghi chép các sách từ đời nhà Lý đến cuối đời nhà Lê, và mục Văn Tịch Chí trong bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (17) ghi chép những sách được soạn từ đời nhà Lý đến đời Nguyễn Tây Sơn. Văn Nghệ Chí ghi nhận được 115 tác phẩm, Văn Tịch Chí ghi được 214 tác phẩm nhưng đa số chỉ có tên sách, không ai biết nội dung các tác phẩm này ra sao.
Tình trạng các tác phẩm chữ Hán Nôm của ta bị thất truyền có nhiều nguyên nhân. Trước tiên là các văn gia thuở trước vì đức khiêm cung của nhà Nho đã không muốn phổ biến rộng rãi tác phẩm của mình trong quần chúng. Các sáng tác thi văn chỉ dành cho bạn hữu thưởng thức, giữ trong tủ sách gia đình lưu lại cho con cháu mà thôi. Ngoài yếu tố chủ quan của văn gia, việc quảng bá các tác phẩm còn bị ảnh hưởng bởi những điều kiện khách quan như ấn loát, lưu trữ và độc giả.
1. YẾU TỐ ĐỘC GIẢ
Người đọc sách ngày xưa thuộc giới Nho sĩ. Để tiến thân bằng cử nghiệp, Nho gia chỉ chú trọng đến những sách dùng để đi học, đi thi gồm Tứ Thư và Ngũ Kinh, thường được gọi tắt là Kinh, Truyện (18). Các sách khác ngoài kinh và truyện đều bị coi là ngoại thư, ít người bỏ thì giờ tìm đọc loại sách phụ thuộc này. Vì vậy các sáng tác không được khuyến khích và thúc đẩy vì thiếu độc giả.
2. YẾU TỐ IN ẤN
Kỹ thuật ấn loát của ta ngày xưa rất thô sơ, trước khi người Pháp đặt nền móng cai trị ở Đông Dương, nước ta chỉ có lối in mộc bản.Từ thời nhà Lý ta đã biết cách in bằng bản khắc trên gỗ nhưng kỹ thuật còn rất sơ đẳng. Phải chờ đến khi Lương Như Hộc (19) đi sứ Trung Hoa hai lần vào năm 1443 và 1459 để tâm nghiên cứu lối in mộc bản ở các xưởng ấn loát của người Tàu. Khi về nước, ông đem kỹ thuật học được dạy cho dân hai làng Liễu Trai và Liễu Tràng thuộc huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương. Từ đó lối in ván khắc của ta mới trở nên tinh xảo và Việt Nam mới thực sự có thợ chuyên môn về ngành ấn loát. Sau này, Trung Hoa cải tiến nghề in bằng lối thạch bản, chữ nhỏ và sắc nét hơn, tiếc rằng người mình không học được kỹ thuật này vì sự dấu nghề của người Trung Hoa nên ta phải dừng lại ở lối in mộc bản.
Việc ấn loát ngày xưa rất tốn kém do đó chỉ những sách dùng vào việc học, việc thi, hoặc sách nào được triều đình nâng đỡ mới được in, ngoài ra đều phải viết tay. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú là một bộ sách đồ sộ gồm 49 quyển nhưng không được in, chỉ có thủ bản.
3. YẾU TỐ LƯU GIỮ
Giấy dùng để in sách ngày xưa là loại giấy bản. Giấy này được biến chế từ vỏ cây dó nên rất thấm nước, khi bị ẩm thấp dễ rách nát. Do đó việc lưu giữ sách vở rất công phu và khó khăn. Với các điều kiện bất lợi kể trên, việc phổ biến tác phẩm ngày xưa bị hạn chế đến mức tối đa. Đã thế, những thảm họa giáng xuống cho nhà, cho nước lại còn tai hại đến văn phẩm hơn nhiều. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho các tác phẩm còn tồn tại đến ngày nay không được bao nhiêu.
Khi Cao Bá Quát (20) bị tội tru di tam tộc không ai dám lưu giữ cái gọi là yêu văn, ngụy tích của kẻ tử tội vì sợ bị vạ lây. Tuy ta không bị nạn phần thư đốt sách, chôn học trò như dưới triều Tần Thủy Hoàng bên Tàu, nhưng tai họa lớn nhất đối với các tác phẩm vẫn là chiến tranh. Không phải chỉ những cơn binh lửa đã thiêu hủy rất nhiều sách vở, mà còn thêm nạn quân Tàu, với chủ trương xóa bỏ nền văn hóa của ta, mỗi khi sang xâm chiếm đều thu góp đem về Trung Hoa. Những lần bị ngoại xâm sách vở mất mát không biết bao nhiêu mà kể. Đời vua Trần Nghệ Tông (1370-1372) quân Chiêm Thành của Chế Bồng Nga vượt cửa bể Đại An chiếm thành Thăng Long vào cung hôi của, cướp phá khắp nơi, đốt sạch cung điện, sách vở của triều đình và các đại gia đều bị thiểu hủy. Đời nhà Hồ (1400-1407), sau khi quân Minh chiếm được nước ta năm 1407, Trương Phụ đã tịch thu các sách cổ kim đóng thùng chở về Kim Lăng. Chính vì thế mà văn học Lý, Trần hơn 300 trăm năm tản mát gần hết, không còn lại bao nhiêu. Bộ Thiên Nam Dư Hạ Tập mười phần chỉ còn lại một hai (21).
Những cuộc khởi nghĩa chống Pháp suốt 80 năm bị đô hộ, và gần đây, chiến tranh Việt-Pháp 1945-1954, cuộc chiến Quốc-Cộng 1960-1975 đã có biết bao nhiêu tác phẩm ra tro theo ngọn lửa chiến tranh. Tệ hại nhất là sau khi chiếm được Miền Nam, Cộng Sản Bắc Việt đã tịch thu và hủy diệt hầu như tất cả các sách báo dưới thời VNCH. Ngày nay mấy ngưới còn giữ được đủ bộ tạp chí Nam Phong (22), Tri Tân, Thanh Nghị (trước 1945), hay các bộ Sáng Tạo (23), Đại Học (24), Bách Khoa (25)?
Thân phận các tác phẩm chữ Nôm còn tệ hại hơn sách chữ Hán một bậc. Văn chương chữ Nôm không những không có địa vị chính thức mà còn bị rẻ rúng nữa (nôm na mách qué) nên ít người muốn lưu giữ. Trong thư chí của Lê Quí Đôn và Phan Huy Chú không có mục nào dành cho tác phẩm chữ Nôm. Thậm chí có thời kỳ triều đình cấm việc in các sách viết bằng chữ Nôm. Văn Nôm đa số được truyền lại qua truyền khẩu, Kim Vân Kiều của Nguyễn Du bản in Phạm Quí Thích (26), còn được gọi là bản Phường, là một trong số rất ít tác phẩm chữ Nôm được in ấn.
HẬU QUẢ CỦA SỰ THIẾU SÓT TÀI LIỆU THAM KHẢO
Chính vì thiếu sót tài liệu mà các nhà biên khảo văn học thường gặp những nghi vấn và lập lại những sai lầm của nhau. Học giả Hoàng Xuân Hãn với các tài liệu chính xác và khả tín được dẫn chứng trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo (nxb Minh Tân, Paris, 07/1953) đã làm sáng tỏ một nghi án lớn trong văn học Việt Nam: dịch giả tác phẩm của Đặng Trần Côn không phải là bà Đoàn Thị Điểm (27) như mọi người vẫn lầm tưởng, mà Phan Huy Ích (28) mới đích thực là tác giả những lời thơ bất hủ trong bản dịch Chinh Phụ Ngâm (bà Đoàn Thị Điểm cũng có dịch Chinh Phụ Ngâm, nhưng bản dịch của bà không phải là bản đã được ưa chuộng và dùng trong chương trình giáo khoa).
Công trình khám phá của học giả Hoàng Xuân Hãn chỉ là một trường hợp thật hãn hữu, chúng ta còn rất nhiều những sai lầm, thiếu sót cần được hiệu chính và bổ túc cho chính xác và đầy đủ hơn. Xin đơn cử vài thí dụ: dịch giả Bích Câu Kỳ Ngộ là vô danh hay Vũ Quốc Trân? tác giả Nhị Độ Mai là vô danh hay Hồ Quốc Lộc (1734-1971) (29)? Nguyễn Công Trứ mất năm 1858 hay 1859? Nguyễn Khuyến được sơ bổ Đốc Học Thanh Hóa hay Nội Các Thừa Chỉ? Phạm Quỳnh có ba năm sinh: 1890, 1891, 1892, năm nào đích thực là năm sinh của chủ bút Nam Phong? (30) Bài văn tế Đại Úy Francis Garnier là của Tam Nguyên Yên Đổ hay thực ra đó là bài văn tế Thiếu Úy Crevier do một nhà Nho ở Thái Bình làm (31), Thành viên của Tự Lực Văn Đoàn có 7 người, nhưng căn cứ trên dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” đề dưới tên tác giả ngoài bìa mỗi quyển sách của nhóm thì chỉ có 6 người là: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ, còn người thứ 7 là ai?… (32)
Điều hiển nhiên là trong lãnh vực biên khảo không một tác giả nào có thể tránh hết được các sai sót, không thể đính chính tất cả những sai lầm, đánh tan mọi nghi vấn văn học từ chữ Hán, chữ Nôm đến chữ Quốc Ngữ.
GIẢI PHÁP
Ngoài việc tin cậy vào công trình khảo cứu của các tác gia cẩn trọng và có uy tín, để giảm thiểu và tránh những sai lầm, thiếu sót trong vấn đề biên khảo văn học, công việc hợp soạn bởi nhiều người có kiến văn quảng bác, nghiên cứu có phương pháp là một giải pháp hữu hiệu. Bộ Bách Khoa Tự Điển (encyclopedia) của Tây Phương là công trình của hàng trăm học giả, khoa học gia, chuyên viên thẩm quyền về mọi lãnh vực. Tuy nhiên điều này khó thực hiện vì phí tổn quá lớn đối với cá nhân. Trước 1975, trong Nam, dưới thời VNCH có Ban Tu Thư thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục, ngoài Bắc có Viện Sử Học nơi tập hợp các nhà biên khảo, học giả, chuyên gia, các vị khoa bảng là một giải pháp tích cực cho vấn đề khảo cứu văn và sử học.
KẾT LUẬN
Dù với những đóng góp đáng kể của các tác gia có cái vốn cựu học nhưng cho đến nay những văn bản Hán Nôm được dịch thuật ra quốc văn còn rất hạn chế. Hiện nay ở trong nước, sau khi miền Nam Việt Nam bị Bắc Cộng cưỡng chiếm, sự xuất hiện một số công trình hợp soạn của nhiều người là điều rất đáng được khuyến khích. Chẳng hạn như quyển Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX (nxb Giáo Dục, 2005) do Phan Cự Đệ chủ biên với sự đóng góp của 9 tác gia khác, bộ Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử, 4 quyển, (nxb Giáo Dục, 2001-2002-2003) loại sử viết theo lối biên niên từ khởi thủy đến 1975, là công trình của 11 người gồm Dương Kinh Quốc, Dương Trung Quốc, Đỗ Đức Hùng, Nguyễn Đức Nhuệ, Trần Thị Vinh, Trương Thị Yến, Trần Quỳnh Cư, Nguyễn Hữu Đạo, Đỗ Thị Nguyệt Quang, Nguyễn Tố Uyên, và Lưu Thị Tuyết Vân.
Với những sách dịch thuật trực tiếp từ Hán Nôm ra chữ quốc ngữ của Việt Cộng là có thể dùng được, ngoại giả các tác phẩm biên khảo, vì được viết dưới quan điểm của chủ thuyết Cộng Sản, không những thiếu giá trị mà còn tạo thêm khó khăn cho những nhà biên khảo vì phải mất nhiều thì giờ đãi lọc, loại trừ những dữ kiện đã bị chi phối, bóp méo cho phù hợp với nhãn quan duy vật biện chứng.
Trong tương lai, chỉ khi nào các thành viên của cơ quan văn hóa ở Viêt Nam như Viện Sử Học, Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia… từ bỏ việc dùng chủ thuyết Marx-Lénin làm nền tảng cho việc nghiên cứu và biên soạn, thì lúc đó các công trình nghiên cứu tập thể của nguồn nhân tài đa năng đa dạng mới có giá trị và hữu ích cho lãnh vực văn và sử học.
TRẦN BÍCH SAN
CHÚ THÍCH
(1) Phạm Quỳnh (1892-1945): hiệu Thượng Chi, nguyên quán làng Thượng Hồng, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương. 1908: tốt nghiệp trường Thông Ngôn, được bổ làm tại trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội. 1917: chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Nam Phong. 1932: Ngự Tiền Văn Phòng của hoàng đế Bảo Đại, rồi Thượng Thư bộ Học, bộ Lại. 23/08/1945: bị Việt Minh bắt và giết ở Huế. Tác phẩm: Thượng Chi Văn Tập, Nam Phong Tùng Thư.
(2) Nam Phong Tạp Chí (1917-1934): gồm các cây bút Nguyễn Bá Trác, Dương Bá Trạc, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Khôi, Tản Đà, Thân Trọng Huề, Hoàng Tích Chu, Nguyễn Mạnh Bổng, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Đôn Phúc, Nguyễn Triệu Luật, Hoàng Ngọc Phách, Đoàn Tư Thuật, Trần Trọng Kim, Phạm Duy Tốn, Vũ Đình Long, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tiến Lãng, Lê Dư, Bùi Kỷ, Tương Phố, Đông Hồ, Nguyễn Tiến Lãng…
(3) Thanh Nghị (1941-1945): tập hợp các nhà trí thức xuất thân đại học Pháp, ra đời dưới dạng nguyệt san vào tháng 06/1941, từ tháng 05/1942 trở thành bán nguyệt san, rồi từ 01/1944 thành tuần báo. Với sự hợp tác của Vũ Văn Hiền, Phan Anh, Nghiêm Xuân Yên, Vũ Văn Cẩn, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Thiệu Lâu, Nguyễn Văn Huyên, Vũ Đình Hoè, Đinh Gia Trinh, Lê Huy Vân.
(4) Tri Tân (1941-1945): ra đời vào 06/1941 với sự hợp tác của Nguyễn Văn Tố, Dương Bá Trạc, Nguyễn Đôn Phục, Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, Trúc Khê Ngô Văn Triện, Thiếu Sơn Lê Sĩ Quí, Nhật Nam, Chu Thiên Hoàng Minh Giám, Khuông Việt, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm.
(5) Nguyễn Văn Tố (1889-1947): bút hiệu Ứng Hoè, quê tỉnh Hà Đông, thuở nhỏ học chữ Hán, sau học tiếng Pháp, đỗ bằng Thành Chung, làm ở trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, chuyên về văn học cổ VN. Bị Pháp bắt và giết tại Bắc Cạn ngày 07/10/1947. Các bài nghiên cứu của ông được đăng trên Kỷ Yếu Hội Trí Tri, Tập San Trường Viễn Đông Bác Cổ và tạp chí Tri Tân.
(6) Hoàng Xuân Hãn (1908-1996): quê làng Yên Hồ, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở nhỏ học chữ Hán và quốc ngữ tại nhà, sau học trường tiểu học Thanh Hóa, rồi trường quốc Học Vinh, trường Bưởi Hà Nội. 1926: đậu bằng Thành Chung ở Huế. 1928: đậu Tú Tài Tây. 1928: du học Pháp. 1930: tốt nghiệp École Normale Supérieur, 1934: tốt nghiệp École Pont et Chaussées. Về nước, sau đó trở lại Pháp. 1935: Cử Nhân Toán. 1936: Thạc Sĩ Toán, về nước dạy trường Bưởi, Đại Học Khoa Học Hà Nội. 1945: Chủ Tịch Hội Đồng Cải Cách Giáo Dục, rồi Bộ Trưởng Giáo Dục và Mỹ Thuật trong chính phủ Trần Trọng Kim, ông ban hành chương trình trung học đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam thay thế chương trình Pháp. 1946: tham dự hội nghị Đà Lạt. 1954: định cư tại Pháp. 1955: Kỹ Sư Nguyên Tử Lực. Mất ngày 10/03/1996 tại Paris. Cộng tác với các báo Khoa Học, Thanh Nghị, Văn Lang, Sử Địa, Bách khoa, Đoàn Kết, Diễn Đàn…
(7) Nguyễn Huy Hổ (1783-1841): tự Cách Như, hiệu Liên Pha, con thứ hai của Nguyễn Huy Tự (tác giả Truyện Hoa Tiên), mẹ là bà Nguyễn Thị Đài, con gái thứ của Nguyễn Khả, nên ông gọi Nguyễn Du bằng cậu. Chán cảnh loạn lạc thời Hậu Lê ông không ra thi cử. Đến năm 30 tuổi (1822) được vua Minh Mạng bổ làm Linh Đài Lang, thường được nhà vua và các quan mời đến chữa bịnh, nổi tiếng danh y, danh sĩ. Ông sáng tác nhiều thơ văn, nhưng nay chỉ còn lại truyện thơ Mai Đình Mộng Ký.
(8) Dương Quảng Hàm (1898-1946): hiệu Hải Lương, quê làng Phú Thị, huyện Mễ Sở, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. 1920: tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm, làm giáo sư trường Bưởi nhiều năm. 1946: mất tại Hà Nội. Tác phẩm: Quốc Văn Trích Diễm (1926), Những Bài Lịch Sử An Nam (1927), Văn Học Việt Nam (1939), Việt Nam Văn Học Sử Yếu (1941), Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển (1942), Việt Văn Giáo Khoa Thư (1942), Lục Vân Tiên (1943), Lý Văn Phức, Tiểu Sử, Văn Chương (1957).
(9) Phan Kế Bính (1875-1921): hiệu Bưu Văn, quê làng Thụy Khê, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. 1906: đỗ Cử Nhân, không ra làm quan ở nhà dạy học. Viết báo từ 1907, phụ trách phần chữ Hán trong Đăng Cổ Tùng Báo, sau cộng tác với Đông Dương Tạp Chí, Trung Bắc Tân Văn. Tác phẩm: Nam Hải Dị Nhân (1909), Hưng Đạo Đại Vương Truyện (1912), Đại Nam Điển Lệ Toát Yếu (1915), Việt Nam Phong Tục (1915), Đại Nam Nhất Thống Chí (1916), Việt Nam Khai Quốc Chí (1917), Việt Hán Văn Khảo (1918), Đại Nam Liệt Truyện Chính Biên (1919)…
(10) Nguyễn Hữu Tiến (1874-1941): hiệu Đông Châu, người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Học chữ Hán, thi Hương đậu hai khoa Tú Tài. Viết cho Nam Phong Tạp Chí, chuyên về dịch thuật các sách chữ Hán ra Việt văn. Tác phẩm: Việt Văn Hợp Tuyển Giảng Nghĩa (1925), Lĩnh Nam Dật Sử (1925), Giai Nhân Di Mặc (1926), Phật Giáo và Nho Giáo (1935)…
(11) Trần Trọng Kim (1882-1953): hiệu Lệ Thần, quê làng Kiều Lĩnh, xã Đan Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. 1903: tốt nghiệp ưu hạng trường Thông Ngôn, được bổ về làm ở tỉnh lỵ Ninh Bình. 1904: cùng Nguyễn Văn Vĩnh qua Pháp học ở Lyon. 1911: về nước làm ở nha Học Chánh, Thanh Tra các trường tiểu học, tham dự hội đồng soạn thảo sách giáo khoa, dạy trường Sư Phạm Thực Hành Hà Nội, 1943: Về hưu. 1944: được Nhật đưa đi lánh nạn ở Singapore. 1945: Thủ Tướng Chính Phủ. 1953: Mất ở Đà Lạt. Tác phẩm: Sơ Học Luân Lý (1914), Luân Lý Giáo Khoa Thư (1916), Sư Phạm Khoa Yếu Lược (1916), Sơ Học An Nam Lược Sử (1917), Truyện Thúy Kiều, chú thích (1925), Việt Nam Sử Luợc, 2 quyển (1928), Nho Giáo, 2 quyển (1930), Hạnh Thục Ca, chú thích (1936), Phật Lục (1940), Việt Nam Văn Phạm (1941), Vũ Trụ Đại Quan (1943), Việt Thi (1946).
(12) Đào Duy Anh (1904-1988): hiệu Vệ Thạch, nguyên quán làng Khúc Thủy, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, từ đời nội tổ cư ngụ ở Thanh Hóa. Thuở nhỏ học ở Thanh Hóa, sau học trường Quốc Học Huế. 1923: tốt nghiệp bằng Thành Chung, dạy học ở Đồng Hới. 1926: viết báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng. 1927: chủ trương Quan Hải Tùng Thư. 1929 bị Pháp bắt, 1930 được trả tự do, từ đó dạy trường Thuận Hóa ở Huế, rồi Đại Học Hà Nội. 1950: phụ trách ban Văn Sử Địa Bộ Giáo Dục. 1954: giáo sư trường Đại Học Sư Phạm và Tổng Hợp Hà Nội. 1957: liên hệ với nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, bị chuyển về dịch thuật tại Viện Khoa Học Xã Hội cho tới hưu trí. Tác phẩm: Hán Việt Từ Điển (1936), Việt Nam Văn Hóa Sử Cương (1938), Khảo Luận Về Kim Vân Kiều (1943), Khổng Giáo Phê Bình Tiểu Luận (1943), Cổ Sử Việt Nam (1955), Lịch Sử Việt Nam (1955), Lịch Sử Cổ Đại Việt Nam (1956), Vấn Đề Hình Thành Dân Tộc Việt Nam (1958), Nguyễn Trãi Toàn Tập (1969), Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời (1964), Khóa Hư Lục (1974), Tự Điển Truyện Kiều (1974), Chữ Nôm Nguồn Gốc, Cấu Tạo, Diễn Biến (1975)…
(13) Trần Văn Giáp (1898-1973): hiệu Thúc Ngọc, quê làng Từ Ô, xã Thanh Trào, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Học chữ Hán, đỗ Tam Trường, sau chuyển sang học chữ Pháp. 1916: làm ở trường Viễn Đông Bác Cổ. Sau du học Pháp tốt nghiệp trường Cao Học Thực Hành Sorbonne, Viện Cao Học Hán Học, và trường Văn Hóa Hán Học. Về nước tiếp tục làm cho trường Viễn Đông Bác Cổ. Tác phẩm: Lược Khảo Về Khoa Cử Việt Nam (1941), Nguyễn Trãi Quốc Âm Thi Tập (1957), Bích Câu Kỳ Ngộ Khảo Thích (1958), Vân Đài Loại Ngữ, 2 tập (biên dịch, khảo thích, 1962), Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam (tập I 1962/tập II 1972), Phong Thổ Bắc Hà (1971), Nguyễn Trãi Toàn Tập (1972), Từ Điển Tiếng Việt (1973).
(14) École Francaise d’Extrême-Orient: Pháp Quốc Viễn Đông Học Viện, thường được gọi là Trường Viễn Đông Bác Cổ.
(15) Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam (Trần Văn Giáp chủ biên, phụ soạn gồm Tạ Phong Châu, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Tường Phượng, Đỗ Thiện): Tập I, hoàn thành năm 1962, gồm tác gia các sách Hán, Nôm từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XX. Tập II, biên soạn xong năm 1972, gồm tác gia các sách viết bằng chữ Quốc Ngữ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945. Tác gia Hán Nôm có 735 người, tác gia chữ Quốc Ngữ có 116 người.
(16) Lê Quí Đôn (1726-1784): tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, người làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ (nay là làng Phú Hiếu, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình), sinh năm 1726 mất ngày 14 tháng 4 năm Giáp Thìn (01/06/1784), là con Hình Bộ Thượng Thư Lê Phú Thứ (đỗ tiến sĩ năm 1724). Lúc nhỏ Lê Quí Đôn có tên là Lê Danh Phương nổi tiếng thần đồng. Mới 14 tuổi đã học hết Tứ Thư, Ngũ Kinh, Sử, Truyện, đọc hết chư tử, bách gia. Trong một ngày ông có thể làm mười bài phú không phải nghĩ hay viết nháp. Năm 1739 theo cha du học ở kinh đô. Năm 1743, mới 18 tuổi, đậu giải nguyên trường thi Hương Sơn Nam. Sau đó vì tên Nguyễn Danh Phương trùng với tên một thủ lãnh nông dân khởi nghĩa nên ông đổi tên thành Lê Quý Đôn, ở nhà dạy học, viết sách. Năm 1752, mới 26 tuổi, đỗ đầu kỳ thi Hội và thi Đình đỗ đầu với học vị Bảng Nhãn (Tam Nguyên). Sau đó ông được bổ nhiệm chức Thị Thư ở Viện Hàn Lâm. Năm 1754, mùa Xuân, được xung vào ban Toản Tu Quốc Sử. Năm 1756 phụng mạng đi liêm phòng ở tỉnh Sơn Nam, phát giác được sáu bảy viên quan ăn hối lộ. Đến tháng 5 năm ấy được biệt phái sang phủ Chúa Trịnh coi binh phiên, làm điều trần 19 khoản nói về chức chưởng Binh Phiên. Chúa Trịnh khen là am hiểu điều lệ nhà nước, thưởng cho 50 lạng bạc. Năm 1757 được thăng chức Hàn Lâm Viện Thị Giảng. Năm 1760 ông được cử đi sứ Tàu, lúc về được thăng Thừa Chỉ, tước Dĩnh Thành Bá nhưng sau bị gièm pha, ghen ghét, ông xin về nghỉ ở nhà viết sách. Chính thời gian này ông hoàn thành bộ Toàn Việt Thi Lục. Đến đời Trịnh Sâm được Nguyễn Bá Lân tiến cử với chúa Trịnh, ông lại ra làm quan lên đến chức Bồi Tụng, tước Dĩnh Thành Hầu. Sau ông đổi ra làm Hiệp Trấn Nghệ An và mất tại đó năm 1784 hưởng dương 58 tuổi. Khi mất được tặng Công Bộ Thượng Thư tước Dĩnh Quận Công. Lê Quí Đôn là một nhà bác học có tài. Ông biên soạn hơn 80 sách về kinh tế, triết học, văn học, sử học…Tác phẩm chính: Lê Triều Thông Sử (30 quyển, soạn năm 1749), Quốc Sử Tục Biên (8 quyển), Phủ Biên Tạp Lục (6 quyển, sọan năm 1776), Bắc Sứ Thông Lục (4 quyển, viết năm 1780), Kiến Văn Tiểu Lục, Tục Ứng Đáp Bang Giao Tập, Tây Chinh Toàn Tập (sử, văn), Toàn Việt Thi Lục (6 quyển, gồm 897 bài thơ của 73 nhà thơ từ đời Lý đến đời Tương Dực đế), Quế Đường Thi Tập, Quế Đường Văn Tập, Quế Đường Di Tập, Hoàng Việt Văn Hải, Liên Châu Toàn Tập, Quần Thư Khảo Biện, Thánh Mô Hiền Phạm, Âm Chất Văn Chú, Thiên Văn Thư, Địa Lý Tinh Ngôn Thư, Tồn Tâm Lực, Hoàng Triều Trị Giám Cương Mục, Địa Lý Tuyển Yếu, Địa Học Tinh Ngôn, Thái Ất Giản Dị Lục, Thái Ất Quái Vận, Lục Nhâm Hội Thông, Lục Nhâm Tuyển Túy, Hoàng Giáo Lục, Vân Đài Loại Ngữ (một thứ bách khoa toàn thư)…
(17) Phan Huy Chú (1782-1840): trước tên là Phan Huy Hạo, tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong, người ấp Yên Sơn, xã Thụy Khuê, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Tây), là con trai tiến sĩ Phan Huy Ích làm quan triều Nguyễn Tây Sơn. Lúc còn ít tuổi, Phan Huy Chú đã nổi tiếng hay chữ nhưng hai lần thi Hương chỉ đậu Tú Tài nên được gọi là ông Kép Thày. Ông ở nhà dạy học và viết sách. Năm 1821, vua Minh Mệnh nghe tiếng triệu vào triều làm Biên Tu Trưởng Quốc Tử Giám. Năm 1828 làm Phủ Thừa thăng Hiệp Trấn Quảng Nam rồi bị giáng xuống làm Hàn Lâm Thị Độc. Ông được cử đi sứ Trung Hoa hai lần, lần thứ hai bị cách chức và đi công cán Nam Dương bị đau chân ông cáo quan về làng dạy học. Tác phẩm giá trị nhất của ông là bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí gồm 49 quyển chia làm 10 phần. Phan Huy Chú đã bỏ ra 10 năm để biên soạn bộ này và ông bắt đầu ngay từ khi còn đi học, đi thi. Năm 1821 khi làm Biên Tu Trưởng Quốc Tử Giám bộ sách của ông được vua Minh Mệnh khen và thưởng cho 30 lạng bạc, một chiếc áo sa, 30 bút và 30 thoi mực. Trong thời gian làm quan ông vẫn tiếp tục sáng tác. Tác phẩm: Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, 49 quyển (sử), Hoàng Việt Dư Địa Chí (địa, sử), Hoa Thiều Ngâm Lục (văn), Hoa Thiều Tục Ngâm (văn), Lịch Đại Điển Yếu Thông Luận (sử), Mai Phong Di Tây Thành Dã Lục (văn), Hải Trình Chí Lược (sử, địa).
(18) Tứ Thư và Ngũ Kinh: các bộ sách nòng cốt của Nho Giáo. Tứ Thư (tức Truyện) gồm bốn bộ sách: Luận Ngữ, Mạnh Tử, Đại Học và Trung Dung. Ngũ Kinh (tức Kinh) gồm có: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu.
(19) Lương Như Hộc (1420-1501): tự Tường Phủ, người làng Hồng Liễu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. 1942 (đời vua Lê Thái Tông) đỗ Thám Hoa. Làm An Phủ Phó Sứ, Hàn Lâm Trực Học Sĩ đời vua Lê Nhân Tông. Khi Lê Nghi Dân cướp ngôi có sai ông đi sứ sang Tàu xin cầu phong nhà Minh. Đời vua Lê Thánh Tông ông làm Lễ Bộ Thị Lang, gia Trung Thư Lệnh kiêm Bí Thư Giám Học Sinh. Khi đi sứ ông học được nghề in mộc bản đem về truyền lại cho dân làng Hồng Liễu. Sau này phần nhiều thợ khắc ván gỗ in đều là người làng ông, nay là làng Liễu Tràng. Hiện ở đình Liễu Tràng vẫn thờ ông làm Thành Hoàng. Ông được coi là tổ sư của nghề in của Việt Nam. Tác phẩm: Cổ Kim Chế Từ Tập (3 quyển), Tinh Tuyển Chư Gia Thi Tập (5 quyển), Hồng Châu Quốc Ngữ Thi Tập và 6 bài thơ có chép trong Toàn Việt Thi Lục (quyển 12, tờ 13).
(20) Cao Bá Quát (1809-1854): tự Chu Thần, hiệu Cúc Đường, biệt hiệu Mẫn Hiên, quê làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Anh em song sinh với Cao Bá Đạt, nổi tiếng văn chương, tổ xa đời là Cao Bá Hiên, Thượng Thư Bộ Binh đời hậu Lê, cha là Cao Cửu Chiếu bậc danh tài đương thời. 1831: đậu Á Nguyên trường thi Hương Hà Nội, nhưng thi Hội 2 lần đều hỏng. Bỏ thi cử đi ngao du sơn thủy. 1841: được triệu vào Kinh sung chức Hành Tẩu Bộ Lễ. Ít lâu sau được cử đi chấm thi Hương ở Thừa Thiên. Ông và bạn đồng sự là Phan Nhạ dùng muội đèn chữa ít quyển văn hay mà phạm húy để giúp người tài. Không may chuyện bại lộ bị Giám Sát trường thi là Hồ Trọng Tuấn đàn hặc, kết tội tử hình nhưng được vua Thiệu Trị giảm tội, chỉ cách chức và phát phối vào Đà Nẵng. Gặp khi có sứ bộ Đào Trí Phú sang Tân Gia Ba công cán, ông được cho theo phái bộ lập công chuộc tội. Khi trở về được phục chức cũ rồi thăng làm Chủ Sự. 1854: bị đổi lên Sơn Tây làm Giáo Thụ phủ Quốc Oai. Buồn và phẫn chí ông đi theo làm quân sư cho Lê Duy Cự chống lại triều đình. Cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Lương thất bại, bị bắt rồi bị hành quyết cùng với hai con trai là Cao Bá Phùng và Cao Bá Phong. Tác Phẩm: Chu Thần Thi Tập, Cao Chu Thần Thi Văn Tập.
(21) Lê Quí Đôn than thở trong mục Văn Nghệ Chí như sau: “Trong lúc nhà Trần còn thịnh văn nhã rỡ ràng, điển chương chế độ rất đầy đủ. Đến đời Nghệ Tông gặp giặc Chiêm Thành vào cướp, sách vở bị đốt, bị lấy gần hết. Sau đó vừa thu thập được ít nhiều lại đến ngay hồi họ Hồ bị mất nước, tướng nhà Minh là Trương Phụ lấy hết sách cổ, sách kim, đóng hòm đem về Kim Lăng. Khi bản triều (chỉ nhà Lê) dẹp yên giặc Minh, các nhà danh Nho như các ông Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Phan Phú Tiên đã cùng sưu tầm, điển nhã, lượm lặt sách vở tàn sót, nhưng vì trải qua một cơn binh lửa cho nên mười phần chỉ thu lại được chừng bốn, năm phần …Đến hồi Trần Cao làm loạn, kinh thành thất thủ, dân chúng tranh nhau vào nơi cấm sảnh hôi cướp vàng lụa, sách vở bỏ ùn đường cái. Qua đời nhà Mạc tuy đã thu thập, sao chép lại được đôi chút, nhưng đến khi nhà nước lấy lại được kinh sư thì biết bao sách vở lại bị thiêu cháy trong ngọn lửa binh. Cả đến sách của các nhà sĩ phu cũng ít có người giữ được. Tan nát đến vậy, đáng tiếc biết là chừng nào !
Ngày nay chẳng những các thứ chiếu sách sắc lệnh, tụng ca thị thập, nghị luận điển chương trong hơn 300 năm của hai đời Lý Trần, có thể kể ra từng món, đều bị tản mác đâu mất, mà đến cả bộ Thiên Nam Dư Hạ Tập chép những chế độ, luật lệ, ván hàn, điển cáo của bản triều, mười phần cũng chỉ còn độ một hai. Lại còn bao nhiêu thi tập của tiên hiền trong cuốn Trích Diễm Thi Tập có ghi, bây giờ cũng chỉ còn được cái tên, không ai được biết nội dung ra sao. Than ôi! Khổng Tử ngày xưa tuy có phàn nàn về nỗi văn hiến của hai nước Kỷ, Tống không đủ, nhưng sự không đủ đó chỉ là điển chương sách vở của đời đã xa, có đâu đến nỗi như ở bản triều, bao nhiêu điển chương, sách vở từ đời Trung Hưng về trước đều theo hai đời Lý Trần cùng thành ra vật không có” (bản dịch của Ngô Tất Tố, Văn Học Đời Lý, trang 6-9).
(22) Bà Phạm Thị Hoàn, con gái học giả Phạm Quỳnh, hiện cư ngụ tại Pháp, cho biết là hiện bà đang giữ được trọn bộ Nam Phong Tạp Chí từ số đầu đến số cuối, nhưng một vài số báo bắt đầu đã bị mối mọt. Do đó, vì đã có tuổi và không đủ điều kiện để bảo trì đúng mức, bà có ý định giao cho một cơ sở văn hóa uy tín. Năm 2009, Viện Việt Học (Institute of Vietnamese Studies) địa chỉ 15355 Brookhurst Street, suite 222, Westminster, CA 92683, USA, website: www.viethoc.org, đã chuyển toàn bộ 210 số báo Nam Phong Tạp Chí (1917-1934) vào DVD-ROM gồm 6 đĩa, với sự hợp tác của đại diện gia đình họ Phạm là ông Phạm Tuân, con út Phạm Quỳnh.
Nam Phong Tạp chí đã trở thành một phần của lịch sử văn học VN, là di sản chung của dân tộc, việc để nhiều người sử dụng là điều hơp lý và hữu ích cho văn học.
(23) Sáng Tạo: số 1 ra đời tháng 10/1956, nhóm chủ trương có Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sĩ.
– Mai Thảo (1927-1998): tên thật Nguyễn Đăng Quí, sinh ngày 08/06/1927 tại Nam Định, di cư vào Nam năm 1954, chủ trương các tạp chí văn học Sáng Tạo, Nghệ Thuật, từ 1978 sống tại California, Hoa Kỳ, mất ngày 10/01/1998. Tác phẩm: Đêm Giã Từ Hà Nội (1956), Tháng Giêng Cỏ Non, Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời (1963), Mái Tóc Dĩ Vãng (1963), Khi Mùa Mưa Tới (1964), Bầy Thỏ Ngày Sinh Nhật (1965), Viên Đạn Đồng Chữ Nổi (1966), Đêm Lạc Đường (1967), Cùng Đi Một Đường (1967), Tới Một Tuổi Nào (1968), Lối Đi Dưới Lá (1969), Tùy Bút (1970), Sau Giờ Giới Nghiêm (1970), Sau Khi Bão Tới, Mang Xuống Tuyền Đài, Mười Đêm Ngà Ngọc, v.v.
– Thanh Tâm Tuyền (1936- —-): tên thật Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13/03/1936 tại Vinh, chủ trương tạp chí văn học Sáng Tạo, dạy học, sĩ quan QL/VNCH. Sau tháng 05/1975 bị tù cải tạo của Việt Cộng nhiều năm. Sống tại Hoa Kỳ từ đầu năm 1990. Tác phẩm: Tôi Không Còn Cô Độc (1955), Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy (1964), Khuôn Mặt (1964), Bếp Lửa, Dọc Đường (1966), Ba Chị Em (1967), Cát Lầy (1967), Mù Khơi (1970), Tạp Ghi (1970), Tiếng Động (1970).
– Doãn Quốc Sĩ (1923- —-): sinh ngày 03/02/1923 tại Hà Nội, di cư vào Nam năm 1954, dạy các trường trung học và đại học, chủ trương tạp chí văn học Sáng Tạo. Sau khi Bắc Cộng cưỡng chiếm miền Nam, bị bắt và kết án tử hình với tội danh “Biệt Kích Văn Nghệ”, chống phá chế độ. Dưới áp lực quốc tế, Cộng Sản phải giảm án, ở tù 14 năm. Từ tháng 03/1995 sống tại Texas, Hoa Kỳ, cố vấn cho Văn Đoàn Đồng Tâm. Tác phẩm: Sợ Lửa (1956), U Hoài (1957), Gánh Xiếc (1958), Gìn Vàng Giữ Ngọc, Dòng Sông Định Mệnh (1959), Hồ Thùy Dương (1960), Trái Cây Đau Khổ (1963), Người Việt Đáng Yêu (1965), Cánh Tay Nối Dài (1966), Đốt Biên Giới (1966), Sầu Mây (1970), Vào Thiền (1970), Khu Rừng Lau (trường thiên tiểu thuyết).
(24) Đại Học: tờ báo của Viện Đại Học Huế do linh mục Cao Văn Luận làm chủ nhiệm, ra đời năm 1958, hai cây viết cột trụ là Nguyễn Văn Trung và Nguyễn Nam Châu.
– Cao Văn Luận (1910-1986): sinh ngày 20/12/1910 tại Hà Tĩnh, linh mục, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế cho đến 1963, sau 1975 tị nạn chính trị tại Bỉ, rồi sang sống ở Hoa Kỳ, mất ngày 20/07/1986. Tác phẩm: Danh Từ Triết Học (1959), Bên Giòng Lịch Sử.
– Nguyễn Văn Trung (1930- —-): quê tỉnh Hà Nam, dạy đại học, chủ trương tạp chí Đại Học, Đất Nước, sống ở Gia Nã Đại từ 1994. Tác phẩm: Biện Chứng Giải Thoát Trong Phật Giáo (1958), Xây Dựng Tác Phẩm Tiểu Thuyết (1962), Lược Khảo Văn Học, 3 tập (1963-1968), Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp ở VN, Thực Chất và Huyền Thoại (1963), Nhà Văn, Người Là Ai? Với Ai? (1965), Hành Trình Trí Thức của Karl Marx (1966), Ca Tụng Thân Xác (1967), Ngôn Ngữ và Thân Xác (1968), Chủ Đích Nam Phong (1972), Vụ Án Truyện Kiều (1973), Chữ Văn Quốc Ngữ (1974).
– Nguyễn Nam Châu: dạy học. Tác phẩm: Những Nhà Văn Hóa Mới (1958), Sứ Mệnh Văn Nghệ (1958).
(25) Bách Khoa: xuất bản số đầu tháng 01/1957, do Huỳnh Văn Lang và Hoàng Minh Tuynh chủ trương, sau này chuyển về Lê Ngộ Châu. Hai cây viết chủ yếu là Võ Phiến và Nguyễn Hiến Lê.
– Võ Phiến (1925- —-): tên thật Đoàn Thế Nhơn, sinh ngày 20/10/1925 tại làng Trà Bình, quận Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, công chức, từ 1975 sống tại California, Hoa Kỳ. Tác phẩm: Chữ Tình (1956), Người Tù (1957), Mưa Đêm Cuối Năm (1959), Đêm Xuân Trăng Sáng (1961), Về Một Xóm Quê (1961), Giã Từ (1962), Thương Hoài Ngàn Năm (1962), Thư Nhà (1963), Tiểu Thuyết Hiện Đại (1963), Văn Học Nga Sô Hiện Đại (1965), Một Mình (1965), Tạp Bút, 3 tập (1965-1966), Đàn Ông (1966), Ảo Ảnh (1967), Phù Thế (1969), Tạp Luận (1973), Đất Nước Quê Hương (1973), Chúng Ta Qua Cách Viết (1973), Thư Gửi Bạn (1976), Nguyên Vẹn (1978), Lại Thư Gửi Bạn (1979), Tùy Bút, 2 tập (1986), Văn Học Miền Nam (1987), Truyện Thật Ngắn (1991), Quê (1992), Đối Thoại (1993), Viết (1993), Sống và Viết (1996), Thơ Thẩn (1997), Cảm Nhận (1999).
– Nguyễn Hiến Lê (1912-1984): quê làng Phương Khê, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, sinh ngày 08/01/1912 tại Hà Nội, tốt nghiệp Cao Đẳng Công Chánh, vào Nam Kỳ làm việc ngành thủy lợi (hydraulique) và ở lại luôn trong Nam. Năm 1945, bỏ công chức đi dạy học ở Long Xuyên, từ 1954 sống hẳn với nghề văn. 1935 bắt đầu viết du ký, ký sự, tiểu luận, dịch thuật hơn 120 tác phẩm (đã xuất bản 100), mất ngày 22/12/1984 tại Sài Gòn. Tác phẩm: Để Hiểu Văn Phạm (1952), Luyện Văn, 3 quyển (1953-1957), Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười (1954), Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc, 3 quyển (1955), Đông Kinh Nghĩa Thục (1956), Nghề Viết Văn (1956), Hương Sắc Trong Vườn Văn, 2 quyển (1956), Nho Giáo, Một Triết Lý Chính Trị (1958), Khảo Về Ngữ Pháp Việt Nam (chung với Trương Văn Chình, 1963), Đại Cương Triết Học Triung Quốc, 2 quyển (chung với Giản Chi (1965-1966), Cổ Văn Trung Quốc (1966), Vấn Đề Xây Dựng Văn Hóa (1967), Văn Học Trung Quốc Hiện Đại (1969), Một Lương Tâm Nổi Loạn (1970), Hoa Đào Năm Trước (1970), Sử Ký Tư Mã Thiên (chung với Giản Chi, (1970), Cháu Bà Nội, Tội Bà Ngoại (1975), Mười Câu Chuyện Văn Chương (1975), Mạnh Tử (1975), Hồi Ký (1988).
(26) Phạm Quí Thích (1760-1825): tự Dữ Đạo, hiệu Lập Trai, biệt hiệu Thảo Đường Cư Sĩ, quê xã Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương. Bạn thân của Nguyễn Du. Người đầu tiên bình Kiều, làm bài “Đề vịnh truyện Kiều”, và lo việc in ấn. 1779: đỗ Tiến Sĩ, làm Thiêm Sai Tri Công Phiên. 1811: vua Gia Long vời ông ra giữ chức Thị Trung Học Sĩ, trông coi việc chép sử. Ít lâu cáo quan về quê. 1821: vua Minh Mạng vời ra nhưng ông cáo bệnh ở quê nhà dạy học. 1825: mất, thọ 65 tuổi. Tác phẩm: Thảo Đường Thi Nguyên Tập, Lập Trai Tiên Sinh Di Thi Tục Tập, Thiên Nam Long Thủ Liệt Truyện…
(27) Đoàn Thị Điểm (1705-1748): hiệu Hồng Hà, thân phụ là Đoàn Doãn Nghi, tổ quán ở xã Hiến Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh. 1720: Thượng Thư Lê Anh Tuấn đưa về làm con nuôi, thử tài thấy lỗi lạc nên định tiến vào cung Chúa Trịnh nhưng bà không chịu và xin về. Cùng anh là Đoàn Doãn Lâm theo thân phụ tới chỗ dạy học tại làng Lạc Viên, huyện Yên Dương, tỉnh Kiến An. 1729: cha mất, cùng mẹ và anh tới cư ngụ ở làng Vô Ngại, huyện Đường Hào (nay là Mỹ Hào), tỉnh Hưng Yên là nơi anh mở trường dạy học. Nhiều người cầu hôn, trong đó có Nhữ Đình Toản (sau đậu tiến sĩ năm1736), Thượng Thư Nguyễn Công Thái (đỗ tiến sĩ năm1715), nhưng bà không thuận. Ít lâu sau anh mất, để tránh những kẻ quyền thế, bà nhận lời mời vào ở trong hậu cung dạy một cung tần được Chúa yêu. 1739: từ bỏ chức giáo thụ trong cung cấm về ngụ ở xã Chương Dương mở trường dạy học. 1743: lấy (kế thất) với quan Thị Lang Nguyễn Kiều (sinh năm 1695, 18 tuổi đỗ Giải Nguyên, 21 tuổi đỗ Tiến Sĩ năm1715). Lấy nhau chưa được một tháng, Nguyễn Kiều được cử làm Chánh Sứ sang Tàu tuế cống tới 1745 mới trở về. 1748: Nguyễn Kiều được lệnh giữ chức Tham Thị ở Nghệ An, bà đi theo chồng bị cảm hàn dọc đường nên vừa tới nơi thì mất. Tác phẩm: Tục Truyền Kỳ (còn có tên là Truyền Kỳ Tân Phả), Chinh Phụ Ngâm (dịch).
(28) Phan Huy Ích (1750-1822): tự Khiêm Thụ Phú, hiệu Dụ Am, còn có tự là Chi Hòa, hiệu Đức Hiên, quê xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, con Tiến Sĩ Phan Huy Cận, rể Ngô Thì Sĩ, em rể Ngô Thì Nhậm. Thở nhỏ tên là Phan Công Huệ, vì kiêng húy bà Chúa Chè Đặng Thị Huệ nên đổi ra là Huy Ích. 1771: đỗ giải nguyên. 1775: đỗ Hội Nguyên. 1776: đỗ khoa Ứng Chế, được bổ làm Hàn Lâm Thừa Chỉ. 1777: đốc học Thanh Hóa, sau về triều làm Thiêm Sai Tri Hình ở phủ Chúa Trịnh. 1788: khi Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ hai, ông cùng Ngô Thì Nhậm, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn được vời vào Phú Xuân lãnh nhiệm vụ ngoại giao với nhà Thanh. Vua Lê Chiêu Thống tức giận truyền đục bỏ tên ông và Ngô Thì Nhậm ở bia Tiến Sĩ Văn Miếu. Sau 1780, chán ghét vua Lê, chúa Trịnh, ông mấy lần cáo bệnh xin về hưu nhưng không được chấp nhận. 1790: được vua Quang Trung phong làm Tả Thị Lang bộ Hộ, và sai đi xứ Tàu cùng con trai nhà vua là Nguyễn Quang Thùy, Đại Tư Mã Ngô Văn Sở, Đô Đốc Nguyễn Duật… 1792: đi xứ về được thăng Thị Trung Ngự Sử ở tòa Nội Các. 1801: bị chúa Nguyễn Phúc Ánh bắt. 1802: bị đánh đòn ở Văn Miếu sau mới được tha về. 1803: về Sài Sơn ở ẩn. 1814: vào Thiên Lộc, Hà Tĩnh dạy học. 1819: về quê an dưỡng. 1822: mất, thọ 72 tuổi. Tác phẩm: Nam Trình Tạp Vịnh, Cảm Trình Kỷ Hứng, Thanh Châu Lữ Hứng, Vân Sơn Khiển Hứng, Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm, Cúc Thu Bách Vịnh, Dụ Am Văn Tập, Dụ Am Ngâm Tập.
(29) Vương Tư Hối: “Nhị Độ Mai và Tác Giả”, Tân Văn số 1, Sài Gòn, tháng 4, 1968, trang 120-123.
(30) Bà Phạm Thị Hoàn cho biết thân phụ bà tuổi Thìn, như thế là năm sinh của học giả Phạm Quỳnh là 1892.
(31) Nguyễn Đông Thành: “Bé Cái Lầm Của Nhiều Nhà Biên Khảo Ở Cả Hai Miền Nam Bắc Nước Ta” (Giai Thoại Văn Chương, trang 7 – 24)
(32) Đặng Trần Huân là người nêu lên nghi vấn này trong bài “Huyền Thoại Tự Lực Văn Đoàn” (Những Người Thích Dấu Huyền, trang 7-20). Sau đó ông bỏ công truy cứu và đã tìm ra Xuân Diệu là thành viên thứ 7 của TLVĐ qua chính thủ bút của Nhất Linh trong bài viết “Bảy Vì Tinh Tú” (Chữ Nghĩa Bề Bề, trang 193-210).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Bằng Giang, Mảnh Vụn Văn Học Sử, nxb Chân Lưu, Sài Gòn, 1974.
– Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Hà Nội 1944, Bộ Giáo Dục tái bản, Sài Gòn, 1968.
– Đặng Trần Huân, Những Người Thích Dấu Huyền, nxb Văn Mới, Hoa Kỳ, 03/1998.
– Đặng Trần Huân, Chữ Nghĩa Bề Bề, nxb Văn Mới, Hoa Kỳ, 2000
– Hoàng Xuân Hãn, Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo, nxb Minh Tân, Paris, 07/1953.
– Ngô Tất Tố, Văn Học Đời Lý, nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1960, Đại Nam tái bản, Hoa Kỳ.
– Nguyễn Đông Thành, Giai Thoại Văn Chương, nxb Văn Hóa, Hoa Kỳ, 1997.
– Nguyễn Q. Thắng, Từ Điển Tác Gia Việt Nam, nxb Văn hóa, Hà Nội, 09/1999.
– Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên (3 quyển), nxb Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn, 1962-
1965.
– Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Quyển I, Trung Tâm Học Liệu, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Sài Gòn, 1971.
– Trần Văn Giáp, Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam, nxb Văn Học, tái bản lần thứ 3, Hà Nội, 2000.
– Võ Phiến, Văn Học Miền Nam Tổng Quan, nxb Văn Nghệ (1987), tái bản lần thứ 3, Hoa Kỳ, 2000.