Cuộc chiến Nam Bắc kết thúc gần bốn thập niên, Nhà nước từng một thời có cơ quan đại diện chính thức tại Liên Hiệp quốc nay chỉ còn là hồi ức buồn trong tâm thức những người dân Việt lưu vong khắp nơi trên thế giới. Tiếp theo đó là những tranh luận dường như không có hồi kết, dưới nhiều lăng kính dị biệt về nguyên nhân chiến thắng- thất bại. Thiết nghĩ, một cái nhìn khách quan trên tinh thần tôn trọng sự thật là điều cần thiết.
Quả thật là một việc bất khả thi khi có tham vọng viết một bài viết ngắn mà có thể trình bày hết được những nguyên nhân chính trị sâu xa hay các mối quan hệ quốc tế phức tạp trong một giai đoạn lịch sử đã dẫn đến sự cáo chung của một chính thể. Nên tôi chỉ tạm bàn đến một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của Việt Nam Cộng hòa hay các trào lưu dân chủ nói chung trên toàn thế giới và sự thắng thế của cộng sản miền Bắc hay các chế độ độc tài ở nhiều nơi trên thế giới dưới góc độ văn hóa – xã hội, đặc biệt trong bối cảnh đất nước có chiến tranh.
Khác biệt căn bản
Sự khác biệt căn bản và dễ nhận biết nhất giữa các chế độ độc tài với chính thể dân chủ nằm ở tư duy và nhận thức của người dân. Trong một xã hội tự do (dù là tự do một phần) người dân có quyền có tự do tư tưởng, có tư duy độc lập, mà không bị dẫn dắt bởi một lý thuyết chủ đạo nào; hay nói khác hơn, ở đó người dân được nghĩ theo cách của mình và hiển nhiên được theo đuổi các ý tưởng khác biệt mà không bị áp đặt bởi một thế lực hay chủ thuyết chính trị nhất định nào. Một cách cụ thể, do người dân được nghĩ và được nói khác với chính quyền đương trị nên các hoạt động văn hóa xã hội ở các chính thể dân chủ vô cùng cởi mở và phong phú.Một xã hội tự do phóng khoáng tự thân nó mang nhiều ưu điểm và cũng không thể tránh được nhiều “nhược điểm”. Xã hội càng tự do thì văn hóa càng có nhiều cơ hội để phát triển toàn diện, không bị giới hạn bởi sự duy ý chí của nhà cầm quyền nên không bị áp đặt hay cứng nhắc. Do Văn hóa tự do trong một xã hội cởi mở, chúng ta thường rất khó tìm thấy sự đồng thuận cao độ về ý tưởng hay về bất kỳ phương diện nào. Vì khó tìm thấy sự đồng nhất nên thường diễn ra tranh luận triền miên giữa các trào lưu tư tưởng, điều này làm hạn chế tính hiệu năng khi bắt buộc phải theo đuổi một chính sách nhất quán. Nhất là trong thời kỳ chiến tranh, văn hóa tự do trở thành một trở lực to lớn cho việc thực thi chính sách cần những nỗ lực tập thể bắt buộc của quốc gia.
Ngược lại, trong một chính thể độc tài dù là độc tài cộng sản, quân phiệt hay hồi giáo, các giá trị về văn hóa bị bóp méo theo ý thức hay thủ đoạn của nhà lãnh đạo. Tại các quốc gia độc tài, sẽ là vô cùng hiếm hoi nếu không muốn nói là bị triệt tiêu hoàn toàn các ý niệm khác biệt về ý thức hệ. Văn hóa trong xã hội độc tài không còn là văn hóa thuần túy, nó được biến dạng thành một thứ công cụ để phục vụ cho lợi ích chính trị hay quân sự. Dưới nền văn hóa bị chỉ đạo, người dân, và tệ hơn là trí thức trong xã hội không có điều kiện để tư duy độc lập, đó chính là nguyên ủy của một nền văn hóa khiếm khuyết và sự nô lệ về tư tưởng. Có thể nói, một xã hội đề cao nhất nguyên bên trong các chế độ độc tài không phải là mảnh đất tốt cho một nền văn hóa nhân văn đích thực.
Văn hoá chiến tranh
Vì không có sự tranh chấp giữa các trào lưu tư tưởng nên rất dễ tìm thấy sự đồng thuận được áp đặt trong các xã hội nhất nguyên. Tuy sự áp đặt tư tưởng này tạo ra một thứ văn hóa di dạng nhưng nó là một động lực mạnh mẽ cho guồng máy quân sự hoạt động hiệu quả trong giai đoạn đất nước tham chiến. Tóm lại, chúng ta lĩnh hội một chân lý từ lịch sử rằng: tính độc đoán của nhà nước là yếu tố gây nên sự tàn phá văn hóa nhưng lại là mãnh lực tiềm tàng thúc đẩy sự hữu hiệu trong các tranh chấp quân sự bởi tính quyết đoán và sự nhanh chóng của nó trong việc ra quyết định.Trải qua quá trình tồn tại và cạnh tranh khốc liệt trong không gian toàn cầu, chính thể dân chủ và chế độ độc tài biểu lộ rõ nhiều mâu thuẫn cốt lõi. Qua cách phản ứng của nhiều dân tộc trên thế giới đối với các thiết chế Dân chủ, ta ngầm hiểu rằng: đây không phải là một mô hình mà dân tộc nào cũng có thể tiếp nhận dễ dàng mặc dầu tính chính đáng và phổ quát của nó đối với bản tính nhân loại là một điều không thể phủ nhận. Sau một thời gian tương tác với nhiều nền văn hóa, mô hình được nhiều người cho là sản phẩm của văn minh phương Tây đã thực sự du nhập và tự khẳng định mình tại nhiều quốc gia có trình độ dân trí cao.Chủ nghĩa độc tài luôn tìm cách biện minh cho tính chính danh của mình bởi các “giá trị truyền thống”. Các giá trị này được lôi ra để biện minh cho quyết tâm bảo toàn hiện trạng tồi tệ. Mặc dù luận điệu này được xem là ấu trĩ đối với những quốc gia dân chủ có nền văn hóa cởi mở, nhưng đối với những dân tộc “bán khai” thì nó vô cùng ăn khách. Khi các nhà nước dân chủ cổ xúy cho quyền tự do cá nhân hay chủ nghĩa công lợi thì các nhà nước độc tài lại cổ vũ nhiệt tình cho chủ nghĩa thần tượng cá nhân hay tâm lý sùng bái lãnh tụ. Các nhà độc tài nhận thức sâu sắc rằng việc sùng bái một cá nhân – một thực thể hiện hữu dễ dàng hơn rất nhiều so với việc cổ vũ cho các giá trị trừu tượng như tự do dân chủ. Và họ đã thành công rực rỡ trong những xã hội kém mở mang và những dân tộc chưa trưởng thành.
Hai kết quảBởi vậy, các chế độ độc tài thường tỏ ra hữu hiệu khi xảy ra các tranh chấp quân sự. Lấy một thí dụ lịch sử đau đớn từ cuộc nội chiến của Việt Nam, chúng ta có nhiều yếu tố để minh xác và khẳng định điều mà tôi muốn nói. Bằng một nhãn quan trung dung, tôi tin chắc rằng những người có một trình độ tri thức nhất định sẽ nhận thấy được sự cởi mở trong văn hóa ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Một điều cần nhấn mạnh ở đây là sự du nhập quá sớm các giá trị tự do đã bào mòn sức mạnh của chính phủ miền Nam Việt Nam. Vì được thụ hưởng nền văn hóa mang đặc tính phát huy khả năng tư duy độc lập, những người lính miền Nam tham gia chiến tranh với tư duy và tình cảm hiện thực của một con người. Họ biết yêu, biết ghét, biết chán nản, biết sợ hãi, thậm chí biết phản kháng. Những ưu điểm về văn hóa đã trở thành chướng ngại cho việc kiện toàn bộ máy chiến tranh và phát huy hiệu năng quân sự.
Ngược lại, miền Bắc Việt Nam với một nền văn hóa được chỉ đạo để phục vụ cho chiến tranh, những người lính Bắc Việt bị biến thành những cỗ máy chiến đấu được lập trình sẵn. Họ lao vào cuộc chiến bằng một trái tim nóng nhưng thiếu vắng sự hiện hữu của một cái đầu lạnh. Với đầu óc bị đầu độc, họ không còn hành xử và suy tư như những người bình thường, mà là những người bị ám thị, chỉ biết giết chóc để phục vụ cho quyền lực tối cao của lãnh tụ mang danh nghĩa “cứu nước”. Những người lãnh đạo độc tài Cộng sản miền Bắc đã khai dụng một nền văn hóa vốn đề cao tư duy rập khuôn, cổ vũ sự phục tùng vô điều kiện và tạo điều kiện cho sự nô dịch tư tưởng và họ đã thành công.
Văn hóa ở các quốc gia độc tài nói chung và Việt Nam nói riêng biến con người thành công cụ cho những mưu đồ chính trị chứ không cho phép con người được tư duy độc lập và sáng tạo. Ở đó, con người sẵn sàng tin vào huyền thoại hơn là dám dũng cảm đối mặt với thực tế, thích dựa dẫm vào vĩ nhân hơn là tin tưởng vào năng lực cá nhân…Sau này, nhà cầm quyền Việt Nam càng thành công hơn khi thông qua giáo dục và tuyên truyền nhằm xuất xưởng hàng triệu bộ não thanh niên bị ám thị, với sự áp đặt tinh vi và có hệ thống của chủ thuyết cộng sản.
Thật đáng ngại vì văn hóa Việt Nam ngày hôm nay vẫn chưa hội đủ những yếu tố cần thiết cho một sự nhận thức mới – nhận thức về tự do và công lý, đặc biệt là quyền tự do thoát khỏi sự nô lệ hoá về tư tưởng. Đa số người Việt đã và đang nghĩ theo cách nhà cầm quyền muốn họ nghĩ, làm theo cách nhà cầm quyền muốn họ làm. Chừng nào một nền văn hoá chưa cổ vũ và tạo điều kiện cho tư duy độc lập, công cuộc xây dựng nền dân chủ còn gặp nhiều chướng ngại. Muốn sự thay đổi thể chế chính trị diễn ra một cách tích cực, người Việt Nam cần phải thay đổi não trạng theo hướng tích cực tương ứng.
Huỳnh Trọng Hiếu
www.vietthuc.org
Huỳnh Trọng Hiếu là blogger tự do trẻ trong nước đấu tranh cho tự do, dân chủ cho Việt Nam.