Văn hóa ứng xử là hành vi giao tiếp và đối nhân xử thế ở đời. Nó thể hiện mức độ học vấn và nhận thức cá nhân, suy rộng ra là của một cộng đồng dân tộc. Qua đó mà thấy được xã hội văn minh hay lạc hậu. Hành vi ứng xử của con người hình thành do thói quen hằng ngày, được quyết định bởi luật pháp và phong tục, tập quán. Có nghĩa là sự giao thoa giữa hiện tại (luật pháp xã hội họ đang sống) và quá khứ (phong tục, tập quán).
Ở nước ta, tư tưởng Đạo Khổng đã ăn sâu vào nhận thức và văn hóa ngàn đời, cho nên người Việt bị ảnh hưởng rất lớn bởi hệ thống lễ giáo chặt chẽ này. Đó là sự tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới, quan hệ quân thần, phụ tử…; tuy mang nặng tính đẳng cấp, nhưng giáo lý nho giáo đề cao cái nhân nghĩa ở đời, rất đáng được xem trọng. Mỗi dân tộc, vùng miền đều có những hành vi giao tiếp khác nhau, tùy thuộc vào văn hóa và tập quán. Ví như người Châu Âu thì ôm hôn và bắt tay khi gặp nhau. Trong hoàn cảnh tương tự, người Trung Quốc thì chắp tay, người Nhật cúi người chào chẳng hạn.
Bên cạnh sự ảnh hưởng nho giáo, người Việt ta cũng coi trọng lối ứng xử tình nghĩa, có trước có sau. Triết lý sống đó đầy nhân ái, thấm đẫm tình người. Cha ông ta luôn đề cao nét đẹp trong giao tiếp. Ca dao Việt Nam có câu:
Lời nói chẳng mất tiền mua Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Văn hóa ứng xử của người Việt xưa thể hiện qua tập quán hồn hậu, bằng những câu ca giao, tục ngữ ngắn gọn mà súc tích. Ví như:
“Công cha như núi thái sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra Một lòng thờ mẹ kính cha Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Hoặc:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Hay là:
“Thương người như thể thương thân”…
Đó chẳng phải là nói về cái lẽ sống ở đời sao? Rất ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc và khắc cốt ghi tâm. Nếu chịu khó tìm tòi ca dao, tục ngữ thì một con người Việt Nam đã có được vốn văn hóa ứng xử rất phong phú. Thiết nghĩ, những quan niệm đó đều rất tiến bộ và nhân văn. Điều mà chúng ta có thể thấy được trong bất kỳ một xã hội dân chủ và văn minh nào thời nay.
Điều đáng buồn là đất nước Việt Nam ta có thời kỳ trãi qua chế độ Cộng Sản. Chế độ phi nhân này hủy hoại văn hóa tốt đẹp ngàn năm của dân tộc, đưa người ta đến chỗ hư vô không lối thoát. Nó tạo nên một xã hội vô pháp luật, chỉ có quyền lực thống trị và sự tôn thờ học thuyết Karl Marx. Nó biến con người thành một công cụ thụ động, hoang dã và thiếu tính tự tôn. Chính vì như vậy, mà cuối cùng người ta chỉ biết tôn thờ sức mạnh của đồng tiền và quyền lực (vì không có luật lệ và những tư tưởng nhân văn chi phối). Điều nguy hại nhất là thói giả dối đã trở nên phổ biến và ngự trị trong đời sống. Nên nhớ là giả dối khác với khôn ngoan. Một đằng là thói xấu phải bị lên án, đằng kia là sự thông minh trí tuệ đáng được coi trọng. Di hại của ý thức hệ Cộng Sản đối với con người Việt Nam là rất lớn, chỉ riêng trong ứng xử, ít nhất nó cũng hình thành mấy thói xấu sau: Giả dối, vô cảm và tàn nhẫn.
Điều đó trái ngược với văn hóa của một xã hội dân chủ, đó là sự bình đẳng, luật lệ và tôn trọng lẫn nhau. Con người sống trong những xã hội thế này luôn nhân ái, vị tha. Nó thể hiện sự văn minh, tiến bộ trong ứng xử giữa con người với nhau. Tất cả những quan điểm tốt đẹp đó được một hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng bảo vệ.
Với một xã hội Việt Nam mất phương hướng ngày nay, những người còn liêm sỉ thì cố bám víu vào chút lễ giáo đạo Khổng để mà duy trì văn hóa giao tiếp. Số đông còn lại cảm thấy bơ vơ, lạc lỏng giữa một môi trường không lối thoát, đầy rẫy sự hiểm nguy và hận thù gieo rắc. Người ta muốn vươn tới một cái gì đó tốt đẹp và nhân văn, nhưng văn hóa dân chủ thì chúng ta chưa thể với tới, vì môi trường nào văn hóa nấy.
Cũng như nhân loại nói chung, văn hóa ứng xử tương lai của người Việt Nam là dân chủ. Để làm được điều đó, trước hết phải xây dựng một xã hội dân chủ, tạo môi trường nền tảng cho sự tốt đẹp và tiến bộ phát triển. Cái văn hóa giao tiếp đó được hình thành dựa trên sự nhân bản chứ không phải bạo lực, nó không phục tùng quyền lực, mà chỉ tuân theo lẽ phải và luật lệ.
Văn hóa ứng xử là sản phẩm của xã hội và môi trường chính trị, bao gồm yếu tố lịch sử và hiện tại. Nói cách khác, thông qua văn hóa ứng xử, người ta có thể biết được lịch sử và văn hóa dân tộc, cho nên nó là những gì tinh túy nhất của con người vậy.
Minh Văn
14/3/2015