Khảo cứu văn học, tức văn khảo, là khoa nghiên cứu về văn học, tìm tòi, truy tầm tận gốc rễ (nghiên: nghiền nhỏ ra) về lịch sử, chủ đích, nội dung, nghệ thuật, văn bản để giải thích, đánh giá những sự kiện, tác phẩm, tác giả, trào lưu, khuynh hướng, thời kỳ văn học. Văn khảo được chia ra làm 3 ngành chính là: văn học sử, phê bình văn học và lý luận văn học. Ngoài ra còn có những ngành phụ như phương pháp luận văn học (sự vận dụng cụ thể những phương pháp căn bản của khoa học vào lãnh vực văn học như quy nạp, diễn dịch, tổng hợp, khái quát, phân tích, so sánh…), tâm lý học văn học (khảo sát về tâm lý trong lãnh vực sáng tác và thưởng thức), xã hội học văn học (khảo sát sự tiếp nhận tác phẩm, dư luận của độc giả), thi pháp văn học (nghiên cứu cấu trúc, phương thức thực hiện nội dung tác phẩm). Để hổ trợ cho 3 ngành chính của văn khảo có các môn phụ như văn bản học (xác định tác giả, thời điểm, văn bản chính xác của tác phẩm, thống kê và chọn lọc những dị bản do tác giả sửa chữa, bổ xung hoặc do người khác nhuận sắc), thư mục học (nghiên cứu về nội dung, lịch sử của tài liệu, phương pháp lập thư mục những tài liệu về đối tượng nghiên cứu).
Những ngành về nghiên cứu văn học nêu trên của tây phương đã được cấu tạo và hoàn thành như một khoa học (science) và có hệ thống mạch lạc. Riêng đối với văn học Việt Nam tuy là một thực tại phong phú nhưng còn trong thời kỳ hình thành và đang được xây dựng.
VĂN HỌC SỬ
Văn học sử nhằm nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của nền văn học. Đối tượng của lịch sử văn học là những hiện tượng văn học xác định và cụ thể. Đó là cái đích cần được khám phá đưa đến việc trình bày trung thực toàn diện bộ mặt của văn học. Nhưng không chỉ có mô tả, liệt kê mà phải đi sâu vào việc hệ thống hóa, đúc kết và giải thích các xu hướng, các trào lưu cùng những thành tựu và nhược điểm của từng giai đoạn văn học. Tuy nhiên chỉ các thời kỳ văn học đã được kết thúc bằng một thời điểm tương đối rõ rệt mới được các nhà văn học sử đề cập tới.
Những bài hiệu đính cổ văn của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố trên tạp chí Tri Tân (1) mới chỉ là những mảnh vụn văn học sử. Việt Nam Cổ Văn Học Sử (1941) của Nguyễn Đổng Chi (2) tuy chưa hẳn là một quyển văn học sử đúng nghĩa nhưng đã cung cấp tài liệu văn học từ nguồn gốc đến đời Trần, Hồ. Đây là một tác phẩm về sử văn học đầu tiên của nước ta. Bộ Văn Học Việt Nam của Ngô Tất Tố (3) mới hoàn tất được Văn Học Đời Lý và Văn Học Đời Trần (1942) rất sơ sài và thiếu phương pháp. Việt Nam Văn Học Sử Yếu (1944) của Dương Quảng Hàm (4) đề cập từ văn chương bình dân đến năm 1940, tuy khái quát nhưng là bộ văn học sử đầu tiên nghiên cứu công phu và có phương pháp. Quyển Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu (1949) của Nghiêm Toản quá sơ sài, gần như là giản lược lại tác phẩm của Dương Quảng Hàm.
Sau khi hiệp định Genève năm 1954 chia đôi đất nước, cả hai miền Nam Bắc có thêm những tác phẩm về Văn Học Sử, trong Nam thì do từng cá nhân biên soạn, còn ngoài Bắc thường bởi nhiều người hợp soạn. Ở Miền Nam có bộ Văn Học Việt Nam (1960 gồm 2 quyển của Phạm Văn Diêu (5) không được đầy đủ vì gạt bỏ phần văn học chữ Hán và ngưng lại ở mốc đầu thế kỷ thứ 19. Bộ Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên (1961-1965) của Phạm Thế Ngũ gồm 3 quyển, soạn thảo từ văn học truyền khẩu đến năm 1945 tương đối khá đầy đủ với nội dung của các tác phẩm tiêu biểu. Bảng Lươc Đồ Văn Học Việt Nam (1967) của Thanh Lãng (6) là một cái nhìn tổng quan về diễn tiến của văn học từ khởi thủy đến hiện đại (từ thế kỷ 13 đến 1945). Văn Học Sử Thời Kháng Pháp (1974) của Lê Văn Siêu chỉ đề cập đến giai đoạn từ 1858 đến 1945.
Ở Miền Bắc có Lược Thảo Lịch Sử Văn Học Việt Nam (1957) của Nhóm Lê Quí Đôn, Sơ Thảo Lịch Sử Văn Học Việt Nam (1961) của Văn Tân, Hoài Thanh, Nguyễn Đổng Chi, Lịch Sử Văn Học Việt Nam (1971) của Lê Trí Viễn, Phan Côn, Đặng Thanh Lê, Phạm Văn Luận, Lê Hoài Nam, và Lịch Sử Văn Học Việt Nam (1971) của Bùi Văn Nguyên, Phan Sĩ Tấn. Tất cả vẫn còn là những sơ thảo, lược thảo về nền văn học Việt Nam.
Sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt ngày 30/04/1975, danh sách tác phẩm viết về văn học sử có thêm Văn Học Việt Nam (1999) của Nguyễn Phạm Hùng, Văn học Sử Việt Nam (2006) của Lê Văn Siêu, nhưng cho đến nay, bộ Văn Học Việt Nam được hợp soạn bởi nhiều tác giả tương đối đồ sộ và công phu hơn cả, gồm có: Văn Học Dân Gian của Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn, Văn Học Việt Nam thế kỷ thứ 10 đến nửa đầu thế kỷ 18 của Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương, Văn Học Việt Nam nửa cuối thế kỷ 18 đến hết thế kỷ 19 của Nguyễn Lộc, Văn Học Việt Nam 1900-1945 của Phan Cự Đệ, Trần Đình Hựu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức, Văn Học Việt Nam thế kỷ 20 của Phan Cự Đệ, Trần Đình Sử, Đinh Văn Đức, Mã Giang Lân, Phan Trọng Thưởng, Tất Thắng, Bùi Việt Thắng, Hà Văn Đức, Bích Thu, Lê Dục Tú.
Ở hải ngoại, bộ Văn Học Miền Nam 1954-1975 (1986) của Võ Phiến (7) tuy thiếu sót tài liệu và chỉ viết về lịch sử văn học của thời kỳ từ 1954 đến 1975 ở miền Nam nhưng nghiên cứu có phương pháp. Điều kiện sinh hoạt văn học như bối cảnh xã hội, chính trị, kinh tế, môi trường trong đó nhà văn sống và sáng tác lần đầu tiên được đem ra phân tích. Yếu tố độc giả, xuất bản, cũng như thành phần, phái tính, mức sống, lối sống, thế giá của các tác giả cũng được đề cập đến.
PHÊ BÌNH VĂN HỌC
Đối tượng của phê bình văn học là phê phán, thẩm định, đánh giá các tác phẩm và hiện tượng văn học đang xảy ra. Phê bình văn học nhắm vào các hoạt động sáng tác, các sinh hoạt văn học, thị hiếu thưởng thức, khuynh hướng, thể loại, đề tài, nhân vật, ngôn ngữ. Chủ yếu là nhắm vào chiều hướng sáng tác hiện tại của văn học, không những nội dung mà còn ở đề tài, chủ đề tác phẩm. Một đôi khi nếu nhà phê bình văn học đề cập đến một hiện tượng văn học trong quá khứ thì đó chỉ là dụng tâm để làm sáng tỏ một vấn đề hiện tại.
Tác phẩm Phê Bình và Cảo Luận (1933) của Thiếu Sơn (8) một quyển phê bình văn học trước nhất của Việt Nam nhưng thiếu giá trị vì không có lập trường, nhận xét thiếu chính xác, sâu sắc. Thi Nhân Việt Nam (1941) của Hoài Thanh và Hoài Chân (9) là tác phẩm phê bình thơ bằng trực giác, cảm quan và khiếu thẩm mỹ thưởng thức. Trong bộ Nhà Văn Hiện Đại (1940), Vũ Ngọc Phan (10) sử dụng phương pháp phê bình cổ điển tây phương có tính cách thuần túy phê bình kỹ thuật về lối hành văn, câu văn, cách mô tả và nghệ thuật cấu kết.
Ngoài những tác phẩm về phê bình nêu trên, rải rác trên các tạp chí thời tiền chiến còn có những bài phê bình của các tác giả Phan Khôi, Ngô Đức Kế, Đặng Thái Mai, Hải Triều, Trương Chính, Kiều Thanh Quế, Bùi Công Trừng, Nguyễn Đình Thi, v.v. Ở miền Nam sau 1954 các cây viết trong lãnh vực phê bình văn học có Đặng Tiến, Uyên Thao, Lê Huy Anh, Phương Thảo, Cao Huy Khanh…
LÝ LUẬN VĂN HỌC
Lý luận văn học (gọi tắt là văn luận) nhằm tìm hiểu và đặt nền tảng cho văn học, là phương tiện nhận thức, giữ vai trò chỉ đạo trong lãnh vực văn học. Khác với đối tượng của văn học sử và phê bình văn học vốn là những hiện tượng văn học xác định và cụ thể, lý luận văn học có tính chất của phương pháp luận nghiên cứu văn học, nhắm vào phương diện cấu trúc và những điểm điển hình của hiện tượng văn học. Đối với lý luận văn học, những hiện tượng văn học cụ thể chỉ là phương tiện để dẫn đến những khái quát trừu tượng. Dĩ nhiên lịch sử văn học và lý luận văn học không thể tách rời nhau. Không có lịch sử của văn học thì không có lý luận về văn học, và ngược lại. Lý luận văn học cũng nghiên cứu tiến trình của văn học nhưng không đi sâu vào lịch sử các giai đoạn, vào các trào lưu như trong văn học sử, mà chỉ nhằm vào nguồn gốc của cấu trúc, tức là những phương pháp sáng tác chính yếu, những nguyên tắc tư tưởng, nghệ thuật của thời đại phản ảnh cuộc đời chẳng hạn như các chủ nghĩa cổ điển, lãng mạn, tượng trưng, hiện thực v.v. Văn học sử và phê bình văn học cung cấp những nhận định về từng tác giả, tác phẩm tiêu biểu đưa đến sự khái quát của lý luận văn học. Ngược lại, lý luận văn học tổng kết những quan điểm, kiến thức và chuyển hóa thành phương pháp chung cho việc phê bình văn học và nghiên cứu văn học sử.
Lý luận văn học hiện đại có khuynh hướng thịnh hành dùng phân tâm học (Psychanalyse/Psychoanalytical), phân tích cấu trúc (Analyse Structurale/Structuralism) (11), phân tích phá thể (Déconstruction/Deconstruction), phân tích dấu hiệu (Analyse Sémiotique/Semiotics) để so sánh kiến trúc, tín hiệu và ngôn ngữ nội tại của thi văn phẩm, khai phá và hệ thống hóa tâm lý, triết lý ẩn tàng trong tác phẩm. Lý luận văn học có thể coi như một bản đại hoà tấu liên tạo thi văn mà giao hưởng và thưởng ngoạn chỉ đạt được bằng mức độ giao cảm linh biến giữa tác giả, bình giả và độc giả qua tác phẩm và hiện tượng sáng tạo liên hệ (12). Phân tích cấu trúc xuất hiện từ thập niên 1960 mà nhà ngữ học Pháp Ferdinand de Saussure (1857-1913) đóng góp rất nhiều cho nền tảng của lối phân tích này. Các nhà lý luận văn học nổi danh sử dụng phân tích cấu trúc gồm các tác giả như Roland Barthes (1915-1980), Gérald Genette (1931 —-), Algirdas Julien Greimas, Roman Jakobson (1896-1982), Claude Lévi-Strauss (1908 —-) Tzvetan Todorov (1939 —-). Vào thập niên 1960 triết gia Pháp Jacques Derrida (1930 —-) phát triển thêm phương pháp phân tích phá thể (Deconstruction). Đây là phương pháp hậu phân tích cấu trúc (Poststructuralism). Lối phân tích này tạo được ảnh hưởng rất lớn ở Hoa Kỳ.
Thạch Lam (13) với Theo Giòng, Nguyễn Bách Khoa (tức Trương Tửu) với các tác phẩm Nguyễn Du và Truyện Kiều, Văn Chương Ttruyện Kiều, Nguyễn Công Trứ, Đặng Thái Mai (14) với Văn Học Khái Luận, Đinh Gia Trinh (15) với những bài về văn học trên tạp chí Tri Tân và Thanh Nghị là những tác giả viết lý luận văn học đầu tiên của Việt Nam.
Ở hải ngoại, Nguyễn Hưng Quốc với Nghệ Thuật Thơ Việt Nam (1988), Nghĩ Về Thơ (1989), Thơ v.v. và v.v. (1996), Thơ Con Cóc và những vấn đề khác (2006) (16), Lưu Nguyễn Đạt với Văn Luận (2000) là hai tác giả sử dụng những phương pháp lý luận văn học hiện đại của tây phương trước nhất ở hải ngoại.
CÁC QUAN NIỆM VĂN HỌC TÂY PHƯƠNG
Thời cổ, Plato (17) cho rằng cái đẹp được tạo nên bởi sự hồi tưởng của con người về một tiền kiếp chung sống với thần linh, và nghệ thuật chính là sự tái tạo cái đẹp tuyệt đối và vĩnh cửu đó. Như thế, nghệ thuật không phản ảnh thực tế mà chỉ là cái bóng của tiền kiếp. Ngược lại, Aristotle (18) quan niệm văn học là sự bắt chước thực tế nhưng mang tính khái quát và sáng tạo. Thời Trung Cổ, Augustine (19) cho rằng “Chúa là nguồn gốc của mọi cái đẹp và là cái đẹp cao quí nhất”, nghệ thuật phải tìm nguồn cảm hứng trong ý niệm gắn bó với Chúa.
Đến thế kỷ thứ 17, Shakespeare (20), quan niệm kịch là tấm gương của đời sống con người, là mẫu mực cho phong tục và biểu tượng của chân lý. Chủ nghĩa cổ điển, bị chi phối bởi chủ nghĩa duy lý của Descartes (21) mà Boileau (22) là đại diện, chủ trương cái đẹp phải gắn liền với cái thật, “chỉ có cái thật mới đẹp và chỉ có cái thật mới đáng yêu”. Theo Boileau, tự nhiên là chân thực mà con người có thể chứng nghiệm được, nhưng tự nhiên phải được lý trí gạn lọc và xắp xếp lại. Sự mô phỏng tự nhiên phải dừng lại ở bản chất vốn phi lý của đời sống và không được đi vào thế giới phức tạp của nội tâm.
Thế kỷ thứ 18, Diderot (23) chống lại chủ trương từ trước cho rằng nghệ thuật chỉ mô tả cái đẹp. Theo ông, nghệ thuật tuy phản ảnh thiên nhiên nhưng cái đẹp chỉ là một phần. Nhà văn phải giúp người đọc thấu hiểu bản chất của điều thiện và điều ác, phải mô tả cả cái đẹp lẫn cái xấu của xã hội.
Bước sang thế kỷ thứ 19, Freud (24) cho rằng sáng tác là sự thăng hoa những ẩn ức về tính dục, tác phẩm là sự thể hiện giữa những xung đột vô thức, mặc cảm về tính dục. Nghiên cứu văn học chỉ có nhiệm vụ phát hiện cho được cái mặc cảm tính dục ẩn tàng và chi phối trong tác phẩm. Theo chủ nghĩa trực giác của Bergson (25), vì nhu cầu mưu sinh, lý trí con người dừng lại ở phương diện những gì có ích, cái đẹp vì không hữu dụng nên bị bỏ qua, thành thử lý trí không có khả năng nhận thức toàn diện thực tại. Trực giác vì không bị ảnh hưởng bởi lý trí nên mới có khả năng ghi nhận được toàn thể thực tại, do đó chỉ có trực giác cảm nhận được cái đẹp. Từ đó, Bergson đã đồng nhất khả năng trực giác với năng lực thẩm mỹ và khả năng sáng tạo nghệ thuật. Chủ nghĩa trực giác chủ trương nghệ thuật phi đạo đức. Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của năng lực trực giác, trí tưởng tượng vô vị lợi của nghệ sĩ.
CÁC QUAN NIỆM VĂN HỌC TRUNG HOA
Thời Chiến Quốc “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” với sự xuất hiện của các quan niệm Nho (Khổng Tử), Đạo (Lão Tử, Trang Tử), Mặc (Mặc Tử), Pháp (Hàn Phi Tử). Lão Tử phủ nhận cái đẹp thực tế (26), ông cho rằng cái đẹp do tự nhiên không cần con người sáng tạo ra và cũng không nên giải thích (27). Trang Tử còn nêu ra yếu tố “bất khả tri” về cái đẹp, muốn thấy cái tinh hoa của sự vật không phải bằng lời, mà phải lãnh hội bằng ý (28). Mặc Tử cho rằng có cái đẹp khách quan, ông thừa nhận tác dụng của thi, họa nhưng phủ nhận âm nhạc (29). Pháp gia chủ trương một hệ thống pháp luật chặt chẽ, vô hiệu hóa văn hóa, văn nghệ (30). Nho gia quan niệm văn học coi trọng đạo đức phong kiến qua lời bàn của Khổng Tử về Kinh Thi (31), và trọng cái hay cái đẹp của văn thơ (32).
Từ đời Đường những phần hữu ích nhất của đạo Nho bắt đầu được khai thác để củng cố cho việc cai trị. Văn chỉ được dùng để làm sáng tỏ đạo “văn dĩ minh đạo” (Hàn Dũ), đến đời Tống thì văn để chở đạo “văn dĩ tải đạo” (Chu Hy). Văn nhân thi sĩ đời Đường và Tống lấy cái hồn của thiên nhiên làm đối tượng. Bạch Cư Dị đời Đường quan niệm “vì dân, vì vật, vì sự mà viết, chứ không phải vì văn mà viết” (tựa, Tân Nhạc Phủ), Tư Không Đồ cho rằng “đẹp ở ngoài vần điệu hay ở ngoài ý vị”, “hình ảnh ở ngoài hình ảnh, cảnh ở ngoài cảnh” (thư gửi Lý Sinh và Cực Phô).
Đời Tống, Nghiêm Vũ cho rằng thơ Đường sở dĩ hay vì diệu ngộ giống đạo Thiền. Vương Sỹ Trinh đời Thanh cũng nói: “Nhà Thiền nói về ngộ cảnh, nhà thơ nói về hóa cảnh, thi thiền nhất trí, không khác nhau” (Ngư Dương Thi Thoại).
CÁC QUAN NIỆM VĂN HỌC VIỆT NAM
Ở nước ta từ xưa đã có một quan niệm văn học về tự hào dân tộc và yêu nước. Thế kỷ thứ 11, Lý Thường Kiệt khẳng định chủ quyền độc lập của đất nước (33). Thế kỷ 15, Nguyễn Trãi quan niệm phải dùng những bài văn góp phần vào việc dẹp giặc phương Bắc, ra sức bảo vệ nước Nam (Bảo Kính Cảnh Giới, số 6). Hậu bán thế kỷ thứ 19, Nguyễn Đình Chiểu “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” (Than Đạo). Đầu thế kỷ 20, nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục chủ trương thơ văn đều cốt phát huy chủ nghĩa yêu nước, yêu nòi giống (34).
Từ thế kỷ thứ 15 trở về trước, Việt Nam không bắt chưóc quan niệm “văn dĩ tải đạo” của Tống Nho nhằm phủ nhận tác dụng thẩm mỹ của văn học, mà ngược lại ta thấy được cái đẹp của văn thơ (35). Từ thế kỷ thứ 16 và nhất là từ triều Nguyễn, tuy quan niệm “văn dĩ tải đạo” được áp dụng triệt để nhưng nhiều tác giả có cái nhìn khác. Ngô Thời Sĩ “văn chương có quan hệ đến vận đời” (Thượng Tứ Điều Khải), Ngô Thời Nhậm cho rằng “làm thơ phải gửi gấm tâm tình vào sự vật” (Bàn thơ cùng Phan Huy Ích), với Lê Quí Đôn thơ có 3 điểm chính “Một là tình, hai là cảnh, ba là sự”, theo ông, văn chương phải gắn liền với đạo đức “Văn chương là gốc lớn để lập thân, là việc lớn để sửa đời” (Vân Đài Loại Ngữ). Cao bá Quát: “Người cùng thơ dễ hay, người đạt thì thơ khó hay” (Tiếu Lâm Thi Tập Hậu), Ngô Thời Chí quan niệm “Đại phàm về thơ hễ nói tới chinh thú, cư trọ thì dễ hay, nói tới vương hầu khanh tướng thì thường dở. Về hội họa, hễ vẽ cảnh lầu son gác tía thì thường nhớp nhúa, vẽ cảnh quán chợ lều tranh thì dễ thanh tao” (36).
KẾT LUẬN
Những công trình nghiên cứu văn học có giá trị đòi hỏi phải đi sâu vào vấn đề. Nhưng càng đào sâu, các nhà nghiên cứu cuối cùng phải bắt gặp triết học, vì bản chất của triết học vốn là cái nhìn vấn đề tận nền tảng và giúp phân tích bằng những khái niệm rõ ràng. Văn học và triết học giúp đỡ và soi sáng lẫn nhau, văn khảo không thể thực hiện được nếu thiếu ý thức sâu sắc. Ngoài ra, trong khung cảnh nghiên cứu văn học hiện nay của thế giới, văn khảo cũng không thể thực hiện được một cách nghiêm chỉnh nếu bỏ quên vấn đề ngữ học (37).
Văn khảo là một ngành mới bắt đầu có từ đầu thế kỷ thứ 20 ở nước ta, không như tây phương, Việt Nam còn đang trong thời kỳ xây dựng. Tất cả vốn liếng hiện có chỉ là những phác thảo sơ sài, những mốc đầu tiên có tính cách tạm thời. Khảo cứu văn học chỉ có thể trở thành một khoa học (science) trong tương lai nếu có sự tham gia tích cực của các nhà nghiên cứu, phê bình và lý luận văn học.
Trần Bích San
CHÚ THÍCH
(1) Nguyễn Văn Tố (1889-1947): học giả, bút hiệu Ứng Hòe, người tỉnh Hà Đông, thuở nhỏ học chữ Hán, sau học chữ Pháp đỗ bằng Thành Chung, làm cho Trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, chuyên về văn học cổ Việt Nam. Trước 1945 là hội trưởng Hội Trí Tri và Hội Truyền Bá Quốc Ngữ. Bộ trưởng Xã Hội trong Chính Phủ Lâm Thời, rồi Đại Biểu Quốc Hội khóa I, quyền Chủ Tịch Quốc Hội khóa I (1945) và Quốc Vụ Khanh trong Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến (1946). Bị bắt trong một cuộc đột kích của quân đội Pháp vào chiến khu Việt Bắc và bị giết tại Bắc Kạn ngày 07/10/1947. Từng cộng tác với các tạp chí Trí Tri, Tri Tân, tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ xuất bản ở Hà Nội trước 1945. Tác giả nhiều bài nghiên cứu văn học và lịch sử, hiệu đính cổ văn trên tạp chí Tri Tân trong khoảng thời gian từ số 1 (1941) đến số 212 (1945). Tuy viết nhiều bài biên khảo bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, nhưng chưa có tác phẩm in thành sách. Một số bài tiếng Việt có thể kể: Sự Tích Ôn Như Hầu (Kỷ Yếu hội Trí Tri, 1932), Nước Chiêm Thành (Đông Thanh số 1, 1932), Mĩ Thuật Nước Nhà (Đông Thanh số 3, 1932), Những bài Thơ Tình Trong Kinh Thi… (Đông Thanh số 5, 1932), Tiếng Ta Gốc Tự Nước Nào? (Đông Thanh số 7, 1932), Di Tích Thành Đại La (Đông Thanh số 10, 1932), Nước Ta Đúc Tiền Từ Thời Nào? (Đông Thanh số 11, 1932), Một Đoạn Nam Sử Rất Vẻ Vang (Đông Thanh số 12 & 13, 1932), Hoa Tiên (Kỷ Yếu hội Trí Tri, 1936), v.v.
(2) Nguyễn Đổng Chi (1915-1984): nhà nghiên cứu văn học, sinh ngày 06/01/1915, mất ngày 20/07/1984, quê xã Hậu Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, từng giữ chức Viện Trưởng Viện Hán Nôm, ủy viên hội Văn Nghệ Dân Gian. Tác phẩm: Việt Nam Cổ Văn Học Sử (1941), Hát Giặm Nghệ Tĩnh (1944), Lược Khảo Về Thần Thoại Việt Nam (1960), Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam (5 quyển, 1959), Sơ Khảo Lịch Sử Văn Học Việt Nam (1961), Thời Đại Hùng Vương, v.v. Cũng nên nhắc ở đây một vụ đạo văn trắng trợn và nhơ nhớp trong văn học. Hoàng Trọng Miên, một người viết văn vô liêm sỉ ở Miền Nam Việt Nam đã dùng nguyên quyển Việt Nam Cổ Văn Học Sử, đổi tên là Việt Nam Văn Học Toàn Thư đem xuất bản (Quốc Hoa, Sài Gòn, 1959). Sự việc này được nhà văn Uyên Thao phát giác và phanh phui trước công luận, nhưng rất tiếc là sách vẫn được trao giải thưởng văn học của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
(3) Ngô Tất Tố (1894-1954): nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, sinh quán Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Khoảng từ 1927-1929 vào Nam cộng tác với Đông Pháp Thời Báo, Thần Chung, sau đó trở ra Bắc chuyên về sáng tác, nghiên cứu văn học, sử học, triết học. Tác Phẩm: Tắt Đèn (1939), Việc Làng (1941), Lều Chõng (1941), Lịch Sử Đề Thám (1935), Vua Hàm Nghi và Việc Kinh Thành Thất Thủ (1935), Gia Định Tổng Trấn Tả Quân Lê Văn Duyệt (1937), Thi Văn Bình Chú, (1941), Phê Bình Nho Giáo của Trần Trọng Kim (1940), v.v.
(4) Dương Quảng Hàm (1898-1946): nhà văn học sử, sinh ngày 15/01/1897, quê làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, anh của Dương Tự Quán (chủ trương Văn Học Tạp Chí 1932-1933 và sáng lập tạp chí Tri Tân 1941), và em của Dương Bá Trạc. Tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm (1920), giáo sư trường Bưởi, bị mất tích tại Hà Nội năm 1946. Tác phẩm: Quốc Văn Trích Diễm (Hà Nội, 1926), Những Bài Lịch Sử An Nam (1927), Văn Học Việt Nam (Hà Nội, 1939), Việt Nam Văn Học Sử Yếu (Hà Nội, 1941), Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển (Hà Nội, 1942), Việt Văn Gíao Khoa Thư (Hà Nội, 1942), Lục Vân Tiên (Hà Nội, 1943), Lý Văn Phức, Tiểu Sử, Văn Chương (Sài Gòn, 1957).
(5) Phạm Văn Diêu (1928-1982): nhà văn học sử, sinh ngày 08/12/1928, mất ngày 06/07/1982, quán Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, học ở Huế, dạy tại các trường trung học ở Quảng Ngãi, giáo sư trường Quốc Học Huế, đại học Văn Khoa Sài Gòn, sau 1975 dạy đại học Tổng Hợp thành phố HCM. Từng cộng tác với các tạp chí Đại Học, Văn Học, Văn Hóa Nguyệt San ở Sài Gòn. Tác phẩm: Việt Nam Văn Học Giảng Bình (1958), Văn Học Việt Nam (Tân Việt, Sài Gòn, 1960).
(6) Thanh Lãng (1924-1990): nhà nghiên cứu văn học, tên thật Đinh Xuân Nguyên, quê ở Thanh Hóa. Thuở nhỏ học ở Thanh Hóa, sau học chủng viện Xuân Bích Hà Nội, thụ phong linh mục năm 1950. Du học Thụy Sĩ tốt nghiệp cử nhân Thần Học và tiến sĩ Văn Chương Pháp. 1958 về nước dạy học và là trưởng ban Việt Văn của Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, hội viên Ủy Ban Điển Chế Văn Tự, hội viên Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục. Sau 1975, tham gia Viện Khoa Học Xã Hội thành phố Hố Chí Minh. Tác phẩm: Văn Chương Chữ Nôm (1953), Văn Chương Bình Dân (1953), Biểu Nhất lãm Văn Học Cận Đại (1957), Lịch Sử Phê Bình Văn Học (1965), Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam I & II (1967), Văn Học Dấn Thân Yêu Đời (1969), 13 Năm Tranh Luận Văn Học (1994), v.v.
(7) Võ Phiến (1925 —-): tên thật Đoàn Thế Nhơn, sinh ngày 20/10/1925, quán làng Trà Bình, quận Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, công chức, tị nạn tại Hoa Kỳ từ 1975, hiện sống ở California. Tác phẩm: Chữ Tình (1956), Người Tù (1957), Mưa Đêm Cuối Năm (1959), Đêm Xuân Trăng Sáng (1961), Giã Từ (1962), Thương Hoài Ngàn Năm (1962), Thư Nhà (1963), Tiểu Thuyết Hiện Đại (1963), Một Mình (1965), Tạp Bút (1966), Đàn Ông (1966), Ảo Ảnh (1967), Phù Thế (1967), Tạp Luận (1973), Đất Nước Quê Hương (1973), Chúng Ta Qua Cách Viết (1973), Tùy Bút I & II (Hoa Kỳ, 1986 & 1987), Tiểu Luận (Hoa Kỳ, 1988), Văn Học Miền Nam (Hoa Kỳ, Văn Nghệ tái bản, 2000), v.v.
(8) Thiếu Sơn (1908-1978): tên thật Lê Sĩ Quí, quê làng Đan Loan tỉnh Hải Dương, thuở nhỏ học ở Hà Nội nhưng sinh sống trong Nam từ 1930 đến khi từ trần ngày 05/01/1978. Tham gia nghề văn rất sớm từ năm 1928, cộng tác với các báo Nam Phong, Phụ Nữ Tân Văn, Đuốc Nhà Nam, Nam Kỳ Tuần Báo, Đại Việt Tạp Chí, Phổ Thông, Giáo Dục Phổ Thông. Năm 1971 bị tù ở Côn Đảo, 1973 được thả. Tác Phẩm: Phê Bình và Cảo Luận (1933), Người Bạn Gái (1941), Câu Chuyện Văn Học (1943), Đời Sống Tinh Thần (1943), Giữa Hai Cuộc Cách Mạng 1798 và 1945 (1947).
(9) Hoài Thanh (1909-1982): nhà phê bình văn học, tên thật Nguyễn Đức Nguyên, sinh ngày 15/07/1909, mất ngày 14/03/1982, quê làng Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Lúc nhỏ học ở Nghệ An rồi Huế, đậu Tú Tài I, sau đó dạy học tại Huế. Trước 1945 là nhà phê bình thuộc phái ấn tượng, sau 1945 phê bình theo quan điểm Marxist. Tác phẩm: Văn Chương và Hành Động (1936), Thi Nhân Việt Nam (hợp soạn với Hoài Chân, 1941), Có Một nền Văn Hóa Việt Nam (1946), Nói Chuyện Thơ Kháng Chiến (1951), Nam Bộ Mến Yêu (1955), Phê Bình và Tiểu Luận I, I & III (1960, 1965, 1971), Phan Bội Châu (1978), Chuyện Thơ (1978), Tuyển Tập Hoài Thanh I & II (1982).
(10) Vũ Ngọc Phan (1902-1987): nhà phê bình văn học, sinh ngày 08/09/1902, mất ngày 14/06/1987, sinh tại Hà Nội, nguyên quán huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, trước năm 1945 cộng tác với các báo Phong Hóa, Ngày Nay, và nhóm Tân Dân của Vũ Đình Long. Từng là ủy viên ban chấp hành Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam. Tác phẩm: Nhà Văn Hiện Đại, 5 quyển (1940), Thời Kỳ Binh Hỏa (1941), Thi Sĩ Trung Nam (1942), Trên Đường Nghệ Thuật (1944), Ba Loại Văn (1944), Chuyện Hà Nội, bút ký (1944), Những Trận Đánh Pháp (1946), Tuyện Cổ Tích Việt Nam (1956), Tục Ngữ và Dân Ca Việt Nam (1957), Sơ thảo Văn Học Việt Nam (1960), Truyện Cổ Dân Gian Việt Nam (1964), Tấm Cám (1966), Qua Những Trang Văn (1976).
(11) Từ “structuralism” (phân tích cấu trúc), trở nên nhiều hay ít, kết hợp với chữ “semiotics” (phân tích dấu hiệu). Từ “semiotics” hoặc “semiology” có nghĩa là “nghiên cứu dấu hiệu có hệ thống” (systemmatic study of signs), và đây chính là những gì mà các nhà phân tích cấu trúc văn học thực sự sử dụng.
(12) Văn Luận, Lưu Nguyễn Đạt, trang 24.
(13) Thạch Lam (1910-1942): Tên thật Nguyễn Tường Lân, thân phụ là Nguyễn Tường Nhu, em nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, sinh ngày 07/07/1910, mất ngày 27/06/1942 vì bệnh lao phổi, sinh tại Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương (nguyên quán làng Cẩm Phô, tỉnh Quảng Nam). Năm 17 tuổi đậu bằng Thành Chung (1927), làm báo Phong Hóa, Ngày Nay và có chân trong Tự Lực Văn Đoàn. Tác phẩm: Gió Đầu Mùa (1937), Nắng Trong Vườn (1938), Ngày Mới (1939), Hà Nội 36 Phố Phường (1942), Theo Giòng (1941), Sợi Tóc (1942).
(14) Đặng Thái Mai (1902-1984): nhà lý luận văn học, sinh ngày 15/12/1902, người làng Lương Điền, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, sau 1945 ký Đặng Thai Mai, thân sinh là Đặng Nguyên Cẩn học quan triều Nguyễn. Lúc nhỏ học chữ Hán sau học chữ Pháp, tốt nghiệp trung học ở Vinh năm 1924, ra Hà Nội học Cao Đẳng Sư phạm, tốt nghiệp năm 1928, dạy trường Quốc Học Huế. Tham gia đảng Tân Việt của Lê Văn Huân, bị bắt và tù treo. Năm 1930 bị bắt lần nữa, sau khi được thả ra Hà Nội dạy học. Từng là Bộ Trưởng Giáo Dục trong chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến (1946), Đại Biểu Quốc Hội, chủ tịch Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật, viện trưởng Viện Văn Học Việt Nam. Đặng Thái Mai là người viết lý luận văn học theo quan điểm Marxist đầu tiên ở Việt Nam. Tác phẩm: Văn Học Khái Luận (1944), Chủ Nghĩa Nhân Văn Dưới Thời Kỳ Văn Hóa Phục Hưng (1949), Giảng Văn Chinh Phụ Nhâm (1950), Văn Thơ Phan Bội Châu (1958), Văn Thơ cách Mạng Việt Nam Đầu Thế Kỷ 20 (1959), Hồi Ký (1986).
(15) Đinh Gia Trinh (1915-1980): nhà lý luận văn học, người tỉnh Bắc Ninh, học Trường Bưởi, tốt nghiệp cử nhân luật Đại Học Luật Đông Dương năm 1940, đỗ tri huyện ngành tư pháp. Làm tri huyện một thời gian ngắn sau đó từ nhiệm về Hà Nội dạy trường Thăng Long. Viết cho Tri Tân và trong ban biên tập tạp chí Thanh Nghị phụ trách mục phê bình văn học, thơ, tiểu thuyết VN hiện đại. 1946: Đại Biểu Quốc Hội khóa I. Sau 1954 phó Tổng Thư Ký Hội Luật Gia VN, biên tập viên tạp chí Luật Học.
(16) Thơ Con Cóc và Những Vấn Đề Khác do Văn mới xuất bản năm 2006 là ấn bản mới với sửa chữa của tác phẩm Thơ, v.v. và v.v. (1996) cộng với một số trích đoạn từ 2 tác phẩm Tìm Hiểu Nghệ Thuật Thơ Việt Nam (1988) và Nghĩ Về Thơ (1989).
(17) Plato (427-347 TTL): triết gia Hy Lạp. Tác giả của lý thuyết Plato’s theory of Forms (or Ideas).
Forms (usually given a capital F) were properties or essences of things, treated as non-material abstract, but substantial, entities. They were eternal, changeless, supremely real, and independent of ordinary objects which had their being and properties by “participating” in them (Dictionary of Theories, Gale Reararch International, Ltd., United Kingdom, 1993).
(18) Aristotle (384-322 TTL): triết gia Hy Lạp, học trò của Plato, một trong những tư tưởng gia vĩ đại và có ảnh hưởng lớn trong nền văn hóa Tây phương. Aristotellianism, thuyết về triết học và chính trị, cho rằng con người có bản chất tự nhiên về chính trị, và đời sống chính trị của một công dân tự do trong một chính quyền tự quản (polis) là hình thức cao nhất, là tinh hoa của đời sống tốt đẹp. Trong Nghệ Thuật Thi Ca (Art of Poetry), theo ông, “nhà sử học nói về những điều thực sự xảy ra, còn nhà thơ nói về những gì có thể xảy ra”.
(19) Saint Augustine (354-430 STL): triết gia, giám mục Thiên Chúa Giáo của Hippo (ngày nay là Algerie) trong thời gian từ năm 396 đến 430. Tư tưởng của ông có ảnh hưởng đến các nhà triết học sau này như Immanuel Kant và Blaise Pascal.
(20) Qua vở bi kịch Hamlet. William Shakespeare (1564-1616), thi sĩ, kịch tác gia Anh sáng tác khoảng 37 kịch bản gồm 3 thể loại: hài kịch, kịch lịch sử và bi kịch. Tính cách bất hủ các kịch bản của ông căn bản là nhờ sự hiểu biết sâu xa của ông về bản chất con người.
(21) René Descartes (1596-1650): nhà toán học và triết gia Pháp, nhiều người cho ông là cha đẻ của triết lý mới. Chủ thuyết duy lý (Cartesian Philosophy) nhấn mạnh sử dụng lý lẽ như là một dụng cụ chính yếu của triết học. Descartes muốn tìm sự thật qua việc chỉ dùng lý lẽ mà thôi. Tiền đề căn bản của ông là “tôi nghĩ, do đó tôi hiện hữu” (I think, therefore I am/Je pense donc je suis).
(22) Nicolas Boileau (1636-1711): sinh tại Paris, thi sĩ, nhà phê bình cổ điển, được vào Hàn Lâm Viện Pháp năm 1684. Tác phẩm phê bình văn học The Art of Poetry (1674), đã ảnh hưởng đến văn chương Pháp và Anh trong thế kỷ thứ 17: “Hãy để cho tự nhiên trở thành đối tượng nghiên cứu duy nhất”. Trong tác phẩm thơ Couplets, ông chứng minh cho thấy lối viết hay nhất là phải sống động, trong sáng, đầy tưởng tượng, thuần túy phong cách và tạo được ảnh hưởng rung cảm sâu xa.
(23) Denis Diderot (1713-1784): nhà văn và triết gia Pháp, triết gia chính trong “thời kỳ của lý lẽ” (Age of Reason). Ông hổ trợ mạnh mẽ cho phương pháp thử nghiệm trong triết học. Ông tin rằng thiên nhiên luôn luôn trong trạng thái thay đổi, và “những gì thường gặp nhất giữa thiên nhiên đều đã từng làm mẫu mực đầu tiên cho nghệ thuật” (Tuyển Tập Diderot).
(24) Sigmund Freud (1856-1939): bác sĩ phân tâm học người Áo. Ông cho rằng động lực chính của hành động con người là bản năng và xu hướng sinh vật học vô thức mà chủ yếu là tính dục. Trong mỗi con người đều chứa đựng một hạt nhân tính dục bị nhận chìm từ lúc còn nhỏ, “tất cả bắt nguồn từ sự xung đột giữa cái tôi và tình dục”.
(25) Henri Louis Bergson (1859-1941): sinh ở Paris, nhà văn, triết gia Pháp, giải Nobel văn chương 1927. Triết thuyết của ông được trình bày trong tác phẩm Time and Free Will (1889) ông tin rằng thời gian là một sự thực vĩ đại. Nhưng “thời gian” không có nghĩa thông thường. Thời gian không hiện hữu, theo nghĩa thường, trong ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai. Quan niệm về thời gian của Bergson là sự kéo dài (duration), là một giòng chảy bất biến từ quá khứ cho tới tương lai, không phải chỉ là sự kế tiếp của những khoảnh khắc (Duration was a constant flow from the past into the future, not just a succession of instants). Thời gian theo nghĩa này chứa đựng sự có thể của những kinh nghiệm mới, mỗi khắc, không chỉ có cái mới mà còn có những cái không thể tiên đoán được.
(26) “Lời đẹp không đáng tin”(Lão Tử, Đạo Đức Kinh)
(27) ”Thiên hạ đều biết đẹp là đẹp thì không còn đẹp nữa” (Lão Tử, Đạo Đức Kinh)
(28) ”Cái có thể giải thích bằng lời lẽ chỉ là cái thô của sự vật, còn cái tinh hoa của sự vật thì chỉ có thể lấy ý lĩnh hội mà thôi” (Trang Tử, Thu Thủy)
(29) ”Dân có 3 điều lo: đói không được ăn, rét không được mặc, mỏi không được nghỉ, ba điều đó là nỗi lo lớn của dân. Song nếu vì dân mà gõ chuông lớn, đánh trống kêu, gảy đàn cầm đàn sắt, thổi ống vu ống sính, và múa cái can cái thích, thì sự ăn mặc của dân có được cái gì đâu!” (Mặc Tử, Phi Nhạc)
(30) ”Trong nước của bậc minh chúa không cần sách vở, văn chương, chỉ lấy pháp luật dạy dân…Đối với người giỏi văn chương không nên dùng, dùng họ sẽ làm loạn pháp độ” (Hàn Phi Tử, Ngũ Đố)
(31) Thơ có thể làm phấn khởi ý chí, có thể giúp quan sát phong tục, hòa hợp với mọi người, bày tỏ nỗi sầu oán, gần thì thờ cha, xa thì thờ vua, biết được tên chim muông, cây cỏ (Luận Ngữ)
(32) “Lời không văn vẻ không đi xa được” (Luận Ngữ)
(33) Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(34) Phan Chu Trinh: “Bút lưỡi muốn xoay dòng nước lũ”, Phan Bội Châu: “Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng”
(35) “Gói nem là vị rất ngon trên đời, gấm vóc là màu rất đẹp trên đời, phàm người có miệng có mắt, ai cũng quí trọng mà không vất bỏ, khinh thường. Đến như thơ văn thì lại là sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể đem mắt tầm thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được” (Hoàng Đức Lương, trích lại trong Từ Trong Di Sản… trang 28, nxb Tác Phẩm Mới, Hà Nội, 1981.
(36) Từ Trong Di Sản… trang 79, nxb Tác Phẩm Mới, Hà Nội, 1981.
(37) – Hollander: “Hình như không có lý do nào chính đáng để phân cách những vấn đề văn học ra khỏi những vấn đề ngữ học tổng quát”.
– Roman Jakobson: “ Mỗi người trong chúng ta ở đây đã dứt khoát hiểu rằng một nhà ngữ học không thèm biết đến chức năng thơ văn của ngôn ngữ, cũng như một nhà chuyên môn về văn chương lãnh đạm với những vấn đề và mù tịt về những phương pháp ngữ học thì cả hai quả thật là lỗi thời” (Essais de Linguistique Générale, E. de Minuit, 1963, p. 248).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Jennifer Bothamley, Dictionary of Theories, Gale Research International Ltd, USA, 1993.
– Lê Văn Siêu, Văn Học Sử Thời Kháng Pháp 1858-1945, nxb Trí Đăng, Sài Gòn, 1974.
– Lưu Nguyễn Đạt, Văn Luận, nxb Cỏ Thơm, Hoa Kỳ 2000.
– Ngô Tất Tồ, Mặc Tử, in lần thứ 2, nxb Khai Trí, Sàigòn,
– Nguyễn Văn Trung, Lược Khảo Văn Học, nxb Nam Sơn, Sài Gòn 1963, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ,
03/1990.
– Nguyễn Q. Thắng, Từ Điển Tác Gia Việt Nam, nxb Văn Hóa, Hà Nội, 1999.
– Nhiều Tác Giả, Lý Luận Phê Bình Văn Học Miền Trung Thế Kỷ 20, nxb Đà Nẵng, 2001.
– Nhiều Tác Giả, Luận Về Quốc Học, nxb Đà Nẵng, 1999.
– Northrop Frye, Anatomy of Criticism, Princeton University Press, 10th printing, USA, 1990.
– Phương Lựu, Lý Luận Phê Bình Văn Học, nxb Đà Nẵng, 2004.
– Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hòa, Thành Thế Thái Bình, Lí
Luận Văn Học, nxb Giáo Dục tái bản lần thứ nhất, Hà Nội, Việt Nam,1997.
– Roland Barthes, Image Music Text, Hill & Wang, USA, 1988 (Translated by Stephen Heath)
– Terry Eagleton, Literary Theory, An Introduction, 2nd Edition, 1983, USA, 1996.
– Thạch Trung Giả, Văn Học Phân Tích Toàn Thư, nxb La Bối, Sài Gòn, 1973, Xuân thu tái bản, Hoa Kỳ.
– Thanh Lãng, 13 Năm Tranh Luận Văn Học, 3 quyển, nxb Văn Học, Sàigòn, 1995.
– Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Lão Tử Tinh Hoa, Đại Nam tái bản, Hoa Kỳ.
– Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Trang Tử Nam Hoa Kinh, Đại Nam tái bản, Hoa Kỳ.
– Trần Bích San, Văn Khảo, nxb Cỏ Thơm, Hoa Kỳ, 2000.
– Võ Phiến, Văn Học Miền Nam 1954-1975, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1986.