Từ khi nhà nước Cộng Sản Việt Nam hình thành, Trung cộng là nước đầu tiên công nhận sự hiện hữu của nó.
Không phải ngẫu nhiên khi nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa sớm công nhận nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà là họ đã có dụng ý khi hỗ trợ những người CSVN trong cuộc chiến tranh giành quyền lực vì họ đã nhìn thấy rằng nhà nước CSVN sẽ là “vùng đệm” để bảo vệ sườn phía Nam của họ khi họ còn yếu trong bối cảnh đối đầu với Thế giới Tự do..
Và ngày hôm nay khi Trung cộng đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ với thực lực quân sự ngày càng mạnh đã làm thay đổi tương quan lực lượng trong khu vực Đông Á- Thái Bình dương vốn trước đây Mỹ là chủ soái.
Sức mạnh kinh tế và quân sự đã thôi thúc đảng CS Trung quốc mơ về một “Giấc mơ Trung hoa”.
Trong khi CSVN coi Trung cộng là “đồng chí” là “anh cả” là chổ dựa chính trị của chế độ thì Trung quốc chỉ coi CSVN là “chư hầu” là công cụ và là “bàn đạp” để bành trướng về hướng Nam.
Trung cộng không còn cần thiết một “vùng đệm” ở sườn phía Nam nữa vì họ đủ mạnh để không một thế lực nào có ý muốn tấn công họ, CSVN đã mất đi giá trị lợi dụng mà chỉ còn được coi như một ví trí chiến lược quan trọng mà Trung cộng muốn kiểm soát trong kế hoạch ngăn chận sự can thiệp của Mỹ vào khu vực và là một chiến trường mở rộng khi chiến tranh Trung- Mỹ xảy ra.
Nhận thấy mình đã mất hết giá trị lợi dụng của một “vùng đệm” và đang sắp trở thành vật hy sinh cho tham vọng bá quyền đại Hán, CSVN hoảng loạn nên tìm cách bắt tay với Mỹ với hy vọng mối quan hệ Việt- Mỹ sẽ làm cho Trung cộng “cẩn thận” hơn trong ý đồ của mình..
Nhưng mối quan hệ Việt cộng- Mỹ chỉ là mối quan hệ “đồng sàng dị mộng” không được xây dựng trên nền tảng một Hiệp ước Hỗ tương như quan hệ Mỹ- Nhật hay Mỹ – Philipines, không được bảo đảm một cách hợp pháp bởi Quốc hội Mỹ và trong mối quan hệ này người Mỹ không hãnh diện gì về một đối tác có thành tích bất hảo về nhân quyền và đi ngược lại với giá trị nền tảng của nước Mỹ.
Cho dù hoảng sợ vì sự đe dọa từ Trung cộng đối với quyền lực và khối tài sản khổng lồ nhưng đảng CSVN vẫn không tìm được sự đồng thuận trong việc đề ra một chính sách, một lộ trình khả thi để làm sâu sắc hơn quan hệ với Hoa Kỳ, vì mặc cảm tội lỗi đã gây ra cho đất nước và dân tộc này.
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho đảng CSVN như: họ sẽ đứng ở đâu trong một chế độ dân chủ đa đảng; những tài sản không lồ lên đến hàng trăm tỷ Mỹ kim sẽ được xử lý như thế nào và những tội ác của họ gây ra cho dân tộc này sẽ được giải quyết ra sao trong một chế độ thượng tôn luật pháp?
Và những cá nhân đã từng gây ra tội lỗi có được “miễn trách” hay không, có được ân xá trong một tiến trình dân chủ hóa và sự hòa giải hòa hợp có đủ cơ hội mang đến cho họ một không gian sinh tồn thoải mái như cho mọi công dân khác?
Những câu hỏi này không dể tìm câu trả lời thỏa đáng khi sự hận thù giai cấp, hận thù vì ý thức hệ một thời gian dài và ngay trong hiện tại được người CS nuôi dưỡng và kích động để làm phương tiện cho sự đàn áp nhân quyền và những tiếng nói đối lập..
Với một di sản nặng nề như vậy, con đường dẫn đến một giải pháp dân chủ hóa để hội nhập cùng thế giới và trở thành đồng minh của Mỹ e rằng khó hơn việc con trâu chui qua lỗ kim?
Chính vì vậy mà trong nội bộ đảng CSVN sự mâu thuẫn và bế tắc không thể khai thông được.
Hiện nay trong quan hệ giữa người dân và đảng CS sự thù hận và nghi kị vẫn chế ngự, không có được sự đồng cảm giữa nhà cầm quyền và nhân dân; đảng CS đang ở trong thế bị cô lập, cho dù họ có trong tay hàng triệu bộ đội và công an cùng guồng máy đàn áp khổng lồ.
Xét trong lịch sử Việt nam mỗi khi đất nước bị đe dọa và xâm lược từ phương Bắc thì cả nước đồng lòng chống ngoại xâm, họ tập hợp dưới ngọn cờ yêu nước của giới lãnh đạo từ Lý, Trần, Lê đến thời Quang Trung, Nguyễn Huệ là như vậy.
Ngược lại, CSVN hiện nay không có được sự chính danh và ủng hộ từ lòng dân, đây là một chỉ dấu nguy hiểm không chỉ cho đảng CSVN mà là cho cả đất nước và dân tộc. Tại sao như vậy?
Trong hậu bán thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, những giá trị tự do-dân chủ-nhân quyền, một nhà nước pháp trị, đa nguyên và tam quyền phân lập là giá trị phổ quát của nhân loại, nhưng đảng CSVN đã phủ nhận hoàn toàn những giá trị đó, họ độc quyền lãnh đạo, họ coi đất nước này là của riêng họ và gia tộc họ.
Hiện nay tài sản và tài nguyên quốc gia từ đất đai, rừng núi sông hồ biển cả là của đảng CSVN và gia tộc họ, người dân chỉ là người tạm dung trên mãnh đất mà cha ông để lại, họ bị gạt ra khỏi những vấn đề quốc gia trọng đại, họ chỉ là con rối trong tay đảng CSVN.
Một đất nước mà người dân chỉ là “ông chủ hờ”, luôn bị bóc lột và khinh miệt thì làm sao có thể hội tụ được lòng dân trong việc bảo vệ đất nước?
Một khi người dân coi đất nước này không còn là của họ, của con cháu họ thì tại sao họ lại phải đổ xương máu ra để bảo vệ cái không thuộc về mình?
Vì lo sợ trở thành vật lót dường, là bàn đạp trong tham vọng thực hiện “Giấc mơ Trung hoa” , vì lo sợ mất hết quyền lực và tài sản về tay Trung cộng nên đảng CSVN hô hào xây dựng cái gọi là “Thế trận lòng dân” để một lần nữa dùng xương máu của đồng bào Việt nam bảo vệ tài sản và quyền lực cho đảng CS!
Nhưng lịch sử Việt nam sẽ không bao giờ lập lại theo ý đồ của CSVN. Hơn nữa thời thế đã khác xưa.
Thế kỷ 21 này là thế kỷ của chiến tranh công nghệ cao, ai nắm được sự vượt trội về công nghệ người đó sẽ chiến thắng bất chấp có chính nghĩa hay không. Đó là một thực tế cần phải chấp nhập và các quốc gia nhược tiểu như Việt Nam chưa bao giờ lại ở vào thế bất lợi như vậy.
Đất nước Việt Nam hiện nay là một quốc gia nhược tiểu với một nền kinh tế nhỏ bé và nghèo nàn, sự phân hóa xã hội trầm trọng vì khoảng cách giàu nghèo, vì bất công và bất bình đẳng quá lớn.
Luật pháp vừa hà khắc vừa tàn độc, chỉ là công cụ để đàn áp dân và duy trì đặc quyền đặc lợi của giai cấp thống trị, thì tại sao người dân phải chiến đấu hy sinh để bảo vệ điều đó?
Xây dựng “thế trận lòng dân” khi lòng dân đang ly tán là một mơ mộng hão huyền của đảng CSVN.
Huỳnh Ngọc Tuấn