Báo chí từ trong nước đưa tin:
Trong báo cáo Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn viện trợ (Official Development Assistance/ ODA) và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho rằng, trong thời gian tới đối với việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cần được xem xét, cân nhắc thận trọng.
Đây là một tầm nhìn, đánh giá đáng quan tâm và ủng hộ, nhưng để làm được điều đó bộ KHĐT và cả hệ thống chính trị phải “đổi mới tư duy” một lần nữa.
Khuyến nghị của Bộ KHĐT xuất phát từ thực trạng nguồn vốn ODA Trung Quốc mà Bộ này đã chỉ ra, đó là các khoản vay kém ưu đãi, lãi suất cao hơn so với các nhà tài trợ khác.
Đặc biệt, đây là các khoản vay có điều kiện, thường là chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không bảo đảm chất lượng, tăng tổng mức đầu tư…v.v.
Khuyến nghị này đáng ra phải có từ lâu, nhưng ít ra nó cho thấy đã chính thức có cơ quan quản lý nhà nước lưu ý về việc phải cẩn trọng khi vay vốn ODA từ phía Trung Quốc. Điều đó rất quan trọng, bởi từ đây Việt Nam sẽ giảm thiểu hoặc mạnh dạn hơn là chấm dứt những khoản vay dễ dãi, tạo điều kiện cho việc kéo dài tiến độ, đội vốn, không hiệu quả cho nền kinh tế như trước đây.
Theo các chuyên gia : “vốn vay ODA Trung Quốc không hề rẻ hơn so với ODA của các nước, thậm chí nó còn đắt và nhiều vấn đề tệ hơn mà những bài học nhãn tiền như dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, 1/3 dự án trong số 12 dự án yếu kém của ngành công thương là ví dụ điển hình.
Rất nhiều dự án sử dụng vốn vay Trung Quốcbị đội vốn, ít thì tăng 30-40%, nhiều thì gấp đôi, sử dụng công nghệ lạc hậu, bị chậm tiến độ, nếu có hoàn thành để đi vào sản xuất thì bị lỗ.
Các các khoản vay ODA nói chung, không riêng gì ODA Trung Quốc, đều có các khoản phí cam kết, phí quản lý… nhưng đối với vốn vay của Trung Quốc, đi kèm với nguồn vốn ưu đãi thường là các điều kiện kèm theo như: dự án phải do doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện, sử dụng lao động Trung Quốc, phải mua máy móc, thiết bị Trung Quốc dù công nghệ của chúng không hề cao so với thế giới… Những điều kiện đi kèm này dẫn tới nhiều hệ lụy”.
Bất lợi và tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, thậm chí còn đe dọa đến an ninh quốc gia như vậy nhưng tại sao Việt Nam từ trước đến nay vẫn coi nguồn vốn này là chủ lực trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ?
Có phải vì điều kiện để ký hợp đồng vay vốn của Trung Quốc rất đơn giản và đằng sau nó có thể còn có hoạt động lại quả, tham nhũng… và hơn thế nữa là việc làm này mang tính đầu cơ chính trị bởi các quan chức lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam muốn leo lên những vị trí quyền lực cao nhất cần có sự hậu thuẫn từ Trung Nam Hải…. và đây chính là hành động lót đường, dùng tài sản và tài nguyên quốc gia làm của riêng phục vụ lợi ích cá nhân và phe nhóm?
Về phía Trung Quốc họ sẵn sàng ký hợp đồng với các điều khoản mà chủ đầu tư đưa ra mà không kiểm tra chặt chẽ dù có khi họ biết dự án ấy không mấy hiệu quả. Chủ đầu tư chỉ cần làm những báo cáo sơ lược, có cái cớ để vay tiền…, tất cả đều được chấp nhận…
Trung quốc có cách tính và tầm nhìn của họ, nếu dự án không mang lại hiệu quả kinh tế, không khả thi hoặc công nghệ quá lạc hậu thì họ vẫn được lợi cả về mặt tài chính lẫn chính trị, còn bên chịu thiệt là phía Việt nam thì hà cớ gì họ không duyệt?.
Các khoản vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) nhưng nó cũng không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ như ODA của các nước khác. Nếu là vốn vay của nước khác sẽ không có chuyện đơn giản, dễ dàng về giải ngân tiền mặt, thực thi theo ý muốn chủ quan của người nhận tài trợ.
Những điều đó đang tạo cơ hội cho việc sử dụng vốn ODA không hiệu quả, tạo kẽ hở cho tham nhũng và đầu cơ chính trị.
Như vậy, vốn vay ODA của Trung quốc có sự kết hợp nhiều thứ: sự dễ dãi về thủ tục, giấy tờ lẫn việc sẵn sàng chấp nhận các yêu cầu vay vốn nhưng sau đó có thể vốn vay tăng lên, có lại quả khi vay…
Một nhà phân tích trong nội bộ chế độ hiện nay nhận xét: “nhiều người Việt Nam có quan hệ với phía Trung Quốc tương đối chặt chẽ, nên họ sẵn sàng tin tưởng vay, nhận tài trợ từ một số tổ chức, cơ quan phía Trung Quốc. Các dự án của Việt Nam vay vốn ODA, vốn ưu đãi của Trung Quốc vì thế rất nhiều”?
Theo quan điểm của một số chuyên gia, cảnh báo của Bộ KHĐT càng hợp lý, đúng đắn khi Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến lược “Một vành đai, một con đường” nhằm phục vụ chủ yếu cho kinh tế, lợi ích của Trung Quốc, trong khi lợi ích mà các nước nhận lại không biết có xứng đáng hay không? Nhận xét của các vị chuyên gia này vẫn còn chưa vượt “lằn ranh đỏ” khi họ chưa dám đề cập đến tham vọng bá quyền của Trung quốc ẩn tàng đằng sau kế hoạch “một vành đai, một con đường”!
Nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay muốn thoát khỏi cái bẫy từ nguồn vốn vay ODA của Trung quốc cần xây dựng, phát triển thị trường vốn trong nước vững chắc, đặc biệt là nguồn vốn tư nhân.
Đây là nguồn vốn “sạch” và hiệu quả trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, và để huy động được nguồn vốn này nhà cầm quyền cần phải làm nhiều việc: Đó là xây dựng hình ảnh một nhà nước khả tín, tôn nghiêm, trong sạch để thu phục lòng dân. Những điều này e rằng là bất khả thi đối với nhà cầm quyền hiện nay khi họ vẫn đàn áp nhân quyền, bất tín đối với người dân và quốc tế.
Với quốc tế họ hành xử như băng đảng tội phạm khi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức về và chối bay chối biến.
Với người dân trong nước họ hành xử bất nhân, lật lọng. Với một lịch sử cầm quyền bất hảo trong hơn nữa thế kỷ thì mong gì lấy được niềm tin của người dân và cộng đồng quốc tế?
Cho nên không muốn phụ thuộc vào nguồn vốn vay ODA của Trung quốc cũng không phải dễ. Người xưa nói thật không sai “bất tín bất thành lập”.
Huỳnh Ngọc Tuấn