Khánh An chào đón quý vị và các bạn đến với chương trình Café Wifi. Hôm nay, chúng ta sẽ gặp các bạn: Dịu, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, đang làm việc tại TP.HCM; Huỳnh Thục Vy từ Quảng Nam, hiện đang học luật và kinh tế; Như Quỳnh ở Nha Trang, thường được gọi là Blogger Mẹ Nấm; Toàn, kiến trúc sư, đang làm việc tại Sài Gòn và Hải Di, đang học chương tình IB ở Na Uy .
Tuổi trẻ VN hôm nay. AFP photo
Quyền của blogger
Chúng ta sẽ tiếp tục bàn về quyền của một blogger và thực trạng hiện nay mà họ đang phải đối diện.
Trước hết là ý kiến của bạn Di: Ở nước mình nhiều khi báo muốn viết gì cũng được, xâm phạm đời tư người ta. Ở nước khác người ta có quyền kiện lại, nhưng ở mình lại không có quyền kiện cho nên nhiều người kiện xong rồi thấy không tới đâu cả nên không kiện nữa.
Khánh An: Bạn Di vừa mới nói đến vấn đề mà mình cũng muốn nói đến về một blogger rất nổi tiếng là Cô Gái Đồ Long, tất cả các bạn ở đây chắc là biết hết. Chị này cũng đã bị kiện vì đã nói đến chuyện cá nhân, ca sĩ Phương Thanh đã kiện chi này. Tiếp theo bây giờ Cô Gái Đồ Long lại bị bắt. Lần này thì không phải là kiện nữa, mà lần này cô đã bị buộc vào tội xâm phạm đời tư người khác – tội vu khống. Thế thì các bạn nhìn thấy như thế nào ở chuyện một blogger viết những điều trên blog của mình và bị bắt?
Quỳnh: Chuyện Cô Gái Đồ Long có hai khía cạnh mình phải nhìn nhận, đó là cô này không viết mà chỉ dẫn link. Chính xác là những gì cô đưa tin là lấy từ một nguồn không rõ ràng. Thứ hai, chuyện bắt khẩn cấp cô – tức là cô này bị bắt khẩn cấp – vì vi phạm điều 258 “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, tổ chức, cá nhân”, thì ở góc độ của mình, với cách hành xử như vậy, mình nghĩ lẽ ra vụ này chỉ nên dừng ở mức xử lý dân sự, là một vụ án dân sự chứ không phải một vụ án hình sự.
Bởi vì những gì cô viết suy ra cho cùng nó cũng giống như nói qua nói lại, cũng không phải cô viết mà cái nguồn này là ở đâu đó thì cô phải chịu trách nhiệm về việc đưa tin là đúng, chính xác, nhưng chuyện bắt và khởi tố cô ở thời điểm này, theo nhận định của mình, chẳng qua là để cho các blogger khác thấy là “tụi mày viết đi, tụi mày cứ đưa tin đi, viết như thế nào đó đi, rồi cũng sẽ bị bắt.
Đây, bằng chứng là đã có người bị bắt đây.” Tại sao chọn blogger Cô Gái Đồ Long, bởi vì Cô Gái Đồ Long là một blogger khá tên tuổi, rất nhiều người biết đến. Cách hành xử bắt Cô Gái Đồ Long thật sự là không thuyết phục về mặt luật pháp lắm.
Khánh An: Vì mình đang nói chuyện blogger Cô Gái Đồ Long, mình lại muốn lặp lại câu hỏi đã đặt ra cho theo các bạn, khi sử dụng blog hay những trang mạng xã hội thì quyền của các bạn là như thế nào?
Toàn: Theo mình nghĩ thì quyền của mình là mình được viết những điều mà mình nghĩ, mình nói, miễn sao không có gì sai trái, sai sự thật. Đó là cái thứ nhất, cái thứ hai là không ảnh hưởng tới danh dự và quyền lợi của một ai đó. Mình nghĩ cơ bản là hai cái đó.
Chuyện anh Toàn vừa nói “không có đụng chạm đến danh dự hoặc quyền lợi của người khác”, nhưng giả sử viết một bài “lề trái” chẳng hạn, nó ảnh hưởng đến danh dự và quyền lợi của những người lãnh đạo thì anh Toàn nghĩ sao?
Toàn: Nếu mà ảnh hưởng tới danh dự và quyền lợi nhưng viết đúng thì vẫn chấp nhận được.
Di: Cái vấn đề là nằm ở đó đó, là làm sao biết được, tức là chuyện đó mình tin là đúng nhưng những người khác họ nghĩ như vậy là không đúng thì sao?
Khánh An: Vậy bây giờ mình xin phép được mời một người đang học luật, đó là bạn Vy. Giữa tranh luận của hai bạn Di và Toàn, Vy nghĩ thế nào?
Vy: Dạ. Anh Toàn có nói là viết đúng sự thật là cái thứ nhất, cái thứ hai là không có ảnh hưởng đến lợi ích và danh dự của người khác, mới nghe có vẻ như là nó mâu thuẫn với nhau, nhưng mà em nghĩ thế này: Khi người ta làm những điều sai trái, chúng ta nói lên những sai trái đó thì không phải là xúc phạm danh dự, chúng ta chỉ nói lên sự thật thôi. Đó không phải là xúc phạm danh dự…
Di: Tôi đồng ý với điều đó. Tôi đang thử lùi lại và nhìn vấn đề từ cặp mắt của người khác chứ không phải là cặp mắt của tôi. Tôi đang nói là từ góc độ của người khác, những người mà chỉ đọc báo giấy và chỉ xem truyền hình, tức những kênh thông tin chính thống, thì họ sẽ có những suy nghĩ như vậy. Khi họ quen với luồng tin nhất định thì những luồng tin ngược lại đối với họ sẽ không phải là sự thật.
Liệu có an toàn?
Khánh An: Lấy ví dụ trường hợp Cô Gái Đồ Long đã dẫn những chuyện trên blog của mình về đời tư của một viên chức rất lớn trong bộ máy nhà nước, vậy chuyện này là như thế nào? Cô có quyền được làm như vậy hay không?
Vy: Về việc Cô Gái Đồ Long viết về Phương Thanh hay về mấy cô ca sĩ gì đó thì Vy không rõ lắm về việc này. Nếu đời tư người ta mà nói không đúng thì giống như chị Quỳnh nói lúc nãy là chỉ có liên quan đến mối quan hệ pháp lý là về dân sự thôi. Em đồng ý về việc đó. Còn việc Cô Gái Đồ Long bị bắt là do đụng chạm tới ông trung tướng kia kìa.
Ông là người đại diện cho quyền lực nhà nước, đại diện cho công quyền, cho nên khi mà nói đến ông, đụng chạm tới đời tư của ông thì người ta đã thổi vụ này lên thành một vụ án hình sự. Tại vì, hình sự có nghĩa là gì? Hình sự có nghĩa là lĩnh vực pháp lý mà điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân, hay là nhà nước và các tổ chức nào đó.
Em nghĩ Cô Gái Đồ Long ở đây thực ra có đụng chạm tới đời tư của một cá nhân thôi, chứ còn Cô Gái Đồ Long không làm việc gì mà nó ảnh hưởng đến nhà cầm quyền cả. Cho nên, chúng ta phải phân biệt vấn đề là ở khía cạnh dân sự hay là hình sự để coi thử thái độ của nhà cầm quyền đối xử với vụ án Cô Gái Đồ Long như thế nào. Còn việc “sự thật” hay là “xúc phạm danh dự” như bạn Di nói là nhìn lùi lại một bước để nhìn bằng nhãn quan của người khác thì người khác cũng vậy thôi. Thật sự ông trung tướng đó, con cái của ổng, gia đình ổng có việc đó hay không, cái đó mới là cái cần chứng minh.
Quỳnh: Mình muốn nói một chút xíu về chuyện trách nhiệm của một blogger. Mình nghĩ thế này, là một blogger thì trước hết phải chịu trách nhiệm về những gì mình viết, về những thông tin mình đăng tải. Đó là cái thứ nhất, cái thứ hai là việc mình sử dụng ngôn ngữ và lời lẽ nó cũng khá quan trọng, bởi vì thường thường ai cũng thích nghe nói nhẹ nhàng, cho nên lời nói của mình ở mức độ mà ngôn từ như thế nào để đi vào lòng người đọc.
Đầu tiên là người ta chịu lắng nghe mình đã, còn chấp nhận hay hiểu hay không là một vấn đề khác, nhưng mình phải lựa cách nào cho người ta chịu lắng nghe, tức là mình phải chọn cách đối thoại chứ đừng để gây tranh cãi hay đối đầu ngay đầu tiên là họ sẽ không nghe. Đó là cái thứ nhất, cái thứ hai mà mình muốn nói, đó là hầu như những người chọn cách viết blog và vấn đề phản biện xã hội, vấn đề liên quan đến chính trị ở Việt Nam thì đều cảm thấy một điều là mình không an toàn.
Thống kê sử dụng Internet ở VN tính đến 2009. AFP photo
Ở đây mình nói không an toàn có nhiều khía cạnh lắm, chẳng hạn như buồn buồn ngủ dậy ngày mai thấy mất blog rồi. “Sinh Tử Lệnh” xuất hiện trên blog (Mọi người cùng cười), đó là một cách không an toàn. Chẳng hạn buồn buồn có giấy mời đi uống trà vì những lý do nào đó (Mọi người cùng cười). Đó cũng là một cách không an toàn. Thậm chí chưa kể đến việc nếu như mình không kiểm soát được “comment” mà bạn bè mình vô “comment” là mình cũng phải đi uống trà, bởi vì tại sao lại để cho người này người kia người ta “chửi bới” như thế (Mọi người cùng cười).
Cho nên, tất cả những bạn ở trong nước, trừ Hải Di ra nghe, các bạn còn lại phải ý thức được rằng chúng ta luôn luôn đứng trước một mối hiểm nguy. Vì vậy cho nên chọn thái độ như thế nào khôn ngoan, có trách nhiệm, đó là việc mình phải ý thức được khi viết blog.
Vy: Dạ. Đúng rồi. Em nghĩ chị Quỳnh nói có lý ạ. Không phải vì mình sợ người ta bắt, mình sợ người ta mời đi uống trà, mà mình phải nói cho nhỏ nhẹ, cho từ tốn. Mà riêng việc viết blog, em đọc nhiều và em thấy có nhiều người viết chửi rủa rất nhiều. Tiêng bản thân em, theo quan điểm riêng của em, một bài văn trước tiên là một tác phẩm văn chương, nó biểu tượng cho cái đẹp, nó thể hiện cái thông thái, phẩm cách của người viết. Dù mình nói bất cứ vấn đề gì thì mình phải nói bằng thái độ ôn hòa, có trách nhiệm và đa chiều.
Khánh An: Vâng. Cảm ơn Vy. Mà nãy giờ hình như mình thấy vắng tiếng của bạn Dịu luôn. Không biết nãy giờ nghe các bạn nói thì Dịu có cảm nhận như thế nào?
Dịu: Cá nhân Dịu thì Dịu không thích cho lắm, bởi vì thật sự những khó khăn mà mọi người nói thì có thể mọi người đang gặp phải, chưa cảm thấy là mình đang được tự do ngôn luận. Còn với cá nhân Dịu thì Dịu thấy là mình hài lòng với những cái gì mình đang được nói, mình đang được viết và thật sự Dịu có lẽ là quan niệm của Dịu khác với các bạn.
Toàn: Có một điều mà Toàn muốn nói, tức là quan điểm của Dịu không khác tất cả mọi người, nhưng mà khác là khác ở chỗ này, khác là những điều mà Dịu cần nói và muốn nói thì nó không ảnh hưởng gì hết và Dịu cảm thấy những cái mình cần nói thì được nói, nghĩa là mình được tự do ngôn luận. Còn những điều mà các bạn cảm thấy không được tự do ngôn luận bởi vì những vấn đề mà các bạn muốn nói thì nó lại ảnh hưởng. Dịu hiểu không? Dịu hiểu ý Toàn không?
Dịu: Rồi. Dịu hiểu rồi.
Toàn: Vấn đề nó là ở chỗ đó.
Dịu: Có lẽ là vì thế cho nên Dịu thấy cách nhìn nhận của Dịu và mọi người nó đang ngược nhau.
Toàn: Nói ví dụ như việc mình sống ở Sài Gòn thì mình nghĩ con đường nào cũng bằng nhựa, nhưng mình về quê mình mới biết là có những con đường bằng đất nữa, giống như vậy đó.
Thực trạng
Khánh An: Mình không biết là tất cả những chuyện mà các bạn nói thì trước khi tham gia vào buổi trò chuyện này, Dịu có nghe nói đến những chuyện như vậy không? Chẳng hạn như chuyện Cô Gái Đồ Long bị bắt, Dịu có nghe đến vụ việc này không và những điều Dịu nghe được là như thế nào?
Dịu: Dịu có biết chuyện blogger Cô Gái Đồ Long bị bắt nhưng mà vấn đề Dịu không rõ là cô ấy viết gì, tức là Dịu chưa có được đọc bài cô ấy viết về cái gì, viết như thế nào để mà bị cơ quan hỏi thăm tới. Cho nên Dịu không thể đánh giá và không thể nói ra được những nhận xét thật sự được. Dịu nghĩ chắc chắn là phải như thế nào đó, nó phải nghiêm trọng đến như thế nào đó thì các cơ quan họ mới bắt chị ấy như vậy.
Khánh An: Vâng. Các bạn có nghĩ rằng đây là cái nhìn chung của các bạn trẻ nói chung ở Việt Nam khi các bạn trẻ nghe tin một blogger bị bắt giam, bị bắt khẩn cấp thì các bạn trẻ khác cũng có cái nhìn giống Dịu, tức là chắc chắn người này phải có vấn đề gì nghiêm trọng?
Quỳnh: Đúng. Đó là cái suy nghĩ rất là bình thường. Nhưng mà chuyện sau khi đọc tin như vậy thì mình phải nói chắc chắn là cô này phải làm chuyện gì đó để bị bắt. Cô viết cái gì đó ghê gớm lắm và mình phải đi tìm đọc bài viết để nhìn ra cái mức độ ghê gớm đó ở chỗ nào, sau đó mình mới đánh giá. Đó mới là cách tiếp nhận thông tin đa chiều và công bằng.
Khánh An: Các bạn khác thì nghĩ như thế nào?
Vy: Tâm lý các bạn trẻ khi mà nghe ai đó, blogger nào đó bị bắt thì nghĩ rằng người đó là có tội, nhưng mà chuyện có tội hay không trong xã hội này rất là mịt mờ. Mọi người cứ nhìn thấy mọi chuyện theo cái vẻ bề ngoài. Chỉ cần ai đó bị chính quyền bắt thì chắc chắn người đó phải là “phản động” thì chính quyền mới bắt, người đó phải xâm phạm lợi ích quốc gia, xâm phạm an ninh quốc gia nên người đó bị bắt. Em thấy việc đó nhiều người trẻ nghĩ như vậy.
Em có vài người bạn, khi người ta đọc bài của em, người ta thấy có cái gì đa chiều, người ta cảm thông, người ta chia sẻ, nhưng mà nếu như một ngày nào đó mà em bị bắt chẳng hạn thì người ta sẽ nghĩ ngay đến việc là “chắc con này nó nói cái gì quá tồi cho nên người ta mới bắt”.
Khánh An: Như vậy, từ thực tế não trạng của nhiều người trẻ hiện nay, các blogger cần phải làm thế nào để bảo vệ mình và cải thiện tình trạng trên, đặc biệt là trong giai đoạn Việt Nam đang bước dần vào sân chơi chung của cả thế giới? Đó cũng là nội dung kết thúc của kỳ trò chuyện lần tới.