Tập đoàn Intel, nhà sản xuất chip điện tử quan trọng nhất toàn cầu, vào thứ sáu 29/10 sẽ khánh thành khu công nghiệp lớn nhất thế giới trong số các nhà máy của tập đoàn này, trị giá một tỉ đô la, đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Công trình này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với kỹ thuật cao, thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư trong lãnh vực này.
Ban giám đốc Intel Vietnam (DR)
Đây là một trong bảy nhà máy của Intel trên thế giới. Được khánh thành sau bốn năm xây dựng, khu công nghiệp có diện tích 45 ngàn mét vuông này dự kiến sẽ thu dụng đến 4 000 nhân công khi hoạt động hết công suất.
Nhà máy Intel ra đời trong bối cảnh các nhà phân tích lo ngại Việt Nam sẽ bị mất thế cạnh tranh vừa với các nước nghèo hơn, có giá nhân công rẻ hơn ; nhưng đồng thời lại không đọ sức nổi với các nước giàu hơn, giàu sáng tạo và có nguồn lao động chất lượng cao hơn.
Trong một bản báo cáo chung hồi tháng 8, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã nhận xét, nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc quá nhiều vào việc khai thác nguồn tài nguyên, và bị các tập đoàn nhà nước ít năng động thống lĩnh.
Hiện nay Việt Nam là nhà xuất khẩu đứng thứ nhì thế giới về gạo và cà phê, các nguồn thu quan trọng khác là hải sản, giày dép, hàng may mặc. Nhưng, theo nhận xét của giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ-Việt, thì với sự hiện diện của Intel, Việt Nam đang tiến đến các ngành sản xuất cao cấp hơn, và Intel sẽ giúp thu hút được các công ty kỹ thuật cao khác. Một nhà tư vấn ở Singapore nhận định, việc Intel quyết định đầu tư vào Việt Nam là dấu hiệu minh định lòng tin.
Các lợi điểm của Việt Nam là giá lao động rẻ hơn Trung Quốc nhưng lại ở gần thị trường khổng lồ này, và có tham gia vào các hiệp định tự do mậu dịch trong khu vực. Nhưng những trở ngại hiện nay là ngành điều vận chưa phát triển mấy, thiếu nhà cung cấp cho một số loại sản phẩm nên có thể phải nhập. Ngoài ra, số người nói tiếng Anh còn ít so với Malaysia hoặc ngay cả với Thái Lan và Trung Quốc, trình độ khoa học kỹ thuật còn ở mức thấp, cơ sở hạ tầng còn yếu.
Thụy My