Mặc dù không phải “rừng vàng, biển bạc” như được truyền tụng, nhưng, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam chẳng thua kém các quốc gia vùng Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương.Thế mà, vào thế kỷ thứ 21, dân tộc Việt Nam vẫn ngụp lặn trong đói nghèo lạc hậu, có hãnh diện chăng vốn xuât phát từ ngôn ngữ tuyên truyền, khoác lác trơ trẻn.
Chế độ công an trị tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ hữu hiệu trong việc đàn áp dân chúng, bảo vệ đảng cộng sản cầm quyền, nhưng, chẳng giúp cho đất nước thành rồng, thành hổ như ước mơ.
Việt Nam đang có nguy cơ rơi từ từ vào “chiếc bẫy tài nguyên” như một số quốc gia Châu Phi. Và, làm thế nào để đất nước không rơi vào hoàn cảnh bi thảm đó đang cật vấn tâm tư của con cháu Lạc Hồng?
Lời nguyền tài nguyên được Jeffrey Sachs và Andrew Warner ở Đại học Harvard của thập niên 1990 xác nhận “các quốc gia xuất cảng sản phẩm nông nghiệp, khoáng sản, nhiên liệu thường có tốc độ tăng trưởng trưởng kinh tế chậm hơn các nước nghèo tài nguyên hơn, trừ một số ít ngoại lệ.”
Những con rồng, con hổ Á Châu như Nhật Bản, Nam Hàn, Tân Gia Ba, Đài Loan, Hồng Kông đều rất nghèo tài nguyên thiên nhiên đã phát triển thần kỳ và nhanh chóng hơn các nước giàu tài nguyên như Việt Nam, Mã Lai Á, Thái Lan.
Năm 1997 Ngân hàng Thế giới đã đưa ra tiêu chí xác nhận sự giàu tài nguyên thiên nhiên gồm có đất nông nghiệp, khoáng sản, dầu khí và khu vực phòng hộ. Úc, Gia Nã Đại, Tân Tây Lan, Na Uy đứng đầu trong danh sách giàu tài nguyên tính theo đầu người với lợi tức bình quân 24,000 USD vào năm 2008.
Tuy nghiên cứu từ nhiều hướng khác nhau, nhưng, giới học giả, chuyên gia quốc tế đều đồng ý về sự phát triển của một quốc gia có sự liên hệ hữu cơ giữa tài nguyên thiên nhiên và thể chế chính trị vì đa số nước giàu tài nguyên thiên nhiên đã phát triển nhanh chóng, bền vững nhờ vào thể chế dân chủ. Chiếc bùa hữu hiệu nhất để chống “lời nguyền tài nguyên” là phải cải tổ thể chế để được giám sát và minh bạch hơn.
Giới lãnh đạo trong thể chế độc tài chỉ thúc giục trồng trọt và đào bới đất đai đem bán mà không mở rộng sản xuất và dịch vụ. Do đó, số tiền thu từ việc bán tài nguyên thiên nhiên không bù vào nhập cảng sản phẩm công nghiệp mà chui vào túi tham không đáy của các nhà lãnh đạo.
Thiếu sự kiểm soát và chế tài hữu hiệu của thể chế dân chủ thường tạo ra tình trạng sứ quân giành giật nguồn tài nguyên bằng biện pháp quân sự hoặc chính trị. Vì thế, giới cầm quyền phải hối hả xẻ thịt đất nước trước khi bị hất cẳng, dẫn tới các hậu quả xấu như chi tiêu giáo dục thấp, chính phủ bất ổn, nội chiến, tham nhũng, quản trị kém.
Việt Nam được coi là một nước giàu tài nguyên hóa thạch (dầu mỏ và than đá), chiếm 31% tổng số lợi nhuận từ xuất khẩu (theo IMF, 2007; GSO, 2007). Chưa tính các loại khoáng sản khác như titan, đồng, kẽm, bauxit, đất hiếm (rare earth). Sao Việt Nam vẫn nghèo?
Tình trạng sứ quân tại Việt Nam làm chậm tốc độ phát triển và giảm năng lực cạnh tranh do khả năng quản trị yếu kém từ trung ương cho chí địa phương.
Quan hệ giữa lãnh đạo trung ương với địa phương đặt trên nền tảng lợi ích cá nhân, phe nhóm chứ không vì quyền lợi của đất nước, dân tộc. Do thiếu uy tín nên lãnh đạo trung ương phải thỏa mãn yêu cầu của địa phương vì cần lá phiếu ủng hộ cấp tỉnh và những món tiền rót vào tài khoản cá nhân ở ngân hàng trong hoặc ngoài nước bất chấp ý kiến của quảng đại quần chúng.
Khảo sát do Bộ Tài chính công bố năm 2006 ghi nhận hầu hết các tỉnh ở Việt Nam đều ban hành các văn bản pháp lý trái luật về ưu đãi đầu tư và nới rộng thời gian miễn giảm thuế tới 20 năm để thu hút các dự án đầu tư.
Phong trào xây nhà máy mía đường, xi măng lò cao rộ khắp các tỉnh trong khi mọi người đều biết được mua từ máy móc phế thải của Trung Quốc. Vì nhà máy chạy ì ạch, không đủ nguyên liệu cung cấp nên giành giật nhau, sản phẩm không thể cạnh tranh trên thị trường nên đành phải dẹp. Phá hoa màu để trồng mía, rồi phá mía để trồng hoa màu chẳng những tác hại cho nền kinh tế quốc dân mà còn làm giảm uy tín của giới lãnh đạo. Xi măng lò cao cũng phải dẹp vì ô nhiễm môi trường mà chưa đo lường hết hậu quả. Nhà máy thép xập xình vì khả năng hạn chế của địa phương.
Thập niên 1990, Việt Nam muốn xây nhà máy lọc dầu đầu tiên với sự hợp tác của ngoại quốc, nhưng, năm 1995, Hãng dầu hỏa Total của Pháp rút khỏi dự án vì Hà Nội quyết định dời vị trí nhà máy đến Dung Quất ở tỉnh Quảng Ngãi, cách giếng dầu Côn Sơn và trung tâm tiêu thụ Sài Gòn hàng ngàn cây số.
Các đối tác Pháp, Mã Lai Á, Nhật, Tây Ban Nha, Nga tại nhà máy Dung Quất lần lượt rút lui nên năm 2003 Việt Nam tự đầu tư và mẻ dầu đầu tiên xuất xưởng vào tháng 2/2009. Ngân Hàng thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Liên Hiệp Quốc đều chỉ trích dự án “đầu tư có thu nhập thấp”. Các chuyên gia quốc tế ước tính nếu nhà máy lọc dầu đầu tiên đặt ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thì lợi nhuận thu được trong 10 năm có thể xây thêm hơn 2 nhà máy khác.
Việt Nam cố tình kéo dài thời gian xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên để học nghề và giành độc quyền quản trị theo phong cách thiếu minh bạch. Như thế, lợi nhuận hoàn toàn lọt vào tay các nhóm “quyền lợi”. Tham nhũng Việt Nam năm 2009 bị Minh bạch Quốc tế (Transparency International) xếp hạng 120/180 quốc gia.
Chính phủ Hà Nội cho phép Trung Quốc khai thác quặng bauxit ở Cao nguyên Trung Phần và vụ cho Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông thuê rừng đầu nguồn trong 50 năm bất chấp sự chống đối quyết liệt của các tầng lớp quần chúng vì phương hại đến an ninh, chủ quyền, môi trường đất nước.
Lãnh đạo lưu vực Hồng Hà đang nghĩ cách làm sao đào bới vỉa than nằm bên dưới mà ít lưu tâm đến nhu cầu an ninh lương thực quốc gia.
Bờ biển miền Tây nước Mỹ dài 1,900 km chỉ có 3 hải cảng chính. Năm 1970, Mã Lai Á chỉ có 2 hải cảng, nhưng, sau khi Chính phủ xây thêm 4 hải cảng quốc gia và 3 nội địa vượt quá nhu cần nên gây ra tình trạng cạnh tranh quyết liệt gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Trong 10 năm tới, Việt Nam có kế hoạch phát triển 39 hải cảng với 108 bến mới và nâng cấp, trong đó 32 hải cảng mới. Các hải cảng Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng đón nhận được tàu lớn, nhưng, chi phí quá cao và thông quan mất từ 3 đến 7 ngày, hoặc 1 tháng so với 10 phút ở Tân Gia Ba. Hệ thống đường sắt, đường bộ nối với hải cảng chưa được đầu tư thích đáng, điều kiện hậu cần hoàn toàn bỏ ngỏ.
Chỉ có hải cảng Cái Mép – Thị Vải của Vũng Tàu đủ điều kiện làm cảng container trung chuyển, nhưng, TP HCM và Long An cũng đòi mở cảng trung chuyển trong khi nguồn lực đầu tư rất giới hạn.
Việt Nam cần một tư duy quyết liệt và chính xác để tránh “chiếc bẫy tài nguyên” hầu duy trì và phát triển bền vững.
Thứ nhất, phải thay đổi thể chế theo hướng dân chủ thực sự, vì các quốc gia giàu tài nguyên mà phát triển bền vững đều có chế độ dân chủ. Khi tài nguyên cạn kiệt, nền dân chủ vẫn duy trì được sự phát triển bền vững và toàn diện.
Thứ hai, nguồn tài nguyên nào định khai thác mà chưa bảo đảm lợi ích lâu dài đến môi trường đất nước, môi sinh con người thì tạm ngưng như một kiểu tiết kiệm tài sản của tổ tiên.
Thứ ba, tham nhũng trong ngành khai khoáng khó kiểm soát hơn cả nên Việt Nam cần gia nhập Sáng kiến Minh bạch Kỹ nghệ Khai thác (Extractive Industries Transparency Initiative).
Thứ tư, chuyển nguồn thu khai khoáng vào một quỹ tài chính để được kiểm soát chặt chẽ như đã thành công tại Na Uy và Á Rập Saudi.
Việt Nam không thể phát triển bền vững từ cách suy nghĩ duy ý chí mà nên dựa vào những bài học cụ thể trên trường quốc tế.
ĐẠI-DƯƠNG