Kiên định xã hội chủ nghĩa… Đó là những gì chúng ta được nghe trong các văn kiện căn bản, và trong những lời tuyên bố của các quan chức CSVN những ngày qua. Nhà nước (XHCN) cũng kiên định lập trường chỉ nghe theo một chiều, không muốn nghe lời phản bác hay phản biện nào. Thế nên, ra lệnh cấm truyền thông nhà nước không được đăng các ý kiến trái nghịch chủ trương. Cho dù ý kiến phản biện có là lời của ông Hồ Chí Minh (bảo đảm, cứ gọi cầu cơ, hay gọi lên đồng, hay nhờ các nhà ngoại cảm gọi hồn của ông Hồ, thế nào cũng sẽ nghe lời phản biện)…
Bản văn có tên là “Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình Đại hội XI” đã vạch hướng sẵn, đấu tố chủ nghĩa tư bản và đề cao chủ nghĩa xã hội:
“…Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động các nước sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản…
…Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
…Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng xong về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh…” (hết trích)
Như thế, Đảng CSVN ra lệnh là phải bác bỏ “chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa”… vì đó là “một chế độ áp bức, bóc lột và bất công”… để rồi VN phảỉ “trở thành một nước xã hội chủ nghĩa”… Cũng lạ, sao mà ngôn ngữ nghe y hệt như Kim Jong-II.
Ngờ nói tưởng như chơi, mà cố tình làm thiệt: Không chỉ nói đơn giản như thế, các quan chức còn ra lệnh triển khai nơi địa phương. Ông Hồ Đức Việt – hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là một trong vài người được tiên đoán là có thể lên nắm chức Tổng Bí Thư Đảng CSVN Khóa 11 – đã tới dự Đại Hội Đảng Bộ Đồng Nai, và trên báo Đồng Nai ngày 23-9-2010 đã đăng bài phát biểu của ông Việt, nói cụ thể về thiết lập các hợp tác xã, trích:
“… để đảm bảo phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tỉnh cần có định hướng hợp lý để chuyển dịch cơ cấu, phát triển hài hòa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp…
…Chăm lo phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng mà nòng cốt là hợp tác xã. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát sẽ khó cạnh tranh được trong tương lai. Vì vậy, cần phát triển các hợp tác xã, các tổ hợp tác kiểu mới và các mô hình kinh tế tập thể khác theo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi…” (hết trích)
Như thế, có nghĩa là chế độ công hữu phương tiện sản xuất sẽ đẩy lên mức chặt chẽ hơn. Và Đảng CSVN xem như thế mới là hình thức kinh tế độc đáo mà CSVN sẽ áp dụng, để cạnh tranh với các công ty quốc tế, những công ty mà CSVN tố cáo là theo “một chế độ áp bức, bóc lột và bất công.”
Câu hỏi nơi đây là: tại sao công nhân VN ưa thích làm cho hãng ngoại, mà lại sợ làm việc cho các công ty công hữu kiểu như Vinashin? Tại sao công nhân VN bỏ chạy khỏi các quốc doanh xã hội chủ nghĩa của VN để tìm xin việc ở các hãng ngoại đầy những “mâu thuẫn nội tại”? Và các hợp tác xã mà ông Hồ Đức Việt, người được kể là cháu họ của ông Hồ Chí Minh, kêu gọi tỉnh Đồng Nai thành lập có khác gì với các hợp tác xã kiểu Cuba, Bắc Hàn – hay chỉ đơn giản là một vòng rào kinh tế và xã hội để xiết chặt an ninh, không cho người dân tự do tìm phương tiện kinh tế ngoàì vòng kiểm soát của cán bộ hợp tác xã?
Không chỉ ở Đồng Nai, hay ở một số tỉnh, ngay ở ngoại ô Sài Gòn cũng có các hợp tác xã để bao phủ kiểm soát toàn bộ đời sống các xã viên.
Trang web có tên là Liên Minh Hợp Tác Xã VN, địa chỉ http://vca.org.vn hôm 25-8-2010 có bản tin nhan đề “TPHCM: Phát triển hợp tác xã nông nghiệp nông thôn mới giai đoạn 2011-2015” mở đầu bằng đoạn văn:
“Sáng 24-8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín đã họp với các sở-ngành liên quan về Đề án phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp TP giai đoạn 2011-2015. Đây là một nội dung của Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP đến năm 2020, tầm nhìn 2025…” (hết trích)
Như thế, khi Đảng CSVN kiểm soát toàn bộ phương tiện sản xuất, trong đó hợp tác xã là một công cụ để nắm bao tử người dân, tất cả những ước mơ về nhân quyền sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào các ông chủ tịch hợp tác xã. Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản bác chủ trương công hữu đó. Thí dụ nổi bật là bài viết nhan đề “Công hữu đất đai không hợp với thời quá độ” của GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường, đăng trên báo Tuần Việt Nam ngày 24-9-2010.
GS Đặng Hùng Võ nói cụ thể, rằng “chế độ sở hữu toàn dân về đất đai không phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất xã hội trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội…”
Bài viết có những luận điểm đáng chú ý như sau:
“…Trong những ngày đầu ĐỔI MỚI, Đảng và Nhà nước đã ban hành một quyết định dũng cảm, mang tính bản lề tạo nên thành công, đó là chính sách giao đất sản xuất nông nghiệp do các hợp tác xã nông nghiệp đang sử dụng cho hộ gia đình để sử dụng ổn định lâu dài. Chính sách này đã đưa nước ta từ tình trạng thiếu lương thực trở thành một trong 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới…
…Từ thực tiễn, ai cũng thấy được tổng sản lượng canh tác của các hộ gia đình trên 5% diện tích ruộng được hợp tác xã giao cho sử dụng riêng còn cao hơn sản lượng canh tác trên 95% diện tích ruộng do hợp tác xã tổ chức sử dụng chung.
Nhìn vào bản chất của sự việc, có thể thấy người nông dân chưa vứt bỏ được tư duy tư hữu đã chất chứa từ hàng nghìn năm nay ở vùng nông thôn nước ta.
Phương thức sản xuất tập thể theo mô hình hợp tác xã cần tới một trình độ cao về tổ chức sản xuất, tư duy mới về công nghiệp hóa trong nông nghiệp nhưng lãnh đạo các hợp tác xã ở nông thôn ta chưa có được.
Cũng chính tính tư hữu đã tạo ra tình trạng tham nhũng nặng nề trong bộ máy lãnh đạo các hợp tác xã nông nghiệp. Lúc đó, câu ca dao mới ‘mỗi người làm việc bằng hai, để cho cán bộ mua đài mua xe’ gần như phổ biến ở khắp các miền quê….” (hết trích)
Thực ra, chủ trương của Đảng CSVN khi đẩy mạnh thành lập hợp tác xã có thể nhìn thấy là một phương pháp để công an kiểm soát người dân hữu hiệu, vì khi đời sống cơm gạo hàng ngày của gia đình người dân gắn liền với hợp tác xã, sẽ không còn bao nhiêu người gia nhập hàng ngũ bất đồng chính kiến nữa… Người dân ở tỉnh, và cả ở ngoại ô các thành phố, đâu có phải như những người ở đô thị lớn, khi tách rời vòng rào kiểm soát cuả chính phủ mà buôn bán lặt vặt cũng còn có thể sống lây lất nổi.
Bởi vậy, hợp tác xã là biện pháp an ninh, kềm kẹp chặt chẽ của CSVN để người dân không thoát nổi vòng rào trách nhiệm xã viên.
Kinh tế hợp tác xã không cần năng suất, vì năng suất là chuyện của các doanh nghiệp quốc tế tại VN, loại doanh nghiệp bị CSVN mô tả là “áp bức, bóc lột và bất công.”
Kinh tế hợp tác xã cũng không cần dị nhân để “hú mưa gọi gió” cho mưa tiền rơi xuống… vì đã có 3 triệu Việt kiều mỗi năm đều đặn gửi nhiều tỉ đô la về giúp quê nhà rồi, mà dự toán năm nay có thể tới 7 tỉ đô la gửi về — nghĩa là tương đương với hành vi giúp vốn 70 tỉ đô la hay nhiều hơn để kinh doanh mà không làm hại tài nguyên hay môi trường gì trong nước.
Kinh tế hợp tác xã cũng làm hài lòng cán bộ đảng viên, vì đúng là cơ hội vàng, khi “mỗi người làm việc bằng hai, để cho cán bộ mua đài mua xe”… theo nhận xét của GS Đặng Hùng Võ.
Bởi vậy, chỉ có nằm mơ mới thấy Đại Hội kỳ này có gì biển đổi…
Trần Khải
Theo: dcvonline.net