Cũng có thể đối với những người đang ở Việt Nam thì… khó thật. Việc nhà thường luôn nặng hơn việc nước. Và việc quốc gia thường chỉ là việc đại sự ai không có phận sự xin miễn vào. Nếu không muốn bị chó cắn!
Nhưng ở hải ngoại thì nó lại ngược lại. Việc nhà thường không bị ảnh hưởng sâu đậm vì việc nước. Và hơn thế nữa việc đại sự nếu ai muốn gánh vác thì xin cứ tự nhiên vào. Nếu bạn không biết rõ đường đi nước bước thì chính chính phủ sẽ tìm cách chỉ vẽ cho bạn. Ngay cả khi bạn muốn thưa họ ra Liên Hiệp Quốc vì tội không thực thi các quy ước quốc tế mà họ đã từng ký giấy cam kết.
Ðiều đáng tiếc là hiện nay chính phủ Việt Nam trông có vẻ như chưa có đủ can đảm để chỉ dạy cho con dân họ làm thế nào để có thể thưa ngược lại họ.
Vì vậy nhân dịp này tôi cũng xin mạn phép liệt kê dưới đây một số thủ tục tố tụng quốc tế mà ai còn quan tâm đến đất nước Việt Nam, đến những người tù lương tâm đều có thể tự làm hồ sơ và nộp lên cho Liên Hiệp Quốc phân xử. Bất kể là bạn ở hải ngoại hay ở Việt Nam. Bạn là người quen, hay không quen với bị cáo, hay chỉ là đại diện cho một cá nhân nào đó. Hoặc một hội đoàn nào đó.
Bất kể. Ðiều duy nhất đòi hỏi ở bạn là một số kiến thức căn bản. Và điền đơn trả lời đầy đủ những câu hỏi được đưa ra. Chỉ có thế thôi bạn ạ.
Chúng ta bắt đầu nhé:
Hiện nay Liên Hiệp Quốc (thường được viết tắt bằng tiếng Anh là ‘the UN’) có tất cả là 192 thành viên quốc gia. Ðây là tổ chức quốc tế lớn nhất và có nhiều quyền hạn nhất trong tất cả mọi vấn đề liên quan đến chính sách cũng như luật lệ quốc tế mà những quốc gia thành viên (state members) khi gia nhập đã cam kết sẽ thực hiện.
Ðối với vấn đề tỵ nạn thì có Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc mà ai đã từng ở qua các trại tỵ nạn đều biết rõ, đó là UNHCR viết tắt cho chữ United Nations High Commissioner for Refugees. Ðược phát bánh kẹo cũng là từ văn phòng này. Ðược cho đi định cư ở đâu cũng phải qua văn phòng này. Có thể nói Văn Phòng Cao Ủy là nơi có nhiều quyền hạn nhất trong trại.
Ðối với vấn đề nhân quyền theo cơ cấu tổ chức hiện tại thì cũng thế. Chúng ta cũng có Văn Phòng Cao Ủy cho Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc (Office of the High Commissioner for Human Rights) mà theo đó, Văn Phòng này có quyền cứu xét tất cả mọi đơn kiện từ bất cứ cá nhân nào liên quan đến bất kỳ quốc gia nào trên thế giới bị cho là đã có những hành động đàn áp dân chủ, nhân quyền.
Thí dụ như Việt Nam
Cũng cần biết đây là một trong những cải tổ quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc trong những năm vừa qua về vấn đề nhân quyền. The Human Rights Council mà ta có thể tạm dịch là Hội Ðồng Nhân Quyền chỉ vừa được thành lập vào năm 2006 để có thể đại diện Văn Phòng Cao Ủy trực tiếp nhận đơn từ những người dân hoặc các tổ chức dân sự phi chính phủ muốn nộp đơn kiện nhà cầm quyền đương thời.
Nhưng nếu nói đến hai chữ nhân quyền thì có lẽ ai cũng biết đây là một vấn đề bao hàm khá nhiều hình thức cũng như sự vi phạm. Vì vậy Hội Ðồng Nhân Quyền cũng đã chia ra từng lãnh vực cho mỗi Ủy Ban Hành Ðộng (Working Group) hoặc Báo Cáo Viên (Special Rapporteur) đặc trách cho từng vấn đề một. Và sau một thời gian nghiên cứu, đây là những nơi mà tôi biết bạn nên nộp đơn vào nếu như bạn muốn họ tiến hành điều tra những vi phạm nhân quyền của quốc gia Việt Nam.
1. Special Rapporteur on the Promotion and Protection of the Right to Freedom of Opinion and Expression (Báo Cáo Viên Ðặc Biệt Khuyến Khích và Bảo Vệ Tự Do Tư Tưởng và Ngôn Luận).
2. Special Rapporteur on Freedom of Religion and Belief (Báo Cáo Viên Ðặc Biệt về Tự Do Tôn Giáo và Tín Ngưỡng).
3. Special Rapporteur on the Situation of Human Rights Defenders (Báo Cáo Viên Ðặc Biệt về Tình Trạng của Những Người Bảo Vệ Nhân Quyền).
4. Special Rapporteur on the Independence of Judges and Lawyers (Báo Cáo Viên Ðặc Biệt về Sự Ðộc Lập của Quan Tòa và Luật Sư).
5. Special Rapporteur on Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment (Báo Cáo Viên Ðặc Biệt về Tra Tấn và Sự Ðối Xử hoặc Những Hình Phạt Dã Man, Bất Nhân hoặc Hạ Nhục).
6. Working Group on Arbitrary Detention (Ủy Ban Hành Ðộng về Bắt Bớ và Giam Cầm Vô Cớ).
Hẹn gặp lại các bạn trong bài tới tôi sẽ cho biết địa chỉ liên lạc của từng nơi cũng như cách thức điền đơn và thủ tục tố tụng cho từng trường hợp một. Riêng đối với những ai đã biết quá rõ những vấn đề này hoặc có những ý kiến đóng góp thực tiễn hơn, xin cứ tự nhiên liên lạc với tôi qua email: hoitrinh@hotmail.com Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. Biết đâu lần này chúng ta có thể hợp tác ra tòa cùng một lúc?
Ls. Trịnh Hội [Nguồn: VietVungVinh]