Hai tuần trước, mục này đã đặt câu hỏi: Cuộc cách mạng 2011 ở Tunisia, Ai Cập sẽ diễn biến thế nào? Sẽ lan mạnh như ở Ðông Âu năm 1989, hay biến chất như Iran năm 1979? Cho tới nay, câu trả lời có vẻ nghiêng về các sự kiện năm 1989. Cuộc Cách Mạng Hoa Nhài mà dân Tunisia và Ai Cập phát khởi lật đổ những chính quyền tham nhũng thối nát đã gây cảm hứng cho dân chúng Bahrain, Libya nổi dậy và cho tới này họ vẫn kiên trì, đứng vững không khuỵu chân, mặc dù bị đàn áp đẫm máu. Thanh niên, sinh viên, công nhân các nước Yemen, Algeria cũng không chịu ngồi yên. Cách mạng như một cơn sóng trào qua các nước Á Rập, không khác gì trận động đất năm 1989 đã lan qua những thành phố Leibzig, Dresden, Berlin, Praha, Budapest, Warzava, Bucarest, vân vân, làm sụp đổ các chế độ cộng sản Ðông Âu.
Ðiều bất ngờ là làn sóng cách mạng năm 2011 lan rất xa, cuối tuần qua đã mon men tới cả lục địa Trung Hoa, mặc dù cơn sóng có vẻ còn rất yếu. Tuy rất yếu, nhưng không thể coi thường được. Chính quyền Cộng Sản Trung Quốc đã chứng tỏ họ không dám coi thường. Vì những biến cố như năm 1989 hay 2011 này, người ta không thể đoán trước được. Giống như những biến chuyển trong thế giới thực vật. Nhà văn Boris Pasternak đã dùng hình ảnh thế giới sinh học để diễn tả lịch sử. Chúng ta không bao giờ trông thấy cỏ cây đang mọc, nhưng một buổi sớm mùa Xuân, mở cửa sổ ra chúng ta bỗng thấy rừng cây xanh um bát ngát ở chân trời.
Không thể coi thường được; vì những biến cố như năm 1989 ở Ðông Âu, 2011 ở các nước Á Rập không phải tự dưng sinh ra. Tất cả đều đã tự âm thầm chuẩn bị, được nung nấu với những nỗi phẫn uất bị đè nén, dồn ép tự lâu đời, chỉ chờ cơ hội là bùng nổ lên. Các chế độ cộng sản ở Ðông Âu thời 1989 và những chính quyền Á Rập thời 2011 có những điểm giống nhau. Họ đều không cho người dân cơ hội phát biểu những điều trái ý nhà nước. Những uất hận tích tụ lại, ngày càng nặng nề hơn. Không có báo chí tự do để cho người dân có cơ hội than thở. Không đảng phái đối lập nào được phép hoạt động tự do vì đảng cầm quyền đã dùng sức mạnh của tiền bạc hay bạo lực đè nén những người không đồng ý. Cuối cùng, người dân, nhất là giới trẻ, thấy chỉ còn một lối thoát ra cảnh bế tắc trong xã hội cũng như trong cuộc đời của mình: Làm Cách Mạng!
Tình trạng các nước cộng sản hiện còn tồn tại cũng không khác gì. Tuy bộ máy công an mật vụ của chính quyền Bắc Kinh, Hà Nội, Bình Nhưỡng được tổ chức chặt chẽ hơn ở các nước Ai Cập, Tunisia, nhưng họ cũng không quên rằng guồng máy công an mật vụ ở Ðông Ðức, Rumania đều đáng bậc thầy của công an Việt Nam, Bắc Hàn. Chuyện gì cũng có thể xẩy ra, không thể coi thường được. Chính phủ Bắc Kinh không dám coi thường cho nên đã phản ứng mạnh mẽ mặc dù chỉ có những lời kêu gọi rất mơ hồ về việc biểu tình ủng hộ cuộc Cách Mạng Hoa Nhài ở Bắc Phi Châu. Một mạng lưới ở nước ngoài đã loan tin tổ chức các cuộc biểu tình ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến, và mươi thành phố khác. Không biết ai tổ chức, mà cũng không có dấu hiệu nào để những người tham dự nhận ra nhau mà cùng đi biểu tình.
Chính quyền Bắc Kinh đã sợ thật. Nếu không sợ, họ đã không tìm cách đối phó một cách mạnh mẽ như thế. Hàng trăm công an cảnh sát nổi và chìm kéo đến một tiệm ăn McDonald ở Bắc Kinh, chỉ vì lời kêu gọi biểu tình trên mạng đã hẹn lấy nơi đó là điểm hẹn. Cảnh sát công an kéo tới, các nhà báo ngoại quốc kéo tới, dân chúng đi qua thấy vậy, tưởng có một ca sĩ hay tài tử nổi tiếng nào xuất hiện, cũng muốn tụ lại coi. Tất cả chỉ vì một lời kêu gọi biểu tình trên mạng. Phản ứng của công an cộng sản Trung Quốc trong vụ này cũng không khác gì công an cộng sản Việt Nam lo ngăn chặn những thanh niên mặc áo trắng sau khi có tin Linh Mục Nguyễn Văn Lý kêu gọi mọi người cùng mặc áo trắng đi biểu tình đòi tự do dân chủ.
Mấy trăm công an, mật vụ kéo đến giữa khu trung tâm thủ đô Bắc Kinh chỉ vì một bản in “không biết xuất phát từ đâu” nói đến biểu tình ở tiệm ăn rất được giới trẻ hâm mộ. Cuối cùng họ chỉ thấy một thanh niên 25 tuổi, đặt bông hoa nhài trắng lên chậu cây kiểng ngoài cửa tiệm, rối lấy máy điện thoại ra – hình như định chụp hình. Cả toán công an ào tới túm lấy anh này. Anh kêu lên: Tại sao lại bắt tôi? Tôi chỉ là một công dân bình thường. Tôi đặt một bông hoa ở đây thì có tội gì?
Cuối cùng đám công an phải thả anh ta vì bao nhiêu nhà báo ngoại quốc xúm lại chụp hình, quay phim. Nhà báo ngoại quốc còn thấy một cụ già ăn mặc lôi thôi đang bị công an lôi kéo, vừa cãi vừa chửi rủa. Không biết ông cụ vô tình đi qua hay tính biểu tình? Nếu có người nghe theo bản tin trên mạng mà tới đó biểu tình, chắc con số cũng chưa bằng một phần mười số công an được cử tới đàn áp. Ba người bị bắt trước một tiệm cà phê Starbucks ở Thượng Hải. Hàng trăm người vẫn nằm trong sổ đen của chính quyền đã bị bắt khắp nước. Ðặc biệt là tại thành phố Kashgar trong tỉnh Tân Cương, công an mang xe cứu hỏa tới trấn đóng bên một giáo đường Hồi Giáo, chực sẵn để phun nước nếu có biểu tình. Người Uighurs ở đây có thể cảm thấy họ gần gũi dân Ai Cập vì chung một tôn giáo. Chính quyền Bắc Kinh cương quyết không để ai châm ngòi một cuộc cách mạng, theo lối Tunisia, Ai Cập!
Giới lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc đang sợ. Không phải vì họ sợ một lực lượng đối lập sẽ thành hình công khai. Hiện nay, họ có thể biết, một lực lượng công khai đối lập với đảng Cộng sản chưa thể nào xuất hiện được; nếu có ra đời thì cũng còn rất yếu. Vậy thì họ lo sợ cái gì?
Họ sợ lịch sử. Họ biết lịch sử đang tiến tới. Bánh xe lịch sử có thể đè nghiến họ. Năm 1989 họ đã chứng kiến những họng súng của mật vụ Ðông Ðức buông xuống khi những người dân ở Leipzig kéo nhau từ nhà thờ Thánh Nicolas đi ra, tay cầm nến, miệng đòi tự do, tuần hành qua các con đường. Khi bức tường Berlin sụp đổ, ngay cả những người lính Ðông Ðức canh gác được lệnh sẵn sàng bắn dân vượt biên, cũng hớn hở vui mừng buông súng. Năm 2011, những người lính Ai Cập vẫn lãnh lương của ông Mubarak cũng chĩa súng lên trời, không bắn vào đồng bào họ đi biểu tình chống chế độ. Nhũng hình ảnh đó cho thấy: Lịch sử đang sang trang mới.
Những người Mác Xít đã được đào tạo trong một giáo điều để nhìn lịch sử như một thứ thần linh. Trước năm 1989, phần lớn những người Mác Xít ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam vẫn còn tin tưởng nồng nhiệt rằng lịch sử đứng về phía họ. Lịch sử sẽ kết thúc bằng sự toàn thắng của Cách Mạng Vô Sản Toàn Cầu. Một cán bộ cấp quận ở Long Xuyên cũng biết mắng một thanh niên vượt biên hụt đáng tuổi cháu mình rằng: Mày tưởng mày chạy trốn sang Thái Lan, sang Mỹ là thoát sao? Rồi bánh xe lịch sử sẽ lăn tới Thái Lan, lăn sang tới Mỹ, rồi mày chạy đi đâu? Chàng thanh niên 17 tuổi cúi đầu không dám cãi, nhưng sau đó lại vượt biên, và thoát. Hai chục năm sau thằng cháu Việt kiều về thăm nhà, bỏ tiền ra hối lộ để lấy lại nhà cửa cho bố mẹ. Ông chú họ thì quên luôn cả những lời ông đã mắng nó ngày xưa. Nhưng ông biết, lịch sử vẫn tiến bước, nhưng tiến theo lối khác, đã đổi chiều, hoàn toàn đi ngược lại với những bài học tập mà ông đã được nhồi nhét vào đầu 50 năm trước!
Giới lãnh đạo Cộng Sản ở Trung Quốc cũng như Bắc Hàn, Việt Nam, vẫn còn nghĩ đến lịch sử như một thứ thần linh, họ nhìn vào những cuộc Cách Mạng Hoa Nhài ở Ai Cập, Tunisia, họ phải thấy sợ. Lịch sử quả thật đang tiến bước. Họ có thể đang chờ bị bánh xe lịch sử đè bẹp. Họ sợ. Bởi vì họ biết rõ những nỗi uất ức của người dân đang bị dồn nén, chất chứa, không khác gì dân Ai Cập hay Bahrain. Họ cũng biết, biết rõ hơn người bình thường không được thông tin đầy đủ, rằng những phẫn uất của người dân có thể nổ bùng lên bất cứ lúc nào, khi được khích động và hướng dẫn bằng các phương tiện truyền thông mới nhất: Instant Message, Facebook, Twitter, vân vân.
Các chế độ độc tài rất giỏi trong việc che giấu những khó khăn xã hội. Nhưng cũng vì vậy, họ sợ hãi những biến cố bất ngờ, không đoán trước được. Giới cầm quyền ở Bắc Kinh đã phản ứng rất mạnh vì họ biết lòng dân chứa chất những phẫn uất như thế nào. Mang lưới điện toán đang tác động trên giới trẻ Trung Hoa rất mạnh, đó là một con dao hai lưỡi, nhiều lưỡi, có thể quay đầu chặt tay chặt chân, có thể chặt cả đầu chế độ. Hai tuần trước, báo chí ở Trung Quốc loan tin một người đàn ông đã tìm đứa con bị bắt cóc từ mấy năm trước, nhờ mạng lưới Internet. Vợ chồng anh thương nhớ con, đưa hình cháu bé lên mạng xin nhờ ai thấy đứa trẻ nào giống cháu thì báo tin. Anh ghi lại số điện thoại và email. Sau hai năm cố gắng không nghỉ, cuối cùng có người đã báo tin thấy một đứa trẻ trạc cùng tuổi và khuôn mặt giống con anh, và chỉ cho anh tìm tới một nơi cách xa hàng ngàn cây số để anh tìm lại được đứa con mình.
Với khoảng 400 triệu người dùng Internet, nước Trung Hoa hiện nay có số “công dân mạng” đông nhất thế giới. Trong mấy năm qua, họ đã tạo ra những biến cố. Chính các công dân mạng đã khám phá và truyền bá khắp nơi thảm cảnh của những trẻ em chết trong trận động đất lớn ở Tứ Xuyên; vì các ngôi trường sụp đổ trong khi các ngôi nhà ở chung quanh vẫn đứng vững. Lý do duy nhất, là các ngôi trường đã bị “rút ruột” trong khi xây dựng. Bao nhiêu học sinh chết oan chỉ vì cán bộ tham nhũng cùng bọn nhà thầu làm giầu. Một làn sóng phẫn nộ bùng lên khiến các quan chức trung ương và địa phương phải mở cuộc điều tra.
Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh biết rằng những lời kêu gọi biểu tình mang tên Cách Mạng Hoa Nhài nói đúng những gì người dân Trung Hoa đang khát khao. Những người xướng xuất yêu cầu ai đi biểu tình hãy hô các khẩu hiệu: Chúng tôi cần cơm áo! Cần việc làm! Chúng tôi yêu cầu có công lý! Dân chủ muôn năm!
Dân Chủ, Công Lý, Việc Làm, Cơm Áo. Ðó toàn là những lời mà một tỷ người dân Trung Hoa sẵn sàng hô to lên, nếu có ai đứng ra đề xướng. Ðảng Cộng Sản Trung Quốc đang tìm cách ngăn không cho ai được lớn tiếng nói lên những khát vọng này. Không biết được bao lâu? Vì những bước chân của lịch sử vẫn đang bước tới.
Ngô Nhân Dụng