Nhà báo người Australia Julian Assange, sáng lập trang Wikikeaks. Ảnh: CNN |
‘Lò’ cung cấp những thư tín nhạy cảm của giới ngoại giao Mỹ đang được truyền thông thế giới “hả hê” khai thác được cho là mạng máy tính có tên Siprnet, do Bộ Quốc phòng Mỹ thiết lập, vốn được sử dụng để trao đổi các thông tin bí mật. Mạng Siprnet (viết tắt từ cụm từ Secret Internet Protocol Router Network) ra đời từ những năm 1990 và được mở rộng kể từ sau vụ 11/9, nhằm cho phép các thông tin bí mật được chia sẻ dễ dàng hơn và ngăn chặn sự gián đoạn thông tin giữa các cơ quan tình báo khác nhau của Mỹ.
Mạng này được thiết kế để trao đổi các thông tin từ “lưu hành nội bộ” đến đóng dấu “mật”, mức độ của thông tin được cho là có thể gây ra “thiệt hại nghiêm trọng” cho an ninh quốc gia Mỹ. Các nguồn tin cho hay có tới khoảng 2,5 triệu nhân viên dân sự và quân sự Mỹ có quyền tiếp cận với mạng máy tính đặc biệt nói trên.
Chính vì sự phổ biết về người dùng mà Siprnet không bao giờ được hướng dẫn là nơi trao đổi các thông tin thuộc hàng tối mật. Chỉ có khoảng 6% (hơn 15.000 tài liệu) do Wikilealks công bố đợt này được đóng dấu “mật”, 40% đóng dấu “lưu hành nội bộ” và còn lại không được coi là mật.
Lý do mạng Siprnet được xác định là nguồn cung cấp các thư tín bị rò rỉ cho Wikileaks là do các tài liệu này đều có đuôi “Sipdis” (có nghĩa là Siprnet Distribution). Theo một hướng dẫn sử dụng của Bộ Quốc phòng Mỹ thì mạng Siprnet sử dụng công nghệ tương tự như Internet, nhưng được mã hoá để tách biệt nó với tất cả các mạng thông tin khác.
Trong khi đó, bản thân bản hướng dẫn sử dụng trên cũng thừa nhận rằng với sự tiến bộ của công nghệ thì việc lấy đi các thông tin nhạy cảm tại những khu vực được bảo mật ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Hơn nữa kể từ sự kiện 11/9 đến nay, mạng Siprnet lại ngày càng được mở rộng đối tượng được phép tiếp cận từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Đa phần các sứ quán Mỹ ở nước ngoài hiện đã kết nối với mạng Siprnet và đây chính là một nguy cơ có thể dẫn đến rò rỉ. Hiện chưa có ai bị buộc tội đã tuồn các dữ liệu cho Wikileaks, nhưng theo BBC nghi ngờ đang dồn lên một hạ sĩ Mỹ có tên Bradley Manning, nhân viên phân tích tin tình báo bị bắt tại Iraq hồi tháng 6 vừa qua và bị buộc tội đã để lộ các tài liệu bí mật của Mỹ. Nhưng Wikileaks đã lên tiếng phủ nhận việc họ nhận bất cứ tài liệu nào từ hạ sĩ quan Manning.
Mỹ không thiệt hại quá lớn
Sau vụ tiết lộ mới nhất của Wikileaks về hậu trường ngoại giao từ 28/11, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, đặc biệt là Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã dùng những lời lẽ kịch liệt về tổ chức này. Họ coi đó là một vụ tấn công nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các mối quan hệ hợp tác trên thế giới. Vậy vụ tiết lộ lần này của Wikileaks gây ra những ảnh hưởng như thế nào?
Trên thực tế, những tiết lộ về hậu trường nền ngoại giao Mỹ của Wikileaks chưa hẳn là mối đe doạ đối với an ninh nước này, ngoài việc gây ra một số rắc rối mang tính quốc gia. Đó là những công việc hàng ngày ít người biết tới của giới ngoại giao, không phải là những bí mật có thể khiến thế giới chao đảo, nhưng lại gây tò mò hoặc sốc khi được phơi bày ra công chúng.
Ví dụ như trường hợp Iran, các tài liệu cho thấy Mỹ không hề bí mật muốn đi đến chiến tranh với Iran, mà là họ chịu sức ép từ Israel và các nhà lãnh đạo Ảrập. Điều này phù hợp với chính sách ngoại giao công khai của Tổng thống Mỹ Barack Obama là chìa tay ra với Iran, nhưng nếu cần thiết có thể áp dụng lệnh trừng phạt để ngăn chặn các hoạt động hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên, thiệt hại do tiết lộ của Wikileaks gây ra trong trường hợp này là việc Mỹ đã không bảo vệ được sự riêng tư trong các ý kiến của những nhà lãnh đạo vùng Vịnh, khi để quan điểm muốn tấn công Iran của họ lộ ra công chúng trong khi bề ngoài họ kêu gọi các bên ngồi vào đàm phán.
Cho đến nay mới chỉ có một trường hợp trong dữ liệu mới của Wikileaks có thể được coi là lộ hoạt động bí mật, đó là nỗ lực của giới ngoại giao Mỹ trong việc thu thập thông tin cá nhân về các quan chức Liên Hợp Quốc và đại diện thường trực tại Hội đồng Bảo an.
Một trường hợp khác cũng có thể coi là bí mật có giá trị được tiết lộ, đó là kế hoạch của Mỹ trong việc đảm bảo an toàn cho vật liệu phóng xạ tại Pakistan, nhằm ngăn chặn nguy cơ chúng rơi vào tay quân khủng bố. Nhưng theo những thư tín công bố thì Pakistan đã phản đối kế hoạch bí mật này của Mỹ và không có sự thoả hiệp nào với đồng minh quan trọng của mình.
Còn lại thì những tiết lộ của Wikileaks chỉ là ý kiến cá nhân và những lời lẽ qua lại về chính trị, cho thấy công việc thực hàng ngày của các nhà ngoại giao, những người vốn được biết đến trước công chúng qua những lời nói bóng bẩy. Một số tài liệu thì chỉ đề cập đến các kế hoạch tương lai mà giới ngoại giao phải tính đến, như các cuộc bàn thảo giữa Mỹ và Hàn Quốc về việc cần phải làm gì trong trường hợp Triều Tiên sụp đổ.
Đình Nguyễn