Những năm cuối cùng của cuộc chiến
Chi phí quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam hồi 1965, 1966, 1967, 1968, 1969 khi quân đội đồng minh còn tham chiến như sau (1)
Năm 1965 : 646,1 triệu MK
Năm 1966 : 5,8 tỷ MK
Năm 1967 : 20,1 tỷ MK
Năm 1968 : 26,5 tỷ MK.
Năm 1969 : 28,8 tỷ MK”
Những năm 1970, 1971, 1972 họ rút quân dần dần nhưng vẫn còn yểm trợ mạnh mẽ cho VNCH, không thấy tài liệu nói tới quân viện cho miền nam. Sau Hiệp định Paris 27-1-1973, quân đội Mỹ và các nước đồng minh Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan.. đã rút hết VNCH tự bảo vệ bằng quân viện của Hoa Kỳ. Cả hai miền Nam, Bắc không tự sản xuất được vũ khí đạn dược và đều xin viện trợ quân sự của các siêu cường đồng minh.
Khi ký Hiệp định Paris, Tổng thống Nixon đã đưa ra Quốc hội xin viện trợ cho miền Nam VN 2 tỷ viện trợ quân sự nhưng đồng thời cũng dự trù sẽ yểm trợ bằng không lực để cân bằng lực lượng (2). Rút kinh nghiệm cuộc tổng tấn công 1972 của BV, vì hỏa lực và lực lượng địch áp đảo nên VNCH vẫn cần yểm trợ của B-52. Sở dĩ như vậy vì viện trợ quân sự của CS Quốc tế cho BV rất mạnh mà người Mỹ ít ngờ tới, tác giả George Donelson Moss nói (3).
“Một lý do chính khiến Quân đội VNCH suy yếu năm 1974 là việc Quốc hội cắt giảm quân viện cho miền nam VN. Vì đạo quân to lớn của VNCH đã được huấn luyện để tác chiến theo lối Mỹ, nó dựa trên lưu động tính và hỏa lực ồ ạt, rất tốn kém về bảo trì cũng như chiến đấu. Nó cần một ngân sách từ 3 tỷ cho tới 3 tỷ rưỡi (Mỹ Kim) để duy trì. Nhưng Mỹ chỉ cấp cho 2 tỷ 3 tài khóa 1973 và 1 tỳ 1 cho năm 1974. Cắt giảm viện trợ xương tủy gây trở ngại cho Quân đội VNCH. Trực thăng và không quân phải cắt giảm hoạt dộng vì thiếu nhiên liệu và thiếu phụ tùng thay thế. Đạn pháo binh cũng như súng nhỏ thiếu hụt. Không đủ khả năng chiến đấu theo lối mà chúng ta đã huấn luyện họ vì thiếu đạn dược trang bị, tinh thần quân đội VNCH sụp đổ.”
Những sự thật về hậu quả của cắt giảm quân viện cũng đã được ông Cao Văn Viên kể rõ trong cuốn The Final Collapse viết năm 1983 mà Nguyễn Kỳ Phong dịch thành Những Ngày Cuối Của VNCH xuất bản năm 2003, từ trang 82-94.
Như thế nếu VNCH nhận viện trợ quân sự 2 tỷ sẽ cần phải có yểm trợ của B-52, hoặc nếu được cấp đủ 3 tỷ rưỡi viện trợ có thể tự vệ được không cần yểm trợ không quân Mỹ, nhưng trên thực tế không bao giờ được như vậy.
Các nhà sử gia, chính khách Mỹ không để ý tới quân viện của CS quốc tế cho Hà Nội, họ cũng không biết gì mấy. Họ chủ quan khinh địch cho rằng quân viện lớn lao của Mỹ dư sức đè bẹp đối phương, sự giúp đỡ của CS quốc tế cho BV không đáng kể. Nhưng sau này thực tế cho thấy cuộc hành quân Lam Sơn sang Lào năm 1971 và Trận tổng tấn công Mùa hè đỏ lửa năm 1972 hỏa lực địch rất mạnh, quân viện của phía CS không đến nỗi tệ như người Mỹ tưởng (4)
Tháng 11-1972 trước khi ký Hiệp định Paris vài tháng, TT Nixon vội vã cung cấp ồ ạt cho VNCH nhiều vũ khí tổng cộng trị giá cả tỷ đô la qua hai chiến dịch với bí danh Enhance (Gia tăng) và Enhance Plus (Gia tăng cộng). Tổng cộng gồm ba tiểu đoàn pháo binh 175 ly, hai tiểu đoàn thiết giáp M-48, gần 600 máy bay trong đó hơn 200 phản lực chiến đấu và oanh tạc cơ, hơn 300 trực thăng, máy bay vận tải, thám thính (5).
Đợt viện trợ này đã nâng tổng số máy bay VNCH lên 2,075 chiếc, không quân VNCH đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng, về chiến xa tổng cộng khoảng 2,200 chiếc (6), nhưng tháng 4-1975 nằm ụ nhiều vì không có cơ phận thay thế, không còn săng.
Đầu năm 1973 cho tới tháng 4-1975
Ký Hiệp định xong ngày 27-1-1973, CSBV vi phạm ngay sau đó, TT Nixon nói Hà Nội định nghĩa ngừng bắn là chúng ta ngừng và họ bắn (7). BV tiếp tục xâm nhập, chở người vũ khí váo Nam tháng 4-1973 bằng 18,000 xe vận tải, Nixon không dám oanh tạc tháng 2, tháng 3 vì còn chờ cho tù binh được trao trả ngày 27-3-1973 (8), đầu tháng 4-1973 ông bị Quốc hội chống đối nên không thực hiện được.
Nixon oanh tạc Khmer đỏ để cứu Lon Nol nhưng cuối tháng 6-1973 Quốc hội Dân Chủ (9) ngăn cản, họ từ chối cấp ngân khoản cho Nixon và bắt đầu soạn tu chính án cắt hết mọi ngân khoản dành cho các hoạt động quân sự của Mỹ (Hành pháp) tại Miên, Lào, Bắc Việt, Nam Việt. Nixon miễn cưỡng phải ký thành luật ngày 30-6, có hiệu lực bắt đầu 15-8-1973. Từ đó không còn ngân khoản nào cho chính phủ Mỹ dùng cho các hoạt động quân sự tại Đông Dương, họ lý luận Nixon phải tìm hòa bình bằng đàm phán chứ không thể bằng quân sự.
Khi Quốc hội ra luật này tức là họ đã quyết định bỏ Đông Dương vì VNCH với 2 tỷ quân viện không đủ tự vệ mà phải dựa vào yểm trợ của không lực Mỹ như đã nói trên, nay yểm trợ của Mỹ không còn. Nixon nói ông không còn quyền hành để bảo đảm thi hành Hiệp định Paris (to enforce the peace agreement) khi Hà Nội thoải mái thôn tình miền nam (10) Nixon không còn quyền hạn để gìn giữ hoà bình tại VN.
Sau đó Quốc hội Dân chủ cắt giảm viện trợ quân sự xương tủy VNCH mỗi năm khoảng 50%: Từ 2,1 tỷ tài khóa 1973 xuống còn một tỷ tài khóa 1974 và xuống còn 700 triệu tài khoá 1975 (11). Họ lý luận nếu còn viện trợ quân sự cho VNCH, ông Thiệu sẽ tiếp tục gây chiến tranh. Quyết định này khiến cho miền Nam suy yếu rõ rệt, TT Nixon nói 35% xe tăng, 50% thiết giáp, máy bay thiếu cơ phận thay thế phải nằm ụ. Vì bị cúp nhiên liệu, khả năng lưu động vận chuyển của quân đội không còn. Hỏa lực giảm từ 60 tới 70% , tháng 3 -1975 đạn chỉ còn đủ xử dụng trong một tháng, tháng 4 chỉ còn đủ cho xài khoảng hai tuần (12) .
Trong khi ấy CSBV được quân viện đều đặn của Nga, Trung Cộng.
Giai đoạn 1969-1972: Tổng số 1,000,796 tấn gồm 316,130 tấn hàng hậu cần, 684,666 tấn hàng vũ khí, trang bị kỹ thuật,
Giai đoạn 1973-1975: Tổng số 724,512 tấn gồm 75,267 tấn hàng hậu cần , 649,246 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật
Hai giai đoạn trên viện trợ vũ khí tương đương nhau (13)
Ngày 8-8-1974 TT Nixon từ chức vì vụ Watergate, Gerald Ford lên thay. Cộng Hòa mất uy tín, cuộc bầu cử bán phần Quốc hội tháng 11-1974 khiến Dân Chủ thêm 49 ghê Hạ viện thành 291 tức 66.9%, Thượng viện thêm 4 ghế thành 60%, họ nắm vững Quốc hội, đa số chống chiến tranh VN.
Ngoài ra theo lời Kissinger, tháng `12-1974 Tham mưu trưởng Sô viết Kulikov sang Hà Nội và khuyên khích BV tấn công miền nam VN, Sô viết tăng viện trợ cho BV gấp 4 lần so với những tháng trước (14). Lực lượng hai miền đứng trước tình trạng trái ngược, một bên bị cắt giảm viện trợ, một bên được tăng viện gấp bội lần, thắng thua đã rõ ràng.
Cuối 1974, CSBV tấn công thăm dò Phước Long và chiếm thị xã ngày 7-1-1975. Trận đánh cho thầy VNCH đã suy yếu nhiều vì kiệt quệ tiếp liệu. Tháng 9-1974 TT Thiệu cử ông Vương Văn Bắc, Bộ trưởng ngoại giao đi Mỹ xin viện trợ bổ túc 300 triệu quân viện. Đầu tháng 1-1975 TT Ford đưa ra Quốc hội xin ngân khoản này. Đầu tháng 3-1975 Quốc hội cử một phái đoàn sang VNCH để thẩm định tình hình. Phái đoàn về Mỹ, CSBV tấn công chiếm Ban Mê Thuột ngày 13-3-1975, khi ấy Quốc hội Dân Chủ phản chiến Mỹ bỏ phiếu chống bất cứ viện trợ nào cho VNCH.
Tình hình quân sự miền Nam tồi tệ, mấy ngày sau trận Ban Mê Thuột, TT Thiệu cho triệt thoái Quân đoàn II tại Pleiku ngày 16-3 đưa tới thảm bại. Tình hình tại Quân khu I còn bi thảm hơn, áp lực địch rất mạnh trong khi quân đội VNCH thiếu thốn vể hỏa lực, tiếp liệu, thiếu yểm trợ không lực.. phải rút dần từ Huế về Đà Nẵng.
Quân khu I và II lọt vào tay CSBV nhanh chóng cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1975 một phần do sự sai lầm của TT Thiệu trong kế hoạch tái phối trí lực lượng, phần lớn do thiếu thốn vì quân viện bị cắt giảm. BV bắt đầu chuyển quân đại qui mô vội vã về phía nam để dứt điểm Sài gòn, tổng cộng khoảng 20 sư đoàn (5 quân đoàn và hơn 10 trung đoàn độc lập).
Đầu tháng 4-1975 Cộng quân đang tiến về Sài gòn, Nam Vang gần sụp đổ. Khi ấy ông TT Ford rời Tòa Bạch ốc đi nghỉ mát đánh golf tại Palm Springs, California. Tại Mỹ đài truyền hình buổi tối chỉ trích Tổng thống Ford đánh golf thoải mái khi Đông Dương đang dẫy chết.
Kissinger và TT Ford đã cử Tướng Tham mưu trưởng Weyand, tới Sài Gòn để thẩm định tình hình quân sự từ 28-3-1975, ông trở lại Hoa Kỳ ngày 4-4-1975. Về đến Mỹ ông đi máy bay thẳng tới Palm Springs để báo cáo TT Ford đang đánh golf tại đây. Weyand đề nghị cho tái oanh tạc B-52 và xin một khoản viện trợ khẩn cấp722 triệu cho quân đội VNCH. (gồm trên 440 xe tăng, 740 đại bác, 100 ngàn súng cá nhân, 120 ngàn tấn đạn dược).
Bản báo cáo của ông Tướng muốn nói:
“Uy tín lâu dài của Hoa Kỳ trên thế giới phụ thuộc vào nỗ lực thiện chí của ta cố gắng làm hơn là thành công hay thất bại trong lúc này, nếu ta không nỗ lực uy tín của ta như một đồng minh sẽ bị tiêu tan có lẽ sẽ qua hết đời này sang đời khác”.(15)
Theo tác giả Walter Isaacson, Weyand khuyên kéo dài sự kết thúc cuộc chiến tranh (cũng chính là cái lý luận của Kissinger) để giữ uy tín cho Hoa Kỳ khắp nơi.
Về điểm này Tướng Weyand cũng đã nhấn mạnh:
“Uy tín của Hoa Kỳ với tư cách một đồng minh đang có nguy cơ bị mất tại Việt Nam. Để giữ uy tín ấy chúng ta phải cô gắng tối đa trợ giúp miền nam VN” (16)
Kissinger phản đối đề nghị xin tái oanh tạc B-52 vì sợ sẽ có biểu tình, các cố vấn TT đều chống đối đề nghị này. Bộ trưởng quốc phòng Schlesinger cũng chống đối cho rằng tình thế của Quân đội VNCH nay không còn hy vọng gì.
Kissinger vốn bi quan đồng ý tình hình không thể cứu vãn nổi nhưng dù vậy ông cho rằng đề nghị xin Quốc hội khoản viện trợ 722 triệu là cách duy nhất để cứu vãn danh dự cho Hoa Kỳ. TT Ford đồng ý mặc dù không nhiệt tâm lắm.
Tại phòng họp, Kissinger lý luận quyết định viện trợ sẽ vang tiếng khắp thế giới, cái dấu hiệu gì nó sẽ gửi cho bạn và thù khắp nơi, ảnh hưởng của nó với uy tín của Hoa Kỳ sẽ như thế nào hơn là hiệu quả quân sự của nó ở vùng bao quanh Sài Gòn. Ông Tiến sĩ nói:
“Chúng ta đang đối diện với tấn thảm kịch vĩ đại, trong đó có cái gì liên quan tới uy tín, tới danh dự của Hoa Kỳ, tới cái mà các dân tộc khác trên thế giới sẽ nhìn chúng ta như thế nào” (17)
Kissinger làm việc tới khuya soạn một bài diễn văn đề cập tới uy tín của Mỹ
“ Hoa Kỳ không muốn viện trợ đầy đủ cho đồng minh của chúng ta để họ chiến đấu sẽ ảnh hưởng uy tín của chúng ta như một đồng minh. Và chính uy tín này là cơ bản cho an ninh của ta vậy”
Ngày 10-4-1975 Ford ra Quốc hội đề nghị cấp khoản viện trợ 722 triệu.
Mặc dù đã nói nhẹ nhàng nhưng không ai vỗ tay cả. Khi Tổng thống ngỏ lời xin viện trợ thì có hai dân biểu Dân chủ Moffet và Miller bỏ ra khỏi phòng họp.
Ngày 18-4-1975, bản tin VOA cho biết quân viện khẩn cấp 722 triệu bị Quốc hội bác, họ cho rằng nếu viện trợ cho miền Nam số ngân khoản này cũng chỉ kéo dài chiến tranh gây thêm tang tóc. Cùng ngày 18-4-1975 Tướng Toàn cho lệnh Sư đoàn 18 rút bỏ Long Khánh về lập tuyến phòng thủ Sài Gòn. Ngày 21-4-1975 TT Thiệu từ chức, Phó TT Trần Văn Hương lên thay, ngày 28-4-1975 Đại Tướng Dương Văn Minh đươc cử lên làm Tổng thống thay thế ông Trần Văn Hương để rồi ngày 30-4-1975 miền Nam hoàn toàn mất vào tay CS.
Kết Luận
Sau khi Quốc hội Dân chủ ra luật cắt mọi ngân khoản quân sự của Hành pháp tại Đông Dương tháng 8-1973 coi như họ đã bỏ Đông Dương vì VNCH không còn được B-52 yểm trợ. Không những thế họ tiếp tục cắt viện trợ mỗi năm 50% khiến cho Quân đội VNCH lâm vào tình trạng kiệt quệ khi CSBV mở cuộc tấn công đại qui mô vào tháng 3-1975 với hỏa lực và quân số áp đảo.
Miền nam đang hấp hối giữa tháng 4-1975, quân đội VNCH đã mất một nửa lực lượng gồm 5 sư đoàn cơ hữu của Quân đoàn I và II (SĐ 1,2,3, 22, 23 BB), hai sư đoàn Tổng trừ bị và hơn 10 liên đoàn Biệt động quân đã bị thiệt hại nặng. Tầu bay, tầu bò, xe tăng thiết giáp thiếu cơ phận thay thế nằm ụ hơn phân nửa, máy bay hết săng, pháo binh hết đạn …
Trong khi ấy Tổng thống Ford không có thực quyền chẳng còn tha thiết tới Đông Dương bỏ đi Cali đánh golf, Tướng Tham mưu trưởng Weyand và Tiến sĩ Kissinger bàn kế hoạch xin viện trợ 722 triệu cứu nguy VNCH mà sự thực không phải để cứu miền nam nhưng chua chát thay để cứu uy tín cho nước Mỹ.
Quốc hội Dân Chủ thẳng thừng bác bỏ, họ chẳng cần giữ uy tín như Kissinger nói vì cho rằng mình có uy tín đâu mà giữ?
Trong phim Last Days In Vietnam (2014) của Rory Kennedy có cảnh một bà dân biểu nói sở dĩ người Mỹ không tiếp tục giúp VNCH vì họ đã đưa đại binh vào, đã đổ vào hết tỷ này đến tỷ khác mà không đi tới đâu. Như thế là Mỹ chịu thua CS Nga, Trung Cộng, VN, hoặc Mỹ không đủ tiền chi phí chiến tranh VN bằng Nga, Trung Cộng?
Vở hài kịch vô nghĩa mà Weyand và Kissinger dựng lên khi Đông Dương đang dẫy chết chẳng giúp cứu vãn được gì hơn là làm cho nạn nhân của họ càng thêm tủi nhục.
Trọng Đạt
Cước chú
(1) Ðoàn Thêm, “1969 Việc Từng Ngày” trang 338
(2) Richard Nixon, No More Vienams trang 189
(3) George Donelson Moss, Vietnam, An American Ordeal trang 388
(4) BBC.Vietnamese.com ngày 10-5-2006: Viện trợ quốc tế cho miền Bắc trong chiến tranh.
Đăng Phong, Năm Đường Mòn Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Trí thức Hà nội 2008, trang 120, 121
Quân viện của Nga sô, Trung cộng và các nước Đông Âu cho Hà Nội từ đầu chí cuối cuộc chiến gồm: Tổng cộng 2 triệu 362 ngàn tấn hàng hậu cần và vũ khí
Về chi tiết: 3 triệu 600 ngàn khẩu súng bộ binh; 65,626 súng chống xe tăng; 27,960 khẩu súng cối; 2, 430 khẩu pháo hỏa tiễn; 2,165 khẩu đại bác; 3,229 khẩu cao xạ; 19,836 hỏa tiễn phòng không; 2,209 xe tăng, thiết giáp; 458 máy bay chiến đấu; 82 tầu hải quân; 148 tầu vận tải….
Đầu thập niên 70, người Mỹ đã nhìn nhận phòng không BV mạnh nhất thế giới hồi đó.
(5) Richard Nixon, No More Vienams trang 170-171
(6) Nguyễn đức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 869, 877
(7) “Hanoi’s definition of a cease-fire was that we cease and they fire”, No More Vietnams trang 171
(8) Sách kể trên trang 177-178
(9) Dân chủ năm Hạ viện 56%, Thượng viện 57% (Wikipedia)
(10) No More Vietnams trang 180.
(11) Henry Kissinger, Years of Renewal trang 471
(12) Nixon, No more Vietnams trang 187, Cao Văn Viên Những Ngày Cuối VNCH trang 82, 83, 91, 92, Phillip B. Davidson Vietnam At War , The History 1946-1975 trang 748
(13)Theo bản tin của BBC.com ngày 10-5-2006 một buổi hội thảo qui mô tổng kết cuộc chiến tranh Việt Nam đã được tổ chức tại Sài Gòn trong hai ngày 14 và 15 tháng 4 năm 2006, tác giả Trần Tiến Hoạt và Lê Quang Lạng thuộc Viện Lịch Sử Quân Sự Cộng Sản Việt Nam có bài tham luận về nguồn chi viện của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa dành cho miền Bắc trong cuộc chiến.
(14) Years of renewal 481
(15) Walter Isaacson, Kissinger a Biography trang 640,641
(16) Larry Berman: No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam trang 266.
(17) Kissinger a Biography trang 641,642.