Phạm Duy — Ảnh: Nguyễn Na Sơn
“Đất nước thống nhất rồi
mà lòng người thì không thống nhất.”
Phạm Duy
Trong số “ngàn lời ca” của Phạm Duy, bài hát nào được mọi người yêu thích nhất?
Ngày trước, có đôi lúc tôi vẫn tự hỏi như vậy. Sau ngày nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, tôi tìm ra câu trả lời. Khi được hỏi “Thích bài nào nhất của Phạm Duy?”, hầu hết những người yêu nhạc ông đều nhắc đến bài “Tình ca”. Có người gọi bài hát ấy với tên khác là “Tiếng nước tôi” hoặc “Tôi yêu tiếng nước tôi”, là câu hát đầu tiên của bài hát ấy.
Từ “Tình ca” đến “Việt Nam, Việt Nam”
“Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời”, câu hát ấy, mười nốt nhạc đầu tiên của bài nhạc ấy, từng được một cơ sở thương mại ở trong nước mua với giá 100 triệu (tính ra là 10 triệu cho một nốt nhạc), được xem là mười nốt nhạc Việt có giá thương mại cao nhất từ trước đến nay.
Đã từng có một đêm nhạc Phạm Duy tổ chức tại Huế (16/9/2012) với tên gọi là “Phạm Duy – Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi”. Xa hơn một chút, một đêm nhạc Phạm Duy khác được tổ chức tại Singapore (17/10/2010) cho cộng đồng người Việt ở đấy cũng với tên gọi là “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi”. Bài hát rất được yêu thích và gắn liền với tên ông khiến ông được xem là người nhạc sĩ viết về tình tự dân tộc, về tình yêu quê hương hay nhất.
“Tình ca” là bài hát mang nhiều “chất Phạm Duy” nhất. “Tình ca” là một “tình yêu tổng hợp”, là bản tình ca lớn nhất của Phạm Duy: bản tình ca của đất nước. Với lớp người trẻ, bài hát ấy là bài học lớn về lòng yêu nước, yêu tiếng Việt, yêu người Việt, yêu lịch sử dân tộc Việt.
Bài hát không dễ thuộc lời, thế nhưng mọi người đều hát được câu hát đầu của bài hát ấy. Như thế cũng đủ. “Nếu một trăm năm nữa,” tác giả bài hát nói, “người ta vẫn hát bài ‘Tình ca’ với câu ‘Tôi yêu tiếng nước tôi’, thì 999 bài còn lại người ta có quên đi cũng được.” Câu nói ấy cho thấy không chỉ người yêu nhạc Phạm Duy mà chính Phạm Duy cũng yêu bài hát ấy hơn cả. Thậm chí, khi nói về cái chết, ông cũng nhắc tên bài hát ấy, “Mộ tôi sẽ nằm trên môi những người hát ‘Tình ca’. Cứ mỗi lần có ai hát bài này, tôi tin là mình đang được tái sinh trong lòng họ.”
Bài hát được yêu thích nhưng không dễ hát và càng không dễ hát chung với nhau. Muốn hát chung một bài nào của Phạm Duy, người ta đi tìm một bài khác.
“Tình ca” là bài hát đầu tiên trong số chín ca khúc đầu tiên của Phạm Duy được Cục Nghệ thuật Biểu diễn (thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) ở trong nước cấp phép phổ biến sớm nhất (21/7/2005), hai tháng sau ngày nhạc sĩ Phạm Duy chính thức hồi hương.
Tôi nhớ, có lần nhạc sĩ Phạm Duy chia sẻ tin vui thêm một đợt những ca khúc của ông được cấp phép phổ biến, tôi nói rằng có một bài tôi thực sự mong cho ông, hơn bất cứ bài nào khác, sẽ được phép lưu hành. “Bài gì?” ông hỏi. Tôi nói, “Việt Nam, Việt Nam.” Ông im lặng. Tôi nói thêm là tôi chờ cái ngày bài hát ấy được hát vang vang trên khắp mọi miền đất nước, hát vang vang trong màn kết thúc một chương trình nhạc Phạm Duy. Ông im lặng. Tôi gửi ông nghe/xem cho vui ít màn trình diễn bài hát ấy ở nước ngoài trước và sau ngày ông về nước. Ông im lặng. Tôi hiểu được sự im lặng ấy, và không nhắc tên bài hát ấy nữa.
Vì sao bài hát ấy, bài “Việt Nam, Việt Nam”, vẫn chưa được cấp phép? Có gì “lấn cấn” chăng?
Bài hát có những lời lẽ khơi dậy lòng nhân ái, tình yêu thương đồng loại và những giá trị phổ quát của các quyền làm người trong một đất nước tự do dân chủ.
Việt Nam đem vào sông núi
Tự Do, Công Bình, Bác Ái muôn đời
Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu…
Việt Nam ta nguyền tranh đấu cho đời
Tình Yêu đây là khí giới
Tình Thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người…
Những lời lẽ ấy là không thích hợp chăng?
Bài hát có nhịp điệu khỏe khoắn, tiết tấu mạnh mẽ, nghe phấn chấn, thúc giục tựa những bước chân hăm hở xốc tới, rất thích hợp để hát hợp ca, đồng ca trong những cuộc họp mặt, xuống đường, tuần hành.
Nhạc điệu ấy là không thích hợp chăng?
Bài hát có nhạc điệu trang nghiêm, hùng tráng với lời ca khơi dậy tinh thần yêu nước, mang tính cách của một bài quốc ca. Nhiều người vẫn nhớ rằng “Việt Nam, Việt Nam” từng hơn một lần được đề nghị làm bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa (thay cho bài “Tiếng gọi công dân” của Lưu Hữu Phước, một nhạc sĩ miền Bắc). Bài hát “Việt Nam, Việt Nam” vì thế, rất “gần” với bài quốc ca của miền Nam ngày trước.
Những điểm ấy là “nhạy cảm” và là không thích hợp chăng?
Liệu còn có những lý do nào khác? Hoặc, chẳng có lý do nào cả. Chưa duyệt, chưa cấp phép là vì chưa duyệt, chưa cấp phép, thế thôi.
“Việt Nam, Việt Nam” là một chung khúc (cách gọi của nhạc sĩ Phạm Duy), là một kết thúc có hậu cho bản trường ca “Mẹ Việt Nam” (1964) của Phạm Duy. Là chung khúc nhưng “Việt Nam, Việt Nam” vẫn thường được trình diễn như một bài hát riêng, độc lập. Chung khúc ấy thể hiện những ước mơ, khát vọng của người dân Việt về một vận hội mới về trên quê hương, cho đất nước yên bình, cho không còn những cách chia, cho người biết thương người.
Trả lời câu hỏi “Vì sao cái tựa bài hát không là ‘Việt Nam’ mà lại hai lần ‘Việt Nam, Việt Nam’?” tác giả bài hát nói: “Vì nước Việt Nam mình bị chia làm hai, thành ra có hai ‘Việt Nam – Việt Nam’. Nếu chỉ có một Việt Nam thôi thì tốt hơn. Trong khi tôi xưng tụng một nước Việt Nam như vậy, ‘Tình yêu, đây là khí giới’, thì hai bên vẫn còn nghi kỵ nhau, vẫn còn chưa bắt tay nhau.”
Sau ngày ông qua đời, một bài báo trong nước (Thanh Niên, 30/1/2013) có tựa là “Nhạc sĩ Phạm Duy: Tâm nguyện cuối đời” cho phổ biến một lá thư của ông (không đề ngày) gửi đến “giới chức có thẩm quyền” xin cấp phép phổ biến ca khúc “Việt Nam, Việt Nam”. Thư có đoạn:
“Tôi nghĩ rằng tôi có quyền nuôi một nguyện vọng đóng góp vào sinh hoạt âm nhạc trong nước bằng một ca khúc có tính chất xưng tụng nước ta nhan đề ‘Việt Nam, Việt Nam’ sáng tác từ 1960, rút trong trường ca ‘Mẹ Việt Nam’, là một tổ khúc kêu gọi sự đoàn kết dân tộc dưới bóng Mẹ Tổ Quốc thiêng liêng và độ lượng. Sau đây là ca khúc đó… (lời ca bài ‘Việt Nam, Việt Nam’). Tôi mong có ngày ca khúc này được phép phổ biến.” (thư kèm một CD gồm hai bài hợp ca “Việt Nam, Việt Nam”).
Một lá thư khác, cũng theo bài báo ấy, dài đến gần mười trang của Giáo sư Trần Văn Khê (6/2012), người bạn cố tri của nhạc sĩ Phạm Duy, nội dung đề nghị cấp phép phổ biến hai trường ca của Phạm Duy là “Con đường cái quan” và “Mẹ Việt Nam” (kết thúc bằng chung khúc “Việt Nam, Việt Nam”). Thư có đoạn:
“Tâm nguyện của Phạm Duy đối với quê hương là một tâm nguyện trọn vẹn… Tôi ước mong chính phủ, Bộ Văn Hóa xem xét đến trường hợp hai tác phẩm trường ca của Phạm Duy để giúp cho hai tác phẩm rất sâu sắc, nhân văn này được phổ biến đến đại chúng toàn quốc, giúp cho tư tưởng rất đẹp trong lời nhạc, lời ca đi sâu vào lòng người dân… Với hai trường ca này, Duy đã nói về một Việt Nam hoàn toàn chung nhất, vẽ nên một bức tranh Việt Nam đầy đủ địa lý tới văn hóa, từ chiều dài lịch sử đến bề sâu tâm hồn, từ tư tưởng triết lý đến quan niệm nhân sinh… để thấy rằng Việt Nam đẹp đến nhường nào, từ trong nội tại tâm hồn đến cảnh vật bên ngoài, luôn lấp lánh cái bóng dáng hòa bình, yêu thương, nhân ái, người vì người, sống chết cho nhau.”
Cả hai lá thư với lời lẽ thiết tha ấy đều “thư đi” mà không có “tin lại”.
Mỗi năm lại có thêm một vài đợt duyệt xét, có thêm một ít ca khúc của Phạm Duy được cấp phép phổ biến (gồm cả những bài một thời được xem là “dị ứng” với nhà cầm quyền trong nước, như “Bên cầu biên giới”, “Mùa thu chết,” “Tìm nhau”…). Không có bài “Việt Nam, Việt Nam”. Đợt cấp phép mới nhất, mười ngày trước khi người nhạc sĩ qua đời, có thêm tám ca khúc Phạm Duy được cho phép lưu hành trên cả nước. Vẫn không có bài “Việt Nam, Việt Nam”. Bài hát vẫn biệt vô âm tín. Người nhạc sĩ vẫn tiếp tục chờ đợi, chờ đợi trên giường bệnh. Nỗi đợi chờ trong câm lặng, trong khắc khoải, mỏi mòn, như người ngồi đợi hoài những giấc mơ không bao giờ đến.
“Việt Nam, Việt Nam”, bài hát ấy hoặc được duyệt rất sớm, hoặc rất muộn, hoặc chẳng bao giờ, vì không thích hợp, vì khá “nhạy cảm”; hoặc hơn thế nữa, vì “dị ứng”, như cách nói ở trong nước.
“Chung khúc” nào cho Việt Nam – Việt Nam?
Ít hôm sau ngày nhạc sĩ Phạm Duy mất, ở Mỹ người ta tổ chức một đêm nhạc để tưởng nhớ ông. Một người bạn ở Nam Cali gọi cho tôi, nói “Nếu ông ở đây thì tối nay tôi rủ ông đi nghe nhạc, một chương trình nhạc đặc biệt, chỉ phổ biến trong thân hữu.” “Nghe nhạc Phạm Duy phải không?” tôi hỏi. Người bạn hỏi lại “Sao biết?” Tôi nói, “Nhạc Phạm Duy thì người ta vẫn hát, vẫn nghe từ bao nhiêu năm nay và vẫn đang hát, đang nghe chứ đâu phải đợi cho đến lúc ông ấy nằm xuống mới đi nghe.” Tôi không rõ những “thân hữu” trong đêm nhạc ấy gồm những ai ai, và vì sao lại “chỉ phổ biến trong thân hữu”. Theo lời người bạn kể, một “tiết mục” khá ấn tượng trong đêm “Phạm Duy, Ngàn Lời Ca” ấy: kết thúc chương trình, không ai bảo ai tất cả mọi người đều cùng đứng lên và cùng cất cao tiếng hát bài “Việt Nam, Việt Nam”. “Cảm động nhất là màn cuối ấy,” người bạn nói.
Vì sao lại “cảm động”? Phải chăng vì những cảm xúc rưng rưng pha trộn: vì cảm thương cho con người nghệ sĩ lắm tài hoa mà cũng nhiều nghiệt ngã, cho đến những năm tháng cuối đời vẫn cứ nuôi mãi một “giấc mộng dài”. Hoặc vì cảm thương cho thân phận đất nước mình dân tộc mình, cho những kiếp người nổi trôi, những số phận lênh đênh không bờ không bến. Hoặc vì bài hát gợi nhớ về những năm tháng xa xôi, những tháng năm tươi đẹp nhất của một thời tuổi trẻ và của những ước mơ trong veo về một ngày hòa bình trên quê hương đổi mới… Người nhạc sĩ già đã nhắm mắt xuôi tay, “người tình già” đã đi về đầu non. “Việt Nam, Việt Nam”, bài hát ấy, tiếng hát ấy, như một giấc mơ rạn vỡ.
Một trùng hợp ngẫu nhiên, ít hôm sau đó, vào những phút cuối của đám táng người nhạc sĩ, trong lúc người người đứng vây quanh huyệt mộ, trong lúc những nắm đất, những bông hoa đủ màu sắc thả xuống nắp áo quan, một tiếng nói cất lên, “Chúng ta hãy hát bài Việt Nam, Việt Nam.” Rồi một giọng hát cất lên, “Việt Nam, Việt Nam nghe từ vào đời…” Rồi những giọng hát khác cất lên, cất lên, hòa quyện vào nhau. Những câu hát bật ra, bài hát bật ra, càng lúc càng lớn. Những nắm đất, những cánh hoa vẫn liên tục thả xuống… Người ta chọn bài hát ấy để nói lời chia tay người nhạc sĩ.
Việt Nam, hai câu nói bên vành nôi…
Việt Nam, hai câu nói sau cùng khi lìa đời…
Tình Yêu, đây là khí giới
Tình thương đem về muôn nơi
Việt Nam, đây tiếng nói đi xây tình người
Ở ngoài nước, kết thúc đêm nhạc tưởng niệm người nhạc sĩ, người ta cùng hát với nhau bài “Việt Nam, Việt Nam”. Ở trong nước, kết thúc đám táng người nhạc sĩ, người ta cùng hát với nhau bài “Việt Nam, Việt Nam”.
Đoàn người cất cao tiếng hát bài “Việt Nam, Việt Nam” trong “nghĩa trang mông mênh” ấy là những ai? Nhiều phần là những người lớn tuổi, những người từng sống ở miền Nam trước năm 1975. Những người trẻ tuổi, một số đã không hát theo được vì không thuộc hay không biết bài hát ấy.
Một bà cụ tóc trắng nêu thắc mắc, “Sao không in ra thành nhiều bản phát ra cho mọi người để cùng hát với nhau cho hùng mạnh hơn?!” (Bà cụ không rõ bài hát chưa được “nhà nước”… cho phép hát).
Những người khác quay sang hỏi nhau, “Tại sao một bài hát có ý nghĩa như thế lại không được nhà nước cấp phép?”
Những câu hỏi không có câu trả lời.
Khác với tác giả bài hát, người ta không phải đợi “nhà nước” duyệt hay cấp phép. Hàng ngàn người đồng hành với ông trong ngày “Chủ Nhật buồn” ấy đã “duyệt” cho ông bài hát ấy. Hoặc nói như cách nói ở trong nước, “một bộ phận quần chúng nhân dân” đã cấp phép cho bài hát ấy; hơn thế nữa, đã “biểu diễn” bài hát ấy như một dàn đồng ca tự phát.
Bài hát, lần đầu tiên được cất lên kể từ ngày ông về nước. Phải đợi đến lúc hạ huyệt, đến lúc thân xác ông được gửi vào lòng đất mẹ thì bài hát ấy mới cất lên. Cũng đâu có gì là muộn màng, phải không? “Có còn hơn không, có còn hơn không”, như câu hát trong một bài hát quen thuộc của ông. Bây giờ thì ông không còn phải chờ đợi thêm nữa.
“Việt Nam, Việt Nam” từng là một trong những bài hát cộng đồng khá phổ biến trên môi tuổi trẻ, sinh viên, học sinh ở miền Nam tự do một thời nào. Bài hát vang lên trong những sân trường, lớp học, trong những đêm không ngủ, trong những ngày lên đường, xuống đường rực lửa đấu tranh. Mọi người vừa hát vừa vỗ tay rất nhịp nhàng, rất khí thế, rất sôi nổi. Bài hát ấy, nhiều năm sau lại vang lên bên huyệt mộ người nhạc sĩ trong một ngày cuối đông. Người ta đã hát cho ông nghe bài hát bao năm ông hằng chờ đợi, bài hát ông gửi vào những tâm huyết, tâm nguyện, tâm tình. Ông còn mong gì hơn nữa!
Hát “Việt Nam, Việt Nam” là hát về những giấc mơ, những khát vọng của người dân Việt tội tình. Giấc mơ “Việt Nam, Việt Nam”, giấc mơ của Phạm Duy, giấc mơ của tuổi trẻ ngày ấy, của tuổi trẻ hôm nay, của người Việt khắp nơi khắp chốn, giấc mơ ấy vẫn còn… xa vời vợi.
“Việt Nam, Việt Nam”, sau năm mươi năm, bài hát vẫn còn là giấc mơ.
“Việt Nam, Việt Nam”, chung khúc ấy là viễn mơ.
Bài chung khúc ông viết cho “Mẹ Việt Nam”, cho dân Việt Nam và cho tâm nguyện của riêng ông cách nay nửa thế kỷ, chung cục trở thành “bài hát tiễn đưa” ông về lòng Đất Mẹ, như là những gì thuộc về ông nay chính thức trả về ông, cho ông mang theo làm hành trang của “những gì sẽ đem theo về cõi chết”.(1)
Liệu có một “chung khúc” nào cho người dân Việt? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Giáo sư Eric Henry (Đại Học North Carolina, Chapel Hill, NC), giảng dạy về ngôn ngữ và văn chương Việt Nam–người dành ra nhiều thời gian vào việc khảo cứu về lịch sử tân nhạc Việt cũng như chuyển dịch sang tiếng Anh bộ Hồi Ký Phạm Duy–trong một bài tham luận, tỏ ra lạc quan về những tín hiệu cho thấy “hai phía Việt Nam – Việt Nam” ngày càng có khuynh hướng “xích lại gần nhau” hơn: “Sự chuyển hoá từ cả hai phía có vẻ chỉ là những thay đổi cỏn con, ngẫu nhiên, và cá nhân, như thể những hạt cát ngoài bờ biển, hoặc như những chiếc lá vàng mùa thu, nhưng không còn hồ nghi gì nữa về những kết quả chung cuộc. Khi nào cả hai phía cùng hoà giải với nhau thì họ sẽ thấy Phạm Duy đón họ ở đấy, vì ông đã thấy trước từ lâu rồi là sẽ có một ngày như thế.”(2)
Nhạc sĩ Phạm Duy, ngược lại, trong bài trả lời phỏng vấn của đài RFA (23/6/2012), gọi là “Những bộc bạch cuối đời”, đã không giấu nỗi chua xót của chính mình: “Các anh yêu tôi thì nói là tôi có sự nghiệp hơi lớn một tí đấy, nhưng mà riêng tôi, cho đến giờ phút này, tôi thấy là tôi hoàn toàn thất bại. Bởi vì đất nước đã thống nhất rồi mà lòng người thì không thống nhất, thành thử nếu tôi có chết đi thì gần như là tôi không có được thỏa mãn.” Trả lời câu hỏi “Tại sao?” ông nói, “Giản dị lắm, anh muốn biết tại sao như vậy thì anh phải hỏi thẳng chính quyền ấy.”
Ngày ông nằm xuống, người Việt vẫn chưa đi đến một “chung khúc”.
“Việt Nam, Việt Nam”, bài hát ông viết ra từ thời chiến như gửi đi một thông điệp của thương yêu và hòa giải, của thống nhất đất nước và thống nhất lòng người. Thông điệp ấy đến nay người ta vẫn chưa sẵn sàng đón nhận.
Nếu có “thống nhất” được điểm nào thì chỉ là “hai phía” đều gọi ông là “cây đại thụ” của làng nhạc Việt. Sau ngày cây đại thụ ấy bật gốc, cả hai phía ấy và cả những người yêu ông và ghét ông, đều nói rằng cả trăm năm nữa cũng khó mà có được một tài năng âm nhạc nào như ông.
Người ta vẫn hay gọi một văn nghệ sĩ tên tuổi là “tác giả”, theo sau là tên tác phẩm phổ biến nhất, ý nghĩa nhất và được yêu chuộng nhất. Cách gọi ấy gọi được cả “tác giả và tác phẩm”.
Phạm Duy, tôi chắc nhiều người sẽ gọi ông là “Tác giả Việt Nam, Việt Nam”.
Lê Hữu
(1) Tên một bài hát của Phạm Duy
(2) Eric Henry, (2005) “Phạm Duy and Modern Vietnamese History”, Southeast Review of Asian Studies 27. Phố Tịnh dịch, “Phạm Duy và lịch sử Việt Nam hiện đại”, talawas.org 22/11/2005
* Những chữ in nghiêng là những câu hát của Phạm Duy
Chung khúc “Việt Nam, Việt Nam”, Phạm Duy
Ban hợp xướng Ngàn Khơi (hòa âm Lê Văn Khoa, nhạc trưởng Trần Chúc):