Tượng Tây Sơn Tam Kiệt ở Bảo tàng Quang Trung, Quy Nhơn, Bình Định
VIỆT THANH CHIẾN DỊCH
PHẦN I
TỔNG QUÁT
Tình hình miền Bắc nước ta cuối thế kỷ XVIII mỗi lúc một thêm tồi tệ. Sau khi quân Trịnh thua ở Phú Xuân chính quyền Ðàng Ngoài càng lúc càng chông chênh khiến cho Nguyễn Huệ đem quân ra thẳng Bắc Hà mà không gặp một lực lượng phòng ngự nào đáng kể. Trước đây vua Lê vẫn dựa vào chúa Trịnh trong mọi việc hành chánh và quân sự, đến nay khi họ Trịnh bại vong, quả thực chỉ còn cái nước trống không như vua Lê đã thú nhận.
Miền Bắc vào những năm cuối cùng của nhà Lê là một khu vực nghèo khổ, nhiều nơi mất mùa, đói kém. Theo lá thư của Lefro gửi cho Bandin thì “… mùa này tháng Mười (âm lịch) năm 1788 đã bị mất vì đại hạn vào mùa hè năm trước. Gạo cũ còn lại của mùa trước thì bị vơ vét vào kho lương địch thành thử ngay cả lái buôn cũng chết đói [có cả bệnh dịch nữa] …”[1]
Người dân lại bị tham quan nhũng nhiễu, sưu cao thuế nặng nên có làng chết mất đến một nửa hay ba phần tư, những người còn lại thì đều bị bắt lính cả. Những tỉnh địa đầu như Thanh Nghệ còn bi đát hơn. Tình hình đó không phải chỉ một vài tháng mà kéo dài nhiều năm khiến chúng ta hiểu được rằng trong hoàn cảnh nhiễu nhương, người dân gần như không còn biết gì đến những thay đổi thượng tầng mà chỉ mong đợi một chính quyền ít hà khắc.
Theo số liệu do Li Tana thu thập và phỏng đoán, vào đầu thế kỷ XIX, 11 đạo ở miền Bắc có tổng cộng 9,445 xã 578,400 suất đinh.[2] Cũng theo Li Tana, dân số miền Bắc ước lượng khoảng từ 5 đến 6 triệu người (tr. 171) trong khi dân số miền Nam chỉ chừng non 1 triệu (tr. 159 – 160). Những con số này dĩ nhiên không tuyệt đối chính xác nhất là ở Ðàng Trong một số đông các sắc tộc thiểu số vốn dĩ thần phục chúa Nguyễn trên danh nghĩa nhưng giữ sinh hoạt kinh tế, văn hoá riêng, sống du canh di chuyển luôn luôn nên không có con số rõ rệt. Cũng vì thế, quân đội của chúa Nguyễn có thể chỉ bằng 1/4 quân chúa Trịnh như giáo sĩ Cristophoro Borri miêu tả[3] nhưng quân số của Tây Sơn lại lớn hơn nhiều, ngoài lực lượng trú phòng họ thường điều động được nhiều vạn quân mỗi khi có chiến tranh.
Có thể nói, cuối thế kỷ thứ XVIII, toàn cõi Việt Nam bị một cuộc khủng hoảng chính trị nặng nề khi hình thức triều đình cũ không đáp ứng được những thay đổi về kinh tế và kỹ thuật. Miền Bắc, trong nhiều năm bị cô lập và không thuận tiện trong việc giao thông, thương mại nên sức mạnh kinh tế đã chuyển dần xuống phương nam.[4] Chúa Nguyễn lại chỉ tập trung vào việc chống nhau với chúa Trịnh và có mưu đồ biến Ðàng Trong thành một quốc gia độc lập, không phải thần phục nhà Lê (dù chỉ trên danh nghĩa) nên tuy đưa ra một số cải cách hình thức cho khác với Ðàng Ngoài [về y phục, lễ nghi …] nhưng bản chất vẫn là một mô hình phong kiến không khác gì đối phương. Chính vì thế, nếu đưa lăng kính thời kỳ Tây Sơn lên một vị trí khác, chúng ta có thể coi như một biến chuyển tổng hợp hơn là tương tranh nội bộ của Việt Nam.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy phong trào Tây Sơn không chỉ đại diện cho người Việt mà có rất nhiều tương đồng, vay mượn của văn minh Nam Á, trong đó sức mạnh bản địa được khai thác rộng rãi hơn, từ trang bị võ khí tân tiến của Âu Châu, cách sử dụng hải quân của Ðàng Trong đến đội tượng binh của các sắc dân miền núi. Trong cơn sốt vỡ hạt đó, các lân bang cũng có những đột phá tương tự, đáng kể nhất là Xiêm La và Miến Ðiện, chưa nói đến các quốc gia hải đảo. Nhìn vào mặt tiếp nhận tiến bộ mới, một số quốc gia khác đã kịp thời thay đổi và du nhập văn minh thế giới nhưng nước ta vẫn duy trì mô hình Trung Hoa khiến cho hậu nhân chỉ nhìn thấy một cuộc tương tranh, nội chiến mà quên đi tính đột phá của thời kỳ này.
1. TRANH CHẤP TÂY SƠN – LÊ TRỊNH
1.1. Phù Lê diệt Trịnh
Khi khởi nghiệp anh em Nguyễn Nhạc có tham vọng thay thế chúa Nguyễn ở Ðàng Trong thành lập một quốc gia hoàn toàn tách biệt sánh vai với miền bắc. Nguyễn Nhạc đã đề cập đến chủ trương của ông với phái đoàn của người Anh là “muốn kiểm soát toàn bộ bán đảo bao gồm vương quốc Cambodia tới tận Xiêm La, những tỉnh thuộc Ðàng Trong cho tới tận cùng phía bắc nay đang ở trong tay của Ðàng Ngoài”.[5] Việc Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc “phù Lê diệt Trịnh” theo lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh là điều mà ông không tiên liệu được khiến vua Thái Ðức hốt hoảng vội vàng đem 500 thân binh ngày đêm rong ruổi ra Thăng Long để đích thân giải quyết vấn đề.
Khi thấy tình hình đã thay đổi, Nguyễn Nhạc trao thực quyền lại cho nhà Lê để xây dựng một quốc gia láng giềng không đe dọa, xóa đi thế thù nghịch trong quá khứ. Tính toán của ông không phải là không có lý vì thời kỳ đó hai bên ngăn cách đã mấy trăm năm, sinh hoạt, phong tục tập quán khác biệt, nhân dân không ưa đã đành mà sĩ phu cũng chẳng thần phục, việc chiếm Bắc Hà sẽ tạo nên một gánh nặng, tốt hơn hết là trả nước cho nhà Lê để rảnh tay diệt chúa Nguyễn cho hết hậu hoạn. Nhà Lê cũng tạo nên một lá chắn cho vương quốc Quảng Nam không bị cái nạn bắc xâm, góp phần vào sự ổn định của một khu vực nội chiến lâu ngày và giải quyết một số mâu thuẫn cũ vốn dĩ làm vấn đề thêm phức tạp.
Giấc mộng của Nguyễn Nhạc là làm vua một cõi, có riêng một triều đình ở Qui Nhơn mà người ngoại quốc gọi là nước Chàm, xem như hậu thân của vương quốc Chiêm Thành. Anh em Tây Sơn cũng đáp ứng đúng cái ước vọng của những người mong mỏi khôi phục lại một đế quốc đã mất nên triều đình mà Nguyễn Nhạc thành lập cũng khác hẳn vương quyền của chúa Nguyễn trước đây, theo những người Âu Châu chứng kiến và miêu tả thì là một dạng tù trưởng lớn, đứng đầu nhiều bộ lạc nhỏ.[6]
Ngay khi đến kinh đô Thăng Long, Nguyễn Nhạc vẫn xác định chủ trương xây dựng một đất Bắc độc lập, dưới quyền cai trị của nhà Lê:
Sau đó vài ngày, Văn Nhạc sai người xin với nhà vua (Chiêu Thống) cùng nhau hội kiến. Nhà vua xin cắt đất để khao quân. Văn Nhạc nói: “Tôi tức giận về nỗi họ Trịnh uy hiếp ức chế, nên đứng ra làm việc tôn phò. Nếu đất đai không phải của nhà Lê, thì một tấc tôi cũng không để, nhưng nếu là đất đai của nhà Lê, thì một tấc tôi cũng không lấy”. Lại ước hẹn đời đời làm láng giềng, giao hiếu với nhau. Nhà vua tin là phải, xin Văn Nhạc ở lại ít lâu để giúp đỡ, Văn Nhạc giả vờ nhận lời, sai Hữu Chỉnh chọn ngày lành cử hành đủ nghi lễ bái yết Thái Miếu.[7]
Ngược lại, Nguyễn Huệ lại có tham vọng thay thế chúa Trịnh làm một thứ “tướng quốc” và ông rất bằng lòng với việc vua Lê nhận ông làm phò mã.[8] Việc khẳng định rằng hai nước chỉ có tương quan ngoại giao mà không có liên hệ chính trị đã cắt đứt mọi tính toán của Nguyễn Huệ và khi hai anh em cùng về nam ắt hẳn đã xảy ra nhiều tranh chấp mãnh liệt về cả đường lối chính trị lẫn việc phân chia chiến lợi phẩm.
1.2. Bắc Nam giao ước
Vua Hiển Tông gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ có kèm theo những điều kiện gì chúng ta không biết rõ nhưng trong lá thư trần tình của Lê Duy Cẩn [ông hoàng Tư] trình lên nhà Thanh về nguyên nhân Nguyễn Huệ ra Bắc có một số chi tiết đáng chú ý:
– Vua Hiển Tông cắt đất Nghệ An trở vào cho Nguyễn Huệ để “khao thưởng công lao”, đền ơn đã đem quân ra diệt được họ Trịnh.
– Việc trả công đó cũng kèm theo việc gả công chúa cho Nguyễn Huệ.
Việc xác định cắt Nghệ An cho Tây Sơn trong tờ biểu của Lê Duy Cẩn cho thấy đây là đầu mối nẩy sinh những mâu thuẫn mà cả hai bên đều cho rằng mình bị bội ước.
Thành thử, khi Nguyễn Nhạc ra Bắc công khai nói rằng “đất của nhà Lê một tấc cũng không lấy”, ông muốn xóa bỏ những giao ước với Nguyễn Huệ trước đây. Chính vì hai bất đồng [mà Nguyễn Nhạc ép em mình phải thi hành không thể giải quyết được] 1/ giao tài sản lấy được của họ Trịnh và 2/ không nhận đất Nghệ An của nhà Lê đã đưa tới xung đột giữa hai anh em. Chỉ có những mâu thuẫn cực lớn mới đưa tới việc hai anh em một mất một còn trong một xung đột tưởng như “đồng qui ư tận”.
Ðối với Bắc Hà, Nguyễn Hữu Chỉnh, trước đây được coi như có công mượn sức người ngoài để trừ quyền thần họ Trịnh, nay bỗng thành một loại “cõng rắn cắn gà nhà”. Tình thế khiến cho ông rơi vào tình trạng bất ổn nên khi nghe tin anh em Tây Sơn không còn ở Thăng Long nữa vội hốt hoảng chạy theo. Khi đuổi kịp quân Tây Sơn, anh em Nguyễn Nhạc cho Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại Nghệ An với Nguyễn Duệ.[9] Việc này cũng cho ta thấy nếu Chỉnh có thành ý tôn phò thì cũng có thể ở lại Thăng Long trung hưng cơ nghiệp cho vua Lê, tuy không được hoàn toàn như cũ nhưng cũng cởi được cái ách vừa có vua lại có chúa. Cũng vì Chỉnh chạy theo nên Nguyễn Huệ cực chẳng đã phải thu nhận và giao cho cai quản vùng đất địa đầu mới được nhà Lê cắt cho.
Nghệ An là một vị trí chiến lược quan trọng Nguyễn Huệ vẫn định dùng để xây dựng kinh đô, coi như cơ nghiệp gốc của nhà mình. Theo những tài liệu mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn tìm thấy, ngay từ những ngày đầu tiên Nguyễn Huệ đã liên lạc với một ẩn sĩ ở đây là Nguyễn Thiếp để mưu tính chuyện đó nhưng gặp khó khăn vì phần đông các nhà nho vẫn mong rằng một ngày nào đó khu vực Nghệ Tĩnh sẽ trở lại là lãnh thổ của nhà Lê. Tâm lý đó thể hiện phần nào trong lời lẽ của Nguyễn Thiếp trả lời Bình Vương và vẫn dùng niên hiệu Cảnh Hưng hay Chiêu Thống chứ chưa dùng niên hiệu Thái Ðức mặc dù đất Nghệ Tĩnh nay đã là của Tây Sơn.[10] Trong tình hình rối ren, dư đảng họ Trịnh lại nổi dậy nên vua Lê cho vời Nguyễn Hữu Chỉnh ra bắc để phò tá.
Về phần vua Chiêu Thống, việc giao cho Tây Sơn từ Nghệ An đổ vào là một mất mát lớn nên ông đã lấy cớ rằng Thanh Nghệ là đất tổ để sai Trần Công Xán vào Phú Xuân xin chuộc lại. Ðặt vấn đề chuộc đất cũng cho thấy vua Lê Chiêu Thống không bằng lòng với việc phải cắt Nghệ An cho Tây Sơn nhưng vì là lời hứa của tiên đế nên không có lý do để tranh chấp và đành phải thông qua thương thảo để mua lại. Cũng vì thế, Lê Duy Cẩn cũng xác định Lê Duy Kỳ đã “bội cát địa chi ước”, lại cấu kết với Nguyễn Hữu Chỉnh gây hấn ở Bắc Hà nên Nguyễn Huệ mới phải đem quân quay lại đánh dẹp.[11]
1.3. Mâu thuẫn Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ
Trong thế mất còn, năm Ðinh Mùi (1787) Nguyễn Huệ phải động binh đánh Nguyễn Nhạc. Ðại Nam Liệt Truyện (DNLT) Chính Biên viết:
Nhạc đã đắc chí, ngày càng dâm ô, bạo ngược, giết Nguyễn Thung, lại thông dâm với vợ Huệ, người đều chê là xấu. Việc đi xâm lấn miền Bắc, của báu ở phủ chúa Trịnh, về cả tay Huệ, Nhạc đòi không cho. Huệ muốn lấy cả đất Quảng Nam, Nhạc cũng không cho, mới thành ra cừu thù hiềm khích nhau. Huệ bèn truyền hịch kể tội ác của Nhạc, đến nỗi bảo Nhạc là giống sài lang chó lợn. Hịch văn có câu nói rằng: “Tội không gì lớn là giết vua, sao có thể một sớm kinh (khinh) suất can không nghe thì đổi ngôi, thực quan hệ đến sự yên nguy muôn đời”.[12]
Cũng theo DNLT, Nguyễn Huệ đem quân vào vây Qui Nhơn cả mấy tháng, đắp núi đất để đặt súng lớn bắn vào thành, đạn to như cái đấu khiến Nguyễn Nhạc phải khóc mà nói với Nguyễn Huệ:
– Nồi da xáo thịt, lòng em sao nỡ thế![13]
Về việc này, nhiều giáo sĩ có mặt tại Việt Nam cũng chép, chẳng hạn như Doussin ở Thuận Hoá viết như sau:
Nhạc có hai em. Một em đã đi Kẻ Chợ mà không nói gì với anh, đã muốn làm vua phần đất nầy. Y để Nhạc trở về Quí-phủ (Quy Nhơn; Nhạc đã theo Huệ ra Thăng-long rồi cùng về Phú-xuân) là nơi y cư ngụ; rồi liền sau đó bảo toàn dân suy tôn mình làm Ðức Chúa. Nhạc được tin, không vừa ý, hăm doạ em, nhưng không những người em quyết không lui, mà còn cử một đạo quân sáu vạn, đem vào đánh Nhạc ở Quí-phủ. Nó vào đó từ ngày lễ Tro (trước lễ Phục-sinh thuộc đạo Cơ-đốc). Chúng nó đã đánh nhau hai lần. Người ta đồn rằng Ðức Chúa đã mất nửa quân rồi. Thế tỏ rằng y bị bối-rối, mà y bắt buộc ai cũng phải đi đánh … Thật là khổ! Dân bị lầm than đang mong đợi Chúa Nguyễn hơn khi nào cả. Thư-khố Bộ Truyền Giáo Hải Ngoại [Mission Étrangère Paris] 746.[14]
Sau đó anh em giảng hòa. Tranh chấp tuy chấm dứt nhưng Nguyễn Nhạc phải nhường đất Quảng Nam cho Nguyễn Huệ, chỉ còn làm chủ từ Quảng Ngãi đổ vào khiến thế lực suy yếu hẳn. Việc Nguyễn Huệ đem quân tấn công vào Qui Nhơn rồi sau đó hai anh em cầm chân nhau nên Nguyễn Nhạc không còn quan tâm tới phương nam, tạo khoảng trống cho Nguyễn Ánh từ Xiêm La về chiếm lại đất Gia Ðịnh.[15]
Ðây là giai đoạn mà nước ta chia làm bốn phần, gần như bốn nước riêng biệt, miền bắc gọi là An Nam như sắc phong của Trung Hoa (mặc dù ta vẫn tự xưng là Ðại Việt), miền Trung gọi là Ðàng Trong, hay nước Chàm như người Âu Châu đặt tên, (còn nhà Thanh thì gọi là nước Quảng Nam) bao gồm một nửa của Nguyễn Nhạc, một nửa của Nguyễn Huệ, còn miền Nam có tên là Ðồng Nai hay Gia Ðịnh (một phần thuộc Tây Sơn, một phần thuộc Nguyễn Ánh).
Cũng vì tình hình căng thẳng như thế, Nguyễn Huệ không thể đích thân ra bắc giải quyết những vấn đề nội trị và tin tức về việc anh em Nguyễn Nhạc bất hòa khiến nhà Thanh tin tưởng rằng chỉ cần có cớ đem quân sang nước ta là sẽ đạt thắng lợi. Thế lưỡng đầu thọ địch của Nguyễn Huệ cũng khiến cho ông phải áp dụng chiến thuật thần tốc, bí mật, hư hư thực thực mà sau này người ta hay tô điểm cho thêm phần huyền hoặc.
2. TƯƠNG TRANH LÊ – TÂY SƠN
2.1. Tranh đoạt quyền hành
Trong suốt hai trăm năm Bắc Hà có vua lại có chúa, đa số sĩ phu dân dã chỉ biết có chúa mà không biết tới vua nên dẫu khi được trao quyền bính vào tận tay, vua Lê cũng không biết xoay trở ra sao. Một số đông quan lại trước nay chỉ biết phục tòng phủ chúa, trong cơn bối rối lại nghĩ ngay đến việc đi tìm con cháu họ Trịnh để tôn phù.
Ðến khi con cháu họ Trịnh đánh lẫn nhau, vua Lê bị áp bức quá lại phải vời Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An ra. Nguyễn Hữu Chỉnh lúc đó cũng một mình một cõi Thanh Nghệ nhưng đang bị Tây Sơn kiềm tỏa nên manh nha tách ra để thành một lực lượng độc lập. Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn vô hình trung đã đẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại. Thanh thế lừng lẫy của Bằng Quận Công Nguyễn Hữu Chỉnh trở thành một mối lo cho Nguyễn Huệ khiến ông phải sai Vũ Văn Nhậm ra bắt, một hành vi coi như công khai xác định quyền bảo hộ đất Bắc.
Dưới nhãn quan của vua Chiêu Thống và nho sĩ miền Bắc, việc quân Tây Sơn tấn công ra bắc lần thứ hai là một xâm phạm chủ quyền chứ không còn là hành vi hộ giá của một ông rể họ. Trước đây khi Nguyễn Huệ ra Bắc tỏ ý tôn Lê được người Bắc Hà ví như “Tề Hoàn tôn Chu” [齊桓尊周] để thu phục chư hầu thì lần này lại bị gọi là “Thạch Lặc, Lưu Thông” [石勒劉聰] là những kẻ soán nghịch.
Khi Nguyễn Hữu Chỉnh đại bại, vua Lê bỏ chạy sang Kinh Bắc (Bắc Ninh), sai bọn Lê Quýnh đem tông thất trong đó có cả Hoàng thái hậu, Hoàng phi, Hoàng tử chạy lên Cao Bằng nương náu nơi những thổ quan còn trung thành với nhà Lê, bản thân nhà vua chạy sang Yên Thế. Một người rất thân cận với vua Lê lúc đó là Bùi Dương Lịch đã kể lại như sau:
… Ngày 25 tháng Một (năm Ðinh Mùi) [2-1-1788] vua sai Nguyễn Chỉnh đem đại quân đến chống cự ở sông Sinh Quyết.
Ngày 30 [7-1-1788], Nhậm [Vũ Văn Nhậm] sai người ban đêm lặn xuống sông lẻn vào chỗ quân thủy của Chỉnh đóng, dùng thừng chão buộc thuyền kéo về bờ nam, quân Chỉnh tan vỡ. Nhậm thắng trận liên tiếp kéo quân đến sát thành Thăng Long. Vua nghe tin báo có ý muốn về phía tây ngầm theo đường thượng lưu rút về Thanh Hoa.
Nửa đêm Chỉnh từ sông Sinh Quyết trở về, vua sai vời mấy lần, Chỉnh không vào mà ủy cho Tham tri chính sự Nguyễn Như Khuê [tiến sĩ, anh rể Chỉnh] vào tâu xin vua chạy lên phía bắc và nói: Nguyễn Cảnh Thước ở Kinh Bắc, thế lực có thể trông cậy được.
Vua nghe theo, đợi trời sáng, vua ngự ra điện Vạn Thọ, bọn thị vệ dần dần bỏ trốn, vua triệu các quan sảnh đường để xét hỏi, thì họ đã ngầm trốn đi từ trước, không còn một người nào trực cả. Bọn nội thị ai về nhà nấy thu xếp hành lý. Trong điện chỉ còn Hoàng thân thứ hai, cai quản vệ Hổ bôn Ðạt quận hầu [Lê Duy Ðạt], người vừa mới được tiến triều là Nguyễn Khải người Hương Cần, huyện Kỳ Hoa, người họ ngoại là Tích Xuyên hầu cùng hoàng giáp Bùi Dương Lịch bưng khăn đứng hầu mà thôi.
Xem như thế tình hình Thăng Long hết sức bi thảm, vua Chiêu Thống không còn có thể trông cậy vào ai được nữa.
Khi sắp đi, vua trước hết đến nhà tẩm miếu tiên đế bái khóc. Bọn thị vệ lại lén bỏ đi. Vua tôi chỉ đưa mắt nhìn nhau, không biết làm thế nào. Bùi Dương Lịch đến trước vua tâu rằng: “Nay Chỉnh dẫu thua trận rút lui, nhưng thủ hạ của Chỉnh còn nhiều, lòng người còn biết sợ Chỉnh, xin nhà vua truyền dụ đi đến nhà Chỉnh, sai Chỉnh đi theo hộ giá, chắc được, như thế có sự ràng buộc”.
Vua cho là phải …
Thế nhưng Nguyễn Hữu Chỉnh cũng không làm được gì hơn nên khi đến được Kinh Bắc thì Nguyễn Cảnh Thước lại có manh tâm phản trắc, cướp bóc, ngăn trở không cho qua sông. Khi qua được tới vùng Yên Thế, Lạng Sơn thì vì binh lực ít ỏi vua Lê phải dựa vào một nhóm thổ hào ô hợp nên cũng chẳng đến đâu.[16]
Tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Hòa đem binh đuổi đánh, bắt được Nguyễn Hữu Chỉnh đem về Thăng Long. Vua Chiêu Thống chạy thoát. Cha con Nguyễn Hữu Chỉnh, kẻ bị giết, người bị bêu đầu.
Nhiều chi tiết cho ta thấy trong tình trạng rối ren, tông thất nhà Lê cũng có nhiều phe phái, sĩ phu và quan lại cũng nghiêng qua ngả lại, không đồng nhất. Những người còn một số quyền hành tại địa phương thì dĩ nhiên chọn con đường “cần vương” mà chúng ta thấy nổi lên khắp nơi.[17] Những văn quan thì cố tìm cách trốn tránh mặc dù cũng có một số người chạy ra cộng tác với tân triều đóng vai trung gian chiêu dụ người khác nhưng không hoàn toàn thành công.
Khi nhận được tin Vũ Văn Nhậm có ý chuyên quyền, Nguyễn Huệ lập tức kéo quân từ Phú Xuân ra bắt Nhậm giết đi rồi ủy thác cho Ngô Văn Sở và các tướng lĩnh ở lại trấn thủ Thăng Long, sau đó dẫn binh quay về.
Vũ Văn Nhậm là con rể của Nguyễn Nhạc, trước đây vốn dĩ là một tì tướng thân cận của Nguyễn Huệ nhưng từ khi hai anh em bất hòa, vị thế của ông này trở nên nguy hiểm. Chúng ta không lấy làm lạ khi ông trừ được Nguyễn Hữu Chỉnh rồi, thay vì hỏi ý kiến Nguyễn Huệ để xin giải pháp, Vũ Văn Nhậm lại tự ý đưa Sùng Nhượng Công Lê Duy Cẩn (tức ông Hoàng Tư, chú của Lê Duy Kỳ) lên làm giám quốc, một hành vi “kỳ đà cản mũi” những toan tính của Nguyễn Huệ. Giết Vũ Văn Nhậm cũng cắt đứt những liên hệ (nếu có) sau cùng giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ.
Tuy nhiên việc Lê Duy Kỳ biến mất khiến cho Nguyễn Huệ lúng túng, dự tính tôn ông lên làm vua lại không được người Bắc Hà tán thành nên sau cùng ông đành chấp nhận giải pháp cũ, bằng lòng để Lê Duy Cẩn (hay Cận) làm giám quốc, một chức vụ có tính thay mặt vua Lê để điều hành chính sự. Mặt khác ông ra lệnh cho Ngô Văn Sở tìm cách tiêu diệt dư đảng nhà Lê, truy sát thân nhân của Lê Duy Kỳ để trừ hậu hoạn. Chính vì thế mà thái hậu và một số tông thất phải liều mạng vượt sông chạy sang Long Châu.
Nói đến các thế lực tại miền Bắc có điều kiện đối kháng với nhà Tây Sơn, chúng ta có thể nhắc đến những lực lượng phù Lê, dư đảng họ Trịnh và những thổ hào phần lớn sống tại vùng trung du sát với núi non.[18] Tại Yên Thế có Dương Ðình Tuấn, vốn dĩ là một tay “anh chị” ở Lạng Giang, nay hưởng ứng Cần Vương được phong làm Bình Khấu tướng quân. Trần Quang Châu, Trần Ðĩnh, Hoàng Xuân Tú ở Chí Linh. Trần Quang Châu được phong là Ðịnh Vũ Hầu. Ở Thanh Hoa[19] có con cháu nhà Lê là Lê Duy Trọng, Lê Duy Phác. Hoàng đệ Lê Duy Chi (em vua Chiêu Thống) thì dấy lên ở Tuyên Quang, Thái Nguyên. Ngoài ra còn vô số các nhóm nhỏ mỗi người làm chủ một cõi.
Quân Tây Sơn thì vẫn còn ở tình trạng trấn giữ, chưa hình thành một bộ máy hành chánh đến mọi địa phương. Ðại quân chỉ tập trung ở một số vị trí huyết mạch chứ không trải mỏng đến từng thôn xóm. Mặc dù Nguyễn Huệ cố tuyển mộ gấp rút một đoàn quân địa phương để bổ xung lực lượng, đa số quân trú đóng ở miền Bắc vẫn là quân đem từ miền Nam ra mà khác biệt về tiếng nói, phong tục, cách sinh hoạt chưa có thể một sớm một chiều khắc phục được.[20] Ngoài ra, chúng ta cũng phải kể đến thành phần Hoa kiều sinh sống trên đất nước Việt Nam, phần lớn là giới con buôn vào ra theo đường sông, cư ngụ dọc theo các trục lộ giao thông, tương đối nắm vững tình hình luôn luôn sẵn sàng nhũng nhiễu khi có cơ hội.
2.2. Hoàng tộc xuất bôn
Khi quân Tây Sơn truy nã Nguyễn Hữu Chỉnh, tông thất nhà Lê chạy tứ tán khắp nơi. Theo tài liệu của nhà Thanh còn trong văn khố, vào tháng Chạp năm Càn Long 52 (Ðinh Mùi), cựu thần nhà Lê là Ðịch Quận Công Hoàng Ích Hiểu (迪郡公黃益曉), Hoan Trung Hầu Phạm Ðình Quyền (懽忠侯范廷權) bảo hộ gia quyến vua Lê, nam nữ cả thảy hơn 200 người chạy lên Lạng Sơn nhưng bị thổ mục ở đó là Quyển Trâm (卷簪) toan bắt giữ nên cả bọn phải chạy đến xã Bác Sơn, huyện Võ Nhai nương náu. Ðốc trấn Cao Bằng là Ðồng Bình chương sự Tô Phái Hầu Nguyễn Huy Túc (阮輝宿) nghe tin vội chạy đến nghinh đón, có Trường Phái Hầu Lê Quýnh (長派侯黎囧),[21] anh vợ vua Lê[22] là Nguyễn Quốc Ðống (阮國棟) và Mai Trung Hầu Nguyễn Ðình Mai (梅忠侯阮廷枚) đi theo bảo hộ.
Sau một thời gian, đoàn người lưu vong lại bị các phiên mục ở Cao Bằng như Bế Nguyễn Trù (閉阮儔), Bế Nguyễn Sĩ (閉阮仕) cùng tướng Tây Sơn là Hoán Nghĩa Hầu Trần Danh Bính (煥義侯陳名炳) đem quân tới Bác Sơn truy nã. Nguyễn Huy Túc dẫn cả bọn bỏ chạy, ngày mồng 4 tháng Năm năm Mậu Thân [7-6-1788] thì tới được Bác Niệm (博 淰) giáp với tỉnh Quảng Tây nhà Thanh. Ở vùng này không có cửa ải nào đi qua Trung Hoa, lại bị Hoán Nghĩa Hầu dẫn 300 quân đuổi tới rất gắt.
Ngày 12 tháng Năm [15-6-1788], lúc giờ Dậu [khoảng 8 giờ tối], cả bọn bầy tôi quyến thuộc nhà Lê chạy được đến bên ngoài ải Ðẩu Áo (斗奧). Ðẩu Áo cách Long Châu 120 dặm,[23] phía đông bắc Thuỷ Khẩu quan, cạnh một khe suối làm biên giới chia cắt nước ta với Trung Hoa.[24]
Nguyễn Huy Túc khai với Tôn Sĩ Nghị rằng di thần quyến thuộc nhà Lê ở bên kia sông bị truy binh nên bọn Nguyễn Huy Túc phải cõng đám đàn bà trẻ con lội qua con rạch. Những người không qua được đều bị quân Tây Sơn giết chết. Ðám tòng vong nhà Lê sau khi qua được con suối thì lên được đỉnh núi, do thổ dân đưa đường phải đi hái rễ cây, ăn quả rừng cho đỡ đói sống tạm mấy ngày. Khi tin đưa tới quan quân nhà Thanh thì thông phán Trần Tùng tới gặp.
… Bấy giò, Thái hậu với Nguyên phi, Nguyên tử đều ở Thái nguyên. Quýnh vâng mệnh đi lên Bắc để hộ vệ Thái hậu. Tháng Tư, đến Thái nguyên, thấy binh ít thế gấp, bèn đưa Thái hậu đi trấn Mục mã (nguyên lầm ra Mục dã) thuộc Cao bằng.
Tháng Năm, quân Tây sơn thình lình tới, Phiên mục Hoàng Ích Hiểu theo lời dặn của đốc đồng Nguyễn Huy Túc lấy thuyền buôn đưa Quốc mẫu (Thái hậu) thuận dòng đến cửa Thuỷ khẩu (cửa sông Bằng vào biên giới Long châu), tạm trú trên một gò nhỏ ở giữa sông thuộc thôn Bến xã Phất mê.
Ngày mồng 9 [12-6-1788], quân Tây sơn đến đông. Quýnh và Ích Hiểu chia nhau hai ngả mà ngăn chống. Ðốc đồng Nguyễn Huy Túc, Phượng thể hầu Nguyễn Quốc Ðống, Trường thu lịnh Phạm Ðình Quyền cùng nhau đưa Thái hậu qua sông, tới làng Ðẩu áo mà vào đất Thanh. Chiều tối, Quýnh và Ích Hiểu giữ gò nhỏ ở giữa sông Phất mê. Quân Tây sơn vây phía Tây nam. Quân giữ ải nội địa ngăn phía Ðông bắc. Lui tới đều hết đường, chỉ còn có thể đánh đến chết mà thôi. May tối đến, mưa gió to. Trong đêm tối, nhân chớp sáng mà lội qua sông. Bắt đầu vào đất Thanh tại làng Ðẩu áo trong núi Ðồ sơn.
Người nhà còn bảy đứa. Sáng dậy thấy Thái hậu với Nguyên phi, Nguyên tử, các tùng thần đều ở trong động núi. Lương hết. Tìm được vài bao ngô đem tiến. Còn hơn sáu mươi người đều lấy rễ tươi bổ cốt chỉ đập nát và quả trong rừng mà ăn cho đỡ đói.[25]
Trong “Tiêu Cung Tuẫn Tiết Hành” Nguyễn Huy Túc thuật về cuộc đời của hoàng phi Nguyễn Thị Kim cũng miêu tả như sau:
Tới Mục Mã vội vàng nghỉ lại,
Thuyền vua giong lên ải Phất Mê.
Ðịch nghe tin kíp đuổi kề,
Tên bay đạn lạc bốn bề rối ren.
Bè một mảng qua phen kinh hãi,
Bao hiểm nghèo rồi lại bình yên,
Vịn cây dẫm đá trèo lên,
Mưa mù lam chướng đầy trên một trời.
Dân sở tại chào mời đưa dắt,
Gập ghềnh theo lối tắt đường ngang.
Hết đường tới núi vào hang,
Giếng thơm trong suốt, nước đang dạt dào …[26]
Qua được đất Trung Hoa, thân quyến và bầy tôi nhà Lê chỉ còn 62 người, trong đó có thái hậu [mẹ Lê Duy Kỳ] là Nguyễn (thị) Ngọc Tố (阮玉素) và vương phi [vợ Lê Duy Kỳ] là Nguyễn (thị) Ngọc Ðoan (阮玉端),[27] vương tử [con Lê Duy Kỳ] là Lê Duy Thuyên (黎維詮).[28] So sánh với số lượng hơn 200 người tông thất nhà Lê chạy lên Cao Bằng ta thấy khoảng hơn 150 người đã bị giết hay mất tích.[29] Tất cả được đưa vào cho nghỉ tạm ở Long Châu. Nguyễn Huy Túc lúc đó mới đem mọi việc của nước Nam loạn lạc thế nào, Thăng Long bị mất ra sao trình lên cho quan nhà Thanh như sau:[30]
… Nguyên ngày mồng 2 tháng Chạp [8-1-1788] năm ngoái, thổ tù đất Quảng Nam Nguyễn Nhạc là bên ngoại của nước chúng tôi, còn có tên là Văn Bình (ở đây nhầm Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc), năm ngụy Thái Ðức thứ 11, bọn chúng vốn không phải họ Nguyễn, cũng không phải họ Nguyễn phụ chính (tức chúa Nguyễn trong Nam), em của y là Nguyễn Huệ, ngụy xưng là Thượng Công, sai ngụy tiết chế là Nguyễn Nhậm (tức Vũ Văn Nhậm) đem mấy vạn quân thẳng đến kinh thành, quốc vương nước tôi lãnh binh các đạo chống giữ đánh thắng được địch mấy lần.
Tháng Ba năm nay, Nguyễn Huệ đem quân đến tiếp viện, quốc vương phải lánh nạn ở hạ lộ Sơn Nam. Bọn chúng tôi đưa vương mẫu, vương tử, vương phi đến trốn tránh ở Na Lữ, đất Cao Bằng.
Ngày mồng chín tháng Năm [12-6-1788], man binh bất ngờ đến cướp trại, truy sát rất gấp, không nơi chạy trốn, bọn chúng tôi phụng mệnh mẹ của tự tôn (tức Lê Duy Kỳ) chạy đến quí hạt. Trộm nghĩ vua Lê nước tôi nhiều đời phụng sự thiên triều, vẫn mong được thánh thiên tử chăm lo dạy dỗ. Nay gặp phải biến cố này nên cố bỏ đất mà chạy đến đây, mong được quí đài chiếu cố, trình lên thượng hiến, tâu lên mọi việc, cũng mong trời che đất chở không gì là không dung chứa,đoái hoài đến cả kẻ ở phương nam là mẹ con của quốc vương chúng tôi Lê Duy Kỳđều được thương xót, có nơi nương tựa, sống nốt tháng ngày, đợi khi quốc vương nhờ uy đức thiên triều lại trở vềđược kinh đô, khi đó đón trở về nước, dương danh chí nhân thịnh đức của thiên hoàng đế thì cũng là do quí liệt đài thương xót mà ban cho.
Nay trình lên.(NDC dịch)
Lá thư viết ngày 12 tháng Năm [15-6-1788] nhưng đến đầu tháng Sáu năm Càn Long thứ 53 tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh[31] mới nghe trình lên rằng ở phủ Thái Bình có gia quyến vua Lê nước Nam chạy sang lánh nạn. Ðề đốc Quảng Tây là Tam Ðức[32] (三德) lúc đó đang ở tại Tả Giang lo việc di chuyển quân sĩ vừa thắng trận trở về (chiến tranh dẹp loạn nhóm Thiên Ðịa Hội Lâm Sảng Văn (林爽文) ở Ðài Loan) nên ngay ngày mồng 3 [6-7-1788] đã tới ngay Long Châu để xem xét tình hình.
Long Châu là một thị trấn nhỏ ở sát biên giới, khí hậu oi bức, ma thiêng nước độc, vừa ngại gia quyến nhà Lê không hợp thuỷ thổ, lại sợ quân Tây Sơn có thể tấn công qua bắt lại nên Tam Ðức liền thương nghị với tổng binh Tả Giang là Thượng Duy Thăng, đưa cả bọn lên Nam Ninh (thủ phủ của tỉnh Quảng Tây). Tổng Ðốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị vội vàng đem tình hình tâu lên vua Càn Long, một mặt ra lệnh cho Thượng Duy Thăng đem quân đến Long Châu phòng ngự.
Thượng Duy Thăng liền phái 1000 quân đến phối hợp với quân sĩ trú đóng ở Long Châu, chia nhau canh giữ các nơi. Ngày mồng 4 tháng Sáu [7-7-1788], Tôn Sĩ Nghị từ Triều Châu lên đường sang Long Châu để quan sát tình hình, sợ quân chưa đủ sức nên bí mật sai Tam Ðức điều thêm mấy ngàn binh sĩ sẵn sàng tiếp ứng nếu quân Nam tràn qua. Biên giới tỉnh Quảng Tây tiếp giáp với nước ta có ba cửa, từ trên xuống dưới là Thuỷ Khẩu Quan (水口), Bình Nhi Quan (平而) và Trấn Nam Quan (鎮南). Trấn Nam Quan – mà ta gọi là Nam Quan – là cửa chính, luôn luôn có trọng binh trấn giữ. Sứ thần nước ta mỗi khi sang Tàu đi theo con đường này. Hai cửa ải kia nhỏ hơn, chỉ là đường cho dân chúng hai nước qua lại. Tôn Sĩ Nghị sợ thất thố nên lại sai Tả Giang Trấn điều thêm 300 quân, chia ra mỗi cửa ải đặt thêm 100 người canh gác ngày đêm.
KDANKL Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược
CM Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục
DNLT Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện
HLNTC Hoàng Lê Nhất Thống Chí
TSC Thanh Sử Cảo
CCBVV Cố Cung Bác Vật Viện (Ðài Loan)
YHVH Việt Nam Hán Văn Yên Hành Văn Hiến Tập Thành
TTVC Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu
QNNC Càn Long Trọng Yếu Chiến Tranh Chi Quân Nhu Nghiên Cứu
BAVH Bulletin des Amis du Vieux Huế
BEFEO Bulletin de l’École Française d’Extrême-Orient
TSSÐ Tập San Sử Ðịa [Saigon]
NP Nam Phong Tạp Chí
GHI CHÚ
Ðể phân biệt Dương Lịch và Âm Lịch, những ngày tháng theo Âm Lịch chúng tôi dùng tháng Giêng, Hai …. Một, Chạp. Tháng 1, 2, 3 …11, 12 dành cho ngày tháng Dương Lịch.
[1] Ðặng Phương Nghi, “Triều đại vua Quang Trung dưới mắt các nhà truyền giáo Tây phương”. Một Nhóm Học Giả, Một Vài Sử Liệu về Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ (1992) tr. 234
[2] Li Tana, Nguyễn Cochinchina: Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries (1998) tr. 171
[3] Cristophoro Borri, Tường Trình Về Khu Truyền Giáo Ðàng Trong 1631 Hồng Nhuệ (dịch), tr. 50
[4] John Crawfurd, một nhà quí tộc Anh trong chuyến du hành tới Việt Nam năm 1822 (thời Minh Mạng) đã nhận định rằng gần như toàn bộ những thành phố quan trọng của Việt Nam đều nằm dọc theo bờ biển ở Ðàng Trong trong đó gồm có Hà Tiên, Saigon, Nha Trang, Phú Yên, Qui Nhơn, Hội An (Faifo), Ðà Nẵng (Tourane), Huế. John Crawfurd, Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochin China (1967) tr. 510.
[5] He was then pleased to disclose some of his future designs to me. They were no less than to subdue the Kingdom of Cambodia with the whole penisula as far as Siam, and the Provinces belonging to Cochin China to the north now in the hands of the Tonquinese. “Charles Chapman’s narrative of his mission to Vietnam”. Alastair Lamb, The Mandarin Road to Old Hue. (1970) tr. 100. Đây là nguyên văn lời tường thuật của Chapman, một thương gia người Anh trong kỳ gặp gỡ với vua Thái Đức [nguyên văn Ignaac tức ông Nhạc] ở Qui Nhơn năm 1778. Nguyên bản tài liệu này còn lưu trữ tại India Office Library, London trong China Factory Records series, vol. 18.
[6] Theo một bức vẽ của người Âu Châu thời đó, “vua xứ Ðàng Trong” cưỡi voi, cởi trần có lính theo hầu trông hoàn toàn là một tù trưởng thiểu số, không phải nghi vệ quốc vương nước Nam.
[7] Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Khâm định Việt sử thông giám cương mục II (bản dịch Viện Sử Học) (1998) [viết tắt là CM II] q. XLVI, tr. 793
[8] CM II,– XLVI, (1998) tr. 790 chép về việc Nguyễn Huệ ra Bắc vào yết kiến vua Lê Hiển Tông như sau:
Trước đây họ Trịnh chuyên giữ chính quyền trong nước, một người dân, một tấc đất đều không do quyền triều đình. Nay Văn Huệ vào triều yết, bèn xin ngày cử hành nghi lễ đại triều, dâng sổ sách binh và dân để tỏ rõ ý nghĩa nhà vua nhất thống và Nguyễn Huệ tôn phò. Ðến nay, nhà vua cố gượng dậy, ra ngự điện Kính Thiên nhận lễ, rồi ban hành chiếu thư về việc nhất thống để bá cáo cho trong kinh, ngoài trấn biết. Lại sách phong Văn Huệ làm Nguyên Soái Phù Chính Dực Vận Uy Quốc Công. Sau khi Văn Huệ nhận sách phong, bèn nói riêng với Hữu Chỉnh rằng: “Ta cầm vài vạn quân, đánh một trận mà bình được Bắc Hà, một tấc đất, một người dân, đều là của ta, nếu muốn xưng đế hay xưng vương việc gì mà ta không làm được? Còn như sắc mệnh nguyên soái quốc công đối với ta có hơn kém gì? Bầy tôi Bắc Hà lại muốn dùng danh vị hão để lung lạc ta hay sao? Ðừng tưởng ta là người mọi rợ được chức tước ấy bèn lấy làm vinh dự đâu!”. Hữu Chỉnh biết ý Văn Huệ không mãn nguyện, bèn bí mật khuyên nhà vua đem công chúa Ngọc Hân gả cho, Văn Huệ rất bằng lòng.
[9] Theo sử nhà Thanh thì việc anh em Nguyễn Nhạc rút về có thêm một số chi tiết:
…五十二年,維端卒,嗣孫維祁立,阮惠盡取象載珍寶歸廣南,使鄭氏之臣貢整留鎮都城。貢整思扶黎拒阮,乃以王命率兵奪回象五十 …
… ngũ thập nhị niên, Duy Ðoan tốt, tự tôn Duy Kỳ lập, Nguyễn Huệ tận thu tượng tải trân bảo quy Quảng Nam, sử Trịnh thị chi thần Cống Chỉnh lưu trấn đô thành. Cống Chỉnh tư phù Lê cự Nguyễn, nãi dĩ vương mệnh suất binh đoạt hồi tượng ngũ thập …
Năm (Càn Long) thứ 52, Duy Ðoan (tức vua Lê Hiển Tông) chết, tự tôn là Duy Kỳ lên thay, Nguyễn Huệ thu hết châu báu dùng voi chở về Quảng Nam, để bầy tôi họ Trịnh là Cống Chỉnh trấn giữ đô thành. Cống Chỉnh tính chuyện phù Lê chống lại họ Nguyễn nên dùng vương mệnh đem binh đoạt lại năm chục con voi … Thanh Sử Cảo, tập 48 (1996) tr. 14634-5
[10] Xem Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu Tử (1952)
[11] Xem thêm bẩm văn của bọn Tạ Ðình Thực đề ngày 22 tháng Mười, Càn Long 53 [19-11-1788]. Trang Cát Phát (莊吉發), Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu (清高宗十全武 功研究), (1982) tr. 366-7 và bẩm văn của Lê Duy Cẩn ngày 22 tháng Mười, Càn Long 53 [19-11-1788], Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 365-6.
[12] Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Ðại Nam Liệt Truyện (DNLT) tập II (Ngô Hữu Tạo, Ðỗ Mộng Khương dịch) (1997) tr. 531-2
[13] DNLT, tập II, (1997) tr. 532
[14] Hoàng Xuân Hãn, “Thống Nhất Thời Xưa”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn tập II (1998) tr. 1375
[15] Theo lá thư của ông Sérard gửi ông Letondal đề ngày 17 – 7 – 1791 thì vào khoảng tháng 3 năm 1791, khi vợ vua Quang Trung mất, Nguyễn Nhạc đã tưởng lầm là Nguyễn Huệ từ trần nên đem quân ra toan lấy Phú Xuân và phải quay về khi biết em ông còn sống. Ðặng Phương Nghi, “Triều Ðại Quang Trung …”, Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 264
[16] Lê Quí Dật Sử (Phạm Văn Thắm dịch) (1987) tr. 80-2
[17] Hoàng Xuân Hãn, “Phe Chống Ðảng Tây Sơn ở Bắc với tập Lữ Trung Ngâm”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn tập II (1998), tr. 1245-1332
[18] Ðại đa số các địa phương miền Bắc lúc đó đều đã qui thuộc nhà Tây Sơn, chỉ riêng một số vùng như châu Hoan, châu Diễn (tức vùng Thanh Hoá, Nghệ An) và một số trấn Sơn Nam, Sơn Tây, Hải Dương, Kinh Nam, Kinh Bắc, Tuyên Quang, Hưng Hoá … vẫn còn một số thổ hào, hưởng ứng cần vương nổi lên chống lại nhưng lực lượng yếu ớt, không có gì đáng kể. Những tòng vong nhà Lê khai với quan nhà Thanh như sau:
… đất An Nam trước nay có 52 phủ, trong đó 12 phủ là do thổ mục, man tù sinh sống (tức người vùng núi), còn thực quyền là 40 phủ, trong đó đạo Thanh Hoa gồm 4 phủ 15 huyện, đạo Tuyên Quang 3 châu 1 huyện, đạo Hưng Hóa 10 châu 2 huyện là chưa đầu hàng Nguyễn Văn Huệ, ngoài ra An đạo 4 phủ 12 huyện của miền trên cũng chưa hàng, còn miền dưới thì hàng cả rồi. Ðạo Sơn Nam 9 phủ 36 huyện, miền trên cũng đã hàng, miền dưới chưa hàng (?). Ðạo Sơn Tây gồm 5 phủ 24 huyện, miền trên chưa hàng, miền dưới cũng đã hàng. Ðạo Kinh Bắc gồm 4 phủ 20 huyện, miền trên chưa hàng, miền dưới hàng rồi. Ðạo Hải Dương 4 phủ 19 huyện, miền trên đã hàng, miền dưới chưa hàng (?). Ðạo Thái Nguyên 8 huyện, 3 châu, miền trên chưa hàng, miền dưới đã hàng. Ðạo Cao Bằng 1 phủ, 4 châu và Lạng Sơn 1 phủ, 7 châu cũng đã đầu hàng. Nguyễn Văn Huệ muốn xúi bẩy dân chúng bắt giao Lê Duy Kỳ nên đã hứa miễn giảm sưu thuế cho dân trong mười năm. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 346 và tr. 353
[19] lúc này chưa đổi thành Thanh Hoá vì chưa kiêng tên bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng.
[20] Nguyễn Huệ cũng không trải quân lẫn vào các thôn xóm, phần sợ bị tiêu diệt, phần khác vì phương pháp điều binh nếu cần có thể di chuyển thật nhanh. Thành thử quân của ông chỉ đóng ở các đình chùa, miếu mạo … luôn luôn sẵn sàng nhổ trại không xây dựng hệ thống phòng ngự kiên cố.
[21] Chữ Quýnh nguyên có bộ Nhân đứng ở bên trái.
[22] Nguyên văn trong tài liệu của nhà Thanh là thê cữu (妻舅).
[23] Về độ dài đời Thanh cho đến nay những số liệu chính thức tìm được không thống nhất (căn cứ vào những thước mẫu tàng trữ trong Viện Bảo Tàng), 1 thước (xích) thay đổi từ 32 đến 36.7 cm. Theo cách tính của Trung Hoa, 1 lý [里] là 18 dẫn [引], 1 dẫn là 10 xích [尺], tính ra một lý (dặm) ngắn nhất là 576 mét, dài nhất là 660 mét. Như vậy khoảng cách giữa hai địa điểm theo sách vở ghi lại chỉ là ước tính không hoàn toàn chính xác như chúng ta ngày nay.
[24] Theo Lê Quýnh trong Bắc Hành Tùng Ký thì chỗ này có tên là bến Phất Mê. La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II. (1998) tr. 876
[25] Lê Quýnh, “Bắc Hành Tùng Ký”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II (1998) tr. 876-7
[26] Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê Nhất Thống Chí (HLNTC), (2002) tr. 425-26
[27] Tên thực là Nguyễn thị Kim. GS Hoàng Xuân Hãn viết là Nguyễn thị Ngọc Thuỵ, theo tờ trình của Nguyễn Huy Túc thì là Ngọc Ðoan. Hai chữ Thuỵ (瑞) và Ðoan (端) rất giống nhau. Tờ trình nay còn nguyên bản chắc phải đúng hơn.
[28] Cung Trung Ðáng (The Palace Records) Cố Cung Bác Vật Viện (National Palace Museum) Ðài Bắc: Tờ trình của Tôn Vĩnh Thanh đề ngày 1 tháng Sáu năm Càn Long 53 [4-7-1788], tờ trình của Tôn Sĩ Nghị ngày mồng 4 tháng Sáu năm Càn Long 53 [7-7-1788], tờ trình của Tôn Vĩnh Thanh ngày 13 tháng Sáu [16-7-1788]. Trang Cát Phát, TTVC (1982). tr. 359.
[29] Con số có thể lớn hơn nữa vì hơn 200 là tông thất nhà Lê lúc ban đầu, về sau có thêm bọn Nguyễn Huy Túc, Lê Quýnh … không biết bao nhiêu. Tính theo tỉ lệ số người bị Tây Sơn bắt giết là đa số, những người còn sống sót chỉ là thành phần quan trọng nhất được bảo vệ mà thôi.
[30] Quân Cơ Xứ, CCBVV, bản sao tờ trình của di mục nước An Nam đề ngày 12 tháng Năm năm Càn Long 53 [15-6-1788]. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 345-6.
[31] người Vô Tích, tự Hoành Ðộ (宏度), hiệu Xuân Ðài (春臺), đỗ cử nhân đời Càn Long giữ chức tuần phủ Quảng Tây.
[32] Thuộc Nhương Hồng Kỳ, từng đánh Miến Ðiện, Kim Xuyên, lập nhiều công lao được giữ chức tổng binh Hưng Hán, Thiểm Tây. Sau làm đề đốc tỉnh Quảng Tây, bệnh chết trước khi đem quân đánh Ðại Việt.
10 Comments
ChânPhương
Xin chào Tiến Sĩ Sử Gia Nguyễn Duy Chính,
Trước hết cháu xin được vô cùng cảm ơn mạch bài sử liệu nghiên cứu rất công phu với sự cẩn trọng của Tiến Sĩ.
Cháu đã đọc đi đọc lại bài này nhiều lần suốt tuần vừa qua dù thời gian hạn hẹp sau những giờ làm việc và sinh hoạt thường nhật còn lại thật ít ỏi. Cháu làm điều đó vì giai đoạn lịch sử của Tây Sơn nổi lên cùng thời kỳ cuối của Trịnh-Nguyễn phân tranh, cho đến khi Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà; tuy chính sử đã có viết, nhưng thường bị thiên lệch ít nhiều.
Trước 1975, chính sử bị ảnh hưởng bởi triều Nguyễn Gia Long. Sau đó khi cs chiếm toàn miền Nam, tài liệu lịch sử sau này lại làm điều hoàn toàn ngược lại. Vì thế, tìm được tài liệu do các tác giả nghiên cứu có sử quan công bằng, thật là hiếm hoi trong giai đoạn đang được nói đến.
Từ những bài nghiên cứu công phu này của Tiến Sĩ, bản thân cháu đã học được rất nhiều điều:
Trước hết đó là thái độ công bằng, không hề uốn cong ngòi bút của mình, tinh thần chí công vô tư của người viết Sử.
Cháu cũng học được thái độ thận trọng của người làm việc nghiên cứu của Tiến Sĩ trong các phương pháp đối chiếu, truy tầm, phân tích và lượng định tính khả tín của những tư liệu dẫn chứng… mà cháu có thể hình dung ra được khi đọc tác phẩm của Tiến Sĩ.
Sự lưu loát và hiểu biết bao la về ngoại ngữ, trong đó khâm phục nhất là Hán văn, cũng như Quốc ngữ của Tiến Sĩ đã góp phần rất lớn cho sự thành công trong công trình của mình.
Tuy nhiên cao hơn tất cả, cháu xin được cảm ơn thái độ trân trọng của Tiến Sĩ đối với độc giả của mình mà cháu là một trong những người đang có diễm phúc thụ hưởng. Điều này cháu cảm nhận được qua sự chăm chút và công sức của Tiến Sĩ bỏ vào để tạo thành tác phẩm quý báu rồi đem chia sẻ cùng độc giả. Vì trong một thời gian nó đã là sự cố gắng trong nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau để truyền đạt lại cho độc giả ngày nay và các thế hệ sau này!
Nhân dịp được viết lời cảm ơn Tiến Sĩ, cháu mạo muội xin lĩnh hội lời chỉ giáo của Tiến Sĩ về đôi điều còn vương vấn trong lòng. Ở phần hai (II) trong bài đầu tiên này, có câu Tiến Sĩ đã viết như sau:
“Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn vô hình chung đã đẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại.”
Trong câu được đem về đó, Tiến Sĩ đã dùng chữ “vô hình chung” là một chữ được những người cầm bút thông thạo về Hán văn cũng như Quốc ngữ trước kia đã hay dùng với nghĩa tiếng Việt là “ngẫu nhiên” hoặc tiếng Anh, cháu đoán là “eventually”.
Cháu cũng chưa bao giờ thấy trong các sách báo đứng đắn của Saigon và miền Nam trước tháng Tư 1975 viết sai chính tả trong chữ này, như hiện nay là “vô hình trung”. Hiện nay trên internet đang phổ biến cách viết sai đó một cách rất đáng ngại. Nó được giải thích bởi những “học giả” tại VN hiện nay không đọc và hiểu được Hán văn. Do đó họ đã giải thích phải viết là “trung” vì chữ “vô hình trung” có nghĩa là “bên trong của cái vô hình”(!)
Trong hiểu biết thô thiển của mình, cháu nghĩ rằng những câu Hán Văn dưới đây có thể làm sáng tỏ được sự thật mà các “viện ngôn ngữ” tại Việt Nam đang đầu độc tiếng Quốc Ngữ yêu dấu của chúng ta:
大道无形终有义
烟尘无形终被风所散
都无形终转嫁给买房子的热播
Thưa Tiến Sĩ Nguyễn Duy Chính,
Với tinh thần ham học và lòng thành tín của mình, cháu xin Tiến Sĩ chỉ giáo cho biết nghĩa của ba câu Hán văn trên là gì? Và, có phải chúng là lý do tại sao Tiến Sĩ đã viết “vô hình chung” hay không?
Xin chân thành cảm ơn và chúc Tiến Sĩ cùng gia đình một cuối tuần an vui!
Trân kính,
Chân Phương.
Nguyễn Duy Chính
Chào em,
Tôi thành thật cám ơn em đã góp ý nhận xét về bài viết. Đối với một người cầm bút, mục tiêu sau cùng của bộ môn sử học là đi tìm sự thật, dù sự thật đó không như chúng ta mong ước.
Nỗ lực đó cũng là một cách để tỏ lòng biết ơn người đi trước, giống như đằng sau cây tràm, cây mắm là cây trái, ruộng đồng, chúng ta chỉ gặt hái những kết quả của tiền nhân – và làm cho tốt hơn những gì đã có sẵn [kể cả cải chính những sai lầm].
Về câu hỏi của em thì tôi phải nói ngay là tôi đã viết sai chính tả, theo nghĩa mà tôi muốn dùng. Vô hình trong vô hình trung [無形中] tuy cùng nghĩa là không hình tích như trong nhóm chữ vô hình chung [无形终] (em đã dẫn trong mấy câu văn) nhưng nghĩa hai bên có khác nhau một chút.
Vô hình TRUNG theo nghĩa gốc là “vô hình chi trung” của chữ Hán là kết quả của một việc gì đó mà mình vô tình không chủ đích. Có lẽ chính vì thế trước đây nhiều người đã hiểu [trong đó có tôi] chung là sau cùng về một kết quả không định trước.
Để biết thêm rằng mình sai lầm tôi có tìm một vài cuốn từ điển tiếng Việt trong nhà thấy Đại Từ Điển Tiếng Việt [Nguyễn Như Ý chủ biên] (Hà Nội:VH-TT, 1999) tr. 1826:
vô hình trung: Không cố ý, không chủ tâm, tự nhiên mà có với thí dụ: Như thế vô hình trung anh lại không ủng hộ nó.
Tôi cũng tra Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị [tác giả Lê Ngọc Trụ (bản in trong nước trước 1975, Đại Nam tái bản hải ngoại không đề năm), tr. 117 cũng thấy viết vô hình trung trong mục chữ TRUNG [中]. Cụ Lê Ngọc Trụ là một học giả nổi tiếng nên chúng ta có thể theo mà không sợ nhầm lẫn.
Về ba câu chữ Hoa em hỏi thì tôi hiểu như sau:
Đạo lớn tuy không có hình thù gì nhưng sau cùng [rốt ráo] vẫn có nghĩa.
Khói và bụi tuy vô hình nhưng sau cùng [rồi thì] cũng bị gió thổi tan.
[Những thứ đó] cũng không khác gì hơi nóng ở trong phòng tuy không thấy nhưng vẫn lan ra khắp nơi [một cách tự nhiên] vậy.
Ý nghĩa của chữ chung [终] trong ba câu này nói về một hậu quả tự nhiên, trong khi chữ trung [中] trong vô hình trung thì là một kết quả không định trước. Cho nên những chữ trong ba câu em dẫn không phải nghĩa tôi dùng.
“Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn vô hình TRUNG đã đẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại.”
Tôi sẽ nhờ moderator của Việt Thức sửa lại chữ này. Đây cũng là một điều nhắc nhở cho tôi rằng nhiều việc mình đã sai lầm trong vô thức mà không hề biết.
Cám ơn em và chúc em cùng gia đình vạn an.
Nguyễn Duy Chính
TB: Nếu trong nước dùng vô hình TRUNG thì họ dùng đúng.
ChânPhương
Cháu xin chào Tiến Sĩ Nguyễn Duy Chính,
Xin được cảm ơn Tiến Sĩ đã dành cho cháu câu trả lời với nhiều chi tiết rất giá trị để học hỏi.
Cháu cũng vô cùng tâm đắc với điều chỉ giáo của Tiến Sĩ là, giữa hai chữ vô hình trung [無形中]và vô hình chung [无形终] có sự khác biệt về ý nghĩa cũng như cách dùng của chúng trong mỗi câu văn viết.
Điều này cháu nói rất thật lòng vì nhớ lại đầu năm lên lớp Tám (1974) khi cháu được học cách thiết lập câu “điều kiện cách” (conditional statements) thì Bố đã so sánh mệnh đề này là điều kiện của mệnh đề còn lại bằng hình ảnh của một câu có dùng chữ vô hình chung [无形终], như cách mà người Trung Hoa đã dùng trong ba câu cháu đã đem về trong bài comment xin được Tiến Sĩ chỉ giáo thêm cho… Vì thế, khi người Trung Hoa và người Việt dùng chữ vô hình chung [无形终], thì điều kiện bắt buộc là trong câu phải có đủ hai mệnh đề độc lập mà chữ “vô hình chung” được nằm ở giữa để liên kết hai mệnh đề này với nhau. Tùy theo trường hợp cần dùng, chúng ta sẽ dịch nghĩa của vô hình chung [无形终] là “ngẫu nhiên”, “khiến cho”, “là nguyên nhân” “đưa đến hậu quả”…
Các nghĩa này, cháu thấy rất gần gũi với cấu trúc văn phạm và ý của câu viết mà Tiến Sĩ đã dùng, “Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn vô hình chung đã đẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại.”
Vì thế, cháu sẽ cảm thấy tiếc nuối vô cùng nếu Tiến Sĩ nghĩ rằng mình đã sai chính tả khi viết chữ vô hình chung [无形终] trong câu văn được quoted lại bên trên.
Thuở đó Bố cũng dạy cháu rằng, chữ mà người Việt có thể bị nhầm lẫn với nó (vô hình chung [无形终]) là chữ vô hình trung [無形中] thì lại có nghĩa hoàn toàn khác. Vô hình trung [無形中] trong tiếng Việt là một trạng từ dùng để bổ nghĩa cho một động từ và nó có nghĩa là [hầu như, dường như – virtually].
Người Trung Hoa dùng chữ vô hình trung [無形中] trong câu văn viết của họ như sau:
她无形中成了我们的顾问 – Cô ta hầu như trở thành cố vấn của chúng tôi.
(Cháu xin lỗi vì đã dùng dạng chữ giản thể trong Hán văn).
Trong câu này, vô hình trung [無形中] có nghĩa hoàn toàn là “hầu như”. Vai trò của nó là một trạng từ bình thường. Nó cũng không cần phải đứng giữa hai mệnh đề độc lập như trường hợp của vô hình chung [无形终], mang một nghĩa hoàn toàn khác biệt thật là rõ rệt.
Những điều này, Bố dạy khi cháu còn bé quá… Nay thì Bố đã đi xa mất rồi. Vì thế, nay nhờ được sự chỉ bảo và gợi ý tận tình của Tiến Sĩ cháu đã nhớ lại những mặt chữ đã lâu không dùng.
Quả thật Cụ Lê Ngọc Trụ đã là học giả rất đáng kính của miền Nam và “Việt Nam Chánh Tả Tự Vị” của cụ cũng là tự điển đầu giường của bao nhiêu thế hệ trước đây và sau này. Cháu vẫn còn nhiều thắc mắc vương vấn trong đầu, vì Cụ cũng là người hiệu đính và đứng tên cùng với tác giả Lê Văn Đức khi ông này soạn cuốn Việt Nam Tự Điển, 1970 Saigon. Tuy nhiên, sau này lớn lên có dịp xem lại Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức cháu mới phát hiện ra rất nhiều thiếu sót cũng như lỗi chính tả mà chẳng hiểu vì sao. Trong số các cuốn tự điển có ấn bản trước năm 1975, thì cuốn này là một thất bại rất lớn so với những cuốn khác được in trước đó. Có phải đó là lỗi của ấn công khi sắp chữ, lên khuôn? Tuy nhiên, phải thừa nhận là phần phụ lục của cuốn này về ca dao tục ngữ thì rất phong phú dù phần giải nghĩa đôi khi không đáng tin cậy hoàn toàn.
Người có thể tin cậy để cháu hỏi trước kia là Bố thì nay đã khuất bóng. Do đó, chiều nay cháu đã điện thoại hỏi Ông Ngoại của con gái mình là người Triều Châu về hai chữ này để xem cách dùng của người Trung Hoa có khác với mình hay không? Ông nói, Ông Nội (Bố cháu) dạy như vậy là đúng lắm rồi. Ông còn bảo rằng, trong Cholon đâu thiếu gì người Hoa? Tại mấy người soạn sách làm biếng, chứ nghi ngờ thì chạy vào hỏi, có mất mát gì mà còn còn được yên tâm là mình hiểu đúng hay sai nữa mà!…
Thưa Tiến Sĩ,
Cháu rất mong rằng Tiến Sĩ sẽ xem xét lại ý định nhờ moderator sửa lại chữ đã dùng rất đúng về chính tả, ý nghĩa, và vai trò văn phạm của nó. Nhận thức được sự nhầm lẫn của mình và sửa sai là một điều đáng quý của người tự trọng và chân thành. Tuy nhiên, nếu sửa để đi từ cái đúng cho đến trở thành cái hư hỏng thì đó là điều đáng tiếc vô cùng.
Riêng đối với bản thân cháu, khi đang thưởng thức một tác phẩm văn chương Quốc ngữ hoặc những môn mà mình yêu thích, thì một lỗi chính tả không đáng có cũng là điều đáng buồn như nhai miếng cơm mới nấu bằng gạo trắng thơm mà cắn phải hạt sạn. Nhưng điều đó vẫn không đáng tiếc bằng việc tác giả dùng không đúng từ vựng để lột được ý mình trở thành mạch lạc. Thêm một bậc nữa, chỉ vì ý nghĩa mù mờ của một chữ lại làm cho câu văn đâm ra què quặt vì sai văn phạm trong toàn bài văn có giá trị rất cao. Thì, chẳng còn gì buồn hơn.
Vài ý kiến đơn sơ thay cho lời cảm ơn với Tiến Sĩ Nguyễn Duy Chính,
Chân Phương.
Nguyễn Duy Chính
Chào em,
Theo những gì tôi tìm thấy thì ba chữ “vô hình trung” (無形中)(virtually, imperceptibly) là một nhóm chữ đi với nhau dùng như trạng từ không thể tách rời (compound word). Trái lại ba chữ “vô hình chung” (無形終) mà em dùng làm thí dụ thì thực ra ở hai nhóm khác nhau, vô hình và chung. Ba câu em dẫn có thể viết cho rõ hơn:
大道无形, 终有义
烟尘无形, 终被风所散
都无形,终转嫁给买房子的热播
Tuy ba chữ đó viết liền nhau nhưng thực ra ở hai mệnh đề mà chữ CHUNG dùng để chỉ ra một hậu quả [hai chữ vô hình trong các câu này có nghĩa invisible một cách cụ thể]. Do đó chung trong câu đầu theo tôi để nhấn mạnh [Although] The Great Way is invisible, [but, however] ultimately it is meaningful (trong câu này thì không thể dùng chữ TRUNG vì không hợp ngữ cảnh).
Cho nên theo tôi, vô hình TRUNG hay vô hình CHUNG phải tùy thuộc vào câu văn, nếu dùng như một trạng từ thì VÔ+HÌNH+TRUNG (một nhóm chữ không thể tách rời, còn nếu dùng theo nghĩa “không nhìn thấy được nhưng rồi thì …” thì là VÔ HÌNH, CHUNG (hai mệnh đề). Vô hình trung là chữ Hán được nhập cảng vào tiếng Việt và dùng như một cụm nguyên thủy, còn vô hình chung như em nói thì người Việt có dùng vô hình nhưng không dùng chữ chung một cách riêng biệt (nhưng vẫn dùng nếu trong một câu toàn chữ Hán như thiện ác đáo đầu chung hữu báo chẳng hạn).
Nếu phân tích rạch ròi như thế, trước đây tôi cũng như nhiều người khác vì vô tình đã vấp phải một số lỗi chính tả hay dùng sai chữ.
Cám ơn em rất nhiều và hi vọng sẽ có những cao nhân khác góp ý để vấn đề thêm sáng tỏ.
Nguyễn Duy Chính
ChânPhương
Kính chào Tiến Sĩ Nguyễn Duy Chính,
Đầu tiên, cháu xin được mạn phép đọc lại mỗi câu Hán văn trong bài đầu tiên của mình. Sau đó, xin được dịch sang Quốc ngữ ý của từng câu có kèm theo phụ chú như sau:
1/ Câu đầu tiên, cháu xin dịch là “Đạo lớn là nguyên nhân của sự hợp lý.” Chữ “nguyên nhân” đã được thay cho “vô hình chung”.
Tuy nhiên, sau đó cháu lại tự trách mình vì đã quên rằng Sư Cô Trí Hải (Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh) đã từng dịch câu này thanh thoát hơn rất nhiều là, “Đạo lớn đem đến phép tắc.”
大道无形终有义
đại đạo vô hình chung hữu nghĩa (phiên âm Hán-Việt)
Đạo lớn đem đến phép tắc. (Phùng Khánh)
Đạo lớn là nguyên nhân của sự hợp lý. (Chân Phương)
2/ Tiếp theo cháu xin phiên âm và dịch câu thứ hai như sau:
烟尘无形终被风所散
Yên trần vô hình chung bị phong sở tán
Khói bụi rồi cũng theo gió tản tự tan. (Chân Phương)
(“Vô hình chung đã được dịch là “rồi cũng”)
Hai câu kể trên thuộc loại văn chương kinh điển của Trung Hoa đời nhà Tùy và đời Tống.
3/ Câu thứ ba là một tiêu đề phóng sự từ báo Hoa ngữ tại Thượng Hải nói về tình trạng thiếu hụt gia cư nơi thành phố lớn. Cháu cũng xin phiên âm rồi dịch tiếp như sau:
都无形终转嫁给买房子的热播
Đô vô hình chung chuyển giá cấp mãi phòng tử đích nhiệt bá y.
Nơi thành đô cuối cùng (phải) mang vạ do lên cơn sốt chí mạng bởi hoang mang vì thiếu hụt gia cư trên thị trường. (Chân Phương)
(Trong câu này, “vô hình chung” đã được dịch là “cuối cùng”)
Trong bài viết trả lời trước, cháu từng nhắc đến việc ngày xưa Bố đã so sánh với hai mệnh đề độc lập trong cách kiến tạo câu “điều kiện cách” khi dạy tiếng Anh cho cháu. Điều Bố dạy cháu năm nào chỉ là hình ảnh biểu tượng với mục đích so sánh, bởi chữ “vô hình chung” bằng Hán văn vốn là một ngôn ngữ rất tượng hình. Then chốt của chữ “vô hình chung” là hai mệnh đề trước và sau nó, phải có nghĩa của một mệnh đề điều kiện. Mệnh đề còn lại sẽ là hậu quả của mệnh đề đầu tiên.
Vì thế, trong câu văn rất đẹp của Tiến Sĩ đã viết ra, ““Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn vô hình chung đã đẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại.” nay đem sửa lại thành chữ “TRUNG”, cháu e rằng sẽ làm cho câu văn không chỉ sai chính tả; mà nó sẽ trở thành sai nghĩa, sai cả văn phạm,… nếu không muốn nói là què quặt. 🙁
Qua hai thí dụ 1/ và 2/ mà cháu đã phiên âm và dịch lại cùng với Ni Sư Trí Hải năm xưa cũng đã làm rõ được rằng “vô hình chung” chỉ là một từ vựng không thể tách riêng và dịch thành từng chữ rời rạc, nếu không muốn cho câu văn dịch trở thành ngây ngô, trặc trẹo, và vô nghĩa. Hai câu đó cũng cho độc giả nhìn thấy rất rõ hai mệnh đề độc lập của mỗi câu được chia ra bởi chữ “vô hình chung”, mà bản thân chữ này không thể bị xé ra mà không làm tổn thương đến ý nghĩa toàn câu văn.
Riêng thí dụ thứ 3, là tiêu đề của một bài phóng sự. Do đó, tác giả của nó đã dùng văn phong và bút pháp phóng sự ngày nay. Đó là dùng thật ít chữ, nhưng cố gắng chuyên chở tối đa những ý cần thiết nhằm gợi sự chú ý của độc giả. Vì thế trong câu thứ ba này, số chữ mà tác giả đã dùng thì ít. Nhưng người dịch gặp khó khăn vì phải dùng một câu dài hơn để ghi lại nghĩa và ý một cách trọn vẹn. Cũng với câu thứ ba, chúng ta khó nhận ra ngay hai mệnh đề độc lập của nó. Bởi vì, trong mệnh đề thứ nhất của câu này, chúng ta chỉ tìm thấy có một chữ “đô – 都” như là một chủ từ trong câu.
Tuy nhiên, vì Hán văn vừa là ngôn ngữ tượng hình mà lại là tiêu đề của bài phóng sự, nên tác giả của nó đã cố tình cắt ngắn [trunkcated] cho phù hợp với hình thức báo chí. Chúng ta chỉ nhìn thấy được điều này khi đọc nội dung của vế bên phải chữ “vô hình chung” trong câu. Rõ ràng, vế bên phải này là hậu quả không hay đang đổ ập lên đầu (đời sống của thị dân) đô thành.
Viết những dòng này, cháu không khỏi nhớ lại lời dạy của Bố ngày xưa về tính chất tượng hình trong Hán văn (Bố cháu và nhiều bậc phụ huynh khác thường gọi là chữ Nho). Cháu còn nhớ được lời dặn dò của Bố là phải tìm hiểu, phân biệt được nghĩa đen và nghĩa bóng của mỗi từ vựng, biết cách dùng đúng vai trò văn phạm, ý nghĩa của nó thì mới thực sự là hiểu biết được chữ đó mà không bị ngộ nhận đáng tiếc. Trong rất nhiều thí dụ ngày còn bé, khi cháu hiểu một cách nhầm lẫn rằng nghĩa đen của “kiến văn” là kiến thức và văn chương… Cho đến khi đọc được mặt chữ của nó [見聞] thì mới hay rằng đó là “nhìn thấy” và “nghe được”. Vì vậy, nghĩa “hiểu biết” của chữ “kiến văn” [見聞] cũng chỉ là nghĩa bóng của nó mà thôi…
Thưa Tiến Sĩ,
Mạo muội trình bày với Tiến Sĩ về sự nông cạn và thô thiển của mình, cháu không dám thuyết phục rằng Tiến Sĩ đã dùng đúng hay sai trong câu văn của mình. Cháu chỉ thiết tha mong rằng, một câu văn viết ra đã đẹp và trọn vẹn, nếu không thể làm đẹp hơn nữa thì cũng không nên làm hỏng đi cái vẻ đẹp vốn có của nó!
Lời chân tình của kẻ hậu sinh thô lậu,
Chân Phương.
Nguyễn Duy Chính
Cám ơn em rất nhiều.
Tôi cũng có tìm trong các từ điển Trung Hoa nhưng không thấy ba chữ “vô hình chung” được dùng như một từ tập hợp. Ba chữ “vô hình trung” thì quả là một từ kép trong văn chương.
Hán Ngữ đại từ điển (Thượng Hải từ thư, 1986) viết như sau:
無形中: 亦作“無形之中”。||不知不覺之間;不具備名義而有其實質之情況下。 瞿秋白 《論大眾文藝‧大眾文藝的問題》:“無形之中對於革命的階級意識的生長,發生極頑固的抵抗力。” 峻青 《秋色賦‧女英雄孫玉敏》:“她一氣教會了四十多個妹妹,能夠很熟練地埋雷,她無形中成了整訓中的婦女核心。”
Tôi nghĩ rằng ni cô Trí Hải khi dịch câu 大道无形终有义 [đại đạo vô hình chung hữu nghĩa] (phiên âm Hán-Việt) là Đạo lớn đem đến phép tắc. (Phùng Khánh) ắt hẳn chú trọng đến ý nghĩa triết học của câu văn hơn là từ ngữ đích thực của từng chữ.
Câu thứ hai tôi đồng ý với em là “vô hình chung” có nghĩa là “rồi cũng” vì nghĩa đen là “không thấy đó nhưng cuối cùng cũng”, nghĩa bóng ít nhiều liên quan đến nghĩa đen.
Câu thứ ba tôi hiểu lầm vì tưởng là cùng một mạch văn với hai câu trên nên cho rằng đô 都 có nghĩa là “tất cả đều là” [大都 đại khái tất cả, “đô thị” 都是 đều thế].
Trước đây khi chúng ta dùng vô hình chung có lẽ viết theo vô thức, còn nếu coi như đã Việt hoá rồi thì không còn nghĩa nguyên thuỷ của từ Hán Việt nữa.
Cũng nên thêm có khi chúng ta vì phát âm sai [người Bắc VN không phân biệt chung và trung] lâu dần đi đến chỗ cả hai đều được chấp nhận nên khi viết thành văn cũng không mấy người thắc mắc.
Riêng với tôi, con người luôn luôn có những bất cập nên nếu thấy sai thì sửa. Kẻ thù lớn nhất lại chính là kinh nghiệm vì đó là “sở tri chướng” ngăn chặn những gì khác với cái có sẵn của mình.
Em có thể đưa đề tài này vào forum của Viện Việt Học http://www.viethoc.com và chắc sẽ có những thảo luận rất lý thú.
ChânPhương
Kính chào Tiến Sĩ Nguyễn Duy Chính,
Cháu rất vui vì đến nay Tiến Sĩ tuy chưa tìm thấy trong từ điển Hán văn về bằng chứng của “vô hình chung” như một tập hợp từ, nhưng chúng ta không thể phủ nhận được với ba câu thí dụ của cháu trích dẫn đã nói lên sự có mặt của nó trong suốt ba thiên niên kỷ từ thời nhà Tùy (thiên kỷ thứ I), sang đến nhà Tống (thiên kỷ thứ II) và trên nhật báo và đời sống hằng ngày của người Trung hoa ngày nay (thiên kỷ thứ III).
Cháu cũng vui vì Tiến Sĩ đã ít nhất đồng ý với ý nghĩa Việt ngữ của “vô hình chung” là nói đến sự kết thúc, và do đó cháu đã dịch nó trong câu thứ hai là “rồi cũng” một cách chính xác. Tương tự, câu thứ ba khi cháu dịch và thay thế “vô hình chung” là cuối cùng; Tiến Sĩ cũng không hề phản đối vì hoàn toàn không khác với “rồi cũng” là bao nhiêu.
Giờ cháu xin phép được trở lại với đinh nghĩa và thí dụ của Đại Từ Điển Tiếng Việt [Nguyễn Như Ý chủ biên] (Hà Nội:VH-TT, 1999) tr. 1826, mà Tiến Sĩ đem về:
“vô hình trung: Không cố ý, không chủ tâm, tự nhiên mà có với thí dụ: Như thế vô hình trung anh lại không ủng hộ nó.”
Theo giải thích này của Đại Từ Điển Tiếng Việt, thử thay thế các chữ tương đương mà từ điển đang dùng, chúng ta sẽ có các câu sau đây:
1/ Như thế không cố ý anh lại không ủng hộ nó.
2/ Như thế không chủ tâm anh lại không ủng hộ nó.
3/ Như thế tự nhiên anh lại không ủng hộ nó.
Rõ ràng, cả ba câu này đều là những câu vô nghĩa, ngớ ngẩn đến thảm hại… so với ý định ban đầu của tác giả. Nói khác đi, Nguyễn Như Ý và nhóm biên tập của ông đã không làm tròn công việc giải thích việc dùng chữ “vô hình trung” theo nghĩa của mình.
Tiếp theo chúng ta hãy tìm lại nghĩa nguyên thủy của “vô hình trung” bằng Hán văn với nghĩa của nó là một trạng từ như là “dường như”, “có lẽ”. Thí dụ của Đại Từ Điển Tiếng Việt sẽ được hiểu như sau:
4/ Như thế dường như anh lại không ủng hộ nó.
5/ Như thế có lẽ anh lại không ủng hộ nó.
Cháu đang nghi ngờ rằng, hai câu số 4 và 5 có phải là ý tác giả muốn diễn đạt hay không?
Chúng ta lại tiếp tục dùng câu nói đó, thay bằng “vô hình chung” với ý nghĩa nguyên thủy của nó là “cuối cùng”, “rốt cuộc” hoặc tương tự…
6/ Như thế vô hình chung anh lại không ủng hộ nó.
7/ Như thế cuối cùng anh lại không ủng hộ nó.
Cháu tin rằng hai câu 6 và 7 này mới thể hiện được ý nghĩa muốn diễn đạt của Nguyễn Như Ý và nhóm biên tập của ông ấy.
Một lần nữa, xin được trở lại với câu văn của Tiến Sĩ đã viết:
8/ “Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn vô hình chung đã đẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại.”
Thay chữ “vô hình chung” với nghĩa “cuối cùng” chúng ta sẽ được:
9/ “Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn cuối cùng đã đẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại.”
Nếu nghĩ rằng hai câu trên chưa được hài lòng Tiến Sĩ, chúng ta hãy thay đổi với “vô hình trung” theo đề nghị của ông Nguyễn Như Ý, để được như sau:
10/ “Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn vô hình trung đã đẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại.”
Từ đó, đưa lời giải nghĩa của Nguyễn Như Ý vào câu trên, chúng ta có được:
11/ “Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn không chủ tâm [không cố ý] đã đẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại.”
Trong hai cặp câu 8, 9 và 10, 11 vừa kể; thử hỏi câu số 9 hay câu số 11 diễn tả trọn vẹn được ý của Tiến Sĩ? Phải chăng nội dung của mỗi mệnh đề
trong câu được gắn bó phù hợp với mệnh đề còn lại bởi chữ “cuối cùng” trong câu số 9?
Áp dụng lời giải thích của Nguyễn Như Ý vào câu số 11 bằng các nhóm chữ “không chủ tâm [không cố ý]”, rõ ràng chúng ta gặp phải vấn đề mâu thuẫn của nội dung hai mệnh đề độc lập trong câu đó. Để tránh cho câu này không bị trở thành mâu thuẫn trong nội dung của hai mệnh đề, chắc chắn chúng ta phải thêm vào chữ “nhưng” ngay trước “không cố ý” để thành “nhưng không cố ý”. Tuy biện pháp này không hoàn hảo để có thể cứu vãn một câu què quặt trong Việt ngữ về ý nghĩa, nhưng nó cũng vớt vát được phần nào sự việc khiến cho độc giả phải ngỡ ngàng vì nghĩ rằng mình đang đọc tiếng nước ngoài. Câu số 11 sẽ phải sửa như sau để đúng văn phạm Quốc văn:
12/ “Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn NHƯNG không chủ tâm [không cố ý] đã đẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại.”
Dù còn lủng củng trong câu số 12 này, nhưng nó đã chữa được sự mâu thuẫn giữa hai mệnh đề trong câu 11. Tuy nhiên, nó lại hoàn toàn mâu thuẫn với giải thích của ông Nguyễn Như Ý và nhóm biên soạn Đại Tự Điển của ông. Ngoài ra, có lẽ thất vọng nhất vẫn là tác giả của câu văn này, Tiến Sĩ Nguyễn Duy Chính. Tiến Sĩ chắc có lẽ thất vọng vô cùng vì đã không còn nhìn ra được hình hài của ý mà mình muốn diễn tả ban đầu. Chưa kể đến tình trạng vá víu, thương tật ngày nay của câu văn ấy. 🙁
Quốc Ngữ được xây dựng bởi nhóm giáo sĩ truyền đạo người Bồ Đào Nha và được Alexandre De Rhode kế tục và phát triển. Tuy công trình bắt đầu từ Hội An, miền Trung của nước ta; nhưng những nhà truyền giáo đã nhận ra ưu điểm và lấy giọng Hanoi làm chuẩn. Các đài truyền hình và phát thanh tại Saigon từ 1957-1975 cũng dùng xướng ngôn viên giọng Hanoi hoặc Saigon mà không dùng giọng các địa phương bên ngoài hai nơi này. Trong tân nhạc, không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các ca sĩ đã dùng giọng Bắc để trình diễn các nhạc phẩm của mình ngoại trừ một vài giọng ca như Ngọc Cẩm, Thanh Thúy… Đầu thế kỷ trước, miền Nam chúng ta đã từng có “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị”; nhưng giờ chỉ còn giá trị lịch sử mà thôi!
Tuy người Bắc nói chung có bị lỗi phát âm n/l, ch/tr, s/x; nhưng người Hanoi trước năm 1954 và sau này di cư vào Nam may mắn không hề bị các lỗi đó. Nhờ vậy, trong các từ điển chính tả ít bị các lỗi ch/tr này. Ngoài ra, cháu cũng nhận xét rằng tiến trình Việt Hóa các tiếng Hán Việt, chắc chắn đã bắt đầu xảy ra từ ngàn năm qua. Như thế, tiến trình này phải xảy ra từ miền Bắc theo chiều dài lịch sử của dân tộc, chứ không ở tại miền Nam là đất mới sau này. Thế nhưng, trong khi Việt Hóa các tiếng Hán Việt, Ông Cha chúng ta là người Bắc đã không hề lẫn lộn trong ký âm tương đương ch và tr trong các cách viết chữ Nôm, (có lẽ từ trước thời Hàn Thuyên, đời nhà Trần).
Thật ra, cháu cũng tìm được lắm điều tự cho là lý thú về những chữ như “vô hình chung”, “vô hình trung” này… E rằng chia sẻ thêm ý kiến mông muội của mình nơi này sẽ thêm phiền cho tác giả, Tiến Sĩ Nguyễn Duy Chính. Chỉ ra những cái sai, cái ngớ ngẩn của ban soạn thảo và biên tập của cả một quốc gia, không thấy lợi gì vào thân. Cháu đang tự hỏi, vì việc này sẽ có thêm bao người ghét? Mà, “túi khôn của loài người” vẫn dạy rằng nên để cho người ta thương hơn là làm cho người khác ghét mình…
Kính chúc Tiến Sĩ và toàn thể các tác giả Trưởng Bối của Việt Thức cuối tuần an nhiên,
Chân Phương.
Nguyễn Duy Chính
Cám ơn em.
Thôi thì cứ để như thế để xem có cao nhân nào góp ý gì mới lạ hơn chăng?
Thân chúc em một cuối tuần vui vẻ.
Nguyễn Duy Chính
QuangHue
Rất cảm ơn Chú đã bỏ nhiều tâm tư, tình cảm vào các bài chuyên khảo của mình. Có một số Biên khảo của Chú cháu tìm hoài trên mạng mà không thấy; như “Phái đoàn Đại Việt và lễ bát tuần khánh thọ của Thanh Cao Tông” ; “Sơ kiến hồn như cựu thức thân”‘ “Khí Núi Đất Biển là Một”; “Bài thơ liên hoàn của vua Cao
tông & các đại thần trong ngày nguyên đán năm Kỷ Dậu”
Cháu rất biết ơn nếu Chú có thể gửi những bài biên khảo quý trên vào địa chỉ quanghue51@yahoo.com
Hy vọng sớm nhận được hồi âm từ chú
Kính chúc Chú sức khỏe!
QuangHue
Trường
Cháu chào chú Nguyễn Duy Chính, đọc các biên khảo của chú về phong trào Tây Sơn thật sự rất thú vị.
Chú có thể gửi qua địa chỉ mail tnketnoiyeuthuong@gmail.com
Những biên khảo mới như việt – thanh chiến dịch, bang giao việt – thanh thời quang trung và cảnh thịnh được không chú.
Cháu xin cảm ơn chú nhiều lắm.