Trong bài viết “Lại bàn về đầu tư công” trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 12 tháng 8 năm 2011 được tờ Tuần Việt Nam đăng lại vào ngày hôm sau, Nguyên Phó thủ tướng phụ trách Kinh tế đối ngoại Vũ Khoan thú nhận là “tội đồ” vì đã tham gia lãnh đạo chính phủ làm hao công, tốn của do hoang phí trong đầu tư công.
Sự nghiệp cả đời của Vũ Khoan gắn liền với các tòa đại sứ và kinh tế đối ngoại và đã về hưu năm 2006 mà vẫn thường xuyên tham gia vào hoạt động phản biện.
Với tham vọng “xử lý tận gốc một trong những nguyên do đưa tới tình trạng kinh tế kém hiệu quả và bất ổn kinh tế vĩ mô”, họ Vũ chỉ trích kiểu đầu tư “theo phong trào” tạo ra nhiều công trình thiếu hiệu quả kinh tế.
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa từ bỏ các nguyên tắc cơ bản của chế độ cộng sản nên Ban Thi đua vẫn còn đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy đơn vị, cán bộ thi đua lập thành tích. Tình trạng xây rồi phá, phá rồi xây trở thành căn bệnh kinh niên và di căn phá hoại trong chế độ cộng sản.
Không thể kêu gọi cán bộ ngừng thi đua vì ngoài chuyện lập thành tích cá nhân, góp phần xây dựng vị thế chính trị còn tạo điều kiện để trở thành tư bản đỏ.
Tình trạng đầu tư hoang phí không thể chấm dứt khi xã hội chưa có các lực lượng chính trị đối lập để vạch trần, giám sát và phản đối mạnh mẽ những quyết định sai lầm về đường lối, chính sách của chính phủ và cán bộ lãnh đạo.
Đảng cộng sản không muốn mất độc quyền lãnh đạo nên tận lực bao che cho cán bộ đang góp phần xây dựng chế độ. Những con dê tế thần không thể chặn đứng tâm lý “nhiệm kỳ” trong xã hội.
Vũ Khoan viết “chưa thấy có công trình tổng kết nào phân tích rõ xem những dự án ấy hiệu quả tới đâu, lãng phí thế nào … làm cho nền kinh tế nước ta kém hiệu quả”.
Đảng cộng sản Việt Nam là một tập họp của những người không có tư duy độc lập nên chỉ biết phục tùng; thiếu khả năng phân tích vì tri thức rỗng do học vẹt, bằng cấp cấp giả; thích địa vị, chuộng hư danh nên bám ghế bằng mọi giá; tham lam vô độ nên không bỏ qua bất cứ mối lợi nào theo đúng tinh thần bài Quốc tế ca “bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình”.
Vì thế, sơ kết hoặc tổng kết chỉ tạo điều kiện cho cán bộ ba hoa thành tích, biện minh khuyết điểm, moi móc công quỹ, bao che lẫn nhau nên không thể thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh.
Một xã hội chỉ cân bằng khi có các lực lượng đối trọng lẫn nhau hầu trình bày những chương trình, kế hoạch khác biệt mới mở rộng sự chọn lựa của dân chúng liên quan tới lộ trình quốc gia, hướng phát triển dân tộc.
Vũ Khoan than phiền “chợ được xây dựng khang trang trống rỗng, bảo tàng, nhà hát, nhà văn hóa không sáng đèn hoặc vắng bóng khán giả, những bến cảng tàu vào ra lèo tèo, những đường bay thua lỗ triền miên, những trường đại học không tuyển đủ sinh viên”.
Đảng cộng sản được xây dựng trên nền tảng giai cấp chứ không phải nền tảng dân tộc nên chỉ phục vụ ưu tiên cho giai cấp công nông.
Tư cách đại diện cho giai cấp công nông được xây dựng theo mô hình kim tự tháp với Tổng bí thư ngồi trên chót vót tỏa dần tới cấp xã, thôn, phường khóm.
Vì nhu cầu chính trị, lợi ích giai cấp và cá nhân mà các công trình được xây dựng, bất chấp hiệu quả kinh tế dù cho ở vào thời kỳ Đệ tam Quốc tế hoặc giai đoạn tư bản man dại như tại Việt Nam và Trung Quốc hiện nay.
Vũ Khoan hô hào phân cấp vì kinh tế ngày càng phát triển “Việc quy định rạch ròi những lĩnh vực nào, công trình nào chỉ có trung ương mới được quyền xem xét, quyết định; lĩnh vực nào, công trình nào dành quyền cho địa phương là một yêu cầu bức bách”.
Thực tế, phân cấp không chấm dứt được tình trạng đầu tư lãng phí vì xã hội thiếu hệ thống tam quyền phân lập để cân bằng quyền lực trong xã hội nên tất yếu phải dẫn tới lạm quyền.
Hành Pháp, Tư Pháp, Lập Pháp, Đệ tứ quyền, thậm chí các đoàn thể xã hội cũng dày đặc đảng viên cộng sản lãnh đạo để thực hiện chiến lược do Bộ Chính trị quy định.
Lãnh đạo các ngành do Bộ Chính trị phân công chứ xã hội không được phân quyền rõ rệt.
Lập Pháp không thể độc lập giám sát việc làm của Hành Pháp trong khi Tư Pháp chẳng có quyền xét xử cán bộ sai phạm nếu chưa được chỉ thị của đảng ủy cùng cấp. Báo chí chỉ được phép làm tai, mắt cho đảng cộng sản. Do đó, Hành Pháp luôn luôn lấn lướt Lập Pháp và Tư Pháp.
Uy quyền thủ tướng chính phủ quá lớn trong lĩnh vực kinh tế nên các địa phương đều phải dựa vào chữ ký của thủ tướng để bảo đảm nguồn vốn và dự án thực hiện, và lẫn tránh trách nhiệm.
Ngược lại, thủ tướng không muốn các dự án địa phương vuột khỏi tầm tay gây phương hại đến quyền hạn và lợi ích cá nhân.
Đảng viên cộng sản núp sau tấm bình phong giai cấp công nông để xây dựng một xã hội đặc quyền, đặc lợi, bất chấp sự phát triển của đất nước và phúc lợi dân tộc.
Tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam đào bới tài nguyên đem bán tống bán tháo khi đương quyền; cắt đất, nhượng biển cho ngoại bang để giữ ghế; bán rẻ sức lao động của giai cấp công, nông miễn sao kiếm được lợi và quyền; lo chuyện hạ cánh an toàn và đưa con cháu kế nghiệp, hưởng thụ.
Khi nào người Việt biết nhận diện rõ nguyên nhân làm cho đất nước tụt hậu, xã hội xuống cấp, văn hóa sao chép, đạo đức suy đồi thì mới tìm được giải pháp phát triển toàn diện vì lợi ích dân tộc.
ĐẠI-DƯƠNG