Quá Trình Thời Gian Hóa
Thái độ sống của mọi người được quyết định do trình độ ý thức cao thấy được sự giao hội với toàn thể vũ trụ. Toàn thể đó chia ra được ba đợt là Thiên, Địa, Nhân.
Địa là nói đến bình diện “vật chất”, nghĩa là những năng lượng dính liền với vật lý, với thiên nhiên, đã có hình tích, nên gọi là dĩ vãng.
Thiên chỉ thị bình diện vũ trụ có tính cách phổ biến, vượt không gian, nên được quan niệm như cái gì trống rỗng, thái hư nhưng lại chứa vô cùng những khả thể chưa hề xuất hiện chưa hề mặc lốt hình nên được quan niệm là sẽ đến, vì thế thiên đi với tương lai.
Nhân là nói đến sự cảm thức được mọi giao thoa của thiên địa (hay dĩ vãng và tương lai) tức là cảm thấu triệt và hiện thực được bằng cái Đức, cái linh lực tức cái sống sung mãn. Khi đạt trình độ đó thì là đạt lối sống của con người toàn diện bao gồm cả dĩ vãng (hiện tượng) cả tương lai và những khả năng vô tận nhưng còn tiềm ẩn. Muốn được thế cần phải phát triển đồng đều và đầy đủ ý, tình, chí đi với địa, nhân, thiên. Tuy nhiên con người thường chỉ sống hời hợt có mặt ngoài theo những hiện tượng, ít khi đi lên được hai đợt sau. Sự sống đó ta kêu là lý hay nói theo danh từ triết là ý niệm. Ý niệm là ảnh hình của các vật thể riêng rẽ cá biệt nên sống theo ý niệm gọi là sống tán tức thiếu mối liên hệ với toàn thể vũ trụ, vì mối liên hệ này chỉ khởi xuất từ khi địa (ý niệm) giao thoa với thiên (chí) qua nhân (tình) nên cũng là nơi giao hội của trời cùng đất. Vì thế sống với ý niệm là một lối sống hàng ngang thiếu mất chiều cao nên không nhìn ra được toàn diện của cứu cánh con người, để quán xuyến lại một mối. Duy niệm vì thế chỉ đẻ ra được lối sống nhớ tiếc thời xa xưa căn cứ trên ý niệm về một hoàng kim đã mất, về những mẫu mực mà mình cố gắng lặp lại, hoặc sống vọng về tương lai, luôn luôn chờ mong một cái gì xa xôi sẽ đến. Cả hai lối sống đều hờ hững với hiện tại, cả hai đều không hiện thực được nội dung của lễ tế giao nghĩa sống trọn vẹn cái bây giờ, nên thiên địa bất giao mà chỉ còn là những ý niệm trừu tượng, lưu lại dĩ vãng hay phóng tới tương lai cũng không thoát tính chất cá biệt ly tán. Kể cả cái sống hiện tại nhưng bì phu hối hả vội vã, cũng không phải là cái sống thực tế ăn làm của thế nhân, cái đó chưa vượt được tầm lương tri, nên cũng chưa phải là thái độ sống lý tưởng.
Đạt lối sống lý tưởng khi ý, tình, chí thống nhất và lúc đó là đạt đợt minh triết. Khi còn ở đợt triết học thì một là duy ý (duy ý hoặc niệm) hay là duy tình lãng mạng, hoặc là duy chí cũng gọi là duy tâm hay huyền niệm. Bốn ông đều duy thì làm sao hòa, vì thế triết học không tác động nổi vào đời sống, đời sống trở thành con thuyền không lái, nên lương tri bất đắc dĩ phải ra nắm quyền chỉ huy. Khốn nỗi lương tri thì không đạt đợt tâm linh, nên phải nhờ tới tôn giáo nhưng tôn giáo nhiều người không chịu tin, đành đưa ra triết học hiện sinh vậy nhưng hiện sinh lại không sâu tới đợt ẩn sinh, nên chỉ có nhảy cà tửng, làm ba câu văn đẹp, viết giăm vở kịch hay thì được, chứ sâu xa hòa hợp mọi chiều kích con người thì làm sao đương nổi. Thấy thế phát đóa một số hô vất triết lý đi, chỉ duy luật, duy pháp, đứa nào không nghe thì thanh trừng. Đó là chủ trương của phát xít và mácxít. Chưa biết sẽ làm được những gì nhưng mới xuất hiện quãng dăm chục năm thì cũng đã giết hại lối giăm chục triệu nhân mạng. Truy căn ra thì đó lại là hai ông duy mới thêm vào dòng tộc cựu duy. Và nhân loại vẫn ngơ ngác chưa tìm đâu ra nhạc trưởng. Chưa tìm ra vì chưa có ai thống nhất nổi ý, tình, chí. Muốn thống nhất thì:
Ý phải thành
Tình phải thâm
Chí phải thấu triệt.
Viết ra chữ Nho thì để hiểu chữ chí là sĩ trên tâm dưới. Cái yếu tố giúp cho ý được thành, tình được thâm là cái tâm vậy. Có tâm kề vào sĩ thì mới có chí. Chí như thế được Mạnh Tử (112) định nghĩa là nguyên suý điều khiển cái khí, mà khí là cái sung mãn của thểm, nên chí là cùng cực trước cái khí, vậy phải trì chí mà không được bạo động cái khí (phù chi, khí chí suý dã. Khí thế chi sung dã. Phù: chí chí yên. Khí thứ yên). Nếu ta gọi chí bằng thiên viên còn khí bằng địa phương thì đã mấy nền triết lý giữ nổi câu “trì kỳ chí vô bạo kỳ khí”, và do đó triết lý đã không chu toàn nổi sứ mạng của mình. Muốn chu toàn sứ mạng đó phải có cả tình, ý, chí trên một độ bình quân vượt bậc mà tiên Nho gọi là quân thiên thành thử chiều kích nào cũng tiềm tàng đủ ở trong; muốn xét về phương diện nào cũng có đủ ý, tình, chí, tôn giáo, hiện sinh, lương tri, lãng mạn…chỉ không thể xếp hạng và dán nhãn hiệu duy nào cả cho nho giáo cái đó ta gọi là Hòa thời người xưa kêu là Thời Trung.
Trong Luận Ngữ chương XVIII câu 8 nhân khi bàn đến lối hành xử của các ông Bá Di, Liễu Hạ Huệ, Di Dật v.v… Khổng Tử có nói “ngã tắc dị ư thị: vô khả, vô bất khả”, “tôi thì khác với mấy ông, không có việc chi quyết định trước được phải như thế nào”. Đấy là một lối hành vô hành, một lối quyền biến theo dịch lý, “tuỳ thời chi nghĩa”. Không nhất định thế này thế nọ, nhưng giữ cho lòng thanh thoát mẫn tiệp để tuỳ lúc mà ứng phó. Chúng ta đã vượt qua bốn thái độ sống và đã nhận ra chúng thiếu tính chất uyển chuyển và chỉ đáp ứng cho một nhu cầu nào đó thôi, mà chưa nhìn bao trùm được cuộc sống có cả thiên địa. Nên ta bảo phải có nếp sống thời trung hay Hòa thời mới ứng đáp đủ mặt. Trong khi đi sâu vào thái độ này ta nhận ra thời trung đặt trọng tâm trên hiện tại xét như là quãng thời gian giúp cho người đạt nhân chủ tính hơn cả và ta gọi là Hiên tại miên trường, người xưa kêu là “thành tính tồn tồn” chỉ có con người mới có thể “thành tính tồn tồn”, nên hiện tại vĩnh cửu là phần riêng của người thành tính. Như thế ta dễ nhận ra hiện tại nói ở đây khác xa với cái hiện tại của nhóm duy sinh: sống vội vã theo câu “carpe diem”, “hãy đuổi bắt cho kịp ngày”. Đây còn là một quan niệm về thời gian đầy tính toán, so đo với lỗ lãi, nên cố sống cho được nhiều, sống hấp tấp, sống om sòm, sống đã đời… Lối sống đó vẫn còn bị gian thời trăng trói và lôi đi, vì không đâm rễ sâu vào được cái Bây giờ vĩnh cửu, mà chỉ là cái “đày bây” hời hợt “chơi nhiều là lãi đấy”. Hễ đã nói đến lãi đến lời là nói đến tính toán, mà tính toán là đặc điểm của gian thời có phân trương, nên cũng có thể đếm đo có sau có trước, có lưu trí ở dĩ vãng (rétention) và phóng trí vào tương lai (protention).
Thời trung trái lại không lưu trí mà cũng không phóng trí. Vì lưu trí là lưu ý đến dĩ vãng mà dĩ vãng theo luật yếu tính là cái gì đã được định nghĩa đã được gắn liền với không gian vì khi một biến cố nào xảy ra, tất phải xảy ra ở một nơi nào, nên mất khả năng “vô hồn xứ giả”. Còn phóng trí là tiến tới tương lai, nhưng tương lai lại chưa có, nên mượn nhiên liệu của dĩ vãng đặng hình dung ra tương lai, nên nó giống với cái “thời tiền lai” (temps futur antérieur) đầy mâu thuẫn: đã mà lại sẽ, sẽ đã có. Sự thật chỉ là cái đã có được phóng vào tương lai, nên cũng là thời gian, gắn liền với không gian, do đó che lấp mất cái hiện tại chân thực của con người, không để nó đặt trọn vẹn toàn thân tâm vào việc đang làm, vào lúc đang sống. Vì thế duy vãng hay duy lai đều kéo theo sự vong thân. Thời gian bị không gian hóa cũng có nghĩa là con người bị vật chất hóa: hạ tầng vật chất chỉ huy thượng tầng hay đúng hơn nuốt trôi thượng tầng tâm linh và như vậy mặc dầu chống đối duy vãng, hiện sinh cũng vẫn bị lôi theo dòng gian thời lưu tục. Muốn đạt hiện tại chân thực có khả năng trở thành cái “bây giờ vĩnh cửu” không thể cộng lại kiểu tính toán ba quãng thời gian: dĩ vãng, hiện tại, tương lai, nhưng là sống, mà sống là thâu hóa chứ không là cộng lại. Thâu hóa đòi hỏi phải biến đổi ra cùng chất với sống. Cho được thế phải sống cái sống cách chí thành tức là trút trọn vẹn bầu sinh lực vào lúc bây giờ mà không chịu chia sẻ một mớ cho dĩ vãng, một mớ cho tương lai, vì đó chỉ là ý niệm mơ mộng. Phải dốc toàn lực vào hiện tại mới trông biến nó thành miên trường nghĩa là bằng một trực quan nhìn được toàn thể dòng sông Viên Dung, để vươn tới cái bây giờ vĩnh cửu. Như vậy là thâu hóa được cái vô cùng trước và vô cùng sau, nghĩa là không còn trước sau.
Vậy muốn đạt vô cùng phải biết cách thoát gian thời, mà cách hiệu nghiệm hơn hết là dốc toàn nghị lực vào việc đang làm. Đó gọi là thể hiện cái bây giờ vĩnh cửu và khi đã thể hiện trọn vẹn và mãi mãi là đạt trạng thái “thành tính tồn tồn” tức là ngộ Đạo. Người nào lúc sinh thời đã có thể bẻ gãy những ràng buộc của thời gian để hội thông với nhất thể viên dung thì người đó đã từ tâm hồn nô lệ trở thành hiền triết có khả năng hiện thực được câu “kính đức bỉnh triết”. Người xưa tặng cho Khổng Tử danh hiệu “Thánh chi thời” là cho rằng ông đã thoát ra khỏi vòng trói buộc của thời gian của dự phỏng này nọ kia khác để vào thẳng nguồn linh lực mà không cần qua những trung gian ý niệm.