Vừa Cay Đắng Khóc, Trích Bên Thắng Cuộc
… Cũng có không ít quan chức Cách mạng thay vì bảo lãnh, đã vận động ngay chính những người trong gia đình mình đi “học tập”. Có người muốn chứng minh với Đảng sự “chí công vô tư”. Có người tin là cần thiết đối với người thân của họ.
Thiếu úy Việt Nam Cộng Hòa Lưu Đình Triều có ba mẹ là cán bộ cao cấp của Cách mạng. Năm 1954, lúc Lưu Đình Triều một tuổi, chị gái Triều ba tuổi, anh đã được ba mẹ để lại cho bà ngoại để đi tập kết. Trong suốt hơn hai mươi năm, hai chị em Lưu Đình Triều đã lớn lên như những đứa trẻ mồ côi trong khi ba mẹ mình sống ở Hà Nội trong một phần căn biệt thự trên đường Điện Biên Phủ với sổ mua hàng “Tôn Đản”. Ba anh là ông Lưu Quý Kỳ, vụ trưởng Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương kiêm tổng thư ký Hội Nhà báo. Còn anh, năm 1972, khi Chính quyền Sài Gòn tạm đóng cửa các trường đại học và hạ bớt tuổi hoãn quân dịch của sinh viên, như nhiều sinh viên khác, Lưu Đình Triều bị động viên vào lính.
Năm 1975, ông Lưu Quý Kỳ trở về, Lưu Đình Triều nhớ lại: “Bao lần tôi đã nằm tưởng tượng ra cảnh hội ngộ này và nghĩ rằng lúc ấy tôi sẽ hét vang cái tiếng gọi mà tôi đã thèm khát hàng chục năm trời: Ba ơi! Má ơi!”. Nhưng, ngay trong ngày gặp lại, Lưu Đình Triều đã cảm nhận được một “hố sâu thực sự”.
Lúc đó, do tình hình đi lại khó khăn, ông Lưu Quý Kỳ về Nam trước, vợ và con ông, những người sinh ra ở Hà Nội, đã gửi gắm tình cảm vào chiếc máy ghi âm mà ông Kỳ mang theo. Cô em gái Triều sau khi thăm hỏi anh chị, hồn nhiên hỏi: “Từ hôm giải phóng tới giờ anh chị biết bài hát nào mới chưa. Em và con Thảo, con chú Tân, hay hát lắm. Để bọn em hát cho anh chị nghe nhé”. Rồi hai cô gái Hà Nội cất giọng lanh lảnh hát trong máy ghi âm: Sài Gòn đó, quê ta ơi / Trong biển lửa vẫn ngời ngời / Ta đi như sóng căm hờn dâng trào / Xô lên trên xác quân thù hung bạo / Giành một mùa xuân tươi sáng khắp miền Nam…
Lưu Đình Triều viết: “Khi nghe tới đó, tim tôi như thắt lại. Một ‘quân thù’ đang đứng cạnh ba đây. Ba có biết không? Có căm hờn nó không? Từ giờ phút đó, niềm vui hội ngộ trong tôi giảm hẳn. Chỉ có nỗi lo âu, thắc thỏm là mới dâng trào”.
Vài tháng sau, Lưu Đình Triều vẫn phải đi cải tạo. Trong thời gian ở trại, Lưu Đình Triều kể: “Ban ngày chúng tôi phải học lý luận, ban đêm học hát những bài như Bão Nổi Lên Rồi, Rầm Rập bước Chân Ta Đi Trên Đường Phố Sài Gòn… Sau khi được “lên lớp” về Truyền thống Chống Ngoại xâm, Đường lối Sáng suốt của Đảng Ta, Cuộc Chiến tranh Chính nghĩa, Chính sách Khoan hồng của Chính phủ Cách mạng…, các trại viên phải tập trung thảo luận, theo hướng: phải phân tích được âm mưu của Mỹ – Ngụy; phải nhận ra Ngụy quyền không chính nghĩa, chỉ có Cách mạng mới chính nghĩa. Học xong lại phải “soi rọi bản thân”, kể ra những tội lỗi của mình, mỗi người phải nghĩ cho ra một điều phi nghĩa của Quân đội Việt Nam Cộng hòa”.
Lưu Đình Triều nói: “Tôi dẫn chuyện lính Sư 7 hành quân bắt gà, bắt heo của dân. Có người là lính tài vụ, cả đời chỉ đi phát lương, với mong muốn được Chính phủ khoan hồng, đã nhận phát lương cũng coi như tạo điều kiện cho lính đi càn quấy. Có người than, tao nghĩ không ra tội, chúng mày ạ”.
Từ tháng thứ ba, Triều kể: “Mỗi tháng, trại viên được thăm nuôi một lần. Trong số những người thăm nuôi có người quê Biên Hòa, tôi nhắn chị tôi đi thăm. Hóa ra, khi ấy chị tôi đang đi Hà Nội. Khi chị tôi về, lên trại đúng lúc trại cấm thăm nuôi vì một sự cố do trại viên gây ra. Tôi nhìn thấy chị tôi, khoát tay bảo về nhưng chị tôi cứ đứng bên kia đường không chịu. Một người quản giáo tốt bụng tới vỗ vai, nói: ‘Đi theo tôi’. Đi ra, vệ binh chặn lại; nhưng người quản giáo can thiệp. Hai chị em nhìn nhau khóc, khiến người quản giáo cũng khóc”.
Chỉ huy trại khi ấy cũng biết Lưu Đình Triều là con cán bộ cao cấp nên chủ động gửi thư cho ông Lưu Quý Kỳ, nói:
“Chúng tôi biết anh, nếu được, anh lên trại chúng ta nói chuyện về cháu”. Ông Lưu Quý Kỳ có lên nhưng thay vì gặp con và bảo lãnh, ông chỉ viết thư khuyên “con cố gắng học tập tốt”. Lưu Đình Triều nhớ lại: “Tôi vừa đọc thư ba tôi vừa xé và vừa cay đắng khóc”…
Huy Đức
Trích Bên Thắng Cuộc
Nhà báo Huy Đức
Bên Thắng Cuộc
“Bên thắng cuộc” là cuốn sách đang gây sôi nổi cho cư dân mạng cả trong và ngoài nuớc. Quyển sách được viết bởi nhà báo Huy Đức, người nổi tiếng với trang blog Osin với những bài chính luận độc đáo có số người đọc rất cao.
Amazon phát hành chính thức
Sau ba năm mài miệt, “Bên thắng cuộc” chính thức ra đời vào ngày 12 tháng 12 vừa qua với hai cách: sách in do chính tác giả xuất bản và sách điện tử do Amazon phát hành dưới hình thức Kindle.
Có lẽ đây là lần đầu tiên một nhà văn Việt Nam có lượng sách bán trên hệ thống Amazon qua hình thức sách điện tử. Sự đột phá này có ý nghĩa quan trọng cho những ngòi viết đang bị cho là có vấn đề tại Việt Nam, từ nay họ có thể lập ra kế hoạch cho cuốn sách sắp tới phát hành một cách rộng khắp nhưng lại không hề bị lưỡi kéo kiểm duyệt gây rắc rối. Huy Đức là nguời đầu tiên và chắc chắn không phải là cuối cùng tận dụng lợi thế khoa học kỹ thuật này.
“Bên thắng cuộc” vừa ra đời một ngày đã tạo tiếng vang lớn khi nhiều tiếng nói uy tín giới thiệu nó một cách trân trọng, trong đó có bài viết của Giáo sư Trần Hữu Dũng, hiện giảng dạy tại đại học Wright thuộc tiểu bang Ohio Hoa Kỳ. GS Dũng cũng là chủ website Viet-Studies có luợng người vào xem rất lớn. Chia sẻ với chúng tôi về cuốn sách ông cho biết:
“Tôi thấy cuốn sách có rất nhiều chi tiết và thông tin nào cũng hay cả! Nhưng nếu đưa cho người khác đọc thì có thể họ lại cho rằng cuốn sách này không phân tích tổng quan nên những học giả hàn lâm họ sẽ chê cuốn sách chỗ đó. Đối với tôi thì chuyện ấy sau này Huy Đức có thể làm được, viết một cuốn sách riêng để phân tích những sự kiện nào đáng nhất.
Có nhiều anh em cũng cho rằng Huy Đức nên viết lại, chia các chi tiết ra thì cuốn sách sẽ hay hơn. Nhưng muốn làm như vậy thì phải nhiều năm nữa mà Huy Đức không có thời gian. Cuốn sách phải ra liền không thể trễ hơn nữa. Hãy xem cuốn sách này như một nguồn tài liệu vì vậy nó rất tốt chứ không phải một cuốn viết về sử theo như cách hàn lâm.
Có một điều rất hay, đó là tôi hỏi Huy Đức, khi Huy Đức phỏng vấn những người trong cuốn sách này thì họ có biết rằng Huy Đức viết sách hay không? Huy Đức nói là biết! Thành ra tôi không hiểu tại sao mà họ tin cẩn Huy Đức để mà nói những điều như vậy trong khi biết rằng Huy Đức dùng những lời nói của họ để viết sách? Huy Đức rất cẩn thận và đức tính này rất hay.”
Bìa sách “Bên thắng cuộc”. Photo courtesy of Osinbook
Ba muơi tháng tư
“Bên thắng cuộc” có thể nói là một cẩm nang cho những ai muốn biết về các sự kiện xảy ra tại Việt Nam sau ngày 30 tháng 4 tới nay. Tác giả đã bỏ công hàng chục năm để phỏng vấn hàng trăm người trong cuộc. Tác giả cũng sử dụng tư liệu từ nhiều nguồn trong đó chủ yếu là các hồi ký của những người có dính đến cuộc chiến tranh Việt Nam hay tham gia vào guồng máy chính trị của chế độ hiện nay.
Điều quan trọng nhất mà Huy Đức có được nhưng nhiều nhà báo khác không có đó là vào năm 2005-2006 anh được sang Mỹ du học tại tiểu bang Maryland và phỏng vấn hàng trăm người khác để kết nối với những điều anh đã thu thập từ trong nước.
Lượng thông tin kếch xù này được Huy Đức xử lý một cách khôn ngoan qua bút pháp chừng mực, dẫn người đọc tới cánh cửa bí ẩn mà người ta tin rằng trong thế giới cộng sản khó có người thứ hai làm được như anh.
Huy Đức không phải là một nhà viết sử vì vậy “Bên thắng cuộc” không thể là một cuốn sách lịch sử theo lối hàn lâm. Mặc dù vậy nó vẫn có thể dùng vào việc tra cứu sự kiện lịch sử xảy ra trong nhiều năm nhất là giai đoạn sau ngày 30 tháng 4. Mức độ chính xác và khả tín của “Bên thắng cuộc” có thể làm người sử dụng nó yên tâm vì nhân chứng hầu hết đều còn sống và họ sẵn sàng chịu trách nhiệm những gì họ cung cấp.
Bắt đầu bằng chương 30 tháng 4, Huy Đức lần luợt mang ra ánh sáng những câu trả lời về trại cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền, rồi vượt biên, nạn kiều cũng như các cuộc chiến tranh khác sau năm 1975. Những góc cạnh Huy Đức đưa ra so với kinh nghiệm của hàng triệu người từng sống và chịu sự dày xéo, sai lầm của chế độ vẫn còn nguyên những yếu tố hấp dẫn bởi anh đào sâu chi tiết từng mảng đời, hoàn cảnh như một tác phẩm văn chương để từ đó người đọc cảm thấy như đọc lại chính mình.
Bên cạnh các vấn đề kinh tế chính trị, Huy Đức khéo léo lồng vào những mối tình có thật, bị chà đạp, ngăn trở do ý thức hệ hay lý lịch khiến “Bên thắng cuộc” trở nên đa dạng và sống động hơn rất nhiều so với loại sách khô khan chỉ viết và bình về các biến cố lịch sử.
Quen biết nhiều quan chức cao cấp của chính phủ qua những lần tác nghiệp cộng với mối xã giao rất rộng khiến Huy Đức có cái nhìn bao quát xã hội và anh mang hơi thở đậm đặc mồ hôi ấy vào tác phẩm khiến những biến cố lớn đều có chất người, chất thời sự báo chí qua từng trang viết của anh.
Tự sát hay Tuẫn tiết?
Huy Đức tập hợp dữ kiện và phân phối chúng một cách thông minh khiến người đọc không có thời gian bỏ cuốn sách xuống để làm việc gì khác. Bên cạnh đó, điểm Huy Đức thuyết phục người đọc nhất là tâm thức nhân bản của anh.
Người ta không lạ gì các bài viết mang tính “lịch sử” lại chỉ kể về những thất bại của đối phương và xem những người lính phía bên kia là kẻ thù, kể cả khi họ đã buông vũ khí để trở về với làng mạc, đồng lúa Việt Nam. Sự quen thuộc ấy không được lập lại trong “Bên thắng cuộc”, Huy Đức nhìn người lính cả hai bên trước nhất là những con người, mọi dị biệt về tính tình hay cách ứng xử đều thuộc về cá nhân để từ đó anh thật sự sống cùng và nghiền ngẫm từng trường hợp xảy ra để viết.
Trong chương 1, Ba mươi Tháng Tư, Huy Đức đặt một tiểu tựa khiến người đọc ngỡ ngàng. Họ ngỡ ngàng vì biết tác giả là người trưởng thành từ bên kia nhưng dùng hai chữ Tuẫn Tiết đặt cho câu chuyện của các tướng lãnh bên này tự kết liễu đời mình trong ngày chế độ sụp đổ.
Các tướng lãnh như Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ hay Đại tá Đặng Sĩ Vinh lần lượt kết liễu đời mình trước sự chứng kiến của thuộc hạ hay vợ con dưới cái nhìn của Huy Đức là một sự tuẫn tiết.
Những người chấp nhận kết liễu đời mình như thế chỉ có thể dùng hai chữ “tuẫn tiết” chứ không thể có từ nào hay hơn.
Một điểm quan trọng nữa, Huy Đức viết: “Nhưng đấy vẫn chưa phải là những phát súng cuối cùng của cuộc chiến tranh. Nhiều quân nhân vô danh vẫn tìm đến cái chết trong những ngày sau đó”.
Trong “Bên thắng cuộc” người đọc tại Việt Nam, nhất là những bạn trẻ sẽ phát hiện ra nhiều nhân vật đang sống chung quanh mình đã và đang đi vào lịch sử, mặc dù không chắc hình ảnh của họ là sáng hay tối.
Ông Hồ Ngọc Nhuận là một trong những người như thế.
Những khuôn mặt lịch sử
Huy Đức kề lại cuộc trao đổi giữa dân biểu Hồ Ngọc Nhuận và Đại tướng Dương Văn Minh trước giờ Sài Gòn thất thủ. Câu chuyện có thể do chính ông Nhuận kể lại bởi ông thuộc thành phần thứ ba, vẫn sống và mới đây xuất hiện tại Sài gòn lên tiếng trong việc biểu tình chống Trung Quốc.
Hình ảnh ông Hồ Ngọc Nhuận sống động trên các trang mạng khiến câu chuyện của Huy Đức kể đậm đặc thêm tính thời sự. Nó rất khác với những trang sử cố vẽ lại sự kiện nhưng thiếu người ngồi mẫu. Câu chuyện của Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Đặng Đình Đầu, Huỳnh Bá Thành cùng hàng trăm người khác đã làm cho cuốn sách có lực hút của một hành tinh.
Một nhân vật khác nổi bật lên trong Đảng Cộng sản Việt Nam là Tổng bí thư Lê Duẩn. Huy Đức đã lặn lội không biết bao nhiêu cây số để theo dõi từng bước chân của ông từ Nam ra Bắc cũng như các nước cộng sản anh em. Mỗi một sự kiện, Huy Đức tìm đến một nguồn khả tín để mang ra công luận những gì chưa biết hay chưa trọn vẹn về nhân vật này.
Theo Huy Đức thì Lê Duẩn rất ghét Trung Quốc. Các vụ đi đêm với Mỹ đã khiến ông này nổi giận và trở nên gay gắt thẳng thừng với Chu Ân Lai, trách móc họ Chu đã phản bội Việt Nam. Lê Duẩn cũng là người có đôi tai tình báo thính như tai thợ săn trong đêm tối. Ông từng nói với vợ là Hoa Kỳ hứa với Trung Quốc sẽ không động tĩnh gì nếu Bắc Kinh tấn công Hoàng Sa, khi ấy còn trong sự kiểm soát của chính phủ Sài Gòn.
Vậy mà Lê Duẩn vẫn không thoát nỗi cái bẫy mềm mại của Trung Quốc, đó là những đồng tiền viện trợ đánh Mỹ nhiều đến nỗi sau khi chiến thắng vẫn còn lại 50 triệu Mỹ kim trong két của B29 và 51 triệu Mỹ kim khác của chiến trường B2 và Khu 5 vẫn chưa xài tới.
Nếu câu chuyện của Tổng bí thư Lê Duẩn là thâm cung bí sử thì Công hàm ngoại giao năm 1958 do Phạm Văn Đồng ký phải thuộc trách nhiệm của nhiều người, trong đó có ông Hồ Chí Minh và Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trách nhiệm này không thể quy cho một mình Thủ tướng Đồng khi bên cạnh ông còn quá nhiều người có khả năng lũng đoạn một người hay một nhóm.
Phương án II
Trong chương Nạn kiều, Huy Đức góp phần bạch hóa câu chuyện tổ chức cho Hoa kiều vượt biên để gom vàng của nhà nước. Dẫn lời ông Nguyễn Đăng Trừng, phó Phòng chống phản động bành trướng bá quyền, Phương án II là tên gọi của tổ chức cho Hoa Kiều Vượt biên nhằm đưa “đối tượng ra khỏi điểm nóng”. Đối tượng là người Hoa, điểm nóng là cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc gần kề. Biết bao nhiêu thảm cảnh đã xảy ra trong cái gọi là Phương án II này. Huy Đức ghi lại hoàn cảnh của các nạn nhân Hoa lẫn Việt qua các câu chuyện có thực của người kể.
“Bên thắng cuộc” ghi lại:“Người di tản được đóng vàng để công an mua thuyền hoặc đóng thuyền cho đi mà không sợ bị bắt hay gây khó khăn. Việc thực hiện Phương án II chỉ do ba người là bí thư, chủ tịch và giám đốc công an tỉnh quyết định. Công an được giao làm nhiệm vụ đứng ra thu vàng và tổ chức cho người di tản”.
Gấp cuốn sách lại là một chương khác mở ra trong lòng người đọc: một thời kỳ biến động của đất nước đã khuấy động sự trầm lắng mà nhiều người muốn quên sau hơn bốn muơi năm nhọc nhằn, thao thức cùng dân tộc. Huy Đức đã đốt lên ngọn lửa trong đêm dài để soi rọi những mất mát thực sự của đất nước, con người. Đọc “Bên thắng cuộc” để biết rằng từng có những mảnh đời như thế. Họ bị bạc đãi, bị vùi dập và tâm hồn họ rách rưới tả tơi ngay cả khi được sống và định cư ở nước ngoài.
Trong lời nói đầu, Huy Đức chia sẻ:
“Rất nhiều thế hệ, kể cả con em của những người đã từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, sau ngày 30-4-1975 đã trở thành sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Nhiều người không biết một cách chắc chắn điều gì đã thực sự xảy ra thậm chí với ngay chính cha mẹ mình.
Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ kể lại những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30-4: cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền… Cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975, và về sự “đồng khởi” của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để dành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc.
Đây là công trình của một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật.”
Vì khao khát tìm kiếm sự thật nên “Bên thắng cuộc” không thể xuất hiện công khai tại Việt Nam. Thực tế cho thấy nó đang lưu lạc trên khắp thế giới tới nơi nào có người anh em của nó. “Bên thắng cuộc” sẽ mãi mãi đứng ngoài mảnh đất mà nó yêu thương để mỗi đêm thủ thỉ bên tai người đọc những câu chuyện đắng lòng về một đất nuớc liên tục gặp bi kịch trong các cuộc chiến mà căn cước kẻ chiến thắng vẫn rất mù mờ.
Có một điều chắc chắn rằng mặc dù Việt Nam có rất nhiều giải thưởng được cho là cao quý để trao tặng những cuốn sách độc đáo, thế nhưng không giải thuởng nào đủ giá trị để trao cho “Bên thắng cuộc”.
Vì nó quá lớn.
Và chứa đầy máu cũng như nước mắt của toàn dân tộc.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-12-13
2 Comments
ai pham
toi ao uoc co ai do viet duoc BEN THUA CUOC de noi len duoc nhung gi xay den va suy nghi cua BEN THUA CUOC de hoan tat su kien 30 thang 4 1975 khong the nao quen cua Dan toc Viet Nam
Anhcam
Nói đến bên “Thua Cuộc”,tính đến giờ này,đã có hằng trăm pho sách ,chẳng những do bên thua viết lên bằng cả nỗi lòng cay đắng của chính bản thân họ ,mà còn biết bao pho sách do những cây viết ngoại quốc viết lên những thảm trạng khổ đau của người dân VN đã phải chịu đựng bao nhiêu sự hà khắc do những bàn tay tàn bạo của người CSVN nói riêng và chủ nghĩa CSQT khởi đi từ bọn đệ tam quốc tế cộng sản nói chung!-Rồi những người vốn là con đẻ từ lò CS như Bùi Tín,Dương thu Hương vv và giờ đây thêm anh chàng HUY Đức ,cũng đều được phe ta tại hải ngoại,lúc nào cũng làm quân tử Tầu,khen lấy khen để ,rồi thì sao?-Cũng lại là cái vòng luẩn quẩn để từ từ người CS thu gom cho gọn tầng lớp người Việt hải ngoại về một mối cho trọn tình với chế độ CHXHCN/vn mà thôi!