Văn Thánh trồng thông
Võ Thánh trồng Bàng
Ngó qua Xã Tắc hai hàng Mù U… Ca dao Huế
Vườn Quê Xa mang ước vọng hội nhập phần nào cây trái quê hương thân thương mịt mù xa cách, nên ráng thu gom được nhiều loại, và bài này riêng về thông, bàng và mù u.
Thông nơi này là Slash Pine, không giống thông nhựa hai lá núi Ngự Bình, đàn Nam Giao, rừng Đan viện Thiên An phía Tây Nam thành phố Huế, hay thông năm lá Đà Lạt, tuy cùng thuộc họ Pinaceae, nhưng là loại Pinus eliottii, lá có nhiều chùm liền nhau ngay đầu cành, trông giống cái chổi. Dưới gốc thường hay có lá kè rẽ quạt Saw Palmetto khắng khít kề cận.
Kè rẽ quạt Saw Palmetto kề cận thông Slash Pine thân uốn cong. Hình TTLH, 15 tháng 10, 2015
Thông ở Huế trồng nhiều tại Văn Thánh, tức là Văn Thánh Miếu, thôn An Bình làng An Ninh, huyện Hương Trà, xây cất năm 1808 thời Vua Gia Long nhà Nguyễn, thờ Đức Khổng Tử, Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và các bậc hiền nho xưa. Văn Thánh có 32 rùa đá đội 32 tấm bia ghi tên họ 293 Tiến sĩ và những nhân vật lịch sử, trong số có Cụ Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng, Dương Khuê, Nguyễn Thượng Hiền, Chu Mạnh Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng…
Văn Thánh trồng thông mang ý nghĩa tôn kính những bậc thông thái tài đức học rộng hiểu biết nhiều am tường cuộc sống, đem trí huệ khuyến học giúp đời.
Võ Thánh tức là Võ Thánh Miếu bên trái Văn Thánh, xây năm 1835 dưới thời Vua Minh Mạng, cũng tại làng An Ninh. Sách Đại Nam Thực Lục ghi rõ Võ Thánh không có rùa đá đội bia như Văn Thánh nhưng nhiều bài vị thờ Đức Trần Hưng Đạo thời nhà Trần, Lê Khôi anh hùng thời nhà Lê, Trương Minh Giảng, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, Tôn Thất Hội thời nhà Nguyễn… Triều đình nhà Nguyễn trọng các anh hùng Trung Hoa, nên cũng có bài vị thờ Khương Tử Nha nhà Chu, Quản Trọng nước Tề, Trương Lương, Gia Cát Lượng nhà Hán, Nhạc Phi đời nhà Tống. Đặc biệt ven đường vào Văn Thánh trồng nhiều cây Bàng.
Bàng tên khoa học Terminala catappa L. họ Trâm bầu Combretaceae, tiếng Anh gọi Tropical almond tree, tên chữ của bàng là Sơn Phong có tàng xòe rộng như chiếc lọng và cuối Thu là đỏ rực tương tự lá Phong Trung Hoa.
Võ Thánh trồng bàng có tàng xòe che chở bào vệ vùng đất chung quanh, như tướng sĩ rộ rỡ tài nghệ cùng luận bàn phụng vụ gìn giữ, bảo vệ quê hương.
Văn Thánh và Võ Thánh đều nằm phía tả ngạn sông Hương, gần Chùa Thiên Mụ về phía Tây.
Về Xã Tắc – có nghĩa là quốc gia – thời trước, đã có đàn Xã Tắc nhà Đinh tại Hoa Lư, đàn Xã Tắc nhà Lý, đàn Phong Vân cầu mưa và được mùa tại Hà Nội, đàn nhà Trần tại Thiên Trường, đàn Xã Tắc nhà Hồ tại Tây Đô.
Đàn Xã Tắc nhà Nguyễn do Vua Gia Long dựng năm 1806 thuộc xã Ngưng Tích phường Thuận Hóa tức là ngay tại kinh đô Huế, phía tay phải Đại Nội, trên đường Xã Tắc – nay là đường Trần Nguyên Hãn – thờ Thổ thần – Thái Xã thần – cầu sung mãn mùa màng quốc thái dân an – và Thái Tắc thần – là nơi giao tiếp giữa Trời Đất, để con Người được an hưởng thanh bình an lạc. Từ đó gọi tện là đàn Xã Tắc, tượng trưng quốc gia dân tộc.
Trong khuôn viên đàn cũng có thông, bàng, nhưng nhiều nhất là mù u ngay ngõ.
Ngó qua Xã Tắc… hai hàng Mù U…
Mù u có tên khoa học Balsamia inophyllum L. còn có tên là Hồ đồng hay Cồng, tên chữ là Nam Mai, mọc vùng ven biển từ Ấn Độ dương, Thái Bình dương, Úc, Nam Phi… và các quần đảo tức là những vùng nhiệt đới trên thế giới. Florida rất nhiều mù u.
Mù u có một vị thế quan trọng trong lịch sử nước ta, đặc biệt dưới triều nhà Nguyễn tiếp xúc với Tây phương, trong giai đoạn truyền giáo của các giáo sĩ Pháp và Tây Ban nha.
Mở rộng đế quốc tìm thuộc địa và truyền giáo, năm 1858 Hải quân Pháp đổ bộ lên Cảng Tourane Đà Nẵng, mở đường xâm lăng dưới danh nghĩa truyền giáo, trong khi nhà Nguyễn chống đối, cấm đoán, bắt bớ, trừng trị những người theo đạo, và còn giết hại các giáo sĩ.
Vua Tự Đức cử ông Nguyễn Tri Phương làm Quan Thứ Tổng thống Đại thần, trực tiếp chỉ huy quân binh chống Pháp, cùng thủ lĩnh địa phương là ông Ông Ích Khiêm xây cất đồn lũy thủ thế. Dân làng Phong Lệ đồng loạt hưởng ứng dàn trận mù u, quân Pháp không tiến lên được.
Giai thoại về ông Ông Ích Khiêm
1- Thuở nhỏ đun nước pha trà mời khách:
– Giang sơn một nắm trong tay
Phần lo việc nước, phần hay nỗi trà…
2- Lúc hàn vi cày ruộng nhưng vẫn học đến Cử nhân, rất cương cường, liêm khiết, dạy dân khai hoang lập địa làm thủy lợi, đắp đường giao thông, trị roi cả chánh tổng sâu mọt.
3- Năm 1858, khi Pháp đem tàu chiến đánh phá Đà Nẵng, ông được triều đình cử phụ tá giúp tướng Nguyễn Tri Phương, cùng dân làng tham gia chiến dịch
– Phen ni coi bộ lu bu
Rủ nhau đánh trận mù u giữ làng…
-Trái chi nho nhỏ thiệt nhiều
Mắc hai thứ bệnh cũng liều đánh Tây!!!!
4- Thịt Chó
Thết đãi các quan trong triều tại nhà, chỉ một món thịt chó chế biến kỳ diệu trình bày thật ngon mắt ngoạn mục.
Các quan xơi hết không biết là món gì, bèn hỏi.
– Đó là món “Ngu Trung”: tất cả các mâm từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài đều là “chó” hết!”
Sau đó ông gọi gia nhân mang nước, chậm mãi không thấy, lại quát:
– Nước đâu??? Thật là một lũ vô tích sự, chỉ lo mỗi việc nước mà cũng không xong!
Cứ mải ăn mải chơi thôi!!!
Pháp không chiếm được Đà Nẵng nên bỏ cuộc, bèn quay xuống phía Nam đánh thành Gia Định. Tướng Nguyễn Tri Phương lại được ủy nhiệm trông coi việc quân sự miền Nam, nhưng không thành. Năm 1859, Pháp chiếm ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường và đảo Phú Quốc.
Vua Tự Đức phải ký hiệp ước nhượng ba tỉnh này cho Pháp. Cùng năm đó, Pháp ra Bắc chiếm các tỉnh miền Bắc, lập chế độ “bảo hộ”.
1869, thừa thắng, Pháp chiếm luôn mấy tỉnh còn lại trong Nam – Vĩnh Long, Châu Đốc, An Giang, Hà Tiên – lập thành thuộc địa Cochinchine. Miền Trung có triểu đại nhà Nguyễn đang cai trị, Pháp đặt dưới quyền một Khâm sứ. Pháp chiếm luôn Campuchia và Lào, lập thành Liên bang Đông dương Union Indochinoise/ Indochine francaise/ Đông Pháp, gồm Nam Kỳ Cochinchine, Bắc Kỳ Tonkin, Trung Kỳ Annam, Lào, Camppuchia, và Quảng Châu/Kouang-Théou-Wan phía Nam Trung Hoa.
Nhân danh triều đình Huế, Pháp cũng chính thức kiểm soát quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có ghi trong Bản đồ Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ thời Vua Gia Long/Minh Mạng, ghi Vạn Lý Trường Sa Hoàng Sa – tức là quần đảo Paracels – y hệt như trên bản đồ Tây phương.
Đại Nam nhất thống toàn đồ năm 1834 với Vạn Lý Trường Sa.
Năm 1816, một hải đội hùng hậu xuất phát và đưa vua Gia Long đích thân đến đảo, làm lễ thượng Long tinh kỳ và cắm mốc chủ quyền Việt Nam.
Trong cuốn Thế giới, Lịch sử và Mô tả các Dân tộc Nhật, Đông Dương, Ceylan (1850), tác giả M.A Dubois de Jancigny ghi chép tỉ mỉ sự kiện này: “Chúng tôi quan sát thấy rằng từ 34 năm nay, quần đảo Paracels (người An Nam gọi là Cát Vàng/Hoàng Sa), một mê hồn trận thật sự của các đảo nhỏ, các đá hoang dã, đã được người Nam kỳ (Cochinchine) chiếm hữu. Chắc chắn rằng vua Gia Long đã gắn thêm vòng hoa này vào vương miện của người. Ngài đã thân chinh tới đó vào năm 1816 và long trọng kéo cờ của Nam kỳ lên đó”.
Giám mục Jean-Louis Taberd trong Ghi chép về Địa lý Nam kỳ cũng xác nhận: “Paracels (Bãi Cát vàng), năm 1816 ngài đã tới đây, long trọng cắm cờ, chính thức chiếm hữu các đảo đá, và không có ai tranh giành cả”.
Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn có ghi rõ Đảo Đại Trường Sa thuộc phủ Quảng Ngãi.
Sau khi mất mấy tỉnh miền Nam, nhà Nguyễn chỉ định cụ Phan Thanh Giản Thượng thư Bộ binh làm Chánh sứ, cụ Phạm Phú Thứ – một vị quan có đầu óc rất duy tân thời đó – làm phó sứ và cụ Ngụy Khắc Đản sang Pháp xin nộp phạt và chuộc những tỉnh này. Không thành công, nhưng các sứ thần chứng kiến nền văn minh Tây phương, về nước tâu lại triều đình, thì bị Vua và các quan cho là đi xa về nói phét/ láo… và bị Tây mua chuộc!!!!
Học giả khảo cổ Vương Hồng Sển trong cuốn Nửa Đời Còn Lại ghi khi Cụ Phan đi sứ bên Tây về tâu: bên nước Pháp có thiết kiều (cầu bằng thép), có thạch lộ (đường lát đá), thì các quan trong triều chê rằng đi xa về nói khoác. Các quan bảo nước ta phú hữu tứ hải mà còn không đủ thép làm gươm, mà sao họ có thép làm cầu; họ làm gì có đá để lót đường vì trong khi nước ta không đủ đá để mài gươm cho sắc bén!!!
Được biết bản Tây Hành Nhật Ký/Nhật Ký Đi Tây của Phạm Phú Thứ – có hiệu đính của Phan Thanh Giản và Ngụy Khắc Đản – có những đoạn ghi chép như sau:
Khi mới đặt chân đến Pháp, phái đoàn lưu trú tại một khách sạn ở Marseille, nhật ký mô tả:
“Quán bảy tầng, gồm có trăm phòng, bàn ghế, màn trướng phần lớn đều dùng gấm, đoạn để trang trí. Ban đêm thắp đèn khí sáng hơn đèn dầu hoặc đèn nến (có nhà máy khí, lấy than đốt thành khí rồi chứa lại để bán khắp nơi); cây đèn ở các nhà đều trống ở giữa và thông ngầm với ống sắt; ống sắt dẫn khí phân phối cho các nơi để thắp đèn; ngọn đèn nhỏ, nhưng ánh sáng trắng như ngọc)…”
Mô tả quan cảnh đèn đường vào ban đêm, nhật ký đã viết:
“Ngày mồng sáu… Đêm ấy, giờ Tuất, người ta lại mời ra đường xem đèn: hai bên vệ đường, trồng cách khoảng liên tiếp những cột sắt (cột cách nhau ba hoặc bốn tượng cao năm, sáu thước), trên cột mắc đèn pha lê thắp bằng khí đốt. Ở các cửa hàng buôn bán, mỗi gian đều có đèn treo thắp sáng; phía trong cửa kính, bày la liệt các thứ hàng. Có nơi ở ngoài sân, người ta làm những ống sắt cong và đặt lên trên giá gỗ. Người ta cũng bắt ống pha lê để làm những biển hiệu ngoài cổng, có khi người ta lại đặt ngang trên cổng những ống pha lê để hơi bốc cháy. Trong ngoài ánh sáng chan hòa, đường phố sáng như ban ngày…”
Trong thời gian ở Pháp, phái đoàn cũng được đi xem sở sản xuất khí đốt:
“Ở chỗ chứa khí, có đặt ống, ống cũng có máy để tiện mở và khóa hơi, chạy tỏa ra khắp các nhà và đường phố ở thành thị. Ống này ống nọ dẫn khí đến ngòi đốt; lấy lửa châm đầu ngòi, khí bắt lửa cháy lên, sáng tỏ bội thường, (chỗ ngòi đốt cũng có máy, lúc thắp, vặn máy thì khí phun ra và cháy; lúc tắt, cũng vặn máy, khí hút vào và tắt). Ngọn đèn để trong lồng kính và có tán. Ngoài đường phố, trong buồng, trên tường, trên giàn, thường đèn đều thắp bằng khí. Người mua khí tính theo thời khắc, giá so với dầu hoặc sáp thì khá rẻ”.
Có thể triều đình nhà Nguyễn cũng biết thế giới văn minh tiến bộ nhưng không biết tiến bộ đến mức nào, lại không mấy phấn khởi về những canh tân cải cách, trong khi các quan mệt mỏi sau thời bôn ba nay cho là lúc hưởng lộc ngồi mát ăn bát vàng.
Trong lúc đó, đặc biệt có một danh sĩ trẻ tuổi trí thức đầu óc tân tiến uyên bác thông tuệ, từng soạn thảo nhiều kế hoạch ích quốc lợi dân đệ trình triều đình, nhưng chẳng hể được cứu xét.
Đó là Nguyễn Trường Tộ (1830-1871), tục gọi là Trạng Tộ.
Nguyễn Trường Tộ xuất thân trong một gia đình theo Công giáo, tại làng Bùi Chu huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An, từng hấp thụ Hán học với phụ thân và các giáo sĩ, dạy học tại Nhà Chung Xã Đoài, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An. Ông văn hay chữ tốt đầu óc canh tân, nhưng không đỗ đạt vì là người Công giáo không được đi thi, hoặc ông không muốn theo đường khoa cử. Ông được Giám mục Gauthier Giáo phận Xã Đoài dạy tiếng Pháp và khoa học Tây phương , từng làm thông dịch cho các vị Giám mục, từng đi nhiều nơi trong nước giúp đỡ nhân dân, từng du học hoặc theo các phái đoàn giáo sĩ chu du khắp năm châu bảy biển, từng tiếp xúc với sứ bộ Cụ Phan trước và sau khi qua Pháp chuộc các tỉnh miền Nam, thảo luận nhiều vấn đề xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong số trên 50 bản điều trần kiên trì nhẫn nại đệ lên triều đình, Nguyễn Trường Tộ ghi rõ nhiều vấn đề cải tổ canh tân tự lực tự cường, phát triển đất nước, về chính trị, ngoại giao, nội chính, tài chính, kinh tế, học thuật, võ bị, văn hóa, tôn giáo… Nhưng tất cả đều bị nhà vua và các quan thờ ơ lãnh đạm…
Sự thất bại đã được chính Nguyễn Trường Tộ kết tinh trong hai câu thơ lúc cuối đời: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận/ Tái hồi đầu thị bách niên cơ” Một bước lỡ thành muôn kiếp hận/ Ngoảnh đầu nhìn lại đã trăm năm!
Trăm năm… Chưa tới trăm năm – Nguyễn Trường Tộ qua đời tuổi mới 41 – chỉ 14 năm sau, người linh thiêng một lòng yêu nước, chắc hẳn thật đau lòng xót ruột chứng kiến tang thương ngẫu lục khi Ngó qua Xã Tắc hai hàng mù u dưới thời Vua Hàm Nghi!!!
Mù và u: mù không thấy, không thức thời; và u, ngu muội, u mê ám chướng…
Người trực tiếp chứng kiến trận mù u là một vị nho học: cụ Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại (1858-1945).
Cuốn Lô Giang Tiểu sử viết bằng chữ Hán, do hậu duệ Nguyễn Hy Xước (1902-2000) phụng dịch tiếng Việt, in ro-neo năm 1947, và vãn bối hậu hậu duệ này được một bản tặng.
Bên dưới là hình chụp hai trang 35 và 36 liên hệ trận mù u, xẩy ra đêm 22 rạng ngày 23 tháng 5 Ất Dậu 1885, dưới thời Vua Hàm Nghi triều Nguyễn, trên con đường gần Mang Cá đến Đại Nội. Đồn Mang Cá tên chữ là Trấn Bình đài, về phía Đông Bắc cố đô, bên bờ Sông Hương, vị trí trấn giữ quan trọng từ Biển Đông vào kinh thành Huế.
Kế hai hình này là hình mới Trấn Bình môn cửa vào Trấn Bình đài Đồn Mang Cá, từ báo điện tử của Hà Nội http://www.baomoi.com/Dau-
Trấn Bình Môn, cửa vào Trấn Bình Đài
Báo điện tử Hà Nội http://www.baomoi.com/Dau-
“Ngày 7 tháng 2 năm 1968, một trong những vụ tập kích đường không hiếm hoi của Bắc Việt, 4 chiếc IL-14 của Không quân Nhân dân Việt Nam cất cánh từ Gia Lâm với mục tiêu ném bom đồn Mang Cá nhưng thất bại do không định vị được mục tiêu, kết quả 3 chiếc bay về an toàn, 1 chiếc bị rơi”.
Lưu ý: máy bay IL-14 là của Liên Xô tham chiến tại Việt Nam, bên cạnh Trung Quốc.
Đó là bằng chứng không chối cãi được như ghi rõ trên cổng đền thờ Lê Duẩn:
Ôi! Liên Xô là nước lạ, mà Trung Quốc lại càng quá quá ư là “nước lạ” từ bốn nghìn năm trước, may ra là nước quen qua một nghìn năm đô hộ, mà sao cả toàn đảng toàn quân toàn dân cùng học tập tư tưởng đạo đức gục mặt cúi đầu theo khuất phục???!!!!
Cớ sao có “16 chữ vàng” và “4 tốt”???
Cái gọi là “16 chữ vàng “Trường kỳ ổn định/Ổn định lâu dài; Diện hướng vị lai/hướng tới tương lai; Mục lân hữu hảo/láng giềng hữu nghị; Hợp tác toàn diện/hợp tác toàn diện” và 4 Tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt; đối tác tốt”.
Rất nhiều báo điện tử của nhà nước Hà Nội hay bất cứ báo nào khác trên thế giới đều ghi rõ Việt Nam gáy trên guiness có cả trên 24 ngàn giáo sư, tiến sĩ và cả trăm ngàn kỹ sư nhưng…không sản xuất được một sản phẩm nào, dù chỉ là con ốc vít. Hãy thử bắt đầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa bằng sản xuất thành công cái sạc pin và con ốc vít trước khi nói đến những thứ to tát khác.
Văn Thánh trồng Thông
Võ Thánh trồng Bàng
Ngó qua Xã Tắc hai hàng Mù U…
Ôn cố tri tân, mù u, mù u ơi, mù u!!!!! Ôi mù u!!!!
Ôi Nam quốc, Nam quốc sơn hà xã tắc!!!!!!
南國山河 NAM QUỐC SƠN HÀ
Lý Thường Kiệt 李常傑 (1019 – 1105)
南國山河南帝居 Nam quốc sơn hà Nam đế cư
截然定分在天書 Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
如何逆虜來侵犯 Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
汝等行看取敗虛 Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Sông núi nước Nam, quyền vua Nam
Hiển nhiên Thiên định hẳn không lầm.
Giặc bay trái mệnh đòi xâm chiếm
Thảm bại trông kìa, hỡi lũ tham.
Nguyễn Đăng Thục (1909-1999)
Trần thị LaiHồng