Không có Julian Assange, WikiLeaks sẽ đi về đâu…
Việc người chủ xướng trung tâm phát tán tin tức Wikileaks là Julian Assange đã sa lưới, và có thể lãnh án tù tại Thụy Điển, sẽ ảnh hưởng thế nào đến công việc còn lại của Wikileaks?
Chúng ta có thể thông cảm cho những khó khăn ấy. Đi ăn cắp tin trong bóng tối – của nhà tù tại Trung Quốc chẳng hạn – thường vất vả và nguy hiểm hơn là đào tin về chính trị hay kinh doanh ngân hàng tại Mỹ.
Hệ thống thông tin tự phát này mới ra đời từ cuối năm 2006 và làm việc trên không gian ảo của điện toán – cyberspace – chứ không là một doanh nghiệp có tổ chức hẳn hòi, với Hội đồng Quản trị, các Chủ tịch hay Tổng Giám đốc, Tổng quản trị và có thủ tục kế nhiệm khi một người bị tê liệt. WikiLeaks chưa được định chế hóa ở bên trong và dù đang làm việc trong các đại học Mỹ, một vài nhà đấu tranh cho dân chủ của Trung Quốc – ngày xưa – như Vương Đan hay Vương Hữu Tài trong hội đồng cố vấn của hệ thống này cũng chẳng thể thay thế được kể chủ trì.
Đâm ra, lý tưởng giải phóng nhân loại nhờ chân lý của thông tin chỉ là trò cười: hậu quả của đòn tấn công toàn diện đó có thể là người thì mất mạng vì an ninh tình báo bị phanh phui, đó là những người đang ở tuyến đầu của trận chiến chông khủng bố. Nhẹ nhất thì nhiều người cũng mất việc, nếu là nhân viên ngoại giao hay quốc phòng đã vì chểng mảng công vụ mà để tiết lộ bí mật.
Trước hết, Julian Assange là người cực kỳ thông minh và có tài.
Thông minh vì hiểu ra ảnh hưởng rất lớn của khoa học điện toán trong việc thu thập và truyền bá thông tin. Có tài vì từ năm 2006 đã bắt tay vào việc xây dựng một “hệ thống tiết lộ bách khoa”. Mục đích nguyên thủy là dùng thông tin để cải tạo xã hội con người, nhất là các chế độ độc tài tại Phi Châu, Á Châu và các quốc gia trong khối Xô Viết cũ. Vì vậy, Assange là một hiện tượng đáng chú ý, và lúc ban đầu WikiLeaks được sự hưởng ứng của rất nhiều người.
Thấy có chuyện gì bất bằng vì gây bất công, hoặc mờ ám, là họ tìm hiểu, thu thập tin tức và phóng cho WikiLeaks tung ra khắp nơi. Như một khẩu hiệu của nhà làm từ điển Larousse thời xưa, WikiLeaks đã “góp lại từ bốn phương và tung ra khắp bốn phương”, và còn được nhiều giải thưởng của các cơ quan truyền thông hay tranh đấu cho nhân quyền.
Nhưng , ngoài cái tật trăng hoa Julian Assange lại mắc hai bệnh. Thứ nhất là hèn và thứ nhì là chủ quan đến độ vĩ cuồng.
Hèn vì không dám đào vào mạch tin của các chế độ hung đồ hay độc tài như Trung Quốc, Iran, Bắc Hàn, Miến Điện, Belarus, Kazahkstan, Venezuela, v.v… theo như tôn chỉ ban đầu. Người ta rất muốn biết và cần biết về nhiều chuyện mờ ám trong kinh tế hay chính trị của mấy xã hội đó. Nhưng WikiLeaks với không tới, Ngược lại, chỉ tập trung khai thác tin tức của các xã hội rộng mở, nhất là Hoa Kỳ, nơi mà quyền tự do thông tin được Hiến pháp bảo vệ qua Tu chính án số Một và mọi quyết định kiểm soát hoặc truy tố đều là nan giải.
Tội vĩ cuồng – megalomane – của Assange mới là điều lý thú.Cuối tuần trước, anh ta còn tuyên bố rằng hình thái thông tin trên mạng điện toán ngày nay đang làm thay đổi quan hệ giữa các quốc gia. Nghĩa là điện toán sẽ cải tạo cả thiên hạ đại thế – “geopolitics”. Như mọi đứa trẻ khi vừa có đồ chơi mới, hoặc nhân loại sau một phát minh tân kỳ, người ta thường cho rằng thế giới từ nay sẽ đổi khác. Chuyện ấy có thể đúng trong sinh hoạt của xã hội.
Chứ trong quan hệ giữa các quốc gia với nhau, những động lực chìm và nổi của con người, của quyền lợi xã hội, hoặc ranh giới quốc gia, vẫn tiếp tục vận hành. Địa dư chính trị sẽ khai thác khoa học kỹ thuật mới để làm phương tiện chứ không vì khoa học thông tin mà thay đổi.
Khi tung ra tin tức đánh cắp từ hệ thống ngoại giao Hoa Kỳ, Julian Assange có thể tìm cách thực hiện ước vọng lạc quan ấy: làm thay đổi quan hệ của Hoa Kỳ với các đồng minh qua những tiết lộ gây lúng túng cho mọi người trong cuộc. Nhưng dù chưa thấy hết tất cả 250 ngàn tài liệu đã bị đánh cắp, người ta đều có thể biết rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ với – thí dụ – Liên bang Nga, Trung Quốc, Âu Châu, Nhật Bản và cả khối Hồi giáo, v.v… bị chi phối bởi rất nhiều động lực khiến cho giới ngoại giao của các quốc gia này mới suy nghĩ hay ăn nói như vậy. Dù rằng chuyện đối đãi với nhau có thể bị phanh phui thì cũng không làm thay đổi sự thể khách quan mà chỉ khiến giới ngoại giao thận trọng và khéo léo hơn.
Nhưng, chẳng khác gì Karl Marx cách đây hai thế kỷ, Julian Assange nhìn sự thể toàn cầu qua một ống bút của khoa học để chỉ thấy một góc của toàn cảnh. Và mắc bệnh vĩ cuồng khi muốn dùng ống bút đó làm thay đổi bộ mặt thế giới.
Sở dĩ như vậy vì cậu bé này không là người cô độc. Khi đề xướng chuyện phanh phui trong tinh thần “sự thật sẽ giải phóng chúng ta”, Julian Assange được sự hưởng ứng của nhiều người. Những người lý tưởng và có một chút kiến thức về thông tin điện tử thì nhảy vào trò chơi lớn – vì kích thước toàn cầu và mục tiêu vĩ đại. Tuần qua, khi thấy trưởng tràng Julian Assange bị bắt và mạng WikiLeaks bị tắt, họ còn muốn trả thù cho sư huynh và tiếp tục cuộc cách mạng vĩ đại của nhân loại, bằng cách tấn công hệ thống thông tin của các hãng Visa hay MasterCard. Cho bõ ghét!
Nhiều người cũng vì lý tưởng – hoặc chỉ là một lũ có tiền mà háo danh – thì nhảy ra trước báo chí, đòi nộp tiền thế chân cho Julian Assange. Hy vọng giải phóng người hùng thì ít, kỳ vọng “phải có danh gì với núi sông” mới là chính. Cũng lại trò lấy tổn thất làm nhiệt tình cách mạng.
Trào lưu om xòm đó sẽ không gỡ bí cho Julian Assange vì những hành vi cá nhân mà xã hội và luật pháp Thụy Điển cho là có tội. Sau khi được dẫn độ từ Anh quốc qua Thụy Điển, kẻ chủ trì WikiLeaks có thể sẽ lãnh án tù ít ra bốn năm. Giữa hai nhà tù Anh và Thụy Điển lại còn có Hoa Kỳ và cả trăm phép đánh về pháp lý để phế bỏ võ công của Julian Assange.
WikiLeaks sẽ là rắn không đầu kể từ Thứ Ba mùng bảy tháng 12, khi Julian Assange ra đầu thú cảnh sát Anh quốc. Từ nay, WikiLeaks sẽ ra sao?
Có đặc tính lãng mạn và dấp dẫn, WikiLeaks cũng chẳng là một hội kín theo kiểu Thiên địa hội với các hương chủ hay đường chủ để tiếp tục công việc khi thủ lãnh bị sa lưới…
Chúng ta hiểu rằng WikiLeaks là một tổ chức tự phát, phi chính phủ và cũng chẳng có một nhóm cổ đông canh chừng quyền lợi đầu tư như trong một doanh nghiệp. Tổ chức có lợi thế là cả ngàn cảm tình viên “đáp lời sông núi” của lãnh tụ mà đứng lên làm việc nghĩa. Nhưng lãnh tụ là yếu tố quyết định quan trọng nhất. Lãnh tụ bây giờ chuẩn bị đếm lịch và WikiLeaks mất minh chủ.
Mà minh chủ mắc vòng lao lý không vì lý tưởng nghĩa hiệp mà vì không biết cài quần! Chính nghĩa giải phóng nhân loại bằng sự thật đã bị vấy bùn, khiến nội bộ đã có tranh luận cũng khá nhạy cảm. Người ta không chờ đợi nhà vô địch về thông tin là WikiLeaks sẽ phanh phui hay công bố những tranh luận nhạy cảm đó! Chuyện tự ý kiểm duyệt là trò hhôi hài và tục tĩu.
Không chỉ có vậy, WikiLeaks còn mất hậu cần và tiếp vận.Các trung tâm tụ tán tài liệu mật đều bị tấn công và hệ thống Amazon cùng nhiều cơ quan khác đã từ chối cung cấp cửa ngõ tiếp vận cho WikiLeaks. Đã thế, huyết mạch của WikiLeaks không chỉ là tin mà còn là tiền. Có thể chi tiền hay làm dịch vụ chuyển tiền cho hành động nghĩa hiệp của WikiLeaks, hệ thống PayPal đã khóa vòi. Visa và Mastercard cũng ngưng dịch vụ chuyển tiền. Hết tiền là chấm dứt cách mạng!
Là người thông minh, Julian Assange có thủ thân bằng ngón võ bắt bí. Đó là cho biết rằng mình còn cả núi tài liệu – một kho dữ liệu có bộ nhớ lớn bằng 1,4 Gigabites – và nếu bị bắt thì sẽ chơi trò “thiên địa đồng thọ”: cho cả ngàn người biết mật mã để tung các tài liệu này ra ngoài nếu thủ lãnh bị bắt.
Thứ hai, chính là việc xả luôn khối tài liệu mật sẽ khiến thủ lãnh WikiLeaks càng thêm nặng tội! Án tù không phải là bốn năm vì tội giao du tình dục mà có mặc áo mưa hay không. Án tù là cố tình gây phương hại cho người khác. Nói chung, ngoài thành phần thiên tả và một số cơ quan truyền thông tuyệt đối ưa thích thông tin tuyệt đối, đa số dân Mỹ không có thiện cảm với chuyện này.
Bồi thẩm đoàn của các phiên toà trong tương lai cũng vậy.
Là một tổ chức tự phát và non trẻ, WikiLeaks có thể không vượt qua một cơn “khủng hoảng lãnh đạo” như vậy. Đây là con rắn mất đầu và đang bị lột da. Nhưng, hiện tượng mới này không chỉ có con rắn WikiLeaks mà là một con rết trăm chân.
Không có WikiLeaks cũng vẫn còn rất nhiều người vì háo danh hay lý tưởng sẽ nhảy vào cuộc. Rút kinh nghiệm của WikiLeaks và lãnh tụ Julian Assange, họ sẽ khai thác những lợi thế sẵn có của khoa học thông tin để chơi lấy tiếng. Nhìn trên toàn cảnh, con rết vừa bị chặt mất một chân. Nên vẫn tiếp tục bò. Nhưng thà như vậy cũng còn hơn những con giun của hệ thống thông tin trong các xã hội độc tài.
Điều mỉa mai là khi phát động chuyện cải tạo xã hội con người bằng thông tin minh bạch, Julian Assange và WikiLeaks không dám cải hóa những con giun đó! Đáng tiếc…
Nguyễn Xuân Nghĩa