Lịch Sử Tư Tưởng Chính Trị Thế Giới — Di Sản Tư Tưởng Chính Trị Hy Lạp-La Mã — “Phép Lạ Hy Lạp”: Bài Học Của Di Sản Tư Tưởng Chính Trị Hy Lạp Cho Người Việt Nam
Thế kỷ thứ V trước CN, người ta hân hoan chào đón sự ra đời của Khổng Tử ở Trung Hoa, của Phật Thích Ca Mâu Ni ở Nepal, một nước láng giềng của Ấn Độ. Nhưng ở bán đảo Grecia, vùng có hai Biển Địa Trung Hải và Egée, người ta ngây ngất với cái gọi là “Phép lạ Hy Lạp” đã hiện ra ở vùng này từ mấy thế kỷ trước.
Phép lạ ấy đã được bàn tới trong nhiều bài trước trong mục này, sẽ còn được sơ lược nhắc lại dưới đây, nhưng dưới góc độ một đóng góp cho người Việt Nam về kinh nghiệm tìm hiểu tư tưởng, kinh nghiệm chính trị.
Có thể nói tư tưởng chính trị Hy Lạp là một nguồn tư tưởng đã chói lọi từ thời Việt Nam còn mang tên gọi Hồng Bàng. Nhưng dường như cho đến nhiều ngàn năm sau, nguồn tư tưởng ấy vẫn còn xa lạ với người Việt Nam. Hay, nói một cách chính xác hơn, người Việt Nam chỉ có được những tiếp xúc trực tiếp, không phải với chính nó, mà với phó sản của nó là tư tưởng chính trị La Mã. Và, nếu cho rằng Việt Nam hiện nay đang thai nghén một hệ thống tư tưởng chính trị mới, mở đường vượt thoát khỏi cơn khủng hoảng toàn diện đang dẫn tới sự tan rã của cả một xã hội gần một trăm triệu người, thì “Phép lạ Hy Lạp” nên là một trong những ngọn đuốc chỉ đạo.
Những khuôn mặt hiền triết biểu tượng của “Phép lạ Hy Lạp”
Dưới mắt những người viết lịch sử triết học thì triết học phương Tây đã khởi đi từ thời thượng cổ ở Hy Lạp. Trí óc con người, bước đầu, đã dựa vào thần thánh, vào huyền nhiệm, để biết được những điều nó không biết hay chưa biết. Rồi dần dần, con người cảm thấy muốn thoát ra khỏi uy thế, ảnh hưởng của thần thánh, của huyền nhiệm. Nó muốn tự mình đặt lại các vấn đề của đời sống con người, dưới ánh sáng của lý trí, sáng tạo ra những suy nghĩ, sắp xếp thành hệ thống, về ý nghĩa của sự sống này, của con đường sống – đạo lý – cũng như về cách tổ chức cuộc sống chung, tức là về chính trị.
Lớp người có tài trí để làm công việc trên được gọi là “hiền triết”, người ưa thích tìm đến sự hiểu biết (philia, sophia, ái trí). Về điểm này, tưởng cũng nên nhấn mạnh trên ý kiến của Karl Jasper, một triết gia nổi tiếng người Đức, có ý nói rằng triết lý là lên đường, là đi trên đường, chú trọng đặt câu hỏi hơn là giải đáp.
Hậu thế, khi nhìn lại công trình suy nghĩ của các nhà hiền triết Hy Lạp từ thời thượng cổ , đã chia họ thành hai loại: những nhà hiền triết “trước Socrate” (présocratique) và những nhà hiền triết cùng thời và sau Socrate.
Cách chia loại này cho thấy ngay vị thế rất cao – nếu không nói là cao nhất – của Socrate. Phần dưới sẽ nói rõ, vì sao.
Câu hỏi cần được trả lời ngay là những nhà hiền triết gọi là trước Socrate là những ai, đặc điểm của họ ra sao, ảnh hưởng của họ đối với triết học từ thời Socrate như thế nào? Trong tình trạng thiếu sử liệu, bằng tác phẩm của chính những nhà hiền triết đó, người ta chỉ dựa được vào một số thông tin không đầy đủ, thường là qua thi ca, để nhận diện họ. Nói chung, họ đa số là những người chú trọng tìm hiểu về thiên nhiên, nhưng đồng thời họ cũng tiếp thu những kiến thức về toán học, địa dư, thiên văn học v.v…đến từ các vùng Tiểu Á, Cận Đông, rồi đem truyền bá cho người Hy Lạp. Một số danh tính đã được ghi lại như Pythagore (thiên văn học), Thalès(nước là nguồn của vạn vật, của sự sống), Anaximandre, Anaximène (không khí là nguồn gốc của vạn vật),Héraclite (thần học, chiến tranh, lửa là đầu mối của mọi thứ, vạn vật biến chuyển không ngừng), Anaxagore(chỉ có cá nhân là đáng kể : trời đất là tổ quốc), Parménide, Zénon (biện chứng), Démocrite (phái hạt nhân, atomiste, xu hướng duy vật) v.v…
Bên cạnh những nhà hiền triết chuyên về thiên nhiên này, còn có những triết gia thuộc phái Hùng Biện(Sophiste, còn có tên gọi tiếng Việt khác nữa, phái Ngụy Biện) là những người coi việc bàn luận về những chuyện thiên văn địa lý cao xa là viển vông, vô ích. Họ chỉ chú trọng tìm cách giải quyết những vấn đề cụ thể xẩy ra trong đời sống hàng ngày trong Thành Quốc, giữa các Thành Quốc. Đối với họ, lời nói trong xã hội đáng kể hơn là tư tưởng phiêu diêu trong cõi trừu tượng. Do đó, họ cho rằng phải có thái độ xử thế thích hợp như “thận trọng” (không thái quá), “vừa phải” (biết mình, biết ta, biết ngưng khi cần ngưng), “thích thời” (biết nắm thời cơ) v.v…Tóm lại, phải có một triết lý sống thưc tiễn để chung sống với mọi người trong Thành Quốc. Hai khuôn mặt chính của phái Hùng Biện là Protagoras và Gorgias.Và phái Hùng Biện đã làm cho Nhã Điển (Athènes) được tiếng là Thành Quốc của lý trí. Họ tự đặt cho mình biệt hiệu Sophiste, Hùng Biện vì họ tự coi là những nhà trí thức mới, những người có hiểu biết, có lý luận về đủ mọi vấn đề. Hơn nữa, lấy triết học lám nghề sinh sống, họ mở ra những lớp giảng dạy, phải trả học phí về triết lý sống thực tiễn, bước đầu của tự do tư tưởng. Trong cuộc sống, có đúng, có sai, không ai ngăn cấm ai nói điều đúng, điều sai.Vì đúng là đúng mà sai là sai. Chắc bởi lý luận như vậy cho nên sự hùng biện này đã bị chỉ trích là ngụy biện.
Nhìn chung, những nhà hiền triết “trước Socrate” đã tạo ra cho Hy Lạp, hơn hai mươi lăm thế kỷ trước đây, một nếp sinh hoạt triết lý phong phú, có bề rộng, bề sâu, từ đó đã được đề ra một số nguyên tắc cơ bản về thiên nhiên, về cuộc sống của con người trong xã hội. Nhưng triết lý, như K.Jasper đã nói, trước hết là nêu lên những nghi vấn-thuật ngữ triết học gọi là cuộc tra vấn (questionnement) để đi tới những khám phá về sự thật. Những nhà hiền triết “trước Socrate” đã tạo ra cho Socrate và học trò của ông, như Xenophon, Platonv.v…một đà tiến bộ mở đường cho văn minh của nhân loại. Socrate đã được coi là một dấu mốc quan trọng của hành trình văn minh này. Vì ông có một phong cách đặc biệt trong tư tưởng cũng như trong cuộc sống ngoài xã hội, vào thời điểm thế kỷ thứ V trước CN, xã hội này là Thành Quốc Nhã Điển. Phong cách của nhà hiền triết Socrate, như Ciceron nhận định, đã mang triết học từ trên trời xuống trái đất. Cũng là điều dễ hiểu khi người ta thấy Socrate và các học trò trực tiếp hay gián tiếp của ông, Platon và Aristote, được tôn vinh như ông, là biểu tượng của “Phép lạ Hy Lạp”.
Socrate và thông điệp “Hãy biết tự giác”
Có thể nói, tuy Socrate không có tác phẩm viết nhưng, qua các học trò của mình, ông đã để lại cho hậu thế rất nhiều thông điệp. Và tất cả các thông điệp của Socrate có thể gói ghém trong một câu rất ngắn “Hãy tự giác” (Connais-toi toi-même). Hãy tự biết mình. Câu nói có vẻ rất đơn giản. Nhưng phải biết mình là biết những gì? Người ta sẽ không khỏi ngạc nhiên khi được giải nghĩa rằng, trong tất cả những cuộc đối thoại của ông với mọi người (ông dã đối thoại với rất nhiều người, trong nhiều trường hợp, kể cả ở trong đời thường) ông chỉ muốn biết có một điều là người ông đối thoại có biết gì về chính mình hay không. Những dịp này,ông thường khám phá ra rằng nhưng người ông đối thoại cứ tưởng là họ biết rõ về chính họ, tuy họ chẳng biết gì. Mặc dù vậy, họ lại – có thể là vì mê mờ – không biết là “thực sự họ không biết gì về chính họ cả”. Ngược lại, Socrate biết rõ Socrate không biết gì về chính mình cho nên Socrate phải tìm hiểu, phải nêu lên nghi vấn về mọi chuyện. Tức là, có vẻ nói như diễu cợt, “điều phải tìm biết là điều không biết gì”. Có thể là cách đối thoại này thoạt đầu dường như để nói những lời nhạo báng người đối thoại ngu dốt hay để khiêu khích người ấy. Nhưng về sau, nghĩ lại, người đối thoại với Socrate mới thấy Socrate có lý và ngay thẳng. Biết rằng mình không biết gì, Socrate muốn thành thật với chính mình đồng thời cũng muốn người đối thoại với mình dám nhìn nhận sự thật ấy.
Hậu quả của phong cách sống khác thường này của Socrate – điều mà chính Socrate cũng không ngờ – là một vụ án sẽ được mở ra để xét xử phạm nhân Socrate mà phán quyết sẽ là tử hình. Thái độ của Socrate – không nhận tội mà cũng không chối tội – bình thản thụ hình có thể giải thích như là một lối ứng xử phản ảnh triết lý sống “Hãy tự giác” của Socrate.
Tuy cuộc đời của Socrate đã phải kết liễu một cách bất ngờ và bất thường, nó đã để lại cho lịch sử triết học Hy Lạp một khuôn mặt “quốc phụ”mở đường cho cổ đại bước qua tân đại. Đồng thời, Socrate cũng đã giúp cho Hy Lạp thử nghiệm mô hình “xã hôi mớ” (société ouverte), nói theo ngôn ngữ của Karl Popper.
Platon và Aristote: những người nối nghiệp Socrate
Platon và Aristote đều là những người nối nghiệp Socrate, nhưng mỗi người một cách. Platon trực tiếp theo học Socrate trong khi Aristote chỉ thực hiện những chủ trương của Soctrate thông qua học trò của Socrate là Platon. Vì Aristote ra đời sau khi Socrate đã lìa đời. Ngoài ra, cũng nên biết rằng Aristote là học trò, trước khi trở thành đồng nghiệp của Platon. Dù vậy, Aristote vẫn có nhiều điểm bất đồng ý kiến với Platon. Cho nên, Platon và Aristote đã không theo một đường lối hoạt động chung.
Nếu mục tiêu mà cả Platon lẫn Aristote đều theo đuổi là “Chí Thiện” cho con người, cho Thành Quốc thì mỗi người lại hiểu điều Chí Thiện đó theo một cach khác nhau. Đối với Platon, Chí Thiện là sự thể hiện cho con người và cho xã hội Ý Niệm Thiện tuyệt đối ở ngoài con người, trong thế giới siêu hình, nơi con người đã thăng hoa. Còn dưới nhãn quan của Aristote thì Chí Thiện phải hàm hữu nơi chính con người, ở ngay trong xã hội. Tức là Platon và Aristote đã đi từ hai ngả đường khác nhau để tiến về mục đích chung trong từ ngữ là Chí Thiện. Cả hai cuộc hành trình này đều đòi hỏi những kiến thức về hai thế giới hình nhi thượng, hình nhi hạ, những kiến thức triết lý, khoa học, họp thành một lý tưởng chính trị mà Socrate cổ võ. Sự dị biệt này đã mang lại cho “Phép lạ Hy Lạp” những nét đặc thù làm chất liệu xây dựng văn minh nhân loại trải qua các thời đại.
Bài học của di sản tư tưởng chính trị Hy Lạp cho người Việt Nam
Thời điểm xuất hiện của “Phép lạ Hy Lạp” là vào thế kỷ thứ V trước CN, tức là cuối thời Hồng Bàng ở Việt Nam. Chúng ta vẫn tự hào rẳng nước mình từng có trên bốn ngàn năm văn hiến. Di sản tinh thần mà người Việt thời xưa đã để lại cho con cháu, nếu đem so sánh với di sản tinh thần Hy Lạp, thì không thể không nhìn nhận rằng di sản Hồng Bàng rất “thanh bach”. Những huyền thoại ngọai sử, những văn liệu minh sử, đã không nói gì nhiều để giúp cho con cháu người Việt thời xưa, trong cuộc sống hiện nay, nhận diện được nếp sống của ông cha thời cổ. Có nên nêu lên một giả thuyết theo đó, trong hiện trạng, các ngành nhân loại học, khảo cổ học, dân tộc học, sử học của chúng ta vẫn còn đang dậm chân tại điểm khởi hành. Vì thế cho nên câu kết luận tạm thồi phải rút ra là, hoặc người xưa đã chẳng có gì nhiều để lại cho con cháu, hoặc có mà con cháu chẳng biết đường nào mà kiểm kê…
Nếu mình đã thiếu hụt thì tại sao không học của người? Thiết tưởng không có bài học nào qúy báu hơn “Phép lạ Hy Lạp”. Người Việt Nam hãy bắt đầu học bài học đó bằng tiết mục mở lòng mà người dạy không là ai khác hơn Socrate. :”Hãy biết mình”. Hãy tự hỏi mình xem mình đã biết được gì về chính mình. Và mình có tưởng lầm về những gì mình cho là biết về chính mình hay không? Nếu không thấy rõ được điều sai lầm thì làm sao kiếm được đường sửa sai cho đúng?
Người Hy Lạp thời cổ, vào thời điểm những thế kỷ thứ IV, thứ V trước CN, đã vượt qua biên cương của cổ đại để bước qua tân đại như thế nào? Cuộc chia tay của họ với thần quyền, với huyền thoại đã được triển khai ra sao? Kinh nhiệm Hy Lạp có giá trị vượt thời gian,vượt không gian. Di sản tư tưởng Hy Lạp là một trong những nguồn gốc của văn minh phương Tây. đã đóng góp một cách đáng kể cho con người, cho các xã hội ở phương Tây tư đầu CN tới nay.
Người Viềt Nam hiện nay đang ở vào đoạn đường nào trên con đường tiến hóa mà người Hy Lạp đã trải qua? Và người Việt Nam thực sự có muốn lên đường, rời bỏ những chặng đường của “lạc hậu” để di chuyển tới những chặng đường của “văn minh” không? Nếu kết quả của cuộc tự tra vấn của người Việt Nam cho thấy hiển lộ nguyện vọng, ý chí muốn đi chuyến đi lịch sử như người Hy Lạp đã đi cách đây trên hai mươi lăm thế kỷ, thì “Phép lạ Hy Lạp” sẽ cung cấp yếu tố để thiết lập lộ trình, lộ đồ…
Dĩ nhiên, học bài học di sản tư tưởng Hy Lạp sẽ không phải là nhắm mắt rập khuôn Hy Lạp, bắt chước làm giống như người Hy Lạp đã làm cách đây hơn hai nghìn năm trăm năm. Thời thế, con người, xã hội đã thay đổi. Mô hình Thành Quốc đã bị thay thế bằng những mô hình quốc gia, liên bang. Nhưng những khái niệm về chính quyền, về công dân, về tự do, về công lý, về bình đẳng, về pháp luật, về tuyển cử v.v…mà Phép Lạ Hy Lạp đã sáng chế ra thời xưa, ngày nay vẫn còn giũ được thời gian tính, ít nữa là về hình thức. Tất nhiên về mặt nội dung đã phải có những sáng tạo mới, để giải quyết những nhu cầu mới. Lịch sử cho thấy khả năng thâu hóa của người Việt Nam rất cao. Nhưng để thâu hóa cần phải biết mình biết người. Học bài học “Phép lạ Hy Lạp” sẽ không phải là việc chuyển dịch máy móc tư tưởng, kỹ thuật, kinh nghiệm Hy Lạp từ cuộc sống những thế kỷ thứ IV, thứ V trước CN sang cuộc sống những năm 2000. Mà sẽ là việc thực hiện cái gọi là giao lưu văn hóa.
Trong mọi trường hợp, chưa biết người Việt Nam những năm đầu thập niên 2000 sẽ tiếp thu ra sao bài học “Phép lạ Hy Lạp”. Nhưng chắc chắn là người Việt Nam sẽ phải đặc biệt quan tâm về hai vấn đề rất cơ bản. Đó là, một mặt, phải biết pha chế như thế nào bài học Hy Lạp để sáng chế ra một học thuật chính trị mới, mau chóng hoàn thành tốt đẹp việc xây dựng một nước Việt Nam mới, độc lập, đích thực tự do, văn minh, tiến bộ. Mặt khác, phải ngăn giữ được không để xảy ra chia rẽ, nghi kị trong nội bộ dân tộc, tránh làm tiêu trầm cả một nền văn minh sáng chói chỉ vì gập đại họa của cuộc bá chiến giữa hai Thành Quốc Athènes và Sparte, như ở Hy Lạp thời cổ.
Trần Thanh Hiệp, LS