Trần Quang Thành, một người dân Hà Nội
Sinh năm 1941, sau khi tốt nghiệp bậc trung học tại Hà Nội, năm 18 tuổi ông Trần Quang Thành gia nhập ngành truyền thông. Từ 1959 đến năm “ngừng bắn” 1973, ông là phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam. Từ 1974 ông chuyển sang làm phóng viên dặc trách các đề tài thời sự, chính trị, ngoại giao, quân sự cho đài truyền hình Việt Nam suốt 22 năm. Trở về từ chiến trường Miên với một chân bị thương tật năm 1982, số phận ông tưởng đã có thể an nhàn, với nhiệm vụ “ngồi mát ăn bát vàng”, lo xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo phóng viên cho các đài truyền hình địa phương, và chuyên về thủ tục nhập cảng máy móc cho ngành truyền thanh truyền hình trực thuộc Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Phát thanh Truyền hình Sài Gòn.
Dưới danh xưng “nhà nước và nhân dân cùng làm, địa phương và trung ương cùng làm,” cơ quan của ông Thành cố vấn cho các địa phương tiến hành xây dựng đài, lên danh sách nhập cảng máy móc và phương tiện kỹ thuật để trang bị, nhưng việc xoay sở để có ngoại tệ là việc của địa phương. Trong thực tế, sau khi cơ quan của ông Thành xin được giấy phép rồi, tập đoàn tham nhũng ở “Viện Nghiên cứu” dùng tiền vốn của các đài địa phương để nhập cảng những thiết bị theo nhu cầu tiêu thụ ngoài thị trường. Sau khi máy móc về nước, họ mang ra chợ trời Huỳnh Thúc Kháng bán lại, lấy tiền lời đút túi, còn tiền vốn tiếp tục mua sắm thiết bị nữa, cuộc kinh doanh bằng vốn kẻ khác quay vòng trên tờ giấy phép xây dựng đài truyền hình địa phương Khi ông Thành đặt vấn đề, lãnh đạo cơ quan thách thức ông cứ việc phúc trình. Bản báo cáo chi tiết của Trần Quang Thành dẫn đường cho công an mở cuộc điều tra, thu hồi số hàng hóa trị giá gần 30 ngàn đô của thời giá năm 1987, và dẫn đến chỗ cả bản thân ông Thành lẫn người con gái mất việc. Để hợp pháp hóa việc trói tay ông Thành, năm 1988, lãnh đạo cơ quan đẩy ông trở về Hà Nội, vẫn trong sổ lương của đài truyền hình Việt Nam nhưng ông bị vô hiệu hóa, ngồi chơi xơi nước, và lãnh trợ cấp thất nghiệp để sống qua ngày.
Để thoát cảnh ăn không ngồi rồi, Trần Quang Thành trở lại viết báo, mở đầu là phóng sự “Đường dây buôn bán phụ nữ qua biên giới”, phơi bày ra ánh sáng đường dây trải dài từ Hà Nội, Hải Phòng vào tận Nha Trang, Cần Thơ, Sài Gòn để xuất cảng chui đàn bà con gái Việt Nam qua Mã Lai, Ma Cao và Miên phục vụ thị trường tình dục. Sau khi phóng sự được truyền thanh, công an đến gặp để xin ông cung cấp tài liệu cho họ phá án. Lần này, ông Thành không cho. Tác giả bài báo tâm sự: “Tôi không còn tin công an. Tôi đã có quá đủ kinh nghiệm sau vụ chống tham nhũng lần trước ở Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Phát thanh Truyền hình Sài Gòn rồi. Lần ấy công an cũng yêu cầu tôi cung cấp tài liệu để phá án, nhưng sau khi thủ đắc tài liệu và chứng cớ, công an đã gặp riêng để thông đồng với bọn tham nhũng, và nhận chìm xuồng vụ án. Kết quả chỉ có hai bố con tôi mất việc”.
Lần này, bị Trần Quang Thành từ chối, công an báo cáo cho Tổng Bí Thư Đỗ Mười; ông Mười cho thư ký xuống truyền lệnh Trần Quang Thành phải cung cấp tài liệu, vào dạo tháng 10/1989. Với tài liệu cụ thể, chỉ trong vòng 1 tuần, công an Hà Nội “phá” xong vụ trọng án, và kết quả là bọn xã hội đen bắn tin cho biết hoặc sẽ giết, hoặc sẽ làm cho anh nhà báo thân tàn ma dại. Như thế, rõ ràng chính công an đã tiết lộ cho các hung thủ biết người cung cấp tài liệu là Trần Quang Thành.
Vài tháng sau, trùng hợp với quyết định của chủ tịch hội đồng bộ trưởng về công tác chống buôn lậu thuốc lá nước ngoài, Trần Quang Thành lại viết phóng sự “Đường dây buôn lậu thuốc lá ngoại bằng đường bưu điện và đường hàng không”. Mấy hôm sau, lại cũng Tổng Bí Thư Đỗ Mười cho người xuống ra lệnh cho ông cung cấp tài liệu để phía công an phá án.
Đúng là công an có “phá” án, nghĩa là thay vì bắt chính thủ phạm đưa thuốc lá từ Nam ra Bắc là Vinh Lé, Hà Nội lại cho tuyên đọc lệnh bắt Cường Ngọng, thằng bé 16 tuổi con của Vinh Lé, trong khi Vinh Lé đứng đấy xem công an lập biên bản. Trần Quang Thành phản đối. Ngày hôm sau, khi công an ầm ỹ xe pháo tới diễn vở tuồng bắt Vinh Lé, thì thằng bố đã bỏ trốn từ khuya. Tháng 3/1991, chúng đưa thằng con ra tòa, và thằng bé vô can bị tuyên án 3 năm tù. Mấy tuần sau, vào một đêm đầu tháng 4 Vinh Lé đã trở về. 12 giờ đêm, công an hình sự do trung tá Đỗ Kim Tuyến đột nhập vào nhà để bắt, Vinh Lé xuất chưởng bằng tờ lệnh ‘ngưng truy nã’ do Nguyễn Đức Nhanh, trung tá trưởng phòng cảnh sát điều tra xét hỏi ký. Thế là cuộc bắt giữ đã bị vô hiệu hóa. Để biết mạng lưới mafia đang ngang nhiên thao túng bên trong bộ máy chính quyền Việt Nam thế nào, chúng ta chỉ cần biết hiện nay Nguyễn Đức Nhanh là trung tướng Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục An ninh 2 thuộc Bộ Công an Việt Nam kiêm Giám đốc Công an thành phố Hà Nội kiêm đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII Quận Ba Đình, Cầu Giấy của thủ đô Hà Nội.
Ngay sau màn công an tép riu đụng đầu lệnh ‘ngưng truy nã’, ký giả Trần Quang Thành phổ biến bài báo “Ông Nhanh ký nhanh quá!”, trong đó tác giả nói huỵch toẹt rằng lực lượng công an chỉ bảo vệ cho bọn tham nhũng chứ không hề bảo vệ cho lực lượng chống tham nhũng. Ba tháng sau, tác giả bài báo mới thấm thía hết hậu quả của ngòi bút mình. 5g30 sáng 4/07/1991, khi ông Trần Quang Thành đang cởi trần và mặc quần xà lỏn quét sân nhà chuẩn bị cho người con gái bày hàng quán bán bún ốc, riêu cua, một thanh niên trên dưới 20 tuổi ghé vào hỏi “chú ơi cho cháu hỏi nhà báo Trần Quang Thành ở đâu?” Liền sau khi ông Thành trả lời “Là tôi đây”, hắn đã hắt nguyên một ca đầy acid vào mặt Trần Quang Thành.
Lượng acid quá nhiều tạt vào mặt và chảy dài xuống hai cánh tay ông Thành, làm nạn nhân phải đi cấp cứu và trải qua 15 cuộc giải phẫu, rồi nằm điều trị tại bệnh viện trên một năm. Ngày nay, hai cánh tay còn đầy những vết sẹo cháy dính da, mắt trái mù, mất cả miệng lẫn mũi, thương tật tới 81%, riêng khuôn mặt bị tàn phá và biến dạng đến độ ghê rợn (xem trong hình đăng kèm), mặc dù đã được tái tạo phần nào những chỗ trên khuôn mặt đã bị chất cường toan ăn mất đi. Trong thời gian này, gia đình ông đã gửi đơn lên phòng cảnh sát điều tra của công an thành phố, để rồi được đội trọng án của công an Hà Nội và đội cảnh sát điều tra công an quận Đống Đa vào bệnh viện thăm hỏi, và báo cho nạn nhân biết “vụ án của bác đã được báo cáo lên bộ rồi. Trung Tướng Phạm Tâm Long, thứ trưởng thường trực Bộ Nội Vụ đã chỉ đạo một ban chuyên án. Sở Công An Hà Nội cũng có một ban chuyên án do ông Vũ Đình Hoành làm trưởng ban. Chúng tôi đến đây để làm nhiệm vụ thu thập bằng chứng”. Về sau, ông Thành kể “họ giao hẹn với tôi là tuyệt đối tôi không được cung cấp tư liệu cho các báo. Vì khi các báo đăng vụ của tôi lên, nếu có người vào bệnh viện giết tôi để thủ tiêu chứng cớ thì phía công an không chịu trách nhiệm”. Từ chỗ ông TQT đã im lặng để bảo toàn tính mạng, không một tờ báo nào trong nước biết để loan tin về vụ tạt acid này. Mười bốn tháng sau, đến khi nạn nhân Trần Quang Thành xuất viện, vụ án vẫn chìm xuồng. Tới tháng 11/1992, tờ Tuần Tin Tức đăng bài “Nỗi Đau Người Mẹ”, kể về bà mẹ của Trần Quang Thành, người từ năm 1960 đã từng nhận nuôi 30 đứa trẻ mồ côi, vừa cho đi học chữ vừa học nghề. Sau ba mươi năm đóng góp, người mẹ nay chỉ có một người con trai duy nhất đang lâm cảnh tàn tật không nơi nương tựa. Bài báo lọt vào mắt Đỗ Mười, ông ra lệnh cho Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội và Bộ Nội Vụ ‘làm rõ’ vụ này. Nghe được tin này, ông Thành đến thẳng công an Hà Nội để hỏi xem về tiến triển vụ án, để được đại tá phó giám đốc công an phụ trách an ninh Phạm Chuyên cho xem toàn bộ sổ họp giao ban ngày ông Thành bị tạt acid 4/07/1991, trong đó hoàn toàn không có bất cứ báo cáo nào về trường hợp ông Thành bị đòn thù. Việc bưng bít vụ án ngay từ đầu đã thành công tuyệt diệu. Không tin vào mắt mình, Trần Quang Thành đến hỏi ông Nguyễn Văn Tình, phó giám đốc công an phụ trách tổ chức lực lượng, ông ta cũng thề rằng ông ta không hề biết gì cả. Chưa nản, nạn nhân xin gặp Phạm Tâm Long, thứ trưởng thường trực Bộ Công An. Ông Long cũng nói không biết gì hết. Ở chỗ riêng tư, cả hai ông Tình và Long đều xác nhận với ông Thành nếu như đừng bị bưng bít thì vụ này chỉ cần nửa tháng hay 10 ngày là tóm được thủ phạm ngay. Tiếp theo, bà trung tá Thủy, Đội trưởng Đội Trinh sát Hình sự Công an Hà Nội mời nạn nhân đến, và nhìn nhận với ông Thành là trong vụ án này công an Hà Nội “có tiêu cực”. Trần Quang Thành, người dân Hà Nội, một bánh xe trong guồng máy cai trị của cộng sản đã rút ra bài học. Ông kết luận: “Tôi phản đối chuyện họ làm ăn gian dối; họ lại thách thức tôi: ‘nói thật với bác, đó là cả một bộ máy có bánh xe nhỏ bánh xe to. Bác mà đi ngược bánh xe bác sẽ gãy. Kinh nghiệm của bác đấy!'”
Ngoài bản thân bị tàn phế, hành động chống tham nhũng của Trần Quang Thành còn làm con gái ông liên lụy. Cháu thất nghiệp phải đi bươn chải để nuôi một đứa con không cha, nhiều lúc cùng đường phải vào bệnh viện “hiến máu” để nhận được tiền thù lao bồi dưỡng. Rồi một lần đang cho máu thì người mẹ bị trụy tim và gục. Hôm 12/08/2004, con gái ông Thành đã vĩnh viễn ra đi, bỏ lại cho ông đứa cháu ngoại. Trần Quang Thành tìm tới gõ cửa cả nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng để chỉ nhận được an ủi và lời khuyên suông.
Gần đây, sau khi trả lời phỏng vấn của các đài VOA và Á châu Tự do, trong đó vạch mặt chế độ thối nát và bất nhân, nhà báo Trần Quang Thành cảm thấy sống trong nước không còn an toàn nữa nên phải chọn giải pháp bỏ Hà Nội ra đi. Biết rằng tị nạn chính trị sẽ gây khó khăn cho con cái và thân nhân ở lại, ông Thành đã quyết định xin định cư cùng con trai ở Slovakia (một phần đất trước năm 1993 còn là lãnh thổ Tiệp Khắc) từ tháng 8/2008.
Xuất hiện trong cuộc phỏng vấn của đài SBTN hôm 22/06/2011, ông cụ 70 tuổi Trần Quang Thành bật khóc dễ dàng như một đứa bé thơ khi kết thúc câu chuyện thương tâm của chính mình và ngỏ lời cảm ơn đồng bào Việt Nam ở hải ngoại đã quyên góp tiền bạc gửi về giúp ông trang trải trong những lần giải phẫu. Nạn nhân không đưa ra một lời hô hào chính trị nào, nhưng với chỉ một khuôn mặt tàn phá ghê rợn của ông cũng đủ để thế giới thấy bằng chứng tội ác và sự dã man của đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam mà Hồ Chí Minh đã cưu mang và sản sinh.
NgyThanh