Trả lời phỏng vấn Les Echos (13/08/2010), ông Robin Van Ijperen, phụ trách dự án xây dựng bảng xếp loại các trường đại học của Châu Âu, thuộc Ủy ban Châu Âu, cho biết, bảng xếp loại này sẽ được công bố vào tháng năm năm tới (2011).
Hiện tại, được các phương tiện thông tin đại chúng chú ý nhất là bảng xếp loại hàng năm 500 trường đại học đứng đầu thế giới, ra đời từ năm 2003, do trường đại học Jiaotong Thượng Hải thực hiện. Kết quả xếp hạng năm nay, được công bố ngày 13/07, cho thấy Hoa Kỳ chiếm 17 trong số 20 trường đứng đầu. Lọt vào nhóm 20 này chỉ có hai trường đại học của Anh Quốc và một của Nhật Bản. Nhìn toàn bộ, Mỹ là nước đứng đầu, tiếp theo đó là Đức. Pháp đứng hàng thứ 6, với 22 trường có mặt trong danh sách, ngang với số trường của Ý và Trung Quốc.
Đại học Paris VI (Pháp), một trong những trường được xếp hạng cao hiện nay
Các tiêu chí do đại học Thượng Hải, khởi đầu có mục tiêu xem xem thế nào là một trường đại học có đẳng cấp quốc tế, và để biết được các trường đại học Trung Quốc đứng ở vị trí nào. Tuy nhiên, cách xếp loại kể trên bị phê phán nhiều tại châu Âu, vì chỉ quan tâm đặc biệt đến nghiên cứu, như số giải Nobel, huy chương Field (tương đương Nobel trong toán học) đạt được, và các bài báo xuất bản trong một số tạp chí tiếng Anh chuyên ngành.
Cũng theo người phụ trách dự án, việc xếp hạng các trường đại học không phải là mục tiêu cuối cùng. Bảng xếp loại chỉ cung cấp các tiêu chí giúp cho những người sử dụng có thể xây dựng cách xếp hạng riêng của mình. Bảng xếp loại cũng giúp cho các trường đại học biết được điểm mạnh của trường mình, cũng như của « các đối thủ », đồng thời của các trường có những điểm chung để có thể cùng nhau xây dựng các chương trình hợp tác, trao đổi.
Chủ trương của bảng xếp hạng Châu Âu không phải là nhằm đặt các trường của Châu Âu ở trên các trường khác, mà là nhằm minh bạch hóa việc xếp hạng, và cải thiện việc phân loại, với mục tiêu trở thành một công cụ xếp hạng quốc tế, trong bối cảnh lĩnh vực đại học ngày càng mang tính toàn cầu và mang tính cạnh tranh hơn. Giai đoạn một của dự án (từ tháng 05/2010 – 01/2010) đã kết thúc.
Cơ quan phụ trách dự án đã đưa ra một số tiêu chí dựa trên các dữ kiện có thể được kiếm chứng và có thể so sánh, như tỷ lệ sinh viên/giáo viên, xuất bản, số lượng học sinh quốc tế theo học,…Giai đoạn hai đang được tiến hành, với việc áp dụng các tiêu chí này để đánh giá trước hết 10 cơ sở đại học, sau đó, sẽ mở rộng ra 150 cơ sở trong và ngoài châu Âu.
Trọng Thành