Ngày 7 tháng 6 năm 2002, Công ty Xử lý Chất thải Thành phố đã cho xả nước rỉ bãi rác Đông Thạnh ở Hốc Môn ra sông Rạch Tra sau khi được Công ty cổ phần Nước và Phát triển và Công ty An Sinh “xử lý thành công”.
Hệ thống xử lý nước rỉ nầy trị giá 500 tỉ đồng (khoảng 32 triệu đô la Mỹ) và có công suất trung bình 1.250 m3/ngày. Chi phí cho việc xử lý từ 25.000 cho đến 30.000 đồng/m3. Theo Sở Giao thông Công chánh Thành phố, lượng nước rỉ được xả ra sông Rạch Tra từ nay đến cuối năm 2002 được ước tính khoảng 100.000 m3. Hiện nay, khối lượng nước rỉ tồn đọng tại bãi rác Đông Thạnh vào khoảng 200.000 m3 cộng với khoảng 200-400 m3 nước rỉ phát sinh hàng ngày. Một vài hình ảnh của hệ thống nầy được đăng tải trên báo chí và hệ thống internet.
Ảnh của VASC Orient |
Ảnh của báo Thanh Niên |
Qua những tin tức và hình ảnh trên đây, chúng ta có thể nhìn thấy những đặc tính “ưu việt” của hệ thống như sau:
- Hệ thống được xây dựng với tính cách “tạm bợ”. Các hồ chứa nước rỉ trong tiến trình gạn lọc chỉ được lót bằng những tấm ny lông. Công nhân phải dùng “can” nhựa để lấy mẩu nước (?). Công trình xả nước là một ống nhựa, một tấm ván, vài cây cừ tràm, và vài bao cát! Làm thế nào để một hệ thống như vậy có thể “xử lý” lâu dài vì bãi rác Đông Thạnh sẽ còn sinh nước rỉ trong vài chục năm tới?
- Với hình thức xây dựng thô sơ như vậy, hệ thống xử lý nước rỉ bãi rác Đông Thạnh không tương xứng với trị giá 32 triệu đô la Mỹ.
- Từ nay (7 tháng 6) đến cuối năm còn 207 ngày. Với công suất trung bình 1.250 m3/ngày, hệ thống phải có khả năng xả ra khoảng 260.000 m3. Thế mà Sở Công chánh Giao thông Thành phố cho biết hệ thống chỉ xả ra hơn 100.000 m3. Phải chăng hiệu năng của hệ thống không quá 38%?
- Cũng theo Sở Công chánh Giao thông Thành phố, nguy cơ như vỡ bờ bao vào mùa mưa sẽ không diễn ra vì sẽ xả được 100.000 m3 trước cuối năm. Chắc Sở đã quên rằng mỗi ngày bãi rác Đông Thạnh sinh thêm từ 200 đến 400 m3 nước rỉ mới, tức từ 40.000 cho đến 80.000 m3 tính đến cuối năm! Như vậy, nguy cơ vỡ bờ bao vẫn còn nghiêm trọng.
- Với mục đích so sánh, nhà máy xử lý nước rỉ của bãi rác BKK (West Covina, CA) với sức chứa hơn 80 triệu tấn rác trên diện tích 260 mẫu. Nhà máy nầy có công suất xử lý 100.000 Gallon/ngày (tương đương 385 m3). Khí methane thoát ra trong quá trình xử lý được chuyển qua một nhà máy tạo ra điện năng có công suất 5MW, đủ để cung cấp nguồn điện năng cho 2.000 đơn vị gia cư. Nhà máy đã hoạt động liên tục (24/24) từ năm 1986. Chi phí xây cất cho nhà máy là 5 triệu Mỹ kim (tỷ giá năm 1986).
Nguyễn Minh Quang
Brea, 10/2002