Chuyên gia kinh tế cảnh báo nhu cầu lớn về tài nguyên của Trung Quốc sẽ tác động đến Việt Nam.
Góp ý cho Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam giai đoạn 10 năm tới của Chính phủ tại hội thảo hôm nay (31/3) ở Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đặc biệt lưu ý việc cần đánh giá sâu sắc những tác động, ảnh hưởng từ sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc.
Thách thức cận kề
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nói cần phân tích tác động của xu thế gia tăng tranh chấp kinh tế (cạnh tranh đầu vào, đầu ra) do sự tăng trưởng nhanh và lớn mạnh vượt bậc của một số nền kinh tế, nhất là Trung Quốc, đến triển vọng phát triển của Việt Nam.
Cùng góc độ xem xét, TS Lê Đăng Doanh lấy ngay thách thức cận kề: 900 mặt hàng của Trung Quốc có thuế suất bằng 0 sẽ tràn vào thị trường Việt Nam khi Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc chính thức có hiệu lực ở Việt Nam năm 2015.
Thách thức cạnh tranh cho thị trường nội địa, như ông Doanh nói khái quát ở tầm vĩ mô, sẽ tác động đến nền công nghiệp Việt Nam ở mức “không thể xem thường”, phải chuẩn bị tốt nhất về chiến lược kinh tế vĩ mô trong 10 năm tới. Điều này càng quan trọng khi thâm hụt cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, vốn luôn ở mức cao.
Để tăng sức bật cạnh tranh của nền kinh tế, ông Doanh cũng lưu ý chiến lược phát triển không chỉ chú trọng năng lực cạnh tranh của công nghiệp mà phải tính đến cạnh tranh nông nghiệp và thủy sản.
Từ góc nhìn trung và dài hạn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông thôn Đặng Kim Sơn cho rằng với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay, “Trung Quốc có nhu cầu lớn về tài nguyên, đặc biệt là nước và khoáng sản, điều này sẽ tác động đến Việt Nam”.
Theo đó, chiến lược lương thực, thủy sản, ngư dân ở vùng lưu lượng nước lớn, vùng nông nghiệp lớn sẽ bị thay đổi nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chính sách phát triển nông thôn hài hòa của Trung Quốc đẩy mạnh cạnh tranh quyết liệt thu hút nhiều lao động từ Việt Nam.
Điều chỉnh chiến lược thu hút FDI
Góp ý cho Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 10 năm tới, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển lưu tâm vấn đề hiệu quả đầu tư. Theo ông, mức đầu tư quốc gia 40% GDP trong nhiều năm qua quá lớn. Nhiều công trình đầu tư không tạo được năng lực sản xuất mới, kể cả đầu tư nước ngoài (FDI).
Ông Tuyển cho rằng “Chính phủ phải chống lại quan điểm cho rằng bản thân FDI cũng là một chiến lược đầu tư mang tính chiến lược”. Việt Nam phải chủ động hơn trong thu hút FDI từ các nền kinh tế thị trường tiên tiến hơn – những nền kinh tế có những công nghệ tiên tiến nhất sẵn có hiện nay để đẩy nhanh quá trình học hỏi.
Ông cũng cho rằng “cần điều chỉnh chiến lược thu hút FDI”. FDI cần được thu hút vào các lĩnh vực chiến lược và thiết lập được nhiều cơ chế chuyển giao công nghệ hiệu quả hơn.
Một vấn đề quan trọng cũng được các chuyên gia lưu tâm là đổi mới thể chế. Ông Đặng Kim Sơn cho rằng Việt Nam đã đạt sự đột phá về chính sách trong 25 năm đổi mới song “cần có những giải pháp cụ thể về thể chế để đảm bảo việc thực thi chính sách hiệu quả”.
Ông Lê Đăng Doanh đồng tình: “Nếu không đổi mới về thể chế thì khó có tiến bộ trong chống tham nhũng hay công khai minh bạch”.
Xuân Linh