Nhơn bài viết trên VOA Việt ngữ — «Thư Ngỏ… [thư Ngõ] và Tuyên Ngôn Caravelle»
Đầu tháng 8 năm 2012 nầy, hôm mồng 6, một nhóm người tự giới thiệu là nhơn sĩ và trí thức quốc nội và hải ngoại, những người thần phục chế độ cộng sản đương quyền Việt Nam, đã gởi một bức Thư Ngỏ cho các lãnh đạo và cơ quan Nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam, để trình bày một số nhận định về tình hình « tranh chấp Biển Đông » và về tình hình trong nước, đồng thời « kiến nghị » một số giải pháp để giúp chánh quyền cộng sản giải quyết các khó khăn trước mắt hầu củng cố chế độ.
Thư Ngỏ 2012 này, được hai nhà báo tòng sự tại Đài Phát Thanh Huê Kỳ VOA, Hà Vũ và Huy Phương, đưa tin nhưng qua bài viết trong mục Tin Tức /Việt Nam của Đài Phát thanh VOA -Việt ngữ ngày 10 tháng 8 năm 2012, dùng, để kết luận bằng một câu «xanh dờn»:
« …làm những người miền nam Việt Nam trên 50 tuổi nhớ đến Tuyên Ngôn Caravelle năm 1960 » !
Hai nhà báo nầy lại còn « rất nghề nghiệp » thỉnh, phỏng vấn đăng lại trong bài viết, hai nhà bình luận Việt Nam hải ngoại có tuổi và tiếng tăm, ở hai miền Đông Tây Hoa Kỳ, cho ý kiến để bài viết và lời kết luận của mình được thêm kí!
Chúng tôi người viết xin lỗi trước hai vị nhà báo của Đài Phát thanh đáng kính là VOA vì đã dám… thoáng có ý nghĩ sau đây : Hoặc hai vị làm một công tác nghề nghiệp đặt một vấn đề thời sự vào một khuôn khổ lịch sử rộng lớn hơn của quá trình thiết lập dân chủ ở Việt Nam thì đó là điều chánh đáng, hoặc hai vị làm cái việc định giá ý nghĩa và vai trò của Thư Ngỏ 2012 bằng cách đem Thư Ngỏ 2012 nầy so sánh với bản Tuyên Ngôn Caravelle 1960 thì đó là một hành động chánh trị bởi vì hai vị tạo cho Thư Ngỏ 2012 một uy tín đặc biệt đối với nhóm người miền Nam hải ngoại chúng tôi, vẫn thường bị gán là thành phần « phản động và hoài cỗ. » Nhiều anh em chúng tôi, trước đây vài tháng, đã nổi nóng « chưởi thề » hoặc hăng máu gà « chưởi thiệt » hai cái thơ kiểu Thư Ngỏ 2012 là Ý Kiến và Kiến Nghị, và cũng của các « nhơn sĩ và trí thức » Việt Nam!
So sánh Thư Ngỏ 2012 với Bản Tuyên Ngôn Caravelle 1960, là cho Thư Ngỏ 2012 ăn có cái hào quang của Bản Tuyên Ngôn, cho nó « tánh chánh thống » và khiến nó được xem là phản ánh tập tục truyền thống của một quan niệm dân chủ chơn chánh được thể hiện trong nhiều trường hợp qua một bài báo, một tuyên bố, một bản tuyên ngôn, can đảm phê phán thẳng thắn một chánh quyền như bài báo « J’accuse » của văn hào Pháp Émile Zola, hay Hiến Chương Praha của nhóm trí thức Tiệp Khắc năm 1977.
Thế nhưng, đấy là một hiện tượng tư tưởng và một tập tục đa nguyên không thể có ở một chế độ độc đảng, độc tôn, độc tài như đảng Cộng sản, và nhứt là một loại đảng Cộng sản hạng hai, như đảng Cộng sản Việt Nam ! Vì vậy chúng tôi thiển nghĩ, cái việc đặt song song Thư Ngỏ tháng 8 /2012 vừa qua nầy với Bản Tuyên Ngôn Caravelle năm 1960 của thời Việt Nam Cộng Hòa để so sánh, chỉ có tác dụng vừa đánh bóng Thư Ngỏ 2012, vừa bịt miệng đám dân hải ngoại cứng đầu chúng tôi.
Bằng chứng : hãy xem trả lời của hai ông đàn anh, ở hai bờ đất Mỹ trong bài báo ! Tội nghiệp thay ! hai ông đàn anh của chúng tôi cũng đành phải « ù ơ dzí dzầu » bình luận so sánh. Và cả hai vì « kẹt giỏ » đành « dzòng dzo tam quốc » bàn tán bên lề
Nhưng dù sao, chúng tôi cũng phải cám ơn hai nhà báo Hà Vũ và Huy Phương của Đài VOA -Việt ngữ đã nhắc lại cho chúng tôi và cộng đồng người Việt miền nam gốc Việt Nam Cộng hòa chúng tôi, Tuyên Ngôn Caravelle 1960, tạo cho chúng tôi một dịp để vinh danh một hành động dân chủ, một biến cố chánh trị trong sáng của một thể chế với những sanh hoạt chánh trị dân chủ. Một gương sáng, một viên ngọc, một thỏi vàng trong lịch sử Việt Nam Cộng hòa. Và đem so sánh với Thư Ngỏ chỉ là so sánh Vàng với Thau mà thôi !
Và cũng lần nữa, xin lỗi với hai vị nhà báo, cái văn phong cay cú – Đồng Nai Cửu Long – của chúng tôi. Chúng tôi, dân Sài gòn rất cục mịch, và khó chịu khi thấy ai « quơ » của người làm của mình. Nhưng cũng phải khen quý vị rằng : « Bien jouer ! bien essayer ! ». Nhưng
Không đặt ngang hàng được và không thể đặt ngang hàng được Thư Ngỏ 2012 với Bản Tuyên Ngôn Caravelle 1960 :
Vì tầm vóc những người ký tên Bản Tuyên Ngôn! Tuyên Ngôn năm 1960 gởi Tổng thống Ngô Đình Diệm do 18 nhân vật có tầm vóc và uy tín to lớn trong xã hội lúc đó. 11 trong 18 nhân vật ký tên từng giữ các chức vụ bộ trưởng. 4 vị từng giữ những chức vụ cao cấp khác trong chánh quyền. Và Tuyên Ngôn đã xuất hiện như một biến cố chánh trị nêu ra bản chất độc tài và chánh sách trị dân sai lầm của chánh phủ Ngô Đình Diệm và tánh cách khẩn trương của vấn đề sống còn của miền Nam Tự Do.
Tuyên Ngôn Caravelle không phải là một cái chuyện can gián tầm thường, nói rồi bỏ qua như một thơ ngỏ với những “đề nghị” , những “mong”, những « yêu cầu », « can gián – kêu gọi – thỉnh cầu – nên thế này thế nọ .. ».
Hai cái tên gọi Tuyên Ngôn và Thư Ngỏ cũng chứng minh hai tầm vóc, hai thái độ chánh trị khác nhau.
Kết quả cũng khác, các vị trong nhóm Caravelle đều bị bắt bỏ tù ! bị truy tố ra Tòa. Còn 71 « nhơn sĩ trí thức » từng ủng hộ hay hoan nghinh đảng Cộng sản trong công cuộc cướp quyền ở Việt Nam và hiện nay vẫn lo lắng cho sự thành công và sự sống còn của chế độ thì vẫn được … « ngồi chơi xơi nước » tà tà ?
Chúng tôi xin được bổ túc những phân tách và so sánh của bài báo của VOA. Xin trích bài báo :
«Lá Thư Ngỏ của 71 nhân sĩ, trí thức Việt Nam được đưa ra 10 ngày sau khi có 42 công dân của Thành Phố Hồ Chí Minh gởi văn bản đề nghị đảng Cộng sản Việt Nam để cho nhân dân Thành phố biểu tình chống những hành động gây hấn, khiêu khích và xâm lấn Biển Đông của nhà cầm quyền Trung Quốc hồi gần đây. Văn bản của 42 công dân còn nói trong trường hợp lãnh đạo Thành phố không có chủ trương thì nhân dân Thành phố thực hiện quyền hiến định của mình sẽ tự đứng ra tổ chức cuộc biểu tình với mục đích vừa nêu».
Ngon chưa ! trước đó cũng đã có hai lá thơ ( Ý Kiến và Kiến Nghị) rồi ! một lá với 14 vị và một lá khác cũng cùng một thời gian, của 34 vị !
Tất cả hai nhóm đều dùng một kiểu loại thơ ngỏ nầy, … nói tóm lại chỉ là những lá thơ ngõ hay «thơ bỏ ngõ», lettre ouverte, open letter, hay thơ bỏ ngoài ngõ…
«Thiên hạ đọc nhiều, nhưng đảng (Cọng sản) đọc chẳng bao nhiêu,
Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết» ….
Nhưng thiệt tình mà nói hoặc các vị ấy đã ôm « đờn gải tai trâu » ! vì đến ngày nay, không được một tiếng trả lời, hoặc các vị ấy bị « khi dễ » vì đảng Cộng sản cầm quyền hổng thèm trả lời, ngoảnh mặt làm ngơ, mặc dù các vị đã nêu tên tuổi, bằng cấp, để tự giới thiệu, tự chứng minh cái năng lực trí thức, cái danh tánh nhơn sĩ, nêu cả chức vụ, xưa và nay, báo cáo cái lòng « yêu nước, yêu xã hội chủ nghĩa » của mình, mong được nói chuyện giữa « người nhà với nhau cả », giữa« người mình » với nhau mà ! « phe ta » cả mà ! nhưng hởi ôi ! đảng vẫn xem các vị như « không » ! Còn lá thơ thứ ba của 42 công dân Sàigòn – ý xin lỗi – của Thành phố Hồ Chí Minh ?, thì cũng gồm nhiều tên tuổi gạo cội, nào của nhóm cựu thành phần thứ ba thời Việt Nam Cộng Hòa – một chế độ bị lên án là phản động cần phải được tiêu diệt, tuy rằng nó có đủ tinh thần dân chủ để chấp nhận cho một thành phần thứ ba hoạt động công khai với những dân biểu, nghị sĩ đối lập – nào là của nhóm sanh viên đấu tranh chống Mỹ cứu nước nội thành, nào là của nhóm trốn lính, trốn quân dịch cạo đầu vào Chùa Phật giáo đấu tranh … nhưng nay …mặc dù đầy đủ thành tích, nhưng có lẽ …vì gốc miền Nam ? có lẽ … vì là cựu Mặt Trận Giải phóng ?,…vì nhiều « có lẽ » nên nay … đều ở xa « Quyền lực », ngồi chơi xơi nước !
Thư Ngỏ tháng 8 /2012 kỳ nầy, ngon lành hơn, xôm tụ hơn, gồm đủ thành phần, đủ mặt bá quan, trong nước, ngoài nước, …tóm họp cả ba nhóm của cả ba lá thơ ngỏ trước. Ngon lành hơn nhiều, ngon lành hơn nữa là hát đúng bài đúng bản: Giáo đầu bằng một cái vỗ tay : « … hoan nghênh và đánh giá cao Luật Biển vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua » . Câu đầu ngon nhưng câu sau lòi đuôi « nâng bi », dở ẹc : « Phản đối mạnh mẽ Trung Quốc đối với các đảo vốn thuộc chủ quyền Việt Nam và các quốc gia khác ven biển. » Người dân trong nước, người dân Hải ngoại đã lên tiếng phản đối rồi ! Đâu cần các ngài trí thức nhơn sĩ nói theo. Trái lại các trí thức, các nhơn sĩ đã từng có trách nhiệm giúp đảng cộng sản đoạt quyền cai trị ở Việt Nam, nay nếu nói có ý thức, thì « phải phản đối đảng » là tập đoàn lãnh đạo không chịu phản đối Trung quốc, hay cùng lắm cũng phải « đề nghị đảng phải phản đối Trung quốc » chớ ! – đằng nầy lại một lần nữa đi làm cái việc lót đường, thế Đảng « phản đối mạnh mẽ Trung Quốc » để làm dịu đi phần nào lòng căm phẩn của dân chúng …
Và Thư Ngỏ cũng ba phải nói rằng : « đi đôi với việc tỏ rõ thái độ, Nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện phát huy năng lực của các nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước. …».- Cái gì mà « cần khuyến khích và tạo điều kiện… », cái gì mà « Nhơn dân rất quan tâm tới phải sửa đổi Hiến Pháp … » Sao không nói « Phải sửa đổi Hiến Pháp » ?
Chúng tôi trích hẳn Thư Ngỏ – những chữ xiên – để các độc giả nào chưa đọc Thư Ngỏ tháng 8 nầy nắm được ý.
Hai nhà báo VOA việt ngữ quả quyết rằng « Thư Ngỏ nầy làm những người miền nam trên 50 tuổi nhớ đến bản Tuyên Ngôn Caravelle» ? Có cái thống kê nào, có chỉ số tỷ lệ nào chứng minh không? — «những » là một từ chỉ «số đông». Vậy là bao nhiêu ? — 51% , 90%, hay «tuyệt đại đa số» 100% người Việt miền nam.
Dùng từ «Những», hai tác giả đánh giá cao Thư Ngỏ. Vì đọc giòng nầy người gốc miền Nam sẽ hiểu «những người miền Nam Việt Nam của Việt Nam Cộng Hòa», – từ «miền nam» sử dụng ở đây rất mập mờ đánh lận con đen – miền nam nào ? Việt Nam Cộng Hòa, hay miền nam ngày nay? Nếu là người miền nam gốc Việt Nam Cộng hòa thì dân miền nam ấy chắc chắn đánh giá cao bản Tuyên Ngôn Caravelle năm 1960, vì bản Tuyên Ngôn Caravelle đánh dấu một mốc rất quan trọng của lịch sử Việt Nam Cộng Hòa, và nó còn là một gương hành sử dân chủ : Lúc bấy giờ Đệ Nhứt Việt Nam Cộng Hòa đang đứng trước một ngõ rẽ : Dân chúng miền Nam đang bị một chế độ độc tài bè phái tước quyền và nền Cộng Hoà, nền Dân Chủ sơ sanh đang bị đẩy vào con đường diệt vong. 18 người có tên tuổi, từng tham gia chánh quyền ngay từ lúc Việt Nam Cộng Hòa còn phôi thai họp lại và cho ra đời một bản Tuyên Ngôn kêu gọi Tổng thống Ngô Đình Diệm PHẢI trả lại nền Cộng hòa và quyền Dân chủ lại cho Công dân Việt Nam Cộng Hòa !
Trong bài báo VOA, cựu đại sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Mỹ, Bùi Diễm cho là bản Tuyên Ngôn Caravelle « chỉ là một đôi điều không đồng ý với chính phủ của cụ Diệm mà thôi. » Thiệt là quái gở và nghịch lý vì cựu đại sứ Bùi Diễm đã từng tự nhận, trong tác phẩm tiếng Anh của mình, “In the jaws of history” là «người đã giúp soạn thảo ra bản Tuyên Ngôn Caravelle » (vì một lý do tế nhị nào đó, có thể vì còn quá nhiều người Việt biết sự thật về vụ Caravelle, lời tự nhận này được bôi đi trong ấn bản tiếng Việt “ Trong gọng kìm lịch sử”.) Hổng biết cựu đại sứ Bùi Diễm có được đọc bản gốc tiếng Việt của bản Tuyên Ngôn chưa ? Đây là một sự thật đành phải nói ra, với tất cả lễ độ và kính trọng đối với Cụ Bùi Diễm.
Xin lỗi lần nữa hai ông đàn anh ở Mỹ, thằng nầy rất buồn hai anh không thẳng thừng nói cho các độc giả rõ cái dũng cảm của các tác giả Bản Tuyên Ngôn Caravelle của thế kỷ trước và cái thái độ khúm núm nhún nhường của các Thư Ngỏ ngày nay !
Mục đích bản Tuyên Ngôn là Bảo vệ nền Cộng Hòa và đòi quyền Dân chủ lại cho toàn dân Việt Nam Cộng Hòa.
Xin được trích dẫn ở đây câu kết luận của Tuyên Ngôn từ bản gốc tiếng Việt :
«Nhưng ngày nay tình thế đã khẩn trương, nên chúng tôi nhận thấy có nhiệm vụ trong cảnh « Quốc Gia Hưng Vong, Thất Phu Hữu Trách» nói ra sự thật, đánh thức dư luận, báo động nhơn dân, thành tựu đối lập, để soi đường thúc dục chánh quyền mau mau sửa đổi, ngỏ hầu cứu vãn tình tế, bảo vệ Chánh Thể Cộng Hoà, bảo tồn tương lai đất nước, mong có ngày mai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam, đặng hưởng thái bình thạnh vượng trong vòng tự do và tiến bộ. »
Cùng với đoạn trên, người viết chúng tôi cũng xin trích dẫn vài đoạn trong bản gốc tiếng Việt của Tuyên Ngôn Caravelle được đăng nguyên văn ở website Trần Văn Bá, www.tranvanba.org, để thay thế các đoạn trích dẫn trong bài báo VOA, được dịch qua tiếng Việt từ bản tiếng Anh của Bernard Fall. Như thế quý độc giả có thể nắm rõ tất cả cái văn phong Đồng Nai Cữu Long chánh hiệu con nai và nội dung chính xác của Bản Tuyên Ngôn để so sánh với lá Thư Ngỏ 2012 và đối chiếu với những lời lẽ và văn phong của cựu đại sứ Bùi Diễm sanh ở làng Phủ Lý, Hà Nam con của nhà nho Bắc Hà nổi tiếng Bùi Kỷ.
Xin trích bài báo đăng trên VOA Việt ngữ về Bản Tuyên Ngôn để các độc giả nhớ lại và so sánh:
«Nhớ lại 18 nhân sĩ trí thức miền Nam tháng 4 năm 1960, họp tại khách sạn Caravelle ra Tuyên Ngôn chỉ trích quyết liệt các sai lầm của Tổng thống Ngô Đình Diệm về chính trị, hành chính, xã hội và quân sự, gây ra tình trạng bất mãn trong dân chúng, suy thoái của chế độ và làm giảm tiềm lực đấu tranh chống cộng ».
Tuyên ngôn (theo bản gốc tiếng Việt) nói rằng : « .. Tuy một chế độ vô danh hiệu của thực dân tạo lập và che chở đã bị đánh đổ và những tổ chức phong kiến của giáo phái đã bị phá tan, nhưng dưới chế độ Cộng Hòa được xây dựng, người dân chưa thấy được bảo đảm hơn, chưa thấy tự do hơn. Một Hiến Pháp lấy lệ, một Quốc Hội luôn luôn xuôi một chiều, những cuộc bầu cử phản dân chủ, tất cả những thủ đoạn và dàn cảnh của cộng sản độc tài, làm cho người dân không sao không so sánh. Rồi những cuộc bắt bớ liên miên làm cho trại giam khám đường không lúc nào đầy chật như lúc nầy ; rồi dư luận bị bưng bít, rồi báo chí không tự do ; ngay cả đến ý dân đã được biểu lộ trong những cuộc bầu cử công khai cũng bị chà đạp khinh rẻ, như trong cuộc bầu cử Quốc Hội khóa II vừa qua, làm cho người dân không sao không chán nản. Những chánh đảng giáo phái bị tiêu diệt, thì những « đoàn thể » « phong trào » đến thay thế để áp bức nhơn dân, mà không thay thế để che chở nhơn dân khỏi tay cộng sản …..
…. Giờ đây, nhơn dân đang khao khát tự do, Cụ nên cởi giảm chế độ, mở rộng dân chủ, ban bố những quyền tối thiểu, công nhận đối lập, để cho nhơn dân lên tiếng, đặng những oan ức uất hận không còn nữa, để khi so sánh với miền Bắc, dân chúng miền Nam sẽ thấy giá trị của tự do dân chủ thật sự, đới chịu cố gắng hy sanh để bảo vệ tự do dân chủ ấy ».
Về mặt kinh tế và xã hội, tuyên ngôn của 18 người thuộc nhóm Caravelle nói rằng : « Một xứ phì nhiêu phong phú dư ăn dư mặc, một ngân sách khỏi phải đài thọ quân phí, bồi thường chiến tranh, tiền lời quốc trái; một viện trợ khổng lồ ; một thị trường mới mẻ có nhiều bạn đồng minh đầy thiện chí muốn bỏ vốn kinh doanh ; bao nhiêu điều kiện thuận lợi để biến miền Nam thành một vùng sung túc thạnh vượng. Thế mà hiện nay : dân nghèo thất nghiệp, của hết tiền khan, lúa đầy đồng không bán đặng, hàng đầy chợ không người mua, mọi nguồn lợi tức vào tay một nhóm đầu cơ, lấy đảng phái đoàn thể làm bình phong che đậy độc quyền tư lợi…. Kinh tế là nền tảng của xã hội, còn nhơn tâm bảo đảm sự trường tồn của một chế độ ; chánh phủ phải mau mau dẹp bỏ các chướng ngại ngăn trở sự phát triển kinh tế, huỷ bỏ mọi hình thức độc quyền đầu cơ, tiếp đón mọi đầu tư xuất vốn của bạn ngoại quốc như của người bổn xứ, khuyến khích kinh doanh, khuyết trương kỹ nghệ, thu dụng nhơn công để giảm bớt nạn thất nghiệp ; và đồng thời đình chỉ mọi hình thức lấy phu làm xâu, thì kinh tế mới được phục hưng, dân sự sẽ an cư lạc nghiệp, xã hội được kiến thiết mau chóng trong vòng dân chủ. ». (hết trích)
Phải nhìn nhận là Tuyên Ngôn Caravelle 1960 và Lá Thư Ngỏ 2012 có cùng một điểm tương đồng lớn : cả hai đều muốn bảo vệ và cũng cố một chế độ. Tuyên Ngôn muốn bảo vệ và cũng cố chánh thể Cộng Hòa và chế độ dân chủ Miền Nam. Còn Thư Ngỏ muốn bảo vệ và cũng cố chế độ Cộng sản Hà Nội.
Tuyên Ngôn Caravelle và Lá Thư Ngỏ lại có một khác biệt căn bản :
Tuyên Ngôn công bố « thành tựu đối lập » dứt khoát chống lại một chế độ độc tài độc đoán để thiết lập dân chủ cho nhân dân Việt Nam.
Thư ngỏ chỉ khẩn khoản xin « Thượng đế (đảng cộng sản) hồi tâm » để cứu sống chế độ Hà Nội « Dân tộc Việt Nam đang mong đợi chủ trương và hành động thiết thực của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Bộ Chính trị để đưa đất nước vượt qua hiểm họa, phát triển mạnh mẽ và bền vững. Chúng tôi mong các nhà lãnh đạo đất nước đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, nỗ lực thực hiện trách nhiệm nặng nề trong tình thế hiểm nghèo, không phụ lòng mong đợi của nhân dân. (Thư Ngỏ 2012) »
Hơn 3 năm sau khi có Tuyên ngôn Caravelle, chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ.
Thay lời kết
Những « vung vít » lung tung gần đây của những vị trí thức, nhơn sĩ, phe ta, phe người, phe mình, phe họ, kiếm « chiện » để «nói chiện khuyên lơn», hy vọng, chắc «mấy ảnh ở trển, ở trỏng nghe» để .. cứu và kiến Việt Nam chúng ta ! nhưngvới cái giọng «xin cho» « đề nghị » « kiến nghị» rất thần dân với Thượng hoàng không cứu nổi và không thể cứu nổi nạn Hán Hóa đâu, nếu ngày nào đảng Cộng sản vẫn cầm quyền. Và chỉ
Nếu ngày nào, cơ duyên nào, cho công dân Việt Nam có một bản Tuyên Ngôn kêu gọi «thành tựu đối lập» chỉ thẳng mặt đảng Cộng sản Việt Nam bán nước và đòi trả lại cho người dân quyền được tự do lựa chọn lãnh đạo có khả năng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải, thực thi dân chủ, «phát triển đất nước trong vòng tự do và tiến bộ» ! Thì may ra mới có thể so sánh với bản Tuyên Ngôn Caravelle 1960 được !
Mong lắm!
Ngày 20 tháng 8 năm 2012
TS. Phan Văn Song
4 Comments
Anhcam
Hay quá đi thôi,tôi rất đồng ý với bài bình luận này của TS Phan văn Song ,chỉ còn một con đường duy nhất là kêu gọi toản dân mọi tầng lớp hãy đứng lên dẹp bỏ mấy bố chóp bu CSVN và đòi trả lại mọi quyền quyết định vận mạng đất nước cho người dân VN đẻ tống cổ bè lũ Tầu cộng ra khỏi đát liền bờ biển VN .
Hoang Anh
Chẳng có gì để mà so sánh Tuyên Ngôn Caravell 1960 với Thư Ngỏ của Việt cộng 2012 ! Không thể so sánh hai vật khác loại nhau. Cái cây và hòn đá không có chi để so sánh. Tình thế khác, con người khác, vấn đề nêu ra khác…
Ngày nay, nhìn lại, các ông ” nhân sĩ” ký tên trong Tuyên Ngôn Caravelle cũng chỉ là những kẻ quấy hôi bôi nhọ, góp phần làm tan nát đất nước.
Sự ậm ọe khó nói của ông Bùi Diễm về cái Tuyên Ngôn Caravelle là do cái mặc cảm tội lỗi đó !
Chúng ta nên nhớ lại, sau khi lật được Tổng Thống Diệm, các ông ” nhân sĩ ” Caravelle này đã cứu nước ra sao, và kết quả như thế nào !
Than ôi ! đối với kẻ hậu sinh này, mọi thần tượng đều đã sụp đổ tan tành.
Chỉ thấy cụ Diệm là người đã sống chết cho lý tưởng của cụ và cho dân tộc !
Công Lý Quốc Gia
Người Mỹ đã phạm 2 sai lầm vô cùng tai hại ở Việt Nam :
1) khi đưa Ngô Đình Diệm lên nắm quyền, áp đặt một chế độ độc tài bè phái ở Miền Nam và do đó mất đi chính nghĩa và không đoạt được hậu thuẩn dân chúng cần thiết để chống lại cộng sản Bắc Việt.
2) khi chủ trì lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm bằng bạo lực và để đám tướng tá Việt Nam sát hại 2 ông Diệm, Nhu, đưa miền Nam đi vào một cuộc phiêu lưu hổn độn tột cùng.
Và ngày nay Người Mỹ sẽ làm một sai lầm không kém tai hại cho dân tộc Việt Nam và cho chính quốc gia của họ nếu vì một tính toán thiển cận, họ quyết định phù trợ và củng cố chế độ cộng sản Việt Nam để dùng nó làm công cụ bao vây Trung Cộng.
Nhưng sự sai lầm của người Mỹ không có nghĩa là những người chống lại chính sách của Mỹ như Ngô Đình Diệm lúc cuối trào hay tập đoàn cộng sản Việt Nam khi làm nghĩa vụ quốc tế cho khối Xô Viết, là anh minh, và chế độ Ngô Đình Diệm hay chế độ cộng sản Hà Nội là thật sự ích nước lợi dân.
Không nên lầm lẫn cái chết vì bảo vệ quyền hành và chế độ cai trị của một nhà độc tài với sự tuẩn tiết vì nước vì dân của một nhà ái quốc. Hitler, Saddam Hussein, Gaddafi có tuẩn tiết vì nước vì dân của họ không ? Lịch sử đã chứng minh : tất cả các chế độ áp bức, tất cả các nhà độc tài đều phải tiêu vong trong máu lữa.
TS Phan Văn Song phân tích rất đúng trong bài viết : Các nhân vật ký trong bản Tuyên Ngôn Caravelle 1960 đã dũng cảm làm cái nghĩa vụ của kẽ sỹ Việt Nam : nói lên tiến nói trung chính ở thời tao loạn, cưu mang việc nước, phân tích khách quan tình hình, đánh thức dư luận, thành tựu đối lập để bảo vệ chính thể Cộng Hòa, bảo tồn nền Dân chủ miền Nam, nhưng họ không hề nhúng tay vào việc lật đổ và sát hại hai ông Diệm, Nhu. Tiếc thay họ đã không khắc phục được định mệnh. Và Việt Nam Cộng Hòa đã phải sụp đổ.
Các « nhân sĩ trí thức » ký trong mấy Lá Thư ngỏ gần đây gửi cho tập đoàn cộng sản Việt Nam cầm quyền đã làm cái việc thần dân thỉnh cầu Đảng đang ngự trên ngai vàng hồi tâm sửa đổi, để có thể tiếp tục che dấu tội ác, cũng cố quyền hành, cứu sống chế độ. Nhưng đó là việc làm vô vọng. Sớm muộn gì chế độ toàn trị vô nhân của cộng sản Việt Nam cũng sẽ phải sụp đổ trong máu lữa.
Lịch sử Việt Nam đầy rẫy loại khoa bảng chỉ biết hùa theo chính quyền như thế và cũng đầy rẫy hạng người vô liêm, bất lương, hèn mạt, tiếm danh hại người, sâu dân mọt nước, như Nguyễn Cao Kỳ và « cố vấn chính trị » của hắn, Bùi Diễm, luôn luôn vào luồn ra cúi đối với mọi quyền hành, thời Pháp thuộc, thời người Mỹ đi vào Việt Nam, thời Việt Nam Cộng Hòa, và nay thời Cộng sản Việt Nam.
Việt Nam ơi sao dân tộc ta quá đọa đày !
Anhcam
Tôi cũng rất đồng ý với lời nhận định của anh/chị Công Lý Quốc gia ,nước ta , ngó lên không phải là nước lớn nhưng nhìn xuống , chẳng phải là nườc nhỏ nếu so sánh với vô số nước , văn minh hay chậm tiến trên trái đất này , nước ta với chiều dài lịch sử với hơn 4000 năm đấu tranh để sống còn ,kéo dài từ quảng đông và quảng tây tận bên TQ lui dần xuống phía nam , và ngày nay ,VN đã định vị rõ rệt cố định phía bắc lấy Nam Quan làm mốc , phía nam là mũi Cà Mau ,qua bao triều đại , từ vua Hùng ,Trưng ,Ngô,Đinh,Lê, Lý,Trần,Lê ,nhất là đời Trần thật là vĩ đại ,vua tôi đã chống trả được đoàn quân Mông Cổ rất oanh liệt ,thời đó VN có cần dựa vào một nước lớn nào đâu ,tiếc thay , từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20 ,toàn dân VN mới khổ sở chỉ vì cấp lãnh đạo đều nhờ vào ngoại bang ! Theo tình hình ngày nay , hy vọng những bạn trẻ trong nước sẽ là những bậc anh hùng tạo nên sự việc cứu nước đứng lên dẹp bỏ các bố chóp bu VC .