Tiêu đề “Hà Nội ‘tuyên chiến’ với nạn nói tục” trên báo Tuổi Trẻ ra ngày 17/6 khiến nhiều người sửng sốt. Vì lâu nay, người Hà Nội vẫn được biết đến là thanh lịch.
Vậy nhưng, với những người thường xuyên ra Hà Nội, tiếp xúc với người dân tại đấy, thì vấn nạn nói tục, chửi thề của “công dân thủ đô” không lấy gì là lạ lẫm. Khi nói về nạn nói tục của người Hà Nội, báo Năng Lượng Mới đã phải dùng từ “mất dạy”. Và tờ báo này đã báo động nạn “mất dạy” đang phổ biến trong đời sống người dân.
Những tưởng, tình trạng nói tục, chửi thề chỉ có ở nơi chợ búa, chốn thị phi, từ miệng của những tên du côn đầu đường xó chợ. Nào ngờ ở Hà Nội, việc văng tục lại như trào lưu, nó thể hiện phong cách, chất “dân chơi” của đại bộ phận dân chúng ở Hà Nội. Văng tục ở tất cả mọi thành phần, từ cán bộ, quan chức đến cả những trí thức, học sinh. Theo những người thạo tin cho biết, đến cả ông Đinh Thế Huynh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khi còn là Tổng Biên tập tờ Nhân Dân, kiêm Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam mỗi lần nói chuyện với đồng liêu cũng thường xuyên văng tục. Chẳng biết bây giờ khi đã là Ủy viên Bộ Chính trị, ông có còn văng tục với những vị Ủy viên khác hay không. Chuyện văng tục đối với người Hà Nội như là một cách để thê hiện sự thân thiết, gần gũi.
Việc văng tục ở Hà Nội đã được rất nhiều tờ báo lên tiếng báo động. Chính quyền cũng ra đưa ra nhiều phương án để chấn chỉnh. Vậy nhưng, tất cả đều không khả thi. Một khi việc nói tục, chửi thề trở nên phổ biến, như là trào lưu thì khó mà dừng lại.
Cách đây hơn một năm, trước nạn văng tục nơi cơ quan hành chính, tiếp xúc công dân trở thành vấn nạn, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ra quy định về việc “cấm” công chức không được chửi thề mà họ gọi là “tiếng lóng”. Quy định ban ra nhưng chỉ có cho vui, rồi sau đó chẳng còn được ai biết đến, cũng như chẳng thấy xử phạt bất kỳ cá nhân nào. Mới đây, ông phó Chủ tịch UBND Hà Nội Lê Hồng Sơn lại vừa giao cho Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các ban ngành, quận, huyện, thị xã trực thuộc Hà Nội phải kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử phạt nhằm hạn chế những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội.
Học sinh là đối tượng được chính quyền Hà Nội chấn chỉnh trong lần “tuyên chiến” này.
Nguyên nhân khiến cho ông phó Chủ tịch Hà Nội yêu cầu chấn chỉnh là do rất nhiều tin tức từ báo chí phản ánh việc học sinh, người của công chúng…đã có những lời nói thô tục, kém văn hóa nơi công cộng.
Chính quyền Hà Nội yêu cầu chấn chỉnh, nhưng chấn chỉnh như thế nào một khi nó đã trở nên phổ biến, len sâu vào từng người. Đến cả học sinh ra đường chào nhau cũng bằng những câu chửi thề. Ấy là chưa nói, một khi bắt gặp người nói tục, chửi thề thì biện pháp xử lý sẽ ra sao? Hay chăng như thời Cộng sản mới vào Sài Gòn, thấy người dân nhảy đầm, nghe nhạc vàng liền bắt đeo bảng tố cáo tội trạng, rồi dắt ra ngoài đường để hạ nhục, xúc phạm?
Chẳng biết chính quyền Hà Nội chấn chỉnh như thế nào mà từ bấy lâu nay việc văng tục nơi công cộng của người dân chẳng chút thuyên giảm mà còn nghiêm trọng hơn. Cho dù đã rất nhiều lần Hà Nội ra văn bản yêu cầu chấn chỉnh.
Nạn nói tục, chửi thề nó không phải do “nền kinh tế thị trường” mang đến, lại cũng chẳng phải từ các nước tư bản mang sang. Mà nó từ những chính sách của chế độ CSVN. Từ khi người Cộng sản cướp chính quyền, họ xây dựng mô hình nhà nước theo chế độ Cộng sản. Những thứ lai căng độc hại từ bên ngoài mang vào. Nền tảng văn hóa, đạo đức được đúc kết từ ngàn năm bổng chốc bị vùi dập bởi Cộng sản. Tôn ti trật tự trong gia đình, ngoài xã hội bị đảo lộn. Ni sư trong chùa, linh mục trong nhà thờ, thầy giáo trên bục giảng bị coi khinh. Kinh hoàng nhất là trong vụ Cải Cách Ruộng Đất, hàng loạt những vụ con tố cha, vợ tố chồng, anh em tố nhau xảy ra thường xuyên. Đến ngay cả ông Trường Chinh, Bí thư đảng CSVN cũng tố cha mình là địa chủ.
Không phải người dân Hà Nội nào cũng mặc nhiên chửi thề, văng tục. Vẫn còn đó những người biết đau đáu trước những thảm trạng văn hóa tại đây. Họ xót xa khi thấy trẻ em, học sinh chửi thề, không còn tôn trọng người lớn. Thấy bất lực trước việc người lớn không còn là tấm gương để con trẻ noi theo. Nặng nề hơn là giáo dục ở cộng đồng đã dần như mất hết. Ngày trước, trẻ con ra đường mà nói tục liền bị người nhắc nhở, khiển trách. Vậy nhưng ngày nay nếu nhắc nhở chúng có khi còn bị chửi lại.
Trong “Tam Tự Kinh” có câu: “Nhơn chi sơ/ Tính bổn thiện/ Tính tương cận/ Tập tương viễn” để nói về thảm trạng hiện nay ở Hà Nội. Trẻ con lớn lên học theo những gì điều trước mắt chúng, từ trong gia đình, từ ngoài xã hội. Một xã hội mà khi ra đường mà người dân toàn văng tục với nhau thì chắc chắn trẻ con sẽ bị nhiễm những tính ấy.
Người Quan Sát