Quan hệ Mỹ- Trung từ đối tác sang đối đầu đã tác động lên nhiều quốc gia, trong đó có Việt nam.
Điều chỉnh chiến lược cho phù hợp tình hình mới là nhu cầu sống còn của nhiều chế độ mà rõ rệt nhất là Bắc Triều Tiên và Việt nam.
Bắc Triều Tiên đã cảm nhận được một thay đổi lớn lao trong quan hệ quốc tế có khả năng quyết định sự tồn vong của chế độ độc tài và khép kín này, và họ đã điều chỉnh chiến lược từ đầu năm 2018.
Động tác của sự điều chỉnh này là những chuyến công du con thoi của hai phái đoàn ngoại giao Mỹ – Triều và kết quả là hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ nhất diễn ra tại Singapore vào tháng 6 năm 2018.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ hai đã diễn ra tại Đà nẵng- Việt nam vào cuối tháng 2 năm 2019 vừa qua.
Cho dù kết quả làm nhiều người thất vọng nhưng không khí hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là điều ai cũng cảm nhận được và người ta đã nhìn thấy một Bắc Triều Tiên bớt cực đoan và hung hăng hơn nhiều với một xã hội Triều Tiên dần cởi mở.
Nhà cầm quyền cộng sản Hà nội cũng đang rục rịch có những điều chỉnh ngoại giao cho phù hợp tình hình mới, mục đích cuối cùng vẫn là làm sao thích nghi được với cục diện mới mà không thay đổi thể chế và bảo đảm được quyền lực của đảng cộng sản.
Điều chính mới nhất mà người dân Việt nam có thể nhìn thấy là sự định hình lại mối quan hệ với Trung quốc biểu hiện qua việc bật đèn xanh cho báo chí được nói về cuộc chiến chống Trung quốc xâm lược ngày 17-2 1979.
Cuộc chiến tranh chống Trung quốc xâm lược năm 1979 là một đề tài nhạy cảm và được mặc định là cấm kỵ suốt gần 3 thập niên kể từ Hội nghị Thành Đô năm 1990.
Nhà cầm quyền cộng sản Hà nội hiểu được cái thế đơn độc của mình sau cách mạng nhung ở Đông Âu và sự sụp đổ chế độ xô viết. Họ “nín thở qua sông”, tìm kiếm chỗ dựa mới trong quan hệ với Bắc Kinh bằng cái giá của sự nhục nhã ê chề, đó là sự lệ thuộc về chính trị, kinh tế và ngoại giao suốt 3 thập kỷ.
Đến hôm nay, sự trổi dậy mạnh mẽ và đầy tham vọng của Bắc Kinh đã đánh thức con đại bàng Mỹ về nguy cơ mất quyền lãnh đạo thế giới, và một trật tự mới manh nha hình thành dưới sự đạo diễn của Nga và Trung quốc đe dọa phá vỡ trật tự cũ do Mỹ lãnh đạo.
Nhà lãnh đạo mới của Mỹ là Donald Trump đã khởi động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh với nguyên tắc “nước Mỹ trên hết”.
Thực sự cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung hàm chứa mục tiêu an ninh chiến lược, mà cái đích đến là làm cho “con rồng đỏ” Trung quốc bị trọng thương trước khi kết thúc nó.
Quan hệ thương mại Mỹ – Trung gay cấn trên bàn đàm phán bao nhiêu thì quan hệ quân sự còn nóng hơn với sự phô trương cơ bắp trên biển Đông và những lần suýt va chạm.
Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia quân sự hàng đầu của Mỹ cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột tại biển Đông sẽ làm bùng nổ thế chiến thứ ba.
Nhà cầm quyền Hà nội đang đối diện với một thực tế là quan hệ Mỹ- Trung sẽ không thể ổn định trong hiện tại và tương lai, cái bẫy Thucydides đang mở ra và nguy cơ chiến tranh chỉ là thời gian.
Hà nội đang tìm hướng đi trong quan hệ Mỹ- Trung đầy sóng gió. Họ chưa liên minh quân sự với ai nhưng xu hướng rõ rệt là sự ly tâm khỏi quỹ đạo Trung quốc đang diễn ra mà sự việc bật đèn xanh cho giới truyền thông lên tiếng mạnh mẽ nhân kỷ niệm 40 năm “ngày chiến tranh biên giới” vừa qua là một chỉ dấu.
Hà nội muốn Mỹ hiểu rằng họ không phải là vệ tinh, là quân cờ trong tay Trung quốc để mở đường cho một mối quan hệ khả dĩ trong tương lai.
Về đối nội họ muốn người dân Việt nam nhìn nhận họ không phải là tay sai của Trung quốc như đã nghĩ từ trước đến nay.
Hà nội đang cố tạo cho mình một hình ảnh mới trong con mắt của người dân và cộng đồng quốc tế trong quan hệ với Bắc Kinh.
Nhưng dư luận, nhất là những người chống cộng và phong trào dân chủ hoài nghi và nhạo báng về những chuyển biến trên mặt trận truyền thông mà Hà nội vừa khởi xướng, họ nghĩ rằng Hà nội chỉ đóng kịch để lấy lòng dân chứ thực ra họ đang thực hiện “mật ước” Thành Đô và năm 2020 sẽ là một tỉnh của Trung cộng?.
Nhưng cá nhân người viết bài này không nghĩ vậy.
Nhà cầm quyền Hà nội hơn ai hết lo sợ về tương lai của mình khi Trung cộng trổi dậy mạnh mẽ như thời gian qua. Họ sợ mất quyền lực, mất tài sản khổng lồ, mất chế độ. Họ nhìn thấy thân phận của họ trong tương lai qua hình ảnh người Tây Tạng, Tân Cương, điều đó với họ như một lời cảnh báo.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và ẩn dưới nó là cuộc chiến giành vị trí lãnh đạo của hai siêu cường đang mang đến cho nhà cầm quyền Hà nội thời cơ thoát khỏi cái bóng của Bắc Kinh.
Hà nội đang tìm kiếm một tương quan mới với Mỹ, mà với tương quan đó họ vừa “thoát Trung” được, vừa tiếp tục duy trì quyền lực. Hà nội hiểu rằng trong rất nhiều đồng minh chiến lược của Mỹ hiện nay vẫn có những chế độ độc tài.
Về phía Mỹ, với tâm thế của kẻ bị thách thức về quyền lãnh đạo thế giới, họ sẵn sàng hợp tác với bất cứ chế độ nào miễn sao chế độ đó giúp họ duy trì trật tự hiện có và bảo vệ được vị trí lãnh đạo hiện nay. Quan hệ đồng minh với Liên xô trong chiến tranh thế giới lần thứ hai để chống lại phe Trục phát xít là một thí dụ.
TÌNH HÌNH MỚI VÀ NHIỆM VỤ CỦA CHÚNG TA:
Chúng ta không nên ngồi chờ sự an bày của ai đó hay của thời cuộc, chúng ta đừng để mình trở thành nạn nhân hay quân cờ trong tay các siêu cường và thời cuộc. Vận dụng thời cuộc để dân chủ hóa đất nước là trách nhiệm của mọi người, mọi tổ chức đấu tranh.
Cuộc chiến có thể xảy ra trong tương lai giữa Mỹ và Tàu, Hà nội vừa đứng trước thời cơ lẫn nguy cơ, thời cơ là mở ra lộ trình hợp tác với Mỹ, nguy cơ là Hà nội bị cuốn vào cuộc tranh chấp và bị đàn anh Bắc Kinh trừng phạt trước khi có được sự bảo vệ từ Hoa kỳ.
Dù cho là kịch bản nào xảy ra đi nữa, chúng ta phải xây dựng và phát triển lực lượng để không bỏ lở cơ hội này.
Lịch sử đã chỉ ra rằng: chỉ có những kẻ mạnh mới có tương lai.
Muốn mạnh chúng ta phải đoàn kết và biết xây dựng lực lượng từ bây giờ. Một khi đã có thực lực chúng ta sẽ làm nên lịch sử chứ không phải là sự an bài của lịch sử.
Huỳnh Ngọc Tuấn