Những người bênh vực luận điểm “chuyên chính hồi sinh” cho rằng thế kỹ 21 sẽ có nhiều điểm tương đồng với thế kỷ 19 và sẻ làm nảy sinh ra nhiều phe nhóm đại cường thù nghịch, gây chia rẽ trầm trọng giữa các chế độ dân chủ và độc tài. Một thế giới như vậy sẽ không thể nào thoát khỏi chiến tranh.
Những người đó quên rằng ngày nay không còn ai nghĩ chiến tranh là phương thức được ưa chuộng để giải quyết sự thù nghịch và thực hiện ý đồ bành trướng nữa. Sức mạnh của vũ khí nguyên tử không còn được quan niệm để giết người mà chỉ để quân bình lực lượng và tạo thế răn đe.
Nền kinh tế toàn cầu đã thực sự xóa nhòa mọi biên giới quốc gia. Thương mại đầu tư và sản xuất từ lâu đã phát triển ra ngoài lãnh thổ của đất nước và đã mang lại một sự thịnh vượng chung cho toàn thế giới. Cho nên cái giá phải trả cho chiến tranh là không thể lường trước được.
Sự lật đổ một “trật tự thế giới” trong thời gian trước không phức tạp như ngày nay. Cho nên không phải chỉ cần đến sức mạnh mà còn cần phải cân nhắc đến nhiều vấn đề khác. Quan trọng nhất là không nên quên rằng Hoa Kỳ chưa sụp đổ và cũng không đơn độc. Trái lại Hoa Kỳ vẫn đứng đầu một liên minh dân chủ Âu Châu và Đông Á, với một tiềm năng về mọi mặt lớn hơn Trung Cộng hoặc bất cứ một liên minh nào khác.
Chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia ngày nay đòi hỏi phải chú trọng vào việc hợp tác toàn cầu, dựa trên căn bản thỏa hiệp để giải quyết các khó khăn và tranh chấp. Phải gạt sang bên những khác biệt về ý hệ chính trị để chỉ chú trọng vào quyền lợi thực tế của mỗi con người trên trái đất.
Giờ đây, tiền đồ của Trung Hoa Lục Địa là phải trở thành một quốc gia dân chủ. Phải dựa vào “sức mạnh dân chủ” để thúc đẩy mạnh hơn nữa đà phát triển kinh tế hiện đang là một hiện tượng lẫy lừng chưa từng thấy. Về phương diện chính trị , “dân chủ” còn có thể giúp Bắc Kinh thực hiện “thống nhất” trong hòa bình để nhanh chóng hội nhập vào thế giới văn minh mà nhân loại đã lựa chọn.
Những đoạn viết tiếp theo sẽ đưa ra một ý nghĩ về “liên bang dân chủ” cho Trung Hoa Lục Địa như là một giải pháp để giữ hòa bình cho thế giới.
Ý nghĩ về một “liên bang dân chủ” cho Trung Hoa Lục Địa”
Đất nước Trung Hoa với một diện tích rộng lớn như thế và một dân số đông đúc như thế không thể nào là một quốc gia theo nghĩa bình thường mả phải là một “liên bang” giống như Hoa Kỳ ngày nay, nếu Bắc Kinh có nghiều tham vọng.
Ý nghĩ về một “liên bang dân chủ” cho Trung Hoa Lục Địa không phải là bây giờ mới xuất hiện, mà đã có từ lâu. Đúng ra là đã có từ đầu thế kỷ 20, sau khi triều đình nhà Thanh sụp đổ. Tiếp theo là sự mô tả về hiện tượng “liên bang” đó.
Ý nghĩ “liên bang” và cuộc Cách Mạng Tân Hợi (1911)
Ý nghĩ về một “liên bang dân chủ” áp dụng cho Trung Hoa Lục Địa đã manh nha trong đầu óc của nhà cách mạng Tôn Dật Tiên từ năm 1984 khi ông bắt đầu đấu tranh cho một nền dân chủ tại Trung Hoa. Trong tư tưởng cũa Tôn Dật Tiên hồi đó, cấu trúc chính trị tương lai của nước ông cần được sao chép lại cấu trúc liên bang của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ.
Cách mạng Tân Hợi thành công tại 14 tỉnh phía Nam Trung Hoa ngày 10 tháng 10 năm 1911. Các tỉnh thành này tuyên bố độc lập khỏi triều đình nhà Thanh và thành lập Liên Bang Dân Chủ Cộng Hoà Đại Hán (Great Han Federal Democratic Republic). Tháng giêng năm 1912 liên bang này đổi thành Liên Hiệp Tỉnh Thành Trung Hoa (United Provinces of China) . Sở dĩ có sự thay đổi này vì Tôn Dật Tiên sợ rằng nếu dùng từ liên bang sẽ bị hiểu lầm là đã công nhận các sứ quân miền Bắc. Tỉnh Hồ Nam được chọn làm thủ đô và Tôn Dật Tiên được bầu làm chủ tịch chính phủ lâm thời của cấu trúc chính trị dân chủ mới thành lập.
Thực tế “liên bang” trong thời kỳ phát triển của chủ nghĩa cộng sản
Khi chính quyền cộng sản được thiết lập tại Giang Tây (Jangxi) sau cuộc Vạn Lý Trường Chinh thì những người cộng sản đã sao chép y nguyên mẫu hình của Liên Bang Xô Viết. Theo kế hoạch của họ thì liên bang này sẽ gồm một số nền cộng hòa tự trị : Mông Cổ, Turkestan và Tây Tạng.
Nhưng khi cướp được toàn thể lãnh thổ Trung Hoa năm 1949 thỉ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được chia thành 6 vùng hành chánh bán độc lập. Tính bán độc lập này hoàn toàn chấm dứt vào năm 1954.
Trong thời gian gần đây, khi nền kinh tế Trung Hoa phát triển lẫy lừng, nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy rằng, trên thực tế, Trung Hoa đang trở thành một liên bang kinh tế trong đó những tỉnh thành và những địa phương, theo lệnh của trung ương, thi đua quyết liệt để đem lại những thành tích phát triển cao nhất. Các tỉnh và các địa phương nhiều khi còn có quyền hành nhiều hơn các định chế trung ương. Thực tế này, hiện nay, vẫn tồn tại ở nhiều địa phương và rất dễ quan sát.
Tương lai với Linh Bát Hiến Chương (Charter 2008)
Trong Linh Bát Hiến Chương mới được công bố gần đây, nhà đấu tranh nhân quyền Lưu Hiểu Ba đã lớn tiếng kêu gọi sự thành lập một Cộng Hòa Liên Bang Trung Hoa. Ông viết trong lời dẫn nhập của Linh Bát Hiến Chương :
“Một nước Trung Hoa Dân Chủ phải hành động bhư một nước lớn có trách nhiệm đóng góp cho hòa bình và phát triển của vùng Á Châu-Thái Bình Dương bằng cách tiếp cận sự công bằng và vô tư của các nước khác.
Tại Hong Kong và Macao, chúng ta phải yểm trợ những tự do đã cỏ sẵn. Về phần Đài Loan chúng ta phải cam kết tôn trọng những nguyên tắc về tự do dân chủ và thương lượng bình đẳng để đi đến thỏa thuận và tìm cho được một công thức thực hiện thống nhât trong hòa bình.
Chúng ta cũng tiếp cận các tranh cãi với các dân tộc thiểu số bằng những tư tưởng thoáng khoát ngõ hầu tìm ra một cách giải quyết những khó khăn để mọi nhóm dân tộc thiểu số chung quanh có thể cùng chúng ta thăng hoa và tiến bộ. Mục đích cuối cùng của chúng ta là sự thành lập một Liên Bang của các Cộng Đồng Dân Chủ Trung Hoa”.
Cuối năm 2010 Linh Bát Hiến Chương đã lấy được hơn 10.000 chữ ký cả trong lẫn ngoài nước.
Đề nghị của Tây Tạng về một Liên Bang Trung Hoa
Cộng Hòa Liên Bang Trung Hoa (Federal Republic of China) là một đề nghị của Phong Trào Độc Lập Tây Tạng. Yan Jiaqi, viết nhân danh chính phủ Tây Tạng như sau :
“Liên Bang đó sẽ gồm một số điểm của Liên Hiệp (Confederation). Liên Bang Trung Hoa như đề nghị sẽ gồm hai loại cộng hòa; mội loại cộng hòa lỏng lẻo (loose republics) như Đài Loan, Hong Kong, Macao, Tây Tạng, Nội Mông và Tân Cương; và một số cộng hòa chặt chẽ hơn (close republics) bao gồm phần còn lại của Trung Hoa”
Theo an Jiaqi thì những nền cộng hòa chặt chẽ sẽ có một cấu trúc giống Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, còn những nền cộng hòa lỏng lẻo thì sẽ tương tự như những nước thành phần của Liên Âu (European Union).
Một ý kiến về Hiệp Chúng Quốc Trung Hoa (United States of China)
Một ý kiến khác về hình thức liên bang được đưa ra vào năm 1920 bởi Chen Jiongming (Trần Quýnh Minh) (1). Mô hình này dựa theo đúng mô hình của Hiệp Chúng Quốc Mỹ.
Căn cứ trên những thực tế phức tạp về chính trị, xã hội, ngôn ngữ… của thời kỳ sứ quân, Trần Quýnh Minh nghĩ rằng mô hình này là mô hình duy nhất có thể áp dụng cho Trung Hoa Lục Địa để biến nước này thành một nền Cộng Hòa Dân Chủ. Ông muốn tổ chức Hiệp Chúng Quốc Trung Hoa giống hệt như Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ qua sự thương lựơng với tất cả các sứ quân trong nước. Quan hệ đối tác kinh tế nồng nàn giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đã có một thời gian làm gia tăng hy vọng dân chủ này. Tuy nhiên khi lịch sử của đất nước bước sang giai đoạn cộng sản thì mọi hy vọng đều chấm dứt.
Ngay sau khi Tưởng Giới Thạch chạy ra đảo Đài Loan, Mao trạch Đông đã sao chép như in mẫu hình của Liên Bang Xô Viết. Mẫu hình này và cách cai trị độc đoán của Mao đã giết hại mấy chục triệu người và đã nhận chìm hơn một tỷ người trong cảnh nghèo khổ cùng cực trong mấy thập kỷ liền.
Vào cuối thập niên 1980 người ta ghi nhận còn hơn 40 triệu dân Trung Hoa phải sống trong hang núi và 1/3 dân cư làng xã chỉ kiếm được khoàng 35 đô la/năm, nghĩa là bằng một bữa ăn tối trung bình của người dân New York (Hoa Kỳ). Tình trạng nghèo khổ này chỉ chấm dứt từ năm 1980, sau khi Đặng Tiểu Bình lên nắm chính quyền và thực hiện cải cách.
Nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” do Đặng đề xuất đã đóng góp rất nhiều vào tiến trình phát triển trong những năm gần đây. Theo nguyên tắc này, tất cả những vùng mới thu hồi độc lập như Hong Kong (1997), Macao (1999) và Đài Loan, tuy đều thuộc chủ quyền của Bắc Kinh nhưng vẫn có thể giữ lại chế độ tư bản mà họ ưa chuộng thêm 50 năm nữa. Riêng Đài Loan còn có thể giữ lại cả quân đội mà họ đang có trong tay.
Đưa ra nguyên tắc nói trên, Đặng Tiểu Bình đã hành động “nhất cử lưỡng tiện”, nghĩa là vừa thực hiện được thống nhất đất nước, vừa lợi dụng được sự hợp tác của những vùng đất có một chế độ chính trị khác biệt. Đặng đã khôn ngoan nhận ra rằng muốn thành công trong cải cách thì phải đi theo mấy con “tiểu long Châu Á” (Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Nam Hàn), vì Trung Hoa chính là một phần của vùng đất Á Châu đang trên đà phát triển này.
Bốn con “tiểu long Châu Á” đã giúp Trung Hoa phát triển theo, bằng cách đem vào Trung Hoa Lục Địa những xí nghiệp khao khát đất đai và nhân công rẻ mạt. Đi tìm nhân công rẻ, những xí nghiệp đó đồng thời cũng mang vào Trung Hoa những tương quan mậu dịch quốc tế và những kỹ thuật hiện đại của thế giới tư bản.
Kinh tế của Trung Hoa Lục Địa đã cất cánh và làm chấn động thế giới. Tại những vùng phát triển nhanh như những tỉnh miền duyên hải phía Đông, chủ nghĩa Mác Xít đã chết hẳn. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, vào lúc này, trông không khác gì một liên bang tư bản.
*
Tin tức kinh tế cho biết vào cuối năm 2014, GDP của Trung Hoa đã qua mặt GDP của Mỹ và đứng đầu thế giới. Với thành tích này Trung Hoa đã thực sự bước vào hàng ngũ những “nước lớn” của địa cầu. Thành tích này đạt được là nhờ cái đầu nguội và thông minh của Đặng Tiểu Bình, chứ không phải nhờ những chiến thắng của Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc.
Nếu Bắc Kinh muốn thu hồi lại những mảnh ̣đất bị các đế quốc Tây Phương xâu xé trong 200 năm trước thì trước tiên phải tuyệt đối tôn trọng luật pháp quốc tế, và thứ hai là phải theo gương của Hoa Kỳ dùng sức mạnh của dân chủ chứ không nên dùng sức mạnh của chiến tranh.
Sự dị ứng đối với mẫu hình dân chủ Tây Phương có nhiều lý do mà một trong những lý do đó là mặc cảm tự tôn Đại Hán, từ lâu đã ăn sâu vào đầu óc người Trung Hoa. Cho đến nay, đối với phần lớn các dân tộc trên thế giới, nền dân chủ phóng khoáng vẫn được coi như hình thức chính quyền tối hậu. Bằng chứng là từ ngày mà chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ, chưa thấy xuất hiện một hình thức chính quyền nào tốt hơn.
Sự khác biệt về văn hóa không ngăn cản sự xích lại gần nhau trong việc công nhận những giá trị phổ quát liên quan đến dân chủ. Chấp nhận không phải là vì Hoa Kỳ đã làm như thế mà vì hậu quả tốt do chúng đã mang lại.
Thế giới không có hai hệ giá trị văn hóa ngang hàng Tây Phương và Đông Phương. Nếu phải so sánh văn hóa Tây Phương với văn hóa Đông Phương thì chỉ có thể là sự so sánh giữa cái “hiện đại” và cái “lỗi thời”. Tây Phương với sức phát triển về mọi mặt tượng trưng cho cái “hiện đại”, còn Đông Phương với sự tụt hậu về mọi mặt tượng trưng cho cái “lỗi thời”. Bằng chứng dễ thấy nhất là các Giá Trị Á Châu đã tỏ ra bất tương hợp (incompatible) với các giá trị hiện đại của nhân loại như nhân quyền và dân chủ.
Tập Cận Bình đã trông thấy ở Đặng Tiểu Bình một vĩ nhân của thời đại và muốn đi theo con đường Đặng đã vạch ra. Lộ trình còn lại vào lúc này là phải tỉnh táo chọn cho Trung Hoa một hình thức “liên bang dân chủ” để dẫn dắt dân tộc hội nhập thế giới của nhân loại văn minh bằng con đường hoà bình không đổ máu.
Nguyễn Cao Quyền
Tháng 2 năm 2015
Chú thích
(1) Chen Jiongming ( Trần Quýnh Minh) : Sau cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 Trần Quýnh Minh, một đốc quân Trung Quốc, đánh chiếm Quảng Đông và biến vùng này thành một tỉnh độc lập với nhà Mãn Thanh. Rồi, Trần Quýnh Minh và Tôn Dật Tiên lập nước Cộng Hoà Quảng Đông. Ông không quan tâm đến việc giải phóng toàn thể Trung Hoa khỏi tay các sứ quân khác. Tôn Dật Tiên trái lại lúc nào cũng ôm mộng Bắc Phạt để thống nhất đất nước. Sự mâu thuẫn giữa hai người nảy sinh từ đó. Ngày 16/6/1922, Trần Quýnh Minh bất ngờ tấn công vào tư dinh của Tôn Dật Tiên và đốt phá thành bình địa. Tôn Dật Tiên và vợ là Tống Khánh Linh may mắn thoát chết trong gang tấc.